LỜI GIỚI THIỆU
Chúng ta ai cũng có những phút giây trong đời say đắm trước một vẻ đẹp hay bị cuốn vào một việc nào đó đến nỗi quên cả thời gian lẫn không gian. Những khoảnh khắc chói lòa ấy là báu vật, là những biến đổi đột ngột sang một dạng tồn tại khác - nơi mà những ưu tư, phiền muộn ngày qua ngày vơi đi, nơi mà bằng cách nào đó, chúng ta thoát khỏi những gánh nặng thường ngày.
Các nhà tâm lý học đã nghiên cứu trạng thái đó dưới cái tên
dòng tư tưởng (flow), một từ dùng để chỉ cho trạng thái lưu chuyển của tư tưởng mà con người trải qua vào giây phút đó. Dưới góc độ phân tích về cảm xúc của con người, dòng tư tưởng lên đến tuyệt đỉnh khi chúng ta ở trong trạng thái tốt nhất: khi tâm chúng ta an bình. Những trạng thái này không thể có được từ thói quen hay do ta thiết lập, chúng là những món quà ta được ban tặng.
Món quà ấy thực chất chính là một tâm thức cùng với một trái tim an bình. Các phát hiện khoa học về mối liên hệ giữa tâm trí và cơ thể đã khởi sắc trong những năm gần đây. Ngày càng có nhiều bằng chứng (cho những ai cần đến) cho thấy việc đi vào những trạng thái cực điểm đó khiến cho sức khỏe thể chất được tăng cường. Giờ đây người ta gần như không còn nghi ngờ rằng tâm trạng tích cực sẽ thúc đẩy sức đề kháng của hệ miễn dịch đối với vi-rút, vi trùng và làm giảm nguy cơ về tim mạch.
Chắc chắn rằng những may rủi trong đời - di truyền học hay áp lực, v.v… - đều đóng vai trò trong sự mẫn cảm của chúng ta. Nhưng một yếu tố có hại cho sức khỏe mà chúng ta phải hoàn toàn kiểm soát được chính là trạng thái tâm mình.
Tuy nhiên, nền y học hiện đại - với kho máy móc và dược phẩm dị thường - không thể cho chúng ta biết làm thế nào để đặt mình vào các trạng thái tinh thần dường như có những lợi ích tuyệt đối về sức khỏe. May mắn thay, có những phương pháp chữa lành khác đã vạch rõ con đường đó.
Trong cuốn sách này, Ngài Tulku Thondup đã tổng hợp các phương pháp từ truyền thống Tây Tạng mà Ngài thấy chúng đưa đến sự an bình nội tâm. Ngài đã đi xa hơn một bước so với cuốn
Năng lực chữa lành của tâm. Cuốn sách này đề cập chi tiết một hệ thống bao quát các bài thực hành để tu tập sự bình an của tâm và tạo điều kiện cho chúng ta có được một thể chất tốt. Những phương pháp này dựa trên các bài tập Tây Tạng cổ xưa, cho phép chúng ta cùng nhau chia sẻ con đường rèn luyện tâm trí để khai thác năng lực chữa lành của riêng nó.
Ngài chỉ ra rằng ngay cả khi y học hiện đại tiếp tục phát triển, chúng ta ở phương Tây cũng có quyền tiếp cận kiến thức cổ xưa và những phương cách để chữa lành thân tâm. Tại sao chúng ta lại không sử dụng cả hai?
Daniel Goleman
LỜI CẢM TẠ
Tôi xin kính tri ân đến Ngài Dodrupchen Rinpoche đệ tam cùng bài viết quý giá của Ngài là
Chuyển hóa hạnh phúc và khổ đau thành con đường giác ngộ; đến các bậc đạo sư giác ngộ và những người bạn ân cần chu đáo; đến cha mẹ kính yêu và các bậc tiền bối; và đến tất cả những người đã chia sẻ nguồn trí tuệ, nguồn cảm hứng cũng như những câu chuyện cho cuốn sách này.
