CHƯƠNG IV: KARMAPA ROLPE DORJE (1340-1383)
Trong thời kỳ mang thai, mẹ Rolpe Dorje thấy nhiều điềm lành trong giấc mơ, chứng tỏ sự ra đời của một bậc guru hóa thân. Ngày 8 tháng 3 năm con Rồng Kim (1340) Karma Rolpe Dorje sanh ra. Âm thanh của Lục Tự Đại Minh được nghe trên môi của em bé và một mùi hương kỳ diệu phát từ thân em.
Ngay từ nhỏ, Rolpe Dorje đã biểu lộ nhiều khả năng lạ lùng. Năm lên ba, đứa bé tuyên bố: “Tôi là Karma Pakshi. Nhiều đệ tử tôi hiện ở đây, và vì thế tôi đã đến.”
Đứa bé ngồi một cách tự nhiên tư thế của Phật A Di Đà và nói với mẹ rằng đây là tư thế nó đã ngồi khi còn trong bụng bà.
Năm lên sáu, khi được hỏi về những đời trước, đứa bé thần diệu này trả lời: “Tôi là Dusum Khyenpa và Karma Pakshi. Tôi đã đến Trung Quốc và bắt đầu làm dịu đạo quân Mông Cổ. Tôi là người trông chừng từ những đám mây. Vị Thầy Guru của tôi là Tánh Không và tôi chính là guru của anh. Hiện giờ tôi có ba hóa thân. Một ở với Bồ tát Ratnamati. Một ở trong thánh chúng của Phật A Súc Bệ, và tôi đây là thứ ba. Hiện giờ anh có thể nghi ngờ tôi, nhưng rất sớm điều này sẽ đến. Anh chính là đệ tử của tôi.”
Sau đó, một trong những thầy của Rolpe Dorje là Gon Gyalwa hỏi đứa bé về hóa thân của em như là Rangjung Dorje rằng: “Karmapa đã nói ngài sẽ sống cho đến tám mươi tư tuổi, nhưng ngài đã tịch vào năm năm mươi lăm tuổi. Tại sao thế?” Rolpe Dorje trả lời: “Ít người mộ đạo và cuộc sống họ rất xấu. Điều này gây trở ngại cho Rangjung Dorje và làm cho ngài không còn mong muốn ở lại.” Gon Gyalwa còn hỏi tại sao người ta thấy mặt ngài trên mặt trăng tròn vào đêm sau ngài tịch. Đứa bé trả lời: “Rangjung Dorje có lòng Từ Bi vô hạn và các đệ tử ngài có lòng mộ đạo vững chắc. Hai nguyên nhân này dung hợp với nhau và nảy sanh cái thấy sự xuất hiện của ngài trên mặt trăng.”
Đứa trẻ Rolpe Dorje có nhiều thị kiến tự nhiên, chúng chứng tỏ sự biểu lộ bẩm sinh khả năng tâm linh. Một lần bị bệnh cúm, ngài thiền định về Phật Dược Sư, hiện thân của y dược. Trong thiền định, ngài uống chén nước lưu ly mà đức Dược Sư trao cho ngài. Tức thời, ngài hết bệnh. Rolpe Dorje chứng nghiệm sự toàn khắp của Phật tánh thông suốt mọi hiện hữu. Người ta nói rằng ngài có thể thấy các Phật bộ (1) khác nhau trong chính mạch máu ngài và thấy cảnh giới chư Phật trong một nguyên tử. Trong một dịp, ngài hiện ra mười hình dáng khác nhau và nghe mười lời dạy khác nhau trong mười cõi giới khác nhau. Những kinh nghiệm này phản ảnh sự chứng ngộ của ngài về sự hiển lộ của Phật tánh trong mọi kinh nghiệm và hiện tượng.
Sự thức tỉnh của tâm Đại Bi nơi ngài biểu lộ trong một cái thấy rằng ngài xuống địa ngục trong hình thức của đức Quán Âm. Ở đó, ngài đến với những kẻ thống khổ vì tính hung bạo. Bằng một cơn mưa của lòng Đại Bi, ngài dập tắt ngọn lửa hận thù và lập lại sự an lành cho các tội nhân bị đày đọa.
