CHƯƠNG 6. TÁI SINH
Vòng nghiệp báo không thể tránh khỏi
Những thói quen nghiệp báo, dù tốt hay xấu,
Mà chúng ta đã gieo trồng trong dòng tâm thức trong quá khứ
Đều sẽ khiến chúng ta phải tái sinh,
Với những phẩm chất hạnh phúc hay khổ đau tùy theo nghiệp.
Nhiều người thấy khó mà tin được là sẽ có chuyện tái sinh khi cuộc đời này chấm dứt. Làm thế nào để chúng ta biết được là có thể có tái sinh?
Mặc dù khoa học hiện đại không thể đưa ra được bằng chứng chắc chắn để trả lời câu hỏi này, chúng ta không nên bác bỏ chứng cớ của những truyền thống trong thực hành và trải nghiệm tâm linh, vốn đã tìm ra những chân lý của đời sống. Tái sinh hay sự đầu thai là rường cột chính yếu của nhiều hệ thống tín ngưỡng Đông phương, và một số trường phái huyền bí Do Thái cũng chấp nhận rằng những cuộc tái sinh xảy ra trong một vòng quay liên tục của đời sống. Nhiều vị đại sư Phật giáo đã thực sự có thể nhớ lại và miêu tả được những kiếp trước của họ. Chính Đức Phật cũng đã kể hàng trăm câu chuyện về những kiếp trước của Ngài trong tập sách nổi tiếng gọi là “Những chuyện Tiền Sinh của Đức Phật” (Kinh Bổn Sinh). Ngài cũng biết được những đời trước của những người khác.
Ngay cả những người bình thường – thuộc nhiều quốc tịch, chủng tộc và tôn giáo khác nhau – cũng đã tự nhiên nhớ lại lai lịch của mình trong những kiếp trước. Họ cũng nhớ lại gia đình của họ và những thành phố mà họ đã từng sống trong kiếp trước. Đặc biệt ấn tượng là trường hợp nhiều em bé đã kể lại với nhiều chi tiết sinh động về lai lịch đời trước của mình mặc dù trong cuộc đời còn rất trẻ hiện tại, các em chưa bao giờ đến được nơi mình đã sinh ra kiếp trước hoặc là đã gặp một người nào từ nơi đó. Nghiên cứu nổi tiếng nhất về ký ức đời trước của trẻ em đã được bác sĩ Ian Stevenson thực hiện. Vị bác sĩ này đã thu thập tư liệu về hàng ngàn trường hợp ở Nam Á và Trung Đông trong hơn 40 năm, trong nỗ lực nghiên cứu đề tài này một cách khoa học. Ở Tây Tạng đã có vô số những thí dụ về những người sắp chết biết trước được tên của cha mẹ tương lai của mình và nơi mình sẽ sinh ra ở kiếp sau. Và cũng có vô số những trường hợp trẻ em nhớ lại được những chi tiết về tiền kiếp của mình.
Trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, có hàng ngàn vị cao tăng và tu sĩ có danh hiệu là Tulku (Tây Tạng: tulku, sPrul sku, Phạn: nirmanakaya, nghĩa là “ứng thân”). Người ta tin rằng một vị tulku là hiện thân của một vị Phật đã hoàn toàn giác ngộ hoặc là thân tái sinh của một thiền giả đã chứng đạt cao. Vào lúc sắp qua đời, các vị lạt-ma đôi khi cho các đệ tử biết việc mình tái sinh làm một vị tulku sẽ xảy ra ở nơi nào. Trong một vài trường hợp, các vị tulku, khi còn là trẻ con mới thường kể cho người ta biết họ là ai trong kiếp trước và họ mong muốn hoặc cần phải làm gì trong kiếp này. Tuy nhiên, trong việc công nhận một người là tulku, cách thường được chấp nhận nhất là, sau khi đã kiểm tra nhiều biểu hiện, người đó phải được sự công nhận chính thức của một vị lạt-ma được nhiều người hết sức kính trọng. Thế nhưng cũng có những người được xác định sai là tulku do ảnh hưởng của các bậc cha mẹ nhiều tham vọng, hoặc là do những quyền lợi ích kỷ khác hoặc chỉ đơn thuần là nhầm lẫn.
