CHƯƠNG V: NGHIỆP, NHÂN VÀ QUẢ
Không giống như các tôn giáo khác, Phật Pháp không giải thích sự hiện hữu của thế giới như do một Tạo hóa toàn năng tạo nên. Thay vào đó, Đức Phật giải thích về cách xuất hiện của các hiện tượng qua sự vận hành của nghiệp, nhân và quả. Mọi kinh nghiệm mà chúng sinh chúng ta có được là kết quả của các nguyên nhân mà ta đã tạo ra. Mọi sự là kết quả của sự vận hành của nghiệp, hay sự tương thuộc có tính chất nghiệp quả. Mỗi hành động tạo nên một hậu quả, một kết quả của hành động đó, và tùy thuộc vào hành động là thiện lành hay bất thiện, kết quả của nó sẽ mang lại hạnh phúc hay đau khổ.
Theo triết học Phật giáo, có sáu cõi chúng sinh do nghiệp hình thành. Sáu cõi khác nhau này xuất hiện từ những loại nghiệp khác nhau của sáu cõi chúng sinh cư trú ở đó, và trong mỗi một trong sáu loài, chúng sinh và những kinh nghiệm của họ cũng rất đa dạng. Các chúng sinh có đủ loại thân tướng và khuynh hướng khác nhau, kinh nghiệm mọi loại hoàn cảnh khác nhau, và mọi sự là kết quả của nghiệp. Là Phật tử, chúng ta không tin rằng một Tạo Hóa toàn năng chịu trách nhiệm về hoàn cảnh của ta mà tin rằng hoàn cảnh của ta do ta tạo ra và đến từ những hành động đức hạnh hay bất thiện của riêng ta. Những gì ta kinh nghiệm trong hiện tại là kết quả của những hành vi của ta trong quá khứ. Thay vì có cảm tưởng rằng người nào đó chịu trách nhiệm về hạnh phúc và đau khổ của ta, ta biết rằng những kinh nghiệm đó là kết quả của nghiệp của ta và những hành động thiện lành và bất thiện thuộc về thân, ngữ và tâm của ta tạo nên hạnh phúc hay đau khổ của ta.
Điều tối quan trọng là phải hoàn toàn hiểu biết và không nghi ngờ gì về những vận hành của nghiệp, bởi thế ta sẽ hết sức thận trọng khi dấn mình vào những thiện hạnh sẽ mang lại hạnh phúc. Garchen Rinpoche đã nói rằng điều tối quan trọng mà con người có thể học từ Giáo pháp là một sự hiểu biết thực sự về sự vận hành của nghiệp, nhân và quả. Bởi ngài biết rõ sự hiểu biết đó vô cùng ích lợi, sự hiểu biết về cách tạo ra những nguyên nhân để đạt được hạnh phúc thì vô cùng cần thiết, ngài đã làm việc không mệt mỏi và dấn mình vào nhiều gian khổ và khó khăn để dạy cho chúng ta điều gì phải theo và điều gì nên tránh. Ngài đã đến đất nước này, thiết lập các trung tâm Giáo Pháp và du hành khắp nơi không chút mỏi mệt, mang lại lợi ích cho chúng sinh bằng cách chỉ cho họ các phương tiện để tạo lập hạnh phúc.
Đức Phật đã nói: “Đừng phạm ác hạnh, hãy hoàn thiện đức hạnh, và hoàn toàn điều phục tâm các con. Đây là ý nghĩa Phật pháp.” Điều này có nghĩa là ta nên từ bỏ mọi hành động bất thiện, thực hành những thiện hạnh bất kỳ khi nào ta có thể, và làm an dịu mọi cảm xúc tiêu cực trong tâm ta. Nếu ta làm việc để hoàn thành những điều này, kết quả sẽ là hạnh phúc và hỉ lạc. Cảm thấy vô cùng thương yêu chúng sinh, Đức Phật đã giảng dạy con đường đức hạnh, chỉ ra những gì ta nên từ bỏ và những gì nên làm để được hạnh phúc và an bình. Định luật nền tảng về nghiệp, nhân và quả chỉ rõ kết quả của một hành vi đức hạnh luôn luôn là hạnh phúc, và kết quả của một hành vi bất thiện luôn luôn là đau khổ.