Cuốn sách sẽ không thể hoàn thành nếu thiếu mọi người. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến Harold Talbortt với trí tuệ và sự cống hiến không bao giờ cạn trong việc biên tập cuốn sách này; đến Robert Garrett với sự tinh thông trong việc giúp cho những tinh túy trong giáo lý được tỏa sáng qua những ngôn từ đẹp đẽ; và cũng xin cảm tạ Lydia G.Segal đã đưa tôi đến với thiền trong nhiều năm để chắt lọc những kinh nghiệm của chính mình về những bài thiền tập.
Tôi biết ơn Daniel Goleman đã viết lời giới thiệu cho cuốn sách, đã nối kết tư tưởng Đông phương và Tây phương về sức khỏe của thân và tâm. Tôi muốn gửi lời tri ân đến Ian Bald- win đã cho tôi những chỉ dẫn vô giá trong lĩnh vực biên tập và xuất bản; đến Jonathan Miller với những ý kiến vô giá; đến David Dvore với kỹ năng vi tính thành thạo; đến Susanne Mrozik và Madeline Nold đã kiểm tra lại bản dịch thần chú Dược sư; đến Victor và Ruby Lam đã dành cho tôi căn hộ để công việc được thuận tiện hơn.
Tôi đặc biệt biết ơn Michael Baldwin đã một tay giữ cho những dự án học thuật của tôi tỏa sáng và tôi cũng cảm tạ các thành viên và người bảo trợ của Hội Buddhayana thuộc Marion, bang Massachusetts đã hào phóng tài trợ cho những nghiên cứu và tác phẩm của tôi được khởi sắc trong suốt 20 năm qua.
Tôi rất cảm kích Acharya Samuel Bercholz và các nhân viên của Nhà xuất bản Shambhala đã tin tưởng và chăm chút cuốn sách của tôi; cũng xin gửi lời cảm ơn đến Susan J. Cohan với kỹ năng biên tập tỉ mỉ; và đến Kendra Crossen Burroughs với những hướng dẫn sâu sắc của cô.
Bất cứ điều tốt đẹp nào đến từ cuốn sách đều là kết quả của giáo lý nhà Phật quý giá. Tôi gieo trồng chúng như gieo hạt và chúng sẽ chữa lành nỗi thất vọng của mọi chúng sinh. Bất kỳ sai sót nào xảy ra cũng đều phản ánh cái tâm vô minh của tôi, và tôi cầu sự tha thứ của chư Phật, các bậc đạo sư và tất cả những độc giả từ bi của tôi.
Tulku Thondup
DẪN NHẬP
Kể từ khi cuốn sách
Năng lực chữa lành của tâm (NXB Shambhala, 1996) được xuất bản, tôi đã đến rất nhiều nơi ở Bắc Mĩ và châu Âu. Trong suốt những chuyến đi đó, tôi đã giảng về nguyên tắc chữa lành trong cuốn sách và hướng dẫn thiền định để chữa bệnh. Tôi cũng nhận được rất nhiều lá thư bày tỏ lòng cảm kích cũng như ý kiến từ phía các độc giả đến từ nhiều hoàn cảnh, trình độ khác nhau.
Thật là một trải nghiệm thú vị khi đi ra thế giới sau khi xuất bản cuốn sách, đặc biệt là đối với những ai có cùng hoàn cảnh như tôi. Cho đến năm 18 tuổi, ngôi nhà của tôi là Tu viện Dodrupchen, nằm trong một thung lũng hẻo lánh ở phía đông Tây Tạng, có núi non hùng vĩ bao quanh, nơi thời khóa tu học và cầu kinh hàng ngày được quá trình đến và đi của hai vầng nhật nguyệt trên trời quy định. Tôi nhớ hồi tôi lớn lên, Tây Tạng là một nơi không chịu ảnh hưởng của thời gian, một nơi thuộc về tôn giáo, xa lánh những lôi cuốn của thế giới hiện đại.
