NGÀY 04
Phần 1
HÒA TAN QUÁN TƯỞNG PHẬT A‐DI‐ĐÀ VỚI CHÚNG TA
Trang 18 có dòng chữ nhỏ ở cuối trang như sau “Khấn cầu như vậy và quán rằng Phật A Di Đà và thánh chúng đã thực sự xuất hiện từ cõi Tịnh độ Cực lạc, và hợp nhất, như nước đổ vào nước, với con, [trong hình tướng của] đức Bổn tôn mật nguyện đã được con quán tưởng”, việc quán tưởng này là ở góc độ thế tục và tương đối. Ở khía cạnh tương đối, chúng ta quán tưởng rằng tại một địa điểm cách xa trái đất này, có Đức Phật A Di Đà và cõi Tây Phương Cực Lạc, sau đó chúng ta quán tiếp là Phật A Di Đà và đoàn tùy tùng giáng hạ và tan hòa bất nhị vào chúng ta. Nghi quỹ tiếp tục “giống như nước chảy vào nước” – đó là nói đến khía cạnh tối hậu: bản chất thật sự của Phật A Di Đà là Pháp thân tràn khắp. Bản chất của Phật A Di Đà trong không gian bên ngoài và Phật tánh của chính chúng ta thực sự không tách rời, cũng giống như đổ nước vào nước, hay không gian hòa vào không gian. Không có sự phân cách nào cả! Ở khía cạnh tuyệt đối, Phật A Di Đà xuất hiện ngay tức khắc bởi vì bản chất pháp thân Phật thì lan tỏa khắp mọi nơi trong không gian và không nơi nào là không có sự tồn tại của pháp thân Phật. Thông qua sự khấn nguyện của chúng ta và từ lòng bi mẫn có trong bản chất Pháp thân, các hiện tướng báo thân Phật xuất hiện dưới rất nhiều hình thức và kích cỡ.
Câu chú đi cùng – DZA HUM BAM HO – cũng liên quan đến bài khấn nguyện mở đầu mà chúng ta đã đọc buổi sáng – quy y và phát Bồ Đề Tâm. Câu chú đó nói tới Tứ Vô Lượng Tâm, khi chúng ta phát khởi và trưởng dưỡng Tứ Vô Lượng Tâm, tâm của chúng ta và tâm của chư Phật trở thành một. Ở khía cạnh tối hậu, nền tảng của tâm chúng ta thì đã giống hệt nền tảng của tâm tất cả chư Phật. Sự khác nhau xuất hiện là do chúng ta có thái độ nuông chiều cái tôi của mình; còn chư Phật thì phát khởi tâm vị tha. Nhưng nếu chúng ta phá bỏ đi tâm chấp ngã và phát khởi tâm nguyện vị tha, chúng ta sẽ trở nên bất nhị với các vị [Hộ] Phật hay các vị Phật. Nếu chúng ta hiểu được điểm này, chúng ta hiểu được bản chất thực sự của các vị [Hộ] Phật. Các ngài là hiện thân của Bồ Đề Tâm. Do đó khoảnh khắc mà chúng ta phát khởi tình yêu thương và lòng bi mẫn thì bất cứ vị [Hộ] Phật nào chúng ta đang thực hành sẽ thật sự đến trong tâm chúng ta. Điểm này rất quan trọng!
GIA TRÌ CHO PHẨM VẬT CÚNG DƯỜNG
Tiếp theo chúng ta bàn về gia trì phẩm vật cúng dường. Bắt đầu với “RAM YAM KAM” và xuất hiện trong tất cả các phẩm vật cúng dường khác nhau. Mục đích của việc gia trì phẩm vật cúng dường là để xua tan ảo tưởng của chúng ta ‐ ảo tưởng bám chấp vào cái tôi khi thực chất không có cái tôi nào cả. Chính từ ảo tưởng bám chấp vào cái tôi này mà vũ trụ và cả chúng sinh trong đó được tạo ra, chúng ta tạo ra sáu cõi luân hồi và nghĩ rằng những thứ chúng ta thấy là thật có và thực sự tồn tại; chúng ta bám chấp vào thực tại của tất cả mọi thứ hiện hữu, vào vũ trụ và vào chúng sinh.
“RAM YAM KAM” tượng trưng cho lửa, nước, và gió, sự bám chấp được đốt cháy bởi lửa, rửa sạch bởi nước và làm tan đi bởi gió vào trong khoảng không trống rỗng. Nó cho thấy mọi thứ đều không có sự tồn tại thực chất, mặc dù mọi thứ không có sự tồn tại thực chất nhưng chúng ta lại nghĩ rằng chúng tồn tại thực sự. Ở đây có một khái niệm đã vượt trội khái niệm khác. Chúng ta nghĩ rằng “Sự bám chấp vào thực tại của mọi hiện hữu đều được thiêu cháy, gột rửa và làm tan đi theo gió.” Chẳng có bất cứ cái gì mang sự hiện hữu thực sự, chúng ta cần phải tìm hiểu sâu và thuần thục sự hiểu biết này!
OM AH HUNG LIÊN QUAN ĐẾN BA THÂN
Tiếp theo là ba chủng tự “OM AH HUNG”, khi chúng ta đã tịnh hóa bám chấp coi mọi thứ thực tại là thật có, chúng ta sẽ nhận thấy vũ trụ bên ngoài như một cung điện cõi trời và xuất hiện như cầu vồng, và chúng sinh trong đó như các vị [Hộ] Phật, là sự hợp nhất của sắc tướng và tính Không. Toàn bộ vũ trụ và các chúng sinh được thấy như là cõi tịnh độ, và không có sự bám chấp nào vào thực tại hay coi mọi thứ tồn tại thực sự. “OM AH HUNG” tượng trưng cho thân, khẩu, ý giác ngộ của tất cả chư Phật. Ba chủng tự này cũng liên quan đến ba thân. Tinh túy của thân được đại diện bởi chủng tự OM và muốn nói đến hóa thân; nó cũng mang ý nghĩa rằng mọi sắc tướng xuất hiện nhưng về bản chất là trống rỗng nội tại. AH đại diện cho tinh túy của khẩu hay báo thân, tượng trưng cho sự hợp nhất của âm thanh và tính Không, và không có sự nhị nguyên bám chấp ở hình thức dính mắc hay đối đãi với mọi âm thanh chúng ta nghe. Điều này cũng muốn nói đến việc trì tụng minh chú, tinh túy của tâm được thể hiện bởi chủng tự HUNG và tượng trưng cho pháp thân, bản chất thật sự của tâm, và đó là sự hợp nhất của sự tỉnh giác sáng tỏ và tính Không. Vì vậy ba chủng tự “OM AH HUNG” tượng trưng cho thân, khẩu, ý giác ngộ và cũng tượng trưng cho ba thân.
