LỜI NGƯỜI DỊCH
Tulku Thondup là một cao tăng Tây Tạng nổi danh. Ngài sinh năm 1939 ở Golok, Đông Tây Tạng, và từ lúc 4 tuổi đã được công nhận là hậu thân của Đại học giả Konme Khenpo. Ngài tu học tại tu viện Dodrupchen nổi tiếng, giữ chức nghi lễ sư. Năm 1958 Ngài sang tỵ nạn tại Ấn Độ rồi sau trở thành giáo sư ở các trường đại học Lucknow và Visva Bharati. Năm 1980 Ngài sang Mỹ và được mời giảng tại Đại học Harvard. Hiện nay Ngài tiếp tục nghiên cứu và dịch thuật các kinh điển Tây Tạng. Ngài đã viết trên 10 tác phẩm nổi tiếng, được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó đáng chú ý nhất là
The Healing Power of Mind (Năng lực Chữa lành của Tâm, đã được dịch ra 17 thứ tiếng) và
Boundless Healing (Độ sinh vô biên, đã được dịch ra 12 thứ tiếng) và cuốn sách này
Peaceful Death, Joyful Rebirth (Chết an bình, tái sinh hỷ lạc; Nhà xuất bản Shambhala, Hoa Kỳ, 2006).
Chết an bình, tái sinh hỷ lạc gồm có 10 chương, không kể phần giới thiệu cuốn sách và 2 phụ lục. Quan trọng nhất là các phần nói về các giai đoạn trong quá trình chuyển từ đời này sang đời sau của mỗi người. Tác giả nhấn mạnh, triển khai nhiều về giai đoạn trung ấm (Bardo), tức giai đoạn thần thức rời bỏ thân xác, trải nghiệm cảnh giới tâm linh với những cảnh tượng vốn là phản ảnh của cái tâm của mỗi người khi đang sống. Giai đoạn này được những người được xem là đã chết đi nhưng sau đó hồi sinh (gọi là
delogs) tường thuật một cách cụ thể và trung thực. Qua đó, ta thấy những trải nghiệm, các cảnh tượng gây đau đớn, sợ hãi, lo lắng, ưu phiền, thanh thản, mừng vui, hạnh lạc..., tất cả đều là những thể hiện của tâm, những kết quả của nghiệp; và từ đó những trải nghiệm này quyết định con đường tái sinh, thậm chí thoát khỏi luân hồi của mỗi người. Rõ ràng, tất cả những gì chúng ta làm, nói và nghĩ trong đời này và đặc biệt có sự góp phần của thái độ của ta và hoàn cảnh chung quanh khi ta lâm chung quyết định đời sau của ta vậy. Hiểu được điều này tức là hiểu được ta phải sống thiện lành, tạo thiện nghiệp để được chết an bình và tái sinh hỷ lạc.
Tác giả cũng dành khá nhiều trang sách để đề nghị những người thân, những người phụ trách nghi lễ nên làm gì để giúp những người lâm chung hoặc đã chết. Một số nghi lễ được miêu tả theo thể cách Tây Tạng nhưng không phải là phải tuân thủ một cách cứng nhắc mà tùy theo hoàn cảnh, tập tục, văn hóa, tín ngưỡng của từng trường hợp khi thực hiện.
Phật giáo Tây Tạng ngày càng được phổ biến trên khắp thế giới, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực hoạt động của một số khá đông người tại nhiều quốc gia. Đặc tính ưu việt của Phật giáo là hội nhập hài hòa với mọi nền văn hóa, văn minh, mọi xã hội, mọi tầng lớp con người. Kết luận cho lời nói đầu sách, tác giả viết:
“Trong những trang sách này, tôi dựa vào những giáo lý về trí tuệ thâm sâu mà tôi đã lĩnh hội được ở Tây Tạng và vào những gì tôi học hỏi được qua những biến cố đau đớn mà tôi đã trải qua ở đó. Nhưng nếu không có cuộc sống mà tôi đã trải nghiệm được trong thế giới bên ngoài Tây Tạng – với sự phong phú về vật chất và kiến thức đa dạng cũng như những đấu tranh với cám dỗ – cuốn sách này có lẽ đã không bao giờ hình thành được. Tôi hy vọng rằng cuốn sách này sẽ trở thành ánh sáng hướng dẫn cho cuộc hành trình của chính tôi đến nơi chưa biết cũng như cho nhiều người khác sẽ sử dụng nó”.
