CHƯƠNG III: BỐN TƯ TƯỞNG CHUYỂN TÂM
Có những lúc nhiều người trong chúng ta không cảm thấy một thôi thúc mạnh mẽ để thực hành Phật pháp, và do bởi lười biếng và dửng dưng nên ta trì hoãn việc tu tập này. Sự bám luyến của ta vào những hoạt động sinh tử và cuộc đời này thật mãnh liệt, và ta thấy khó có thể chuyên chú miên mật vào việc thực hành Pháp. Trong những hoàn cảnh đó, điều cần thiết phải làm là thường xuyên suy niệm về Bốn Tư tưởng Chuyển Tâm.
Chúng ta quá tham luyến sinh tử. Ta tận hưởng những lạc thú của sinh tử và nghĩ tưởng sai lạc rằng những lạc thú hạn hẹp, nhất thời này là hạnh phúc chân thật. Nhưng khi ta hiểu rõ bản chất đích thực của sinh tử, ta biết rằng không thể tìm thấy hạnh phúc chân thực ở đó. Vì thế, ta nhất tâm chuyên chú vào việc đạt được giải thoát.
Theo cách này, Bốn Tư tưởng Chuyển Tâm trở thành nền tảng của con đường dẫn đến giác ngộ. Để thực hành con đường, ta phải vứt bỏ sự bám luyến vào cuộc đời này. Ta phải quay lưng với những bận tâm thế tục để hướng về hạnh phúc siêu việt bất biến của sự giải thoát và giác ngộ. Ta không suy niệm Bốn Tư tưởng chỉ để trở nên sầu não về nỗi khổ của sinh tử mà để sự tan vỡ ảo tưởng về sinh tử ấy khiến ta khát khao giải thoát và giác ngộ.
Tư tưởng đầu tiên trong Bốn Tư tưởng là suy niệm về sự quý báu của việc sinh ra làm người với đầy đủ những tự do và thuận lợi. Điều thứ hai là suy niệm về cái chết và sự vô thường. Điều thứ ba là suy niệm về chân lý nhân và quả. Điều thứ tư là suy niệm về những lỗi lầm của sinh tử. Kết quả của bốn suy niệm này là ta quay lưng với đau khổ trùm khắp của sinh tử, đôi khi được gọi là sáu cõi hay ba cõi của luân hồi sinh tử. Nhờ suy niệm Bốn Tư tưởng, ta đi đến chỗ nhận ra rằng dù ta làm gì trong sinh tử, dù sinh vào cõi cao hay thấp, đau khổ là điều không thể tránh khỏi. Vì thế ta hoàn toàn tan vỡ ảo tưởng về sinh tử, quay lưng và buông bỏ sự bám chấp vào những tham luyến thế tục. Trong suy niệm thứ nhất, Tư tưởng thứ nhất, ta phát triển một nhận thức đúng đắn về sự quý báu của việc sinh ra làm người với những tự do và thuận lợi. Cơ hội đạt được sự giải thoát khỏi sinh tử thật hy hữu, và thực ra, trong tất cả chúng sinh trong sáu cõi, con người là chúng sinh duy nhất có khả năng làm điều đó. Vì thế, được sinh ra làm người, và đặc biệt là người có đủ những tự do và thuận lợi cần thiết để đi vào việc thực hành Pháp, thì vô cùng hiếm có và quý báu.
Theo truyền thống, có ba cách giải thích về sự hiếm có của hoàn cảnh của ta. Nó được giải thích bằng cách nhìn vào nguyên nhân, bằng cách so sánh số lượng, và nhìn vào sự tương đồng. Khi ta xem xét nguyên nhân, ta nhận ra là chưa cần nói đến việc tái sinh làm người, có được một tái sinh trong các cõi giới cao cũng đã vô cùng khó khăn. Để đạt được sự tái sinh trong một cõi cao, ta cần tích tập rất nhiều thiện nghiệp. Khi ta quán chiếu về những hành động của ta, ta thấy thật dễ tạo ác nghiệp và phải nỗ lực rất nhiều để dấn mình vào các thiện hạnh. Khi ta xem xét mọi cuộc đời của ta trong quá khứ, hẳn là ta đã tạo ác nghiệp rất nhiều so với việc tạo thiện nghiệp. Để có được một tái sinh may mắn làm người này, và đặc biệt là để có được mối liên hệ này với Pháp, ta phải duy trì giới luật thanh tịnh, lập những nguyện ước thanh tịnh, thực hành bố thí v.v.. Cách thức duy nhất khiến ta đã có thể được sinh ra làm người này là nhờ một tích tập công đức bao la, là điều khó khăn hơn nhiều so với việc tích tập những ác hạnh của những người bình thường thiếu suy xét.