Chúng ta được dạy rằng tất cả các hiện tượng trong luân hồi và niết bàn đều có bản chất của ba thân, nếu không hiểu được điều này thì chúng ta được gọi là chúng sinh; nếu nhận ra được điều này thì chúng ta nhận ra được tri kiến Mật Thừa xua tan và loại bỏ đi tất cả các bám chấp vào thực tại. Điều khác nhau duy nhất là ở chỗ chúng ta có nhận ra được điểm này hay không? Nếu không nhận ra được thì chúng ta sẽ tin vào thực tại của luân hồi. Vì vậy tóm tắt lại: đầu tiên bám chấp được xua tan và sau đó những nhận thức bất tịnh được tịnh hóa, và “OM AH HUNG” tượng trưng cho phẩm chất của ba thân.
BA THÂN VÀ CHÚNG SINH
Tất cả mọi hiện tượng về bản chất đều là ba thân. Nhìn ở góc độ ngoại tại, vũ trụ và chúng sinh cũng có bản chất của ba thân; Nhìn ở góc độ nội tại, ba thân cũng được hàm chứa trong chính thân thể và sắc tướng của chúng ta. Thân thể vật lý bên ngoài của chúng ta là hóa thân. Nhìn ở phương diện thế tục, chừng nào mà chúng ta còn chưa nhận ra được điều này, chúng ta sẽ tạm thời phải trải nghiệm ốm đau thân thể và nhiều kiểu đau khổ khác nhau. Khẩu bên ngoài – các chuyển động khác nhau của gió và âm thanh – được biết đến như là báo thân. Tâm bên trong, bản tâm của chúng ta, được ứng với pháp thân. Vì vậy một con người cũng thể hiện và bao hàm cả ba thân. Ở góc độ ẩn mật thì chỉ trong tâm thôi, hạt giống của cả ba thân cũng đã có sẵn ở đó. Ở góc độ ẩn mật ba thân được bao hàm trong chính tâm của mỗi chúng ta. Việc bao hàm này như thế nào? Bản chất của tâm là trống rỗng như không gian và đó là bản chất của pháp thân. Bản chất của tâm cũng là sự sáng tỏ chiếu soi ‐ có một sự tỉnh giác sáng tỏ ‐ và đó là báo thân. Sự tỉnh giác chiếu soi và tính Không rỗng rang thì hợp nhất bất khả phân chia và lan tràn vào khắp không gian vượt thoát mọi sự bám chấp – đó chính là phẩm chất của hóa thân.
Tóm tắt lại, nhìn ở góc độ ẩn mật thì ba thân được bao hàm trong chính tâm của mỗi chúng ta. Nhìn ở góc độ bên ngoài thì ba thân được bao hàm trong vũ trụ và chúng sinh; nhìn ở góc độ bên trong thì ba thân được bao hàm trong một con người; và nhìn ở góc độ ẩn mật thì ba thân được bao hàm trong tâm mỗi người. Nếu chúng ta hiểu được điều này, chúng ta hiểu được tri kiến Mật Thừa.
MINH CHÚ CÚNG DƯỜNG
Tiếp theo ở trang 19 là câu minh chú bằng tiếng Phạn (Sankrit) , và ý nghĩa của câu minh chú được giải thích trong phần chữ in nhỏ bên dưới. Giải thích rằng “quán tưởng đang cúng dường, v.v...” Đây là điều chúng ta quán tưởng khi tụng chú, minh chú trở thành phẩm vật cúng dường. Chúng ta cũng đã nhắc đến trong lần giảng trước là khi chúng ta tụng và quán tưởng câu minh chú, ánh sáng tỏa rọi từ câu minh chú trở thành phẩm vật cúng dường và làm viên mãn tất cả mọi ước nguyện của chúng ta. Chúng ta đã nói rằng có ba phẩm chất hay lợi lạc lớn mà minh chú tượng trưng và làm viên thành: minh chú tượng trưng cho vị [Hộ] Phật, minh chú tượng trưng cho phẩm vật cúng dường, và minh chú tịnh hóa che chướng. Minh chú cũng như viên ngọc như ý và vì vậy viên thành các công hạnh giác ngộ. Những công hạnh này được thành tựu dựa vào minh chú. Vì vậy khi chúng ta tụng minh chú của một vị [Hộ] Phật, chúng ta nên nghĩ rằng từ vòng ánh sáng của câu minh chú, vô số thiên nam và thiên nữ cúng dường lan tỏa khắp nơi, vô số không hành nam và không hành nữ mang đủ loại phẩm vật cúng dường cũng lan tràn khắp nơi đến các cõi tịnh độ vô biên và dâng cúng ở đó. Họ cũng lan tràn để mang lại lợi lạc cho chúng sinh. Đây là cách mà chúng ta thực hành quán tưởng.
PHẨM VẬT CÚNG DƯỜNG
Có rất nhiều phẩm vật cúng dường khác nhau được nhắc đến ở đây, như bảy biểu tượng cao quý, tám món cát tường, và tám biểu tượng cát tường. Mỗi một phẩm vật này đều có mục đích hay ý nghĩa riêng. Thỉnh thoảng có người nghĩ: nếu chúng ta dâng cúng chư Phật thì các Ngài sẽ hạnh phúc, còn nếu chúng ta không dâng cúng chư Phật thì các Ngài không vui. Thực ra không phải như vậy, vì những thứ chúng ta dâng cúng chư Phật thì đã có sẵn ở các cõi tịnh độ một cách tự nhiên thông qua sức mạnh của Bồ Đề Tâm. Ví dụ nếu thông qua sức mạnh của sự cầu nguyện, chúng ta dâng cúng một bông hoa thì một bông hoa cũng đã được tự nhiên xuất hiện ở cõi tịnh độ thông qua sức mạnh của tâm nguyện. Mục đích của dâng cúng là biện pháp đối trị với chấp ngã, tham lam và tham luyến.
