NGÀY 01
Phần 1
Giới thiệu:
Trong việc học và thực hành Phật pháp, có nhiều nghi lễ và các vị [Hộ] Phật khác nhau và mỗi vị [Hộ] Phật lại có Mạnđà‐la (cõi Phật) và các thực hành riêng biệt. Có một số người hiểu vấn đề này nhưng một số người chưa hiểu.Về mặt bản chất, tất cả những ước nguyện thực hành Phật pháp của chúng ta sẽ được thành tựu thông qua ba sức mạnh. Hiểu được điều này, dù rằng chúng ta chỉ trì tụng một câu minh chú thì cả ba sức mạnh này sẽ được thành tựu. Thầy không có nhiều phẩm hạnh đặc biệt, nhưng Thầy sẽ cố gắng giải thích theo cách tốt nhất với khả năng Thầy có.
BA SỨC MẠNH
Ba sức mạnh gồm có: đầu tiên là động lực và suy nghĩ; thứ hai là sức mạnh của Như lai; và thứ ba là sức mạnh của Pháp giới . Chúng ta cần phải hiểu về ba sức mạnh này.
1. Sức mạnh thứ nhất – ĐỘNG LỰC.
Đầu tiên là sức mạnh từ những ý nghĩ, hay động lực của mỗi người, và đó là sự tín tâm và sùng kính khởi lên trong tâm của chúng ta – sự tín tâm và sùng kính do hiểu được các phẩm tính của Đức Phật. Khởi đầu khi chúng ta trưởng dưỡng tín tâm sáng rõ, chúng ta hiểu về phẩm tính của Đức Phật, và đó là trí huệ thông tỏ tất cả, trí huệ toàn tri của Đức Phật. Với trí huệ này, Đức Phật biết được về căn cơ, tâm, và tất cả những khổ đau và nghiệp báo của các chúng sinh.
a. Tín tâm sáng rõ với Tam Bảo
Phẩm tính thứ hai của Đức Phật là lòng từ bi với tất cả chúng sinh. Đức Phật yêu thương hết thảy chúng sinh như thể mẹ hiền yêu thương đứa con duy nhất của mình. Chúng ta tự quyết định việc mình có quy y Tam Bảo hay không, nhưng nếu chúng ta quy y, chúng ta sẽ được bảo vệ. Tạm thời, quy y Tam Bảo giúp chúng ta được bảo vệ khỏi các khổ đau của luân hồi và được tái sinh lên ba cõi cao; Tối hậu, chúng ta sẽ đạt được giác ngộ, viên mãn mục đích của mình đồng thời thành tựu mục đích của người khác. Đức Phật nắm giữ ba phẩm tính – đó là trí huệ, tình yêu thương và sức mạnh.Vì vậy, Tam Bảo là nơi nương tựa chân thực. Đó chính là sức mạnh thứ nhất, sức mạnh của những suy nghĩ và động lực đúng đắn, sức mạnh của sự tín tâm sáng rõ.
b. Tín tâm tha thiết mong cầu giải thoát
Tín tâm thứ hai là tín tâm tha thiết mong muốn giải thoát cho mình và người khác, nếu chúng ta chỉ mong muốn giải thoát cho riêng mình thì chúng ta sẽ không thể giải thoát được, vì chính tâm chấp ngã là nguồn gốc của tất cả đau khổ. Khi chúng ta còn bám chấp vào bản ngã, chúng ta sẽ không được bảo vệ tránh khỏi những đau khổ tạm thời và tối hậu. Khi chúng ta trưởng dưỡng tín tâm tha thiết mong cầu giác ngộ, chúng ta nên nghĩ “Xin cho tất cả chúng sinh được giải thoát khỏi đau khổ.” Hay chúng ta cũng có thể nghĩ “Cầu xin cho con và tất cả chúng sinh được giải thoát khỏi đau khổ.” Để được giải thoát, không có một nơi nương tựa nào khác ngoài Tam Bảo. Đây chính là tín tâm tha thiết mong cầu giải thoát.
