CHƯƠNG XIV: QUÁN ĐẢNH KIM CƯƠNG THỪA
Vị sáng lập dòng truyền thừa Drikung Kagyu, Đức Jigten Sumgon đã nói rằng nghi lễ quán đảnh là điều để phân biệt Mật điển với Kinh điển, giống như Bồ đề tâm là điều để phân biệt Mahayana (Đại thừa) với thừa thấp hơn, Hinayana (Thừa Nguyên thủy), và quy y là điều để phân biệt Phật tử với những người không phải là Phật tử.
Trong truyền thống Kinh điển, ta tập trung vào việc nghiên cứu triết học Trung đạo và những lời Phật dạy, các sutra hay Kinh điển. Để phát triển một niềm tin không thể lay chuyển, Đức Phật đã chỉ dạy cho các môn đồ của Ngài, các tu sĩ và học giả trong suốt những thời đại tương lai, là hãy khảo sát kỹ lưỡng giáo lý của Ngài – phân tích và kiểm tra xem những giáo lý ấy có chân thật hay không, thay vì chỉ đơn thuần chấp nhận một điều gì đó là đúng chỉ vì Ngài đã nói điều ấy. Điều quan trọng là phải khảo sát thấu đáo ý nghĩa của Pháp với lập luận thông tuệ và cẩn trọng. Như thế, dựa trên sự khảo sát đó, bạn có thể quyết định Pháp có hoàn toàn viên mãn hay không. Do đó khi bạn có thể phát triển sự tin tưởng tuyệt đối vào bản tánh sâu xa và hoàn toàn viên mãn của Pháp, niềm tin của bạn sẽ được đặt nền vững chắc trên sự khảo sát và lập luận của chính bạn. Đây là cách những người có những năng lực vô cùng sắc bén đặt niềm tin của họ vào ý nghĩa của Pháp, là tự thân các giáo lý, hơn là chỉ đơn thuần chấp nhận chúng như những lời Phật dạy.
Tóm lại, truyền thống Kinh điển nhấn mạnh vào việc sử dụng lý luận triết học để phát triển sự hiểu biết chắc chắn về Pháp. Tuy nhiên, sau này, khi ta đi vào các thực hành Tara, trọng tâm được di chuyển sang niềm tin và lòng kính ngưỡng vững chắc hơn là sự khảo sát và phân tích. Nếu đệ tử đã phát triển niềm tin và sự kính ngưỡng mạnh mẽ và Đạo sư có đủ phẩm tính và đã đạt được chứng ngộ, thì nghi lễ quán đảnh sẽ vô cùng lợi lạc cho chúng sinh. Đối với một đệ tử không có nhiều niềm tin thì quán đảnh sẽ không lợi lạc như thế.
Một trong những điểm khác biệt nhất giữa Mật điển và Kinh điển là cách tiếp cận để nghiên cứu bản tánh của tâm. Trong cách tiếp cận của Kinh điển, ta khảo sát bản tánh của tâm qua sự lập luận và phân tích để phát triển sự xác quyết về bản tánh bẩm sinh đích thực của tâm. Mật điển tiếp cận cùng chủ đề đó, bản tánh đích thực của tâm, với những phương pháp khác nhau. Một quán đảnh Mật thừa không ban loại năng lực huyền diệu hay gia hộ nào đó cho dòng tâm thức của bạn; nó không mang lại cho bạn điều gì mới mẻ đến từ bên ngoài bạn. Thực ra quán đảnh là một phương pháp thiện xảo sử dụng các phương pháp để làm sinh khởi sự nhận thức về bản tánh bẩm sinh của tâm. Như chính Đức Phật đã nói: “Mật điển có nhiều phương pháp và nó không khó khăn, vì thế đối với những người có những năng lực vô cùng sắc bén, ta giảng dạy phương pháp quán đảnh.” Nói chung, điều quan trọng là phải nghiên cứu Kinh điển đủ sâu rộng để phát triển niềm tin chắc chắn đến từ sự khảo sát phân tích của ta, bởi loại niềm tin này không thể thay đổi được. Niềm tin không thể thay đổi đó khiến ta có đủ tư cách để nhận quán đảnh, khiến ta được gọi là một đệ tử siêu việt hay người có năng lực vô cùng sắc bén.
