PHỤ LỤC
PHỤ LỤC I: CÁC NGUỒN THIỀN PHẬT GIÁO CHỮA LÀNH
Trước cuốn sách này, cuốn Năng lực chữa lành của tâm đã nhận được nhiều sự cảm kích của các Phật tử cũng như không phải Phật tử, vượt ngoài những gì tôi mong đợi. Tuy nhiên, một số học giả Phật giáo cho rằng cuốn sách đầu tiên chứa những tài liệu thuộc về phong trào New Age, còn những số khác thấy cuốn sách chứa đựng giáo lý bí truyền (Mật giáo) không nên có trong một cuốn sách phổ biến về chữa lành.
Để giải quyết những mối lo lắng này, tôi muốn dẫn chứng các nguồn tài liệu về thiền chữa lành dựa trên các nguyên lý được tìm thấy trong Phật giáo phổ thông (Thông giáo).
Thực ra, nguồn cảm hứng để tôi viết cuốn sách đầu tiên đến với tôi trong bối cảnh tôi là một người tu hành Phật giáo bí truyền. Chỉ những người mới tu tập mới có thể tu pháp thiền bí truyền. Nhưng tôi sẽ trình bày rõ nhiều quan điểm chủ yếu về việc chữa lành, tôi đã chỉ sử dụng thiền chữa lành đúng với các nguyên tắc nền tảng và các nguồn Phật giáo phổ thông.
Phật giáo có hai vai trò về mặt tâm linh: Trước tiên, đó là một tôn giáo có tổ chức với giáo lý riêng, mang sắc thái văn hóa riêng, được phản ánh một cách sinh động nhất trong tuyền thống của nhiều quốc gia châu Á.
Chúng ta thấy sự khởi sắc của những truyền thống này thông qua các hình ảnh, chú nguyện, nghi lễ, luật lệ và thậm chí qua nhiều cách nghĩ, cảm nhận và cách sống.
Thứ hai, vai trò siêu tuyệt - và quả thực, bản chất của giáo lý nhà Phật rất phổ quát. Phật giáo vượt qua mọi nền văn hóa và tôn giáo. Phật giáo vượt trên mọi nền văn hóa và tôn giáo. Chúng ta không nhất thiết phải là một tín đồ Phật giáo mới có thể hưởng sự an bình, rộng mở, từ bi và trí tuệ. Chúng ta có thể sử dụng những hình ảnh, lời nói và cảm giác phổ biến để chữa lành cho bản thân, đặc biệt nếu chúng ta có niềm tin vào chúng và vào nguồn lực tâm linh của mình. Con đường chữa lành tâm thức của chúng ta và đưa đến giác ngộ, giải thoát mở ra cho cả những người theo và không theo Phật giáo.
Qua nhiều thế kỷ, nhiều nhà hiền triết đã ghi chép lại giáo lý nhà Phật. Một số những giáo lý đó có ý nghĩa đối với mọi người, còn giáo lý khác có những mục đích cụ thể như tu hành Mật tông. Trong các trang tiếp theo, tôi có đưa ra để tham khảo cả hai loại giáo lý và cũng thường trích dẫn từ kinh điển phổ thông (sutric). Mục đích chính của tôi là để chỉ ra nền tảng của phương pháp chữa lành trong giáo lý phổ thông. Mục đích khác là để tạo dựng sự nhận thức sâu sắc và niềm tin vào cả giáo lý lẫn các bậc đạo sư. Việc nghe những câu trích dẫn đầy trí huệ vượt thời gian có thể khơi nguồn cảm hứng.
CÁC ĐIỀU KIỆN VỀ TINH THẦN VÀ TÌNH CẢM LÀ CƠ SỞ CHO VIỆC CHỮA LÀNH VỀ THỂ CHẤT
Để chữa lành các vấn đề thuộc về thể chất, theo các bản văn y học Tây Tạng cổ xưa, chúng ta phải đối phó với các nguyên nhân chính, đó là phiền não về tinh thần và tình cảm.
Các bản văn cổ xưa nhìn nhận cơ thể vật chất bao gồm bốn yếu tố, cụ thể là đất, nước, gió - cùng với nhiệt độ nóng và lạnh. Khi các yếu tố trong cơ thể được quân bình thì ta ở trong trạng thái khỏe mạnh tự nhiên. Khi các yếu tố không hòa hợp thì sinh ra bệnh tật.
Trong các tài liệu y học Tây Tạng, chẳng hạn như Ayurveda, nói về chức năng của cơ thể được kiểm soát bởi ba “thể dịch” vừa là chất lại vừa là khí. Chúng có nguồn gốc từ bốn (hoặc năm) yếu tố lớn - đất, nước, gió, lửa và hư không khí. Ba thể dịch này là gió (rLung), mật (mKhris Pa) và đờm (Bad Kan). Một cơ thể có các thể dịch bình thường hoặc cân bằng thì được gọi là khỏe mạnh. Còn một cơ thể với các thể dịch bất thường hoặc mất cân bằng thì được coi là bị bệnh.
Dịch gió mất cân bằng là do yếu tố gió bị rối loạn. Nhiệt độ của nó có thể nóng hoặc lạnh. Dịch mật mất cân bằng là do yếu tố lửa bị rối loạn, có nhiệt độ nóng. Dịch đờm mất cân bằng là do yếu tố đất và nước bị rối loạn, có nhiệt độ lạnh.
Ba sự mất cân bằng của các dịch gây ra bởi những cảm xúc tiêu cực của tâm. Gió mất cân bằng là do tham luyến, bám chấp. Mật mất cân bằng là do chán ghét, oán giận, thù hận và hung hăng. Đờm mất cân bằng do ảo tưởng, vô minh và rối loạn.
Nguồn gốc của các cảm xúc chính là việc chấp “ngã”. Khi chúng ta thấy một đối tượng tinh thần như thể nó là một thực thể có thật thì ta sẽ bám chấp vào nó. Khi tâm ta cứ gắn bó với cái chấp “ngã” thì sẽ thọ khổ. Shedgyud, một trong bốn bản văn y học ưu việt của Tây Tạng có viết:
Không thấy được “vô ngã”
Là “Nguyên nhân chung’’ của mọi bệnh tật…
“Nguyên nhân riêng’’ của mọi bệnh tật là tham ái, sân hận và si mê gây ra bởi vô minh [không nhận ra “vô ngã”]
Chúng [lần lượt] tạo ra các thể dịch gió, mật và đờm
Nguyên nhân trực tiếp của bệnh tật chính là các thể dịch gió, mật và đờm:
Các thể dịch mất cân bằng là bệnh nặng vì chúng hành hạ và gây nguy hiểm cho thân thể và mạng sống của ta.
[a] Dịch mật mất cân bằng thiêu đốt năng lượng của cơ thể.
Nó đi cùng với nhiệt, đặc tính của yếu tố lửa.
Nó nằm tại phần thân dưới nhưng làm nóng thân trên.
Mọi bệnh tật về nhiệt nóng đều từ nó mà ra.
[b] Dịch đờm mất cân bằng sẽ giảm nhiệt trong cơ thể.
Nó nặng và mát, mang đặc tính của yếu tố đất và nước.
Nó nằm tại phần thân trên nhưng lan xuống thân dưới.
Mọi bệnh tật về nhiệt lạnh đều từ nó mà ra.
[c] Dịch gió mất cân bằng sinh ra nóng hoặc lạnh;
Nó sẽ trợ giúp mặt trời [năng lượng] thiêu đốt và giúp mặt trăng làm lạnh.