Như đã trình bày trên đây, nội dung chính yếu của cuốn sách này là về sự chết và tái sinh theo Phật giáo Mật tông Tây Tạng. Độc giả cũng sẽ được cung cấp những kiến thức về sự phong phú và đa dạng của những giáo quy và nghi lễ của Mật tông liên quan đến giai đoạn lâm chung và sau khi chết của một người.
Tuy vậy nội dung mà tôi, người chuyển ngữ cuốn sách này từ tiếng Anh sang tiếng Việt, tâm đắc nhất là phần nói về đời người, “những ngày quý báu của chúng ta”, và tiềm năng vĩ đại của đời sống con người (chương 1). Ngài Tulku Thondup đã giúp chúng ta hiểu một cách sâu sắc hơn cuộc đời là vô thường, là khổ đau và là kết quả của nghiệp như thế nào. Chúng ta phải làm gì với cuộc đời của chúng ta để có thể “chết an lành và tái sinh hỷ lạc”. Theo tôi nghĩ đó là thông điệp chính yếu mà Ngài Tulku Thondup muốn gửi đến cho mỗi chúng ta qua cuốn sách này.
Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả cuốn sách quý này và mong rằng nó sẽ mang lại cho quý vị nhiều lợi ích trong quá trình tìm hiểu giáo lý vi diệu và thâm sâu của đạo Phật.
Dịch một tác phẩm lớn của một vị Tulku Tây Tạng viết về đạo Phật như thế này là một việc khó. Mặc dù tôi đã cố gắng hết sức mình nhưng hiển nhiên vẫn không thể tránh khỏi những thiếu sót. Sẽ là một sự khuyến khích mạnh mẽ và là một niềm vinh hạnh lớn cho người dịch nếu được các vị thiện trí thức chỉ giáo.
Nguyễn Văn Nghệ
ĐÔI ĐIỀU VỀ CUỐN SÁCH
Cuốn sách này chắt lọc hàng ngàn năm kiến thức sâu sắc của truyền thống Phật giáo Tây Tạng, được diễn đạt bằng những từ ngữ đơn giản, dễ hiểu đối với mọi người. Mục đích chính của tôi là trình bày những lời dạy của Đức Phật, không phải chỉ để giúp chúng ta tránh khỏi khổ đau, hoang mang về cái chết và lúc sắp chết, mà còn chúng ta đạt được mục đích giác ngộ của sự an lạc tối hậu, không phải cho đời này mà cả cho cái chết và những đời sau nữa.
Đức Phật dạy cho chúng ta nhiều phương cách để chúng ta tự chuẩn bị cho cái chết vốn đang còn nhiều bí ẩn và để trải qua những khoảnh khắc đó một cách tốt nhất.
Nhiều vị đại sư chứng đạt cao đã viết nhiều luận văn về đề tài này. Phật giáo Tây Tạng đã cung cấp những lời dạy chi tiết và tỉ mỉ liên quan đến cái chết và sau khi chết. Cuốn sách nổi tiếng
Bardo Thodrol (được nhiều người biết đến với cái tên tiếng Anh
The Tibetan Book of the Dead – Tử thư) là một thí dụ. Trên thực tế tất cả những giáo lý Phật giáo đều liên quan đến việc nhận thức rõ và cải thiện những tình huống của cuộc sống, cái chết và sự tái sinh. Những nguồn tài liệu tôi sử dụng để viết sách này bao gồm nhiều kinh sach ć ũng như những giáo lý tôi trực tiếp lĩnh hội từ các bậc giáo thọ của tôi cùng những kinh nghiệm của chính tôi khi chăm lo cho cái chết của các vị đại sư, bạn bè thân quen và cả những người tôi chưa hề quen biết.
Giáo lý thông tuệ của Tây Tạng Giáo lý Phật giáo của Tây Tạng chia cuộc hành trình trong vòng luân hồi của chúng ta thành bốn giai đoạn:
Giai đoạn sống
Giai đoạn sắp chết
Giai đoạn thoáng nhìn thấy bản chất tối hậu của tâm và những ảo ảnh phát sáng của nó; và
Giai đoạn trung ấm, hay giai đoạn chuyển tiếp giữa trạng thái sau khi chết và sự tái sinh tiếp theo.