Một số vị tulku nhớ lại những đời đã qua của mình và biểu lộ những phẩm chất của cuộc đời tái sinh đã qua của họ. Ví dụ như vị giáo thọ của tôi, Ngài Dodrupchen Rinpoche đệ tứ, lúc mới ba bốn tuổi đã làm nhiều người ngạc nhiên khi liên tục kể cho họ nghe về nơi ở của vị Dodrupchen đệ tam, tụng đọc những lời cầu nguyện mà Ngài chưa từng được dạy, đọc những câu thơ chưa ai biết từ trí nhớ của Ngài và Ngài còn bộc lộ nhiều điều kỳ diệu khác nữa. Ngài cũng miêu tả cõi Tịnh độ của Ngài Guru Padmasambhava như Ngài đã từng nhìn thấy.
Ngay cả ở Mỹ, càng ngày càng có nhiều người chấp nhận có việc tái sinh. Một cuộc thăm dò do Viện Gallup thực hiện cách đây nhiều năm báo cáo rằng có 25% người Mỹ được hỏi nói rằng họ tin vào việc linh hồn sinh vào một thân xác khác sau khi chết. Tuy vậy, xu thế chủ đạo, tức là các tôn giáo công khai ở phương
Tây, bác bỏ ý tưởng cho rằng có tái sinh. Mặc dù vậy, họ thường đồng ý với đạo Phật về hai điểm quan trọng: Nếu bạn thường quên mình và phục vụ người khác, thì một điều kiện sống hạnh phúc hơn sẽ chờ đón bạn sau khi chết; và nếu bạn làm những việc sân hận và gây hại cho những chúng sinh khác, bạn sẽ phải đối mặt với những hậu quả xấu.
Phần lớn các tôn giáo đều nuôi hy vọng cải thiện hoàn cảnh tương lai của chúng ta bất kể những việc chúng ta đã làm cho đến thời điểm hiện tại này. Cho dù các tôn giáo khác nhau gọi tên và miêu tả sự thay đổi tiềm năng này là gì đi nữa – chẳng hạn ăn năn, sự tha thứ, sự cải tâm, sự chuộc tội, sự cứu rỗi linh hồn, hay là sự giải thoát – thì nó cũng thường có nghĩa là thông qua những ý định và nỗ lực của chính chúng ta kết hợp với sự trông cậy vào một nguồn ơn phước thiêng liêng nào đó, chúng ta có cơ may nâng chúng ta và những người khác lên một cuộc sống hạnh phúc hơn, ý thức nhiều hơn về mặt tâm linh.
GIẢI THOÁT HAY TÁI SINH?
Theo Phật giáo, mọi người đều phải tái sinh sau khi chết, trừ phi là họ có thể vượt lên trên vòng sinh tử luân hồi bằng việc đạt được giác ngộ nhờ thiền định. Một khi bạn đã đạt được Phật tính hoàn toàn giác ngộ, bạn sẽ không bao giờ tái sinh vào một trong những thế giới trần tục nữa, bởi vì bạn không còn bị chi phối bởi chu kỳ nghiệp báo vốn làm cho người ta phải tái sinh vào kiếp khác. Bạn sẽ trụ lại trong sự hợp nhất bất tận của trí tuệ Phật và cõi tịnh độ Phật, thân tối hậu (pháp thân) và thân thọ hưởng (báo thân) của Phật tính. Đó là một trạng thái an hòa tột bậc, hỷ lạc vô cùng và trí tuệ tối thượng. Sau đó, những người khác sẽ có thể nhìn thấy hóa thân (hay ứng thân) của bạn xuất hiện trên trái đất dưới nhiều hình tướng và chỉ những người có nghiệp duyên với bạn mới nhìn thấy bạn được. Sự hóa thân của bạn như là một chúng sinh đã hoàn toàn giác ngộ không phải là do quả nhân duyên mà đúng hơn là do những ước nguyện từ bi của bạn muốn phụng sự chúng sinh trong cõi luân hồi.
