CHƯƠNG XVI: SÁU BARDO
Trong tất cả những người đã sinh ra, sẽ không ai tránh khỏi cái chết. Một khi đã sinh ra, chắc chắn là ta sẽ chết. Sớm muộn gì nhất định cái chết sẽ đến, vì thế điều quan trọng là phải chuẩn bị điều đó. Ta cần phải hiểu là ta mong đợi điều gì, và ta cũng cần biết rằng giờ đây ta phải chuẩn bị cái chết khi ta còn sống, nếu ta hy vọng có thể thực hành vào lúc chết. Chừng nào ta còn có đời người quý báu này, ta có cơ hội to lớn để chuẩn bị cho giờ chết của ta. Nếu ta thực sự hiến mình cho việc thực hành Pháp vào lúc này, và nếu ta thực hành đức hạnh và làm quen với các thực hành Pháp vào lúc này, ta sẽ có thể sử dụng những thực hành đó vào lúc chết.
Giải thích ngắn gọn này về các bardo được dựa trên sự quen thuộc của tôi với các giáo lý về chủ đề này, nhưng bản thân tôi không có kinh nghiệm cá nhân trực tiếp nào về thực hành bardo. Tôi chỉ có thể nói với bạn những gì tôi đã học tập bằng cách đọc Kinh điển và những lời dạy của các Đạo sư vĩ đại, là những vị đã có đạt được kinh nghiệm trong việc thực hành các bardo.
Theo nghĩa đen, từ bardo có nghĩa là trạng thái trung gian, đó là khoảng thời gian ở giữa. Đó là quãng thời gian kéo dài từ khi một điều gì đó bắt đầu cho đến khi nó chấm dứt và một điều gì khác hình thành. Có sáu bardo chính yếu cần thiết cho việc thực hành và vì thế chúng được thảo luận trong các bản văn. Đó là bardo tự nhiên của sự sinh ra; bardo giấc mộng, là sự mê lầm của giấc ngủ; bardo thiền định; bardo cái chết và bardo bản tánh bẩm sinh, và bardo trở thành. Bardo giấc mộng và bardo thiền định là những bardo xảy ra trong bardo sinh ra. Bardo sinh ra kéo dài từ khi ta đi vào một thai tạng cho đến khi ta chết và bardo cái chết bắt đầu, và trong bardo sinh ra đó, có những kinh nghiệm của bardo giấc mộng và bardo thiền định.
Sáu bardo bao gồm mọi kinh nghiệm mà ta có như những chúng sinh lang thang trong sinh tử. Vì thế, chúng sinh lang thang trong sáu cõi sinh tử luôn luôn ở trong một trong sáu bardo. Là chúng sinh sinh ra trong luân hồi sinh tử, khi ta sinh trong cõi người, ta mang thân tướng con người, vì thế bardo sinh ra của ta hiện hữu từ lúc đi vào một thân người và được sinh ra cho đến khi ta chết. Trong bardo sinh ra đó, ta cũng có thể kinh nghiệm bardo giấc mộng và bardo thiền định. Bởi ta đã mang một thân thể – và đặc biệt là trong trường hợp của chúng ta, ta đã mang một thân người – ta thực sự phải suy niệm về tính chất phù du của sự hiện hữu: ta chỉ ở đây trong một thời gian ngắn trong bardo, giữa sự sinh ra và chết đi của ta.