Theo một cách nào đó, cuộc sống mà tôi có trong nhiều thập kỷ ở Hoa Kỳ không khác cuộc sống tu viện là mấy. Ở nhà tôi, trong một căn hộ giản dị nhưng dễ chịu tại một thành phố lớn, bao quanh tôi là những bộ kinh sách và hình Phật giáo, tỏa sáng như các cổ vật sống động của chân lý vượt thời gian. Phần lớn công việc của tôi là trọn đời làm một hành giả, một dịch giả Phật giáo, dịch các bản văn cổ để ánh sáng trí tuệ của kinh điển có thể bén lửa với Anh ngữ cũng như các ngôn ngữ khác của thế giới phương Tây. Tôi dành nhiều thời gian một mình tu học kinh điển và thiền định mặc dù tôi may mắn có được nhiều người bạn ở đất nước mà tôi sống. Trong những năm qua, rất nhiều người đã tìm đến tôi để xin lời khuyên về những tranh đấu trong đời sống của họ. Đây là lý do tại sao 5 năm về trước, tôi đã viết cuốn sách đầu tiên về năng lực chữa lành của tâm để nói về việc bằng cách nào chúng ta có thể giúp bản thân trong cuộc sống hàng ngày.
Sau khi cuốn sách được xuất bản, tôi đột nhiên ra khỏi căn hộ thoải mái hình tổ ong của mình và gặp gỡ những người đến từ khắp nơi ở phương Tây. Tất cả những cuộc gặp gỡ trong những năm qua đã khẳng định niềm tin của tôi: chúng ta cần được khuyến khích cách sống ra sao. Có lẽ chúng ta bắt đầu quan tâm đến thiền định, đọc một cuốn sách hay tham dự một lớp thiền, hoặc có lẽ chúng ta đã đi theo một con đường tâm linh trong nhiều năm. Dù sao, là con người, chúng ta luôn có thể nhận được giúp đỡ nhiều hơn nữa. Chúng ta cần một người chỉ ra chân lý để dẫn lối cho mình. Chúng ta cần phải chăm sóc tốt bản thân và học cách làm thế nào để có nhiều động lực hơn và có thái độ tích cực hơn.
Đa phần những người tham gia các buổi thiền của tôi cởi mở với thiền định một cách đáng ngạc nhiên, điều này mang đến cho họ toàn bộ sự tập trung và năng lượng. Thậm chí đối với những người mới thiền hoặc người phải đối mặt với những vấn đề trầm trọng, vì họ rất tận tâm nên thiền định rất có hiệu quả và trở nên thú vị đối với họ.
Một số người mới đến với thiền tỏ vẻ lo lắng không biết làm thế nào có thể ngồi trong vòng hai hoặc ba giờ đồng hồ được, nhưng sau đó lại kinh ngạc khi nhận ra buổi tập đã kết thúc. Một số trải qua cảm giác bao la và sáng sủa, một kẽ nứt trong sự giam hãm thường ngày của họ. Sau một thời gian, một số cảm nhận được tình yêu và sự cởi mở, nơi có thể không còn dung chứa niềm oán giận, lo lắng, ghét bỏ hay hận thù. Một số cảm thấy bình an và khỏe khoắn, nơi không có chỗ cho sự bám chấp, tham ái hay ganh tị. Những người khác lại cảm thấy không có vấn đề gì quan trọng cả. Ngay cả bệnh tật dường như cũng không quan trọng - nó chỉ là một thứ nhỏ bé đang trôi đi trong không gian vô tận, giống như những đám mây trên bầu trời vậy.
Trong hầu hết các buổi tập, có những người nhẹ nhàng, không gắng đòi hỏi bản thân vì nhận ra rằng cố gắng thiền định sẽ dấy khởi một sự kháng cự mạnh mẽ. Số khác có vẻ vật lộn nhưng ở lại với nó và rồi cũng ổn. Dẫu vậy, có những người ban đầu có vẻ ổn nhưng vì không thừa nhận và đánh giá đúng những cảm xúc tích cực nên mất đi phần lớn lợi ích.
Nhiều người dường như không thu được kết quả gì vì họ chưa sẵn sàng mở lòng. Không gì có thể thâm nhập được vào các vấn đề của họ. Chúng kiên cố như thể làm từ những bức tường cứng nhắc bằng cảm xúc. Thật ngạc nhiên khi một vài người được gọi là thiền giả thuần thục lại không đạt được lợi ích mấy từ các bài thiền định chữa lành vì họ quá chấp chặt vào những phán đoán của bản thân về cách tiếp cận cụ thể hay về thiền định. Họ có vẻ chấp chặt vào thái độ tự mãn và bất an.