Nó lan khắp toàn thân:
Trên và dưới, trong và ngoài
Nó kích thích nhiệt nóng hay lạnh, gây ra bệnh tật
CHỮA LÀNH LÀ MỘT GIÁO LÝ PHẬT GIÁO TRUYỀN THỐNG
Nền tảng của Phật giáo là bốn chân lý cao quý: sự thật về khổ đau, thấy được nguyên nhân khổ đau, thấy được khổ đau có thể đoạn trừ và sự chấm dứt khổ đau bằng con đường giác ngộ giải thoát.
Tôi đã nói nhiều trong cuốn sách này về việc cần thiết phải buông bỏ các đặc tính chấp trước của tâm và buông bỏ chấp “ngã” là cách tốt nhất để chữa lành khổ đau.
Các giáo lý truyền thống nói về việc buông bỏ cuối cùng sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn dưới dạng chữa lành. Quá trình này được so sánh với việc chữa trị bệnh tật của một bác sĩ. Chúng ta càng buông chấp bao nhiêu thì càng “khỏe mạnh” bấy nhiêu. Ngài Vô Trước (Asanga), người sáng lập Duy thức tông, nói rằng:
Bệnh cần chẩn đoán để loại trừ nguyên do,
Có được hạnh phúc nhờ khỏe mạnh, và dùng thuốc Phải nhận diện khổ đau để loại bỏ nguyên nhân, Dùng phương thuốc để chữa trị và dứt bệnh.
NGUỒN GỐC CỔ XƯA CỦA THIỀN ĐỊNH CÓ HƯỚNG DẪN
Đôi khi mọi người hiểu nhầm rằng phương pháp thực hành thiền định có hướng dẫn được phát triển gần đây hoặc có lẽ nó được phát minh để trở thành phương pháp thiền của cái gọi là phong trào New Age. Nhưng thiền hướng dẫn từ lâu đã là một phần quan trọng của truyền thống Phật giáo ở Tây Tạng và các nơi khác.
Đặc biệt tụng kinh có thể được coi là thiền. Lời tụng kinh là những lời cầu nguyện dành cho chư Phật hoặc lời ước nguyện vì lợi ích của tất cả chúng sanh, và việc nói to những lời cầu nguyện này gia tăng sức mạnh thiền định. Ngoài ra, hầu hết các lời tụng kinh nhằm từng bước hướng dẫn bản thân hoặc người khác trên con đường thiền định.
Theo Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, các Phật tử sử dụng thiền tập ngay cả thời đức Phật còn tại thế:
Kinh về Bệnh và Chết… có ghi về thiền hướng dẫn rằng Ngài Xá Lợi Phất đã từng giúp cư sĩ Cấp Cô Độc khi ông nằm trên giường bệnh. Ngài Xá Lợi Phất từng bước hướng dẫn Cấp Cô Độc cho đến khi ông ta có thể chuyển hóa nỗi sợ về cái chết
KẾT HỢP NHIỀU NGUỒN GIÁO LÝ VÀO MỘT LỐI TU THIỀN
12 bước thiền chữa lành trong cuốn sách này không đến từ một bản văn hay giáo lý Phật giáo cụ thể mà đến từ nhiều nguồn khác nhau. Tôi chỉ sưu tập tài liệu và sắp xếp các giáo lý thành những bước trên con đường thiền định chữa lành.
Một trong số đó có kể rằng khi Ngài A Đề Sa (Atisha) (982-1055), bậc đạo sư vĩ đại của Phật giáo Ấn Độ đến Tây Tạng vào năm 1042, Ngài rất ấn tượng trước kiến thức sâu rộng của học giả Tây Tạng là Rinchen Zangpo (958-1051). A Đề Sa nhận thấy: “Một kẻ già nua như ta đến Tây Tạng, trải qua nhiều gian nan vất vả để làm gì trong khi đã có những học giả vĩ đại như ông?” Và Ngài hỏi “Làm sao ông có thể đưa tất cả giáo lý vào thực hành?” Rinchen Zangpo đáp: “Chúng tôi thực hành riêng từng giáo pháp.” A Đề Sa nói: “Ông sai rồi. Bây giờ tôi đã hiểu vì sao tôi phải đến nơi này.” Sau đó Ngài viết tác phẩm Bồ đề đạo đăng luận (Ngọn đèn soi đường giác ngộ) và đưa mọi giáo lý Phật pháp vào cùng một con đường tu tập.
Thông giáo (SUTRA) VÀ Mật giáo (TANTRA)
Là một người sùng kính Mật tông, tôi muốn trình bày với các bạn đại cương về các giáo lý đã truyền cho tôi cảm hứng để viết về việc chữa lành và sau đó tôi sẽ chỉ ra phương pháp tổng quan được phản ánh trong Thông giáo.
Mật giáo có liên hệ với việc chữa lành bao gồm thiền Kim Cang Tát Đỏa về sự tịnh hóa và tiếp nhận bốn quán đỉnh là những phước lành của thân, khẩu, ý và trí.
Trong Mật giáo (Tantra):
- Bạn xem tất cả đều hợp nhất trong giác tính, sự an bình, hỷ lạc tối thắng và toàn tri.
- Bạn nhận các nguồn phước lành dưới dạng ánh sáng, nước cam lồ, lửa, gió và làm sạch hoặc xua tan những cấu uế trong cơ thể, tâm trí và trên toàn thế gian.
- Bạn nhận các phước lành của bốn đặc tính thiêng liêng của Phật hoặc của các bậc giác ngộ: thân kim cang bất hoại, khẩu kim cang bất dừng, ý kim cang - hợp nhất của hỷ lạc và vô biên, và trí kim cang thanh tịnh.
- Bạn sử dụng năng lượng nhiệt hỷ lạc trong cơ thể làm phương tiện đánh thức sự kết hợp của hỷ lạc và trí tuệ rộng mở của thân tâm.
- Bạn thiền định đánh thức nhiều khía cạnh khác nhau của thân, tâm và các đối tượng phi thường như tướng mạo và phẩm chất của đức Phật và cõi Tịnh Độ.
- Bạn chuyển hóa các năng lượng tiêu cực và tích cực, từ bi và sân giận, thịnh nộ và an bình làm phương tiện giác ngộ bản tính hoàn hảo và niềm hỷ lạc tối thượng.
- Bạn thiền về việc nhìn cơ thể ánh sáng, sự hợp nhất của tướng mạo và sự mở rộng. Bạn nghe thấy lời nói, thấy âm thanh của không khí và năng lượng là tiếng của đức Phật chứa đầy sức mạnh, sự hợp nhất của âm thanh và sự mở rộng. Bạn trải qua tâm thức và ý niệm của trí tuệ toàn giác của Phật.
- Bạn đạt giác ngộ thông qua các lối thiền bí truyền về năng lượng (rLung), hỷ lạc (hDe Ba) và nhiệt (gTum Mo). Các lối thiền này không chỉ chữa lành các phiền não về mặt tinh thần, tình cảm mà còn về thể chất. Padma Karpo có viết “bằng việc duy trì nhiệt [cùng với hỷ lạc] và hoàn thiện các nguồn năng lượng, không còn phiền não như bệnh, lão có thể làm tổn hại bạn.”
Năng lượng của nhiệt và hỷ lạc được phát triển thông qua các phương pháp rèn luyện tâm. Situ Tenpe Nyinched đã viết: “Nếu làm chủ được tâm, bạn sẽ có sức mạnh làm chủ nguồn năng lượng của mình.”
- Bạn an trú trong nhận biết về sự hợp nhất của mọi thứ, chân lý của vạn vật mà không có khái niệm nhị nguyên về chủ thể-khách thể.