c. Tín tâm dựa trên sự tin tưởng – tin sâu vào sự vận hành của nhân quả
Tín tâm thứ ba là tín tâm dựa trên sự tin tưởng. Điều gì là nguyên nhân của giác ngộ? Đó chính là Bồ Đề Tâm, hay tâm vị tha. Nếu chúng ta phát khởi Bồ Đề Tâm, chúng ta sẽ không nghĩ về bản thân mình, và như vậy, chấp ngã sẽ giảm thiểu. Chúng ta cần giải thoát khỏi cái gì? thực ra cái mà chúng ta cần giải thoát hay vượt thoát chính là tâm chấp ngã. Chấp ngã chính hẳn là nguyên nhân dẫn đến đau khổ; Tâm vị tha là nguyên nhân của hạnh phúc. Khi chúng ta trưởng dưỡng tin tưởng vào nhân quả thì đồng thời chúng ta cũng đang trưởng dưỡng tín tâm dựa trên sự tin tưởng. Chúng ta bắt đầu nhận ra rằng tâm chấp ngã là nguyên nhân gốc rễ mang đến đau khổ; đó chính là gốc rễ của sáu cảm xúc ô nhiễm .Tâm vị tha là nguyên nhân gốc rễ của hạnh phúc và của Sáu Ba La Mật . Đó là nguyên nhân mang lại hạnh phúc tạm thời và tối hậu. Vì thế khi chúng ta trưởng dưỡng niềm tin vào nhân quả, chúng ta trưởng dưỡng tín tâm dựa trên sự tin tưởng.
Khi chúng ta trưởng dưỡng sức mạnh thứ nhất – sức mạnh của suy nghĩ và động lực của chính bản thân – thì đó là khi ba loại tín tâm này cùng đến, khi tham gia bất cứ thực hành giáo pháp nào, chúng ta cũng nên phát khởi ba loại tín tâm nói trên.
2. Sức mạnh thứ hai – SỨC MẠNH CỦA LÒNG TỪ BI
Sức mạnh thứ hai gọi là sức mạnh của các Đấng Như Lai, và đó là sức mạnh của tất cả Chư Phật trong ba thời. Trong 37 Pháp Hành Bồ Tát Đạo có nói rằng “Phật quả viên mãn đến từ tâm vị tha5”. Mặc dù có hàng tỷ Đức Phật – vô số các Đức Phật – thì tâm của các Đức Phật cũng giống nhau. Đó là sự hợp nhất của tính Không và lòng từ bi. Chư Phật trong ba thời đã phát khởi lòng từ bi vĩ đại đối với tất cả các chúng sinh, và đó là sức mạnh thứ hai – Sức mạnh của chư Như Lai.
3. Sức mạnh thứ ba – SỨC MẠNH CỦA PHÁP GIỚI
Sức mạnh thứ ba gọi là sức mạnh pháp giới, muốn nói tới sự kết nối có trong tâm của Đức Phật và chúng sinh. Nền tảng tâm hay bản tâm của chư Phật và chúng sinh đều như nhau. Như được nói đến trong lời nguyện của Phật Phổ Hiền (Samantabhadra Prayer) “có một nền tảng nhưng hai con đường và hai kết quả.” Bản tâm của chư Phật cũng giống như bản tâm của chúng sinh. Tuy nhiên, chúng sinh thì tạm thời bị sức mạnh của sự chấp ngã chi phối, và chính điều đó tạo nên luân hồi. Tạm thời tâm của chúng sinh như những tảng nước đá, nước đã bị đóng băng, khi nào sự chấp ngã chấm dứt chúng sinh sẽ đạt được giác ngộ. Sức mạnh Pháp giới cho biết rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tính.
Bất cứ khi nào chúng ta tham gia vào các thực hành thiện hạnh và cả ba sức mạnh nói trên cùng tồn tại, thì ba sức mạnh đó là nguyên nhân cho thấy tất cả chúng sinh đều có khả năng đạt được Giác Ngộ.
TINH TÚY CỦA TAM BẢO
Tam Bảo (ba viên ngọc quý), Pháp là phương pháp giúp chúng ta đạt được Giác Ngộ và được bảo vệ thoát khỏi khổ đau. Mặc dù có tất cả tám vạn bốn ngàn pháp khác nhau, tinh túy của các pháp là gì? Cái gì là kết quả nếu chúng ta dấn mình thực hành Pháp? Trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn chính là nguyên nhân của hạnh phúc tạm thời và tối hậu. Đó là nguyên nhân duy nhất! Khi chúng ta nói chư Phật ba thời có chung một bản chất, thì bản chất chung đó chính là Bồ Đề Tâm, là tình yêu thương và lòng bi mẫn. Tất cả các chúng sinh đều có điều này trong giòng tâm thức của họ ở một mức độ nhất định – một số thì nhiều hơn, một số ít hơn – nhưng tất cả chúng sinh đều có tình yêu thương và lòng bi mẫn.
Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh nhất định, chúng ta lại đánh mất đi tình yêu thương. Ví dụ như khi để sân hận nổi lên, chúng ta đánh mất đi tình yêu thương và lòng bi mẫn. Lúc ban đầu và ở trang đầu tiên khi tụng bài quy y, chúng ta ngay bắt đầu đã quán kẻ thù và những người thù ghét ta ngay trước mặt ta [cùng quy y với ta]. Về cơ bản thì kẻ thù là đối tượng để chúng ta có cơ sở nổi sân hận. Tất cả những kẻ thù, kẻ gây chướng ngại, và những kẻ hãm hại kia, hẳn đã rất tử tế với chúng ta trong một đời quá khứ nào đó. Họ hẳn đã là cha mẹ hoặc những người bạn rất tử tế của ta; những người đã rất yêu thương chúng ta. Chúng ta trong đời đó đã không đáp trả lại sự tử tế của họ một cách đúng đắn, và vì vậy trong đời này, họ xuất hiện dưới hình thức là kẻ thù. Khi chúng ta nghĩ được như vậy thì sự sân hận sẽ lắng xuống, bởi vì nếu chúng ta để cho sân hận nổi lên, chúng ta tự đánh mất hạt giống giải thoát. Còn đứng về góc nhìn đối với người khác, không có một chúng sinh nào mà lại không từng làm cha mẹ của ta trong đời quá khứ, vì vậy ở bất cứ tình huống nào, và bằng mọi phương tiện, chúng ta phải giảm thiểu tối đa sự sân hận.
Trong lời cầu nguyện chúng ta nói “Cầu xin cho tất cả chúng sinh có được hạnh phúc.” Điều đó có nghĩa là xin cho tất cả chúng sinh có được tình yêu thương và lòng bi mẫn. Chúng ta cũng cầu nguyện là “Xin họ thoát khỏi khổ đau. Xin họ thoát khỏi tâm chấp ngã. Xin họ đạt được hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau.” Để đạt được điều này, chúng ta phải nhận biết được bản chất của tâm, đó là Phật tính. Để đạt được điều này, trong trang 3 nghi quỹ (sadhana), có nói “cho đến tận khi đạt được Giác Ngộ, con nguyện thực hành thiện hạnh với Thân, Khẩu và Ý của mình” Chúng ta có làm bất cứ thiện hạnh nào, dù là Sáu Ba La Mật, hay chỉ trì tụng một câu minh chú Mani – thì chúng ta cũng cần làm vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. Chúng ta lại tụng “Kể từ hôm nay cho đến tận khi đạt được Giác Ngộ, dù có phải trả giá bằng thân mạng của mình, con cũng sẽ không từ bỏ Bồ Đề Tâm và Tam Bảo.”, và lại tụng “Từ nay cho đến khi chết, con nguyện thực hành thiện hạnh với Thân, Khẩu và Ý.” Khi chúng ta tham gia vào việc thực hành các thiện hạnh qua thân, khẩu, ý – ví dụ bất kỳ một giới nguyện nào, dù đó là giới nguyện một ngày, chúng ta cũng giữ giới nguyện đó với hết khả năng của mình. Và trong nghi quỹ (sadhana) cũng ghi “Từ nay cho đến cùng giờ khắc này của ngày mai, con nguyện thực hành thiện hạnh với Thân, Khẩu, Ý.” Đó là nói đến những giới nguyện mà chúng ta không thể giữ được một cách liên tục.
Tuy nhiên, bất kỳ thiện hạnh nào mà chúng ta thực hiện, dù rằng chỉ trì chú minh chú Mani (Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn), thì chúng ta cũng phải nghĩ mình làm việc đó vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. Nếu chúng ta phát khởi động lực này thì đức hạnh có được sẽ rất bao la và to lớn, và sẽ mang lại hai lợi ích: lợi ích tạm thời là tái sinh trong các cõi cao và lợi ích tối hậu là đạt được Giác Ngộ. Nếu trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm thì chúng ta sẽ luôn luôn có được hai lợi ích này. Nếu không trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm thì chúng ta có thể có được lợi ích tạm thời nhưng sẽ không thể đạt được lợi ích tối hậu. Vì vậy động lực là vô cùng quan trọng!