Một trong những điều khiến tôi hài lòng nhất mà tôi phát hiện từ phản ứng đối với cuốn sách đầu tiên là bất kỳ người nào mở rộng trái tim đều đạt được lợi ích, cho dù họ là người theo Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Do Thái hay không theo một tôn giáo nào. Một vài người trải qua một chương trình luyện tập 12 bước để chữa nghiện tỏ ra rất hạnh phúc khi thấy cuốn sách có thể là một nguồn hướng dẫn mà không đòi hỏi một niềm tin hay sự gắn bó với một tôn giáo nào. Thêm vào đó, đạo Phật khuyên răn chúng ta hãy giữ chánh niệm vào giây phút hiện tại để loại bỏ những mối ưu tư về quá khứ và tương lai. Chúng ta tìm thấy điều tương tự trong nguyên tắc 12 bước của việc sống từng ngày.
Cũng như cuốn sách đã ra đời trước đó, cuốn sách hiện tại bạn đang cầm trên tay được viết ra với mục đích làm lợi cho tất cả mọi người dù bạn xuất thân ra sao. Bạn không cần phải thực hành một tôn giáo được chỉ định dưới cái tên của Phật giáo để tìm kiếm sự an bình và hạnh phúc hay thậm chí là giác ngộ. Trí tuệ và lòng từ bi hiện diện ở khắp nơi và có thể chiếu sáng trái tim của bất kì chúng sinh nào, kể cả trái tim của thú vật, như những câu chuyện trong Kinh Bổn Sanh đã minh họa rõ. Vấn đề quan trọng nhất là nguồn tâm linh trong tâm bạn được hình thành và phát triển chứ không phải là những danh xưng trịnh trọng.
Theo kinh Phật, đây là lý do tại sao nhiều vị Độc Giác Phật (
Pratyeka-buddha) có thể liễu ngộ sự thật cao nhất trong một đất nước vào thời không có đức Phật hay giáo lý của Phật. Các Ngài tự chứng ngộ vì đã nguyện đi theo con đường tâm linh và đắc cùng một loại trí tuệ mà Phật giáo mang đến.
Một lần nữa, trong cuốn sách này, chúng ta không quan tâm nhiều đến mục tiêu giác ngộ tối thượng mà là việc trở nên hạnh phúc hơn, bình yên hơn trong cuộc sống hàng ngày. Và tuy một vài bài thiền sử dụng những hình ảnh Phật giáo sẽ được trình bày trong phần sau của cuốn sách nhưng nó nhấn mạnh vào một phương pháp phổ biến mà ai cũng có thể áp dụng.
Tôi được kế thừa dòng Truyền Thừa, một dòng Phật giáo cổ nhất của Tây Tạng, có niên đại từ thế kỷ thứ 9, khi vị thánh vĩ đại Liên Hoa Sinh mang Phật quang từ Ấn Độ về Tây Tạng. Tuy tôi được học lối thực hành Mật tông bí truyền nhưng tôi có sự thành kính sâu sắc nhất đối với các giáo lý phổ biến, hay còn gọi là Kinh điển. Thực tế, tôi tự mình thực hành rất nhiều. Những giáo lý này chứa đựng trí tuệ hàng ngày, tựa như một nguồn nước sâu và mát mẻ vậy. Nếu thực hành với việc hồi hướng, giáo lý sẽ mang đến cho chúng ta sự an vui, thậm chí còn đưa đến tầng giác ngộ cao hơn. Đó là nguồn giáo lý mà tôi đã lấy, cộng thêm một chút kiến thức của bản thân về lối thực hành bí truyền mà tôi đã điều chỉnh sao cho phù hợp với độc giả phương Tây.
Mọi người đôi lúc ngạc nhiên khi nghe tôi nói rằng có hàng ngàn cách thiền định và thực hành khác nhau, tùy vào mỗi người và hoàn cảnh mà chọn lựa. Bạn có thể chữa lành cơ thể chỉ bằng việc lắng nghe gió thổi hay nhìn thật sâu vào bầu trời xanh thẳm hay ngắm các vì sao trên thiên đường rộng lớn trên cao. Ở Tây Tạng, ý thức tâm linh mạnh mẽ đến nỗi những dòng sông, cây cỏ đều dường như sống trong phước lành linh thiêng. Có một câu chuyện Tây Tạng kể về một bà già giản dị giữ những chiếc răng của một con chó già để thực hành thiền định, dùng nó làm phương tiện giác ngộ, và bà đã thành công. Đương nhiên tự thân đồ vật đó không đưa đến giác ngộ mà chính là niềm tin mạnh mẽ trong tâm bà. Trên hết, chính tâm mới là nguồn sức mạnh chữa lành, mới là nguồn trí tuệ.
