NGÀY 03
Phần 1
THUẦN THỤC VỚI SẮC TƯỚNG VỊ [HỘ] PHẬT
Chúng ta đều đã nhận được bức tranh đức Phật A Di Đà [có in tại đầu cuốn sách], nhưng nếu ai chưa nhận được thì nên có được bức tranh đó, hãy nhìn vào bức tranh đó lặp đi lặp lại nhiều lần, sau đó nhắm mắt lại và có được hình ảnh đức Phật hiện lên trong tâm. Chúng ta hãy có được hình ảnh đức Phật xuất hiện trong tâm với nhiều kích cỡ khác nhau – thỉnh thoảng nhỏ, thỉnh thoảng to. Tiếp tục nhiều lần như vậy, khi thỉnh thoảng nhắm mắt hãy để hình ảnh đức Phật xuất hiện trong tâm trí của chúng ta. Sau đó chúng ta trì tụng minh chú và làm thuần thục tâm trí mình với hình ảnh Phật A Di Đà. Đôi lúc chúng ta có thể quán tưởng đức A Di Đà rất to lớn và tràn đầy cả không gian, và thỉnh thoảng lại có thể quán tưởng đức A Di Đà rất nhỏ. Dù là trường hợp nào thì khi chúng ta nghĩ về đức A Di Đà, những suy nghĩ thế tục sẽ không ở lại trong dòng tâm thức. Khi không còn những bám chấp thế tục trong dòng tâm thức thì tất cả những hiện tướng sẽ được xem như là đức A Di Đà; khi không còn chấp ngã, mọi hiện tướng là Phật A Di Đà. Vì vậy hãy nhìn đi nhìn lại vào bức tranh và để cho hình ảnh của Phật A Di Đà xuất hiện trong tâm trí chúng ta.
Sắc tướng của Phật A Di Đà hiện ra ở trong tâm chúng ta là ở sắc tướng báo thân của vị Phật. Hình ảnh trong bức tranh mà ta nhìn thấy bằng mắt thường là sắc tướng hóa thân; và sau đó hình ảnh Phật A Di Đà xuất hiện như một linh ảnh trong tâm thức của chúng ta là hiện tướng dạng báo thân Phật. Nếu chúng ta thuần thục được điều này, sau này trong giai đoạn thân trung ấm (bardo) sau khi chết, hình ảnh này sẽ xuất hiện trong tâm chúng ta. Hình ảnh của Đức Phật A Di Đà sẽ không tách rời tâm trí chúng ta; khi hình ảnh xuất hiện trong tâm chúng ta thì chúng ta đang thực sự nhìn thấy sắc tướng báo thân của Phật A Di Đà. Vì vậy bất cứ khi nào hình ảnh xuất hiện trong tâm thì chúng ta nên nghĩ rằng đó thực sự là báo thân của đức Phật.
Phần 2
TẠI SAO CHÚNG TA QUÁN TƯỞNG BỔN TÔN
Giai đoạn sinh khởi hay là sự quán tưởng bắt đầu với “sắc tướng và hiện hữu, vạn pháp trong toàn bộ Luân hồi và Niết bàn đều mang bản tánh rỗng rang. ” Đầu tiên có câu hỏi là tại sao chúng ta lại cần thực hành giai đoạn sinh khởi? Tại sao chúng ta lại cần quán tưởng vị [Hộ] Phật hay quán tưởng một cách nói chung? Điều quan trọng là chúng ta nên hiểu mục đích tại sao việc quán tưởng lại cần thiết. Nói chung, có nhiều hình thức quán tưởng khác nhau hay nhiều loại các giai đoạn sinh khởi khác nhau, nhưng tựu trung lại có bốn loại chính. Loại đầu tiên gọi là năm nhánh, và đó gọi là sự giác ngộ hiển lộ năm nhánh. Một loại khác là bốn nhánh, loại thứ ba là ba nhánh, loại thứ tư là quán tưởng vị [Hộ] Phật hiện lên tức thời. Đây là bốn loại giai đoạn sinh khởi. Bốn loại giai đoạn sinh khởi này liên quan đến bốn cách mà chúng ta sinh ra trên đời . Để tịnh hóa nghiệp và những dấu ấn của quá trình ra đời, đức Phật đã giảng dạy về bốn loại giai đoạn sinh khởi như là phương cách đối trị. Điểm chính yếu trong việc quán tưởng, hay trong giai đoạn sinh khởi, là tịnh hóa những suy nghĩ thế tục; chúng ta quán tưởng để chuyển hóa những suy nghĩ thế tục.
LUÂN HỒI ĐƯỢC TẠO RA TRONG TÂM THỨC NHƯ THẾ NÀO
Ở đây có nói rằng “sắc tướng và hiện hữu, vạn pháp trong toàn bộ Luân hồi và Niết bàn đều mang bản tánh rỗng rang.” Tất cả mọi thứ xuất hiện và tồn tại – toàn bộ vũ trụ và tất cả chúng sinh – về bản chất là tính Không. Nhưng vì là những chúng sinh bình thường, chúng ta bám chấp vào thực tại của bất cứ cái gì chúng ta nhìn thấy, chúng ta nghĩ chúng là thực và vì vậy tin vào sự tồn tại thực của chúng. Chúng ta tin vào thực tại của ta và người và vì vậy đã để xuất hiện những tư tưởng gắn kết và phân biệt đối đãi – 84.000 cảm xúc ô nhiễm. Chúng ta dán nhãn vào bất cứ thứ gì nhìn thấy, chúng ta gọi là thù, bạn, tốt, xấu, v.v... Có rất nhiều sự bám chấp nhị nguyên trong tâm của chúng ta, nếu có những bám chấp nhị nguyên trong tâm thì cũng giống như thời tiết lạnh làm cho tâm ta đóng băng lại như nước đá. Chính từ chấp ngã mà tâm thức tạo ra cõi luân hồi, và đó giống như là nước đóng băng lại thành nước đá. Ở trong trạng thái tối hậu, bất cứ cái gì xuất hiện cũng không thực sự tồn tại tự thân. Vì vậy mọi hiện tượng trong luân hồi và niết bàn đều mang tính Không.