Mỗi phẩm vật cúng dường có tầm quan trọng riêng. Ví dụ trong sáu Ba la mật thì bố thí là phương cách đối trị với tham lam và chấp ngã. Khi chúng ta dâng đến những bậc cao hơn thì điều đó trở thành cúng dường và là phương pháp đối trị với chấp ngã hay dính mắc. Khi cúng dường nếu chúng ta niêm phong sự cúng dường với Bồ Đề Tâm – tức là hướng đến việc Giác Ngộ ‐ thì chúng ta sẽ luôn đạt được hai kết quả: kết quả tạm thời và kết quả tối hậu. Kết quả tạm thời là kết quả tương xứng với nhân mà chúng ta sẽ trải nghiệm trong tất cả các đời tương lai. Ở đây có hai khía cạnh: trải nghiệm tương xứng với nhân, và hành động tương xứng với nhân. Ví dụ nếu chúng ta cúng dường một bông hoa cho một vị [Hộ] Phật, kết quả tương xứng với nhân sẽ là trong tất cả các đời tương lai chúng ta sẽ có một diện mạo đẹp đẽ và mùi thơm dễ chịu. Hành động tương xứng với nhân có thể ví dụ là, nếu đời quá khứ chúng ta đã tham gia vào các công việc thiện hạnh như đã quy y Tam Bảo, v.v... thì trong đời này chúng ta cũng sẽ học tập những giáo huấn quý giá của Đức Phật và là một thành phần của Tăng Đoàn. Trải nghiệm và hành động tương xứng với nhân là chúng ta sẽ có khuynh hướng giống như trước đây; và chúng ta sẽ tiếp tục cúng dường Tam Bảo trong tất cả mọi đời.Vì vậy mỗi phẩm vật mà chúng ta cúng dường thì mang lại kết quả tương xứng với nhân, và mỗi phẩm vật cúng dường đều rất có ý nghĩa. Những từ ngữ được viết trong nghi quỹ về phần cúng dường này khá rõ ràng và chúng ta không cần giải thích thêm nhiều nữa.
SÁU BA LA MẬT VÀ CÁC TÁI SINH ĐỜI VỊ LAI
Điều được tiếp tục giải thích ở đây là Sáu Ba‐La‐Mật. Ba Ba‐La‐Mật đầu tiên ‐ Bố thí, Trì giới, và Nhẫn nhục – là nhân để có được phẩm chất của các cõi cao và mang lại những lợi lạc tạm thời. Trì giới, ví dụ giữ được bốn giới gốc , v.v... là nhân để có được thân người quý hiếm. Bố thí là nhân để có được giàu sang và thịnh vượng, và nhẫn nhục là nhân để có được bạn bè hòa hợp, diện mạo đẹp đẽ và cuộc sống dài lâu. Thiền định và Trí huệ là nhân để đạt được Giác Ngộ, lợi ích tối thượng. Cả năm Ba‐La‐Mật này cần sự hỗ trợ của Ba‐La‐Mật thứ sáu, đó là Tinh tấn, tất cả các Ba‐La‐Mật đều cần đi cùng với Ba‐La‐Mật Tinh tấn.
Nếu chúng ta biết năm Ba‐La‐Mật mà thiếu đi Tinh tấn thì chúng ta cũng không có được lợi lạc. Vì vậy Tinh Tấn là sự hỗ trợ cần thiết cho các Ba‐La‐Mật khác.
BỐN BA‐LA‐MẬT NỮA TRONG CỖ XE MẬT THỪA
Theo truyền thống mật thừa, có mười Ba‐La‐Mật . Cho đến trang 23 [trong nghi quỹ] thì có sáu Ba‐La‐Mật được nói đến. Đến trang 24 bắt đầu nói đến bốn Ba‐La‐Mật khác cùng với việc dâng cúng dường thức ăn. Phương tiện [thiện xảo], Sức mạnh [của Bồ Đề Tâm], Cầu nguyện, Trí huệ [nguyên sơ] là bốn Ba la mật còn lại. Vậy trong truyền thống Mật thừa có mười BaLa‐Mật. Chúng ta để cả mười Ba‐La‐Mật ở trong nghi quỹ này vì chúng bao hàm những lời dạy chân thật của Đức Phật. Trong nghi quỹ có giải thích các lợi ích tạm thời của mười Ba‐La‐Mật. Thầy cũng sẽ giải thích thêm về các lợi ích tối hậu của mười Ba La‐Mật, mà điều này cũng đã được giải thích trong tuyển tập Một trăm nghìn bài đạo ca của Đức Milarepa. Việc hiểu được ý nghĩa của mười Ba‐La‐Mật này là rất quan trọng!
1. Phương pháp hay phương tiện thiện xảo
Trước hết liên quan đến bốn Ba la mật còn lại này, những học giả khác sẽ có khả năng đưa ra những giải thích thâm sâu và đầy đủ hơn. Tuy nhiên làm cách nào chúng ta có thể giải thích về chúng một cách đơn giản và thiện xảo để những người bình thường có thể hiểu được? Phương pháp là Ba‐La‐Mật đầu tiên trong bốn Ba‐La‐Mật còn lại, phương pháp là những phương tiện thiện xảo mà đức Phật đưa ra. Biển khổ đau luân hồi thì sâu và rộng, và ai đã tìm ra phương pháp để tự do khỏi biển đau khổ đó? Chính là đức Phật. Đức Phật tìm ra phương pháp để giải thoát khỏi luân hồi, nếu chúng ta thực hành phương pháp đức Phật dạy, chúng ta có thể tin tưởng rằng rồi chúng ta cũng sẽ được giải thoát khỏi luân hồi. Và đó chính là Ba‐La‐Mật Phương tiện.
2. Sức mạnh của Bồ Đề Tâm
Tiếp theo là Ba‐La‐Mật về sức mạnh. Khi chúng ta quy y Tam Bảo, chúng ta có thể làm trống rỗng ba cõi luân hồi. Chúng ta có thể được giải thoát. Ba‐La‐Mật về Sức mạnh có năng lực để giải phóng chúng ta. Cái gì có sức mạnh? Phương pháp có sức mạnh, phương pháp có sức mạnh giải phóng chúng ta, và phương pháp chính là Bồ Đề Tâm. Khi chúng ta trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm, thì điều đó có sức mạnh để giải thoát chúng ta khỏi luân hồi. Từ vô thủy vô chung cho đến nay chúng ta đã nhiễm thói quen chấp ngã. Bằng mắt thường chúng ta không nhìn thấy chấp ngã và vì vậy không phá hủy được nó. Thậm chí ngay cả khi chúng ta ném bom nguyên tử hay vũ khí vào chấp ngã, chúng ta cũng không thể phá hủy được nó. Vậy thì cái gì có thể phá hủy chấp ngã? Đức Phật đã tìm ra vũ khí mà có thể phá hủy được chấp ngã, phương pháp có thể giải thoát chúng ta khỏi luân hồi. Phương pháp này có sức mạnh phá hủy chấp ngã. Vào khoảnh khắc mà chúng ta phát khởi tâm vị tha, thì khoảnh khắc đó không còn chấp ngã. Nếu một khoảnh khắc nhỏ mà cũng đã có sức mạnh như vậy thì liệu còn phải hỏi về sức mạnh vĩ đại của tâm Phật hay không. Đây là cách mà chúng ta, những người không học và đọc nhiều, hiểu được về điểm này.
