CHƯƠNG XIII: HAI CHÂN LÝ CỦA BỐN TRƯỜNG PHÁI
Hai “Chân lý” thì thực sự quan trọng, và trong thực tế, ta cần phải hiểu rõ ý nghĩa của hai chân lý này. Nó quan trọng đối với những người mới đi vào Phật pháp, và những hành giả lâu năm cũng cần phải quán chiếu về ý nghĩa của Hai Chân lý. Đó là bởi thực ra Giáo pháp Hai Chân lý rất khó hiểu.
Mọi pháp, mọi hiện tượng được bao gồm trong giáo lý về hai chân lý, và rất cần phải phân biệt rõ ràng hai chân lý. Nếu bạn không có một sự hiểu biết hết sức rõ ràng về những giáo lý này thì bạn không thể hiểu được tánh Không, và bạn sẽ không thể hiểu được nghiệp, nhân và quả; bạn sẽ vô cùng bối rối. Để chúng ta không bị bối rối, mê mờ về tánh Không và nghiệp, Đức Phật đã đưa ra một giải thích rõ ràng về hai chân lý.
Mọi Giáo lý có thể được gộp vào giáo lý về Hai Chân lý, như Nagarjuna (Long Thọ) nói: “Mọi sự có thể được gộp vào hai chân lý, nhưng ta phải phân biệt giữa hai chân lý đó.” Hai Chân lý là chân lý tương đối của thế giới và chân lý tuyệt đối của ý nghĩa tối thượng. Các trường phái Phật giáo khác nhau trình bày hai chân lý và những dị biệt của chúng từ những quan điểm khác nhau. Phật Pháp đã trình bày theo những hệ thống giáo lý triết học khác nhau được phát triển bởi bốn trường phái Vaibashika (Tỳ Bà Sa bộ), Sautantrika (Kinh Lượng bộ), Chitamattra (“Duy Tâm”), và Madhyamika (“Trung Đạo”). Trong các hệ thống giáo lý của bốn trường phái khác nhau này, vấn đề chính yếu là định nghĩa của chúng về sự khác biệt giữa hai chân lý. Những phương cách khác nhau mô tả sự khác biệt giữa hai chân lý phản ảnh mức độ hiểu biết khác nhau có thể có đối với những người có khả năng trí tuệ khác nhau. Một số người có khả năng (căn cơ) yếu kém, một số có căn cơ trung bình, và những người khác có căn cơ vô cùng sắc bén và đặc biệt thông tuệ, và mỗi một trong bốn trường phái phát triển và trình bày quan điểm của riêng nó phù hợp với mức độ trí tuệ và sự hiểu biết tương ứng với một trong những khả năng hiểu biết.
Tương tự như thế, Giáo pháp được phân chia thành ba lần “chuyển Pháp luân,” mỗi lần tương ứng với một mức độ khả năng thông tuệ khác nhau.
Giáo lý của các trường phái khác nhau về chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối khác biệt trong các chi tiết phù hợp với mức độ hiểu biết mà các giáo lý này hướng tới, nhưng tất cả những giáo lý ấy đều nhắm vào những vấn đề tổng quát tương tự nhau. Nói chung, chân lý tương đối liên quan với hoàn cảnh nhất thời. Mọi sự xuất hiện như kinh nghiệm nhất thời của ta, chẳng hạn như mọi hiện tượng tương đối, là chân lý tương đối. Trái lại, chân lý tuyệt đối đề cập đến ý nghĩa tối thượng, là ý nghĩa bất biến. Những chân lý này được giải thích bằng những cách thức hoàn toàn khác nhau. Ở mức độ đơn giản nhất, những người thuộc Thanh Văn thừa và Độc Giác thừa thường theo hệ thống triết học Vaibhashika, trong đó chân lý tương đối là tất cả những gì xuất hiện và hiện hữu trong một ý nghĩa tương đối; mọi hiện tượng thô thiển, hay mọi hiện tượng phức hợp, hiển lộ như thực tại bên ngoài. Mọi sự là vật chất, mọi sự gồm có những hạt nguyên tử v.v.., và mọi sự mà ta thường nhìn thấy và kinh nghiệm như những hiện tượng bên ngoài trong thực tại khi ta thức, được phái Vaibhashika coi là chân lý tương đối.