TAM BẢO BÊN TRONG
Thông thường chúng ta nói về nơi quy y bên ngoài: Ba Viên Ngọc Quý của ba thời. Tất cả chúng ta đều quen với điều này! Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu về Tam Bảo bên trong và hiểu điều đó thực sự chứa đựng trong giòng tâm thức của chúng ta như thế nào. Đầu tiên là tuệ giác ‐ là trí giác “thấu biết”. Trí giác đó biết làm gì và không làm gì, đó là phẩm tính của Phật tính. Năng lực nhận biết chính là Đức Phật bên trong, Pháp bên trong chính là tình yêu thương và lòng bi mẫn. Một người có trí huệ và từ bi sẽ có được sự kiên nhẫn lớn lao và tình yêu thương to lớn. Người như vậy gọi là Tăng bảo cao quý, Tăng bảo là những người đã giải thoát khỏi đau khổ, và vì vậy có khả năng giải thoát người khác khỏi đau khổ. Với cách hiểu này thì Tam Bảo có sẵn trong dòng tâm thức của chính mỗi chúng ta, chúng ta hiểu rằng người ở trong Tăng bảo là những người có tình yêu thương và lòng kiên nhẫn trong dòng tâm thức của mình.
Vì vậy sau khi đã quy y, chúng ta quán tưởng không gian là ruộng công đức . Đặc tính Pháp giới của tất cả các Đức Phật là luôn tràn khắp như không gian. Pháp giới có đặc tính như không gian và lan tràn khắp cùng. Sự hóa hiện dưới hình thức báo thân của chư Phật thì xuất hiện trong không gian như là cầu vồng trên bầu trời, và khi các chúng sinh khẩn nguyện đến các Ngài, các Ngài sẽ thật sự xuất hiện ở đó.
Những hữu tình có nghiệp thanh tịnh có thể nhìn thấy các báo thân Phật, còn những chúng sinh bình thường có sự chấp ngã sẽ không thể nhìn thấy báo thân Phật. Sự khác nhau chỉ ở chỗ chúng ta có nhìn thấy hay không, còn thực tế là các báo thân Phật luôn luôn ở đó. Tình yêu thương của chư Phật không bao giờ ngừng nghỉ, luôn luôn ở đó và luôn luôn lan tràn cùng khắp; việc chúng ta có thể cảm nhận được hay không phụ thuộc vào sức mạnh từ tín tâm của chính mình. Khi chúng ta khẩn nguyện và nghĩ đến chư Phật và các vị [Hộ] Phật, họ luôn xuất hiện, giống như là Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ luôn ở đây khi chúng ta khẩn nguyện và nghĩ đến Ngài. Nhìn từ góc độ tương đối, đó là do tình yêu vô cùng to lớn mà chư Phật dành cho hữu tình chúng sinh. Nhìn từ góc độ tuyệt đối, chư Phật luôn ở đó vì chư Phật đã kết nối được với Phật tính nguyên sơ của chúng ta. Chư Phật luôn luôn kết nối với giòng tâm thức của chúng ta!
Phần 2
LỢI ÍCH CỦA VIỆC TRÌ TỤNG MINH CHÚ
Một số trong chúng ta đã quen thuộc với hiểu biết về lợi lạc của việc tụng chú, còn một số thì chưa, nhưng nói chung thì chúng ta nói về chín lợi ích của việc tụng chú. Trong chín lợi ích này, chúng ta nên hiểu được hai tới ba lợi ích.
Minh chú là vị [Hộ] Phật
Điều đầu tiên chúng ta nên hiểu câu minh chú chính là vị [Hộ] Phật. Vì vậy với mỗi lần tụng chú, chúng ta đang dần thành tựu vị [Hộ] Phật đó. Thông qua việc niệm danh hiệu của vị [Hộ] Phật trí tuệ mà Ngài sẽ đến. Cũng như khi gọi tên một người. Ví dụ nếu ai đó đã chết, và một người gọi tên của người quá cố đó, thì tâm thức của người đó sẽ được đánh thức. Vì vậy, sức mạnh của ngôn từ, của việc sử dụng tên gọi, thật ra rất là mạnh mẽ. Cũng tương tự như vậy, trong trường hợp chúng ta niệm danh hiệu của vị [Hộ] Phật trí tuệ, khi đó chúng ta thành tựu hoặc cung thỉnh vị [Hộ] Phật đó. Những vị trời thế tục cũng được thỉnh mời theo cách đó. Vì vậy chúng ta cần hiểu câu minh chú cũng là vị [Hộ] Phật.