Bằng cách suy niệm về sự vô thường – đó là, chân lý vô thường và cái chết – và nhân và quả, ta sẽ có hứng khởi để thực hành đức hạnh. Ta nên nghĩ: Từ khi tôi sinh ra trong bardo này, bao nhiêu thời gian đã trôi qua; và tôi còn lại bao nhiêu thời gian cho đến khi bardo cái chết bắt đầu? Ta nên nghĩ tưởng về sự thật là cái chết của ta có thể đến rất nhanh chóng, và cho dù cái chết không đến ngay, nhất định là nó sẽ đến. Ngay lúc ta sinh ra, chắc chắn là ta sẽ chết. Vì thế ta phải xem xét: Điều gì cần phải làm nhất trong cuộc đời này, thời gian ngắn ngủi này trong bardo sinh ra? Ta đã tạo ra loại nghiệp nào, và loại nghiệp mà ta muốn tạo thêm nữa là gì? Vào lúc chết, ngoài các thiện hạnh của ta, không điều gì có thể mang lại lợi lạc cho ta. Như Đức Phật đã giảng rõ, không có vật chất nào có thể mang lại lợi ích vào lúc chết. Trong đời này, chẳng điều gì mà bạn có thể có, dù là người hay đồ vật, có thể giúp đỡ bạn; bạn không thể đem theo ngay cả thân thể quý báu của bạn. Mọi của cải vật chất mà ta từng tích tập sẽ hoàn toàn vô dụng vào lúc chết. Chỉ có những thiên hướng về nghiệp của những thiện hạnh và ác hạnh của ta là sẽ đi theo ta vào lúc chết.
Khi bardo đời này chấm dứt và ta đi vào bardo cái chết, điều duy nhất có ý nghĩa là nghiệp của ta. Do đó, trong thời gian ở trong bardo sinh ra này, ta phải luôn luôn ghi nhớ điều này trong tâm và hết sức nỗ lực để tích tập thiện nghiệp và từ bỏ các ác nghiệp càng nhiều càng tốt.
Những người thông tuệ hiểu rõ điều này sẽ sống theo một phương cách để họ sẽ không phải ân hận vào lúc chết. Họ sẽ cảm thấy mãn nguyện bởi họ biết họ đã hoàn tất tất cả những gì có thể để chuẩn bị cho cái chết. Họ sẽ sử dụng cuộc đời này để thực hành đức hạnh, và vào lúc chết sẽ chẳng điều gì có thể ảnh hưởng đến tâm thức của họ.
Bardo giấc mộng bắt đầu vào ban đêm hay khi ta rơi vào giấc ngủ. Vào lúc này thị giác, vị giác, khứu giác, xúc giác và thính giác hoàn toàn tan biến vào ý thức, và ta kinh nghiệm một giấc ngủ sâu trong đó không có nhận thức. Sau đó, các gió nghiệp của sự vô minh lại tụ họp, và những kinh nghiệm của các năng lực giác quan xuất hiện như các kinh nghiệm huyễn hóa trong giấc mộng.
Những kinh nghiệm của năm giác quan tan biến vào ý thức thì thực sự giống như những gì được kinh nghiệm vào lúc chết. Trong cả hai trường hợp, ta đi vào một trạng thái không tỉnh giác. Nhưng ở mặt khác, trong bardo giấc mộng, những kinh nghiệm huyễn hóa của năm giác quan xuất hiện trong hình thức những giấc mộng. Các giấc mộng không phải là những hình tướng bên ngoài xảy ra ở bên trong mà cũng không phải là ý thức đi ra ngoài và lang thang đây đó. Các giấc mộng hoàn toàn hiển lộ như những hình tướng mê lầm. Vì thế, sau vô minh của giấc ngủ sâu là sự mê lầm của giấc mộng. Ở một cách nào đó, thực ra những ảo tưởng mơ mộng này khá giống với những kinh nghiệm vào ban ngày của ta, và những kinh nghiệm vào ban đêm lẫn ban ngày đều được tạo nên bởi những dấu vết nghiệp trong dòng tâm thức.