Hôm qua chúng ta đã nói về sự nhận thức đúng đắn hay còn gọi là Pramana, và đó là nhận thức đúng đắn tối hậu – nhận thức là mọi thứ đều không tồn tại một cách chắc thực, không có thứ gì, dù là một thứ nhỏ nhất, mà có sự tồn tại chắc thực. Nhưng do nghiệp lực của chúng ta mà mọi thứ đã xuất hiện theo cách chúng ta nhìn thấy. Vũ trụ bên ngoài xuất hiện do cộng nghiệp mà chúng ta cùng tích lũy, và các trải nghiệm của chúng sinh bên trong là do những nghiệp cá nhân thiện hoặc bất thiện mà chúng ta đã tạo ra. Vì vậy tạm thời và cũng như là mộng ảo, vũ trụ và chúng sinh xuất hiện theo cách này. Khi chúng ta nhận ra là nó thực ra không thật sự hiện hữu một cách chân thực, chúng ta đạt được Giác Ngộ. Nếu chúng ta không nhận ra điều này, chúng ta sẽ bám chấp vào thực tại của mọi thứ xuất hiện, và chúng sinh là như vậy. Vì vậy, không nhận ra bản chất thật sự của hiện tướng thì gọi là luân hồi và từ đó xuất hiện sáu cảm xúc ô nhiễm. Chính từ đó chúng ta lang thang không ngừng nghỉ trong sáu cõi luân hồi và phải chịu đựng vô vàn đau khổ. Tất cả đều đến từ việc không nhận ra được bản chất của mọi thứ là tính Không và bám chấp vào thực tại mà chúng ta nhìn thấy. Đầu tiên và tiên quyết nhất để vượt qua được điều này là chúng ta phải trưởng dưỡng được động lực tử tế, yêu thương và bi mẫn.
LÒNG TỪ BI CỦA CHƯ PHẬT HIỂN LỘ NHƯ THẾ NÀO
Trang tiếp theo của nghi quỹ có nói “Sự tỉnh giác của chính con khởi lên thành chủng tự HRI màu trắng – là hóa hiện của sự hợp nhất giữa tánh Không, tánh chiếu sáng và bi mẫn .” Đặc biệt là sự hợp nhất của tính Không và lòng từ bi. Ở ngay trong phần đầu tiên của 37 Pháp Hành Bồ Tát Đạo có nói “Nhận ra rằng mọi hiện tượng không đến không đi .” Chư Phật đã đạt được đến trạng thái Giác Ngộ và chư Phật nhận ra rằng mọi hiện tượng trong luân hồi hay niết bàn đều mang tính Không và chẳng có gì thật sự tồn tại một cách tự thân, Chư Phật nhìn thấy mọi sự xuất hiện đều như mộng ảo. Trong bản chất tối hậu, không có đến cũng không có đi, bản chất của tâm như không gian vượt thoát đi và đến; thực tế là không gian thì không đến cũng không đi. Đó là bản chất của tâm!
Và trong 37 Pháp Hành Bồ Tát Đạo nói tiếp: “Chư Phật không ngừng nghỉ nỗ lực vì một mục đích duy nhất là mang lại lợi lạc cho chúng sinh”. Mặc dù chư Phật nhận ra điều này, chư Phật vẫn nỗ lực vì một mục đích duy nhất là mang lại lợi lạc cho chúng sinh, đó là bởi vì tạm thời chúng sinh đang phải chịu đau khổ. Ví dụ trong thế giới này chúng ta có thể nhìn thấy những đau khổ của con người và loài vật, v.v... Và bởi vì chư Phật thấu biết được sự đau khổ của chúng sinh, các Ngài đã phát khởi đại bi. Mặc dù chư Phật đã đạt được Giác Ngộ, chư Phật rất thương cảm chúng sinh, những hữu tình chưa đạt được Giác Ngộ. Bản chất rỗng rang của tâm là Pháp Thân giống như không gian – chính là tâm của chư Phật. Hào quang của tình yêu thương thấm đượm và tràn khắp Pháp thân chính là sự hóa hiện của báo thân Phật, xuất hiện như cầu vồng giữa bầu trời. Sự hợp nhất này cũng được gọi là tính Không mang bản thể từ bi. Vì vậy chủng tự HRI xuất hiện là hiện thân của điều đó – hiện thân của sắc tướng báo thân Phật, là hiện thân của tính Không mang bản thể từ bi. Chúng ta có thể quán tưởng chủng tự HRI bằng tiếng Anh hoặc dưới bất kỳ hệ thống văn tự nào khác, chúng ta cũng nên khám phá bản chất của tâm như vậy.
Chúng ta sẽ cảm thấy thế nào khi yêu thương một ai đó? Đầu tiên, khi chúng ta không nghĩ về bất cứ điều gì, chúng ta sẽ thấy bản chất trống rỗng của tâm giống như không gian. Và chính trong bản chất rỗng rang như không gian đó, tình yêu thương xuất hiện. Đó là thứ mà chúng ta chỉ có thể cảm nhận và trải nghiệm mà không thể nhìn bằng mắt thường. Vì thế từ bản chất rỗng rang của tâm, hào quang của tình yêu thương xuất hiện và đó là tình yêu thương chư Phật dành cho tất cả chúng sinh. Tình yêu thương xuất hiện như là cầu vồng trong sắc tướng của báo thân Phật.
TIN TƯỞNG VÀO BẢN CHẤT THẬT SỰ CỦA CHÚNG TA
Về việc quán tưởng bản thân mình, chúng ta quán tưởng bản thân trong một chốc lát và sự quán tưởng này bắt nguồn từ động lực yêu thương, tử tế, và bi mẫn.Thực tế là cứ khi nào một người phát khởi tình yêu thương và lòng bi mẫn, bất cứ khi nào tính Không và từ bi hợp nhất thì khi ấy tâm [của người đó] chính là vị [Hộ] Phật; chính là tâm của đức Quán Thế Âm (Chenrezig). Nói chung, bất cứ khi nào chúng ta thực hành, và với bất cứ vị [Hộ] Phật nào mà chúng ta đang thực hành, thì tâm vị tha – động lực tu tập – là quan trọng nhất. Vì vậy, khi quán tưởng chủng tự HRI và biết rằng HRI tượng trưng cho sự hợp nhất của tính Không và từ bi, chúng ta cần có sự tin tưởng chúng ta thực sự là các đức Quán Thế Âm. Từ khởi thủy, chúng ta có Phật tính, và đó không khác gì vị Phật và cũng là Quán Thế Âm. Nhưng do bởi việc đã để chấp ngã khởi hiện, chúng ta đã tạo ra luân hồi. Nếu chúng ta buông bỏ chấp ngã và [quan tâm] nghĩ về người khác, tâm của chúng ta không khác tâm của đức Quán Thế Âm. Chúng ta nên có sự tin chắc “Tôi thực sự là đức Quán Thế Âm.” Bất cứ khi nào chúng ta phát khởi lòng đại bi thì các uẩn, các đại, các giác quan của chúng ta sẽ trở nên thanh tịnh. Về cơ bản, khi chúng ta buông bỏ tâm chấp ngã, chúng ta sẽ trở nên thanh tịnh. Chúng ta cần có được sự tin tưởng vững chắc vào điều này. Khi chúng ta thực hành tu tập quán tưởng vị [Hộ] Phật, chúng ta cần phải thực sự nhìn nhận bản chất thực sự của mình, cần phải nhìn thấy bản chất thực sự đó.
