NGÀY 02
Phần 1
QUÁN TƯỞNG BỔN TÔN (QUÁN TƯỞNG VỊ [HỘ] PHẬT)
Trong khi quán tưởng đức Quán Thế Âm (Chenrezig), chúng ta hình dung chính mình là Ngài, đứng ở góc độ tối hậu thì đức Quán Thế Âm thật sự không phải người nam, cũng không phải người nữ; Đứng về góc độ thế tục, một số người cảm thấy khó có thể quán tưởng họ trong hình tướng nữ nếu họ là người nam, và ngược lại. Sẽ dễ hơn cho những người này nếu họ quán tưởng mình trong sắc tướng của vị bổn tôn [Hộ] Phật cùng giới với họ, vì vậy đối với những hành giả ban đầu, những người nữ có thể quán tưởng họ là đức Quan Âm (Tara), và người nam có thể quán tưởng họ là đức Quán Thế Âm (Chenrezig). Nhưng cả đức Quan Âm và Quán Thế Âm đều là những hiện thân khởi hiện ra từ Phật A Di Đà – từ tay phải của Phật A Di Đà, vô vàn các hiện thân Quan Thế Âm xuất hiện, và từ tay trái của Phật A Di Đà, vô vàn các hiện thân Quan Âm xuất hiện. Trong bối cảnh này, chúng ta có thể nghĩ rằng mình chính là Quán Thế Âm (Chenrezig) khi trì tụng minh chú của Phật A Di Đà.
NHỮNG ĐIỀU QUAN TRỌNG CẦN CHÚ Ý KHI QUÁN TƯỞNG VỊ BỔN TÔN [HỘ] PHẬT VÀ TRÌ TỤNG CÂU MINH CHÚ
Điều quan trọng nhất khi trì tụng câu minh chú và quán tưởng vị bổn tôn [Hộ] Phật là ở đoạn này trong trang 27 của nghi quỹ “Tâm nguyện từ bi về Thân, Khẩu, Ý của Phật A Di Đà được thỉnh cầu.” Mặc dù có vô vàn các vị [Hộ] Phật với các minh chú khác nhau mà chúng ta có thể trì tụng, tâm nguyện đại bi của thân, khẩu, ý của tất cả các vị [Hộ] Phật đều giống nhau, đó là kết nguyện về tình yêu thương.
Đầu tiên, các vị [Hộ] Phật trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm, kết nguyện về Bồ Đề Tâm; ước nguyện và cam kết sẽ mang lại lợi lạc cho chúng sinh. Với kết nguyện đó, họ quy y Tam Bảo, và dấn thân trên con đường Đạo, rồi cuối cùng đạt được Giác Ngộ. Như trong 37 Pháp Hành Bồ Tát Đạo có nói “Phật quả viên mãn đến từ tâm vị tha.” Tâm nguyện – kết nguyện về lòng từ bi – là cam kết mà chư Phật đã phát khởi, [các ngài nguyện] sẽ hoạt động vì mục đích mang lại lợi lạc cho tất cả chúng sinh và từ bỏ lợi ích riêng. Chính từ tâm nguyện này, chư Phật đã đạt được Giác Ngộ! Vì vậy, đó là kết nguyện chư Phật đã phát khởi và chúng ta thỉnh cầu kết nguyện này.
Khi chúng ta quán tưởng vị [Hộ] Phật và trì tụng câu minh chú, chúng ta thỉnh gọi kết nguyện của vị [Hộ] Phật. Chư Phật giống như người mẹ hiền luôn dành tình yêu thương cho đứa con của mình, chư Phật cũng yêu thương chúng ta như mẹ hiền yêu thương con dại. Ví dụ, nếu người mẹ có đứa con và đứa con đó đang ở xa, người mẹ lo lắng con mình có thể bị ốm và gọi điện thoại cho con. Bà mẹ cố làm mọi cách để giúp con, như gửi tiền cho con, ... Bà chấp nhận bất kỳ gian khổ nào, cũng tương tự như vậy, chư Phật yêu thương chúng ta như mẹ thương con. Vì vậy, khi chúng ta hiểu được điều này và khẩn cầu đến các vị [Hộ] Phật, chúng ta sẽ nhận được sự gia trì to lớn. Nếu chúng ta không hiểu được điều này, mặc dù chư Phật luôn yêu thương chúng ta, thì tạm thời cũng không thể giúp chúng ta được; Cũng giống như một đứa bé ngậm miệng lại – dù mẹ đứa bé có muốn cho nó ăn thì cũng không thể làm được. Điều này đặc biệt, muốn đề cập đến những người thiếu tín tâm, những người có quan niệm sai lệch, tri kiến sai lầm hoặc thiên lệch. Vì thiếu tín tâm, tạm thời họ không nhận được gia trì của vị [Hộ] Phật, khi chúng ta hiểu được điều này, chúng ta sẽ hiểu những điểm quan trọng và hiểu sự gia trì nhận được khi quán tưởng vị [Hộ] Phật và trì tụng minh chú.
Phần 2
THẤT CHI NGUYỆN (LỜI NGUYỆN CÚNG DƯỜNG BẢY NHÁNH)
Chúng ta đã quán tưởng toàn bộ không gian trước mặt là Đức Phật A Di Đà và đoàn tùy tùng – đến từ Pháp thân và tràn đầy khắp không gian. Các vị [Hộ] Phật cũng xuất hiện như cầu vồng hoặc như rất nhiều đám mây trong không gian, giống như sự phản chiếu tự nhiên và giống hào quang của tình yêu thương và lòng bi mẫn vĩ đại. Sau khi đã phát khởi quán tưởng này, chúng ta tiếp tục tích lũy công đức và tịnh hóa che chướng. Nguyên nhân duy nhất của hạnh phúc tạm thời và tối hậu là sự tử tế, tình yêu thương, lòng bi mẫn, và đó chính là công đức chúng ta cần phải tích lũy. Theo truyền thống Kinh điến, công đức được tích lũy thông qua việc thực hành Sáu Ba La Mật với tâm yêu thương và bi mẫn trong từng hành động mà chúng ta tiến hành. Trong truyền thống Mật điển, khi chúng ta cúng dường lên các cõi cao hơn, chúng ta cúng dường “Thất Chi Nguyện” để tích lũy công đức. Cả sáu Ba La Mật và “Thất Chi Nguyện” đều giúp vượt qua được các cảm xúc ô nhiễm; những thực hành này chính là phương pháp đối trị với sáu cảm xúc ô nhiễm.
Đầu tiên chúng ta nói: “Với lòng chí thành, con xin đảnh lễ tất cả chư Phật và chư Bồ tát mười phương và ba thời!”. Chúng ta nói về vũ trụ vô tận vô biên với mười hướng, có bốn hướng chính, bốn hướng trung gian, và hai hướng trên, dưới, thậm chí một hạt bụi nhỏ cũng có mười hướng như thế, và có chư Phật của ba thời. Trong kinh sách có nói ba thân của chư Phật trong ba thời tràn đầy vũ trụ vô biên. Những công hạnh giác ngộ của chư Phật thì tràn khắp, những công hạnh này lan tỏa cả vào các nguyên tố, và do đó chúng ta cũng nói rằng bốn hay năm nguyên tố cũng thuộc dạng hóa thân. Các chư Phật tràn đầy tất cả vũ trụ và hoạt động với mục đích vì chúng sinh. Chư Phật của ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai – hiện thân của tất cả các chư Phật – là đức Phật A Di Đà. Nếu chúng ta khẩn nguyện tới một đức Phật, thì đức Phật mà chúng ta khẩn nguyện đó cũng đồng đẳng và trọn vẹn như tất cả chư Phật mười phương ba thời. Tâm giác ngộ của một Đức Phật và tâm giác ngộ của các chư Phật trong ba thời là bất nhị, và Đức Phật A Di Đà là hiện thân của tất cả chư Phật.