Để thực hành Mật giáo như tôi vừa nêu, bạn phải bắt đầu bằng việc bước vào con đường tu tập. Nếu bạn thực hiện bước khởi đầu một cách đúng đắn - và tôi đã nhấn mạnh rằng bạn phải thực hiện đúng - thì trí tuệ vốn có của tâm bạn sẽ được đánh thức. Thông thường điều này sẽ chỉ là cái thấy biết thoáng qua về bản chất trí tuệ thực sự của tâm. Sau đó bạn phải hoàn thiện việc tỉnh thức đó bằng thiền định, sử dụng trí tuệ đã được đánh thức làm lý do, nền tảng và phương tiện tu tập.
Trong Thông giáo, bạn tu trì việc tạo thái độ tích cực và từ bi với một trái tim đầy yêu thương và lòng sùng kính. Bạn cống hiến cả cuộc đời để làm lợi ích và gieo lòng từ bi vào các hoạt động để đánh thức tuệ tâm của mình. Bạn đang tu trì phương pháp đó không phải vì bản thân mà vì niềm an lạc của tất cả chúng sinh.
Rất nhiều lối thiền Mật giáo và Thông giáo có sự tương đồng về hình thức hoặc cấu trúc. Điểm khác nhau nằm ở chiều sâu, phạm vi và sức mạnh của chúng. Trong Mật giáo, một thiền giả sử dụng chính trí tuệ được đánh thức vào lúc mới tập và sau đó được hoàn thiện trong thiền định. Trong Thông giáo, thiền giả sử dụng cái tâm dựa trên các khái niệm để đưa đến giác ngộ trí tuệ.
Điều quan trong nhất là các phương pháp hành thiền trong cuốn sách này được lấy cảm hứng từ Mật giáo. Trong cuốn sách này, tôi chỉ trình bày các pháp thiền cũng được tìm thấy trong Thông giáo. Những pháp thiền này sử dụng tâm và cảm giác mang tính khái niệm làm phương tiện tu hành chứ không dùng tuệ tâm vượt xa tầm hiểu biết của hầu hết những người không thạo thiền. Các pháp thiền trong cuốn sách này dành cho cả người mới tập lẫn người không tập và có thể làm lợi cho bất kỳ ai muốn hành trì.
Các thiền giả Mật tông sẽ thấy rằng những pháp thiền này có những đặc tính tương tự với thiền Mật tông. Vì vậy ngay cả khi bạn đã hành trì thuần thục thì các pháp thiền chữa lành được nêu ra ở đây có thể được dùng làm pháp thiền Mật tông.
CÁC NGUỒN GIÁO LÝ CHỮA LÀNH
Sau đây là một trong các nguồn Phật giáo quý giá về các pháp thiền làm nền tảng cho cuốn sách này. Các lời dẫn được trích từ giáo lý phổ thông.
Quan điểm thấy mọi hiện tượng và chúng sinh đều thanh tịnh, có Phật tính và năng lực của Phật
Trong Mật giáo, một người sẽ liễu đạt (chứng tác và giải thoát) sự viên mãn của Phật trí và Phật tính của vạn vật như vốn là vậy.
Còn Thông giáo thì thấy rằng mọi chúng sinh đều có Phật tính và Phật lực nên tìm kiếm phương tiện để đánh thức thật tính và các đặc tính thanh tịnh đó. Đại sư Vô Trước có viết:
Phật thân vô thượng có ở khắp nơi.
Phật tính vô thượng có ở khắp nơi, không phân biệt.
Mọi chúng sinh đều có dòng dõi Phật
Mọi chúng sinh luôn có Phật tính.
Quán tưởng sự hiện diện thiêng liêng
Trong giáo lý bí truyền, quán tưởng mọi hình tướng là sự hiện diện thiêng liêng là một trong các pháp thiền để tịnh hóa nhận thức tiêu cực của bản thân và chuyển chúng thành tính thanh tịnh vốn có.
Trong giáo lý phổ thông, chúng ta cũng tìm thấy các phương pháp hành trì quán tưởng thế giới xung quanh là hiện thân của vô lượng Phật. Một bài kinh có nói:
Tôi thấy mỗi hạt bụi trần có vô số chư Phật nhiều như số bụi trên thế gian.
Các Ngài đang ngồi giữa một biển đồng tử [đệ tử]. Cũng vậy, toàn thể đại địa
Có vô lượng vô biên chư Phật…
Trên mỗi hạt bụi trần có vô lượng cõi Tịnh Độ nhiều như số bụi trên thế gian.
Nơi mỗi cõi Tịnh Độ có vô lượng chư Phật đang ngồi giữa các đồng tử [đệ tử] của Phật.
Con nguyện thấy các Ngài và đồng hạnh giác ngộ với các Ngài.
Thấy thân mình thanh tịnh
Khía cạnh quan trọng của giáo lý bí truyền là: Thấy cơ thể mình là cơ thể ánh sáng thiêng liêng đang cho và nhận ánh sáng phước lành làm phương tiện tịnh hóa các uế trược, chữa lành bệnh tật và đạt đến giác ngộ.
Nhận phước lành dưới dạng ánh sáng hay nước cam lồ từ một nguồn phước lành và gửi phước lành đến những người khác cũng được chỉ dạy trong giáo lý phổ thông. Một bài kinh có dạy:
Tỏa ánh sáng rực rỡ sắc màu [từ thân Phật] Nguyện cầu chúng sanh được thành tựu sở nguyện.
Trong kinh có dạy:
Ánh sáng [của Phật] ngay cả khi không có vị Phật nào xuất hiện,
Là hiện thân của Phật thân thanh tịnh, Hiển bày những giáo lý thâm sâu nhất.
Trong kinh có dạy:
Nơi mỗi lỗ chân lông của Phật, tỏa ra trăm ngàn tia sáng tinh khiết.
Trong kinh có dạy:
Ánh sáng lớn của đức Phật ngập tràn mười phương.
Chúng sinh nào nhìn thấy và được chiếu sáng chắc chắn sẽ giác ngộ viên mãn.
Trong kinh có dạy:
Thiền tam muội được gọi là Sư Tử Du Hí, đức Phật thị hiện thần thông… đại địa chấn động sáu cách… nhờ vậy người bệnh được chữa khỏi… chúng sinh có được an lạc cực độ giống như thiền vị mà một tu sĩ nếm được.
Đại sư Tịch Hộ (Shantarakshita) có dạy:
Tôi kính lễ đức Dược Y Vương
Ánh sáng trên thân Ngài giải thoát chúng sinh.
Trong cuốn sách này tôi đã đề cập rằng trong thật tính của mình, năm yếu tố là năm ánh sáng có màu. Cái nhận định này dựa trên một bản kinh của Phật giáo Tây Tạng bí truyền. Trong cuốn Serthreng có nói:
Do chấp “ngã” có ánh sáng màu da trời, trắng, Vàng, đỏ và xanh lá cây
Chúng tự xuất hiện thành năm yếu tố là không khí, đất, nước, gió và lửa.
Tôi không thể tìm thấy bất cứ nguồn giáo lý phổ thông nào trình bày quan điểm tương tự một cách chi tiết. Tuy nhiên, ngay cả vật lý học hiện đại cũng dường như ít nhiều đồng ý rằng vật chất là một dạng thức khác của năng lượng (hay ánh sáng). Vì vậy tôi hy vọng việc mang đến cho độc giả quan điểm sống này không phải là một hành vi vi phạm quy tắc của các giáo lý bí truyền bởi ngày nay, vật chất là một dạng ánh sáng đã là kiến thức phổ biến.