Đạt được giác ngộ trong đời này (hay là trong một trong ba giai đoạn khác của cuộc hành trình của vòng luân hồi của chúng ta) là sự thành tựu của các đại thiền sư. Nếu bạn là một chúng sinh bình thường – không phải một đạo sư đã chứng đạt cao siêu, và chưa giác ngộ hoặc chưa hoàn toàn giác ngộ – thì sau khi chết, chắc chắn bạn sẽ tái sinh theo những nghiệp quả của chính mình. Bạn lại một lần nữa bắt đầu một giai đoạn khác của đời sống, giai đoạn mà chúng ta đã đề cập đến trong chương 1. Trong chương này, chúng ta sẽ xem xét vấn đề tại sao chúng ta tái sinh và chúng ta sẽ tái sinh như thế nào, liệu chúng ta sẽ tái sinh vào một cõi tịnh độ hay vào một trong sáu cõi: chư thiên, a-tu-la, người, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục.
Cho dù bạn không phải là một đạo sư đã chứng đạt và bạn đang ở trong vòng ảnh hưởng của nghiệp, nếu bạn đã tích lũy được nghiệp tích cực của những hành động thiện lành, bạn sẽ được tái sinh vào một cõi tịnh độ hoặc trong một cõi người với những phẩm chất cao quý. Được như thế, bạn sẽ mang lại lợi lạc cho những người khác. Dần dần bạn cũng sẽ có thể đạt được mục đích tối hậu là giác ngộ.
Nếu bạn tái sinh vào một cõi tịnh độ thì đó sẽ là một cõi tịnh độ thị hiện. Cõi tịnh độ này không phải là cõi tịnh độ tối hậu của quả vị Phật. Bạn được tái sinh vào một cõi tịnh độ là nhờ ở những nghiệp tích cực. Bạn sẽ vẫn có một tâm nhị nguyên, được hưởng những cảm xúc tích cực và những cảm giác hỷ lạc. Nhưng sau khi bạn đã tái sinh vào một cõi tịnh độ bạn sẽ không bao giờ dao động trong cuộc hành trình hướng về mục đích giác ngộ. Đạt được Phật quả là điều chắc chắn. (Chúng ta sẽ xem xét những miêu tả về cõi Tịnh độ Cực lạc trong chương tiếp theo.)
Nếu bạn tái sinh vào một trong sáu cõi, bạn sẽ bị kẹt vào một cái thân vật chất (thân người hay là một thân gì khác), chịu ảnh hưởng của môi trường và văn hóa của xã hội. Và trong thời gian bạn sống trong cái thân đó, bạn có thể làm những việc để cải thiện nghiệp của mình ngõ hầu có một cuộc đời hiện tại hay tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, bạn sẽ không thể nào đạt được trạng thái nhất như vĩnh cửu tối hậu vốn là phẩm chất thân Phật trong Phật tính tuyệt đối. Đối với người có sự chuẩn bị, một sự biến đổi hoàn toàn như vậy sẽ dễ dàng hơn sau khi chết, khi ta không còn vướng víu cái thân vật chất thô nặng này nữa.
NHỮNG NGUYÊN NHÂN CỦA TÁI SINH
Tái sinh khi nào cũng có nguyên nhân cả. Những nguyên nhân của tái sinh vào sáu cõi là sáu cảm xúc gây phiền não: kiêu ngạo, ghen ghét, ham muốn, ngu dốt, tham lam và thù hận. Những cảm xúc gây phiền não này lại xuất phát từ những khái niệm nhị nguyên của tâm. Những khái niệm nhị nguyên khởi sinh ngay khi tâm chúng ta bám chấp vào cái “ngã” của bất cứ một đối tượng nào của tâm, xem những đối tượng của tâm như là những thực thể thực sự tồn tại.