Đứa trẻ Karmapa giống như con chim garuda, con chim huyền thoại vừa nở khỏi trứng đã hoàn toàn trưởng thành. Trong những giấc mơ, ngài đến viếng Uddiyana, xứ sở của các dakini, ở đấy Vajrayogini ban cho ngài các giáo pháp thâm sâu và nói với ngài rằng: “Tâm con là tâm vô sanh bản nhiên. Hãy để cho thiền định, quán tưởng và trì tụng sanh khởi. Hãy dâng lên những sự cầu nguyện và tormas. Hành trì pháp này trong tám ngày, con sẽ có năng lực tâm linh của Vajrayogini.”
Trong những giấc mơ khác, Rolpe Dorje du hành dến Potala. Ở đây ngài nhận được mạn đà la của đức Quán Thế Âm trong trạng thái nguyên bản tinh chất của nó, nó khiến cho ngài thực hiện được Đại Ấn.
Để biểu lộ các hiểu biết của ngài, ngài làm ra những bài ca diễn tả những cái thấy này. Năm lên chín ngài bắt đầu học giáo pháp của Kagyu và Nyingma. Người ta nói rằng suốt thời gian này ngài đã hoàn thành học vấn rất dễ dàng, rất ít nỗ lực, nhờ vào khả năng bẩm sinh.
Khi đến mười ba tuổi, ngài đến vùng trung Tây Tạng. Trên đường đi, ngài qua Dak Lha Gampo, ngôi chùa của Gam-popa, mà ngài thấy như một bảo tháp làm bằng ngọc báu, có chư Phật, Bồ tát và các thánh vây quanh. Ngài có làm một bài ca tán thán nơi chốn này để biểu lộ sự hoan hỷ của mình.
Ở chùa Phagmo Dru, Rolpe Dorje được đón tiếp bởi Tai-situ Changchub Gyalsen, người nắm quyền Tây Tạng. Ngài đi tiếp đến Tsurphu, tu viện chính của các Lạt ma Karmapa. Khi vừa đến, ngài có một linh kiến về Vajrayogini. Để chuẩn bị xuất gia, ngài nghiên cứu Luật tạng. Năm mười bốn tuổi, ngài được làm Sa di với Dondrup Pal Rinpoche. Ngài được ban pháp danh là Dharmakirti.
Dondrup Pal Rinpoche gợi ra nơi Karmapa một cảm giác về sự hưng vượng trong truyền thừa của Dusum Khyenpa. Trong thiền định, ngài thấy nhiều Dusum Khyenpa như sao trên trời. Theo điều này, sự thực hành tâm linh của ngài hướng đến A Di Đà, hiện thân của Vô Lượng Thọ. Ngài vào một nơi ẩn tu, nhờ đó ý nghĩa lời dạy của Phật A Di Đà trở nên hoàn toàn rõ ràng đối với ngài, vừa qua thiền định vừa qua các giấc mơ.
Sau đó, ngài mời vị học giả phái Nyingma là Gyalwa Yongtonpa đến viếng. Vị thầy này là người kế thế còn sống của dòng Karma Kagyu, nối tiếp ngài Rangjung Dorje. Vừa gặp Yongtonpa, một sự hiểu biết tự nhiên về mạn đà la “những vị thần hòa bình và hung nộ” khởi lên nơi ngài. Vị học giả già nói: “Tôi đã quá già nhưng Rangjung Dorje biểu lộ lòng tốt biết bao khi dạy tôi rằng tôi đã đến từ rất xa. Bây giờ xin hãy nói cho tôi ngài đã nhớ những điều gì từ những kiếp trước?”
Karmapa Rolpe Dorje trả lời rằng ngài không thể nhớ rõ ràng cuộc đời ngài như là Dusum Khyenpa và ngài chỉ nhớ một ít cuộc đời ngài như là Rangjung Dorje. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng ngài nhớ rất hoàn hảo cuộc đời ngài như là Karma Pakshi. Khi nghe điều này, Yongtonpa quá xúc động và lạy dưới chân người học trò nhỏ này.
