CHƯƠNG II: BỐN CHÂN LÝ CAO QUÝ
Bốn Chân lý Cao quý (Tứ Diệu Đế) là những trụ cột chính yếu của Phật pháp – thực ra, tất cả Giáo pháp được bao gồm trong Bốn Chân lý Cao quý. Bốn Chân lý Cao quý là bốn trình bày của Đức Phật trong lần thuyết giảng đầu tiên sau khi Ngài giác ngộ: 1) chân lý đau khổ (khổ đế) là sinh tử thì không vừa ý; 2) chân lý nguồn gốc của đau khổ (tập đế) là đau khổ của sinh tử có một nguyên nhân; 3) chân lý chấm dứt (diệt đế) là sự giải thoát khỏi đau khổ của sinh tử là điều có thể thực hiện được; 4) và chân lý con đường (đạo đế) là phương tiện để đạt được giải thoát. Một giải thích đầy đủ về Bốn Chân lý Cao quý thì hết sức rộng lớn, nhưng chúng cũng có thể được giải thích một cách vô cùng cô đọng, mạch lạc, mà tôi sẽ đưa ra ở đây.
Giải thích súc tích của chúng ta là theo các giáo lý của Maitreya (Di Lặc) về Bốn Chân lý Cao quý và bắt đầu bằng việc nhận ra rằng hai chân lý mô tả các nguyên nhân và hai chân lý còn lại mô tả các kết quả. Nói cách khác, Bốn Chân lý Cao quý được dựa trên định luật nhân và quả. Tóm lại, mọi chúng sinh đều mong muốn được hạnh phúc, và để đạt được hạnh phúc, họ phải tạo ra nguyên nhân của hạnh phúc. Tương tự như thế, để tránh bất hạnh mà họ không mong muốn, họ phải ngừng tạo ra nguyên nhân của đau khổ.
Giải thoát và giác ngộ là những kết quả phát sinh từ các nguyên nhân, giống như mọi kinh nghiệm của sinh tử - dù hạnh phúc hay đau khổ - sinh khởi từ các nguyên nhân. Trong bối cảnh của nhân và quả, chân lý đau khổ (khổ đế) mô tả kết quả, và chân lý thứ hai (tập đế), mô tả những nguyên nhân của kết quả đó. Những nguyên nhân này của đau khổ là những gì ta phải từ bỏ, bởi chúng là nguyên nhân của mọi đau khổ trong sinh tử. Hai chân lý kia – chân lý chấm dứt (diệt đế), và chân lý con đường (đạo đế), là những chân lý về những gì ta ước muốn đạt được hay thành tựu. Sự chấm dứt đau khổ của ta, được giải thích trong chân lý chấm dứt, là kết quả, và nguyên nhân của sự chấm dứt được đưa ra trong chân lý con đường (đạo đế).
Con đường là Giáo pháp, nó dạy ta cách tạo nên những nguyên nhân để đạt được sự giải thoát khỏi sinh tử, và cách chấm dứt việc tạo ra các nguyên nhân của đau khổ. Khi người nào đó bị bệnh, họ cần dùng thuốc như cách đối trị bệnh tật của họ. Giống như thuốc, Giáo pháp mang lại cách đối trị đau khổ trong sinh tử của ta.
Điều quan trọng là phải hiểu rõ bốn chân lý này. Trước hết ta phải hiểu biết chân lý đau khổ (khổ đế). Ta phải hiểu rằng ta đang đau khổ, ta phải nhận ra đau khổ, ta phải nhận ra rằng đau khổ là bản chất nền tảng của sinh tử. Ta không muốn đau khổ và muốn thoát khỏi đau khổ thì trước hết ta phải hiểu rõ bản chất của nó. Mọi đau khổ khắp sáu cõi sinh tử có thể được xếp loại thành một trong ba đau khổ nói chung: đau khổ của đau khổ, đau khổ của sự biến hoại, và đau khổ trùm khắp của các hiện tượng phức hợp.
Giây phút chúng ta sinh ra trong sinh tử, ta có nền tảng của đau khổ. Chính thân thể ta là nền tảng của đau khổ, và một khi ta có một thân tướng vật lý, ta đau khổ một cách tự động.
Do bởi thân thể ta, ta trải nghiệm đau khổ từ bệnh tật và mọi loại vấn đề của thân thể chẳng hạn như các bệnh về mắt, bệnh nhức đầu, và các loại mất quân bình khiến chúng ta bị bệnh. Đó là tất cả những gì được coi là đau khổ của đau khổ (khổ khổ) do bởi thân thể ta, là nền tảng của đau khổ, trải nghiệm đầy đủ những biểu lộ của đau khổ. Đau khổ của đau khổ là đau khổ hiển nhiên hay thô lậu được kinh nghiệm bởi thân thể, nền tảng của đau khổ.