DẦN DẦN QUEN THUỘC VỚI GIAI ĐOẠN SINH KHỞI
Trong nghi quỹ đã nói rõ về giai đoạn sinh khởi, và nếu ai trong chúng ta muốn thực sự thực hành giai đoạn sinh khởi và học cách quán tưởng thì đầu tiên nên nhìn vào bức ảnh của đức Quán Thế Âm (Chenrezig). Nhìn đi nhìn lại vào bức ảnh, giống như là chúng ta đang vẽ bức ảnh của vị [Hộ] Phật trong tâm mình. Chúng ta có thể bắt đầu với đỉnh đầu hoặc điểm trên cùng và từ từ quán tưởng xuống hoa sen, xuống đài sen, và ngược lại có thể làm từ dưới lên trên. Khi chúng ta học đi học lại cách khởi hiện hình ảnh của vị [Hộ] Phật trong tâm mình thì cuối cùng vị [Hộ] Phật sẽ xuất hiện trong tâm ta tức thì. Hiện tướng của vị [Hộ] Phật là ở đâu? Hiện tướng đó nằm trong chính tâm chúng ta. Hiện tướng đó không nằm nơi nào khác tách biệt khỏi tâm chúng ta. Đó chính là hóa hiện của chính tâm ta mà không phải là một sắc tướng tách biệt. Chúng ta có thể học về giai đoạn sinh khởi theo cách này, và đã được nói ở đây trong nghi quỹ khá rõ ràng.
BA KHÍA CẠNH CỦA MỘT VỊ [HỘ] PHẬT
Có các khía cạnh ngoại tại, nội tại, và ẩn mật của đức Quán Thế Âm (Cherezig).Trong giai đoạn sinh khởi, quán tưởng hình tướng là khía cạnh ngoại tại của đức Quán Thế Âm; Khía cạnh nội tại của đức Quán Thế Âm chính là tình yêu thương và lòng bi mẫn; Khía cạnh ẩn mật của Ngài là Phật tính – đó là trực ngộ được Phật tính và nhận biết được tất cả chư Phật đều bao hàm trong Phật tính đó như thế nào. Trong bản tính này, tất cả các vị [Hộ] Phật đều như nhau, tất cả là một, trong ba khía cạnh của đức Quán Thế Âm thì khía cạnh nội tại – tình yêu thương và lòng bi mẫn – là quan trọng nhất đối với chúng ta.
Tiếp theo, tại trang 14 trong nghi quỹ có ghi “Trong không gian trước mặt, trên đài sen và trăng, khởi lên chữ HRI chiếu rực ánh sáng màu đỏ.” Trong khoảng không trước mặt xuất hiện bông hoa sen. Chúng ta nên quán tưởng hoa sen đó rất rộng và lan tỏa, và trong hoa sen trên đĩa mặt trăng xuất hiện chủng tự HRI màu đỏ. Chủng tự này biểu hiện tâm giác ngộ của tất cả chư Phật. Tâm chư Phật có cùng bản chất với Phật tính và được thể hiện bằng chủng tự HRI. Từ chủng tự HRI, ánh sáng chiếu tỏa. Nghi quỹ ghi “[Ánh sáng phóng tỏa ra] khiến mười phương chư Phật và Bồ tát hoan hỷ.” Ánh sáng chiếu tỏa và chủng tự HRI biểu hiện sự hợp nhất bất nhị của tâm tất cả các chư Phật trong ba thời, và của Phật A Di Đà. Những tia sáng biểu trưng rằng, khi chúng sinh khẩn nguyện tới chư Phật, những tia sáng là tình yêu thương của chư Phật sẽ đến để mang lại lợi lạc cho chúng sinh. Khi nói rằng ánh sáng tỏa rọi và làm hài lòng chư Phật và chư Bồ Tát, thì ở đây điều gì thực sự làm hài lòng chư Phật? Điều mà chư Phật hài lòng là khi chúng ta phát khởi tình yêu thương. Phát khởi tình yêu thương cũng là tâm nguyện giác ngộ của tất cả các chư Phật và của Phật A Di Đà. Chủng tự HRI thể hiện sự hợp nhất của tất cả các chư Phật.
BA PHẨM TÍNH CỦA CHƯ PHẬT
Trí tuệ
Trong nghi quỹ có nói “thu nhiếp trí huệ, tình yêu thương và oai lực của các ngài .” Nếu chúng ta hiểu được ba phẩm tính về trí huệ, tình yêu thương, và sức mạnh, chúng ta sẽ thật sự hiểu được năng lực vĩ đại hay phẩm hạnh của chư Phật. Trí tuệ có nghĩa là chư Phật biết được nghiệp và những đau khổ của chúng sinh. Làm sao chư Phật biết được nghiệp và đau khổ của từng chúng sinh cũng như của tất cả các chúng sinh? Bởi vì một khi chúng ta có tâm thức, tức là chúng ta có Phật tính; và vì vậy chúng ta có nhân để đạt được Giác Ngộ. Từ khía cạnh tuyệt đối thì ai cũng mang trong mình Phật tính, đó là bản tâm. Chư Phật đã ngộ được bản tâm và bởi vì bản tâm giống như không gian thì lan tràn khắp cùng, vì vậy một cách tự nhiên chư Phật kết nối với tất cả chúng sinh. Đó là phẩm tính của Phật tánh, và bởi vì chư Phật đã giác ngộ ra bản tâm và bản tâm này lại tràn ngập khắp tất cả chúng sinh, chư Phật biết được tâm của tất cả chúng sinh. Vì vậy nếu chúng ta có tâm thức, chúng ta có đức Phật bên trong mình. Khi chúng ta nhận ra được bản chất của tâm, thì nơi đó chính là nơi xuất phát của tuệ nhãn. Đối với chúng ta, vì chưa trực nhận được bản tâm nên chúng ta chưa biết được điều đó. Chúng ta chưa có tuệ nhãn. Đó là khía cạnh trí tuệ.