Thất Chi Nguyện là phương pháp đối trị cảm xúc ô nhiễm
Đầu tiên trong Thất Chi Nguyện là lễ lạy hay đảnh lễ, đó chính là đối trị cho lòng kiêu mạn. Thứ hai là cúng dường, đó là phương thuốc đối trị dính mắc và tham lam; thứ ba là sám hối những hạt giống bất thiện và những việc làm hay khuynh hướng bất thiện, đó chính là đối trị chính cho thù ghét và sân hận. Những giận dữ và cảm xúc ô nhiễm khởi lên một cách không cố ý; khi chúng khởi lên và chúng ta nhận ra chúng, giận dữ và cảm xúc ô nhiễm có thể được sám hối nếu chúng ta áp dụng phương pháp sám hối. Thứ tư – tùy hỉ – để đối trị cho đố kị, và chi nguyện thứ tư này rất quan trọng vì thường thì đố kị luôn hiện hữu chỉ có ta không nhận ra chúng, và chính đố kị là nguyên nhân làm cạn kiệt công đức của chúng ta. Vì vậy đối trị với đố kị là tùy hỉ. Đối trị cho mê lầm là khẩn nguyện chư Phật chuyển Pháp luân và thứ sáu – khẩn nguyện chư Phật trụ thế ‐ là phương thuốc đối trị với nghi ngờ. Thỉnh thoảng một số người nghi ngờ rằng không biết chư Phật và Tam Bảo là thường còn hay vô thường, và chư Phật cùng Tam Bảo có sẽ ở lại hay không. Để xua tan đi nghi ngờ, chúng ta khẩn nguyện chư Phật đừng nhập Niết Bàn. Chi nguyện thứ bảy là hồi hướng, đó chính là đối trị cho chấp ngã.
Chi nguyện thứ nhất – Đảnh lễ
Nhánh đầu tiên là lễ lạy hay đảnh lễ bằng cả thân, khẩu, ý. Đó không chỉ là việc dùng thân vật lý thực sự lạy xuống mới hoàn thành thiện hạnh này, mà đó là bất cứ những gì chúng ta làm bằng thân để mang lại lợi lạc và hạnh phúc cho chúng sinh. Ví dụ khi chúng ta chăm sóc người ốm, hay khi chúng ta tham gia khóa tu – bất kỳ một thiện hạnh nào chúng ta làm với thân đều trở thành lễ lạy. Thiện hạnh của ngữ trở thành lễ lạy của ngữ và nó bao gồm việc trì tụng – ví dụ khi chúng ta trì tụng minh chú Mani hay tụng những bài cầu nguyện và tán thán khác, đó là lễ lạy của khẩu. Lễ lạy với tâm là quan trọng nhất! Khi chúng ta lễ lạy – theo truyền thống chúng ta lễ lạy một trăm ngàn lần – thì điều quan trọng nhất là tâm, và tâm cần phải trưởng dưỡng ba loại tín tâm: tín tâm sáng rõ [với Tam Bảo], tín tâm tha thiết [mong cầu giải thoát], và tín tâm dựa trên niềm tin [vào nhân quả].
Chúng ta cần hiểu phẩm tính của nơi quy y đáng tin cậy – đó là Tam Bảo. Phẩm tính của Tam Bảo là chứa đựng trí huệ và biết nghiệp báo cũng như sự vận hành nghiệp của tất cả các chúng sinh. Thứ hai, Tam Bảo chứa đựng tình yêu thương và lòng bi mẫn cho tất cả chúng sinh. Và Tam Bảo có sức mạnh – đó là sức mạnh bảo vệ nếu chúng ta biết cách tìm sự nương tựa từ Tam Bảo. Nếu chúng ta quy y Tam Bảo, chúng ta sẽ tạm thời đạt được phẩm hạnh của các cõi cao và tối hậu chúng ta sẽ đạt được Giác Ngộ. Nhớ đến phẩm tính của Tam Bảo là lễ lạy bằng tâm. Ví dụ khi chúng ta nhìn thấy hình ảnh của đức Phật trong thangka, chúng ta có thể nghĩ “Đây thật sự là Đức Phật,” và tín tâm khởi lên. Lợi lạc của điều đó là không thể nghĩ bàn!
Khi nghĩ đến phẩm tính của đức Phật một trăm lần, chúng ta sẽ nhận được một trăm lợi lạc, vì vậy lễ lạy bằng tâm là quan trọng nhất, và lễ lạy bằng tâm cũng bao hàm cả sự tín tâm và tin tưởng vào nhân quả.
Chi nguyện thứ hai: Cúng dường
Thứ hai là cúng dường, và đó là liều thuốc đối trị với tham lam và dính mắc vào sự vui thích những thú vui của năm giác quan. Ví dụ khi chúng ta ăn, chúng ta khởi bám chấp trong tâm và nghĩ rằng thức ăn ngon hoặc không ngon, tốt hoặc không tốt, … và tùy thuộc vào quan niệm của bản thân, chúng ta dính mắc vào cái mà ta cho là dễ chịu, và ác cảm cái mà chúng ta cho là không dễ chịu. Những suy nghĩ đối đãi phân biệt này sẽ để lại dấu ấn trong tâm và sẽ chín muồi trong tương lai, vì vậy lấy ví dụ khi chúng ta ăn, chúng ta nên luôn nhớ đến việc cúng dường Tam Bảo. Thông qua sức mạnh gia trì của Tam Bảo, sự dính mắc bám chấp vào thức ăn sẽ được gột rửa vì một nửa tâm của chúng ta đã hướng về Tam Bảo và quên đi sự dính mắc vào thức ăn. Vì thế lỗi lầm của việc dính mắc sẽ giảm đi!
Hai hình thức cúng dường
Thường có hai hình thức cúng dường chúng ta tiến hành: cúng dường thông qua sự quán tưởng, và cúng dường bằng những thứ mà chúng ta thật sự sắp bày. Những thứ chúng ta thực sự sắp xếp để làm lễ cúng dường là những thứ chúng ta sở hữu, tuy nhiên cái thực sự quan trọng là cúng dường trong tâm. Chúng ta cúng dường các cõi tịnh độ vô biên, có vô số các cõi tịnh độ và các vũ trụ vô biên, và chúng ta cúng dường bất kỳ cái gì có thể quán tưởng trong tâm, những thứ làm vui thỏa, và những thứ chúng ta không sở hữu ở thế giới này đều được dâng lên tất cả những cõi tịnh độ đó. Và quan trọng nhất là chúng ta cũng dâng lên cúng dường sự chấp ngã của bản thân, chính nguyên nhân làm chúng ta lang thang trong luân hồi. Giống như khi cúng dường mandala , chúng ta cũng cúng dường sự chấp ngã, nếu chúng ta lặp đi lặp lại cúng dường bằng cách này, sự bám chấp sẽ dần giảm thiểu. Ví dụ nếu chúng ta có một biểu tượng gì đó hay có một vật quý báu biểu trưng cho thân, khẩu, ý đức Phật ở trong nhà, hoặc chúng ta cũng nên nghĩ rằng tất cả những gì là của mình – chồng, vợ, con cái, tất cả mọi thứ trong nhà – đều thuộc về Tam Bảo. Chúng ta liên tục lặp lại việc cúng dường, và bằng cách này sự bám chấp sẽ giảm thiểu và sẽ không còn là lỗi lầm khi chúng ta thọ hưởng những gì ta sở hữu.