Nhiệt hoặc hơi ấm
Tạo ra nhiệt và năng lượng phi thường thông qua các bài tập bí truyền về thân kim cương là một kỹ năng đặc biệt trong Mật giáo. Nhưng tạo ra nhiệt (lửa) lành mạnh đi cùng hơi thở (gió) và được tâm nhận biết đơn giản là cách mà cơ thể sống và khỏe mạnh. Không chỉ việc ngừng thở mà kể cả không còn nhiệt cũng sẽ khiến chúng ta chết. Vì thế việc sử dụng nhiệt không chỉ là cách chữa lành về tinh thần mà còn là phương pháp chữa lành phổ biến. Khenpo Ngakchung có viết: “Theo Vi Diệu Pháp [kosha], mạng sống là khoảng thời gian tồn tại của nhiệt và ý thức.”
Hạnh phúc hay niềm vui
Sự hợp nhất tối thượng của cái Không và “hạnh phúc lớn lao” thông qua sức mạnh của các luân xa, kênh và năng lượng của thân kim cương là một trong các lối tu trì bí truyền quan trọng.
Tương tự, trong nhiều giáo lý phổ thông, hạnh phúc được biểu hiện là phước lành Phật ban cho chúng ta nhưng cách thức nó được tạo ra thì khác so với năng lượng phước lành có được nhờ thiền định bí truyền. Trong kinh dạy rằng “ánh sáng của Vô Lượng Quang Phật là vô nhiễm, chiếu đến người nào, thân tâm người ấy sẽ hoan hỷ.”
Đại sư Jey Tsongkhapa có dạy “ánh sáng của Vô Lượng Quang Phật vô nhiễm giống như quả cầu pha lê, rộng lớn như bầu trời; chiếu đến người nào, thân tâm người ấy sẽ hoan hỷ và hạnh phúc vô bờ bến."
Ngài cũng nói rằng: “Khi thân và tâm có định lực và hỷ lạc thì thiền định sẽ trở nên tĩnh lặng.”
Hơi thở
Việc sử dụng hơi thở như những làn sóng, phương tiện tịnh hóa và hoàn thiện các nguồn năng lượng về tinh thần lẫn thể chất là một trong các phép thiền quan trọng trong lối thực hành bí truyền để hòa tâm và hơi thở tan vào nguồn trí tuệ nguyên thủy an lạc tuyệt vời.
Hô hấp rất thiết yếu đối với đời sống và cũng có thể được xem là một hình thức chữa bệnh phổ biến. Việc hô hấp là một trong các chức năng kết nối tâm và thân với nhau một cách mật thiết. Hơi thở của chúng ta mang những làn sóng không khí và hơi ấm kích thích máu và giữ cho chúng lưu thông. Như vậy, việc sử dụng hơi thở để thanh lọc và chuyển dẫn nhiệt năng hỷ lạc là một lẽ thường và là phương pháp chữa lành phổ biến.
Ánh sáng hay nước cam lồ là phương tiện của phước lành
Cả Mật giáo và Thông giáo đều cùng chung lối thực hành phương pháp thấy và nhận phước lành của chư Phật ở dạng ánh sáng hay nước cam lồ để chữa lành nỗi đau, hỗn loạn và chứng ngộ tâm linh. Những đoạn dưới đây được trích dẫn từ nguồn tài liệu phổ biến:
Ngài Karma Chakme viết rằng:
Thiền định thấy ánh sáng như lưu ly tỏa ra từ đức Phật Dược Sư
Đi vào thân của người đang cầu nguyện chữa lành và bệnh tật bị đánh tan như giọt sương trong ánh dương
Ngài Chogyur Lingpa đã viết:
Dòng cam lồ được rót từ thân của Tara, đi qua đỉnh đầu tôi và những ai đang tìm kiếm sự chữa lành, tràn đầy cơ thể chúng tôi và truyền cho chúng tôi tất cả phước lành.
Ngài Mipham Rinpoche viết:
Hãy nghĩ rằng các tia sáng trí tuệ đầy màu sắc tỏa ra từ thân Phật [chiếu vào thân bạn và thân chúng sinh]. Khi ánh sáng trí tuệ ấy chiếu soi, mọi phiền não của bạn và của mọi chúng sinh đều được thanh tịnh, và công đức Đại thừa được viên mãn.
Ngài Dodrupchen Đệ Tam viết:
Nhất tâm cầu nguyện, nghĩ rằng đã lay động được tâm Phật. Từ cơ thể các Ngài, các tia sáng đã đến [và đi vào chúng ta]. Mọi khổ đau của ta và chúng sinh đều không còn, mọi ước nguyện đều được như ý.
Âm thanh A
Theo giáo lý bí truyền, A là âm tiết đại diện cho Phật âm. Nó là âm thanh của sự rộng mở (hư không), vô vi và không lúc nào thôi dứt. Nó cũng là nguồn gốc của mọi âm thanh và ngôn từ, cũng như không gian cần thiết để mọi vật chất tồn tại. Một tantra có nói rằng:
A Là âm tiết tối thượng.
Là âm tiết có ý nghĩa và thiêng liêng.
Nó không tạo ra, sinh ra bất cứ thứ gì
Nó không truyền thừa
Nhưng là nguồn gốc vô thượng của mọi lối diễn đạt.
Theo giáo lý phổ thông, A là bất sinh bất diệt, là gốc của mọi diễn đạt, cũng như hư không là gốc của mọi dạng thức vậy. Trong kinh có nói “A là cánh cửa mở ra tất cả vì nó không sinh diệt”.
Âm thanh A là cốt tủy của mọi giáo lý về Trí Bát Nhã (prajnaparamita). Bản kinh Bát Nhã dài nhất là Shatasa- hasrika, 12 bộ. Kinh có nói:
Đức Phật thuyết “vì lợi ích chúng sinh, hãy ghi nhớ âm tiết đó là Mẹ, là Trí Bát Nhã. Đó chính là âm A…”
Các Bồ tát có mặt nơi pháp hội đã nhận ra ý nghĩa của Trí Bát Nhã, cùng hoan hỷ tiếp nhận lời Phật dạy.
Giáo lý về Phật Dược Sư
Các học giả Tây Tạng đưa ba nghi thức lễ bái đức Phật Dược Sư vào phần Kanjur bí truyền. Nghi thức lễ bái Phật Dược Sư của Ngài Shantarakshita được đặt trong các giáo lý Tenjur. Tuy nhiên, theo Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm, nghi thức của Ngài Shantarakshita chủ yếu thuộc về Thô- ng giáo cho nên có thể xếp vào cả Thông giáo và Mật giáo.
Thần chú và Đà La Ni
Phần lớn các thần chú và đà-la-ni thuộc về kiến thức Mật giáo. Những âm tiết, từ ngữ và âm thanh thần bí này được đọc bằng tiếng Phạn hoặc mật ngữ. Về bản chất, chúng là năng lượng trí tuệ trung tâm của các vị thần và là kênh dẫn truyền các nguồn phước lành huyền bí.
Một vài bài chú và nhiều đà-la-ni cũng thuộc về giáo lý Tây Tạng phổ thông. Những đà-la-ni tiếng Phạn này gọi lên phước lành của chư Phật. Chúng là âm thanh của niềm an bình, hỷ lạc và sức mạnh. Đôi khi bạn sẽ tìm thấy các đà-la-ni tương tự trong cả Mật giáo lẫn Thông giáo nhưng chúng được sử dụng theo các cách thức khác nhau.
Nhất nguyên
Giác ngộ, nhận biết được nhất nguyên, trong đó nhị nguyên chủ thể-khách thể và phân biệt không còn tồn tại, là giáo lý bí truyền cao nhất.