3. Cầu nguyện
Tiếp theo là Ba‐La‐Mật Cầu nguyện. Đức Phật đầy đủ phương tiện thiện xảo đã đưa ra phương pháp và khi chúng ta áp dụng phương pháp Bồ Đề Tâm thì sẽ có được sức mạnh phá hủy chấp ngã, dấu ấn, tập khí trong dòng tâm thức. Nhưng thậm chí nếu chúng ta không đạt được giác ngộ trong đời này thì chúng ta có thể trông cậy vào Ba‐La‐Mật thứ ba: Cầu nguyện. Bằng sức mạnh của sự cầu nguyện chúng ta có thể được tái sinh trên các cõi tịnh độ như Tây Phương Cực Lạc v.v.. Thực tế là tất cả các cõi tịnh độ như Tây Phương Cực Lạc đều được hình thành thông qua sức mạnh cầu nguyện – những lời cầu nguyện đi cùng với Bồ Đề Tâm. Ví dụ khi chúng ta thọ giới quy y, chúng ta phát ra lời cầu nguyện rằng trong đời này và tất cả các đời vị lai, chúng ta nguyện sẽ không bao giờ rời xa Tam Bảo, Đạo sư, v.v... Chính lời cầu nguyện này chúng ta đã mang trong giòng tâm thức từ đời này qua đời khác. Nó là sự tương tục của Bồ Đề Tâm chúng ta sẽ mang theo, và vì vậy những lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được thành tựu.
Ví dụ một lời cầu nguyện trong giới nguyện quy y có thể là “Trong kiếp vị lại nguyện xin cho con gặp được Phật Pháp ngay từ khi mới sinh ra.” Và kết quả của lời cầu nguyện này, chúng ta được sinh ra trong gia đình có cha mẹ tốt, cha mẹ là Phật tử; thậm chí đôi khi người mẹ khi đang mang thai đã quy y cho đứa con đang còn ở trong bụng. Đứa bé chưa sinh ra đã được quy y, và đó cũng là do sức mạnh của cầu nguyện. Do sức mạnh của cầu nguyện, chúng ta được sinh ra ở một nơi tốt đẹp với cha mẹ tốt đẹp; chúng ta sẽ học hành tinh tấn và có được nhiều phẩm chất tốt đẹp. Chúng ta cũng sẽ có được phấm hạnh thành tựu mục đích của người khác và bản thân. Chúng ta có thể thấy rằng trên thế giới này có rất nhiều người có những phẩm chất vĩ đại như vậy. Tất cả những hoạt động dù ở mức độ tâm linh hay thế tục đều được thành tựu thông qua sức mạnh của cầu nguyện.
4. Ba‐La‐Mật Trí huệ nguyên sơ
Vậy là chúng ta có Phương pháp – là Bồ Đề Tâm – và thông qua phương pháp đó khi chúng ta thực hành việc cầu nguyện, chúng ta sẽ mang sự tương tục – là công đức – với mình trong các đời vị lai. Và kết quả là cuối cùng chúng ta sẽ đạt được Giác ngộ. Trong Ba‐La‐Mật cuối cùng điều này được nói là Trí tuệ nguyên sơ và có nghĩa là thấu triệt bản tâm và đạt được Giác Ngộ. Tóm tại bốn Ba‐La‐Mật còn lại là: Phương tiện [thiện xảo], Sức mạnh [của Bồ Đề Tâm], Cầu nguyện, Trí huệ [nguyên sơ].
Bốn Ba‐La‐Mật còn lại này được giải thích rất rõ trong tuyển tập Một trăm ngàn bài đạo ca của Đức Milarepa, trong một chương của tuyển tập, với bối cảnh khi những vị Geshe của dòng Kadampa thách đố đức Milarepa. Milarepa không học nhiều kinh sách, và khi những vị Geshe này thách đố Milarepa và yêu cầu Ngài giải thích sự hiểu biết của mình về các Ba‐LaMật này, thì Milarepa đã hát một số bài đạo ca để hồi đáp cho những thách thức của các vị Geshe. Những bài đạo ca này rất tuyệt vời và đã được dịch ra tiếng Trung Quốc và tiếng Anh, và chúng ta nên đọc các bài đạo ca đó.Ví dụ liên quan đến Ba‐LaMật Phương pháp, Milarepa đã hát “Thực hành đức hạnh toàn hảo trong bất cứ việc gì con làm. Ngoài ra không có phương pháp nào hơn thế.” Điều đó có nghĩa ở mức lý tưởng nếu chúng ta luôn luôn không tách rời khỏi tình yêu thương và lòng bi mẫn, thì bất cứ việc gì chúng ta làm với thân, khẩu, ý, dù ở mức độ tâm linh hay thế tục, sẽ trở thành nhân của công đức. Hoặc nếu chưa được ở mức lý tưởng mà ở mức trung gian, chúng ta nên duy trì không tách rời khỏi sắc tướng sáng rõ của vị [Hộ] Phật, hay không tách rời việc quán tưởng vị [Hộ] Phật. Khi đó bất cứ việc gì chúng ta làm sẽ trở thành bữa tiệc cúng dường dâng cho vị [Hộ] Phật. Đây chính là phương tiện thiện xảo, phương pháp để chuyển hóa tất cả các hành động thành đức hạnh một cách thiện xảo.