Là chúng sinh, ta chịu đau khổ bởi coi các sự việc là thật có và thực sự hiện hữu. Ta cho rằng những gì ta kinh nghiệm trong khi ta thức là thật và những gì ta kinh nghiệm khi ta mơ là giả, và cho rằng chỉ những giấc mộng mới là những sự huyễn hóa không thật có. Các sự việc xuất hiện với ta khi ta thức thì không thật hơn những gì xảy ra trong những giấc mộng. Chính sự hiểu biết sai lầm và bám chấp của ta trong việc cho rằng các sự việc có một hiện hữu chân thật đã khiến ta phải lang thang trong hiện hữu luân hồi và kéo dài mãi việc kinh nghiệm sinh tử.
Những kinh nghiệm vào ban ngày của ta, những sự việc xuất hiện trong trạng thái thức, chỉ là những hiển lộ huyễn hóa của những dấu vết nghiệp, không thực hơn hay chính xác hơn những sự việc xuất hiện khi ta mơ.
Những người đã nhận thức ý nghĩa hoàn hảo của Giáo pháp hiểu rằng những giấc mộng và các hình tướng của trạng thái thức là những điều huyễn hóa, và họ sẽ thực hành việc nhận ra hay tỉnh giác về bản tánh huyễn hóa của cả hai trạng thái.
Các hành giả nhận ra rằng giấc mộng của họ là một giấc mộng trong khi họ đang mộng sẽ có thể khẩn cầu Lạt ma, và như thế chuyển hóa một cách có ý thức những kinh nghiệm của trạng thái mộng thành thực hành đức hạnh. Họ sẽ có thể dấn mình một cách có ý thức vào các thiện hạnh trong các giấc mộng của họ. Tương tự như thế, các hành giả nhận ra các hình tướng trong khi họ thức là huyễn hóa sẽ chọn lựa một cách có ý thức để dấn mình vào đức hạnh huyễn hóa và từ bỏ ác hạnh huyễn hóa. Vì thế, các hành giả hiểu rằng cả trạng thái thức lẫn trạng thái mộng đều không thực có sẽ có thể thực hành đức hạnh một cách thiện xảo trong cả hai trạng thái, khiến cho công đức và đức hạnh của họ tăng lên bội phần trong khi họ cũng từ bỏ mọi ác hạnh. Những hành giả như thế trực tiếp nhận ra chân lý vô thường, và cũng sẽ có thể đảo ngược các chướng ngại và những hoàn cảnh tiêu cực.
Bardo thiền định cũng xảy ra trong bardo sinh ra. Đó là một tâm thái khác biệt với trạng thái thức và trạng thái mộng bởi ta an trụ trong thiền định. Bardo thiền định bắt đầu khi ta nhập định và chấm dứt khi ta xuất định. Trong bardo thiền định, không có những kinh nghiệm mê lầm của các chúng sinh bình thường, bởi chừng nào ta an trụ trong trạng thái thiền định này, mọi khái niệm thô lậu và cảm xúc tiêu cực sẽ lắng dần. Do bởi những kinh nghiệm mê lầm chẳng hạn như những giấc mộng và những hình tướng xuất hiện trong trạng thái thức không xảy ra trong bardo thiền định, nó được coi là một bardo riêng biệt trong bardo sinh ra.
Đặc điểm của bardo thiền định – trạng thái định – là nó là một kinh nghiệm về sự vô cùng tĩnh lặng và mở trống. Giống như một đại dương bao la, êm ả hay một bầu trời trong sáng, rộng lớn; tâm hoàn toàn thư thản và khoáng đạt, không theo đuổi hay vướng mắc những tư tưởng thô lậu hay vi tế.
Khi bardo đời sống chấm dứt, bardo cái chết bắt đầu. Bardo cái chết kéo dài từ khi những dấu hiệu rõ ràng của cái chết bắt đầu hiển lộ cho đến thời điểm sau khi hơi thở bên ngoài đã ngừng lại, hơi thở bên trong cũng chấm dứt. Một khi bardo cái chết bắt đầu, tiến trình chết không thể dừng lại hay đảo ngược được nữa; các bác sĩ và những người quen thuộc với các dấu hiệu này biết rằng không còn có thể làm gì được nữa. Cho dù thực hiện những bài cầu nguyện hay nghi lễ nào chăng nữa, ta cũng không thể làm đảo ngược tiến trình chết. Dù sử dụng loại thuốc nào, ta cũng không thể làm chậm lại tiến trình đó.
