CHƯƠNG XV: KARMAPA KHAKHYAB DORJE (1871-1922)
Karmapa thứ mười lăm, KHAKHYAB DORJE, sanh ra ở Shelkar tỉnh Tsang năm con Cừu Kim (1871). Em bé có một sợi lông trắng mọc giữa hai chân mày, giống như sợi lông của đức Thích Ca khi sanh ra. Khakhyab Dorje tỏ ra rất thông minh và khi lên bốn tuổi, em đã làm các bài kệ tụng.
Năm lên sáu, đứa bé được công nhận là hậu thân của Karmapa, phù hợp với các chi tiết trong lá thư báo trước của Karmapa thứ mười bốn. Em được chính thức công nhận bởi Kongtrul Lodro Thaye, Jamyang Khyentse và Drukchen Minjur Wangkyi Gyalpo và được đội vương miện trong một lễ “lên ngai vàng” ở Tsurphu. Ngài cũng được Drukchen Rinpoche cho thí phát tập sự tu.
Khakhyab Dorje là một học trò cần mẫn. Ngay khi còn rất nhỏ, ngài đã được dạy Căn bản Đại thừa, luận lý, chiêm tinh. Năm lên tám, ngài dựng một bàn thờ Mahakala và làm một bài tụng cầu nguyện vị hộ pháp.
Năm 1881, Karmapa và các vị thân cận thăm viếng Đạt Lai Lạt Ma thứ mười ba Thubten Gyaltsho và triều đình của ngài. Trở về Tsurphu, ngài bắt đầu học với vị trụ trì đại học giả chùa Palpung là Khanchen Tashi Ozer, từ vị này ngài nhận sự truyền thọ toàn bộ Tam tạng. Ngài cùng học với Pawo Rinpoche thứ chín, vị này dạy ngài sáu bộ sách Terma của Rigdzin Jatson Nyingpo.
Năm 1886, Khakhyab Dorje đến diện kiến Kongtrul Rinpoche ở chùa Palpung. Vị học giả cao tuổi ban cho ngài các lễ truyền pháp và kinh điển về “Năm kho tàng giáo pháp” do chính mình trước tác. Bộ này chứa đựng trên một trăm bộ sách, ghi chú và giải thích bởi Kongtrul Lodro Thaye. Nó trình bày lý thuyết và thực hành các truyền thống lớn và nhỏ từ tổng quan Rime và có một ảnh hưởng sâu rộng đến sự truyền bá chánh pháp. Kongtrul Rinpoche cũng trao truyền cho Kha-khyab Dorje Bồ tát nguyện và các lễ thọ pháp và giáo huấn về Kalacakra.
Từ Palpung, Karmapa và đoàn du hành đến Dzongsar, một ngôi chùa lớn của phái Sakya, nơi đây ngài thọ nhận giáo huấn của Jamyang Khyentse Rinpoche. Thời gian này trí nhớ về các đời quá khứ lại thức dậy trong ngài, và ngài làm các bài thơ nói về sự tu hành của một vị Bồ tát. Khoảng sau đó, ngài viếng bản doanh nổi tiếng của phái Drukpa Kagyu ở Sang Ngag Choling. Ngài công nhận hậu thân mới của Drukchen và ban cho Năm giới.
Năm 1888, Khakhyab Dorje trở lại học với Kongtrul Rinpoche. Nội dung sự học của ngài gồm Sanskrit, chiêm tinh, y học, nghệ thuật, Trung Quán luận, Bát nhã ba la mật, Luật tạng, A tỳ đạt ma và Năm pháp của Maitreya. Sau đó, ngài thăm lại tu viện Dzongsar, ở đây ngài nhận các lễ thọ pháp về “các Sadhana được kết tập” của truyền thống Sakya từ Khyentse Rinpoche. Sau khi trở về Palpung, Kongtrul Rinpoche ban cho ngài các giáo huấn truyền thống Shanpa Kagyu. Suốt thời gian này, ngài nghiên cứu suốt ngày đến đêm.
Năm 1890, Karmapa công nhận và đưa lên ngôi vị Situ Rinpoche thứ bảy là Padma Wangchuk Gyalpo. Ngài cũng lại viếng Sang Ngag Choling, Lhasa và Samye và nơi hành hương xứ Tsari ở đó ngài khám phá ra vài kho tàng văn bản và được bảo vệ bởi các daka và dakini.
Khi trở lại Tsurphu, ngài lập ra một khóa học mới và trùng tu chánh điện. Ngài cũng dựng một chùa mới ở Lhasa để thờ “Năm sư tỷ của sự trường thọ”. (1) Chùa này được sự hồi hướng cho sự an bình và thịnh vượng của Tây Tạng và toàn thể thế giới, theo yêu cầu của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Sau đó không lâu, Karmapa trở về với vị guru của mình là Kongtrul Rinpoche, ở chùa Palpung và nhận được các lễ truyền pháp, giáo huấn và kinh điển về giáo trình của Lạt ma Gongdu. Trở lại Tsurphu, Khakhyab Dorje vẽ các mẫu trang hoàng và trang phục cho các lễ múa Hộ pháp Kim Cương-áo-choàng-đen. Ngài cũng ủy nhiệm cho “Kho tàng Pháp bảo” gồm sáu mươi ba bộ của Kongtrul Rinpoche và tác phẩm của chính ngài, các tụ góp toàn bộ độc nhất về công trình của các học giả Kagyu được phát hành ra ngoài xứ Tây Tạng.