Khi đã bám chấp vào “ngã”, chúng ta hình thành thói quen phân biệt giữa cái này với cái kia thay vì nhìn thấy cái nhất thể. Thói quen phân biệt này làm khởi sinh những cảm xúc phiền não như thích và không thích, muốn và không muốn, yêu mến và thù ghét. Rồi chúng ta lại biểu đạt những cảm xúc đó bằng lời nói hay hành động. Những cách hành động tích cực của thân và tâm được lặp đi lặp lại tạo ra hạnh phúc và đưa đến kết quả là tái sinh vào những cõi trên và những cõi tịnh độ. Những hành động tiêu cực của thân và tâm tạo ra khổ đau và đưa đến kết quả là tái sinh vào những cõi thấp kém.
Tôi đã từng nói rằng nếu bạn là một đạo sư đã chứng đạt cao, bạn có thể đạt được giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi để giác ngộ. Khi bạn hoàn thiện nhận thức về trí tuệ của sự quảng đại – cái tính không căn bản vốn là bản chất của chúng ta, khái niệm chấp “ngã” của bạn sẽ được giải phóng, đánh dấu sự chấm dứt khổ đau và nhân quả nghiệp báo. Điều này có nghĩa là sẽ không còn chuyện tái sinh nữa. Khi đạt được nhận thức đó, bạn có thể trở thành một nguồn lợi lạc tự nhiên đối với nhiều người khác. Tuy nhiên, phần đông chúng ta nhận thức và bám chấp vào các đối tượng của tâm như là những thực thể thực sự tồn tại và chúng ta tăng cường sư bám chấp đó với sức mạnh của những cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực. Hơn nữa, chúng ta có khuynh hướng biểu đạt những cảm xúc của chúng ta không chỉ bằng ý nghĩ và tình cảm mà bằng hình thức tích cực hơn, tức là bằng lời nói và hành động. Những hành động thân, khẩu, ý này tạo ra nghiệp (tức là những mẫu thức thói quen hay những tập khí có ảnh hưởng đến đời sống ở trong tâm thức của chúng ta). Nghiệp đó khiến chúng ta tái sinh vào trong một cõi tịnh độ hay là vào trong sáu cõi trần tục.
Chúng ta phải lưu ý rằng tất cả những khái niệm và cảm xúc nhị nguyên – thậm chí là những khái niệm và cảm xúc tích cực như là quan tâm đến người khác, lòng thương người và mong mỏi điều tốt đẹp cho người khác – đều có kèm theo chấp “ngã” cả. Vì vậy, tuy những cảm xúc tích cực là tốt, chúng vẫn chưa đạt đến sự toàn hảo. Trí tuệ nguyên sơ, vượt lên trên những suy nghĩ và cảm xúc nhị nguyên mới là sự toàn hảo. Tuy nhiên, bám vào những phẩm chất tích cực cũng là một bước tiến đến sự toàn hảo, giúp cho chúng ta sau rốt bỏ dần được sự chấp “ngã” và trải nghiệm được cảm giác an lạc. Vì vậy, biến đổi từ tiêu cực sang tích cực sau đó từ tích cực sang toàn hảo là con đường lý tưởng để hướng đến Phật tính, hay phẩm hạnh toàn hảo.
SÁU CÕI ĐỜI SỐNG TRẦN TỤC (LỤC ĐẠO)
Sáu cõi sống trần tục (lục đạo) được gọi chung là luân hồi hay là vòng sinh tử luân hồi. Sáu cõi này được miêu tả trong tranh tượng Phật giáo bằng hình ảnh gọi là Bánh xe Luân hồi (xem hình 1 trang 333). Vòng luân hồi có ba cõi thấp và ba cõi cao hơn.
Ba cõi thấp là những thế giới của những nỗi đau khổ vô cùng:
Trong những cõi địa ngục, chúng sinh chịu đau khổ vì hơi nóng bất tận của những ngọn lửa đang cháy và kim loại nóng chảy hoặc là cái lạnh của băng giá.
Trong cõi ngạ quỷ, chúng sinh đau khổ vì bị đói khát hành hạ triền miên.
Trong cõi súc sinh, chúng sinh khổ vì sợ hãi, ngu đần và bị bắt làm nô lệ.
Những chúng sinh này sẽ không chết vì đau đớn, cho dù có bị những ngọn lửa địa ngục thiêu đốt, trừ phi nghiệp gây ra tái sinh của họ đã hết.