Điều gì sẽ mang lại lợi lạc khi thời điểm ấy đến? Bạn sẽ chẳng thể đem theo mình điều gì từ cuộc đời này, sẽ chẳng điều gì của cuộc đời này mang lại lợi lạc cho bạn ngoại trừ những thực hành tâm linh của bạn và mọi thiện nghiệp bạn từng tích tập.
Cho dù bạn đã thâu thập một khối lượng vật chất và của cải cao như Núi Tu Di, chẳng có gì trong đó đem lại lợi lạc cho bạn, bạn sẽ không thể mang bất kỳ điều gì theo bạn. Cho dù bạn là một vị vua vô cùng uy thế hay một vị tướng vĩ đại trong quân đội, bạn sẽ không có cách nào chiến thắng hay bằng cách nào đó tránh né tiến trình chết này. Khi bardo đó bắt đầu bạn sẽ nhận ra rằng mọi sự của cuộc đời này sẽ phải bỏ lại. Bạn sẽ nhận ra rằng mọi nỗ lực bạn đã làm để có được thành công thế tục và sự tiện nghi trong cuộc đời này đều vô ích. Điều quan trọng duy nhất sẽ là những thiện nghiệp và ác nghiệp bạn đã tạo ra.
Vào lúc chết, một hành giả tuyệt vời sẽ có thể nhớ lại các giáo huấn cốt tủy. Khi quay lưng lại với sự tham luyến cuộc đời này, tâm của hành giả sẽ hướng về Tam Bảo. Một số hành giả có thể thực hành Phowa, là pháp vô cùng lợi lạc vào lúc chết. Điều tốt lành nhất bạn có thể làm cho bản thân là chuẩn bị cho giây phút quan trọng này bằng cách thọ nhận các giáo huấn cốt tủy và thực sự thực hành chúng khiến bạn trở nên quen thuộc với pháp Phowa này.
Ta phải chuẩn bị cho giây phút ấy bằng cách suy niệm sự thực là khi giây phút cái chết đến, chẳng có điều gì mà ta từng đạt được trong một ý nghĩa thế tục sẽ mang lại lợi lạc cho ta. Chỉ có đức hạnh, thiện nghiệp mà ta từng tạo lập, khả năng áp dụng các giáo huấn cốt tủy và sự dấn mình vào việc thực hành Pháp, là có lợi ích cho ta. Vào lúc chết, điều cũng vô cùng quan trọng là hoàn toàn buông bỏ cuộc đời đã đến lúc chấm dứt này. Hãy buông bỏ mọi dính mắc và không bám chấp vào bất kỳ phương diện nào của thực tại vật lý mà bạn đang bỏ lại sau lưng. Các giáo lý của Đức Phật nói rõ ràng rằng bạn phải quay lưng lại với các hiện tượng thế tục của cuộc đời này và nhất tâm hướng về vị Thầy tâm linh của bạn và Tam Bảo. Đó là lúc rất cần phải dấn mình vào thực hành. Đó là thời điểm đặc biệt để bạn nương tựa vào thực hành Phowa của bạn, và hãy thực sự làm điều đó. Nếu bản thân bạn không quen thuộc với Phowa nhưng có thể thiết lập sự nối kết với một Lạt ma hay hành giả thành tựu khác, vào lúc hơi thở bên ngoài của bạn đã ngừng lại, họ có thể thực hành Phowa cho bạn và chuyển di tâm thức bạn tới cõi tịnh độ. Điều quan trọng là phải thực sự suy niệm điều này một cách triệt để cho đến khi bạn cảm thấy thực sự chuyên chú vào việc thực hành Pháp trong đời này. Bất kỳ năng lực nào bạn có thể phát triển trong việc thực hành Pháp trong đời này sẽ vô cùng lợi lạc cho bạn vào lúc chết. Khi cái chết đến, hãy xoay lưng lại với những mối bận tâm thế tục và đặt toàn bộ trái tim bạn vào việc thực hành Pháp. Vào một thời điểm chính xác khi bardo cái chết bắt đầu, thân thể này – là cái hình thành nhờ những chất thể của mẹ và cha tụ hội và sau đó nhờ sự kết tập của năm yếu tố - bắt đầu tiến trình hư hoại và tan rã. Từng bước một, các yếu tố của thân thể phân hủy và tan biến. Hơi ấm của thân thể tan vào yếu tố lửa (hỏa đại), năng lực của thịt tan vào yếu tố đất (địa đại), và năng lực của máu tan vào yếu tố nước (thủy đại). Khi tất cả năm yếu tố đã tan biến, hơi thở bên ngoài ngưng lại.
