CHƯƠNG 10. NHỮNG SUY NGHĨ CUỐI CÙNG
Cái chết là sự khởi đầu mới. Nó là con đường đưa ta đến một buổi bình minh của những cơ hội mới, để cho chúng ta hưởng được những thành quả mà chúng ta đã vun trồng, phù hợp với quy luật nhân quả. Trong khi bánh xe nghiệp vẫn không ngừng quay, ảnh hưởng của nó sau khi chúng ta chết sâu rộng và trực tiếp hơn nhiều so với khi chúng ta còn sống.
Tại sao vậy? Bao lâu chúng ta còn sống, tâm thức chúng ta được lập trình để vận hành bên trong cấu trúc của thân vật lý và những thói quen hằng ngày của chúng ta. Thay đổi những cấu trúc này một cách căn bản là một điều tương đối khó. Nhưng một khi tâm thức đã rời khỏi thân xác lúc chết, nó sẽ tự vận động theo cách của nó. Điều duy nhất điều kiện hóa nhận thức của chúng ta là những thói quen mà chúng ta đã gieo vào dòng tâm thức của mình.
Tất cả chúng ta đều đã trải qua kinh nghiệm là khi tâm chúng ta đầy hỷ lạc thì tất cả điều gì chúng ta nghe được, nhìn thấy và cảm nhận được đều đem lại sự vui vẻ cho chúng ta. Khi tâm thức chúng ta đang lên cơn giận dữ, bất cứ điều gì cũng làm chúng ta khó chịu. Những phản ứng này xảy ra càng mạnh mẽ hơn sau khi chết vì lúc đó mọi thứ đều thể hiện trước mặt chúng ta theo những khuynh hướng thói quen tinh thần và cảm xúc của chúng ta. Vì vậy, nếu chúng ta đã hoàn toàn bị chi phối bởi tham, sân, si thì chúng ta sẽ tái sinh vào một nơi bị tàn phá bởi nạn đói, sự ngu dốt và những hiện tượng khủng khiếp. Nếu chúng ta đã sống có lòng từ ái, an lạc thì thế giới chúng ta sẽ thị hiện như một thế giới của an bình và hỷ lạc. Nếu chúng ta đã hưởng được những phẩm tính của một cõi Tịnh độ Cực lạc, chúng ta sẽ được tái sinh vào đó hoặc bất kỳ một cõi tịnh độ an lạc nào khác.
Nếu chúng ta đã nhận thức được bản chất giác ngộ của tâm và hoàn thiện nó, tâm chúng ta sẽ hợp nhất với chân tính phổ quát tuyệt đối, an lạc tối hậu và việc chúng ta phục vụ người khác sẽ phát huy tác dụng dễ dàng giống như mặt trời chiếu sáng tất cả mọi vật một cách tự nhiên.
Một số người trong chúng ta có thể lo lắng về những gì đang chờ đợi chúng ta khi chúng ta chết. Nhưng bây giờ không phải là lúc chúng ta sợ hãi và sầu bi. Đây là lúc chúng ta phải nhận chân được rằng chúng ta có được một cơ hội rất quý giá để chuẩn bị cho ngày trọng đại đó và chuyển hóa cuộc đời của chúng ta theo đúng hướng cho bây giờ và mãi mãi về sau, cho chính chúng ta và cho những người khác.
Cho dù chúng ta đã già thì từ bây giờ cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng, thay đổi chiều hướng cuộc đời chúng ta cũng không trễ lắm đâu. Chúng ta không cần phải làm một chuyện gì thật quyết liệt. Chúng ta chỉ cần thư giãn một chút và thọ hưởng các cảm giác an bình và hỷ lạc bẩm sinh trong chúng ta đến mức nào chúng ta có thể thọ hưởng được và theo truyền thống tâm linh nào mà chúng ta mong muốn.
Nếu chúng ta còn trẻ thì tốt nhất là chúng ta nên nhanh chóng cải thiện tương lai của chúng ta ngay từ bây giờ, vì để chậm hơn thì có thể chúng ta sẽ không thể làm gì được. Chỉ cần thở ra và không thở vào được nữa là chúng ta đã có thể đặt chân lên ngưỡng cửa của thế giới bên kia rồi. Những người trẻ tuổi cũng không thể tránh khỏi cái kết thúc đó.