[Ngoài phần Dẫn nhập,] các chương từ 1 đến 4 tóm lược bốn giai đoạn này. Để minh họa những trải nghiệm về cái chết và trung ấm, tôi dựa rất nhiều vào những tài liệu lưu trữ về các
delog, tức là những người Tây Tạng đã “trở về từ cõi chết”. Những chuyện kể của họ thường rất giống những tài liệu hiện nay của phương Tây về những kinh nghiệm cận tử (near-death experiences). Bởi vì những chuyện kể rất dài của các
delog mà tôi trích dẫn ra đều có liên quan đến giai đoạn trung ấm, tôi đã dành trọn chương 5 “Những chuyện kể về giai đoạn trung ấm” để trình bày những câu chuyện về những cuộc hành trình kỳ lạ vào các cõi địa ngục cũng như các cõi hạnh phúc sau khi chết.
Cuối giai đoạn trung ấm, chúng ta sẽ tái sinh vào các cõi khác nhau như thế nào, ở đâu và tại sao? Chương 6 “Tái sinh” sẽ tập trung trả lời các câu hỏi này và cung cấp tấm bản đồ lộ trình để giúp chúng ta tránh tái sinh vào những nơi không mong muốn và biết cách chọn những nơi tái sinh mà ta hằng ao ước như là những thiên đàng hạnh phúc (cõi tịnh độ). Những cõi tịnh độ là trú xứ của chư Phật thiêng liêng, hiện thân của trí tuệ và lòng từ bi. Những nghi lễ của Tây Tạng dành cho người chết và người sắp chết có đặc trưng là sự quán tưởng sùng kính về chư Phật và những cõi tịnh độ của các Ngài. Trong sách này, chúng ta tập trung vào một trong những hình tượng tâm linh tiêu biểu nhất là Đức Phật Vô Lượng Quang. Nghĩ tưởng đến và cầu nguyện Đức Phật Vô Lượng Quang sẽ giúp cho người đã chết tái sinh vào cõi Tịnh độ Cực lạc của Ngài, một cảnh giới vô cùng an lạc. Chương 7 “Đức Phật Vô Lượng Quang và cõi Tịnh độ Cực lạc’’ trình bày một hình ảnh sinh động của nguồn ơn phước này, dựa trên những miêu tả trong kinh sách.
Những thân nhân còn sống đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giúp đỡ người sắp chết và người chết trong cuộc hành trình đi đến cái chết và xa hơn nữa. Chương 8 “Cách giúp đỡ người sắp chết và người chết” đưa ra một số hướng dẫn cụ thể cho gia đình và thân nhân còn sống khác, những người trợ giúp và những người săn sóc, dù họ là Phật tử hay không phải Phật tử.
Đối với những người muốn đi sâu vào truyền thống Tây Tạng, chương 9 “Những nghi lễ dành cho người sắp chết và người chết” miêu tả những nghi lễ truyền thống được những vị lạt-ma cử hành cho những người sắp chết và những người chết trong những cộng đồng miền Đông Tây Tạng, nơi tôi đã lớn lên và được giáo huấn theo truyền thống Nyingma của Phật giáo Tây Tạng. Tôi khép lại cuốn sách này với một vài suy nghĩ cuối cùng.
Tôi đưa thêm những tài liệu về Phật giáo trong hai phụ lục A và B vì những vấn đề này mang tính kỹ thuật hơn. Ở các phụ lục này, bạn có thể tìm thấy một số nghi lễ dành cho người chết, đơn giản nhưng rất cần thiết, mà một vị lạt-ma hoặc một người trợ giúp có thể thực hiện cho một người sắp chết hay một người chết. Phụ lục A “Những thiền định về bốn nguyên nhân thọ tái sinh vào cõi Tịnh độ Cực lạc” trình bày những thiền định thông thường của Phật giáo với bản văn bằng Tạng ngữ và lời giải thích. Phụ lục B “Tám nghi lễ mật tuyệt của đạo Phật Mật tông dành cho người sắp chết và người chết” giới thiệu tám nghi lễ quan trọng với bản văn bằng Tạng ngữ và những lời giải thích. Cũng trong phụ lục B có một tài liệu dành cho những độc giả quan tâm là phần miêu tả về thiền Phowa, một cách thiền định đặc biệt để chuyển tâm thức của người sắp chết (chính bạn hay những người mà bạn đang trợ giúp) đến một cõi tịnh độ giác ngộ.