Trong vô số các pháp thiền, tôi tìm thấy tại các buổi thiền của mình một phương pháp dường như đặc biệt có hiệu quả: đối tượng của thiền định chính là cơ thể. Những người đến buổi tập thiền, ai cũng có một cơ thể, bởi vậy bạn sẽ thấy ngay rằng họ có cái mà họ cần để thiền định! Hơn nữa, có rất nhiều người quan tâm đến cơ thể mình. Có người thì khỏe mạnh và muốn duy trì tình trạng đó, có người lại lo lắng về việc lão hóa hoặc cơ thể đau yếu. Ít nhất, họ cũng cần giảm nhẹ nỗi đau về tinh thần do bệnh tật gây ra. Trong Chương 14 của cuốn sách
Năng lực chữa lành của tâm, tôi có mô tả rất ngắn gọn một phương pháp thiền đối với cơ thể. Cuốn sách mà bạn đang đọc đã nảy nở từ hạt giống nhỏ bé đó. Cùng với cuốn sách này, chúng ta chuẩn bị đi rất sâu vào trong cơ thể. Mục đích của nó là đánh thức những năng lượng chữa lành của thân và đánh thức tâm mình.
Cho dù không phải lúc nào cũng có thể chữa trị những khổ não do cơ thể gây ra nhưng ít nhất chúng ta cũng có thể giảm bớt đau khổ hoặc học cách nhẫn chịu tốt hơn. Trên thực tế, ốm đau thường có thể được khắc phục thông qua năng lực chữa lành của tâm. Ở phương Tây, khi nghe thấy từ
thiền chữa bệnh, người ta thường dán lên nó cái nhãn “New Age”. Đây là một cái nhìn khá lạ lùng về thiền định, và theo quan điểm của tôi thì nó hơi buồn cười bởi những nguyên tắc và bài thực hành mà tôi sắp mô tả không có gì mới mẻ nhưng đã được nghiệm xét trong nhiều năm qua.
Trong cuốn sách đầu tiên của mình, tôi đã đề cập đến một số nghiên cứu gần đây của khoa học phương Tây về các lợi ích của thiền, và tôi cũng đưa ra một số thí dụ về việc chữa lành. Mọi người luôn hứng thú khi nghe kể về các trường hợp cá nhân, cho nên sau này tôi sẽ nói về phương pháp hành thiền cụ thể tôi đã sử dụng để chữa lành căn bệnh về lưng khó chữa mà tôi mắc phải. Tôi cũng đề cập đến câu chuyện về bạn tôi, Harry Winter, người mà bằng việc thiền định đã vượt qua căn bệnh ung thư bị chẩn đoán giai đoạn cuối. Các độc giả dường như rất quan tâm đến câu chuyện của ông trong cuốn sách đầu tiên, vì vậy tôi quyết định sẽ mô tả một lần nữa sự quán tưởng đặc biệt mà ông đã áp dụng (mời xem mục Lợi ích thể chất của thiền chữa lành) để khắc phục được sự khó thở liên quan đến bệnh khí phế thũng.
Câu hỏi tôi thường xuyên nhận được là Ngài có những số liệu khoa học nào để chứng minh thiền định có thể thực sự chữa lành bệnh tật? Câu trả lời của tôi rất đơn giản. Tôi đang cố gắng trình bày trí tuệ Phật giáo Tây Tạng thâm sâu có từ bao thế kỷ về phương pháp chữa lành thông qua một chương trình dễ hiểu và phù hợp với độc giả hiện đại, những người có học thức và cởi mở nhưng bị vướng mắc quá nhiều. Mỗi bước thiền đều dựa trên phương pháp phổ biến, tự nhiên và thông thường. Nếu đó là lẽ thường thì không cần đến bất kỳ sự xác nhận phức tạp hay số liệu thống kê nào. Chẳng hạn như
stampa (bột lúa mạch rang), là lương thực chính của người Tây Tạng. Đối với họ, tính ăn được hoặc giá trị dinh dưỡng của
stampa chưa bao giờ cần phải chứng minh cả. Tôi tin rằng vấn đề ở đây không phải là việc thiếu hiệu quả trong thiền định mà là thiếu cởi mở và tận tâm.