Mọi sự thuộc về phạm trù chân lý tương đối thì không vững chắc; chúng không tồn tại lâu dài. Chúng lệ thuộc sự vô thường và luôn luôn bị sự hủy diệt tác động. Vì thế, do bởi sự tương thuộc của những nguyên nhân và điều kiện (duyên), mọi sự hiện hữu trên một bình diện tương đối thì không đáng tin cậy bởi chúng có bản chất vô thường. Trên bình diện tuyệt đối, chân lý tối thượng thì giống như suối nguồn của chân lý tương đối; nó chân thực, bền vững và có thực tại tối thượng nào đó.
Người theo phái Vaibhashika hiểu chân lý tối thượng là các “hạt (phần tử) không-tách rời” tạo thành các hiện tượng bên ngoài. Ở bình diện vật chất, bên ngoài, điều này ám chỉ mức độ vô cùng nhỏ bé, có thể là cái gì đó giống như các hạt dưới nguyên tử (subatomic particles) của các nhà khoa học, là những gì bất khả phân, giống như các hạt của không gian tạo nên vật chất. Ý tưởng về việc bạn phân chia, phân chia và khi xuống tới phần nhỏ nhất của một hạt và không thể phân chia được nữa, thì đó là một “hạt không-tách rời.” Theo phái Vaibhashika, điều đó thuộc về chân lý tối thượng; đó là chân lý tuyệt đối. Đó cũng là một bình diện bên trong, thuộc về tâm mà ta kinh nghiệm là tâm thức. Theo cách nhìn của trường phái Vaibhashika về tư tưởng thì những khoảnh khắc bất khả phân của tâm thức cũng thuộc về phạm trù chân lý tuyệt đối. Họ nhìn tâm thức, hay tâm, như một dòng khoảnh khắc thay đổi liên tục cũng có thể được phân chia cho đến khi đi đến bản chất bất khả phân của tâm thức, và những khoảnh khắc bất khả phân nhất thời đó của tâm thức được coi là thường hằng, hay thực sự hiện hữu, theo quan điểm của phái Vaibhashika.
Như thế, theo quan điểm của phái Vaibhashika về các chân lý tương đối và tuyệt đối, chân lý tuyệt đối được tạo nên bởi những hạt-không tách rời và những khoảnh khắc nhất thời bất khả phân của tâm thức.
Trong bối cảnh của chân lý tương đối, khi chúng sinh sinh ra và sau đó dấn mình vào các ác hạnh và thiện hạnh, nghiệp của những hành động đó gây ra một nghiệp quả hiển lộ là đau khổ hay hạnh phúc. Đây là cách thức mọi sự vận hành trên bình diện chân lý tương đối. Tuy nhiên, nhờ tích tập vô vàn thiện hạnh, ta có thể đạt được cấp độ của sự chấm dứt (hay Chân lý Chấm dứt – Diệt Đế - như nó được gọi trong bối cảnh của Tứ Diệu Đế).
Khi đạt được cấp độ chấm dứt, tâm thái đó không phức hợp, và sự giải thoát không phức hợp đó, trạng thái chấm dứt đó, được phái Sautantrika nhận dạng là chân lý tuyệt đối. Hai phái Vaibhashika và Sautantrika tương ứng với Thanh Văn thừa và Độc Giác thừa, và sự hiểu biết của họ về chân lý tương đối và tuyệt đối hầu như giống nhau, chỉ khác biệt rất ít và vi tế.