Trong Thông giáo cũng vậy, các lối thiền đưa đến nhất nguyên của tâm (chủ thể) và khách thể hay hành động nằm trong các giáo lý quan trọng nhất. Trong kinh có nói: “Khi hành giả hít vào hoặc thở ra với nhận biết hỷ lạc… lúc đó ông ta an trú trong sự quan sát cảm thọ này.”
Giải thích những dòng kinh Quán Niệm Hơi Thở, thiền sư Thích Nhất Hạnh có viết: “Quan sát các cảm thọ về cảm thọ”… rằng chủ thể quan sát và đối tượng quan sát không được xem là hai thứ tách biệt… bất nhị nguyên chính là điểm then chốt.
Sự độc lập của các phương tiện chữa lành
Việc chữa lành đạt hiệu quả cao nhất khi kích hoạt tất cả các thành phần của thân và tâm, trong thiền định cũng như trong đời sống hàng ngày. Các phương tiện chữa lành khác nhau nên cùng vận hành chức năng như cùng trong một đội vậy. Lý do là vì không có cái gì vận hành độc lập được; đúng hơn là mọi thứ đều vận hành do nhân duyên. Ngài Long Thọ Bồ Tát (Nagajuna) có dạy:
Mọi thứ đều do duyên sinh.
KHẢ NĂNG TẾP CẬN CỦA THIỀN ĐỊNH PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI TẤT CẢ NHỮNG AI CỞI MỞ VỚI NÓ
Thông giáo mở rộng đối với những ai mở rộng tâm đón nhận.
Sự thật, trở thành Phật tử là một nguồn trợ giúp lớn lao trên con đường giải thoát. Theo truyền thống, chúng ta trở thành Phật tử bằng cách thọ giới Quy y trong một buổi lễ. Đây là cách chúng ta nguyện đức Phật là thầy, nguyện đạo Phật là con đường tâm linh và những Phật tử khác là đạo hữu.
Việc trở thành Phật tử giúp chúng ta trở thành một phần của truyền thống tâm linh sống động, hơn thế nữa, đó là phương tiện quan trọng trong việc củng cố niềm tin và tạo dựng một nơi nương tựa trong chúng ta.
Nếu chúng ta có thể phát triển thói quen ưa thích giáo lý và muốn hưởng lợi ích từ đó, và nếu có thể tập cho tâm tin vào con đường đó thì chúng ta sẽ bắt đầu buông bỏ dần tâm chấp ngã. Rồi cảm xúc tiêu cực sẽ ít dần và giác ngộ trí tuệ sẽ tỏa sáng trong ta.
Tuy nhiên sự thật là ai cũng có Phật tính, ngay cả những người không quan tâm hoặc chưa từng nghe qua Phật giáo cũng có. Giác tính là đặc quyền của tất cả.
Vấn đề chính là thái độ tinh thần chứ không phải là những nghi lễ hay thậm chí là tôn giáo mà mình theo. Với thái độ đúng đắn, con đường nào ta chọn cũng đưa ta đến cái đích ta mong muốn. Trong kinh có nói:
Mọi thứ do duyên khởi
Duyên dựa trên tinh thần
Những ai mà lập nguyện
Sẽ nhận quả tương ứng
Đương nhiên, lòng mộ đạo có thể là một trợ lực lớn lao. Nếu tâm ta mở rộng đối với đức Phật và nếu ta đang nghĩ về Ngài thì Ngài ở ngay nơi trước mắt bởi Phật không phải là một ai đó ngoài ta mà chính là phản ánh của tự tính. Trong kinh có nói:
Ai nghĩ về Phật
Ngài hiện trước mắt
Ngài ban phước lành
Xua tan tội lỗi.
Nếu trái tim ta hoàn toàn chân thành quan tâm đến người khác bằng lòng từ bi của mình, lúc đó chúng ta không chỉ là một Phật tử mà là một vị Bồ Tát. Ngài Tịch Thiên có viết:
Ngay lúc tâm giác ngộ nảy nở trong ta
Chúng ta từng bị khổ sở giam giữ trong nhà tù sinh tử
Nay trở thành người nối dõi Phật
Ngay quỷ thần cũng phải cung kính.
Vì vậy nếu chúng ta mở tâm đón nhận những tư tưởng thích, muốn, tin vào con đường và mục tiêu của thiền định chữa lành, chúng ta là những người đi theo con đường giác ngộ, hay Phật đạo. Những ai làm như vậy đều là Phật tử, cho dù họ có danh xưng đó hay không.
Mặt khác, kể cả khi chúng ta có tự xưng là một Phật tử đi nữa, cũng khó có thể khẳng định mình đúng là Phật tử nếu ta bỏ qua chính đạo và bám lấy tiền tài, danh vọng, dục lạc và ý tưởng.
Những truyền thống và tôn giáo khác cũng có nhiều bậc giác ngộ. Các Phật tử Tây Tạng sẽ ấn tượng khi họ nghe nói về bất kỳ vị nào đã lãnh đạo con đường thánh hoặc thị hiện thần thông hay chỉ đơn giản là thể hiện niềm hoan hỷ, an lạc trong hành động của họ hay trong cuộc sống. Một người Tây Tạng thường nói rằng “vị ấy hẳn phải là hóa thân của chư Phật” hoặc “đó hẳn là phước lành của chư Phật”. Nằm sâu dưới những cảm xúc tôn kính giản dị này là sự thấu hiểu tâm linh sâu sắc. Phật giáo có tính phổ quát: Phật và phước Phật mở rộng đối với tất cả cho dù họ có địa vị tôn giáo ra sao.
CÁC YẾU TỐ TỰ NHIÊN LÀ PHƯƠNG TIỆN CHỮA LÀNH
Phật giáo Đại thừa tin rằng toàn thể vũ trụ đều thanh tịnh và viên mãn trong thực tính của nó. Vấn đề không nằm ở hiện tượng của thế giới, không nằm ở việc chúng là gì, chúng không là gì mà nằm ở việc tâm bạn nhận thức chúng ra sao. Nếu bạn nhìn thế giới xunh quanh đều là nguồn an lạc thì nó sẽ trở thành phước lành và đem lại lợi lạc cho bạn. Nếu tâm bạn thanh tịnh và cởi mở, đối tượng chữa lành có thể là một hình tượng Phật giáo hoặc một cái cây. Đức Phật dạy:
Người nào tâm thanh tịnh, dù không sống nơi cõi Phật, Ngài cũng thị hiện trước mặt… Với họ, pháp bảo hiện nơi núi non, chân núi và nơi những cội cây.
Đại Bồ Tát Tịch Thiên đã phát nguyện:
Nguyện cho mọi chúng sinh
Nghe pháp âm không dứt
Từ con chim, cội cây
Từ ánh sáng, bầu trời.
Nhiều người phi tôn giáo không thể nhẫn chịu được các phương pháp chữa lành với ngụ ý tôn giáo, ngay cả khi những phương pháp đó rất có ích lợi. Nếu một trong những mô tả này phù hợp với bạn thì bạn cần thực hành buông bỏ thái độ về sự bất an và tự bảo vệ.
Hàng ngày, các đối tượng và yếu tố tự nhiên có thể là những phương tiện quan trọng trong việc chữa lành khổ đau của chúng sinh. Đoạn trích của Ngài Tịch Thiên thể hiện nguyện vọng của một vị Bồ Tát mong muốn trở thành nguồn chữa lành cho chúng sinh:
Miễn có người bị bệnh,
Tới khi họ được chữa lành
Con nguyện làm y tá của họ… Con nguyện là người hộ vệ
Cho những ai không được bảo vệ
Nguyện là người dẫn đường cho khách đi đường Cho tàu, thuyền, cầu
Cho những ai muốn qua đại dương, sông ngòi Nguyện làm đất cho ai tìm đất cập bến
Nguyện làm đèn cho những ai trong đêm đen mong có ánh sáng
Làm nhà, làm chiếu cho người ốm đau
Làm kẻ tôi tớ cho người già bệnh cần chăm sóc
Cho họ toại nguyện được trang sức quý giá, tàu thuyền hảo hạng,
Thần thông và thuốc thang chữa bệnh
Cho họ toại nguyện có cây cối
Cho họ toại nguyện có trâu bò
Làm đất, nước, gió, lửa, hư không
Để giúp chúng sinh tồn tại
Nguyện luôn là nguồn nuôi sống vô lượng chúng sinh.