Ta có thể hiểu được sự hiếm có của việc sinh ra làm người cao quý nhờ phương pháp thống kê. Trước hết, hãy so sánh số lượng con người với số thú vật trong thế giới này. Khi bạn nghĩ về việc có đủ loại thú vật khác nhau, dã thú, hay gia súc, chim, cá và sinh vật biển khác, bạn dễ dàng nhận ra là số thú vật vượt xa số lượng con người. Mặc dù một vài loài to lớn đang trở nên hiếm có, vẫn còn rất nhiều loài cá nhỏ, loài bò sát, lưỡng cư (vừa sống trên cạn vừa sống dưới nước), những côn trùng nhỏ xíu, và những con rệp cực nhỏ sống ở khắp mọi nơi.
Có rất nhiều thú vật và rất ít con người. Và đó chỉ là những cõi mà ta có thể nhìn thấy. Người Tây Tạng và nhiều người khác tin rằng có bốn cõi vô hình đối với những người có đôi mắt bình thường như chúng ta, mặc dù các thiền giả vĩ đại có thể thấy được chúng. Không quá khó để tạo nghiệp sinh làm một thú vật hay côn trùng, vì thế có rất nhiều khả năng là ta sẽ tái sinh trong cõi súc sinh hay một trong những cõi khác. Không chỉ một tái sinh làm người bình thường là vô cùng hiếm có, một tái sinh làm người có khuynh hướng và khả năng thực hành đức hạnh, gặp được và đi vào con đường Giáo pháp thì vô cùng hi hữu. Hãy nghĩ về tất cả những người trên hành tinh này và thật ít người trong đó thực sự dấn mình vào việc thực hành Pháp. Suy niệm này sẽ thúc đẩy ta nhận thức sâu sắc về sự hiếm có và đặc biệt của việc được sinh ra làm người với mọi tự do và thuận lợi.
Có vài sự tương đồng minh họa cho việc khó có được thân người, nhưng có lẽ minh họa nổi danh nhất là chuyện con rùa mù ở đáy biển. Hãy hình dung có một con rùa mù ở đáy biển, nó chỉ trồi lên một lần duy nhất trong một trăm năm. Có một cái ách bằng gỗ trôi nổi trên mặt biển, bị những dòng nước và gió đưa đi, liên tục di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Có gì là chắc chắn khi con rùa trồi lên mặt biển, nó sẽ đưa cổ vào một cái lỗ ở giữa cái ách? Hoàn toàn không có gì chắc chắn. Nhưng ta được biết rằng việc có được một tái sinh làm người với những tự do và thuận lợi thì còn khó xảy ra hơn việc con rùa mù chui đầu vào cái ách gỗ khi trồi lên mặt biển mỗi một trăm năm.
Tư tưởng thứ hai trong Bốn Tư tưởng là suy niệm về cái chết và sự vô thường. Ta phải tỉnh giác và chánh niệm về sự thực là chắc chắn ta sẽ chết. Chưa từng có ai sinh ra mà không chết. Khi ta sinh ra, cái chết là điều không thể tránh được; đó là điều chắc chắn 100%. Một người cho dù vĩ đại hay thế lực đến đâu chăng nữa – một vị vua vĩ đại, một tổng thống uy quyền, một bậc thánh thiện tôn quý – mọi người được sinh ra cuối cùng đều phải chết. Chúng ta biết điều này, nhưng ta cũng phải thường xuyên tỉnh giác về sự thực là từ giây phút ta sinh ra, mỗi ngày qua đi sẽ chỉ đưa ta đến gần cái chết hơn nữa. Không có cách nào đẩy lùi cái chết hay thậm chí không thể giữ không cho nó đến gần. Ta cần nghĩ tưởng về điều này để không cảm thấy lười biếng. Ta phải thực sự hiểu rõ là ta còn rất ít thời gian. Một số người có thể ngã lòng khi nghĩ về điều này, nhưng vấn đề không phải là như thế. Ý nghĩa thiết yếu của sự suy niệm này là để ta thực sự quan tâm và quyết tâm thành tựu giải thoát. Không có cách nào đẩy lùi cái chết, vì thế cách hay nhất để tự chuẩn bị cho giây phút đó là thực hành để ta không có bất kỳ sợ hãi nào vào lúc chết.