Tình yêu thương
Phẩm chất thứ hai là tình yêu thương. Chư Phật yêu thương tất cả các chúng sinh, những người vẫn chưa ngộ được bản tâm, Chư Phật yêu thương chúng sinh cũng như mẹ hiền thương con dại, Chư Phật có lòng đại bi cho hết thảy chúng sinh. Chư Phật thấy rằng chúng sinh như những người điên rồ hoặc đang ngủ mê, và hoàn toàn bị che mờ và bị cuốn trôi đi bởi chính ảo tưởng của mình. Nghiệp và các dấu ấn trong tâm trở nên chín muồi dần và họ bị che mờ bởi chính nhận thức của họ. Vì vậy chúng sinh bám chấp vào bản ngã mà thực chất thì không có cái ngã nào cả, họ bị sai khiến bởi sức mạnh của ảo tưởng tự thân và không nhận ra được tất cả các hiện tướng là sự phóng chiếu của chính tâm thức họ. Chư Phật nhìn thấy sự mê lầm này trong chúng sinh và phát khởi lòng đại bi đối với chúng sinh. Và đó là khía cạnh yêu thương!
Sức mạnh
Phẩm chất thứ ba là sức mạnh. Nếu chúng ta quy y Tam Bảo và thực hành Bồ Đề Tâm thì do bởi chúng ta đã có sẵn Phật tính, tâm thức của chúng ta có thể được giải thoát. Như Đức Jigten Sumgon đã nói, “nếu [Phật tánh] không tồn tại trong trạng thái tự nhiên nguyên thủy, thì [Phật tánh] cũng không thể sinh ra chỉ thông qua tri kiến về nó”. Điều đó có nghĩa là nếu chúng ta không sẵn mang Phật tánh trong bản chất của mình thì chúng ta không thể được giải thoát, chúng ta không thể được giải thoát chỉ thông qua việc suy nghĩ về Phật tánh. Bởi vì chúng ta chỉ tạm thời bị che chướng và bởi vì chúng ta thật sự có Phật tánh nên chúng ta có khả năng giải thoát. Vì thế tất cả những đau khổ và những suy nghĩ chỉ là tạm thời; chúng giống như mộng ảo; những hiện tướng thì xuất hiện như ảo ảnh hay là như quan niệm tự thân. Khi chúng ta giải thoát thì cũng giống như tỉnh dậy từ một giấc mộng. Đó chính là sức mạnh giải thoát.
NHỮNG TIA SÁNG CHÍNH LÀ TÌNH YÊU THƯƠNG
Trong nghi quỹ tiếp tục nói “Ánh sáng lại phóng tỏa đến sáu cõi, tịnh hóa nhãn nghiệp, sự chấp ngã và các tập khí của chúng sinh. ” Từ Phật A Di Đà và chư Phật ánh sáng tỏa rọi, và đây chính là ánh sáng của tình yêu thương chạm vào tất cả các chúng sinh của sáu cõi luân hồi. Sự đau khổ của họ ‐ nguồn gốc đau khổ của tất cả các chúng sinh – đó là sự chấp ngã. Nếu chúng ta phát khởi tình yêu thương thì điều đó sẽ phá hủy đi sự chấp ngã. Đây chính là điểm mà các đạo hữu của tôi, các bạn nên thật sự trải nghiệm và cảm nhận về điều đó. Khi chúng ta quán tưởng các tia sáng thì với tình yêu thương càng mạnh mẽ, các tia sáng sẽ càng rực rỡ. Ai đó có thể bị nhầm lẫn coi những tia sáng đó giống như tia sáng vật chất mà ta nhìn thấy, và nghĩ rằng chúng cũng giống như điện hoặc như các tia sáng mặt trời, nhưng chúng ta cần phải cảm nhận được bản chất của những tia sáng đó là gì. Đó thực sự là tình yêu thương mà chúng ta dành cho nhau, sự trao và nhận tình yêu thương. Ví dụ khi chúng ta yêu thương một người bạn thì khi nghĩ về người đó chúng ta sẽ có cảm nhận gì trong tâm trí của mình? Chúng ta sẽ cảm thấy tình yêu thương khi nghĩ về người đó.
Ánh sáng là sự minh họa bên ngoài ‐ nó thể hiện tình yêu thương, một tình yêu thương bên trong. Khi chúng ta nghĩ về những người bạn mà chúng ta yêu thương, chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc là gì? Ít nhất trong giây phút đó, sự chấp ngã cũng giảm xuống đôi chút. Một số tia sáng mặt trời đã chạm vào những tảng nước băng và làm chúng tan chảy tí chút. Tình yêu thương càng lớn thì những tia sáng càng mạnh mẽ. Những tia sáng đó thật sự tượng trưng cho tình yêu thương. Đó là sức mạnh của chư Phật. Bằng sức mạnh của chư Phật thì chấp ngã bị phá hủy. Khi chấp ngã bị phá hủy thì chúng sinh đạt được Giác Ngộ. Đó gọi là sức mạnh của chư Như Lai. Thông qua sức mạnh của sự tín tâm, khi chúng sinh khẩn nguyện tới Phật A Di Đà, họ sẽ nhận được sức mạnh của lòng đại bi từ tất cả các chư Phật và việc đó mang lại lợi lạc cho bản thân và người khác.