Pháp không chỉ là ngôn từ trong kinh điển sách vở mà là sự hiểu biết và thực nghiệm những lời dạy đó cùng với ý nghĩa của chúng. Pháp không chỉ là việc có được chút ít thành tựu tâm linh mà là sự chữa lành tối thượng của bình an và trí tuệ.
Nếu bạn nói đúng, với những mục đích đúng thì đó là chánh ngữ, và đó là một lối rèn luyện của Phật giáo. Nếu bạn nhìn, nghĩ, cảm nhận và tin đúng cách thì bạn đang đi trên giác đạo, hay Phật đạo, ngay cả khi bạn không gọi nó bằng cái tên như vậy.
Vì vậy, nếu bạn có thể thấy bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt là đối tượng tích cực - là nguồn an lạc thì nó sẽ trở thành nguồn an lạc, nếu bạn thấy mọi thứ, kể cả những hình tượng Phật giáo trước mặt, là tiêu cực thì nó khó có thể mang lại lợi ích cho bạn.
CHỮA LÀNH TÂM LÀ CÁCH CHỮA LÀNH MỌI VẤN ĐỀ
Chúng ta không thể giải quyết mọi vấn đề bằng cách xử lý từng vấn đề một bởi vì chúng quá nhiều. Chữa lành tâm của mình là cách tiếp cận hoàn cảnh tiêu cực một cách đúng đắn. Ngài Tịch Thiên có dạy:
Kẻ thù vô hạn như hư không;
Không thể chiến thắng tất cả chúng.
Nhưng nếu chiến thắng tư tưởng thù hận
Cũng bằng với việc chiến thắng mọi kẻ thù
Nơi nào có tấm da
Dùng nó bao trùm quả đất?
Nhưng đi đôi dép da
Cũng bằng dùng da che phủ quả đất.
TU TẬP TÂM AN BÌNH
Điều quan trọng là phải biến các thói quen tiêu cực của ta trở thành tích cực; nếu không chúng ta sẽ ít có cơ hội có được an bình trong cuộc sống. Nếu tâm trí ta đầy rẫy các khái niệm tiêu cực, tức là ta đang xây cho mình nơi giam cầm của thái độ tự giới hạn. Ngài Tịch Thiên thấu rõ mối hiểm nguy của việc để cho những cảm xúc tiêu cực khống chế cuộc sống chúng ta:
Nếu tôi nuôi dưỡng tư tưởng hận thù
Tôi sẽ không bao giờ có an bình Không có hỷ lạc, vui sướng
Cuộc sống sẽ thiếu giấc ngủ, thiếu sức mạnh.
Giáo lý trên cảnh báo chúng ta việc chấp vào cảm xúc và thái độ tiêu cực, nhưng chúng ta sao có thể thực sự an bình? Có lúc tâm ta dường như thoáng an bình nhưng rồi nó vụt đi mất. Một trong những nguyên nhân là xu hướng không chỉ bám chấp vào tiêu cực mà còn cả tích cực. Lúc hoan hỷ, chúng ta cố gắng nắm giữ nó hoặc tham lam muốn nhiều hơn. Hoặc chúng ta lầm tưởng những hứng thú và đam mê là an bình rồi tham luyến nó. Hoặc chúng ta khó chịu với thứ ta không thích, thứ mà làm hỏng sự bình an trong tâm và từ chối đối mặt với hoàn cảnh đó, coi đó là cách tốt nhất. Và rồi bánh xe của tham ái và trốn tránh bắt đầu lăn chuyển.
Tu tập sự an bình, ngay cả khi chúng ta có xu hướng chấp vào nó vẫn còn tốt hơn là bị thái độ và cảm xúc tiêu cực giam hãm. Nếu thực tập tâm an bình, dần dần chúng ta có thể học cách buông bỏ thái độ chấp trước của mình. Nếu chúng ta có thể đi sâu vào cảm nghiệm về an bình, dần dà cuộc sống của ta sẽ đổi thay. Điều quan trọng là tu tập một tâm thức an bình. Đây là cách để bạn hạnh phúc hơn. Nó cũng là con đường đưa đến giải thoát. Đức Phật đã dạy:
Ai có tâm an lạc
Gặp cảnh giới an lạc.
ĐƯA HOẠT ĐỘNG TÍCH CỰC VÀO QUY CỦ PHẬT GIÁO
Bất kỳ hành động hay hoạt động nào, nếu là tích cực hoặc ít nhất là trung lập thì có thể được coi là một pháp thiền chữa lành của Phật giáo. Lối thực hành của Phật giáo về nhận thức tích cực và chánh niệm là nền tảng cho việc chuyển hóa đời sống hàng ngày thành con đường chữa lành.
Các hành vi tiêu cực làm hại cả ta và người. Các hành vi trung lập không gây tổn hại mà cũng không có lợi cho chúng ta. Trong nhiều thế kỷ, các Phật tử đã sử dụng hành vi tích cực trong các hoạt động hàng ngày làm lối tu trì trên con đường đưa đến an bình và trí tuệ.
Có nhiều lối thực hành tích cực được áp dụng vào mọi khía cạnh của đời sống, từ việc thức dậy vào buổi sáng cho đến làm việc, đi bộ, chơi, đọc và ngủ vào ban đêm. Thay vì trích dẫn bất kỳ nguồn giáo lý hay những lời dạy bảo của thánh nhân, tôi sẽ chỉ liệt kê một số giáo lý phổ biến cho hoạt động ăn. Ăn là việc thông thường của mọi chúng sinh
- con người, loài vật và cả côn trùng cũng vậy. Ăn thức ăn là phước và hơn thế nữa là việc thưởng thức món ăn với sự tỉnh thức và trân quý, bất kể món ăn ấy đắt tiền hay xoàng xĩnh. Việc ăn cũng cần thiết để duy trì sức khỏe cho cơ thể chúng ta, đó là một trong những chủ đề chính của cuốn sách này.
Đây là một trong số các lối thực hành về việc ăn:
- Ăn với chánh niệm, ta có thể tu tập tỉnh giác, tĩnh lặng, an bình và hỷ lạc.
- Ăn với lòng biết ơn những người đã góp công sức mang lại món quà tuyệt vời này trên bàn ăn, chúng ta có thể tu tập đặc tính của tình yêu thương và lòng biết ơn người khác.
- Ăn với mong muốn duy trì cơ thể chúng ta thành những con thuyền lớn phục vụ cho nhiều người, chúng ta có thể tu tập có được tri kiến vượt khỏi giới hạn của cái ngã bị hạn chế, tu tập thói quen hồi hướng thân tâm cho mục tiêu lớn hơn.
- Ăn với thái độ đây là món quà dành tặng bản thân, là những chiếc thuyền lớn cho cuộc đời tuyệt vời này, chúng ta tu tập khuynh hướng cảm nhận tình bằng hữu, lòng biết ơn và trân quý cơ thể của ta chứ không phải chấp thủ, tham luyến hay thù hận.
- Ăn với mục đích nuôi dưỡng các vi khuẩn sống trong cơ thể, chúng ta tu tập ý thức về mục đích, tình yêu và lòng quảng đại.