Có ba loại nghiệp chính yếu: thiện lành, bất thiện, và trung tính. Kết quả của thiện nghiệp là hạnh phúc; kết quả của ác nghiệp là đau khổ; và không có kết quả của nghiệp trung tính. Nghiệp trung tính đến từ việc dấn mình vào các hành động không thiện mà cũng không ác với một tâm thức không thiện mà cũng không ác. Vì thế chính thiện nghiệp và ác nghiệp sẽ tạo ra các kết quả tích cực và tiêu cực. Có nhiều loại nghiệp khác nhau, nhưng tất cả các nghiệp đều được tạo ra qua những “cánh cửa” thân, ngữ và tâm. Trong ba cửa, tâm là cửa chính yếu, bởi trạng thái tâm thiện lành hay bất thiện sẽ quyết định các hành động của thân và ngữ là thiện lành hay bất thiện. Khi ta dấn mình vào các thiện hạnh bằng thân, ngữ, và tâm ta, kết quả sẽ là hạnh phúc; và khi ta dấn mình vào các ác hạnh với thân, ngữ, và tâm ta, kết quả là đau khổ. Chúng ta có thể nhận ra điều này thật rõ ràng trong nhiều hoàn cảnh ngay trong đời này, chẳng hạn như một kẻ sát nhân trải nghiệm rất nhiều sự khó chịu và đau khổ trong đời này – chẳng hạn như bị săn đuổi, tù tội, ghét bỏ, và đôi khi bị tử hình – là một kết quả của việc giết người, đó là chưa nói tới những gì sẽ xảy ra trong đời sau.
Người hoàn toàn thấu hiểu sự vận hành của nghiệp sẽ xem việc dấn mình vào một ác hạnh giống như nuốt thuốc độc: người nuốt thuốc độc bị bệnh và chết; trái lại, việc tham dự vào một thiện hạnh giống như dùng thuốc. Việc dùng thuốc có thể chữa lành bệnh tật của bạn, khiến cho nỗi khổ vì bệnh tật của bạn được xua tan và bạn được hồi phục. Có một mối liên hệ vô cùng trực tiếp giữa các hành động và kết quả của hành động đó.
Một số người có thể nghi ngờ, nghĩ rằng Tôi không tin ở nghiệp bởi bạn không thể thực sự tận mắt nhìn thấy nó. Tuy nhiên, bạn không nên hy vọng nhìn thấy nó bằng mắt của bạn. Hành động của nghiệp là một năng lực, giống như có một năng lực trong thuốc độc có thể làm bạn bị bệnh và có thể bị chết, mặc dù bạn không thể nhìn thấy tính chất tai hại của chất độc. Nó giống như một chất vô hại, và bằng cách nhìn nó, bạn không thể nói rằng nó có khả năng giết bạn. Nhưng dĩ nhiên là nếu bạn dùng nó, bạn sẽ nhận biết kết quả của nó. Cũng thế, có một năng lực kéo dài tạo nên nghiệp để vận hành theo cách của nó, và ta không nên trông chờ sẽ nhìn thấy năng lực đó. Nó vô hình, nhưng hoàn toàn chắc chắn là sẽ vận hành, giống như cách thuốc men và chất độc vận hành. Chúng có thể làm lợi lạc hay làm hại ta, nhưng ta không thực sự nhìn thấy năng lực trong chất thể chữa lành cho ta hay khiến ta bị bệnh. Ta chỉ nhìn thấy kết quả là ta trở nên khỏe mạnh hay đau yếu. Nghiệp cũng vận hành như thế.
Một vài tôn giáo không chấp nhận nghiệp như một giải thích có căn cứ vững chắc cho những gì ta kinh nghiệm, nhưng điều đó không hề ảnh hưởng đến sự vận hành của nó, bởi nghiệp, nhân và quả, là một định luật tự nhiên. Đó là cách các sự việc vận hành. Nếu một người lấy đi sinh mạng của người khác thì hành động đó nhất định sẽ có một hậu quả. Chắc chắn là người ấy sẽ kinh nghiệm một hình thức đau khổ như kết quả của hành vi giết người đó. Người dấn mình vào ác hạnh sẽ phải nhận nghiệp quả của hành động đó, dù họ có tin ở nghiệp hay không. Giống như không có khác biệt giữa người tin hay không tin trong việc uống thuốc độc, nếu họ uống thuốc độc, họ sẽ bị bệnh. Cũng giống như thế, nghiệp không phải là một niềm tin tâm linh hay một triết học, nó chỉ là một sự thật. Nghiệp không phải là cái gì chỉ làm việc cho các Phật tử, và người không tin vào nó thì không bị nó tác động. Người đưa tay vào lửa sẽ bị phỏng, bởi nóng là tính chất của lửa, và những gì họ suy nghĩ về điều xảy ra sẽ chẳng giúp được gì cho họ. Đơn giản chỉ là như vậy. Tương tự như thế, người tham gia vào các thiện hạnh sẽ kinh nghiệm kết quả của những hành động đó là hạnh phúc, và người dấn mình vào các ác hạnh nhất định sẽ trải nghiệm kết quả của những hành động đó là đau khổ.