Cúng dường là liều thuốc đối trị cho tham ái, dính mắc, và tham lam. Chúng ta cũng có thể tập hợp tất cả những gì tồn tại trên thế giới này bằng cách quán tưởng trong tâm. Chúng ta cũng có thể quán tưởng rằng trong không gian tỏa ra vô lượng các vị thiên nam và thiên nữ mang đủ loại phẩm vật cúng dường lên các cõi tịnh độ. Trên các cõi tịnh độ, các vị [Hộ] Phật sẽ nhận được những phẩm vật cúng dường này thông qua sức mạnh của Bồ Đề Tâm hoặc như chúng ta đã đề cập hôm qua, thông qua ba sức mạnh. Nếu cúng dường bằng cách này, chúng ta sẽ tạm thời thoát khỏi sự bám chấp và thông qua các đời vị lai, chúng ta có thể đạt được tới Giác Ngộ. Và chúng ta cũng sẽ luôn được trải nghiệm “quả” mà tương ứng với “nhân” cho đến tận khi đạt được Giác Ngộ, chúng ta sẽ luôn có được sự dồi dào và thịnh vượng. Ở trong nghi quỹ này đã giải thích tương đối rõ ràng, trong một số tài liệu khác có thể diễn giải chi tiết hơn.
Chi nguyện thứ ba: Sám hối
Lời nguyện tiếp theo là sám hối những nhân bất thiện, ở đây có nói “tất cả những nhân bất thiện mà con đã phạm phải từ vô thủy vô chung cho đến nay.” Cái mà chúng ta đã thực sự tích lũy từ vô thủy vô chung cho tới nay chính là sự chấp ngã. Chúng ta gọi là vô thủy vô chung bởi vì thậm chí chư Phật cũng không thể đưa ra đo lường về thời gian; không có lúc bắt đầu và chẳng thể đo lường được. Ví dụ khi nói rằng nếu nhìn thấy “Mật chú Giải thoát qua sự Thấy”, chúng ta sẽ được tịnh hóa che chướng trong ba trăm triệu đại kiếp. Tuy nhiên có người đã rất ngạc nhiên và nói rằng “Có rất nhiều đại kiếp của sự bất thiện đã được tịnh hóa và nếu như vậy con chỉ cần nhìn thấy “Mật chú Giải thoát qua sự Thấy” này vài lần là con có thể được Giác Ngộ!” Nhưng thực chất là với góc nhìn của chư Phật, ba trăm đại kiếp thì chỉ như là một đoạn tóc rất mỏng trên đầu của một người. Thực tế là ngần đó thời gian cũng chưa thấm vào đâu cả. Chính vì thế chúng ta nói là vô thủy vô chung từ khi chúng ta tích lũy những tập khí và những dấu ấn trong dòng tâm thức.
Mặc dù có Phật tính nhưng chúng ta lại không nhận ra được Phật tính của mình, chúng ta lại để cho chấp ngã xuất hiện. Nếu khi có chấp ngã thì luôn luôn một cách rất tự nhiên, chúng ta sẽ tham gia vào mười hoạt động bất thiện và năm trọng tội một cách không ngừng nghỉ .Tất cả những che chướng và bất thiện nghiệp đến từ đâu? Chúng không đến từ đâu cả ngoài tâm chấp ngã. Chính từ tâm chấp ngã, chúng ta liên tục để khởi hiện sáu cảm xúc ô nhiễm, và bị sai khiến bởi chính những cảm xúc ô nhiễm đó, chúng ta liên tục tham gia vào các hoạt động tích lũy nhân bất thiện. Chính những cảm xúc tiêu cực đã là nguyên nhân khiến chúng ta lang thang không ngừng nghỉ trong sáu nẻo luân hồi. Nó cũng giống như cái bánh xe liên tục quay; và vì vậy chúng ta không giải thoát khỏi luân hồi. Chúng ta chỉ giải thoát được khi sự chấp ngã chấm dứt!
Bằng cách nào những cảm xúc ô nhiễm được tịnh hóa thông qua sám hối
Trong tiếng Tạng, nhân bất thiện thật sự có ý nghĩa là cái gì đó đánh vào mình, đó là cái gì khi đã phạm phải thì nó sẽ quay lại đánh chính mình. Ví dụ, khi ta ném một hòn đá vào không gian hay bầu trời, nó sẽ rơi lại vào đầu chính ta, chúng ta ném nó lên và rồi nó lại rơi trở lại. Đây chính là thực nghĩa từ “những nhân bất thiện”. Tuy nhiên, mặc dù đã phạm phải những hành động bất thiện, nếu chúng ta cảm thấy hối tiếc và ăn năn, chúng ta có thể thực sự tịnh hóa chúng. Vì vậy bất cứ khi nào cảm xúc ô nhiễm xuất hiện, nếu chúng ta sám hối với sự tỉnh giác phân biệt và chánh niệm, chúng ta có thể sám hối một cách dễ dàng. Khi chúng ta nghĩ rằng một thứ gì đó là không tốt, là nhân bất thiện, và hối tiếc ăn năn, chúng ta đang tịnh hóa thông qua việc sám hối. Chính vì điều này, đức Phật đã chỉ bày phương pháp để sám hối.
Điều quan trọng nhất khi chúng ta sám hối là phải có được sự ăn năn đầu tiên, sau đó chúng ta áp dụng biện pháp đối trị, và cam kết không lặp lại hành động đó nữa. Đầu tiên, mặc dù chúng ta đều có Phật tính, chúng ta lại trải nghiệm rất nhiều loại đau khổ, chúng ta cần phải hiểu được rằng tất cả những đau khổ mà chúng ta phải chịu là kết quả của chính những cảm xúc ô nhiễm của mình. Từ chấp ngã xuất hiện các cảm xúc ô nhiễm, và từ các cảm xúc ô nhiễm khiến chúng ta tham gia vào các hoạt động và tích lũy nghiệp. Mặc dù chúng ta không thể sám hối từng sự đau khổ mà chúng ta phải chịu, chúng ta cần hiểu rằng chúng đến từ các cảm xúc ô nhiễm của chính bản thân. Cái mà chúng ta phải nhổ rễ, đó là cảm xúc ô nhiễm chứ không phải là sự trổ quả đau khổ.
Ví dụ trên thế giới này có nhiều quốc gia mà nơi đó liên tục có đánh nhau và bất hòa. Nguyên nhân gốc rễ của điều đó là gì? Đó chính là cảm xúc ô nhiễm, cụ thể là đố kị và thù hận. Đầu tiên, với kết quả của những hành động kể trên, một người có thể phải chịu đựng quả khổ khi đã hoàn toàn chín muồi trong các cõi thấp. Sau đó, vì quả luôn tương ứng với nhân, nếu được sinh ra làm người, người đó lại trải qua những sự đau khổ tương tự như sống trong đất nước có chiến tranh. Chúng ta cần phải hiểu rằng tất cả những đau khổ đó được tạo ra từ thù hận và đố kị, và sau đó hãy nhìn vào chính tâm thức mình và tự hỏi “Ta có những cảm xúc ô nhiễm như vậy không?” Nếu thấy rằng mình có những cảm xúc ô nhiễm như đố kị, sân hận, v.v... thì chúng sẽ chín muồi trong tương lai. Nhìn thấy những cảm xúc ô nhiễm này trong giòng tâm thức, chúng ta nên cảm thấy hối tiếc và ăn năn là chúng có ở trong mình. Thông qua đó, sân hận và đố kị sẽ dần biến mất. Sau đó, chúng ta lập cam kết không lặp lại và không tham gia vào những hành động bị sai khiến bởi sân hận và đố kị. Bằng cách này, chúng ta sẽ có thể ngăn chặn được việc tích lũy thêm nghiệp trong tương lai. Trong tất cả các cảm xúc ô nhiễm thì sân hận và đố kị là tồi tệ nhất, vì vậy chúng ta cần phải áp dụng biện phám đối trị là sám hối này.