Khi hơi thở bên ngoài chấm dứt, các bác sĩ và những người quanh bạn sẽ thông báo là bạn đã chết, nhưng vẫn còn những yếu tố bên trong và hơi thở bên trong. Khi hơi thở bên trong chấm dứt, các giai đoạn tan rã bên trong bắt đầu, và những tinh túy của cha và mẹ ở trong thân thể vật lý chuyển động. Tinh túy của cha ở trong giọt trắng tại trán, và tinh túy của mẹ là một giọt đỏ ở rốn. Khi các yếu tố bên trong tan rã, giọt mẹ đi lên trong khi giọt cha đi xuống và chúng kết hợp với nhau tại tim. Sau đó thức vi tế nhất rời khỏi thân xác. Khi các giọt cha và mẹ hợp nhau tại tim, có một kinh nghiệm giống như ngất đi. Một hành giả đầy kinh nghiệm có thể duy trì sự tỉnh giác trong quá trình đó. Người quen thuộc với tiến trình này sẽ nhận biết rõ ràng về những gì đang tiến triển và có thể duy trì sự tỉnh giác khi, trong hai giây phút (chốc lát), hai giây ngắn ngủi, tâm thức tan biến vào không gian, và sau đó không gian tan vào sự chói sáng tịnh quang.
Giây phút không gian tan vào sự chói sáng tịnh quang cũng là giây phút hơi thở bên trong chấm dứt và bardo thực tại bắt đầu. Người có rất nhiều kinh nghiệm trong việc thiền định về bản tánh nội tại có thể sử dụng kinh nghiệm thiền định đó vào lúc này. Khi không gian tan vào sự chói sáng tịnh quang, những hành giả vô cùng cao cấp và các thiền giả vĩ đại kinh nghiệm nó như một bầu trời nguyên sơ, khoáng đạt, hoàn toàn thuần tịnh và sống động, vô cùng chói sáng và rực rỡ.
Những người đã thọ nhận một hướng dẫn đi vào bản tánh của tâm, và sau đó càng ngày càng quen thuộc nhờ việc thiền định để nhận ra bản tánh đó của tâm, sẽ có thể lập tức nhận ra sự ló rạng của chói sáng tịnh quang trong bardo thực tại, và họ sẽ có thể đạt được giải thoát nhờ việc nhận ra đó. Thiền định về sự chói sáng tịnh quang của tâm trong đời ta được gọi là chói sáng tịnh quang (giống như) con.
Sự chói sáng tịnh quang chói ngời trong bardo thực tại là bản tánh nội tại của tâm, sự chói sáng tịnh quang nền tảng, như lai tạng hay Phật tánh. Vào lúc đó thiền định chói sáng tịnh quang con đã phát triển trong đời của một hành giả có thể nhận ra sự chói sáng tịnh quang nền tảng, và sự nhận ra và hợp nhất này được nhắc đến như sự “gặp gỡ của mẹ và con.”