Mọi hành động thuộc về thân, ngữ, và tâm của ta đều tạo ra nghiệp, nhưng không thể nào xác định chính xác là khi nào nghiệp sẽ trổ quả hay sẽ trổ quả ra sao, bởi một vài nghiệp thuần thục rất nhanh chóng và một vài nghiệp thuần thục chậm hơn, có thể đến nhiều đời sau kết quả mới xuất hiện. Khi đến lúc, kết quả nhất định sẽ xuất hiện nhưng cho đến khi đó - cho đến khi nghiệp hoàn toàn thuần thục - ta sẽ không nhận biết nó. Nói chung, hành động thiện lành hay bất thiện càng mạnh mẽ thì nghiệp càng thuần thục nhanh chóng. Chẳng hạn như, những kẻ khủng bố dấn mình vào những ác hạnh vô cùng nặng nề, giết hại do bởi sân hận và tà kiến dữ dội, và rất thường xảy ra là họ sẽ kinh nghiệm kết quả của ác nghiệp đó vô cùng nhanh chóng, có thể bị giết chết, nếu không thì sẽ phải kinh nghiệm nỗi sợ hãi và hung bạo vô cùng ghê gớm.
Nhân và quả thuộc về nghiệp thì không thể sai lạc. Người dấn mình vào các thiện hạnh hay ác hạnh của thân, ngữ và tâm chắc chắn sẽ phải trải nghiệm nghiệp quả của riêng họ là hạnh phúc (từ thiện hạnh) hay đau khổ (từ ác hạnh). Nó không bao giờ sai lạc; một thiện hạnh sẽ không bao giờ dẫn đến đau khổ, và một ác hạnh sẽ không bao giờ dẫn đến hạnh phúc. Ta cũng chẳng bao giờ trải nghiệm nghiệp quả do hành động của người khác; vào một lúc nào đó, tất cả những ai dấn mình vào hành động nhất định sẽ trải nghiệm kết quả của nó. Cũng giống như việc gieo trồng những hạt lúa mạch, bạn có thể chắc chắn là loại cây sẽ phát triển là lúa mạch chứ không phải cây lúa mì.
Một vài người có thể hơi nghi ngờ và tự hỏi: “Những tai họa tự nhiên là gì? Những hoàn cảnh mà nhiều người chết cùng một lúc là gì? Làm thế nào những điều đó có thể là nghiệp, nhân và quả?” Loại hoàn cảnh đó nhất định phải là một nghiệp quả. Nó là kết quả của cộng nghiệp mà tất cả những người đó phải chia sẻ. Đó thường là những hoàn cảnh mà một số người chia sẻ nghiệp nào đó và những người khác thì không. Chẳng hạn như khi có một trận động đất và nhiều người chết, vào ngày đặc biệt ấy có những cư dân ở đó sống sót nhờ họ ra khỏi nhà, và một số chết vì ngẫu nhiên viếng thăm nơi đó đúng ngày hôm ấy. Đó không phải là bởi may rủi tình cờ mà bởi họ có chia sẻ hay không chia sẻ cộng nghiệp trong trận động đất cùng những người khác. Mọi hoàn cảnh, không loại trừ điều nào, đều sinh khởi bởi các nhân và duyên thuộc về nghiệp. Về cơ bản thì có mười ác hạnh, là các hành động tạo nên ác nghiệp, và mọi ác nghiệp đến từ một vài biến đổi của mười hành động đó. Trong mười ác hạnh này có ba ác hạnh thuộc về thân, bốn ác hạnh thuộc về ngữ, và ba ác hạnh thuộc về tâm. Ba ác hạnh về thân là: trước hết, lấy đi mạng sống của chúng sinh khác; thứ hai, trộm cắp, hay lấy những gì không được cho; và thứ ba, tà dâm. Loại tà dâm tệ hại nhất là hãm hiếp, bắt buộc người nào đó tham gia vào một hành vi tính dục ngược lại ý muốn của họ. Loại tồi tệ thứ hai là thông dâm, tham dự vào hoạt động tính dục với người đã có vợ hay chồng. Bốn ác hạnh của ngữ là: trước hết, nói dối hay tham dự vào việc nói năng sai lạc; thứ hai là nói thô lỗ, nói