Và sau đó nghi quỹ nói các tia ánh sáng quay trở lại tan hòa vào trong chủng tự. Khi những ánh sáng chiếu tỏa, đầu tiên những ánh sáng đó phát ra từ cõi Pháp thân và xuất hiện dưới hình thức báo thân. Và sau đó là kết thúc giai đoạn sinh khởi, chúng ta không có nhiều thời gian để đi vào chi tiết, nhưng tựu lại nó cũng giống như trong bức hình mà các đạo hữu đã nhận được. Vì thế hãy nhìn đi nhìn lại bức hình đó. Chúng ta đang ở trang 16 [trong nghi quỹ], chúng ta đã quán tưởng đức Quán Thế Âm (Chenrezig), Kim Cương Thủ (Vajrapani) và chư Bồ tát. Thông thường ở trên thế giới này có rất nhiều sắc tướng hóa thân khác nhau và chư Bồ tát hóa hiện dưới dạng các đạo sư tâm linh và dưới nhiều dạng hóa thân khác . Vào thời đức Phật Thích Ca Mâu Ni, khi đức Phật chuyển bánh xe Pháp, vây quanh đức Phật là tám đại Bồ tát , các trưởng tử tâm linh của đức Phật, như là Đức Quán Thế Âm, Kim Cang Thủ, Văn Thù Sư Lợi, v.v... Họ hóa hiện để thỉnh cầu Pháp từ đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhưng thực chất họ đã là các Đại Bồ Tát. Ở trang 16 [trong nghi quỹ] có ghi là họ được bao quanh bởi hải hội Bồ tát, chúng ta nên nghĩ rằng thật sự có hải hội khó nghĩ bàn các Bồ tát, v.v...
BA CHỦNG TỰ OM AH HUNG
Điều quan trọng nhất là ở dòng này “Ở ba điểm trên thân Phật A Di Đà có ba chủng tự.” Đầu tiên, ba chủng tự đó chính là OM AH HUNG, và tất cả các vị [Hộ] Phật có ba chủng tự này tại ba vị trí , không có một vị [Hộ] Phật nào mà lại không có ba chủng tự này. Trong truyền thống Mật điển, chúng ta cũng nói về các khía cạnh ngoại tại, nội tại, ẩn mật của vị [Hộ] Phật. Nhưng nhìn chung tất cả các vị [Hộ] Phật là một, như được diễn tả là trong sự rộng khắp không cùng của trí tuệ nguyên sơ, tất cả các chư Phật là một. Trong một vị [Hộ] Phật trí tuệ, tất cả các vị [Hộ] Phật khác đều bao gồm trong đó. Chính điểm này được diễn tả bằng ba chủng tự OM AH HUNG, và có nghĩa ngoại tại, nội tại, và ẩn mật. Nghĩa ngoại tại là có rất nhiều vị [Hộ] Phật; nghĩa nội tại là các vị [Hộ] Phật đều có chung một tâm là tình yêu thương và lòng bi mẫn; nghĩa ẩn mật là các vị [Hộ] Phật là hiện thân của ba thân, chính là thân, khẩu, ý giác ngộ; và ba thân cũng được biểu trưng bằng ba chủng tự OM AH HUNG.
TÂM NGUYỆN CỦA VỊ [HỘ] PHẬT VÀ HỨA NGUYỆN CỦA CHÚNG TA
Ở trang 17 [trong nghi quỹ], dòng quan trọng nhất là “Khấn cầu tâm nguyện của Phật A Di Đà và thánh chúng.” Điều này liên quan đến mật nguyện mà chúng ta đã được nhận ở lễ quán đảnh. Tất cả các vị [Hộ] Phật đều có mật nguyện, họ có cam kết, và chúng ta cũng vậy. Mật nguyện là những lời cam kết mà chúng ta đã phát nguyện. Đầu tiên tất cả các vị [Hộ] Phật đều trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm, nếu không có Bồ Đề Tâm thì chúng ta sẽ không thể đạt được giác ngộ. Các vị [Hộ] Phật đã phát khởi Bồ Đề Tâm và tự cam kết sẽ viên thành lợi ích cho chúng sinh, giống như khi chúng ta đọc tụng bài khấn nguyện “Xin cho con đạt được giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh,” đó cũng chính là sự cam kết mà chúng ta đang phát nguyện. Bởi vì chư vị [Hộ] Phật có mật nguyện này, khi chúng ta khẩn nguyện các ngài, thì các ngài sẽ đến để hoàn thành mật nguyện.
Tuy nhiên về bản thân chúng ta, chúng ta cũng có cam kết và hứa nguyện. Mặc dù chư vị [Hộ] Phật đều có mật nguyện và sẽ đến với chúng ta khi chúng ta khấn gọi các Ngài nhưng nếu chúng ta không có được một tâm vị tha thì cũng giống như một mẩu đá mà không cầm nắm được. Khi đó thì các vị [Hộ] Phật dù có lòng bi mẫn cũng không nắm được chúng ta, vì vậy hai bên đều có cam kết với nhau. Sức mạnh Bồ Đề Tâm của chư Phật thì vĩ đại và sự từ bi của chúng ta thì nhỏ hơn nhiều so với lòng đại bi của chư Phật, nhưng khi chúng ta kết nối với Bồ Đề Tâm của chư Phật thì cũng giống như một giọt nước trở về và hòa cùng đại dương bao la. Khi đó chúng ta tan hòa vào trong Bồ Đề Tâm vĩ đại của chư Phật. Nhưng nếu chúng ta không phát khởi Bồ Đề Tâm thì không có nền tảng để kết nối với chư Phật. Vì vậy, điều quan trọng nhất là khi chúng ta khẩn nguyện các vị [Hộ] Phật thì chúng ta phải làm điều đó với động lực Bồ Đề Tâm. Khi đó thì chư vị [Hộ] Phật sẽ đến với chúng ta ngay tức khắc.
GIÁC TÍNH THANH TỊNH NGUYÊN SƠ
Dòng tiếp theo trong nghi quỹ có nói “trong cõi đại hỷ lạc của sự tỉnh giác thanh tịnh nguyên sơ của con, [an trụ] Phật A Di Đà và thánh chúng như ánh sáng rực rỡ bên trong, hiện hữu tự nhiên.” Giác tính thuần tịnh nguyên sơ muốn nói đến bản tâm của chúng ta. Xuất phát từ bản tâm này, nếu chúng ta phát khởi tình yêu thương và lòng bi mẫn thì tất cả các cõi tịnh độ và chư Phật hóa hiện ra từ chính ánh hào quang của tình yêu thương và lòng bi mẫn đó. Tất cả các cõi tịnh độ của chư Phật là vầng hào quang của tình yêu thương và lòng bi mẫn xuất phát từ tâm chư Phật. Sự hóa hiện này đến một cách đồng khởi hay một cách tự nhiên cũng giống như hào quang của lòng từ bi, giống như ánh sáng năm sắc cầu vồng phát ra từ pha lê. Và nghi quỹ lại nói tiếp “Từ khởi thủy, mật nguyện và sự tỉnh giác vô tận của Ngài là một.”