Ngài nhận được một loạt những lời dạy tường tận, đặc biệt là của phái Kagyu và Nyingma từ Lạt ma Yongtonpa. Năm mười tám tuổi, ngài thọ giới Tỳ kheo với Trụ Trì Dondrup Pal Rinpoche. Cũng trong năm đó, ngài gặp vị Lạt ma nổi tiếng của phái Sakya là Sonam Gyaltsen, từ vị này ngài nhận được sự truyền thọ về đức Quán Thế Âm màu đỏ. Khi các vị gặp nhau, mỗi vị đều nhận ra thẩm quyền về tâm linh của vị kia.
Năm tiếp theo, vua Mông Cổ là Toghon Temur, ông này đang lo lắng làm sao tái lập quan hệ với các hậu thân Karmapa, mời Rolpe Dorje đến triều đình. Tuy nhiên, lúc đó Karmapa đang đi một vòng khắp Tây Tạng để dạy pháp nên không thể đi. Khi ngài trở về Tsurphu, vua Toghon Temur mời lần thứ hai, trong bức thơ viết:
“Tôi là hoàng đế, bâïc thiên tử. Tôi nghe rằng ngài Karmapa Rolpe Dorje đã tái sanh vì tất cả chúng tôi và ngài đang ở Tsurphu. Với lòng kính trọng sâu xa, tôi yêu cầu ngài nhớ lại những việc làm trong kiếp trước. Hiện giờ là thời suy đồi, rất nhiều thống khổ. Xin hãy quan sát những thống khổ này cũng như thiện tánh bẩm sinh của dân chúng. Xin hãy ban cho chúng tôi cam lồ pháp vị cho chúng tôi được vui mừng. Hiện giờ nhiều người đang sống trong con đường lầm lẫn, xin hãy chỉ cho họ con đường chân chánh. Xin ngài hãy rời quê hương. Đừng thấy những khó nhọc của một cuộc hành trình cũng như sức khỏe của ngài mà xin hãy đến gấp. Đức Phật chính Ngài cũng không nghĩ đến sự gian khổ khi muốn lợi lạc cho chúng sanh. Xin hãy đến ngay. Khi ngài đến, cả hai chúng ta phải khuyến khích sự phát triển của Phật pháp và sự thịnh vượng của dân chúng. Xin hãy nghe tôi, ngài Lạt ma Rolpe Dorje vĩ đại. Như một món quà, tôi gởi đến ngài một nén vàng, ba nén bạc và mười tám cuộn gấm lụa. Gởi từ Tai-ya Tu, cung thành của hoàng đế, vào ngày 10 tháng 10 năm con Khỉ Thổ.”
Karmapa bắt đầu cuộc hành trình dài và gian khổ đến Bắc kinh vào tháng 9 năm con Chó Thổ, lúc ngài mười chín tuổi. Ngài dùng nhiều thời giờ trong cuộc hành trình để sáng tác các luận văn. Khi đoàn đến Shawo, sứ giả Mông Cổ gợi ý rằng có thể lấy ngựa mới và các người khuân vác từ dân địa phương. Tuy nhiên, ngài trả lời: “Xin đừng đòi hỏi dân chúng cái gì hết. Tôi sẽ gởi đến và cung cấp cho tất cả. Không nên làm nặng nhọc cho dân.” Mặc dầu vậy, dân chúng vẫn đáp ứng với sự quan tâm đầy từ bi của ngài và nhiều đồ cúng dường được tặng cho ngài. Ngài dạy dân chúng về Bất Hại và sự phát triển lòng từ bi. Với người đã thực hành thiền định, ngài giải thích về Đại Ấn và Sáu giáo pháp. Thời gian này, chính ngài cũng đạt đến sự thành tựu Ati Yoga, cái tối cao trong giáo pháp của Nyingma.
Dừng lại ở Ngũ Đài Sơn, ngài hành hương lên các đỉnh núi của đức Văn Thù. Ở đây ngài gặp năm vị yogin Ấn Độ, họ tặng ngài một tượng Phật được khắc bởi Bồ tát Long Thọ. Trong thời gian này, ngài làm một tập tán ca cúng dường đức Văn Thù.