những điều làm tổn hại người khác, làm họ đau khổ, hay khiến họ cảm thấy xấu xa; thứ ba, trò chuyện vẩn vơ, tham dự vào những việc nói năng vô nghĩa mà nền tảng là sự tham muốn và thù ghét; và thứ tư, nói chia rẽ, tham dự vào việc nói năng gây chia rẽ cho những người khác. Đây là việc nói với người nào đó những điều mà bạn biết là sẽ làm cho họ không thích hay trở nên giận dữ người nào đó khiến chia lìa tình bạn của họ. Chẳng hạn như nói với một người những điều khiến họ không thoải mái về mối quan hệ với người nào đó, và cũng nói với người thứ hai điều rắc rối về người thứ nhất khiến họ trở nên bất hòa. Ba ác hạnh của tâm là: trước tiên, sự tham muốn, muốn lấy làm của mình những gì thuộc về người khác; thứ hai, ý hướng ác hại hay ác ý, một tâm thức ước muốn làm hại người khác hay muốn thấy người khác đau khổ; và thứ ba, tà kiến, đặc biệt là không tin ở nghiệp, nhân và quả. Trong ba ác hạnh thuộc về thân, tệ hại nhất là việc sát sinh, dần dần nhẹ hơn là trộm cắp và tà dâm. Trong bốn ác hạnh về ngữ, nặng nhất là nói dối, và những ác hạnh có nghiệp lực nhẹ dần là lời nói gây chia rẽ, lời nói thô bạo, và trò chuyện vẩn vơ. Trong ba ác hạnh về tâm, theo thứ tự từ nặng nhất cho tới nhẹ nhất là tà kiến, ý định xấu, và tham muốn.
Nói chung, mười thiện nghiệp được định nghĩa là tự kềm chế không làm các ác hạnh, chẳng hạn như không giết hại, không trộm cắp, không nói lời thô bạo v.v… Nói một cách đơn giản, không làm một ác hạnh là một thiện hạnh, nhưng thiện nghiệp có thể được phát triển nếu bạn tích cực thực hiện hành động đối nghịch, chẳng hạn như bảo vệ mạng sống, bố thí, và nói những điều khiến người khác an dịu hay cảm thấy tin tưởng.
Nghiệp có ba loại kết quả hay hậu quả: kết quả trực tiếp, kết quả còn lại, và kết quả có điều kiện. Kết quả trực tiếp là kết quả mạnh mẽ nhất của một hành nghiệp, và nó thường quyết định nơi chốn tái sinh của một chúng sinh. Chẳng hạn như kết quả trực tiếp của việc giết người là tái sinh trong một cõi địa ngục. Có hai loại kết quả còn lại: kết quả còn lại hiển lộ như kinh nghiệm và kết quả còn lại hiển lộ như một khuynh hướng hay xu hướng. Điều này giống như một kết quả còn lại sau khi kết quả trực tiếp đã được kinh nghiệm và cạn kiệt. Chẳng hạn như, kẻ sát nhân đã đau khổ qua kết quả trực tiếp là tái sinh trong địa ngục, về sau có thể được tái sinh làm người, nhưng người ấy vẫn có thể có một thọ mạng ngắn ngủi, một cái chết dữ dội, đau khổ dữ dội về thân xác, bệnh tật v.v.. như sự trải nghiệm kết quả còn lại của việc đã giết người. Kết quả còn lại theo thiên hướng của việc sát sinh sẽ là một trải nghiệm về sự hung bạo, một khuynh hướng tự nhiên đối với việc gây tổn thương hay giết hại. Loại kết quả thứ ba, kết quả có điều kiện, quyết định môi trường ta sống và những điều kiện mà ta kinh nghiệm. Chẳng hạn như, kết quả có điều kiện của việc sát sinh là phải sống ở một nơi nguy hiểm, có thể là một vùng có các vách núi sâu và vách đá, hay thường xảy ra hơn nữa là một nơi dữ dội có một trận chiến hay một vài loại đấu tranh và giết hại thường xuyên.