Những người không có đầy đủ kinh nghiệm với sự thiền định về bản tánh của tâm sẽ không nhận ra được sự ló rạng của chói sáng tịnh quang và vì thế sẽ tiếp tục đi vào những kinh nghiệm trong bardo thực tại theo sau. Nhưng những người có thể nhận ra nó sẽ được giải thoát nhờ việc gặp gỡ này của các sự chói sáng tịnh quang mẹ và con. Các thiền giả đó thường biểu lộ những dấu hiệu bên ngoài vào lúc chết. Thiền định mà một hành giả vô cùng kinh nghiệm có thể thực hiện suốt tiến trình chết được gọi là tukdam.
Nhiều đại hành giả đã có thể an trụ trong tukdam khoảng bảy ngày, ngồi thẳng lưng trong tư thế thiền định trải qua thời gian của cái chết lâm sàng, bên ngoài của họ, với thân thể vẫn giữ được hơi ấm. Cũng có một vài người chết trong những tư thế khác nhau chẳng hạn như các tư thế “Phật Ngủ” và “Sư tử”. Đôi khi các thiền giả tukdam cũng biểu lộ các dấu hiệu cho thấy thân thể họ thu nhỏ lại, và thậm chí một ít người đạt được thân cầu vồng một cách hoàn hảo, tan biến thân thể vật chất của họ thành ánh sáng và chỉ để lại tóc và móng tay.
Tất cả những dấu hiệu này cho thấy các hành giả này đã có thể đạt được chứng ngộ thực sự trong cuộc đời họ. Họ được giới thiệu bản tánh tịnh quang của tâm và sau đó thực sự phát triển nhận thức đó, và vì thế có thể đạt được giải thoát trong giai đoạn đầu tiên của bardo thực tại qua việc gặp gỡ của sự chói sáng tịnh quang mẹ và con. Những thiền giả đạt được giải thoát ngay khi bardo cái chết chấm dứt bởi họ nhận ra sự ló rạng của bardo thực tại. Sự ló rạng này chỉ kéo dài một chốc lát, vì thế đó chỉ là một thời gian rất ngắn ngủi cho ta cơ hội giải thoát bằng cách nhận ra sự chói sáng tịnh quang nền tảng của bardo thực tại.
Những người không đủ kinh nghiệm với thiền định về sự tan biến của các yếu tố và bản tánh của tâm có thể sẽ ở trong một trạng thái không tỉnh giác ba ngày khi bardo cái chết chấm dứt. Bởi họ không thể nhận ra sự ló rạng của sự chói sáng nền tảng, và vì thế bỏ lỡ cơ hội để giải thoát, họ sẽ tiếp tục kinh nghiệm sự hiển lộ của những Bổn Tôn an bình và phẫn nộ trong bardo thực tại. Vào lúc đó, mọi loại hình tướng, ánh sáng, âm thanh, v.v. xuất hiện. Nó gần giống như một “ngôi nhà hạnh phúc” hay “nhà ma” tại một công viên giải trí, ở đó bạn đi vào một gian phòng tối om hay một căn nhà tối tăm và có một trò biểu diễn hay phô bày thật công phu với rất nhiều ánh sáng, âm thanh, và những hình ảnh rùng rợn. Một số “ngôi nhà hạnh phúc” đó khủng khiếp đến nỗi thậm chí người ta không muốn đi vào bên trong, và những trẻ nhỏ vô cùng khiếp hãi. Loại bardo thực tại này thì thực sự hơi giống như thế. Khi những hình ảnh và âm thanh này xuất hiện, hầu như mọi người sẽ kinh khiếp, và những người không phải là hành giả sẽ không nhận ra chúng là những phô diễn của các Bổn Tôn.