Trong quan điểm của hai thừa thấp này, việc ta đạt được Chân lý Cao quý của sự Chấm dứt (Diệt Đế), chân lý tuyệt đối, thì phụ thuộc vào chân lý tương đối. Điều này khác biệt với quan điểm của hai phái đi theo Đại thừa là phái Cittamatra (Duy Tâm) và Madhyamika (Trung Đạo). Hiện nay hầu hết chúng ta là các môn đồ của phái Madhyamika, và Madhyamika là vua trong mọi hệ thống giáo lý của các trường phái khác nhau. Đức Milarepa, người theo quan điểm Madhyamika, đã nói rằng trong bối cảnh của chân lý tương đối, mọi sự xuất hiện như hình tướng huyễn hóa, đối với tâm mê lầm thì chúng xuất hiện như thật có trong bối cảnh đó của chân lý tương đối. Mọi hiện tượng hiển lộ như sự vận hành của nghiệp, nhân và quả tạo thành chân lý tương đối, và trong bối cảnh đó của chân lý tương đối, chân lý tương đối thì thật có. Mọi sự trong chân lý tương đối vận hành theo định luật nghiệp quả, vì thế nghiệp, nhân và quả hiện hữu trong phạm vi của chân lý tương đối. Tuy nhiên, trong chân lý tuyệt đối, không có hiện tượng nào thực sự hiện hữu; không hiện tượng tương đối nào có sự hiện hữu nội tại chân thực, và nghiệp, nhân và quả thì cũng thế. Vì thế trong phạm vi chân lý tuyệt đối, nghiệp, nhân và quả không có bản tánh nội tại. Trong Bodhicharyavatara (Bồ Tát Hạnh) nói rằng tâm ý niệm hay trí năng là chân lý tương đối, và những gì được quan niệm bởi trí năng là chân lý tương đối, trong khi những gì siêu vượt trí năng là chân lý tuyệt đối. Như thế, mọi đối tượng của giác quan – mọi kinh nghiệm của các giác quan, chẳng hạn như âm thanh, sắc tướng v.v.., bởi chúng được trí năng kinh nghiệm – và tất cả những đối tượng của tư tưởng khái niệm thì thuộc về phạm trù chân lý tương đối. Tuy nhiên các hiện tượng của chân lý tương đối không có bản tánh hay bản chất nội tại. Vì thế trong khi một vật nào đó, chẳng hạn như chiếc bàn, dường như hiện hữu và có một hiện hữu chân thực, hiển lộ trong chân lý tương đối, nó không có bản chất hiện hữu trong chân lý tuyệt đối. Trong chân lý tương đối, mọi sự vận hành như sự phô diễn của sự tương thuộc có tính chất nghiệp quả, nhưng đồng thời, ở bình diện chân lý tuyệt đối, không có điều gì trong đó xảy ra.
Mọi hình tướng là chân lý tương đối, cách thức các hình tướng hiển lộ xảy ra ở bình diện chân lý tương đối, và phù hợp với sự vận hành của chân lý tương đối. Trái lại, chân lý tuyệt đối có quan hệ với bản tánh chân thực của các hiện tượng mà về mặt nền tảng, đó là bản tánh cốt tủy hay bản tánh cố hữu của các hiện tượng.
Những cách thức định nghĩa khác nhau về chân lý tuyệt đối và tương đối của các trường phái cho thấy điều mà Vaibhashika coi là chân lý tuyệt đối thì đối với các phái Cittamatra (Duy Tâm) và Madhyamika (Trung Đạo) vẫn chỉ là chân lý tương đối. Những người theo phái Vaibhashika nói rằng chân lý tuyệt đối bao gồm những hạt không-tách rời của các hiện tượng vật chất và những khoảnh khắc bất khả phân của tâm thức, nhưng theo giáo lý của Madhyamika thì những điều đó cũng thuộc về chân lý tương đối, bởi mọi sự xuất hiện và hiện hữu như các hiện tượng phức hợp bị tác động bởi tính chất vô thường. Chẳng hạn như ta khảo sát chiếc bàn. Nó được tạo bởi những hạt-không tách rời, nhưng chính những hạt không-tách rời không có bản tánh nội tại, vì thế chúng cũng thấm đẫm bản chất của tánh Không, chúng không có thực tại thường hằng nội tại. Vì thế, trong hệ thống giáo lý Madhyamika, các hạt không-tách rời và những khoảnh khắc bất khả phân của tâm thức cũng thuộc về chân lý tương đối, bởi chân lý tuyệt đối là tánh Không toàn khắp.
Những người khởi xướng Trường phái Duy Tâm khẳng định rằng chân lý tương đối như một giấc mộng, và mọi hình tướng đến từ tâm và thoát khỏi bất kỳ sự hiện hữu thực sự thường hằng cố hữu nào. Tuy nhiên, trong phạm vi quan điểm về chân lý tuyệt đối của họ, họ trung thành với quan điểm là có sự hiện hữu của một tâm thức thường hằng thoát khỏi sự bám chấp vào tính chất nhị nguyên của chủ thể và đối tượng.
Theo quan điểm Madhyamika, mọi sự xuất hiện là chân lý tương đối. Có những cấu trúc nguyên tử vi tế và thô thiển hay những hạt trong chân lý tương đối, nhưng trong chân lý tuyệt đối thì chúng không có sự hiện hữu chân thực; chỉ có bản chất, là tánh Không, hiện hữu trong chân lý tuyệt đối.