Chi nguyện thứ tư: Tùy hỉ
Chi nguyện thứ tư là tùy hỉ với tất cả công đức và đức hạnh đã tích lũy trong ba thời. Ở nghi quỹ này có ghi “của chư Thanh văn, Độc giác, Bồ tát, phàm phu và các bậc tương tự, ...” Trong nghi quỹ đã nói rõ ràng, tuy nhiên cái gọi là đức hạnh – đức hạnh mà chúng ta tùy hỉ ‐ đó chính là động lực khi chúng ta nghĩ “Cầu xin cho tất cả chúng sinh được lợi lạc và hạnh phúc.” Nếu chúng ta có động cơ này thì tất cả những hành động chúng ta làm với thân và khẩu sẽ trở nên đức hạnh. Hiện nay chúng ta đang có công đức được sinh ra làm thân người quý hiếm ở trên thế giới này, và chúng ta cũng gặp được giáo Pháp của Đức Phật. Đó là công đức lớn lao đến từ việc chúng ta đã trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn. Khi có tình yêu thương và lòng bi mẫn, bất kỳ thứ gì chúng ta làm với thân, khẩu và ý đều trở thành đức hạnh.
Chúng ta tùy hỉ với bất kỳ hành động thiện hạnh nào của người khác; ví dụ khi ta tham gia vào khóa tu như thế này, cả thế giới cũng cùng đang tham dự vào khóa tu, và bất cứ ai tùy hỉ với khóa tu cũng thu được lợi lạc tương đương. Thậm chí với một người chỉ trì tụng một chuỗi minh chú hay một ngàn câu minh chú, nếu người đó tùy hỉ công đức, thì với bao nhiêu triệu câu minh chú được tích lũy ở cả khóa tu, mọi người đều có được lợi ích như nhau. Đây chính là lời giảng chân thực từ Đức Phật!
Chúng ta tùy hỉ với các hạt giống thiện hạnh của người khác và cũng tùy hỉ với hạnh phúc của tất cả các chúng sinh. Ví dụ nếu có hai người bạn hòa hợp với nhau, chúng ta nên nghĩ “Thật là tốt đẹp làm sao khi hai người bạn kia hòa hợp. Nguyện cho tất cả chúng sinh được hòa hợp.” Khi tùy hỉ với điều này, chúng ta cũng sẽ có được lợi lạc tương tự, tùy hỉ chính là biện pháp đối trị với đố kị. Ví dụ một người đố kị sẽ cảm thấy không thoải mái và khổ sở khi thấy người khác được hạnh phúc; khi một ai khác được thành công thì đó lại là bất hạnh của người đó; Mặt khác những người đố kị lại hạnh phúc khi thấy người khác thất bại; sự khổ sở của người khác lại là niềm vui của họ. Và kết quả là những người đó sẽ phải chịu những bất hạnh tương đương, ví dụ một người đố kị sẽ cảm thấy ghen tị khi nhìn thấy người khác hòa hợp và kết quả là người đó kiếp vị lai có thể sinh trong những nơi có nhiều khó khăn, đau khổ, chiến tranh, v.v... Mặc dù chúng ta được sinh ra trong các cõi cao, tất cả những khó khăn này cũng đến từ những hành động đố kị. Vì vậy biện pháp đối trị là tùy hỉ với công đức, đức hạnh, hạnh phúc và sự hòa hợp của người khác, nếu tùy hỉ với điều đó, chúng ta sẽ đạt được những lợi ích và công đức tương tự. Ví dụ vào ngày xưa khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, một lần có vị vua của một nước trong ngày đặc biệt vào giờ ngọ đã làm lễ cúng dường cho năm trăm vị A‐la‐hán đang ở đó. Đúng lúc đó có một bà lão ăn mày nghèo đã tùy hỉ với đức hạnh của nhà vua. Đức Phật đã nói rằng bà lão ăn mày đã có được công đức thậm chí còn nhiều hơn cả nhà vua bởi do chính sự tùy hỉ ở nơi bà. Vì vậy nếu tùy hỉ với hạnh phúc của người khác, chúng ta sẽ cũng được công đức tương đương; nhưng ngược lại nếu lại đi vui sướng trước khổ đau của người khác thì chúng ta cũng sẽ chịu khổ đau tương đương. Điểm này là rất quan trọng!
Chi nguyện thứ năm: Thỉnh cầu
Nguyện tiếp theo là thỉnh cầu chư Phật chuyển pháp luân và điều này đã được nói rõ trong nghi quỹ này. Tóm tắt lại, tuy rằng tất cả chúng sinh có Phật tính, chỉ khi họ quy y Tam Bảo và dấn bước vào con đường của một trong ba cỗ xe thì tảng nước đá đóng băng trong tâm thức họ mới tan chảy. Tảng nước đá đó không tự tan, để nó tan, tất cả chúng sinh phải thực hành những chỉ dẫn của Pháp quý báu và đó là trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn. Nếu chúng ta khẩn nguyện thì chư Phật luôn luôn chuyển bánh xe Pháp luân, và ngoài ra, với kết quả công đức của việc khẩn nguyện, chúng ta sẽ được sinh ra trong đoàn tùy tùng và tăng đoàn của chư Phật, và là đệ tử xuất sắc của Đức Phật. Và chúng ta cũng sẽ có được công đức để đạt được giải thoát nhanh chóng, vì vậy thỉnh cầu Pháp cũng là một phương pháp để đạt được Giác Ngộ nhanh chóng.
Chi nguyện thứ sáu: Thỉnh cầu Đức Phật trụ thế
Đây là thỉnh cầu Đức Phật không nhập niết bàn, và đó là phương pháp đối trị với nghi ngờ. Một số người nghi ngờ rằng không biết chư Phật có hiện hữu ở đây không, hay không biết chư Phật có hiện hữu ở kia không, và nếu họ tin rằng chư Phật ở kia thì [họ nghĩ] chư Phật rồi vẫn cứ biến mất vào cõi niết bàn. Một số chúng sinh có những nghi ngờ như vậy và để giúp xua tan đi những nghi ngờ đó, chúng ta khẩn nguyện chư Phật đừng nhập niết bàn. Khi chư Phật đã đạt được quả vị Kim CangTrì – là quả vị cao quý của pháp thân – thì chính từ pháp thân đó, liên tục các báo thân và hóa thân Phật sẽ hóa hiện chừng nào luân hồi còn tồn tại. Các hóa thân và báo thân Phật sẽ liên tục hóa hiện cho đến khi nào luân hồi tuyệt dứt; chừng nào luân hồi còn chưa chấm dứt thì các hóa thân của chư Phật và các cõi tịnh độ vẫn sẽ còn hiện hữu. Nếu chúng ta trưởng dưỡng tín tâm vào điều này và khẩn nguyện chư Phật, chúng ta sẽ có công đức được lên các cõi tịnh độ chính là các cõi Phật trong tương lai. Chi nguyện này chính là phương thuốc đối trị với nghi ngờ, và tóm tắt lại thì đó chính là trưởng dưỡng sự tin tưởng và tín tâm vững chãi trong tâm thức.