Một vài suy nghĩ cá nhân Cuốn sách này, trong một ý nghĩa nào đó, là đứa con tôi từng ấp ủ bởi vì những giáo lý mà tôi thu thập được trong này rất quý. Đối với một số người, nó không có vẻ giống như một tác phẩm truyền thống về kiến thức Tây Tạng vốn thường có đầy những thuật ngữ và những điều giả định sâu sắc về triết học. Đối với một số người khác, nó có vẻ như thiếu những phát hiện mang tính khoa học mà các tác giả phương Tây xem là không thể thiếu được. Nhưng mối quan tâm của tôi không phải nhằm đáp lại những điều thắc mắc đó. Mục đích và hy vọng của tôi là làm sao để những thông tin này đến được với mọi độc giả, Phật tử hay không phải Phật tử, trong khi vẫn giữ được cái tinh túy thật sự của những giáo lý truyền thống.
Tôi mong muốn viết cuốn sách này vì nhiều lý do. Cách đây một phần tư thế kỷ, khi tôi đến Hoa Kỳ, nhiều bạn bè phương Tây của tôi đang nỗ lực để học hành đỗ đạt, kiếm một việc làm và tìm một người bạn đời; nhưng bây giờ, một số người bạn đó đang phải đối phó với bệnh tật và viễn cảnh của cái chết – và tôi cũng vậy. Những lý do cá nhân là một phần động cơ của tôi để viết cuốn sách này.
Là một Phật tử, tôi được dạy để nghiên cứu và làm việc nhằm cải thiện chất lượng của đời sống lẫn cái chết, cho bản thân tôi và cho những người khác. Hai trong số những cuốn sách trước đây của tôi,
The Healing Power of Mind (Năng lực chữa lành của Tâm) và
Boundless Healing (Độ sinh vô biên) chủ yếu nói đến những việc giải trừ phiền não của cuộc đời này. Đời sống là quan trọng, quý báu và chúng ta phải chăm lo cho nó; nhưng vì cái chết là lối đi vào cánh cửa của vô số đời sống tương lai của chúng ta, nó không đáng cho chúng ta dành sự quan tâm đặc biệt hay sao? Và vì vậy
Chết an bình, tái sinh hỷ lạc được viết nên để hướng dẫn chúng ta trong việc đối diện với cái chết một cách tự tin và bảo đảm có được sự tái sinh đầy hỷ lạc – và trong việc giúp đỡ những người khác làm được những điều như vậy. Đây cũng là một việc độ sinh.
Từ lúc còn rất nhỏ, tôi lớn lên trong tu viện Dodrupchen danh tiếng ở miền Đông Tây Tạng, học Phật pháp dưới sự dạy dỗ đầy tình thương của đại sư Kyala Khenpo và nhiều vị giáo thọ uyên bác khác. Họ dạy dỗ và rèn luyện tôi theo truyền thống học thuật và thiền định đã tồn tại nhiều thế kỷ nay. Họ vẫn ngày ngày gắn bó với những truyền thống đó. Trong khi tiếp tục cuộc sống của mình một cách trọn vẹn nhất, họ vẫn luôn luôn chuẩn bị cho cái chết của họ vì họ ý thức rõ rằng cuộc đời là ngắn ngủi, cái chết chắc chắn sẽ đến và những gì xảy ra sau cái chết là rất quan trọng đối với tương lai. Họ luôn luôn tha thiết tham gia vào việc giúp đỡ những người khác cải thiện cuộc sống và chuẩn bị cho cái chết của chính mình.
Nằm ở một khu dân cư hẻo lánh nhất, tu viện của chúng tôi ở trong một thung lũng sâu có những ngọn núi hùng vĩ bao quanh. Với tâm hồn trẻ thơ, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng tu viện của chúng tôi là một nơi linh thiêng an bình vĩnh cửu. Tôi tin rằng không một sức mạnh nào có thể động chạm đến sự hiện hữu thiêng liêng của nó. Nhưng tôi đã lầm, vì những sức mạnh của sự rối loạn chính trị đã làm thay đổi cuộc đời chúng tôi mãi mãi. Truyền thống mạnh mẽ của đời sống tôn giáo đã có từ nhiều thế kỷ nay ở tu viện đã bất ngờ chấm dứt và chúng tôi buộc phải ra đi. Dưới sự hướng dẫn của một đạo sư cao cả của tu viện-Kyabje Dodrupchen Rinpoche, người vốn có khả năng thông tuệ tự nhiên đặc biệt, một số ít chúng tôi đã đến Ấn Độ làm người tỵ nạn sau một quãng đường dài hơn một ngàn dặm.