Thân thể ta được tạo nên bằng năm yếu tố - đất, nước, gió, lửa, và không gian (địa, thủy, phong, hỏa, và không) – tất cả cùng tụ hội, và thật khó duy trì để chúng luôn luôn hoàn toàn quân bình và hòa hợp. Đây là lý do vì sao chúng ta trải nghiệm bệnh tật. Khi đã có một thân thể vật lý, ta khó lòng tránh khỏi việc đôi khi bị bệnh tật. Sự quân bình của các yếu tố trong thân thể vật lý thì rất tinh tế, rất dễ bị rối loạn, đó là lý do khiến ta bị bệnh và cuối cùng bị chết.
Ta nên suy niệm về cái chết và sự vô thường khi xem tin tức. Những cái chết được tường thuật mỗi ngày trong các tin tức. Tâm thức ta có khuynh hướng không muốn dính líu đến điều đó khi nghĩ rằng Những người đó chết nhưng tôi thì không. Điều đó không quan hệ với tôi. Chỉ có họ chết thôi, còn tôi khỏe mạnh và an toàn. Nhưng khi xảy ra tai họa nào đó và nhiều người chết, bạn nên nghĩ rằng bạn cũng có thể ở trong hoàn cảnh như thế. Bằng cách này hay cách khác, ta luôn luôn nghĩ rằng điều đó sẽ không xảy ra với ta, nhưng rất có thể cuộc đời ta bị cắt đứt bởi một tai họa tự nhiên. Luôn luôn có những tường thuật về những trận lụt lội, động đất, sóng thần, chiến tranh và bạo động. Có rất nhiều sự kiện khác nhau có thể trở thành nguyên nhân cho cái chết của ta. Một số người trong chúng ta có thể nghĩ rằng ta vẫn còn trẻ vì thế bây giờ không phải lúc để ra đi, nhưng suy nghĩ như thế hoàn toàn không hợp lý bởi cái chết bất ngờ có thể xảy ra cho bất kỳ ai, dù già hay trẻ. Hãy nghĩ xem có bao nhiêu người chết trong những tai nạn máy bay và xe hơi. Khi ta so sánh số điều có thể gây nên cái chết với số điều có thể bảo vệ hay duy trì cuộc đời ta, ta thấy rằng những điều gây nên cái chết thì nhiều hơn. Cuộc đời này mỏng manh như ngọn lửa nến trong cơn gió, chỉ cần một cơn gió mạnh là nến bị thổi tắt. Tương tự như thế, thân thể ta rất yếu ớt và ta thường gặp những điều kiện rất dễ trở thành nguyên nhân cho cái chết của ta. Rất cần phải thường xuyên duy trì sự tỉnh giác về điều này. Vào lúc chết, ta phải bỏ lại mọi sự. Tài sản và của cải, gia đình, những người thân yêu và bạn hữu: chẳng điều gì trong số đó có ích lợi vào lúc chết. Mọi sự sẽ bị mất đi. Đức Phật đã dạy rằng điều duy nhất có ích lợi cho ta vào lúc chết là sự tích tập công đức và thiện nghiệp của ta. Không có tài sản vật chất nào còn ích lợi, và ác nghiệp của ta sẽ chỉ làm hại ta. Mọi sự ta làm trong đời này tạo nên nghiệp, thiện nghiệp hay ác nghiệp. Đó là những gì sẽ đồng hành với ta khi ta chết, vì thế điều quan trọng là chỉ làm những điều thiện lành.