Trong hàng trăm năm, các tín đồ Phật giáo cũng như tín đồ của những tôn giáo khác trên thế giới đã chứng kiến việc chữa bệnh thông qua sức mạnh của thiền định, cầu nguyện và nguyện lực. Không chỉ những vấn đề bình thường mà thậm chí các căn bệnh hiểm nghèo đe dọa đến tính mạng cũng được chữa lành nhờ vào sức mạnh của thiền định. Ngoài ra, chúng ta cũng chứng kiến những bậc thánh đã bình tĩnh chấp nhận bệnh tật, bị giam cầm, không nơi nương náu, hay thậm chí chấp nhận cái chết với nụ cười trên khuôn mặt vì sự an bình và niềm hỷ lạc ngự trị sâu thẳm bên trong các Ngài. Đó là thứ mà chúng ta gọi là năng lực chữa lành của tâm.
Trong những thập kỷ gần đây, các bác sĩ và khoa học gia Tây phương đã bắt đầu khám phá năng lực chữa bệnh tuyệt vời của việc thiền định và cầu nguyện có từ lâu đời. Nhiều nhà khoa học đã bối rối trước kiến thức sâu rộng của các bậc đạo sư, những người không cần dùng đến các thiết bị khoa học. Tuy nhiên, sẽ luôn có nhiều người nghi ngờ điều đó cho dù sự thật đã rành rành trước mắt.
Chúng ta đang sống trong thời kỳ hoàng kim của khoa học và y học, ngay cả khi chúng ta tái khám phá những kiến thức cổ xưa của thời kỳ mà trí tuệ tâm linh phát triển cực thịnh. Thay vì để cho hai thế giới này chống lại nhau, chúng ta có thể chọn cách hưởng lợi ích từ cả hai phía.
Khi nhìn thấy khuôn mặt sốt sắng của những người đến với các buổi thiền của mình, có lúc tôi tự hỏi họ đang suy nghĩ điều gì. Có lẽ họ biết rằng khi còn trẻ, tôi đã được mệnh danh là hóa thân của một vị thánh từ kiếp trước. Hồi 5 tuổi, tôi được đưa vào cuộc sống tu học và cầu nguyện tại tu viện. Có lẽ một vài người thấy tôi khá khác thường, nhưng nếu họ đến để trông chờ một phép lạ thì tôi hy vọng họ ở lại để học một vài điều về trí tuệ thâm sâu. Đây là đặc quyền của tất cả chúng ta. Một số người trong những buổi gặp gỡ này có lẽ thấy giọng tiếng Anh của tôi khó nghe, khó hiểu. Một vị tu sĩ Tây Tạng đã viết một cuốn sách (vâng, bằng máy tính xách tay của tôi) với mục đích làm cho thông điệp của tôi được rõ hơn cũng như làm rõ những khác biệt về văn hóa.
Nói một các thành thật, tôi không xem mình là một người thầy “giỏi” hay đã chứng đắc. Tôi chỉ là một người giống như các bạn, phải vượt qua những cơn sóng cuộc đời lắm lúc hung dữ. Đó là bản chất chung của loài người mà tôi muốn nhấn mạnh. So với nhiều người, cuộc đời tôi không phải lúc nào cũng dễ dàng, êm ái. Tôi cũng đã trải qua những mâu thuẫn và rối loạn, xáo trộn về cảm xúc và những khổ đau về thể chất. Điều này đặc biệt đúng khi tôi còn là một người tị nạn đang chạy trốn khỏi cuộc khủng hoảng chính trị của Tây Tạng, nhưng kể từ đó, cũng đã có rất nhiều chuyện xảy ra. Trong những thời điểm khó khăn, ánh sáng dẫn đường của giáo lý cổ xưa đã luôn giúp tôi thưởng thức món quà kỳ diệu của sự sống cùng với tất cả thách thức của nó.