- Ăn với thái độ cúng dường đến cơ thể tuyệt diệu này hay cúng dường vị thánh trong thân ta, giống như nhiều thiền giả đã làm, chúng ta tu tập đại công đức và các năng lượng phước lành.
- Ăn với suy nghĩ và cảm nhận đúng đắn, chúng ta biến mình trở thành những con người an lạc. Những đặc tính này làm lợi cho chúng ta và có thể biến chúng ta thành nguồn an lạc cho người.
PHỤ LỤC II: MỘT SỐ CÂU HỎI THƯỜNG GẶP
Sau khi cuốn Năng lực chữa lành của tâm được xuất bản, tôi rất vui khi nhận được những lá thư từ các độc giả và gặp gỡ nhiều người tại các buổi tập thiền. Trong cuốn sách mới này, tôi muốn đề cập chi tiết đến các pháp thiền chữa lành, thảo luận về một vài chủ đề mới và giải đáp một số câu hỏi về việc chữa lành.
Tôi cũng rất vui mừng khi trực tiếp nghe được rằng phương pháp chữa lành này đã có ích rất nhiều. Tại các buổi thiền, có nhiều người không quen với thiền định chữa lành đã đến để có được một ít lợi lạc trước mắt. Thí dụ như có vài người dồn hết tâm sức vào việc quán tưởng đến nỗi họ cảm thấy rất rõ rằng mình đang thực sự đi vào những tế bào ánh sáng vô biên với cảm giác sợ hãi, cởi mở và vui thích. Chính sự tham gia thiền tận tình này đã gặt hái được những phần thưởng lớn, đặc biệt khi bạn duy trì đều đặn việc thực hành.
Những điều từ độc giả đã truyền cảm hứng cho tôi là: “Cuốn sách của Ngài đã giúp tôi khi tôi phải trải qua quãng thời gian khó khăn”, “Cuốn sách của Ngài đã giúp tôi biết được Phật giáo lôi cuốn đến dường nào. Tất cả là về việc từng bước cải thiện cuộc sống hàng ngày của chính mình, tận hưởng cuộc sống mà ta có, và sống sao cho tốt nhất”, “Cuốn sách đã luôn trợ giúp và truyền cảm hứng cho hành trình ra khỏi cơn trầm cảm của con”, “Mẹ con chưa từng cởi mở với bất kỳ tôn giáo nào, và không bao giờ đón nhận Phật giáo. Nhưng bà đang cảm thấy thích thú cuốn sách của Ngài. Cuốn sách của Ngài giúp ích rất nhiều cho mẹ con và tất cả chúng con trong thời gian mẹ con lâm bệnh và sau khi bà qua đời.” Và ngạc nhiên nhất, có người đến lớp thiền của tôi và nói: “Con tới gặp Ngài vì cuốn sách của Ngài đã cứu sống con.”
Một người đàn ông theo đạo Thiên chúa đã viết cho tôi rằng thời gian trước khi ông nghe buổi phỏng vấn của tôi trên đài và đọc sách của tôi, ông “chưa từng để tâm tới sự cứu rỗi mà mọi tôn giáo trên thế giới hiển bày: lòng vị tha… Ít nhất giờ đây tôi đang chú ý đến khía cạnh quan trọng nhất của sự tồn tại” dù cuốn sách dựa trên những nguyên tắc Phật giáo nhưng nó đã khuyến khích ông chú ý hơn đến đức tin của chính mình. Tôi thấy ông có phản ứng rất hài lòng vì nó chứng tỏ rằng phương pháp của cuốn sách là phổ quát và thích hợp với bất kỳ ai cởi mở đón nhận chứ không chỉ riêng các tín đồ Phật giáo.
Sau đó có một đôi vợ chồng nọ đã trải qua chương trình 12 bước điều trị bệnh nghiện. Họ rất quan tâm đến việc các Phật tử sử dụng “nguồn sức mạnh” và những nguồn khác bên ngoài để chữa bệnh. Nó cũng tương tự như chương trình 12 bước, đưa ra lời khuyên những người tham gia dựa vào một “sức mạnh cao hơn” để được giúp đỡ nhưng giải thích cho những cá nhân theo bất kỳ cách nào họ thấy phù hợp. Cho dù có người tin vào Chúa thì sự trợ giúp của nguồn lực bên ngoài có thể vô cùng hữu ích. Trong Phật giáo, sức mạnh của tâm là nguồn sức mạnh và trí tuệ tối thượng của chúng ta. Mặc dù vậy, hầu hết chúng ta cần một số nguồn tích cực bên ngoài để thúc đẩy các nguồn lực bên trong.
Tôi cũng ấn tượng bởi đức tin mạnh mẽ mà những người tham gia các buổi thiền của tôi có được trong sự cầu nguyện. Họ gửi sóng chữa lành đến bạn bè trong suốt buổi hành thiền. Sau đó họ phát hiện rằng những người bạn này có được cảm giác khỏe mạnh vào lúc đó ngay cả khi họ không hề biết ai đang truyền cho họ các nguồn phước chữa lành. Thông thường, lợi ích chính mà thiền định mang đến là dành cho thiền giả. Nhưng nếu những ai có niềm tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện dành cho người khác, và nếu họ muốn chia sẻ những lợi ích thiền định với người khác thì việc này có thể khiến họ thấy hứng thú hơn trong việc thiền định.
Sau đây là những câu trả lời của tôi đối với một số câu hỏi đáng nhớ về thiền chữa lành.
Tại sao Ngài tập trung vào việc nhận những nguồn phước chữa lành cho bản thân hơn là việc tặng chúng cho người khác?
Khi chúng ta cố gắng bắt đầu hành trình tâm linh, viện lý do để không tiến lên là một chiếc bẫy điển hình cho nhiều người trong chúng ta. Khi không theo đuổi bất kỳ con đường tâm linh nào, ta thậm chí còn không nghĩ nhiều đến việc quan tâm đến người khác, nhưng khi chúng ta ở điểm bắt đầu trên một số hành trình đáng giá thì chúng ta liền nghe thấy: “Ô, mi thật ích kỷ. Mi đang hưởng thụ an lạc trong khi nhiều người đang chịu khổ đau. Thật bất công làm sao!” Nó kìm chân chúng ta, cản trở ta có thêm bất kỳ tiến bộ nào. Lúc này, ta phải ghi nhớ hai điều:
1. Để giúp đỡ hoặc chữa lành người khác, trước hết chúng ta phải có được lợi ích từ phước chữa lành bản thân. Nó cũng như việc muốn bố thí tiền cho một người nghèo khổ: đầu tiên, chúng ta phải có hoặc kiếm được chút tiền, bởi vì chỉ có vậy chúng ta mới đem cho được.
2. Vâng, theo Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Đại thừa, việc tu tập tâm linh tốt nhất là đáp ứng nhu cầu của người khác, của chúng sinh mà không có động cơ ích kỷ. Điều đó có nghĩa rằng mục đích của chúng ta trong việc tạo ra niềm an lạc trong ta phải vì lợi ích của người khác hoặc chí ít phải là mục tiêu của chúng ta.
Vì vậy, chúng ta phải không do dự tạo ra an lạc và cảm thấy an lạc. Khi có được lợi ích rồi, chúng ta phải sẻ chia chúng với người khác với niềm hỷ lạc lớn lao.