“Là một từ vô thủy”, nói đến bản chất nền tảng [hay bản thể] của Phật tính, dù cho đó là tâm của hữu tình trong các cõi tịnh độ hay tâm của chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi thì bản tâm là giống nhau. Không có sự khác biệt nào dù là nhỏ nhất! Tuy nhiên chúng ta lại phải trải qua khổ đau là do bởi chấp ngã, tâm của chúng ta đã trở thành tảng nước đá. Để phá tan đi cái tâm chấp ngã này, nghi quỹ nói “thân tướng Ngài hóa hiện từ lòng bi mẫn và tình yêu thương rộng khắp.” Để phá tan đi chấp ngã, vô số các vị [Hộ] Phật xuất hiện “tùy theo căn cơ [của chúng sinh.” “Thiên hướng” hay “căn cơ” có nghĩa là mọi người có những thiên hướng khác nhau; một số người thích các vị Hộ Phật bình an, một số lại thích các vị Hộ Phật hung nộ; một số thích vị tướng nam, một số thích vị tướng nữ. Với bất kỳ thiên hướng nào của chúng sinh thì các vị [Hộ] Phật sẽ xuất hiện trước họ theo đúng nhu cầu của họ.
Sau đó nghi quỹ lại ghi “Thôi thúc bởi tâm nguyện, kính thỉnh Ngài về ngự nơi đây, trên đài trăng sen nhiều màu sắc, bất khả phân với mạn đà la mật nguyện này.” Đoạn văn cũng đã nói một cách rõ ràng, Mạn‐đà‐la mật nguyện muốn nói tới những thứ như bàn thờ Phật ‐ chúng ta đặt các hình tượng thể hiện sự tín tâm và lòng sùng mộ trên bàn thờ Phật. Đó là Mạn‐đà‐la với những hình tượng này, chúng ta nên nghĩ rằng các vị [Hộ] Phật đến và an trụ, và các ngài ở trên Mạn‐đà‐la mà chúng ta đã sắp xếp và dâng cúng cho họ.
Phần 3
KHI CHẤP NGÃ, NHẬN THỨC SAI LẦM VÀ ẢO TƯỞNG SỤP ĐỔ
Ngày hôm qua chúng ta nói về dòng cuối của trang 30 “Sự chấp ngã, tà kiến và vọng niệm nhờ đó mà tan rã vào chính sự chấp ngã, tà kiến và vọng niệm” chúng ta sẽ tiếp tục bàn đến điều này vì một số trong chúng ta chưa hiểu rõ lắm. Rất nhiều trong chúng ta đã nhận được các giáo huấn về Đại Thủ Ấn (Mahamudra) và Đại Viên Mãn (Dzogchen), và ý nghĩa của Đại Thủ Ấn và Đại Viên Mãn được bao hàm trong dòng này. Dù vũ trụ bên ngoài và các chúng sinh có rộng khắp đến thế nào đi chăng nữa thì cũng hàm chứa trong thân và tâm của một người, thân và tâm của một người là thế giới thu nhỏ của vũ trụ bên ngoài và của tất cả chúng sinh trong đó. Chúng ta đã nói rằng hệ thống lý luận lô gích đã nghiên cứu điểm này; hệ thống này nghiên cứu xem liệu chúng ta có thể tìm được một sự hiện hữu vững chắc dù là ở cơ thể (ngoại tại) hay trong tâm (nội tại) hay không. Sau khi nghiên cứu kỹ càng, chúng ta không tìm thấy bất kỳ một sự tồn tại chân thực nào dù ở thân hay tâm. Khi chúng ta thực sự kiểm tra điều này, chúng ta sẽ thấy rằng cả hai – kẻ bám chấp vào cái ngã, và cái ngã bị bám vào – thật sự chẳng tồn tại. Nhận ra được điều này giống như nghi quỹ ghi “Sự chấp ngã, tà kiến và vọng niệm nhờ đó mà tan rã.”
TRÁNH TRI KIẾN CHẤP ĐOẠN VÀ CHẤP THƯỜNG
Tối nay chúng ta sẽ nói về dòng tiếp theo của trang 30 “Trạng thái Pháp thân vô ngã được xác lập.” Khi chúng ta nhìn vào tâm, chúng ta không tìm thấy một cái ngã nào để bám víu. Tuy nhiên có một sự tỉnh giác đi liền với tâm của mỗi chúng ta. Khi chúng ta hiểu và nhận ra bản chất của sự tỉnh giác này ‐ đó là giác tính đi liền với tâm của mỗi chúng ta – chúng ta sẽ hiểu rằng giác tính đó chính là pháp thân Phật. Mặc dù mang tính Không, nhưng chúng ta cũng không thể nói là pháp thân không tồn tại, nếu nói như vậy thì sẽ dẫn đến tri kiến chấp đoạn. Một số người hiểu là bản tâm không tồn tại nhưng họ lại bám chấp vào sự không tồn tại, thật ra chúng ta cũng không thể nói rằng nó không tồn tại; và cũng không thể nói nó tồn tại. Tuy nhiên nếu chúng ta bám vào sự tồn tại chắc thực và vĩnh cửu của bản tâm thì lại bị rơi vào tri kiến cực đoan chấp thường. Cả hai tri kiến chấp thường và chấp đoạn đều không nhận ra được bản chất thật sự của hiện tượng, và đều là tri kiến sai lầm.