Tư tưởng thứ ba trong Bốn Tư tưởng là suy niệm về nhân và quả. Để tóm tắt, mọi điều ta làm được đặt nền trên một ý hướng đức hạnh vị tha thì tốt lành và tạo ra thiện nghiệp, và những gì ta làm với một ý hướng có hại cho người khác thì bất thiện và tạo ra ác nghiệp. Đây là một sự thực dù bạn có tin hay không; những ai dấn mình vào các ác hạnh sẽ tạo ác nghiệp, và kết quả của ác nghiệp đó là sau này họ sẽ trải nghiệm đau khổ. Tương tự như thế, những ai dấn mình vào các thiện hạnh về sau sẽ kinh nghiệm nghiệp quả là hạnh phúc. Không có cách nào tránh khỏi nghiệp. Không ai được miễn trừ nghiệp. Đó là một sự thực. Người hiểu rõ nghiệp có thể sử dụng đức hạnh như một phương thuốc. Tất cả chúng ta đều kinh nghiệm đau khổ của sinh tử và những cảm xúc phiền não, nhưng càng thực hành đức hạnh thì ta càng chữa lành bệnh tật và đau khổ của những cảm xúc phiền não. Người dùng phương thuốc đức hạnh trải nghiệm hạnh phúc như kết quả, vì thế ta nên phát triển sự xác tín nơi tính chất không sai lạc của nghiệp và học cách sử dụng nó để chữa lành các phiền não của ta. Nghiệp, nhân và quả là định luật tự nhiên, không phải là một triết học do Đức Phật tạo ra hay tưởng tượng. Với sự toàn tri viên mãn, Đức Phật thấu suốt cách thức vận hành của mọi hiện tượng đúng như chúng là, bằng những định luật nhân quả. Ở mức độ đơn giản nhất, tất cả những gì ta tham dự vào với một ý hướng tiêu cực thì bất thiện và có kết quả là đau khổ. Những ác hạnh của thân, ngữ và tâm được đặt nền trên ý hướng tiêu cực – chẳng hạn như sát sinh – được đặt nền trên sự ác ý. Trái lại, những gì ta làm để bảo vệ chúng sinh, được đặt nền trên ý hướng làm lợi lạc chúng sinh, thì thiện lành và mang lại hạnh phúc. Vì thế các thiện hạnh của thân, ngữ và tâm dẫn đến hạnh phúc. Tuy nhiên, bởi nghiệp rất vi tế và sâu xa nên thật khó hiểu được thật chính xác là nó thuần thục ra sao. Đôi khi nghiệp thuần thục tức thì ngay trong đời mà nó được tạo ra, nhưng cũng có những nghiệp quả rất lâu thuần thục, phải đến nhiều đời sau. Những hành động về nghiệp như những hạt giống khác nhau, và thời gian nó thuần thục và ra kết quả cuối cùng sẽ khác biệt tùy vào loại hạt giống và các điều kiện phát triển. Một số cây phát triển và kết trái chỉ trong một mùa, trong khi những cây khác, chẳng hạn như cây hạch thì phải mất nhiều năm. Tương tự như thế, nghiệp thuần thục với những tốc độ khác nhau, tùy thuộc vào các nhân và duyên được nối kết với nó. Nghiệp không phải là cái gì ta có thể nhìn thấy bằng mắt; nó giống như một sức mạnh hay năng lực hơn. Nó giống như điện cung cấp năng lực cho một ngọn đèn. Bằng cách xoay công tắc đèn thắp sáng gian phòng, ta có thể nhìn thấy (ánh sáng), nhưng điều khiến cho chiếc đèn phát ra ánh sáng là một dòng điện lưu chuyển tới nó, là cái ta không thể nhìn thấy cho dù ta nhìn vào dây trần. Nếu ta chạm vào dây điện đó, điện có thể làm ta choáng váng, vì thế nhất định là ta có thể cảm thấy nó và kinh nghiệm các kết quả của nó, nhưng đó không phải là cái gì ta có thể nhìn thấy trực tiếp. Cũng thế, những thiên hướng về nghiệp hay các chủng tử (hạt giống) là động lực đằng sau mọi sự mà ta nhìn thấy và kinh nghiệm. Ta không cần phải thực sự nhìn thấy nghiệp để biết rằng nó ở đó, ta có thể suy ra sự hiện diện của nó từ các kết quả, giống như ta có thể suy ra là có điện đang lưu chuyển khi ta bật nhẹ công tắc và ánh sáng xuất hiện. Một sự sinh ra làm người bị tác động bởi nghiệp giống như một ngọn đèn được tác động bởi điện.