Chi nguyện thứ bảy: Hồi hướng
Chi nguyện cuối cùng là hồi hướng, ở trong nghi quỹ có ghi “Nguyện cho mọi công đức mà con đã tích lũy được”, công đức đến từ việc trưởng dưỡng tâm vị tha. Nếu trưởng dưỡng lòng bi mẫn cho dù chỉ là một khoảnh khắc đối với một chúng sinh đáng thương thì chúng ta cũng sẽ tích lũy được công đức to lớn. Hoặc là trong một lúc, với khẩu chúng ta trì tụng Minh chú hay bằng ý chúng ta trưởng dưỡng tín tâm với Tam Bảo, và ta lại cùng lúc trưởng dưỡng lòng từ bi với chúng sinh – thậm chí chỉ trong chốc lát – thì công đức mà chúng ta có được sẽ là vô lượng và những gì mà ta làm sẽ trở nên rộng khắp. Ví dụ nếu cho một con vật như là con chim nhỏ thức ăn, hay thực hiện bất kỳ hành động thiện hạnh hay đạo đức nào, … chúng ta cũng nên nghĩ rằng ta làm những việc này là để cho tất cả các chúng sinh đều được giác ngộ: “và vì lợi ích của tất cả chúng sinh, xin cho con cũng đạt được Giác Ngộ”. “Giác Ngộ” ở đây trong tiếng Tạng có nghĩa là “Chang Chub”, “Chang” có nghĩa là tịnh hóa và cái cần tịnh hóa chính là tâm chấp ngã. “Chub” có nghĩa là đạt được và cái cần đạt được là tâm vị tha với tấm lòng tử tế yêu thương và sự bi mẫn. Với bất kỳ hành động nào chúng ta tiến hành bằng thân và khẩu, chúng ta nên trưởng dưỡng tâm vị tha mong muốn làm lợi lạc tất cả chúng sinh.
QUÁN TƯỞNG KHI TỤNG MINH CHÚ
Ở đoạn đầu của nghi quỹ có ghi “Trong tim con, với hình tướng Quan Âm ”, v.v... như chúng ta đã nhắc đến hôm qua, khi chúng ta thực hành một vị [Hộ] Phật thì chúng ta không coi mình như những người thế tục, bởi vì tất cả các chúng sinh đều mang Phật tính. Vì vậy, tất cả các chúng sinh thật sự là các hóa than, và điều này cũng giải thích cho việc chúng ta nói hôm qua – người nam có thể được coi là Quán Thế Âm (Chenrezig) và người nữ có thể được xem là đức Quan Âm (Tara) bởi vì các uẩn, các giác quan, và các đại đều có nền tảng thanh tịnh về mặt bản chất. Tâm của chư Phật như đại dương, còn tâm của chúng sinh thì như những tảng băng. Nhưng nếu chúng ta kết nối với tình yêu thương và lòng bi mẫn của chư Phật, tảng băng của tâm ta sẽ dần tan chảy. Nó giúp chúng ta hiểu được mối quan hệ giữa vị [Hộ] Phật mà chúng ta đang thực hành và bản thân chúng ta ‐ những hành giả đang thực hành vị [Hộ] Phật đó – mối quan hệ giữa vị [Hộ] Phật và người thế tục.
Ý NGHĨA CỦA CHỦNG TỰ GỐC HRI
Cho dù chúng ta đang quán tưởng về vị [Hộ] Phật nào, khi chúng ta quán tưởng mình như những vị [Hộ] Phật thì chúng ta cũng nên xem thân tướng của mình như những cái bình pha lê trống rỗng hay như là cầu vồng xuất hiện trên bầu trời – xuất hiện rõ ràng nhưng không có bản ngã. Ở trong nghi quỹ có ghi “Trên đĩa mặt trăng là chữ HRI, được bao bọc bởi sáu chủng tự minh chú” Tại chính vị trí trái tim, chúng ta quán trưởng đĩa mặt trăng, đĩa mặt trăng tượng trưng cho Bồ Đề Tâm tương đối, chính là sự tử tế yêu thương và lòng bi mẫn. Phía trên đĩa mặt trăng là chủng tự HRI, và HRI tượng trưng cho chân lý tối hậu; là Phật tính của chúng ta, sự kết hợp giữa tính Không và lòng từ bi. Cụ thể chủng tự HRI mang bản chất và mang hào quang của lòng từ bi. Có nhiều cách để chúng ta phát âm chủng tự HRI; một người có thể nói cách phát âm này là đúng hay là không đúng. Tất nhiên sẽ là rất tốt nếu chúng ta phát âm chuẩn nhưng việc phát âm không phải là vấn đề quan trọng nhất. Cái thực sự quan trọng nhất là tâm thức của chúng ta. Nếu tâm ta nghĩ rằng “Cầu cho tất cả các chúng sinh có lợi lạc từ việc này” – nếu ta có động lực đó, thì dù cho câu minh chú không được phát âm một cách hoàn toàn rõ ràng hoặc chuẩn xác thì cũng không sao cả. Về mặt ngôn ngữ thì có nhiều kiểu phát âm khác nhau, giống như một người nói tiếng Anh và một người nói tiếng Trung Quốc thì không cùng phát âm một kiểu như nhau, điều quan trọng hơn là cái gì được phát khởi trong tâm ta, chứ không phải là phát âm cho chuẩn. Chúng ta sẽ phát âm tốt nhất trong khả năng có thể làm, nhưng cũng không phải là sai trái nếu chúng ta phát âm không chuẩn xác hoàn toàn.
QUÁN TƯỞNG NHỮNG TIA SÁNG PHÁT RA TỪ CÂU MINH CHÚ
Sau đó trong nghi quỹ có nói rằng từ chuỗi minh chú sáu chủng tự OM MANI PADME HUNG, tỏa ra các ánh sáng trắng, chuỗi minh chú màu trắng và ánh sáng tỏa ra từ chuỗi minh chú này. Cách mà chuỗi minh chú phát tỏa ra ánh sáng cũng giống như, ví dụ, là cái kinh luân mà Thầy đang quay – với mỗi vòng quay thì ánh sáng tự thân của minh chú tỏa ra bên ngoài. Ánh sáng minh chú phát tỏa ra từ chuỗi vòng minh chú cũng tương tự như vậy. Chúng ta nói về ánh sáng chiếu ra, đó là chúng ta đang nói về khía cạnh tương đối, khía cạnh thế tục. Nói về khía cạnh tuyệt đối thì đó là sự tín tâm và tình yêu kính chúng ta dành cho vị [Hộ] Phật. Nếu chúng ta trưởng dưỡng tín tâm một cách nhất niệm vào Đức Phật A Di Đà thì Phật A Di Đà sẽ nghe thấy và cảm ứng. Cũng giống như thể chư Phật và các vị [Hộ] Phật là mẹ hiền và chúng ta là những đứa con của họ, khi đứa con đang chịu khổ ‐ ví dụ khi con bị ốm – người mẹ sẽ có một cảm giác rất mạnh mẽ và không thể dừng được là sẽ đi và giúp con mình một cách nhanh chóng nhất. Tâm trí thì cũng như ánh sáng hay dòng điện, vì vậy khi chúng ta sinh khởi phát tín tâm, dù chỉ trong chốc lát, thì chư Phật sẽ rất nhanh chóng cảm nhận được và sẽ đến để giúp chúng sinh bằng tình yêu thương của chư Phật.