BẢN CHẤT CỦA PHÁP THÂN
Theo quan điểm Phật giáo, chúng ta được chỉ dẫn rằng bản tâm không “tồn tại” mà cũng không “không tồn tại”, khi quan sát tâm mình chúng ta không tìm thấy sự tồn tại hay sự không tồn tại. Ví dụ, khi chúng ta xem vô tuyến hay xem phim phát ra từ máy chiếu, thì chúng ta có một cái máy nhỏ này – máy chiếu – và tất cả mọi thứ đều được lưu trong máy chiếu. Cái máy chiếu đó thì giống như nhận thức nguyên sơ, đó là nhận thức sáng tỏ mà mọi thứ đều xuất phát từ đó. Đức Milarepa đã gọi đó là nhận thức trần trụi tự nhiên, nó luôn ở đó và không bao giờ đi đâu cả. Các ý nghĩ thì đến và đi nhưng luôn có một giác tính nhận ra được các suy nghĩ đó. Giác tính này luôn luôn ở đó! Khi chúng ta tập trung vào giác tính này, sẽ có lúc mà những suy nghĩ quá khứ đã dừng lại và những suy nghĩ tương lai chưa tới. Nếu chúng ta nhìn vào khoảng trống giữa hai luồng suy nghĩ đó, thì sẽ thấy có một sự sáng rõ vĩ đại. Có một sự tỉnh giác biết rõ rằng không có khái niệm nào trong tâm cả, đây là tính giác mà chúng ta cần nhận ra! Tâm Kinh gọi đây là tính giác vượt thoát ngôn từ và suy nghĩ không thể diễn tả được. Tính giác sáng tỏ này biết rõ sự không tồn tại [thực chất] và sự vắng bóng của các suy nghĩ. Đây là tính giác mà chúng ta nên duy trì; chúng ta cần phải tiếp tục an trụ trong tính giác sáng rõ đó. Tính giác đó chính là Pháp thân. Không thể nói rằng tính giác đó tồn tại, cũng không thể nói rằng tính giác đó không tồn tại. Pháp thân thì giống như là không gian và chúng ta không thể tìm được một cái ngã trong pháp thân. Ở trong bản tâm như không gian đó của Pháp thân, tất cả các chư Phật an trụ.
Bản chất của pháp thân là sáng rõ và trống rỗng. Sự sáng rõ chiếu soi ấy chính là sự tỉnh giác biết rõ – còn gọi là tính giác. Ví dụ tính giác biết và phân biệt rõ điều gì một người vừa nói hoặc điều gì vừa xảy ra. Có một tính giác biết rõ và mọi thứ đều được nhận biết trong tính giác này, và chúng ta phải trực tiếp nhận ra tính giác đó. Vậy bản chất của tính giác nhận biết rõ mọi sự là gì? Khi chúng ta nhìn vào tính giác đó, chúng ta thấy không thể cầm nắm được, nó giống như không gian, nó không thể diễn tả, vượt khỏi ngôn từ và suy nghĩ và cũng không thể đặt một cái tên cho nó. Chúng ta không thể nói nó không tồn tại vì tính giác này tham gia tất cả các hoạt động khác nhau trong luân hồi và niết bàn; Chúng ta cũng không thể nói nó tồn tại vì nó không phải là vật chất để có thể bám nắm được. Nó trống rỗng; đó là hợp nhất của sự sáng rõ chiếu soi và sự rỗng rang mà không thể bám víu vào. Tính giác này không thể bị bám nắm vào giống như vật thể vì nó không có tính chất hay hình dạng gì cả.
Và vì vậy trong nghi quỹ nói rằng “giải thoát khỏi bám chấp và tạo tác.” Tính giác tự do thoát khỏi sự bám chấp và không thể tìm thấy ở đâu cả. Nó không tồn tại vì chúng ta không thể tìm được trong tính giác bất kỳ chất liệu nào có hình dạng, màu sắc hay hình thái. Tuy nhiên chúng ta cũng không thể nói tính giác không tồn tại vì chúng ta nhận thức rõ khi tham gia vào các hoạt động thế tục và Phật pháp. Có một sự tỉnh giác tham gia vào các hoạt động. Nếu không có tỉnh giác thì cơ thể cũng chỉ như một mảnh nhỏ vật chất nào đó. Chính tính giác là chủ thể tham gia vào hoạt động. Chúng ta không thể tìm thấy cái gì tồn tại hoặc cái gì không tồn tại. Tính giác này không thể cầm nắm được bằng bất cứ cách nào. Và chính cái tính giác không thể cầm nắm được đó là hợp nhất của sự sáng tỏ chiếu soi và sự rỗng rang, tự do thoát khỏi mọi tạo tác và bám chấp. Đó chính là cái chúng ta cần thuần thục khi thiền định!
DUY TRÌ TRẠNG THÁI PHI TẠO TÁC TRONG LÚC THIỀN ĐỊNH
“Giải thoát khỏi tạo tác” cũng có nghĩa là không bám chấp vào bất cứ thứ gì xuất hiện, có rất nhiều suy nghĩ liên tục xuất hiện trong tâm trí của chúng ta, nhưng chỉ khi chúng ta bám chấp vào thực tại của những suy nghĩ đó – coi nó là chân lý hay sự tồn tại thực sự ‐ thì tâm mới bị đông đặc lại giống như tảng băng. Tạo tác có nghĩa là suy nghĩ lặp đi lặp lại về điều gì đó, ví dụ dán nhãn và đánh giá mọi thứ: nói nó giống thế này hay giống thế kia, sắp xếp các kế hoạch cho tương lai; nghĩ về nhiều thứ khác nhau và tin vào sự tồn tại chắc thực của chúng. Chúng ta càng nghĩ về chúng thì tâm càng đông đặc lại giống như tảng nước đá, chính sự đông đặc đó đã tạo ra luân hồi. Khi luân hồi được tạo ra thì có vẻ như mọi suy nghĩ và trải nghiệm là rất thực bởi vì chúng trở nên rất vững chắc trong tâm của chúng ta. Đầu tiên điều mà chúng ta cần làm là nhận ra những suy nghĩ nhỏ, tinh tế xuất hiện trong tâm. Huấn luyện cho tâm nhận ra tất cả các suy nghĩ đó. Bất cứ khi nào một suy nghĩ nhỏ nào xuất hiện trong tâm, hãy trụ tâm mình trong sự hợp nhất của sự tỉnh giác sáng rõ và tính Không; và chúng ta sẽ có khả năng vượt qua được những suy nghĩ không thuộc loại căng thẳng trong thời gian thực hành ban đầu. Khi chúng ta nhận ra và vượt qua càng nhiều suy nghĩ thì sự tỉnh giác của chúng ta sẽ trở nên càng mạnh mẽ, sự tỉnh giác này sẽ ngày một mạnh mẽ hơn và sau đó chúng ta sẽ có thể vượt qua được những khái niệm căng thẳng hơn, và đến lúc chúng ta sẽ thậm chí không còn sợ cái chết nữa vì chúng ta đã hiểu rằng mặc dù thân rồi sẽ phải tan rã nhưng tâm thức thì vượt khỏi sinh và tử.