Tư tưởng cuối cùng trong Bốn Tư tưởng là suy niệm về những khiếm khuyết của sinh tử. Hầu hết mọi người nghĩ rằng sinh tử luân hồi không quá tệ, cho rằng thực ra nó khá thú vị. Hầu hết mọi người nghĩ rằng có nhiều lạc thú để tận hưởng trong cuộc đời này. Có lẽ ta có thể tìm thấy một vài lạc thú thoáng qua, nhưng chừng nào mà ta còn tồn tại trong hiện hữu luân hồi, ta sẽ không tìm được hạnh phúc tối thượng. Cho dù ta có được hạnh phúc nhất thời nào đó, cuối cùng nó sẽ trở thành đau khổ, bởi mọi sự là kết quả của những nguyên nhân và điều kiện (duyên) có bản chất là đau khổ. Nó có bản tánh của sự vô thường và biến hoại. Cuối cùng, mọi hoàn cảnh vừa ý sẽ chấm dứt hay mất đi vẻ thú vị của nó, và đau khổ sẽ xảy ra. Chẳng hạn như khi chúng ta mua một món đồ điện tử mới nhất hay một bộ quần áo đẹp, trước hết ta cảm thấy phấn khích và sung sướng vì có món đồ đặc biệt đó, nhưng chẳng bao lâu vẻ lộng lẫy của nó suy giảm và nó không còn quá hấp dẫn như trước nữa. Một kiểu cập nhật hay một mốt mới hơn ra đời, hay có thể nó không làm việc thật hiệu quả nữa, hoặc nó đổi màu và trông cũ kỹ. Đó là lý do vì sao ta nói những lạc thú của sinh tử thì nhất thời. Chúng không bền chắc hay đáng tin cậy.
Thực ra, không có điều thế tục nào có thể mang lại cho ta hạnh phúc chân thật. Bao giờ ta còn mang thân xác của chúng sinh thì ta còn là đối tượng của những đau khổ do sinh, lão, bệnh và tử, cũng như vô số hình thức đau khổ khác. Cho dù cuộc đời ta được coi là một “cuộc đời thoải mái,” ta kinh nghiệm đủ loại đau khổ trong suốt cuộc đời ta. Đức Phật đã chỉ rõ rằng ngay cả giây phút ta được sinh ra cũng là một nỗi đau đớn và bực dọc ghê gớm cho cả đứa con lẫn bà mẹ. Và từ giây phút đó trở đi, cùng với việc già đi, ta trải qua nhiều hình thức đau khổ khác nhau. Tới một lúc nào đó, mọi người trở nên đau yếu, và cuối cùng tất cả chúng ta kinh nghiệm nỗi khổ ghê gớm của cái chết. Thân thể ta hư hoại và ta trải nghiệm sự tan rã của các yếu tố (các đại). Các năng lực của ta suy yếu, và hầu hết mọi người cảm thấy vô cùng lo sợ vào lúc chết.