Từ chuỗi minh chú ánh sáng trắng lan tỏa. Trong nghi quỹ ghi rằng “Từ đó phát ra ánh sáng và chuỗi minh chú màu trắng phóng ra khỏi tim con, rồi tan hòa trong tim Bổn tôn A Di Đà đang quán trước mặt. Tâm nguyện từ bi về Thân, Khẩu, Ý của Phật A Di Đà được thỉnh cầu.“ Từ pháp thân bao la hóa hiện những sắc tướng trong dạng báo thân giống như cầu vồng trên bầu trời, những sắc tướng trong dạng hóa thân xuất hiện trên thế giới này là để thuần hóa những tâm thức theo căn cơ và nhu cầu của họ.
Nghi quỹ ghi tiếp “Từ chuỗi minh chú bao quanh chữ HRI nơi tim Phật A Di Đà, một chuỗi minh chú bằng ánh sáng màu đỏ phóng ra từ miệng ngài”. Từ chuỗi mình chú – từ âm thanh câu minh chú – xuất hiện ánh sáng tỏa rọi. Đầu tiên vòng tròn minh chú xoanh xung quanh chủng tự HRI như là chiếc nhẫn ánh sáng, và sau đó thông qua sức mạnh từ lòng yêu thương của vị [Hộ] Phật và sức mạnh của lòng sùng mộ đến từ chúng ta, chuỗi minh chú xuất hiện giống như một chuỗi vòng vàng. Chuỗi minh chú dâng lên từ trái tim Phật A Di Đà và sau đó tuôn ra từ miệng Phật A Di Đà và đi vào miệng của chúng ta. Chuỗi minh chú đó rời chủng tự HRI phía trên – và nơi đó có một vòng tròn nhỏ và một chuỗi minh chú mới xuất hiện từ vòng tròn nhỏ này ở phía trên – chạy khỏi miệng đức A Di Đà, chạy vào miệng chúng ta, và sau đó chạy xuống Lục tự Đại minh Chân ngôn tại trái tim của chúng ta và tan ra ở đây.
Khi chúng ta tụng câu chú OM AMI DEWA HRI, hãy nghĩ rằng trong khoảnh khắc của việc tụng chú, tất cả các chúng sinh trong ba cõi được thấm tràn bởi [âm thanh và ánh sáng của] minh chú và tất cả các người nam trở thành đức Quán Thế Âm (Chenrezig) và tất cả các người nữ trở thành đức Quan Âm (Tara). Chúng ta có thể thực hành phần quán tưởng như được hướng dẫn này trong một lúc và sau đó, điều quan trọng nhất, là chúng ta nên thiền định. Thỉnh thoảng chúng ta nên nghĩ về đức Phật A Di Đà, và thỉnh thoảng lại nghĩ về lòng từ bi với hết thảy chúng sinh. Hãy nghĩ rằng chủng tự gốc và vòng tròn minh chú luôn luôn ở đó, tại vị trí trái tim của ta. Tập trung nhất điểm vào đó khi chúng ta thực hành thiền định!
Ở phần cuối của trang tiếp theo có ghi rằng “Ánh sáng nhiều màu sắc phát ra từ chuỗi minh chú đang xoay vòng, làm cho mười phương chư Phật và Bồ tát hoan hỷ, tịnh hóa ba loại vô minh của mọi chúng sinh trong ba cõi.” Khi chúng ta quán trưởng chuỗi minh chú theo cách này, việc đó trở thành vật phẩm cúng dường chư Phật, và cùng lúc, tịnh hóa che chướng của chúng sinh. Có rất nhiều các cõi tịnh độ vô biên, là trú xứ của các vị [Hộ] Phật, ánh sáng minh chú tỏa ra từ chuỗi minh chú đang được quán tưởng tràn khắp hàng triệu cõi tịnh độ và được cúng dường dâng lên đến các vị [Hộ] Phật. Hơn nữa cũng từ lòng từ bi đối với các chúng sinh, chuỗi minh chú và ánh sáng tỏa ra từ đó tịnh hóa bất tịnh và che chướng của các chúng sinh. Vô vàn các hóa thân của đức Phật A Di Đà, đức Quán Thế Âm, và đức Quan Âm xuất hiện và xua tan đi những khổ não của chúng sinh.
BA THỨ KHÔNG GIÁN ĐOẠN TRONG LÚC TỤNG CHÚ
Có ba hình thức không gián đoạn khi chúng ta tụng chú, đó là không gián đoạn cúng dường chư Phật, không gián đoạn tịnh hóa che chướng của chúng sinh, và không gián đoạn đạt được thành tựu hay quả vị. Thành tựu thực ra về cơ bản là tăng trưởng tình yêu thương và lòng bi mẫn. Nếu tình yêu thương và lòng bi mẫn tăng lên, trí tuệ tăng trưởng và chúng ta đạt được Giác Ngộ. Nhờ có lòng bi mẫn, chúng ta có thể tạm thời đạt được bảy phẩm tính của các cõi cao , hạnh phúc của các cõi cao, và còn có nhiều lợi lạc khác đến từ việc tụng chú.
LỢI ÍCH CỦA VIỆC QUAY KINH LUÂN
Ví dụ khi chúng ta quay kinh luân thì đó chính là phương pháp để tích lũy đức hạnh của thân, khẩu, ý. Nếu kinh luân chứa hàng ngàn minh chú thì hàng ngàn vị [Hộ] Phật sẽ hóa hiện ra bên ngoài với mỗi vòng quay. Quay kinh luân cũng mang lại lợi lạc như là tụng chú, việc đó là cúng dường lên chư Phật và tịnh hóa che chướng của chúng sinh. Quay kinh luân cũng sẽ không gián đoạn tăng trưởng trí tuệ, từ bi và thành tựu. Việc quay kinh luân thành tựu đức hạnh của thân, khẩu, ý; đó là việc dễ làm và là một thực hành mang đức hạnh to lớn. Chúng ta chỉ cần quay một cây kinh luân nhỏ thuận tiện là được; nhiều khi một số người làm một cái kinh luân rất đẹp đẽ bằng vàng, rất to và nặng, và vấn đề là họ cuối cùng lại không quay vì kinh luân quá to và không thuận tiện! Vì vậy sẽ lợi lạc hơn nếu chúng ta sử dụng một cái kinh luân nhỏ vừa phải và quay liên tục vì với việc làm này, chúng ta sẽ đạt được lợi ích của thực hành đức hạnh qua thân, khẩu, ý.
ĐỘNG LỰC ĐÚNG ĐẮN
Khi chúng ta thực hành tụng chú, chúng ta có được ba đức hạnh: đó là cúng dường lên chư Phật, tịnh hóa che chướng, đạt được quả vị thành tựu. Tụng chú sẽ có sức mạnh vô cùng to lớn nếu chúng ta trưởng dưỡng một động lực đúng đắn, dựa trên động lực đúng đắn, chúng ta thực hành quán tưởng ở giai đoạn sinh khởi và tụng chú. Cũng giống như xây nhà, chúng ta cần nền móng và các công cụ để xây nhà. Ví dụ điều kiện đầu tiên cần để có thể xây nhà là tiết kiệm tiền. Cơ sở đầu tiên của việc tích lũy công đức – nền móng – là cần trưởng dưỡng tâm vị tha chứa tình yêu thương và lòng bi mẫn lớn lao. Nếu chúng ta có điều đó thì cũng giống như có nền móng – cũng giống như có tiền để xây nhà – và sau đó chúng ta có thể xây bất cứ cái gì. Khi đã có tâm vị tha rồi, chúng ta có thể thực hành bất cứ giai đoạn [quán tưởng] sinh khởi, hay tụng chú – bất cứ cái gì có thể thực hành trên nền móng đó. Quan trọng nhất, đó là tín tâm và Bồ Đề Tâm – tâm vị tha! Nếu có được tâm vị tha thì sức mạnh Phật tính của chúng ta sẽ dần hiển lộ; giống như là tảng nước đá tan thành nước và nước có thể sử dụng một cách tự nhiên. Nếu chúng ta không có được một tâm vị tha làm nền tảng thì tất cả những thực hành khác, như tụng chú, v.v… sẽ không mang lại lợi lạc to lớn.