ĐẠT ĐƯỢC SỰ ỔN ĐỊNH TRONG THỰC HÀNH
Khi chúng ta thiền định và nhìn vào sự tỉnh giác này, chúng ta sẽ không tìm thấy gì để bám víu vào. Nhưng có một sự tỉnh giác sáng rõ – tính giác – biết rõ mọi sự, đó chính là tính giác mà chúng ta cần phải nhìn thấy. Và khi đã trực ngộ được tính giác này, chúng ta cần an trụ trong tính giác đó. Khi chúng ta làm như vậy, tâm chúng ta sẽ rất hạnh phúc, tâm ấy an trụ giống như không gian – không che chướng – vượt thoát khỏi sinh tử, vượt thoát khỏi sinh và diệt, chúng ta chỉ cần giữ được ở trong trạng thái này. Vấn đề là có thể chúng ta thấy được tính giác đó nhưng lại không an trụ được trong trạng thái này vì rất nhiều suy nghĩ lại tiếp tục xuất hiện – bám luyến, đối đãi, hạnh phúc, khổ đau ‐ nhiều thứ xuất hiện.
Vào thời gian thực hành ban đầu, sẽ khó để vượt qua và an trụ được chỉ bằng cách nhận ra các suy nghĩ xuất hiện, nó đòi hỏi phải thực hành dần thành thói quen. Mặc dù đầu tiên chúng ta nhận ra bản chất sáng rõ và rỗng rang của tính giác này, chúng ta cũng không thể ngay lập tức vượt qua được tất cả các suy nghĩ và khó khăn. Chúng ta cần thực hành cho đến khi thuần thục! Chúng ta chỉ có thể đủ khả năng buông bỏ được khó khăn hay vấn đề khi chúng xuất hiện thông qua việc dần dần thuần thục với trạng thái này. Khi đó những suy nghĩ và vấn đề sẽ tự tan biến, nhưng nếu không quen dần và thuần thục dần với thực hành này, chúng ta sẽ không có khả năng vượt qua được tất cả các suy nghĩ đó. Thậm chí nếu chúng ta có nhận ra được các suy nghĩ xuất hiện nhưng thiếu việc thực hành cho thuần thục thì cũng sẽ khó để có thể vượt qua được chúng.
Tuy nhiên việc chỉ trực ngộ được giác tính này cũng mang đến lợi ích, đó là chúng ta sẽ không bị dính mắc quá nhiều vào hạnh phúc hay bị lấn át bởi khổ đau. Khi chúng ta có khả năng đạt được sự ổn định trong trạng thái tỉnh giác sáng rõ, tâm khi đó được gọi là Phật Kim Cang Trì (Vajradhara). Khi đạt được sự an trụ vững vàng thì trong bản chất an nhiên đó, không có sự khác nhau giữa hạnh phúc và khổ đau. Khi không còn có sự khác nhau nào nữa giữa hạnh phúc và khổ đau, thì chúng ta cuối cùng đã đạt được sự độc lập hay tự do.
Ở Tây Tạng chúng tôi có ba đại học giả, đại đạo sư: đó là Đức Tông Khách Ba (Je Tsongkhapa), Pháp vương Longchen Rabjam, và Đức Sakya Pandita. Pháp vương Longchen Rabjam đã nói trong tác phẩm Mengag Dzo – Kho báu của những chỉ dẫn cốt tủy – rằng, “khi một người trực ngộ ra được bản tâm không tạo tác, người đó không cần học thêm bất cứ kinh điển nào nữa”. Khi một người trực ngộ được sự hợp nhất của tính giác sáng rõ và tính không rỗng rang, tự do thoát khỏi mọi bám chấp, người đó không cần học thêm gì nữa.
TRI KIẾN, THIỀN ĐỊNH, VÀ CÔNG HẠNH
Nhận ra được tri kiến thông qua công phu thiền định thuần thục
Khi chúng ta nhận ra được bản chất của tâm, điều đó được gọi là nhận ra tri kiến. Chúng ta nhận ra thông qua việc thực hành đi thực hành lại thiền định về tâm cho đến khi thuần thục, chúng ta cần phải thuần thục việc thiền định. Bất cứ khi nào có cảm xúc tiêu cực rất mạnh nổi lên, chúng ta phải tiếp tục an trụ trong sự tỉnh giác. Dù đó là tức giận hay bám luyến – bất cứ cái gì xuất hiện – nếu sự tỉnh giác được duy trì, thì tất cả những cảm xúc kia sẽ không còn sức mạnh nữa. Chúng sẽ không còn làm ảnh hưởng đến chúng ta nữa, và khi đó chúng ta đã thuần thục với việc thiền định. Đó chính là tri kiến và thiền định!
Thực hiện công hạnh với tâm vị tha
Và sau đó là các công hạnh, mặc dù chúng ta tiếp tục tham gia vào rất nhiều hoạt động, dù là hoạt động Phật pháp hay hoạt động thế tục – bất cứ điều gì chúng ta làm với thân, khẩu, ý – thì chúng ta cần không tách rời tâm vị tha. Nếu chúng ta không tách rời và luôn duy trì tâm vị tha, chúng ta có thể tham gia vào bất cứ hoạt động nào, đó là tri kiến, thiền định, và công hạnh. Đức Longchen Rabjam đã nói, “khi các khái niệm được giải thoát tan vào trong chính nơi mà nó sinh ra, thì không cần thiết phải từ bỏ luân hồi”. Đức Jigten Sumgon cũng đã nói rằng, “khi một người nhận ra tri kiến hay nhận ra được bản tâm, người đó cũng nhận ra rằng những dòng suy nghĩ không gián đoạn thực chất cũng là giác tính nguyên sơ”.
Khi chánh niệm và tỉnh giác của một người trở nên mạnh mẽ ‐ khi một người nhận ra bản chất thực sự của tất cả các khái niệm thực chất cũng chính là tính giác ‐ thì tất cả các suy nghĩ và cảm xúc dù là nhẹ nhàng hay mạnh mẽ, khi chúng xuất hiện thì chúng cũng sẽ tự nhiên tan hòa lại vào trong bản tâm, bởi vì chúng cũng chính là tính giác. Khi điều này xảy ra, khi những suy nghĩ được giải phóng theo cách này, thì chúng ta nhận ra công hạnh cũng giống như giấc mơ hay ảo ảnh. Như đã nói trong 37 Pháp Hành Bồ Tát đạo: “Đau khổ cũng tựa như cái chết của đứa con trong giấc mơ của bà mẹ ”. Khi đó đau khổ và các cảm xúc ô nhiễm không còn tác động đến chúng ta nữa.