Minh chú là cúng dường
Chúng ta cũng cần hiểu minh chú là cúng dường. Khi chúng ta có tín tâm vào các vị [Hộ] Phật đang trụ ở trên các cõi Tịnh độ và đọc tụng câu minh chú, thì mỗi câu minh chú được đọc tụng này trở thành phẩm vật cúng dường cho các vị [Hộ] Phật trên đó. Đồng thời cũng tịnh hóa các che chướng của những chúng sinh ở các cõi bất tịnh, hay nói rõ hơn đó là các chúng sinh đang sống ở ba cõi thấp. Câu minh chú trở thành người bảo vệ cho các chúng sinh, che chở bảo vệ cho những ai chưa được che chở. Vì vậy câu minh chú là phẩm vật cúng dường đồng thời cũng là tịnh hóa che chướng.
Minh chú là gia trì
Minh chú cũng là sự gia trì. Khi đọc tụng câu minh chú, chúng ta tịnh hóa những nghiệp bất thiện và những dấu ấn bất thiện trong dòng tâm thức thông qua sức mạnh của vị [Hộ] Phật trí tuệ. Đó chính là phẩm tính của vị [Hộ] Phật trí tuệ. Nếu chúng ta thực hành về vị trời thế tục thì có thể mang đến một số lợi lạc tạm thời trong đời này nhưng sẽ không thực sự mang đến lợi lạc trong các đời vị lai. Theo một số truyền thống ngoại đạo, những vị trời thế tục cũng được hướng tới để thực hành và những vị trời đó có thể ban một số sức mạnh [thần thông] tạm thời. Ví dụ có một số đạo sĩ du già với sức mạnh của Mật chú có thể khiến cho mảnh sắt, kim loại, hay hòn đá trở nên rất nóng; bằng việc tụng đọc Mật chú và thổi vào hòn đá, họ có thể dùng hòn đá đó để đốt các vật khác, họ có thể tạo ra nhiệt thông qua tụng đọc Mật chú, Thầy đã từng tận mắt gặp các vị đạo sĩ du già như vậy.
Tuy nhiên, phẩm tính đặc biệt của các vị [Hộ] Phật trí tuệ là làm tan và chảy đi những nghiệp và dấu ấn bất thiện mà chúng ta đã tích lũy từ vô thủy vô chung. Trí tuệ của các vị [Hộ] Phật phá tan đi sự chấp ngã. Mặc dù chúng ta không nhìn thấy trực tiếp bằng mắt sự chấp ngã, nhưng trong giòng tâm thức của chúng ta có một lớp dầy sự bám chấp vào bản ngã. Khi chúng ta nói về sự gia trì của các vị [Hộ] Phật trí tuệ thì sự gia trì đó chẳng là gì khác ngoài tình yêu thương và lòng bi mẫn! Nếu chúng ta trì tụng minh chú của một vị [Hộ] Phật trí tuệ, chúng ta sẽ phá tan đi những nghiệp và dấu ấn tiêu cực đã tích lũy từ vô thủy vô chung và chúng ta sẽ đến gần hơn với
Giác Ngộ.
Liên quan đến lợi ích của việc trì tụng minh chú và bản thân minh chú, Đức Phật cũng đã nói đến trong minh chú “Giải thoát qua sự nhìn”, đó là, ví dụ bằng việc nhìn một minh chú nhất định, chúng ta có thể tịnh hóa che chướng đã tích lũy trong ba trăm nghìn đại kiếp.
NHẬN RA ĐƯỢC TỈNH GIÁC NỘI TẠI THÔNG QUA MINH CHÚ
Trong trang 29 của nghi quỹ có ghi “Tỉnh giác nội tại là sắc tướng Phật A‐di‐đà.” Khi chúng ta tụng câu minh chú của vị [Hộ] Phật trí tuệ thì sức mạnh sẽ khởi hiện, và sức mạnh đó rất to lớn. “Tỉnh giác nội tại là sắc tướng Phật A‐di‐đà” có ý nghĩa như thế nào? Chúng ta nhận ra tỉnh giác nội tại, chúng ta nhận ra rằng bản tâm của mình – Phật tánh – chính là vị Phật, và cũng chính là vị [Hộ] Phật mà chúng ta đang thực hành [Trong bối cảnh này, chúng ta đang nói đến Phật A‐di‐đà]. Tất cả các vị [Hộ] Phật có chung một tâm thức. Như đã được nói, trong pháp giới bao la của trí tuệ nguyên sơ, tất cả chư Phật đồng là một. Và tiếp tục, “Hãy nhìn vào chính tâm không bám chấp nhị nguyên!”