Ba‐La‐Mật Sức mạnh đánh thắng bốn ma vương như thế nào
Đức Milarepa cũng đã nói rằng, “không có năng lực nào vĩ đại hơn năng lực của Ba‐La‐Mật Sức mạnh trong việc đánh bại bốn ma vương.” Bốn ma vương gồm: ma vương ngũ uẩn, ma vương các cảm xúc ô nhiễm; ma vương con Trời, ma vương thần chết. Ma vương ngũ uẩn được đánh bại khi chúng ta nhận ra rằng bản chất thật của ngũ uẩn, tứ đại, và các giác quan thì không có sự tồn tại thật sự nào cả. Ma vương ngũ uẩn được giải thoát khi chúng ta nhận ra về bản chất, ngũ uẩn thật sự thanh khiết và chính là các vị [Hộ] Phật. Ma vương những cảm xúc tiêu cực được nhận ra và giải thoát khi chúng ta nhận ra rằng những phát khởi của tâm và những cảm xúc ô nhiễm không tồn tại thực sự, và khi được nhận ra thì chúng sẽ tan đi như là những tảng băng tan thành nước. Nhận ra được bản chất trỗng rỗng của những cảm xúc tiêu cực, ma vương cảm xúc ô nhiễm được giải phóng. Ma vương con của Trời tựu trung chính là những dính mắc vào những vui thú tạm thời không thanh tịnh của đời này. Khi chúng ta nhận ra được hạnh phúc luân hồi không có bản chất thực tại và nỗ lực để đạt đến hạnh phúc vĩnh cửu và tối hậu của Giác Ngộ thì ma vương con của Trời được giải thoát. Ma vương thần chết được giải thoát khi chúng ta nhận ra bản chất bất tử của Phật tánh. Khi chúng ta nhận rằng tâm mình thật sự không thể chết, chúng ta được giải phóng khỏi ma vương thần chết. Đó là cách mà Milarepa đã giải thích về Ba‐La‐Mật sức mạnh.
Những phẩm tính đạt được khi Ba‐La‐Mật Cầu nguyện và Trí Huệ thành tựu
Liên quan đến Ba‐La‐Mật cầu nguyện, Đức Milarepa đã nói rằng ngoài việc thành tựu mục đích, không có cầu nguyện nào khác. Vậy cái gì cần được thành tựu? Khi chúng ta phát khởi tình yêu thương và lòng bi mẫn và không còn chấp ngã, thì khi đó chúng ta đã trưởng dưỡng lòng từ bi vô điều kiện. Tâm từ bi vô điều kiện không còn chấp ngã là mục đích cần thành tựu của Milarepa. Từ sự thành tựu này của Milarepa, đã có rất nhiều những hành giả của dòng truyền thừa Kagyu theo bước chân của Ngài. Và thông qua sức mạnh và sự gian khổ của Milarepa mà chúng ta, là những người bước theo chân Ngài, có thể nhận ra được bản chất của Đại Thủ Ấn (Mahamudra). Milarepa đã đạt được Giác Ngộ vì lợi lạc của bản thân mình và người khác; và thông qua tình yêu thương và lòng tốt vĩ đại của Milarepa mà chúng ta, những hành giả đi theo bước chân Ngài, có khả năng đạt được Đại Thủ Ấn (Mahamudra) chỉ trong một đời.
Truyền thống Kinh điển có nói rằng trừ phi một người tích lũy công đức trong ba a tăng tỳ kiếp, nếu không sẽ không thể nhận ra được bản chất của tâm.Tuy nhiên vì lòng bi mẫn của Milarepa, chúng ta thật sự có khả năng nhận ra bản chất của tâm trong một đời. Vì vậy mà được nói rằng không có lời cầu nguyện nào khác ngoài việc thành tựu mục đích này.
Ba‐La‐Mật quan trọng nhất là Ba‐La‐Mật cuối cùng – Trí huệ, và chúng ta đạt được Trí huệ thông qua nhiều thực hành khác nhau. Cái mà chúng ta còn gọi là Đại Thủ Ấn (Mahamudra) hay Đại Viên Mãn (Dzogchen) đều nói đến bản chất của trí huệ, chính là tính giác của chính mỗi chúng ta. Liên quan đến vấn đề này, Milarepa đã nói, “ngoài việc nhận ra bản chất mộng ảo của các cảm xúc ô nhiễm thì không có trí huệ nào khác”. Điều này có nghĩa là tính giác nhận ra được những cảm xúc ô nhiễm thật sự không tồn tại chính là trí huệ hay trí huệ nguyên sơ. Về mặt bản chất thì không có cảm xúc ô nhiễm bởi vì khi sự tỉnh giác an trụ trong chính nó – khi sự tỉnh giác an trụ trong sự ổn định – thì thực tế sẽ không có sự khác nhau giữa cảm xúc ô nhiễm, sự tỉnh giác và trí huệ. Chúng đồng khởi hiện. Vì vậy đức Jigten Sumgon đã nói “Ta đã nhận ra rằng dòng suy nghĩ liên tục không gián đoạn trên thực tế chính là tính giác nguyên sơ hay trí huệ nguyên sơ.”
Nếu chúng ta biết cách thực hành và giữ vững được sự tỉnh thức và tỉnh giác phân biệt thì khi cảm xúc ô nhiễm xuất hiện, sự tỉnh giác này sẽ nhận ra được và đây [tính giác sáng rõ] chính thực là đức Phật. Sự tỉnh giác cần phải giữ vững trong sự ổn định. Nếu sự tỉnh giác được an trụ với sự ổn định thì nó sẽ vượt qua được bất cứ suy nghĩ, cảm xúc ô nhiễm, vấn đề, hay đau khổ nào bởi vì về thực chất thì đau khổ chẳng là gì khác ngoài việc chính là một ý nghĩ trong tâm chúng ta. Mặc dù chúng ta phóng chiếu ra bên ngoài và nói về biển rộng luân hồi, nhưng đau khổ thật sự chẳng là gì khác ngoài một suy nghĩ trong tâm ta. Khi chúng ta nhìn vào một suy nghĩ và nhìn vào cảm xúc ô nhiễm gọi là đau khổ, chính bản thân nó là sự tỉnh giác. Không có sự khác nhau giữa sự tỉnh giác và tư tưởng. Có một tính giác nhận biết có thể nhìn được bản chất ảo mộng của ý nghĩ. Đây là một điểm rất quan trọng và điều mà đức Jigten Sumgon và đức Milarepa đã nói đều giống nhau về ý nghĩa.
Tất cả mọi suy nghĩ và cảm xúc ô nhiễm – bất cứ thứ gì khởi hiện trong tâm – đều là tỉnh giác nguyên sơ. Chẳng có gì khởi hiện trong tâm của chúng ta mà lại không phải là tỉnh giác. Bất kỳ thứ gì khởi hiện trong tâm đều là tỉnh giác, vì vậy mọi suy nghĩ và cảm xúc ô nhiễm xuất hiện cũng chính là tỉnh giác nguyên sơ. Khi chúng ta nhận ra được điều này, chúng ta sẽ vượt qua được sự bám chấp vào các suy nghĩ đó, và vì thế những suy nghĩ thế tục đó sẽ sụp tan. Vì vậy những chỉ dẫn này, mười Ba‐La‐Mật, là rất quan trọng đối với chúng ta.