Ba cõi cao hơn là những thế giới có nhiều hạnh phúc nhưng cũng có sự đau khổ vô tận.
Trong cõi a-tu-la (hay bán thần), chúng sinh hưởng được sự thịnh vượng vật chất nhưng họ đau khổ vì họ xung đột và đánh nhau liên tục.
Trong cõi chư thiên, chúng sinh hưởng thụ nhiều hạnh phúc và thịnh vượng nhưng những sự hưởng thụ đó chỉ là những lạc thú nhục dục luôn thay đổi và họ cũng khổ đau. Họ sống cuộc đời lâu dài hơn nhiều so với cuộc sống của loài người nhưng vì họ thiếu tỉnh giác nên họ cảm thấy cuộc đời ngắn ngủi. Cõi chư thiên là một phần của thế giới trần tục, không bất tử, không phải là một thiên đàng hay một vương quốc như trong chuyện thần thoại phương Tây. Ngay khi họ hết nghiệp trong cõi chư thiên, những chúng sinh này sẽ đau khổ vì chết và vì phải tái sinh vào những cõi thấp hơn. Ở những cõi này, họ cũng bị nghiệp quả chi phối.
Trong cõi người của chúng ta, cho dù là chúng ta may mắn hưởng được những khả năng trí tuệ, sự dư dả vật chất và những trải nghiệm tích cực, chúng ta vẫn đau khổ vì sinh, lão, bệnh, tử. Chúng ta khổ vì mất những gì chúng ta muốn, vì bị buộc phải chấp nhận những gì chúng ta không muốn, vì không có được những gì chúng ta ao ước và vì phải bảo vệ những gì chúng ta có.
SÁU CẢM XÚC: CHỦNG TỬ CỦA VIỆC TÁI SINH VÀO SÁU CÕI
Cõi nào trong sáu cõi trần tục có thể là nơi chờ đợi bạn ở kiếp sau? Điều này tùy thuộc vào cảm xúc chiếm ưu thế bạn lâu nay đã lập trình vào trong phần mềm nghiệp báo của tâm bạn. Đó có phải là một cảm xúc tiêu cực như là thù hận, tham lam, si muội, thèm muốn, ghen ghét và cao ngạo? Hay đó là một cảm xúc tích cực như là nhân ái, rộng lượng, hiểu biết, hài lòng, vui vẻ và khiêm tốn. Kiểu cảm xúc đã thành thói quen mà bạn lập trình vào trong tâm của mình sẽ mang lại hiệu ứng là bạn sẽ tái sinh vào nơi tương ứng trong sáu cảnh giới hay trong những cõi tịnh độ.
Theo nhiều kinh sách, những nghiệp chủ yếu do cảm xúc sân hận và được bộc lộ qua những lời nói và hành động hung dữ sẽ dẫn đến sự đau khổ vì bỏng cháy hoặc tê cóng và những nghiệp đó cũng sẽ khiến người ta phải tái sinh vào cõi địa ngục.
Trong chương 1, chúng ta đã nói đến bốn thành phần của một hành động cần thiết để tạo ra một nghiệp được cấu tạo đầy đủ: đối tượng (hay cơ sở), ý định, việc thực hiện và việc hoàn tất. Trong thí dụ về nghiệp sân hận, sự hiện diện của một người hay sự việc mà bạn ghét là đối tượng. Cái động cơ để bạn ghét đối tượng ấy là ý định. Hành vi ghét một người trong tâm mình là việc thực hiện. Trải nghiệm cái cảm giác căm ghét là sự hoàn tất. Bất kỳ hành động nào mà bạn đang thực hiện, nếu nó có đủ bốn thành tố nêu trên thì nó sẽ trở thành một nghiệp được cấu tạo đầy đủ và nghiệp đó sẽ chắc chắn có những hậu quả trong tương lai.