Nhưng những người đã thực hành thiền định, và đặc biệt là những người đã thực hành giai đoạn phát triển và trở nên quen thuộc với các thực hành yidam Bổn Tôn, có lẽ có thể nhận ra chúng là những phóng chiếu hay những tự-hiển lộ của tâm thức. Những người có thể nhận ra chúng như thế sẽ không sợ hãi và đạt được giải thoát Báo Thân trong bardo thực tại. Tuy nhiên, nếu tâm thức không thể nhận ra những xuất hiện này của các Bổn Tôn an bình và phẫn nộ là sự tự-phô diễn của tâm, tâm thức tách rời thân thể vào lúc này và đi vào bardo trở thành.
Trong bardo trở thành ta không có một thân thể vật lý xương và thịt thô lậu nữa, mà thay vào đó là một thân bardo có bản tánh ánh sáng; nó hơi sáng và phát ra ánh sáng rực rỡ của riêng nó. Trong bardo này không có tri giác về mặt trời hay mặt trăng, nhưng ánh sáng từ thân thể của họ khiến cho các chúng sinh bardo nhìn thấy nơi họ đang đi. Họ cũng có thể nhìn thấy tất cả chúng sinh đang lang thang trong bardo cùng với họ. Trong thời gian này, các chúng sinh bardo lập tức đi tới bất kỳ nơi nào họ nghĩ đến, ngoại trừ việc đi vào thai mẹ. Những người lang thang trong bardo này liều lĩnh tìm kiếm tái sinh và khao khát mãnh liệt một thân thể có thật. Tuy nhiên, vào thời điểm đó cánh cửa đi vào thai tạng vẫn còn bị khóa chặt, vì thế họ không thể vào thai mẹ và bắt đầu bardo sinh ra.
Các chúng sinh bardo có một thân tướng của sự thấu thị bị ô nhiễm khiến họ hiểu được tư tưởng của người khác. Họ có thể nhìn thấy mọi sự xảy ra nơi họ chết, họ biết mọi tư tưởng của thân quyến và bạn bè của họ v.v.. và họ biết những của cải của họ bỏ lại đã được làm gì. Họ nhìn thấy những người đang bố thí chúng và đang thực hành đức hạnh hay họ đang bám chấp và tranh đấu để sở hữu của cải đó v.v.. Tâm họ nhạy bén về điều đó, và họ bị tác động bởi những tư tưởng và hành động của người khác, đặc biệt là những người gần gũi với họ. Họ có thể nhìn thấy những người trong cõi người, mọi người thân và bạn bè, nhưng người thân và bạn bè của họ không nhìn thấy họ. Những người đã tích tập một khối lượng khổng lồ công đức vĩ đại trong đời họ cũng như những người đã tích tập những ác hạnh khủng khiếp sẽ không lang thang quá lâu trong bardo trở thành. Trong thực tế, những người đã dấn mình vào những ác hạnh dữ dội sẽ lập tức đi đến các cõi địa ngục ngay khi bado cái chết của họ chấm dứt, trong khi những người đã dấn mình vào các thiện hạnh tốt lành nhất sẽ từ bardo cái chết đi thẳng tới một cõi Phật thuần tịnh. Đa số chúng sinh, những người đã tích tập một pha trộn của thiện hạnh và ác hạnh, sẽ lang thang một khoảng thời gian trong bardo trở thành.
Trong bardo này, chúng sinh đau khổ bởi trải nghiệm đói và khát, nóng và lạnh, và đủ loại sợ hãi, lo âu, và đau khổ. Không có một thân thể thực sự, họ không tránh khỏi việc bị tung ném đó đây như một chiếc lông bị gió thổi một cách vô vọng. Họ liên tục bị những tư tưởng không vững chắc của họ đưa đi đây đó và vì thế hoàn toàn phó mặc cho những trận gió nghiệp của mình.