Tại sao bây giờ chúng ta hiện hữu không giống chư Phật. Bởi vì chúng sinh bám chấp vào nhị nguyên chủ thể ‐ đối tượng; tâm thức bên trong chúng ta bám chấp vào các chủ thể bên ngoài và làm nảy sinh rất nhiều suy nghĩ gắn kết, đối đãi, mê lầm. Chúng ta bám chấp vào những thực tại bên ngoài và tin những suy nghĩ xuất hiện trong tâm trí của ta là chân thật, khi đó tâm chúng ta trở thành những khối nước bị đóng băng thành đá. Nó giống như những tảng băng trôi trên mặt biển, Tại sao tâm chúng ta lại trở thành những tảng băng? Đó là bởi vì chúng ta bám chấp vào sự phân biệt đối đãi nhị nguyên ta ‐ người và chính từ sự đối đãi nhị nguyên đó mà xuất hiện những ý nghĩ gắn kết, phân biệt. Và sau đó chúng ta lại đi bám chấp vào những quan niệm đó và tin nó là chân thật. Chính điều này làm cho tâm trí chúng ta trở thành các tảng nước đá đóng băng. Và rồi giống như là rất nhiều tảng băng trôi trên mặt nước và đâm sầm vào nhau. Tâm thức của chúng sinh cũng giống như vậy đó.
LÀM TAN CHẢY TẢNG BĂNG CHẤP NGÃ
Những vị [Hộ] Phật trí tuệ đã trưởng dưỡng và viên thành Bồ Đề Tâm và không còn bám chấp vào thực tại. Nếu chúng ta không bám chấp vào thực tại của những sự khởi hiện trong tâm thức, thì sẽ giống như chúng ta hiểu được tảng băng cũng có bản chất của nước; giống như chúng ta hiểu được những suy nghĩ và cảm xúc ô nhiễm thì bản chất đều rỗng rang và mang tính Không. Và vì vậy không còn sự đối đãi chủ thể ‐ đối tượng; không còn bám chấp; không còn tin tưởng rằng những suy nghĩ khởi hiện trong tâm là chân thực. Chúng ta hiểu là mặc dù tâm chúng sinh tạm thời là tảng nước bị đóng băng thành đá, nó không phải là đá, nó có bản chất của nước. Một tâm thức tự do thoát khỏi nhị nguyên đối đãi chủ thể ‐ đối tượng thì sẽ tự do thoát khỏi sự bám chấp vào ta hay người, và cũng không bám chấp vào bất cứ điều gì khởi hiện trong tâm trí. Dù cho những suy nghĩ hay cảm xúc ô nhiễm khởi hiện trong tâm, tâm thức đó sẽ không bám chấp vào và coi đó là chân thực. Bất cứ thứ gì khởi hiện trong tâm thì cũng xuất phát từ nền tảng tâm – bản tâm. Nếu không có bám chấp, chúng ta sẽ nhìn thấy bản chất tâm mình như đại dương và mọi thứ đều bắt nguồn từ bản tâm này – tất cả mọi suy nghĩ [của ta]. Đó là cách mà chúng ta có thể nhìn thấy bản tính chân thật của tâm – thông qua việc thôi bám chấp vào những khái niệm khởi hiện. Tảng nước đá bị tan chảy thông qua việc không bám chấp vào thực tại của bất cứ gì khởi hiện trong tâm.