Tiếp tục đi, Karmapa được mời viếng thăm lãnh thổ của hoàng tử Sangha Sri. Ngài có một giảng khóa ngắn cho cả triều đình và thường dân. Ngài cũng giúp dân địa phương chấm dứt nạn xâm lăng của châu chấu đang đe dọa hủy diệt mùa màng. Qua nhiều vương quốc nhỏ, ngài làm dịu những thù hận và làm chứng cho sự ký kết nhiều hòa ước. Ngài đã bỏ ra phần lớn của cải để đem lại hòa bình và lập nhiều chùa. Trong các hoạt động chánh pháp vào thời gian này, Rolpe Dorje được hộ trì bởi Yamantaka, hiện thân của tính bất khả hoại của Phật tánh. Yamantaka cởi mở những chướng ngại ngăn chận công trình từ bi của ngài. Ngài thu phục các thần của lãnh thổ và bằng cách ấy chuyển hướng vùng đất vào trong giáo pháp Kagyu.
Một biến cố đáng ghi nhận khác từ chuyến du hành là sự viếng thăm của ngài đến ngôi chùa nổi tiếng về huyền thuật của Sakya Pandita. Ở Minyak, Karmapa giảng pháp và dàn xếp một sự xin lỗi cho vị lãnh chúa đã nổi loạn chống lại vị Khan. Sự có mặt của ngài đã thấm nhiễm vào dân chúng một sự tôn trọng vào lối sống bất hại.
Cuối cùng ngày 18 tháng 12 năm con Chuột Kim, đoàn đến triều đình Tai-ya Tu, ở đó ngài được vua và hoàng hậu khoản đãi. Đầy hạnh phúc, hoàng hậu sanh ra một đứa bé tên là Maitripala, trong cùng tháng ấy. Mối thâm giao của nhà vua với pháp Kagyu là rõ ràng và thành tâm, bởi thế Karmapa có thể dạy ông về ba cột trụ chính của giáo pháp Kagyu, tức là Vajragogini, Sáu giáo pháp của Naropa và Đại Ấn của Tilopa. Rolpe Dorje cũng dạy cho những đứa trẻ hoàng gia một căn bản Phật pháp. Ngài cũng dạy cho dân chúng Trung Hoa, Mông Cổ và các dân tộc thiểu số về tôn giáo và bất hại. Như một sự cúng dường cho vị guru của mình, nhà vua thả hết tù nhân và miễn cho các vị sư khỏi những nghi lễ triều đình. Suốt thời gian ở lại Trung Hoa, hoạt động từ bi của ngài còn mở rộng đến việc chữa bệnh và hóa giải các thiên tai.
Sau ba năm làm việc ở Trung Hoa, trong một giấc mơ, ngài được phát hiện cho rằng cuộc đời đức vua sắp chấm dứt. Điều này khiến ngài quyết định trở về Tây Tạng. Toghon Temur chấn động bởi tin này và cầu xin vị guru ở lại, nói rằng: “Trước khi ngài đến đây mọi thứ đều đắt đỏ. Bây giờ thứ gì cũng dễ dàng có. Xin ngài ở lại đây để chúng ta có thể hoằng dương giáo pháp như Kublai Khan và Sakya Phakpa. Xin hãy suy nghĩ kỹ càng. Mọi đối lực với nhà vua giờ đây đã hòa dịu. Tôi đã có thêm một đứa con. Ngài là một vị thầy đem lại may mắn.”
Rolpe Dorje trả lời: “Chính tôi cũng không có đủ trí huệ. Tốt hơn là chúng ta hãy ngưng đòi hỏi thêm. Điều mà tôi có thể làm là ban điều lành cho hoàng gia bằng cách cầu ơn Tam Bảo và dạy dỗ họ. Mọi lời của tôi đã được viết ra. Bây giờ tôi phải trở lại Tây Tạng. Người tu hành thì phải đi đến bất kỳ nơi nào họ có thể làm lợi lạc cho chúng sanh. Tốt hơn hết là không ràng buộc với bất kỳ quốc gia nào.” Nhà vua miễn cưỡng để cho ngài ra đi.