Khi thọ nhận quán đảnh của một Bổn Tôn từ một Đạo sư, các đệ tử thường lập một hứa nguyện thực hành Bổn Tôn và hoàn thành việc trì tụng một số lượng thần chú nào đó. Trong lễ quán đảnh, Đạo sư thỉnh mời Bổn Tôn từ cõi Phật đến không gian trước mặt ngài và các đệ tử, và sau đó mô tả những gì các đệ tử nên quán tưởng để thọ nhận quán đảnh. Để có thể hoàn toàn thọ nhận quán đảnh, các đệ tử phải có niềm tin không thể thay đổi, và cũng có thể phát triển một sự quán tưởng kiên cố. Ngoài ra, họ nên hiểu rõ ý nghĩa của quán đảnh, là điều được giải thích trong khi quán đảnh được ban truyền. Các đệ tử có thể thực hiện những điều này sẽ có một kinh nghiệm sâu xa. Chắc chắn là họ sẽ nhận được những gia hộ, và quán đảnh sẽ vô cùng ý nghĩa.
Tất cả chúng ta đều có tathagatagarbha, hay Phật tánh, là bản chất đích thực của con người chúng ta. Phật tánh là bản tánh đích thực của tâm ta, nhưng ta không nhận ra nó. Đó là lý do vì sao Đạo sư sử dụng các biểu tượng trong nghi lễ quán đảnh để giới thiệu cho các đệ tử Phật tánh bẩm sinh của họ.
Trong phần đầu tiên của quán đảnh, các uẩn bất tịnh của các đệ tử được tịnh hóa thành bản tánh thuần tịnh của các yếu tố. Thân thể bình thường, tri giác bình thường v.v.. của đệ tử bị ô nhiễm, vì thế tính chất ô nhiễm của chúng được tịnh hóa và chuyển hóa thành bản tánh thuần tịnh của năm bộ Phật. Trước hết các vị Phật của năm bộ được thỉnh mời, và sau đó các vị được khẩn cầu tan hòa vào các đệ tử. Theo cách này các đệ tử thọ nhận gia hộ thuần tịnh của năm yếu tố hay năm bộ Phật. Trong phần sau của quán đảnh, Đạo sư giới thiệu bản tánh của tâm. Chẳng hạn như trong một vài quán đảnh, Đạo sư cho các đệ tử thấy một quả cầu pha lê. Bởi một quả cầu pha lê có tính chất hoàn toàn trong trẻo, nó là một biểu tượng có tiềm năng làm phát khởi sự nhận thức của đệ tử về bản tánh bẩm sinh của tâm họ. Cử chỉ tượng trưng đó là một hình thức của giáo huấn trực chỉ giới thiệu cho đệ tử giác tánh nguyên sơ là bản tánh bẩm sinh của họ. Trong bản chất, một quán đảnh chỉ đơn thuần là phương pháp thiện xảo để khám phá bản tánh đích thực của tâm. Đó là một nghi lễ của những biểu tượng hướng đệ tử đến việc nhận ra Phật tánh của họ.
Để Giáo pháp được hiệu quả, và đặc biệt là đối với một quán đảnh, điều quan trọng là cả vị Thầy và đệ tử đều có đầy đủ tư cách và những phẩm tính cần thiết. Nếu được như thế thì các giáo lý hay quán đảnh có thể mang lại những lợi lạc hỗ tương to lớn. Đối với một quán đảnh, Đạo sư nên có kinh nghiệm trực tiếp về các yoga của các giai đoạn phát triển và thành tựu, và vị Thầy ấy đã tích tập mọi trì tụng thần chú của Bổn Tôn đặc biệt đó. Các đệ tử phải có niềm tin và lòng kính ngưỡng lớn lao và những phẩm tính khác được mô tả ở trên. Các gia hộ của quán đảnh có thể vô cùng mạnh mẽ và lợi lạc phi thường đối với việc thực hành của đệ tử. Các gia hộ ấy có thể xua tan những chướng ngại của đệ tử trong đời này, và quán đảnh cũng tạo nên những nguyên nhân cho việc nhận ra bản tánh tỉnh giác nguyên sơ của tâm.
Một số người có thể không cảm thấy đầy đủ phẩm tính để thọ nhận quán đảnh, và tự hỏi họ có thích hợp để khẩn cầu hoặc tham dự một quán đảnh hay không. Đối với những người trong các bạn cảm thấy có sự hoài nghi hay do dự nào đó, lời khuyên của tôi về việc bạn có nên nhận một quán đảnh hay không là nếu bạn lợi dụng cơ hội để nhận lãnh nó thì rất có thể là sẽ tốt hơn. Lý do là bởi cho dù bạn không đủ khả năng để hoàn toàn nhận ra ý nghĩa đích thực của quán đảnh, nhưng bạn vẫn được lợi lạc trong việc thọ nhận nó bởi bạn được nghe danh hiệu Phật. Trong lễ quán đảnh bạn sẽ nghe các thần chú đầy uy lực, là ngữ của Phật, và bạn cũng trì tụng các bài nguyện quy y, phát triển Bồ đề tâm v.v.. Ít nhất thì đó cũng là một sự gia hộ, và điều đó chắc chắn sẽ gieo trồng những dấu vết thiện nghiệp trong dòng tâm thức của bạn.