Nếu chúng ta bám chấp vào thực tại của những gì khởi hiện trong tâm thức, tâm chúng ta lại đông đặc lại như là tảng nước đá; Nếu chúng ta không bám chấp thì tâm sẽ được giải thoát và tảng nước đá sẽ tan chảy. Bất cứ khi nào chúng ta từ bỏ đối đãi nhị nguyên giữa ta và người, chúng ta được giải thoát khỏi đau khổ; Nếu không có bám chấp vào bất kỳ điều gì khởi hiện, tâm sẽ luôn an trụ như không gian, và bản chất của tâm như không gian này chính từ nguyên sơ đã là Phật. Và vì vậy “Chẳng Phật A Di Đà nào khác [ngoài tâm không bám chấp ấy].” Khi chúng ta nhận ra được bản chất của tâm, chúng ta đã diện kiến tất cả chư Phật – diện kiến Pháp thân của tất cả chư Phật – và đó cũng là phật A Di Đà, và cũng chẳng phải ai khác ngoài tâm [nguyên sơ] của chúng ta. Vì thế kinh điển đã nói “Pháp thân của tỉnh giác nội tại là bất khả tư nghì.” Khi nhận ra và trực ngộ bản chất của tâm, chúng ta sẽ không còn tin vào tính hiện thực của những gì khởi hiện, và chúng ta sẽ nhận ra rằng “Ta đã bị nhầm lẫn do việc đi tin vào tính hiện thực của những suy nghĩ và cảm xúc ô nhiễm của ta.” Qua đó sự mê lầm sẽ giảm thiểu!
THIỀN ĐỊNH VỀ SỰ BẤT NHỊ GIỮA TA VÀ NGƯỜI
Chúng ta sẽ đọc phần này cùng nhau và thiền định trong chốc lát. Về thực hành thiền định mà chúng ta chuẩn bị làm, ở câu thứ hai tại chỗ này [trong nghi quỹ] có nói “Hãy nhìn vào chính tâm không bám chấp nhị nguyên!” Đây chính là điểm mà chúng ta sẽ suy ngẫm. Khi không bám chấp vào sự nhị nguyên chủ thể ‐ đối tượng, khi chúng ta nhìn thấy bản chất của tâm và ngơi nghỉ [an trụ] ở trong bản tâm đó, tất cả những bám chấp nhị nguyên sẽ tự nhiên giảm thiểu. Chúng ta thiền định về điều này như thế nào? Có một cách dễ dàng để suy ngẫm về điều này, ví dụ có hai người bạn yêu thương nhau. Thông thường sẽ có suy nghĩ đây là “tôi” và kia là “anh”, Nhưng khi chúng ta suy ngẫm sâu xa hơn về sự thật của điều này, chúng ta sẽ thấy cái gọi là “tôi” và “anh” chỉ là cơ thể; chúng ta hiện hữu dưới hình thức hai cơ thể, nhưng cơ thể này rồi sẽ bị tiêu hủy khi chúng ta chết. Cơ thể này khi đó sẽ bị thiêu hoặc bị thủy tang, cơ thể này không phải là “tôi”; cơ thể thì vô thường, nó là sự kết hợp của các nguyên tố, và vì vậy chúng ta không thể tìm thấy “tôi” trong cơ thể mình.
Chúng ta cũng có thể nói “tôi” chính là tâm thức, nhưng hãy thử nhìn vào tâm mình và cố tìm “tôi” trong đó; Khi nhìn sâu vào trong tâm mình, chúng ta không tìm thấy “tôi” ở đâu cả, nhưng trong đó có tình yêu thương dành cho người bạn của mình. Và vì vậy, có một cảm xúc khác thường xuất hiện, chúng ta sẽ nghĩ: khi tâm nhìn ngắm tâm và nhìn vào tình yêu thương đã có ở đó một cách tự nhiên, mặc dù không nhìn thấy nó bằng mắt nhưng chúng ta cảm nhận có một tình yêu thương tràn ngập. Nó giống như là không gian, nhưng chúng ta không cầm nắm được, và không lấy ra được. Nó không có hình dạng! Khi nhìn vào cảm nhận về tình yêu thương ta dành cho người bạn, thì tình yêu thương trong ta và tình yêu thương trong người bạn là như nhau, và vì vậy, chúng ta thực sự không phải là hai, chúng ta không tách biệt. Ta yêu thương người bạn, và người bạn cũng yêu thương ta, tình yêu thương đó giống nhau. Cơ thể của chúng ta có thể bị hủy hoại, nhưng mà chỉ có một [bản] tâm. Tâm của chúng ta [về bản chất] là một, giống như chỉ có một thứ gọi là nước ở trên thế giới này. Khi chúng ta hiểu được điều này, chúng ta sẽ hiểu sự bất nhị chủ thể ‐ đối tượng giữa ta ‐ người. Và đó là cách chúng ta nên thiền định: nghĩ về hai người, và nhận ra rằng chúng ta thật sự chính là một. Mặc dù cơ thể hiển lộ như là hai, tâm của chúng ta thực chất chỉ là một. Nếu chúng ta thiền định bằng cách này, chúng ta có thể hiểu được bản chất chân thật của mình.