Trong Madhyamika có nhiều phương pháp khác nhau để phân tích sự vận hành của chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối, và có nhiều hệ thống lý luận khác nhau. Nhưng trong chân lý tuyệt đối thì sắc tướng hoàn toàn không có sự hiện hữu chân thực. Không có những sắc tướng chân thực trong tâm thức và thậm chí những phần nhỏ bé nhất tạo nên các hiện tượng vật chất cũng không có sắc tướng chân thực. Ngay cả ở các mức độ vi tế hay nhỏ bé hạn chế nhất cũng không có gì có thể được nhận dạng là sắc tướng thực sự hiện hữu trong bất ký ý nghĩa nào. Nhưng chân lý tương đối hiển lộ như một sản phẩm của sự mê lầm, và vì thế có một kinh nghiệm không ngừng dứt về sự xuất hiện của các hiện tượng và v.v.., ở bình diện tâm thức lẫn trong sự quan hệ với các đối tượng mà các giác quan tiếp xúc. Nhưng không điều gì trong các hiện tượng tương đối đó có chút xíu hiện hữu chân thực nào. Hoàn toàn là sự huyễn hóa, như một giấc mộng. Hoàn toàn là sự mê lầm.
Điều duy nhất có bản tánh trường cửu hay bất biến là tánh Không. Tánh Không hoàn toàn siêu vượt mọi đối tượng của trí năng, siêu vượt mọi đối tượng của giác quan, siêu vượt sự diễn tả, và siêu vượt tư tưởng. Chân lý tuyệt đối là bản tánh cố hữu của tâm. Tâm có bản chất hoàn toàn an định của tánh Không. Nó siêu vượt nhận thức, và siêu vượt ngôn từ. Bản chất nền tảng đích thực của tâm là dharmadhatu (Pháp giới), nó thấm đẫm mọi hiện tượng. Chân lý tuyệt đối hiện diện đồng thời với những hình tướng mê lầm của các hiện tượng tương đối, và vì thế chân lý tương đối thấm đẫm chân lý tuyệt đối, Pháp giới toàn khắp. Vì thế, không thể tìm ra bất kỳ thực thể nào thực sự hiện hữu một cách độc lập. Giống như đã nói, trí tuệ toàn thiện thì siêu vượt tư tưởng và siêu vượt sự diễn tả, không sanh và không diệt, là tinh túy của không gian, không đến không đi, và không có bất kỳ sự định danh nào. Đó là trí tuệ nguyên sơ của giác tánh nội tại của chính ta, là cái gì hoàn toàn siêu vượt tâm thức ý niệm.
Khi Đức Phật chuyển Pháp luân, Ngài không bắt đầu với những giáo lý về chân lý tuyệt đối bởi nó vô cùng vi tế và sâu xa. Bởi chân lý tuyệt đối siêu vượt mọi cực đoan và tạo tác nên khó có thể thực sự thấu suốt nó. Đó là lý do vì sao trước tiên Đức Phật giảng dạy về mức độ căn bản hơn, chân lý tương đối, và cũng bởi chúng sinh an trụ trong sự vận hành của chân lý tương đối, hoàn toàn phó mặc cho sự hoạt động của sự tương thuộc nghiệp quả.
Trong lần chuyển Pháp luân thứ nhất, Đức Phật đã giảng dạy chân lý tương đối của nghiệp, nhân và quả để chúng sinh có thể tịnh hóa ác nghiệp của họ, tránh dấn mình thêm nữa vào ác hạnh và tạo thêm ác nghiệp, và phát triển công đức bằng cách thực hành đức hạnh. Nếu chúng sinh hiểu rằng kết quả của đức hạnh là hạnh phúc và kết quả của ác hạnh là đau khổ, thì họ sẽ hiểu được cách tạo lập các nguyên nhân của hạnh phúc và tránh gây ra nguyên nhân dẫn đến việc tái sinh trong các cõi thấp, cũng như cách tạo nên các nguyên nhân để đạt được sự giải thoát của các Thanh Văn. Cốt tủy của lần chuyển Pháp luân thứ nhất là việc có thể giải thoát và chân lý về nghiệp, nhân và quả.
Lần chuyển Pháp luân thứ hai đề cập đến nguyên nhân và cách đối trị đau khổ. Nguyên nhân là tâm chấp ngã, và cách đối trị của nó là chân lý về sự vô ngã, đặc biệt là sự vô ngã của cá nhân (nhân vô ngã). Vì thế, các chủ đề của lần chuyển Pháp luân thứ nhất và thứ hai thuộc về phạm vi của chân lý tương đối. Giáo lý mà Đức Phật giảng dạy trong lần chuyển Pháp luân thứ ba phù hợp với Đại thừa, dành cho những người có căn cơ sắc bén.