Karmapa khởi hành vào tháng giêng năm con Cọp Mộc. Hành trình lại được dành cho sự lợi lạc của cư dân nhiều vùng ngài đã đi qua. Cùng với Lạt ma Lhachen Sonam Solo của phái Sakya, ngài cứu nhiều tội đồ. Rồi ngài đi qua vùng Minyak ở đó ngài xây dựng một tu viện mới ở Kora và hoằng pháp.
Thời biểu hành trình xoay vòng với thiền định, dạy dỗ và công việc lợi ích. Mọi thứ cúng dường cho ngài, ngài đều cho lại người cần dùng hay để xây chùa. Khi đoàn đến Kongjo đông bắc Tây Tạng, một bệnh dịch đậu mùa đang hoành hành. Vào đêm khi ngài tới, người dân nói rằng họ nghe những tiếng động trên rui, kèo nhà. Sáng hôm sau, ngài nói rằng ngài đã chấm dứt bệnh dịch bằng cách biến thành một con chim Garuda để tiêu diệt những sự mất cân bằng đã phát sanh bệnh đậu mùa. Karmapa ngạc nhiên khi nghe người dân nói họ nghe tiếng động của con chim Garuda, ngài nói thật ra đó chỉ là sự hoạt động của tâm không chấp tướng.
Từ trước, ngài đã từng thích thú thơ ca Ấn Độ. Ở Kongjo ngài mơ thấy Sarasvati, vị phối ngẫu tượng trưng của đức Văn Thù và là hiện thân của năng lực nghệ thuật, hiện ra với ngài. Sarasvati đưa cho ngài một tô váng sữa và bảo ngài uống. Sáng hôm sau giấc mơ này Rolpe Dorje khám phá ra ngài có một khả năng mới để hiểu thơ ca.
Đến vùng Tsongkha gần hồ Kokonor, đoàn của Karmapa được tiếp đón trọng thể bởi chính quyền địa phương. Ngài ban cho các lời chỉ giáo và giúp đỡ nhân dân địa phương. Ở hồ Kokonor, ngài làm tập luận Chuyển đổi các tà kiến. Chính ở vùng này mà ngài gặp đứa trẻ tiền định có một ảnh hưởng sâu xa đến Phật giáo về sau là Tsongkhapa. Ngài thọ ngũ giới cho em bé với pháp danh là Kunga Nyingpo. Ngài tiên tri về đứa trẻ này như sau: “Đây là một đứa bé thánh, nó sẽ là lợi lạc lớn lao cho dân chúng. Thật vậy, chú bé giống như một đức Phật thứ hai đến Tây Tạng.”
Vào thời này Công chúa Punyadhari của Minyak, một đệ tử của ngài, mơ thấy một tấm thangka khổng lồ vẽ đức Phật Thích Ca, mặt ngài rộng khoảng mười một sải tay. Nghe chuyện, ngài tìm cách thực hiện điều này. Ngài cỡi ngựa vẽ hình ảnh này bằng các dấu chân ngựa. Hình ảnh trên đất thật hoàn hảo. Rồi nó được chuyển qua một tấm lụa khổng lồ. Phải cần đến năm trăm người trong mười ba tháng để hoàn thành tấm thangka, nó cũng miêu tả đức Văn Thù và đức Di Lặc ở hai bên đức Phật Thích Ca. Sau đó, tấm lụa được ban phước bởi Rolpe Dorje. Trong suốt buổi lễ, các dấu hiệu lành xảy ra. Sau đó, công chúa Punyadhari cúng tấm thangka cho vị guru của mình. Về sau, công chúa hỏi ý kiến ngài khi lãnh thổ sắp bị quân Mông Cổ xâm chiếm. Rolpe Dorje, người có cái dũng hoàn toàn của tâm bất bạo động, cầu nguyện năng lực của Trí và Bi, và đội quân xâm lăng liền rút khỏi vùng. Dân chúng rất mừng rỡ. Ngài ở lại trong ba tháng, suốt thời gian đó bầu không khí thấm đẫm bởi lòng từ ái và thiện tâm giữa loài người và vạn vật.