CÚNG DƯỜNG MẠN‐ĐÀ‐LA
Tiếp theo là cúng dường Mạn‐đà‐la cũng được giải thích rõ ràng trong nghi quỹ. Trong đó có nói ngay từ đầu là “toàn bộ tam thiên đại thiên thế giới. ” Một số trong chúng ta đã nghe nói về tam thiên đại thiên thế giới. Chúng ta tính toán như thế nào? Đầu tiên hãy nghĩ về vũ trụ của chúng ta, thế giới của chúng ta, và nhân vũ trụ của chúng ta lên một ngàn. Một ngàn của những vụ trụ này (vũ trụ bằng một ngàn lần vũ trụ chúng ta đang sống) thì được coi là một đại thiên thế giới. Sau đó lấy đơn vị là đại thiên thế giới, tiếp tục nhân lên một ngàn nữa, thì được nhị đại thiên thế giới. Lại coi nhị đại thiên thế giới này làm đơn vị, nhân tiếp lên một ngàn nữa thì được tam thiên đại thiên thế giới. Lại lấy tam thiên đại thiên thế giới làm đơn vị, và hãy nghĩ rằng có vô số những tam thiên đại thiên thế giới như thế. Vô số những tam thiên đại thiên thế giới như vậy chỉ có Đức Phật mới biết hết được, và gốc rễ của tất cả đều là chấp ngã. Nếu không có chấp ngã – giả sử tất cả mọi người trên thế giới này đều đồng loạt phát khởi tâm vị tha và hoàn toàn tốt bụng với nhau – thì họ đều cảm nhận chính nơi này và ngay tại thời điểm này là cõi tịnh độ. Vì vậy cúng dường Mạn‐đà‐la nói đến ở đây đã được giải thích khá rõ trong nghi quỹ.
TẤT CẢ MỌI THỨ XUẤT HIỆN VÀ TỒN TẠI ĐỀU LÀ VỊ [HỘ] PHẬT VÀ CÕI TỊNH ĐỘ
Dòng chữ nhỏ ở phần cuối trang 25 [trong nghi quỹ] cũng có một ý nghĩa thâm sâu. Dòng chữ này ghi rằng “Nhận thức và xác quyết rằng mọi thứ khởi hiện và hiện hữu đều là Bổn tôn và cõi Tịnh độ,” v.v.. Mọi thứ xuất hiện và tồn tại ở thế giới bên ngoài và ở chúng sinh bên trong, dù rằng số lượng là bao nhiêu đi chăng nữa, thì đều được tạo ra bởi tâm. Chúng được tạo ra bởi những nhận thức và dấu ấn thanh tịnh hoặc bất tịnh phát khởi trong tâm. Các cõi tịnh độ và những tri kiến thanh tịnh được tạo ra bởi tâm Bồ Đề, còn những nhận thức bất tịnh được tạo ra bởi tâm chấp ngã và các cảm xúc ô nhiễm. Chúng ta cần nhận ra chắc chắn rằng những hóa hiện đều từ tâm. Bất cứ cái gì xuất hiện và được sinh ra đều là giả hợp, và vì thế nó có tính chất vô thường và huyễn ảo. Không có bất cứ một thứ gì mang sự tồn tại thật sự. Mọi thứ xuất hiện đều mang tính Không – được gọi là tính Không của hiện tướng – và là vị [Hộ] Phật. Nếu mọi thứ khởi hiện được nhận ra là mang tính Không thì đây là vị [Hộ] Phật: hợp nhất của hiện tướng và tính Không. Cả các âm thanh cũng được thấy không có sự tồn tại thực chất. Khi chúng ta nhận ra được mọi âm thanh là tính Không, thì điều đó được gọi là sự hợp nhất của âm thanh và tính Không, và vì vậy âm thanh về bản chất chính là minh chú. Tất cả những thứ này đều xuất phát từ đâu? Những hiện tướng có bản chất tính Không và âm thanh có bản chất tính Không đều xuất phát từ chính tâm mà ra. Chẳng có gì mà tâm không lan tỏa.
NGOÀI TÂM CHÚNG TA, KHÔNG CÓ ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ NÀO KHÁC
Có một lần trong quá khứ Thầy có một số nghi ngờ về điều này bởi vì Thầy nghĩ vị [Hộ] Phật là rất quý giá và là gì đó bên ngoài tâm của chính chúng ta. Ví dụ khi chúng ta đọc câu này “Chẳng Phật A Di Đà nào khác [ngoài tâm không bám chấp ấy]” chúng ta có thể thắc mắc điều này có nghĩa như thế nào? Tại sao lại như vậy? Bởi vì có vẻ như Phật A Di Đà ở cõi tịnh độ là gì đó ở xa và rất quý giá. Nhưng khi chúng ta trực ngộ bản tâm thì sẽ thấy rằng bản tâm của chúng ta rất bao la. Nó giống như không gian và lan tràn mọi thứ không hề có chướng ngại. Không có gì là không được dung chứa trong không gian, không gian lan tràn vào tất cả mọi thứ. Về bản chất thì bản tâm của chúng ta giống như không gian. Vì thế mọi hiện tượng trong luân hồi và niết bàn đều được dung chứa trong bản tâm như không gian của chúng ta; bản tâm của ta chứa đựng tất cả. Nghe được điều này thì sau đó Thầy đã hiểu ra, theo cách giải thích này chúng ta sẽ hiểu. Cuối cùng chúng ta nhận ra rằng mọi nhận thức của chúng ta dù là thanh tịnh hay bất tịnh – bất cứ điều gì chúng ta nhận biết ‐ đều không có một sự tồn tại tự thân và chân thực. Ví dụ trong 37 Pháp Hành Bồ Tát Đạo có ghi “Các vị Bồ tát – những người đã nhận ra sự không đến không đi của vạn pháp ‐ vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ để mang lại lợi lạc cho chúng sinh. ” Dòng này cũng bao hàm điều vừa nói ở trên.
Ví dụ mặc dù Phật A Di Đà đã nhận ra được thực tại nhưng Ngài vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ ngày và đêm để mang lại lợi lạc cho tất cả các chúng sinh.
Còn điều này nữa, trong trang 23 của nghi quỹ có nói “Con xin dâng tám biểu tượng cát tường, phẩm vật và các thứ tương tự”, v.v… Chúng ta nên thêm một thứ cúng dường ở đây, đó là bẩy phẩm vật cao quý . Vì vậy chúng ta có ba loại cúng dường: bẩy phẩm vật cao quý, tám biểu tượng cát tường, và tám phẩm vật cát tường. Chúng ta nên thêm vào đây vì những phẩm vật cao quý cũng rất quan trọng nếu chúng ta muốn đạt được hạt giống cao quý là pháp thân trong tương lai.
