CHƯƠNG XVII: BA THÂN
Ta thường nói về “ba thân của một vị Phật” hay “ba thân của Phật quả,” và bởi trong Phạn ngữ kaya có nghĩa là “thân thể”, đôi khi ta nói đó là “ba thân” của một vị Phật. Điều này nghe có vẻ hơi lạ, vì thế tôi muốn giảng về ba thân này.
Ba thân là nirmanakaya (Hóa Thân), sambhogakaya (Báo Thân) và dharmakaya (Pháp Thân). Đôi khi ta nghe nói rằng nirmanakaya là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và vì thế có người muốn biết: “Nếu thế thì sambhogakaya và dharmakaya là ai hay là gì?” Nhưng ta không nên nghĩ rằng sambhogakaya và dharmakaya là những vị Phật khác nhau hay là những thực thể riêng biệt. Một vị Phật đồng thời hiển lộ như cả ba thân, vì thế thực ra ba thân thì bất khả phân.
Trước khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành Phật, khi Ngài còn đang tiến triển trên con đường Giáo pháp, Ngài đã phát triển lòng bi mẫn vô cùng to lớn. Với lòng đại bi, Ngài đã dấn mình vào những phương tiện hay phương pháp thiện xảo và cũng phát triển trí tuệ vĩ đại. Cuối cùng, nhờ sự hợp nhất của phương pháp và trí tuệ (hay lòng bi mẫn và trí tuệ), Ngài đã hoàn toàn hiển lộ sự toàn giác. Ngài đã tịnh hóa mọi che chướng và ô nhiễm, và ngài đưa mọi phẩm tính giác ngộ đến chỗ viên mãn, và phương diện đó của sự giác ngộ là dharmakaya (Pháp Thân), hay thân trí tuệ, là điều hoàn thành mục đích của ta, sự giải thoát khỏi luân hồi sinh tử. Khi Đức Phật đạt được giác ngộ, Ngài thấu suốt bản chất hoàn toàn viên mãn của mọi hiện tượng như chúng là mà không có bất kỳ lỗi lầm hay sai sót nào, và sự chứng ngộ đó là Pháp Thân, sự hợp nhất của tánh Không và lòng bi mẫn. Kế đó, bởi phương diện của lòng đại bi, từ Pháp Thân, hai sắc thân hiển lộ để làm lợi lạc chúng sinh. Phương diện trí tuệ của Pháp Thân hoàn thành mục đích của riêng ta, và bởi phương diện bi mẫn, hai sắc thân là Báo Thân và Hóa Thân hiển lộ.
Tâm Phật an trụ như Pháp Thân không bao giờ lay động. Tuy nhiên trong đó, hai sắc thân hiển lộ một cách tự nhiên.
Ta không thể trực tiếp nhìn thấy Báo Thân bởi là những chúng sinh bình thường, các ô nhiễm của ta quá mạnh mẽ và che lấp nhận thức của ta, và vì thế ta không có may mắn để thực sự diện kiến các hóa hiện Báo Thân. Chỉ có các Bồ Tát đã tịnh hóa những che chướng của các ngài và đã đạt được mức độ cao cấp trên những giai đoạn dẫn tới giác ngộ mới có thể nhìn thấy các Báo Thân Phật. Các hóa hiện Báo Thân có những điều được gọi là năm sự chắc chắn : chắc chắn của vị Thầy, chắc chắn của đoàn tùy tùng, chắc chắn của Giáo pháp, chắc chắn của nơi chốn, và chắc chắn của thời gian. Chắc chắn của vị Thầy có nghĩa là Báo Thân là một vị Phật an trụ trong một cõi thuần tịnh và giảng dạy Đại thừa. Chắc chắn của đoàn tùy tùng có nghĩa là tất cả những môn đồ của vị Phật đó là các Bồ Tát. Chắc chắn của Giáo pháp có nghĩa là Giáo pháp được hóa hiện Báo Thân đó giảng dạy chỉ là Giáo pháp thanh tịnh của Đại thừa. Chắc chắn của nơi chốn có nghĩa là nó là một cõi Phật hoàn toàn thanh tịnh hay cõi thuần tịnh. Chắc chắn của thời gian có nghĩa là sự chuyển Pháp luân được duy trì liên tục suốt ba thời, vì thế thời gian là sự tương tục không ngừng dứt của ba thời.
Hình thức thân khác là nirmanakaya (Hóa Thân). Các Hóa Thân là những hiện thân Phật hiển lộ trong một thân người mà ta có thể nhìn thấy, chẳng hạn như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà chúng sinh bình thường có thể nhìn thấy. Giống như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, các Hóa Thân Phật phô diễn mười hai công hạnh của sự giác ngộ và chuyển Pháp luân.
Như thế, nói tóm lại, Đức Phật đã từ bỏ mọi ô nhiễm, hoàn toàn tịnh hóa mọi che chướng và ô nhiễm, và đưa mọi đức hạnh và mọi phẩm tính giác ngộ đến chỗ hoàn toàn viên mãn. Mục đích của Ngài (việc Ngài giải thoát và chấm dứt mọi đau khổ) được thành tựu như Pháp Thân, và từ đó Ngài hiển lộ các hình thức Báo Thân cho những người là những bậc tôn quý, các Bồ Tát an trú trên những địa (quả vị) Bồ Tát. Được bao quanh bởi một tập hội vĩ đại những Bồ Tát như thế, Ngài hiển lộ trong hình thức Báo Thân và chuyển Pháp luân cho những bậc tôn quý. Kế đó, đối với chúng sinh bình thường như chúng ta, ngài hiển lộ như hình thức Hóa Thân xuất hiện như một con người bình thường thực hiện mười hai công hạnh v.v.. Vì thế, mặc dù ba thân xuất hiện là ba điều riêng biệt, thật ra chúng hoàn toàn như nhau. Ba thân chỉ là những phương diện khác nhau của cùng một vị Phật được tri giác một cách khác biệt do bởi những nhu cầu, mức độ, và khả năng (căn cơ) khác nhau của những chúng sinh nhận thức về ba thân đó.