Ta trải nghiệm đau khổ của sự biến hoại (hoại khổ) khi trải qua thời gian, một hoàn cảnh mà ta vui thú đã biến thành một cái gì khác. Từ hạnh phúc nó biến thành đau khổ. Chẳng hạn như lúc đầu ta mua một chiếc xe hơi mới, ta thực sự yêu thích nó. Nó mang lại cho ta niềm vui và khiến ta cảm thấy tốt lành. Nhưng sau đó trải qua thời gian, chiếc xe cũ đi, trầy trụa, và nó bắt đầu hư hỏng và có những vấn đề. Kế đó ta phải thường xuyên mang nó đi sửa, tốn nhiều tiền cho nó. Bây giờ chiếc xe hơi mà trước đây từng mang lại cho ta hạnh phúc đã trở thành nguồn mạch của sự thất vọng, bực mình và đau khổ. Đó là đau khổ của sự biến hoại (hoại khổ). Loại đau khổ này xảy ra liên tục, và không chỉ trong mối liên hệ với các đối tượng vật chất. Những mối quan hệ có thể trở nên không thuận lợi. Vào lúc đầu, ta bị hấp dẫn bởi những người có các phẩm tính khiến ta say mê, nhưng về sau ta bắt đầu ít chú ý tới những phẩm tính hấp dẫn, và cuối cùng ngay cả những quan hệ từng là suối nguồn của hỉ lạc lớn lao cũng có thể trở thành nguồn mạch của đau khổ. Đó cũng là đau khổ của sự biến hoại.
Đau khổ trùm khắp (hành khổ) của các hiện tượng phức hợp là một mức độ đau khổ vi tế bao trùm tất cả sáu cõi sinh tử, mặc dù chúng sinh bình thường không nhận thức được nó. Những bậc tôn quý, các vị Bồ Tát cao cấp, những bậc đã đạt được những cấp độ cao quý của sự phát triển tâm linh cảm nhận đau khổ này thật sâu sắc, nhưng chúng ta thậm chí không chú ý đến nó. Người ta thường nói rằng, đối với một người bình thường, đau khổ này giống như việc để một sợi lông mi trong lòng bàn tay, họ chẳng cảm nhận được gì; tuy nhiên, đối với một bậc tôn quý thì nó như sợi lông mi bị kẹt trong mắt, không thể bỏ qua được. Thậm chí ta không chú ý đến đau khổ trùm khắp, nhưng những bậc tôn quý, là những bậc đã phát triển chứng ngộ thì nhận thức nó một cách sâu sắc. Ta phải nhận ra đau khổ của ta trước khi chiến thắng nó. Giống như khi ta bị bệnh; nếu ta bị bệnh nhưng không nhận ra nó, ta sẽ không sử dụng những biện pháp để làm hồi phục sức khỏe, ta sẽ không tìm kiếm nguồn gốc của bệnh tật và sử dụng thuốc men đúng đắn để chữa trị nó. Vì thế Chân lý Cao quý thứ nhất (khổ đế), khiến ta nhận ra rằng ta thực sự đang đau khổ trong luân hồi sinh tử. Kế đó, một khi nhận ra nỗi khổ của ta, ta được thúc đẩy làm điều gì đó để tình trạng sức khỏe được tốt hơn. Để hoàn cảnh tốt hơn, ta phải hiểu rõ điều gì gây nên bệnh tật của ta. Ta phải nhận ra nguồn gốc của bệnh tật đó một cách thích đáng để ta có thể sử dụng thuốc đúng đắn, nếu không, ta sẽ không khỏi bệnh. Tương tự như thế, ta phải hiểu rõ nguyên nhân chính yếu của nỗi khổ của ta. Vì thế, chân lý Cao quý thứ hai là về nguồn gốc của đau khổ. Nguồn gốc của đau khổ là nghiệp và những cảm xúc phiền não. Nghiệp sinh khởi từ những cảm xúc phiền não trong dòng tâm thức của ta là nguyên nhân dẫn đến đau khổ của chúng ta. Để hiểu rõ ta có thể làm được điều gì hay không về đau khổ của ta, ta phải nhận ra điều gì gây nên đau khổ đó.