Ai cũng muốn đổ lỗi cho người khác về những đau khổ (tinh thần lẫn thể xác) mà người ta phải chịu đựng do những xung đột và bạo động về chính trị, quân sự, xã hội khắp nơi trên thế giới. Mặc dù chuyện đổ lỗi có thể mang lại một cảm giác thỏa mãn hoặc bào chữa. Đạo Phật quả quyết rằng tất cả những nỗi khốn khổ của cuộc đời chúng ta là hệ quả của những hành vi trong quá khứ của chính chúng ta, vì vậy chỉ đổ lỗi cho người khác sẽ chẳng giúp ích gì. Đây không phải là một trò chơi tự trách cứ mình, một kiểu quay lại giận chính mình thay vì chuyển sự tức giận về phía cái nguyên nhân thật sự. Đúng ra, đây là cách chúng ta nhận trách nhiệm về cuộc đời chúng ta vào tay của chính mình. Chỉ khi nào chúng ta chấp nhận trách nhiệm này, chúng ta mới có thể ngồi vào chỗ người lái xe và bắt đầu đem lại phương hướng thật sự cho cuộc hành trình do nghiệp của chúng ta.
Ở Ấn Độ, giống như nhiều người tỵ nạn khác, tôi đã được đối xử rất tử tế bởi vì có những người luôn sẵn sàng chia sẻ với chúng tôi bất kỳ thứ gì họ có. Sự chào đón như vậy là điều tuyệt vời mà tôi nhớ mãi cho đến tận bây giờ. Sự tự do cầu nguyện có một ý nghĩa đặc biệt, an ủi những ai có trái tim bị thương tổn.
Sau nhiều năm cố gắng, tôi đã hòa nhập được vào nền văn hóa và những giá trị phức tạp của thế giới mới. Tâm hồn của những người trẻ tuổi dễ lành lại – giống như những vết thương trên thân thể – nếu chúng được để cho lành lại. Nhờ vậy, tôi đã sống sót mà không bị tổn thương gì lâu dài.
Tôi biết ơn và đánh giá cao vận may của 22 năm tôi sống ở Ấn Độ, lúc đầu làm người tỵ nạn và sau đó là một giáo sư đại học. Tiếp theo những năm tháng đó là 24 năm ở Hoa Kỳ, khoảng thời gian đã giúp tôi làm việc chuyên về giáo lý giống như nước cam lồ của đạo Phật trong sự thoải mái vô cùng. Tất cả những cơ hội, dù lớn hay nhỏ, trong thế giới tự do không chỉ làm cho đời sống hằng ngày của tôi thêm phong phú mà còn tăng thêm chiều sâu và quy mô cuộc hành trình tâm linh của tôi.
Tuy vậy, những cám dỗ từ cuộc sống hiện đại là quá nhiều và quá mạnh mẽ không thể cưỡng lại được. Ngày tháng qua rất nhanh, giống như tốc độ của tia chớp. Nhiều ngày qua đi trước khi tôi có thể nhận ra được điều gì đang xảy ra, và nhân đó mà thọ nhận chúng. Rất nhiều cơ hội bằng vàng của thời gian quý báu này qua đi mãi mãi, không bao giờ ta có thể gặp lại được nữa. Nhưng mỗi bước đường đời là một thách thức quan trọng, và mỗi một phút giây quý báu là một nguồn ơn phước thật sự. Tôi cũng đã có thể bảo đảm được sự tồn tại của những thành quả quý báu, sự lao động vất vả và tận tụy của tôi cho những ngày tháng trước mắt, tất cả chỉ nhờ vào sự giúp đỡ tận tình của rất nhiều vị thầy và bạn hữu.
Trong những trang sách này, tôi dựa vào những giáo lý của sự thông tuệ sâu sắc mà tôi đã tiếp nhận được ở Tây Tạng và vào những gì tôi học hỏi được qua những sự kiện đau đớn mà tôi đã trải qua. Nhưng nếu không có cuộc sống mà tôi đã trải nghiệm được trong thế giới bên ngoài Tây Tạng – với sự phong phú về vật chất và kiến thức đa dạng cũng như những đấu tranh với cám dỗ, cuốn sách này có lẽ đã không bao giờ hình thành được. Tôi hy vọng rằng cuốn sách này sẽ trở thành ánh sáng hướng dẫn cho cuộc hành trình của chính tôi đi đến nơi chưa biết cũng như cho nhiều người khác sẽ sử dụng cuốn sách này.