Phần 2
TỈNH GIÁC SÁNG TỎ KHÔNG BỊ PHÓNG TÂM CHÍNH LÀ PHÁP THÂN CỦA ĐỨC PHẬT
Dòng cuối có ghi “Chẳng Phật A Di Đà nào khác [ngoài tâm không bám chấp ấy]; Pháp thân của tỉnh giác nội tại là bất khả tư nghì.” có liên quan đến một dòng chữ in nhỏ ở phía đầu trang 29 trong nghi quỹ “Đôi lúc duy trì trạng thái phi thiền định và không phóng tâm rồi tụng một cách không dụng công, siêu vượt trí tuệ .”
Dòng này, “tỉnh giác nội tại là bất khả tư nghì” là nói đến pháp thân giống như được đề cập trong dòng phía trước – “tụng một cách không dụng công, siêu vượt trí tuệ”. Một sự tỉnh giác nhận biết sáng tỏ, tỉnh giác nhận ra mọi suy nghĩ xuất hiện trong tâm – sự tỉnh giác “nhận biết và phân biệt” này chính là pháp thân. Ngoài việc duy trì được trạng thái này, không có một thiền định nào khác cần thực hành. Không có gì khác cần phải làm ngoài việc đừng để mất tỉnh giác sáng tỏ chiếu soi này. Nếu chúng ta không để mất đi tỉnh giác sáng tỏ này thì chỉ điều này là đủ. Vì vậy tỉnh giác sáng tỏ này cần phải được giữ vững. Tỉnh giác trống rỗng mà chúng ta cần nhận ra này cũng được đề cập trong Tâm Kinh. Đây chính là tính giác hay tỉnh giác nguyên sơ mà nhận ra tất cả các suy nghĩ dù mạnh mẽ hay vi tế xuất hiện trong tâm. Nếu chúng ta không bám chấp vào bất cứ điều gì khởi hiện thì nó sẽ tự nhiên tan đi, nhưng nếu chúng ta bám chấp vào những suy nghĩ đó thì chúng ta sẽ bị mê lầm. Vì vậy duy trì trong trạng thái vượt khỏi trí tuệ thông thường là một trạng thái không dụng công. Không có một hành động chủ ý nào và chẳng có điều gì cần phải làm. Thậm chí nếu các ý nghĩ có tiếp tục xuất hiện thì chúng cũng không thể nào ảnh hưởng hoặc làm hại đến chúng ta. Ở trong trạng thái đó thì chẳng có bất kỳ điều gì khác cần làm ngoài việc duy trì trong sự tỉnh giác đó. Khi suy nghĩ xuất hiện và chúng ta bắt đầu nghĩ về chúng – khi trí tuệ thông thường xen vào – chúng ta lại mê lầm trở lại. Nếu chúng ta không bám chấp vào bất cứ điều gì khởi hiện thì chúng ta sẽ vượt khỏi trí tuệ thông thường. Bất cứ khi nào chúng ta bám chấp, tâm sẽ bị che chướng hay vẩn đục. Ở trong trạng thái không dụng công thì chẳng có bất cứ chủ đề gì cần phải thiền định. Duy trì được tỉnh giác sáng tỏ không bị phân tâm đó chính là pháp thân, pháp thân thực sự của chư Phật.
GIAI ĐOẠN SINH KHỞI CAO NHẤT
Điều tuyệt vời là từ trong pháp thân xuất hiện báo thân. Khi chúng ta trì tụng minh chú – chúng ta trì tụng rất nhiều minh chú – thì không có những suy nghĩ thế tục khác xuất hiện trong tâm bởi vì hình ảnh của vị [Hộ] Phật sẽ xuất hiện trong tâm của chúng ta. Nếu chúng ta nhớ và nghĩ về vị [Hộ] Phật thì vị [Hộ] Phật đó sẽ xuất hiện trong tâm chúng ta dưới rất nhiều hình tướng, cũng giống như trong bức ảnh Phật A Di Đà. Sự xuất hiện trong tâm chúng ta giống như là phản chiếu rất rõ ràng trong một tấm gương được lau chùi sạch. Vì vậy ở mức lý tưởng là bất cứ khi nào chúng ta nghĩ về vị [Hộ] Phật thì vị đó cũng xuất hiện trong tâm của chúng ta ngay lập tức. Đây chính là giai đoạn sinh khởi hay sự quán tưởng mạnh mẽ và cao nhất – hiện tướng rõ ràng và ngay lập tức của vị [Hộ] Phật trong tâm trí của chúng ta. Nếu điều này được làm thuần thục và nếu tâm của chúng ta luôn luôn sáng rõ thì vị [Hộ] Phật sẽ luôn luôn xuất hiện trong tâm của chúng ta.
Phần 3
MỘT SỐ LỜI KẾT THÚC KHÓA TU
Chúng ta đã hoàn thành tốt đẹp khóa tu trì tụng 100 triệu biến minh chú A Di Đà và đã đạt được thành công và thành tựu không thể nghĩ bàn. Các đạo hữu nên tiếp tục thực hành nghi quỹ Phật A Di Đà đều đặn – ít nhất cũng cố trì tụng một trăm biến A‐Di‐Đà mỗi ngày. Điều quan trọng nhất là khi chúng ta thực hành, chúng ta cần trưởng dưỡng ba loại tín tâm đã được nói ở phần đầu. Trong thế giới này thì điều quan trọng là chúng ta nên có vị Bổn sư gốc, người mà chúng ta có sự tín tâm và sùng mộ to lớn từ trong sâu thẳm trái tim mình; người mà chúng ta thật sự coi như một vị Phật; chúng ta thật sự không có nghi ngờ gì rằng vị Bổn sư đó cũng thực sự là một vị Phật. Đây là điều mà Bổn sư gốc của Thầy là Khenpo Munsel và Chime Dorje đã nói. Điều này rất quan trọng!
Thầy muốn chia sẻ với các đạo hữu kinh nghiệm mà Thầy có được khi còn trẻ. Hồi đó Thầy được dạy là chúng ta nên xem các vị đạo sư tâm linh và các vị bổn sư thực sự như là đức Phật, và nên tin tưởng vào điều đó. Vào thời điểm đó Thầy nghĩ rằng chắc rằng phải là như vậy nhưng Thầy lại không thật sự xác quyết trong tâm mình là vị đạo sư trong thực tế đúng là một đức Phật. Tuy nhiên bây giờ thì Thầy có thể nói rằng Thầy có một tín tâm vững chắc rằng đạo sư không khác gì với một vị Phật. Làm sao để Thầy có thể có được sự tin tưởng đó? Thầy nghĩ rằng nên chia sẻ với các đạo hữu vì việc này có thể mang lại lợi lạc cho chúng ta.