Những gì mà tôi dâng tặng không thực sự là của riêng tôi. Đó là kho báu mà ai cũng có thể sẻ chia. Từ rất sớm, tôi đã có đủ phước báo và may mắn được trao truyền một di sản tri thức vô thượng mà các bậc đạo sư và thánh nhân để lại. Tôi có rất nhiều kỷ niệm về những con người vĩ đại nhất, những hình ảnh, lời nói uy nghi và cảm giác an bình, yêu thương và trí huệ. Ký ức ấy vẫn sống động và còn mãi trong tâm trí tôi cho tới tận hôm nay. Ngạn ngữ Tây Tạng có câu “Nếu một mảnh gỗ thường được cất trong thân cây đàn hương một thời gian dài thì nó cũng sẽ có mùi đàn hương”. Vì thế, tuy là một người bình thường nhưng tôi có thể là một con thuyền mang đến cho bạn nguồn trí tuệ chữa lành vĩ đại.
Cuốn sách này của tôi nói về thân và tâm, nhưng thật ra tâm là quan trọng hơn cả. Xét cho cùng, bệnh và chết là một phần trong chu kỳ tự nhiên của một kiếp sống có liên quan đến toàn bộ cơ thể và tâm xúc cảm. Không có cách nào tránh được bệnh tật mãi mãi. Khi chúng đến thì bạn phải đối mặt. Lúc đó, nguồn trợ giúp đáng tin cậy nhất chính là một tâm trí an bình hơn nữa. Nó sẽ giúp bạn chấp nhận và chịu đựng được cuộc sống dưới tất cả mọi dạng thức của nó, cũng như bạn thừa nhận chu kỳ của ánh sáng vào ban ngày và chu kỳ của bóng tối vào ban đêm. Đức Dodrupchen đệ tam, một vị thánh sống tại thời điểm chuyển giao thế kỷ này đã ban tặng nguồn báu vật trí tuệ: “Ý nghĩa của việc không bị các chướng ngại khuất phục - kẻ thù, bệnh tật và những lực lượng xấu ác - không phải là việc nhất thiết phải đảo lộn chúng hay ngăn không cho chúng dấy khởi mà là không để cho chúng trở thành vật cản cho cuộc hành trình của chúng ta trên con đường [chữa lành]”.
Những ai đã từng đọc cuốn sách
Năng lực chữa lành của tâm có lẽ đã quen thuộc với nhiều nguyên tắc được trình bày trong cuốn sách này. Đơn giản là các vị đạo sư của tôi thường nhắc đi nhắc lại lời khuyên của các Ngài, cho nên tôi cũng làm điều tương tự thôi. Một phần là cho những ai chưa đọc cuốn sách đầu tiên của tôi, lý do nữa là vì hầu hết mọi người cần được nhắc đi nhắc lại. Họ cần nghe chân lý được lặp đi lặp lại từ người khác và luôn nhắc nhở bản thân để tự sách tấn mình. Có lẽ tôi cũng nên nói thêm rằng cuốn sách đầu tiên đi vào chi tiết một vài nguyên lý chữa lành và cũng trình bày nhiều phương pháp thiền phù hợp với hoàn cảnh của bạn.
Cuối cùng, đừng bao giờ coi thiền chữa lành là giải pháp duy nhất cho các vấn đề của bạn. Vấn đề thì vô lượng và chúng được biểu hiện dưới rất nhiều dấu hiệu. Mỗi vấn đề là kết quả của hàng ngàn nguyên nhân. Bạn cần đến rất nhiều phương pháp để giải quyết các vấn đề của mình, kể cả việc cân bằng giữa tập luyện và nghỉ ngơi, thức ăn lành mạnh, thuốc thang phù hợp, một môi trường sạch và một lối sống lành mạnh.
Ngoài ra, những người khác nhau thì nhu cầu chữa bệnh cũng khác nhau. Cái hợp với người này lại không hợp với người kia. Sau vài ngày (hay khoảng 21 giờ) tập luyện, nếu bạn không cảm thấy những bài thiền này dễ chịu thì có lẽ chúng chưa phù hợp với bạn, và bạn cần tìm một pháp thiền khác.
Trong biển trí tuệ về sự chữa lành được dạy trong giáo lý Phật đà, tôi đã chuẩn bị vài ngụm nước cam lồ chữa lành mà tâm tôi đã từng nếm để làm một món quà giản dị trao tặng các bạn.