Trong bản văn Đại dương của Định, có nói rằng “Nếu con không có Bồ Đề Tâm, nếu con thiếu vắng Bồ Đề Tâm, con sẽ không đạt được đến Giác Ngộ.” Cũng giống như là một cơ thể không có sức sống, một ai đó không có sức sống sẽ không thể làm việc. Sức sống của tất cả các thực hành là Bồ Đề Tâm và nếu chúng ta chỉ có Bồ Đề Tâm thì tất cả những gì được tiếp tục từ đó sẽ trở nên rất rộng khắp và rất lợi lạc. Tất cả mọi hành động đức hạnh sẽ trở thành rất mạnh mẽ. Vì thế Bồ Đề Tâm, một tâm thức vị tha, là nền tảng hay cội rễ của mọi thực hành.
Phần 3
THIỀN ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN THỰC HÀNH ĐẠI THỦ ẤN
Những từ cuối của mấy dòng này mà buổi sáng chúng ta chưa nói xong có nội dung là “con an trú trong tánh chiếu soi sáng chói cùng với tánh Không, thoát khỏi sự bám chấp và tạo tác ”. Đây chính là khía cạnh của chân lý tối hậu, sự kết hợp của tính sáng tỏ và tính Không. Đó là tri kiến vượt trên tạo tác [ý niệm], khi chúng ta mới biết về thực hành Đại thủ ấn (Mahamudra), chúng ta thực hành bốn pháp du già (yoga). Đó lần lượt là trụ tại một điểm, được giải thoát khỏi tạo tác, nhận biết bình đẳng và cuối cùng là trạng thái vô thiền định. Trong truyền thống Cổ mật (Nyingma), hành giả cũng thực hành theo bốn bước được gọi là bốn xuất hiện linh kiến: (1) đầu tiên là nhận ra được pháp tánh chính là bản chất thực tại; (2) thứ hai là an trụ trong sự thư thái cao tột; (3) tiếp theo là tỉnh giác đạt đến mức toàn vẹn nhất; (4) cuối cùng là nhận thức hay tư tưởng tan hòa vào trong pháp tánh. Những bước trên cũng có cùng ý nghĩa như bốn pháp du già và đã có nhiều giải thích về các thực hành này, nhưng khi “khái niệm và suy nghĩ bám chấp tan vào trong pháp tánh” thì cũng giống như là “tự do thoát khỏi mọi tạo tác”. Về cơ bản, trạng thái này tự do khỏi mọi bám chấp và sự cố hữu [trong ý tưởng]. Nói rằng tự do thoát khỏi bám chấp cũng có nghĩa là chúng ta sẽ chẳng tìm thấy gì để mà bám chấp vào.
HIỂU VỀ TÍNH KHÔNG
Trạng thái mà chúng ta chẳng tìm thấy gì để mà bám chấp vào chính là quan điểm về tính Không của Phật giáo. Những ai không hiểu hoặc không trực nhận được tri kiến này, hoặc những người có tư tưởng sai lầm liên quan đến tri kiến tính Không, sẽ bám chấp vào thực tại. Những người này nghĩ rằng khi chúng ta nói về tính Không tức là đầu tiên có một cái gì đó tồn tại nhưng chúng ta cố để tin rằng nó không tồn tại. Điều đó là ngốc nghếch và không phải như vậy! Vì nếu mọi thứ thật sự tồn tại, nếu mọi thứ có thật là được thiết lập như những thứ tồn tại có thật; nếu chúng là những thứ chúng ta có thể bám víu vào, thì chúng luôn phải là như vậy ‐ ổn định và không bao giờ thay đổi. Đức Jigten Sumgon đã nói: “Cái gì không tồn tại trong bản chất tối hậu thì không thể thay đổi thông qua cách ta nhìn thấy”. Điều này có nghĩa là nếu một cái gì đó là thực và tồn tại thực sự thì nó không thể thay đổi, nhưng bởi vì mọi thứ là trống rỗng [về bản chất thực tại] và không thể bám víu vào, chúng thay đổi và chuyển hóa. Đức Jigten Sumgon cũng nói rằng, “vạn pháp cho thấy trạng thái tự nhiên thực sự”, chúng cho thấy về bản chất mọi thứ tồn tại như thế nào. Đức Phật đã chỉ cho chúng ta biết mọi thứ thực sự tồn tại như thế nào – bản chất của tất cả các hiện tượng trong luân hồi và niết bàn. Đức Phật đã chỉ ra Hai Chân Lý và trong đó Ngài đã đặc biệt cho biết về chân lý tuyệt đối và đó là chân lý được kiến lập. Chứ không phải là mọi thứ không tồn tại và chúng ta cố làm cho chúng tồn tại hay ngược lại. Điều đó là không thể!
TÂM VÀ THÂN LÀ TIỂU VŨ TRỤ (HỆ THỐNG THU NHỎ) CỦA TOÀN BỘ CHÚNG SINH VÀ VŨ TRỤ
Chúng ta đã đề cập chút ít về vấn đề này ngày hôm qua khi đưa ra ví dụ xem xét liệu hai người bạn có thực sự tồn tại không, khi suy nghĩ về mình và người khác, chúng ta đã nói là không tìm thấy một cái tôi tồn tại thực sự. Có một cơ thể bên ngoài và một tâm thức bên trong, trong tâm thức bên trong, chúng ta không tìm thấy bất cứ một cái gì có thể bám vào. Khi nhận ra được bản chất thực sự của tâm và thân mình, chúng ta cũng đồng thời nhận ra được bản chất của toàn bộ vũ trụ này và của tất cả các chúng sinh. Điều đó là do cơ thể và tâm trí của một người chính là hệ thống thu nhỏ hay tiểu vũ trụ của vũ trụ bên ngoài và tất cả các chúng sinh. Cơ thể bên ngoài tương ứng với vũ trụ bên ngoài, và vũ trụ bên ngoài thì vô tận, vô biên. Và mặc dù vô tận vô biên, vũ trụ đó cũng không vượt khỏi năm yếu tố; nó được tạo ra bởi năm yếu tố. Khi chúng ta xem xét chính cơ thể mình, nó cũng được tạo ra bởi năm yếu tố và vì vậy cơ thể chúng ta cũng có bản chất của vũ trụ bên ngoài rộng khắp không giới hạn. Và có các chúng sinh bên trong vũ trụ. Chúng ta nói về luân hồi và niết bàn, và có vô lượng chúng sinh, chúng sinh thì vô lượng và vô biên, vũ trụ cũng vô hạn. Chúng ta nói về tam thiên đại thiên thế giới là vô hạn và có hàng trăm tỷ các vũ trụ như vậy. Chúng ta có thể nêu ra con số nhưng thực tế là không cố định bởi vì nó là vô hạn. Thậm chí nếu chúng ta không nhìn thấy điều này, các nhà khoa học hiện nay biết được rằng có vô số các vũ trụ trên thế giới và trên hành tinh này.