Nếu bạn thiếu tin tưởng về việc thọ nhận một quán đảnh do bởi một Bổn Tôn nào đó, bạn đừng nghĩ rằng có những khác biệt nào đó giữa các Bổn Tôn chẳng hạn như một số Bổn Tôn thì tốt hơn và những vị khác thì tệ hơn, hay một số vị không thích hợp vì lý do này hay lý do khác, bởi thực ra không có sự khác biệt giữa các Bổn Tôn; tất cả các ngài đều như nhau. Chẳng hạn như, không có sự khác biệt về bản chất của Đức Phật A Di Đà và Quán Thế Âm; các ngài có tâm giác ngộ như nhau. Mọi Bổn Tôn đều có lòng từ và bi vô lượng đối với tất cả chúng sinh, và hai loại trí tuệ toàn tri. Các Bổn Tôn có một sự khác biệt to lớn, nhưng dù là Bổn Tôn phẫn nộ hay an bình, tất cả các ngài đều có cùng một bản chất duy nhất. Tất cả các ngài đều là những hiển lộ của tâm Phật, xuất hiện trong những hình tướng khác nhau để làm lợi lạc đủ loại chúng sinh.
Một số người trong các bạn cũng có thể có những câu hỏi về các samaya (thệ nguyện). Một số người lưỡng lự khi nhận quán đảnh bởi họ sợ nhận quá nhiều samaya hay hứa nguyện. Một vài quán đảnh bắt buộc phải có những hứa nguyện đặc biệt, nhưng mọi hứa nguyện của bất kỳ quán đảnh nào đều được gộp vào hứa nguyện duy nhất để thực hành cốt tủy của Giáo pháp, là sự thực hành bất bạo động hay bất hại đối với tất cả chúng sinh. Nếu bạn duy trì hứa nguyện đó thì mọi samaya của tất cả các Bổn Tôn đều được duy trì trong đó.
Có nhiều kinh nghiệm khác nhau có thể đến từ việc nhận quán đảnh. Một vài hành giả có thể được giới thiệu một cách hoàn hảo bản tánh tỉnh giác nguyên sơ của tâm, và thậm chí họ có thể dễ dàng đạt được giác ngộ ngay trong đời này nếu họ chuyên chú vào nó. Một vài người khác có thể thực sự phát triển niềm tin nơi chân lý của nghiệp, nhân và quả, hay ít nhất là hiểu biết về chân lý ấy. Ngay cả những người không có bất kỳ kinh nghiệm đặc biệt nào thì ít nhất, chắc chắn là dòng tâm thức của họ sẽ được gieo trồng một dấu vết thiện nghiệp, và khi đến lúc dấu vết nghiệp ấy thuần thục, nó sẽ mang lại lợi lạc to lớn.
Theo truyền thống ở Tây Tạng, quán đảnh được ban truyền thận trọng hơn, vì thế khá ít người may mắn nhận được quán đảnh. Tuy nhiên, quán đảnh là Pháp, và Pháp cần đến được với những ai muốn thọ nhận nó, vì thế ngay cả những quán đảnh được coi là bí mật hay không dễ thọ nhận trong quá khứ thì nay đã được ban truyền. Ngày nay, nếu các đệ tử có lòng tin và sự kính ngưỡng chân thành thỉnh cầu những giáo lý này, việc vị Thầy ban các quán đảnh cho họ sẽ vô cùng lợi lạc.
Điều quan trọng là phải truyền bá Giáo pháp siêu việt một cách hài hòa và lợi lạc đối với địa điểm và thời gian đặc biệt. Nếu các đệ tử có một khuynh hướng mạnh mẽ để nhận lãnh một loại giáo lý đặc biệt, thì việc ban giáo lý đó cho họ là điều thích đáng, bởi trong dòng tâm thức của mỗi người đều có Phật tánh. Mục đích của Pháp là để giúp họ nhận ra Phật tánh sẵn có của họ, vì thế việc ban quán đảnh cho một người và không ban cho người khác thì không thích đáng, bởi mọi người đều bình đẳng. Tất cả mọi người đều có cùng một nền tảng và tiềm năng để nhận ra Phật tánh bẩm sinh của họ. Việc ban và nhận quán đảnh chỉ có thể lợi lạc chứ không thể tai hại.