Tất cả những lời cầu nguyện và thiền định trong cuốn sách này là những công cụ để giúp chúng ta phát triển những phẩm chất tâm linh. Sự tận tụy để làm nảy sinh sức mạnh của nhận thức tích cực. Lòng từ bi là để mở trái tim với tình yêu thương ra với mọi người. Những lời cầu nguyện là để biểu lộ những ý tưởng vá tình cảm tích cực. Sự nhận thức thanh tịnh là để nhìn thấy mọi sự và mọi người như một nguồn và sự hiện diện của an bình và hỷ lạc. Những nghi lễ tôn giáo là những công thức để tạo ra một nền văn hóa tích cực trong đời sống của chúng ta. Hình dung ra chư Phật và các cõi tịnh độ là để biến đổi những hình ảnh và tư tưởng trong tâm thức của chúng ta thành ra những nhận thức tích cực. Trải nghiệm ơn phước của các đấng tôn kính là để đưa chúng ta đến những cõi tái sinh cực lạc. Tiếp nhận những lời cầu nguyện, những thiền định và những điều tử tế do những người khác mang đến là một nguồn cảm hứng và công đức lớn lao.
Ở Tây Tạng quê hương tôi, nhiều người thường trải qua nhiều năm trời ở nơi vắng vẻ tịch mịch hoặc trong những hang động để tu tập cho chính họ và cho những người khác. Một cuộc sống và sự tận hiến như vậy thật là tuyệt vời. Nhưng không nhất thiết phải làm như vậy. Nếu chúng ta tu tập một cách chân thành chỉ 10 hay 20 phút mỗi ngày, hoặc là cầu nguyện Đức Phật Vô Lượng Quang hay thực hiện một thiền định nào khác thì việc tu tập của chúng ta sẽ thể hiện tất cả những phẩm tính tâm linh đã được đề cập đến ở trên. Sau đó nếu chúng ta có thể suốt ngày luôn nhớ lại những gì chúng ta đã cảm nhận được trong buổi tu tập của chúng ta thì tác dụng của nó sẽ dần dần ngấm vào trong toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ thấy toàn bộ thái độ của chúng ta đã biến đổi. Chúng ta không cần phải cố tạo ra cảm giác an lạc và sự hiện diện của những đấng tôn kính nữa. Chúng ta đã trở thành những đấng tôn kính. Cái chết và sự tái sinh sẽ là một dòng chảy liền lạc của bánh xe an lạc được quay bởi sức mạnh của tâm chúng ta.
Làm sao mà chỉ vài phút thiền định chân thật có thể tạo ra những kết quả lớn lao như vậy? Để giải thích điều này, Ngài Tịch Thiên (Shantideva) nói: “Nếu bạn phát triển bồ đề tâm thì từ lúc đó trở đi, cho dù bạn ngủ thiếp đi hay bị xao nhãng, sức mạnh của công đức vẫn không ngừng gia tăng, tràn đầy không gian”. Điều quan trọng không phải là thời gian của một buổi tu tập mà là cường độ của buổi đó. Nếu chúng ta đẩy một cái bánh xe thật mạnh, bánh xe sẽ vẫn tiếp tục quay một thời gian lâu sau đó. Tương tự như vậy, nếu chúng ta bắt đầu buổi thiền định của mình một cách toàn tâm toàn trí thì sức mạnh tâm linh của buổi thiền định đó sẽ vẫn liên tục tồn tại. Sức mạnh đó thậm chí còn trở nên mạnh mẽ hơn mỗi lần bạn thiền định.
Bản thân tôi không phải là người cầu nguyện nhiều và tuân thủ thực hiện những buổi thiền định với thời gian lâu. Nhưng chắc là nhờ ở bản chất và sự giáo dục của mình, tôi trở thành một người tha thiết tin tưởng ở sự hằng hữu của những phẩm tính cao quý bên trong và bên ngoài chúng ta. Chúng ta gọi những phẩm tính đó là phẩm tính Phật. Tôi thường ngưỡng mộ những phẩm tính đó và thọ hưởng sự hiện diện của chúng. Vì vậy, khi đến ngã ba đường bên kia cuộc đời này, tôi phần nào hy vọng rằng có những khuôn mặt an lạc nào đó sẽ thương yêu hướng dẫn cho tôi đi đến tái sinh vào một cõi hạnh phúc hơn, một cõi an bình và hỷ lạc.
Tôi tha thiết mong rằng các bạn, những độc giả thân mến của tôi, sẽ thích những giáo lý của Đức Phật và của những vị đại sư Phật giáo mà tôi đã chia sẻ với các bạn trong cuốn sách này, và các bạn sẽ hưởng được những lợi lạc mà tôi đã hưởng được, thậm chí còn nhiều hơn tôi nữa. Nghĩ đến một tương lai tươi sáng như vậy cho nhiều người trong chúng ta thật là một điều thú vị!