Ví dụ trên thế giới này, chúng ta gọi điện thoại và ai đó bên đầu dây bên kia nhấc máy, hay là khi đi xa chúng ta bay máy bay hoặc đi bằng phương tiện vận tải khác. Các nhà khoa học đã khám phá và sáng chế ra những phương tiện đó, nhưng ngoài ra còn có vô lượng các hệ thống thế giới và vũ trụ mà các nhà khoa học chưa khám phá ra. Nhưng dù là có bao nhiêu vũ trụ thì cũng không ngoài năm nguyên tố; dù cho có bao nhiêu chúng sinh – số lượng là vô hạn – thì họ đều có một nền tảng chung. Tất cả những hữu tình ở các cõi tịnh độ và tất cả chúng sinh ở các cõi bất tịnh trong luân hồi đều có một nền tảng chung – bản chất tâm của họ là giống nhau. Sự khác nhau duy nhất giữa những chúng sinh thuần tịnh và các chúng sinh bất tịnh chỉ nằm ở sự khác nhau của tâm chấp ngã và tâm vị tha. Như đã được nói “Chư Phật toàn hảo xuất phát từ tâm vị tha.” Thông qua tâm vị tha mà các cõi tịnh độ được thiết lập; từ sự chấp ngã và các cảm xúc ô nhiễm mà các cõi luân hồi bất tịnh được tạo ra.
Vì vậy trong nghi quỹ đã nói từ cùng một nền tảng có hai con đường và hai kết quả. Đó là lời chỉ dẫn không sai lệch của Đức Phật. Vì vậy trong toàn thể luân hồi hay niết bàn, chúng ta không thể tìm thấy một vật dù là nhỏ nhất mà có đặc tính thật sự [không thay đổi] và sự tồn tại thực sự. Chúng ta không thể tìm thấy điều đó, và khi chúng ta nhận ra được điều này, thì giống như có nói trong nghi quỹ “thoát khỏi sự bám chấp và tạo tác” hay “vọng niệm nhờ đó mà tan rã vào chính vọng niệm.” Khi chúng ta nhận ra được điều này thì mọi mê lầm và chấp ngã sụp tan vào chính nó.
THIẾT LẬP TRI KIẾN TÍNH KHÔNG DỰA TRÊN PHÂN TÍCH LÔ GÍCH
Trong truyền thống Phật giáo, chúng ta thiết lập được tri kiến tính Không thông qua việc đi theo hệ thống suy luận lô gích được gọi là Pramana hay Nhận thức đúng đắn. Với hệ thống này, các học giả nghiên cứu kinh điển trong nhiều năm và cuối cùng tìm ra được là không có một thứ gì dù là nhỏ nhất có sự tồn tại thật sự. Thầy cũng không biết nhiều về Pramana hay Nhận thức đúng đắn này, nhưng liên quan đến vấn đề này, đức Jigten Sumgon đã nói trong trước tác Gong Chik rằng, “ngoài chân lý tối thượng thâm diệu thì không có nhận thức đúng đắn nào khác cần tìm kiếm”. Tất cả các học giả vĩ đại, khi họ vỗ tay và tranh luận với nhau, là đang cố để tìm ra cái gì là đúng đắn và thật sự. Và khi họ tranh biện thì, ở mức tối hậu, chẳng có gì thực sự tồn tại có thể được tìm thấy từ bất kỳ phía nào, không có Nhận thức đúng đắn thật sự nào khác ngoài ý nghĩa tối hậu. Khi chúng ta nhận ra điều này, chúng ta sẽ nhận ra rằng mọi hiện tượng trong luân hồi hay niết bàn đều không có sự tồn tại cố hữu nội tại. Chúng có xuất hiện, nhưng cũng chỉ như mộng ảo, chúng ta không tìm ra bất kỳ cái gì có được sự tồn tại chân thật, thực sự và cố hữu. Và về mặt tối hậu thì Nhận thức đúng đắn hay Pramana thiết lập tri kiến là mọi thứ đều trống không về bản chất tồn tại. Tâm thức của chúng ta, Phật tánh của chúng ta cũng mang tính Không, và chúng ta chẳng tìm thấy thứ gì để bám chấp vào. Thông qua việc đi theo những suy luận như thế, chúng ta bắt đầu nhận ra và đi đến kết luận về bản chất chân thân của thực tại hay bản chất của tâm.
XEM XÉT HIỆN TƯỢNG
Chúng ta nên suy ngẫm về dòng này “Sự chấp ngã, tà kiến và vọng niệm nhờ đó mà tan rã vào chính sự chấp ngã, tà kiến và vọng niệm .” Chúng ta sẽ xem xét điều này bám theo những suy ngẫm ngày hôm qua, hôm qua chúng ta nói là có vũ trụ bên ngoài và vũ trụ đó vô hạn. Có vô vàn vũ trụ bên ngoài và vô hạn chúng sinh. Vũ trụ giống như “người ta”, còn chúng sinh bên trong và bên ngoài giống như “mình”, và vì vậy có sự bám chấp vào ta và người. Chúng ta nên xem xét xem những thứ đó có thực sự tồn tại hay không? Xem xét vũ trụ bên ngoài giống như các nhà khoa học đã nghiên cứu: Nó là vĩnh cửu hay vô thường? Nó có thật sự tồn tại hay không? Chúng ta có thể tìm thấy bất cứ cái gì thực sự tồn tại hay không? Có tìm được cái gì mà ta có thể thật sự bám chấp vào hay không? Đây là điều mà chúng ta nên xem xét: xem xem liệu ta có thể tìm được cái gì thật sự tồn tại.
Ngày mai, chúng ta sẽ nói về dòng kế tiếp “Trạng thái Pháp thân vô ngã được xác lập”, v.v... nhưng tối nay hãy nghĩ về dòng “vọng niệm nhờ đó mà tan rã vào chính vọng niệm.” Hãy nghĩ về vũ trụ, ví dụ khi chúng ta nhặt một mẩu đất từ dưới nền đất, dù nó chỉ là một mẩu đất nhỏ nhưng nó có cùng một bản chất như hành tinh này. Chúng ta nghĩ rằng trái đất và hành tinh này rất rộng lớn, vững chãi, ổn định, và là thật có, so với một mẩu đất nhỏ trên mặt đất này –nhưng nếu nó nổ thì nó sẽ vỡ vụn thành giống như những mẩu đất nhỏ kia. Nó đã tan vào chính nó, vậy nó đi đâu? Điều tương tự cũng đúng với thế giới và hành tinh này: cuối cùng thì nó cũng vỡ vụn như thế, nó cũng tan biến. Còn nữa, ví dụ khi chúng ta bay trên máy bay, thế giới này có vẻ như không còn rộng lớn như thế ‐ quả đất này chỉ quanh quẩn bay nơi nào đó giữa không trung và cuối cùng thì nó cũng tan biến đi hoàn toàn. Điều như vậy cũng đúng với các chúng sinh – các chúng sinh bên trong, hãy xem xét xem chúng ta có thể tìm được một sự tồn tại thật sự hay không? Nếu chúng ta tìm thấy rằng không thể bám chấp vào thứ gì cả, rằng chúng không thực sự tồn tại, thì thông qua những hiểu biết đó, những trói buộc, ràng buộc, và bám chấp trong tâm sẽ dần dần sụp tan đi. Đây chính là điều chúng ta nên suy ngẫm!