Năm 1992, tại Tu viện Gar Monastery trong đợt tu tập an cư kiết hạ còn gọi là Yarne – (đợt tu tập mùa hè khi các chư tăng thực hành trong 45 ngày), Thầy đã có một giấc mơ vào buổi sáng sớm. Trong giấc mơ có một con chim màu sắc sặc sỡ giống như con công đang bay thẳng đến Thầy. Con chim bay đến cửa sổ phòng của Thầy, bay quay trở lại vào bầu trời, rồi lại bay trở lại vào thành cửa sổ. Thầy mở hai lòng bàn tay ra và con chim đậu xuống tay Thầy. Con chim dùng mỏ để rửa sạch gỉ mắt của Thầy, Thầy cảm nhận rất rõ đó là hiện thân của Phật A Di Đà. Vào ngày hôm sau trong buổi sáng, thầy nhận được tin báo là Khenpo Tenzin Zangpo, một vị lạt‐ma tôn quý và cao trọng, đã đến khu tu viện phía dưới (Lower Monastery) và sẽ ở đó một ngày rồi chuyển lên khu tu viện phía trên (Upper Monastery). Thầy đợi Ngài ở ngoài khu ở của Thầy để chờ đón Ngài, đây là lần đầu tiên Thầy và Ngài gặp nhau. Thay bằng việc đầu tiên chào Thầy theo cách truyền thống, Khenpo Tenzin Zangpo nói “Tôi đã gặp Ngài trước đây rồi.” Nghĩ rằng việc này thật cát tường, Thầy đáp lại “Tôi cũng đã thấy Ngài.” Sau đó Khenpo Tenzin Zangpo giảng về Nhập Bồ Tát Hạnh (Bodhicharyavatara) tại khóa tu Yarne. Trong tu viện Ngài ngồi trên ghế danh dự và Thầy ngồi đối diện để nghe Ngài giảng, Ngài có một lọn tóc trông giống như lông công của con chim trong giấc mơ của Thầy hôm trước. Thầy nhìn thấy Ngài trở thành con chim trong giấc mơ và sau đó chuyển lại thành hình tướng vị lạt‐ma, vào lúc đó Thầy tin rằng Khenpo Tenzin Zangpo chính là hiện thân của Phật A Di Đà, và đã xuất hiện trong giấc mơ của Thầy như là con chim. Thầy có sự tín tâm to lớn với vị lat‐ma này.
NHỮNG TÂM NGUYỆN CHO VIỆC TIẾP TỤC KHÓA TU TRONG TƯƠNG LAI
Nhiều người đã tham dự vào khóa tu này, hoặc là trực tiếp ở đây hoặc là tham dự từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Nhiều người đã giúp đỡ dưới nhiều cách khác nhau hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp – họ đã hỗ trợ cho việc thực hành, tích lũy trì tụng minh chú, giúp đỡ tịnh tài, làm tình nguyện viên, hoặc thậm chí chỉ cần bằng cách tùy hỉ với quá trình thực hành đức hạnh này. Tất cả những người tham gia thực hành hoặc đóng góp bằng bất cứ cách gì sẽ có được cùng công đức của việc đã tích lũy một trăm triệu biến minh chú A Di Đà. Cuối cùng sau khi đã tích lũy được công đức này chúng ta cần phải tiến hành hồi hướng trọn vẹn. Chúng ta cần hồi hướng cho tất cả các chúng sinh để họ đạt được trạng thái Giác Ngộ trong tương lai. Khi chúng ta hồi hướng theo cách này, gốc rễ của đức hạnh sẽ trường tồn, nó sẽ không bao giờ cạn kiệt, giống như nhỏ một giọt nước vào đại dương. Nếu chúng ta hồi hướng theo cách này, đức hạnh sẽ tăng trưởng. Hơn nữa Thầy có hy vọng và cầu nguyện, mong ước rằng trong tương lai, không chỉ có lần này, mà trong tương lai, liên tục trong rất nhiều năm và nhiều thế hệ chúng ta sẽ tiếp tục và tiếp tục tham gia vào đợt tu tập hàng năm như thế này và cùng thực hành với nhau.
Khóa tu trì tụng một trăm ngàn biến minh chú A Di Đà này rất quan trọng, và khóa tu trì tụng một trăm ngàn biến Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn do cố đại sư Drubwang Rinpoche khởi xướng cũng rất quan trọng. Ngài là người đầu tiên đã việc phổ biến khóa tu như thế này và từ nhiều nơi trên thế giới, chúng ta đã tổ chức các khóa tu khác nhau như khóa tu A Di Đà, khóa tu Quán Thế Âm (Chenrezig), hay khóa tu Kim Cang Phổ Ba (Vajrakilaya). Việc này cũng đúng theo mong nguyện của cố đại sư Drubwang Rinpoche, khóa tu Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn rất quan trọng và đất nước này có công đức to lớn khi tại đây chúng ta thực hành cả hai khóa tu – khóa tu Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn và khóa tu A Di Đà. Điều đó cho thấy đất nước này có công đức rất lớn, và đức hạnh từ khóa tu này sẽ mãi không bao giờ cạn kiệt. Điều này rất quan trọng và Thầy mong rằng chúng ta sẽ luôn hỗ trợ việc này. Đức hạnh mà chúng ta hồi hướng cho tất cả chúng sinh sẽ phá hủy chấp ngã của họ và giúp họ phát khởi tình yêu thương và lòng bi mẫn. Nếu họ phát khởi Bồ Đề Tâm, họ sẽ đạt được hạnh phúc tạm thời của việc tái sinh trên các cõi cao và cuối cùng sẽ đạt được Giác Ngộ.
Nói chung có các tôn giáo khác nhau trên thế giới này nhưng chúng đều là phương pháp để trưởng dưỡng bình an và hạnh phúc trong tâm thông qua việc trưởng dưỡng lòng tử tế, tình yêu thương và lòng bi mẫn. Các nhà khoa học trên thế giới cải tiến thế giới bên ngoài, còn các tôn giáo trên thế giới cố gắng đạt được bình an và hạnh phúc trong tâm. Để thành tựu được điều này, chúng ta cần trưởng dưỡng lòng tử tế, tình yêu thương và lòng bi mẫn. Đây là nguyên nhân cho bình an và hạnh phúc của tất cả các chúng sinh. Chúng ta nên cầu nguyện rằng tất cả các chúng sinh có thể đạt được bình an và hạnh phúc như vậy.
Đó nên là lời cầu nguyện của chúng ta! Xin cảm ơn tất cả!