Ta có thể làm lợi lạc chúng sinh lang thang trong bardo ra sao? Nếu ta thay mặt họ mà thực hành đức hạnh, ta sẽ mang lại lợi lạc cho họ. Anh chị em, con cái, hay những người thân thuộc khác của người chết nên quan tâm tới việc hiến cúng cho Tam Bảo một số trong những của cải được để lại, chẳng hạn như cúng dường cho các tu viện, và cũng bố thí cho những người túng thiếu. Việc tụng hát hay bảo trợ sự trì tụng những bài cầu nguyện như Phổ Hiền Hạnh nguyện Vương và Tụng các danh hiệu của chư Phật cũng thực sự làm lợi ích cho người chết. Mọi thiện hạnh mà thân quyến và bằng hữu của người chết tham dự, và đặc biệt là nếu họ hồi hướng cội gốc đức hạnh của họ một cách có ý thức cho người chết, họ sẽ thực sự làm lợi lạc cho người đang lang thang trong bardo.
Điều đó giống như việc chìa bàn tay cho người bị ngã. Nhờ nỗ lực của ta trong việc dấn mình vào các thực hành đức hạnh trong lúc này, nhờ sự hồi hướng công đức đó cho họ, và đặc biệt là nhờ việc bố thí những của cải mà người chết đã để lại, ta làm lợi lạc cho dòng tâm thức của họ và vì thế mang lại cho họ sự che chở nào đó nhờ đức hạnh.
Bardo trở thành kéo dài từ lúc chết cho tới khi ta đi vào một thai tạng, và mặc dù thời gian thực sự có thay đổi, thường thì nó kéo dài khoảng bốn mươi chín ngày. Các kinh nghiệm trong lần ngưng dứt đầu tiên của bardo trở thành có liên quan đến cuộc đời vừa bị bỏ lại phía sau; nó kéo dài khoảng hai mươi mốt ngày. Kế đó, trong phần thứ hai, các kinh nghiệm di chuyển tới các sự xuất hiện của đời sau đang đến. Chẳng hạn như, đối với việc chấm dứt của bardo trở thành, người có khuynh hướng nghiệp bị tái sinh làm súc sinh sẽ có những thị kiến và kinh nghiệm liên quan tới cõi súc sinh bởi những dấu ấn nghiệp của cõi súc sinh sẽ được củng cố. Những cảm giác và nhận thức về cõi súc sinh sẽ phát triển càng lúc càng mạnh mẽ hơn, trở nên nổi trội hơn, và sau đó hoàn toàn phát triển. Vì thế, do bởi bất kỳ dấu vết nghiệp nổi trội nào, ta sẽ bắt đầu kinh nghiệm cõi giới đó.
Đối với các bạn hữu và gia đình của người đã mất, điều thực sự cần thiết là nỗ lực chỉ thực hành điều đức hạnh trong bốn mươi chín ngày sau cái chết. Đây là thời gian người chết ở trong bardo và nó có thể thực sự tạo nên một khác biệt bởi vào lúc đó chưa xác định được họ sẽ tái sinh ở đâu; họ đang ở một giao lộ nơi họ có thể đi lên mà cũng có thể đi xuống. Bardo là một thời gian nhạy cảm đối với chúng sinh, và tư tưởng cũng như hành động của ta có thể tác động đến các chủng tử nghiệp nào nổi trội.
Vào lúc chết, thường có những dấu hiệu ám chỉ người chết có khuynh hướng tái sinh trong những cõi thấp hay những cõi cao. Chẳng hạn như đối với một cái chết khó khăn, người chết chịu rất nhiều đau đớn, đau khổ và sợ hãi, có thể cho thấy họ đã hướng về một nơi ít thuận lợi. Có nhiều dấu hiệu khác nhau có thể xảy ra vào lúc chết, bởi có rất nhiều khuynh hướng nghiệp khác nhau. Sự đa dạng trong việc tích tập và sự thuần thục của nghiệp quả hiển lộ như một con đường của cá nhân qua trạng thái bardo khiến cho kinh nghiệm của mỗi người là một cái gì độc nhất vô nhị.