Trong lần chuyển Pháp luân thứ ba, Ngài dạy điều thoát khỏi mọi tạo tác. Cùng với sự vô ngã của cá nhân, Ngài đã giảng dạy sự vô ngã của các hiện tượng (pháp vô ngã), và cũng dạy kết quả tối hậu là sự giải thoát và giác ngộ hoàn toàn viên mãn của Phật quả tuyệt đối. Trong khi những người có căn cơ thấp có thể hiểu Giáo pháp chủ yếu giảng dạy về nghiệp và sự vô ngã của cá nhân, những người có căn cơ siêu việt cũng có thể thấu hiểu sự vô ngã của các hiện tượng và sự giác ngộ tối thượng của Phật quả toàn giác.
Mọi sự xuất hiện và hiện hữu đối với ta là chân lý tương đối. Điều ta dịch là tương đối, trong tiếng Tây Tạng là kunzop, theo nghĩa đen có nghĩa là “mọi sự sai lầm.” Nó được gọi như thế là bởi mặc dù mọi sự có vẻ như thật có – có vẻ được thiết lập một cách độc lập, thực sự hiện hữu và có thực – sự xuất hiện này là sản phẩm của mê lầm. Nếu bạn thực sự truy xét bản tánh chân thực của các hiện tượng, bạn sẽ khám phá ra rằng bạn không tìm ra các đặc tính chân thực nào và bạn sẽ đi tới chỗ hiểu rằng các hiện tượng không có hiện hữu chân thật, thực có. Điều này là sự thực đối với tâm tương đối và các hiện tượng bên ngoài. Dường như có một cái ngã kinh nghiệm một thế giới của các hiện tượng, và trong chân lý tương đối, tâm này và những hình tướng của tâm này hiện hữu một cách chắc chắn. Tuy nhiên, trong chân lý tuyệt đối, chúng chỉ là những hiển lộ huyễn hóa. Không có thực thể chân thực nào được tìm thấy trong chân lý tuyệt đối. Cũng không có bất kỳ sự kết tập thực có hay được thiết lập nào của tâm thức được tìm thấy ở đó, vì thế tâm, cũng như các hiện tượng bên ngoài, thì thấm đẫm tánh Không. Cho dù bạn cất công tìm kiếm đến mức độ nào chăng nữa, bạn sẽ chẳng bao giờ tìm thấy một cái ngã thực sự hiện hữu, và trong các hiện tượng bên ngoài, bạn cũng sẽ không tìm thấy một mảy may hiện hữu chân thực nào. Ngay cả hạt (phần tử) nhỏ bé nhất cũng không được cho là thực sự hiện hữu.
Thực ra trong bối cảnh của chân lý tương đối, ta có thể nói rằng các sự việc xuất hiện và hiện hữu trong chân lý tương đối là chân thực, nhưng trong chân lý tuyệt đối thì chúng không có bản chất đích thực. Tương tự như thế, trong bối cảnh của chân lý tương đối, có một tâm thức kinh nghiệm và cảm nhận hạnh phúc v.v.., nhưng một cách tuyệt đối thì không thực thể chân thực nào có thể được tìm thấy và nhận dạng là tâm. Ngay cả các khoa học gia hiện đại cũng đi đến kết luận, giống như Đức Phật đã nói, là không có thực thể thực sự hiện hữu nào có thể được nhận dạng là tâm. Mặc dù hai chân lý được giải thích như hai thực thể riêng biệt, và cần phải hiểu chúng một cách riêng biệt, rạch ròi, nhưng về mặt tuyệt đối, chúng không thể tách rời nhau (bất khả phân). Các hình tướng xuất hiện, nhưng bản chất của chúng có bản tánh là tánh Không. Các hình tướng xuất hiện một cách tương đối, và đồng thời chúng thấm đẫm bản tánh tuyệt đối, vì thế chúng bất khả phân cả về hình tướng lẫn tánh Không. Tương tự như thế, tâm là sự sáng tỏ và tánh Không một cách bất khả phân. Ở bình diện tương đối, tâm có những kinh nghiệm khác nhau và tri giác mọi sự, nhưng bản tánh cố hữu của nó thì trống không.
Khi ta nhận ra bản tánh chân thực của tâm, khi đó các hình tướng, là phương diện sáng tỏ của tâm, được hiểu là bất khả phân với bản chất của tâm, là tánh Không. Và các hình tướng và tánh Không cũng bất khả phân; và như thế, chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối cũng bất khả phân.