Dù thiện hay bất thiện, để một hành nghiệp được hoàn tất, bốn phương diện của nó cũng phải đầy đủ. Bốn phương diện là: nền tảng, ý hướng, hành động thực sự, và kết quả đầy đủ. Nếu cả bốn phương diện này đều đầy đủ, hành động sẽ có đầy đủ tính chất của thiện nghiệp hay ác nghiệp. Một giới nguyện bị vi phạm thực sự hay chỉ bị sa sút thì cũng tùy thuộc vào việc bốn phương diện này có đầy đủ hay không. Nền tảng của một hành động là nhận dạng đối tượng của hành động, chẳng hạn như biết ta muốn giết ai, hay ta muốn trộm cắp chiếc xe hơi nào. Phương diện thứ hai của một hành động là ý định, một quyết định để thực hiện một hành động mà trong trường hợp của một hành vi bất thiện, bị thúc đẩy bởi một cảm xúc phiền não. Chẳng hạn như khi trở nên thật giận dữ ta quyết định giết người nào đó. Phương diện thứ ba là thực sự thực hiện hành động có chủ ý, không có bất kỳ sai lầm nào về đối tượng của hành động đó. Chẳng hạn như, hành động sát sinh là đầy đủ nếu nạn nhân được mong đợi chết vì thực phẩm có tẩm độc dược, nhưng nó sẽ không đầy đủ nếu thay vì người đó, một người khác ăn phải thực phẩm và chết. Phương diện thứ tư, kết quả đầy đủ, là hiểu biết và toại nguyện về việc hành động có chủ đích đã đạt được mục đích mong muốn. Chẳng hạn như cảm thấy thoải mái khi thành công trong việc giết người mà ta muốn giết. Khi một hành động hội đủ bốn phương diện này, hành động sẽ mang lại nghiệp lực đầy đủ của nó, nhưng nếu thiếu bất kỳ phương diện nào, nghiệp lực sẽ được giảm bớt.
Về mặt nền tảng, những nguyên lý về nghiệp, và đặc biệt là giải thích này về những hành vi thiện lành và bất thiện thì giống nhau trong hai thừa Phật giáo, Hinayana, và Mahayana (Đại thừa). Tuy nhiên, có một vài khác biệt trong các giáo lý Hinayana và Mahayana về nghiệp; chẳng hạn như, Mahayana chú trọng hơn về tâm trong việc quyết định một hành động là thiện hay bất thiện.
Chẳng hạn như, nếu người nào đó thực hiện một thiện hạnh, chẳng hạn như bố thí rộng rãi cho tổ chức từ thiện, nhưng trong đó ẩn dấu một động cơ xấu ác, chẳng hạn như chiếm được lòng tin của người khác để lợi dụng họ sau này, thì mặc dù hành vi có vẻ tốt đẹp nhưng thực ra đó là một ác hạnh. Tương tự như thế, nếu người nào đó thực hiện một hành vi có vẻ bất thiện nhưng có một ý hướng vô cùng tốt lành thì hành vi trở thành đức hạnh. Ví dụ minh họa cho điều đó là một bà mẹ nặng lời với đứa con để nó biết cách sửa đổi hạnh kiểm xấu của mình.
Nhưng nói chung, mười ác hạnh là nền tảng cho việc tạo ra ác nghiệp, và ngược lại, mười thiện hạnh là căn bản cho thiện nghiệp. Nếu bạn từ bỏ mười ác hạnh thì một cách tự nhiên, bạn sẽ thực hành những điều đối nghịch của chúng, là mười thiện hạnh. Khi ta thực sự hiểu rõ những mối liên hệ giữa ác hạnh và đau khổ, và giữa thiện hạnh và hạnh phúc, ta sẽ có một nền tảng cho việc từ bỏ những gì cần từ bỏ, là các ác hạnh, và nền tảng cho việc tuân theo những gì cần thực hành – là các thiện hạnh.