Khi ta nhận thức rõ ràng tình cảnh của ta, nhận ra đau khổ của ta như đau khổ và nhận ra nguyên nhân của đau khổ đó, ta có một nền tảng để làm điều gì đó hầu chiến thắng đau khổ. Nhưng trước hết ta cũng phải hiểu rằng sự giải thoát khỏi đau khổ của ta là điều có thể thực hiện được. Giống như ta phải hỏi xem bệnh tật của ta có thể được chữa khỏi hay không, ta phải biết có thể thực hiện sự giải thoát hay không. Câu hỏi đó được trả lời trong Chân lý Cao quý thứ ba, chân lý chấm dứt (diệt đế). Việc biết rằng có một phương cách để giải thoát khỏi đau khổ khiến ta tìm kiếm và áp dụng cách đối trị đau khổ, giống như việc hy vọng một cách chữa trị khiến ta tìm mua và sử dụng thuốc. Khi ta hiểu rằng có thể giải thoát, ta tạo ra các nguyên nhân để đạt được hạnh phúc vĩ đại bất biến của trạng thái giải thoát, sự chấm dứt đau khổ của ta.
Chân lý Cao quý thứ tư, chân lý con đường (Đạo đế) giải thích các nguyên nhân của sự chấm dứt đau khổ. Đi theo con đường tu tập thì giống như việc sử dụng những biện pháp cần thiết để chữa trị bệnh tật của bạn. Có thể bạn sẽ phải trải qua những tiến trình nào đó, có thể bạn phải chịu một cuộc giải phẫu, và có thể bạn sẽ phải dùng những loại thuốc khác nhau và rất thận trọng trong hành vi của bạn, phải theo dõi việc ăn kiêng và có những tập luyện thích hợp v.v.. Nếu bạn làm mọi sự cần thiết để khỏi bệnh thì bạn có thể hồi phục.
Tương tự như vậy, nếu ta tuân thủ một cách nghiêm ngặt những gì được chân lý con đường (Đạo đế) quy định thì như một kết quả, ta có thể thoát khỏi đau khổ. Sau khi đi qua cánh cửa quy y Tam Bảo, các Phật tử lao mình vào con đường tu tập, nó chủ yếu là một tuyển tập các phương pháp phát triển những phẩm tính cao quý, những phẩm tính tốt lành chẳng hạn như lòng từ, bi, Bồ đề tâm, v.v.. Chân lý con đường là Giáo pháp, gồm cả Giáo pháp của Kinh điển và Giáo pháp của sự chứng ngộ, vì thế Chân lý Cao quý thứ tư cũng là viên ngọc Giáo pháp (Pháp Bảo) trong Tam Bảo. Nếu ta thực sự nỗ lực đi theo con đường Giáo pháp, ta sẽ đạt được kết quả là sự chấm dứt đau khổ. Nhưng ta phải cố gắng, bởi kết quả đó sẽ không xảy ra trừ phi ta thực sự nỗ lực thực hành Pháp. Giống như nếu muốn phục hồi sức khỏe thì ta phải thực sự dùng thuốc, ta phải thực sự đưa Giáo pháp vào thực hành để chiến thắng đau khổ. Nghiên cứu và hiểu biết Giáo pháp giống như việc sử dụng thuốc thích hợp. Nó là bước thứ nhất và chính yếu, nhưng nó không mang lại kết quả tốt đẹp nào trừ phi bạn thực sự áp dụng nó. Đây là một giải nghĩa hết sức ngắn gọn về Bốn Chân lý Cao quý, nó thực sự bao gồm mọi giáo lý của Đức Phật. Bốn Chân lý Cao quý tóm tắt sự thực của nỗi khổ trong sinh tử, lý do khiến ta đau khổ, triển vọng (khả năng) thoát khỏi đau khổ đó, và làm thế nào đạt được sự giải thoát đó. Bốn Chân lý Cao quý này áp dụng vào hoàn cảnh của mọi chúng sinh bị vướng kẹt trong sinh tử, và cần phải hiểu biết về các chân lý này để dấn mình trên con đường giải thoát. Trước hết cần phải hiểu biết về tình cảnh, đó là bản chất đích thực của sinh tử là đau khổ, và kế đó ta phải hiểu rằng nguyên nhân của đau khổ đó là nghiệp và những cảm xúc phiền não. Khi nhận thức rằng việc từ bỏ nguyên nhân của đau khổ đưa đến kết quả là sự chấm dứt đau khổ, ta hiểu là ta phải từ bỏ nguyên nhân của đau khổ. Cách thức để làm điều đó, cách thức để áp dụng cách đối trị thích hợp nguyên nhân của đau khổ là đi theo con đường. Như thế kết quả là sự giải thoát, Diệt đế. Theo cách này, ta có thể nhận ra rằng Bốn Chân lý Cao quý thực sự là sự biểu lộ hoàn hảo về cách vận hành của nghiệp. Chúng giải thích mối liên hệ giữa sự đau khổ của sinh tử và những nguyên nhân của nó, cũng như sự giải thoát khỏi đau khổ đó và những nguyên nhân của nó.