Hoạt động mạnh mẽ của ngài trong cả hai lãnh vực Phật pháp và phúc lợi xã hội đã làm một vài nơi khác ghen tức. Những mưu mô đã được tạo ra để cản trở ngài, nhưng chúng đều vô nghĩa. Karmapa theo chế độ ăn uống chặt chẽ khi ở lều trại cũng như ở trong tu viện. Từ khi thức dậy đến chín giờ sáng, ngài có những thực hành tâm linh. Từ đó đến trưa, ngài dạy pháp. Vào buổi trưa, ngài lễ bái và thiền hành. Suốt chiều, ngài thiền định về Quán Thế Âm, đến tối ngài nghiên cứu hay trước tác kinh luận. Đêm của ngài trôi qua trong sự thực hành Yoga Giấc mộng. Ngài ăn chay và xem đây là chế độ căn bản nơi lều trại của mình. Dầu bao quanh bởi mưu đồ và nói xấu, ngài vẫn không hề hấn và thản nhiên. Trái với nhiều vị tu hành nổi tiếng, ngài tỏ ra không thích thú lắm với các đại thí chủ, mà dành sự thích thú này cho các thiền giả. Bất cứ nơi đâu ngài đến, ngài đều làm việc hết mình cho sự lợi lạc của người khác trong bất kỳ cách thế nào có thể được, từ chuyện xây cầu cho tới việc dạy môn siêu hình học. Nghề nghiệp ngài biểu lộ những đặc tính của một vị Bồ tát thực sự và sự thiện xảo bậc thầy về mọi khía cạnh giáo lý của đức Phật.
Khi đoàn đến tỉnh Nangchen, sức khoẻ ngài xuống thấp. Tuy nhiên, ngài thông báo cho mọi người rằng ngài chưa đến thời để tịch. Ngài còn nói ngài sẽ tịch ở một vùng trống rộng có nhiều hươu nai và ngựa hoang. “Nếu tôi lâm bịnh ở một vùng như thế, tôi sẽ tịch. Bởi thế, chớ để mất cuốn sách nào của tôi.” Đoàn đến tự viện Karma Gon, ở đây ngài chỉ dạy cho các vị sư.
Karmapa yêu cầu các đệ tử đem theo ít gỗ đỗ tùng trong giai đoạn sau của cuộc hành trình. Ngài nói rằng ở Trung Hoa có tục lệ dùng gỗ trầm để hỏa táng các con người đáng kính trọng, nhưng vì Tây Tạng không có loại gỗ này, nên phải dùng gỗ đỗ tùng. Khi đoàn đến Nakchu, một vị sư làm tay ngài bị gãy. Điều này được xem như là rất xấu.
Trong thời gian này, Rolpe Dorje nói với các đệ tử và tùy tùng về sự hiểm nghèo của sanh tử và sự bất lực phổ biến của con người đối với đường đạo. Ngài nói: “Tốt nhất phải chỉ bày bản chất đích thực của sanh tử luân hồi, trong đó tất cả đều vô thường.” Một đệ tử là Rekawa nghĩ rằng Karmapa ám chỉ đến sự từ bỏ thế gian của ngài và xin ngài chớ vội ra đi. Thế mà mọi người khác trong lều trại đều cười Rekawa.
Rồi đoàn đến dựng trại trên những bình nguyên bằng phẳng của miền bắc Tây Tạng. Những điềm xấu được nhìn thấy trong khu trại và chính Karmapa bình luận bóng gió về chúng. Vào đêm trăng tròn tháng 7 năm con Heo Cái Thủy, Rolpe Dorje trở bệnh. Ngài nhìn chăm vào không gian và trì tụng “Lời nguyện Phổ Hiền.” (2) Thế rồi ngài thiền định cho đến trước lúc bình minh, khi ngài ra đi. Giờ phút ngài ra đi xảy ra những hiện tượng trời đất lạ lùng, cho người ta biết các daka và dakini đón chào Rolpe Dorje. Nhiều người ở khắp Tây Tạng đã từng có một tương giao cá nhân với ngài, đã nhìn thấy ngài trong những biểu lộ khác nhau cùng một thời gian này.
Tro và xá lợi của Rolpe Dorje được đưa đến tu viện Tsurphu và được thờ như thánh tích.
Các đệ tử chính của Karmapa Rolpe Dorje là Shamar Kachod Wangpo, Drigung Chokyi Drakpa và Lobzang Drakpa Tsongkhapa.