Là con người, chúng ta tỉnh giác về những đau khổ này, nhưng chẳng mấy khi ta suy xét rằng không phải chỉ có con người mà tất cả sáu loài chúng sinh đều đau khổ. Khi chú ý, ta có thể thấy là thậm chí thú vật còn đau khổ ghê gớm hơn chúng ta. Những thú hoang thường xuyên sống trong nỗi lo sợ bị ăn thịt, bị làm mồi cho thú vật khác hay cho con người. Chúng không được che chở đối với thời tiết, và nguồn thực phẩm hay nước uống của chúng không có gì chắc chắn. Các gia súc thì bị buộc phải phục vụ và làm thực phẩm cho loài người hay phải chở nặng v.v.. Các súc sinh phải chịu đau khổ vô số cách, và nỗi khổ ghê gớm của chúng sinh mà ta không thể tri giác, các chúng sinh địa ngục và ngạ quỷ thì thật không thể tưởng tượng nổi. Được dựa trên những nhận thức của Đức Phật và những thiền giả chứng ngộ cao cấp khác, nhiều Kinh điển mô tả kinh nghiệm về những cõi thấp. Mặc dù nỗi khổ cùng cực của họ thì không thể nhận thức được, ta có thể có một vài ý niệm về nó; chẳng hạn như ta có thể hình dung các địa ngục cực nóng hay cực lạnh khi ta nghĩ tới các thú vật bị chết cóng hay bị thiêu sống trong một đám cháy rừng, hay những con cua và tôm hùm bị rơi vào nồi nước sôi. Nhiều con vật ăn sống con mồi của chúng, và đôi khi con người lột da thú vật khi chúng vẫn còn sống, vì thế điều này cũng giống như kinh nghiệm của một chúng sinh trong các cõi địa ngục. Nhiều người, cũng như các súc sinh, đã kinh nghiệm như cõi ngạ quỷ. Ở những xứ vô cùng đói hay khát, nơi người ta không thể đủ ăn hay uống, con người kinh nghiệm cõi ngạ quỷ. Trong cõi bán thiên, chúng sinh vô cùng đau khổ bởi nuôi dưỡng sự ganh tị đối với chúng sinh trong các cõi trời. Tâm họ kinh nghiệm nỗi thống khổ của sự ganh tị, và thân thể họ trải nghiệm nỗi khổ của sự đau đớn và tổn hại đến từ trận chiến đấu xảy ra sau đó. Chúng sinh ở các cõi trời không trải nghiệm sự đau đớn của thể xác như một kết quả của trận chiến đấu này. Tuy nhiên, chúng sinh trong cõi trời kinh nghiệm đau khổ của sự biến hoại và việc rơi xuống những cõi thấp. Tâm họ trải nghiệm sự đau khổ ghê gớm là kết quả của việc biết rằng chẳng bao lâu nữa họ sẽ chết và rơi xuống một cõi thấp.
Theo cách này, ta phải nhận thức rằng toàn thể sáu cõi tràn đầy đau khổ và biến hoại. Cách duy nhất để chúng ta có thể đạt được hạnh phúc vững chắc và bất biến là đi vào con đường đức hạnh để tịnh hóa những che chướng của ta và tích tập công đức và trí tuệ. Với trí tuệ toàn tri, Đức Phật đã nhìn thấy nỗi khổ trùm khắp mọi cõi luân hồi sinh tử, và Ngài đã giảng dạy con đường Giáo pháp toàn hảo để chúng sinh có thể dần dần thoát khỏi đau khổ, trước hết có được sự tái sinh trong những cõi giới cao và cuối cùng thành tựu sự giải thoát và giác ngộ.
Bước đầu tiên của chúng ta là phân biệt rõ ràng nỗi khổ của sinh tử và hạnh phúc và an bình tuyệt đối của niết bàn.
Lợi lạc của việc suy niệm Bốn Tư tưởng Chuyển Tâm là ta được thôi thúc thành tựu sự toàn giác nhờ việc thực hành Pháp. Khi ta suy niệm về việc thật khó có được một cơ hội khác để thực hành trong một tái sinh làm người với đầy đủ tự do và thuận lợi, về việc cái chết có thể chấm dứt cơ hội này bất kỳ lúc nào, về nghiệp là chìa khóa cho mọi kinh nghiệm trong tương lai của ta, và về việc ở trong luân hồi sinh tử sẽ chỉ mang lại đau khổ không ngừng dứt, ta sẽ cảm thấy hứng khởi để thực hiện mọi nỗ lực nhằm đạt được giải thoát và giác ngộ. Vào lúc này, có thể ta đã có một nhận thức có tính chất tri thức về nỗi khổ của sinh tử v.v.., nhưng nếu ta không hoàn toàn thấm nhuần đến mức độ thâm tín về những điều này, thì điều tối quan trọng là phải suy niệm về bốn Tư tưởng Chuyển Tâm cho đến khi ta thực sự nhận thức rõ ràng về chúng. Khi ta có một sự hiểu biết chân thành về bốn Tư tưởng trên, ta sẽ duy trì sự tỉnh giác trong suốt cuộc đời ta để bảo đảm là ta sẽ tránh những ác hạnh và thực hành thiện hạnh. Kết quả là ta sẽ giảm bớt sự tham luyến và bám chấp vào những bận tâm về cuộc đời này và ta sẽ không trải nghiệm nỗi sợ hãi và ân hận ghê gớm vào lúc chết.