Ngoài ra, chúng ta phải hiểu rằng nếu có thể tạo ra niềm an lạc thậm chí vì lợi ích cho riêng mình, chúng ta sẽ có một cuộc sống thật thú vị. Nếu chúng ta an bình thì tự nhiên tất cả lời nói và hành động của chúng ta sẽ là biểu hiện của an lạc. Khi đó, ngay cả khi ta không chủ động chia sẻ niềm an bình hoặc cố gắng giúp đỡ người khác thì những phẩm chất tốt đẹp của ta vẫn sẽ có tác động tích cực đến nhiều người xung quanh.
Vì vậy điều quan trọng là phải mất kiên nhẫn với bản thân khi chúng ta đang chìm đắm trong những tư tưởng và lòng tham xấu xa. Tuy nhiên, chúng ta phải kiên nhẫn với bản thân khi định bơi vào miền an lạc.
Tại sao Ngài lại tin vào việc chữa lành dựa trên khái niệm thay vì thiền định về cảnh giới vô nhị vượt ngoài mọi thứ?
Nếu có kinh nghiệm thiền về vô nhị, thoát khỏi khái niệm, chúng ta phải dùng trải nghiệm đó để chữa trị các vấn đề vì thiền vô nhị là phương tiện chữa lành đầy quyền năng. Nhưng chỉ có những ý tưởng mang tính khái niệm về vô nhị hay tham vọng muốn thiền định sẽ không trang bị đủ để chúng ta vượt qua tất cả mọi thứ về việc sẻ chia với người khác lợi ích của kết quả thiền định cao hơn.
Cuốn sách này không chỉ dành cho những thiền giả thành thục mà còn dành cho những người không sử dụng các bài tập này nhiều. Nó dành cho đa số những người như chúng ta vì chúng ta nhận thức các đối tượng tâm thức với lối nhị nguyên và bằng cảm xúc thèm muốn hoặc không thích chúng. Chúng ta cần cho phép mình tiến hành từng bước một từ nơi ta đang đứng.
Đầu tiên, chúng ta cần chữa lành những tư tưởng, cảm xúc và tình cảm tiêu cực. Khi suy nghĩ và tình cảm của chúng ta tích cực hơn thì đó là lúc ta đã sẵn sàng vượt ngoài cái tích cực bằng cách thư giãn và trú trong trạng thái rộng mở và vô nhị.
Mặt khác, chỉ đơn thuần ấp ủ ý tưởng thực hiện các bài thiền quan trọng, chúng ta có thể tránh việc theo đuổi bất kỳ pháp thiền nào, thậm chí những bài đơn giản hơn và kết thúc là không làm gì cả trong đời. Chúng ta không thể có đủ tiền mua bánh mì thì làm sao sống nhờ bánh ngọt được?
Có nhiều phương pháp khác nhau về việc chữa lành trong Phật giáo Tây Tạng?
Có hàng nghìn phương pháp chữa lành khác nhau trong Phật giáo Tây Tạng. Hàng loạt lối tu trì được sử dụng để tạo ra và tăng cường việc chữa bệnh, chẳng hạn như quán tưởng các hình ảnh hòa bình hay dữ tợn, đọc các lời chú nguyện, đà-la-ni, âm tiết, âm thanh và thực hiện các bài tập về thể chất và tinh thần.
Ở Tây Tạng, tôi đã chứng kiến nhiều con người giản dị lặp đi lặp lại những lời cầu nguyện hàng triệu lần mặc dù thậm chí không có sự hiểu biết về thiền định ở khía cạnh
triết học. Nhưng họ có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh cầu nguyện đến mức có thể chữa lành tất cả các loại bệnh tật. Những đồ vật thần bí, hình ảnh về các vị thần thánh và các đồ hình thần bí mà các vị đạo sư ban phước được dùng để ngăn ngừa và chữa lành nhiều rủi ro.
Có nhiều cách để tạo ra sự tin tưởng mang tính sùng kính cũng như có nhiều nguồn, nhiều phương pháp chữa lành. Chúng ta có thể nhận được các phước báu chữa lành dưới dạng ánh sáng, nước, gió, đất, âm thanh và cảm giác. Chúng ta có thể phát triển niềm tin vào sự hiện diện thiêng liêng hoặc tôn kính bậc đạo sư đã giác ngộ dưới dạng thức mà ta hình dung hoặc có dạng con người.
Các phương tiện và phương pháp chữa lành không thiếu. Cái thiếu là sự hiểu biết, cống hiến và niềm tin của chúng ta vào quyền năng chữa lành.
Ngài có cho phép chia sẻ sức mạnh chữa lành đến những người khác không?
Theo Phật giáo, chúng ta không cần phải được người khác cho phép mới dành tặng bất cứ điều gì có lợi cho họ. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy cần phải được phép thì tốt hơn là hãy xin phép. Nếu không, vật chướng ngại về tinh thần của tâm nghi ngờ có thể cản trở sự chia sẻ những lợi ích của việc chữa lành.
Tôi phải nói thêm rằng nếu có bất kỳ ai thực sự quan tâm đến việc cần cho phép được chia sẻ điều gì đó tốt đẹp
thì tốt hơn là xin phép được sẻ chia trước khi bạn gửi cho ai đó những nguồn năng lượng tiêu cực như tức giận, tham luyến, ghen tị, và cái tôi! Vì vậy hãy hỏi đối tượng mà bạn muốn trao năng lượng “Tôi có thể cáu giận với anh không” trước khi trải qua cảm xúc này.
Chúng ta có cần cẩn thận đối với những mong muốn của mình không?
Mong muốn làm tổn hại ai đó có thể làm hại chính mình, đặc biệt nếu ta là người cởi mở và dễ bị tổn thương. Nhưng nếu bạn mong muốn làm tổn hại người khác khi nuôi dưỡng một thái độ ích kỷ thì bạn sẽ bị tổn hại nhiều hơn so với bất kỳ ai.
Tuy vài người gọi đó là cầu nguyện tiêu cực nhưng họ dùng từ cầu nguyện là không đúng bởi vì cầu nguyện luôn có mục đích tốt. Mong ước những gì tiêu cực và thể hiện chúng bằng lời nói là một lời nguyền chứ không phải là lời cầu nguyện.
Ước nguyện bao giờ cũng là tích cực, ngay cả khi khó đạt được. Có một số ước nguyện trong Phật giáo truyền thống như “Con nguyện sống trong cõi khổ đau vì lợi ích của toàn chúng sinh cho đến khi thành Phật”; “Con nguyện hồi hướng tất cả công đức đến mọi chúng sinh”; “Con nguyện chịu mọi khổ đau thay cho tất cả”. Những ước nguyện như vậy, thay vì gây ra các hậu quả, sẽ tạo ra bước tiến lớn trong hành trình tâm linh của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn nuôi dưỡng lòng hoài nghi và do dự, rồi sợ hãi rằng ước nguyện như vậy sẽ tạo ra phản ứng tiêu cực trong bạn thì nó có thể gây ra tác động xấu. Lý do không phải vì bản thân lời ước nguyện ấy mà vì sự hoài nghi tâm linh của bạn.
Tôi không muốn dựa vào bất kỳ ai hay thứ gì ngoài bản thân. Sao tôi có thể xem các nguồn bên ngoài là thanh tịnh được?
Sự thật là nếu không thể hiểu rõ các nguồn tích cực bên ngoài thì bạn cũng sẽ không thể hiểu được các đặc tính tích cực bên trong mình. Tại thời điểm này, bạn có rất ít khả năng thấy rõ. Nó là một đặc tính tâm linh mà bạn có thể phát triển và làm như vậy mang lại nhiều lợi ích. Nếu có sự thấu hiểu thì bạn có thể hiểu được mọi người, mọi thứ theo đặc tính của chúng. Điều này không khiến bạn phụ thuộc vào người khác hoặc vào sản phẩm của bất kỳ thứ gì bên ngoài.