Có nhiều người bẩm sinh đã có tính hay giận dữ và khổ sở vì cái cảm giác căm ghét mọi người. Và bất cứ điều gì họ nói hay làm đều trở thành một sự bộc phát của cơn giận đó và cơn giận đó đã gây ra sự đau khổ và bạo lực trong đời sống của chính họ và của tất cả những ai có liên quan với họ. Nếu đó là bản chất cuộc sống hiện tại của bạn – dù cho bạn có thừa nhận hay không – thì bạn sẽ không có sự an lạc trong đời sống của mình. Bạn chỉ cảm thấy đau đớn, sợ hãi và khổ sở mà thôi. Mặc dù bây giờ bạn đang có một cái thân người, sống trong cảnh giới loài người nhưng trải nghiệm của bạn chỉ là khủng khiếp giống như bạn đang là một chúng sinh trong địa ngục vậy.
Có thể bạn đang hành động như thể bạn mạnh mẽ, dũng cảm và anh hùng, nhưng trên thực tế thì cái bề ngoài này chỉ là một cách để che đậy cái bản ngã thiếu kiên định, dễ bị tấn công và bị tổn thương của bạn. Ngay khi bạn chết, do những thói quen sân hận mà bạn đã từng nuôi dưỡng suốt cuộc đời mình, những trải nghiệm về tinh thần và những hiện tướng sẽ khởi sinh trong ý thức của bạn như là cảnh giới địa ngục. Trên thực tế, không có một quan tòa quyền uy nào kết án hay trừng phạt bạn cả. Tất cả chỉ là những hồi ứng của những nghiệp mà những cảm xúc gây phiền não của bạn đã khắc ghi vào dòng tâm thức của bạn. Trong những chuyện kể của các delog về giai đoạn trung ấm đã được tóm lược trong chương 5, chúng ta đã thấy những thí dụ rất sinh động và khủng khiếp về những nỗi đau khổ trong địa ngục. Ở đây chúng ta phải tự nhắc nhở mình rằng tất cả những hình ảnh, âm thanh và cảm xúc của thân trung ấm và của các cảnh giới khác nhau chẳng qua chỉ là những phản ánh của những điều rắc rối phức tạp trong tâm mình, giống như những cảnh tượng chúng ta nhìn thấy trong giấc mơ, chúng chỉ là những dấu hiệu của những cảm xúc tích cực hay tiêu cực mà chúng ta đã lập trình vào trong tâm thức của chúng ta bằng chấp “ngã”, xem mọi sự như là có thật. Tịch Thiên (Shantideva) nói:
Tất cả những nỗi sợ hãi và những nỗi đau khổ vô cùng
Đều từ tâm mà ra.
Đấng linh ngộ chân lý (Đức Phật) đã dạy như thế.
Ai đã chế tạo ra những khí cụ của các cõi địa ngục?
Ai đã xây nên những nền bằng sắt nóng bỏng đó?
Những ngọn lửa đó từ đâu đến?
“Tất cả đều chỉ là những phản ánh của tâm bất thiện của các người”.
Đức Phật đã dạy như vậy.
Cũng giống như trường hợp sân hận, những loại nghiệp báo khác do những cảm xúc gây phiền não khác ghi khắc vào trong tâm thức của chúng ta, được bộc lộ qua những lời nói và hành động của chúng ta chính là nguyên nhân gây ra những khổ đau tương ứng, khiến chúng ta tái sinh vào những cõi thấp kém.
Chúng ta có thể tóm tắt như sau:
Cảm xúc thù ghét và giận dữ gây ra những đau khổ bị nóng cháy bỏng và lạnh tê cóng khiến chúng ta tái sinh trong những cõi địa ngục.
Cảm xúc tham lam và keo kiệt gây ra đau khổ vì đói khát và khiến chúng ta tái sinh vào những cõi của quỷ đói (ngạ quỷ).
Cảm xúc ngu dốt hay si muội gây ra đau khổ vì ngu đần và sợ hãi khiến chúng ta sinh vào những cõi súc vật.
Cảm xúc tham ái hay chấp thủ gây ra đau khổ vì sinh, lão, bệnh, tử và khiến chúng ta tái sinh vào cõi người.
Cảm xúc ghen ghét gây ra khổ đau vì chiến tranh và xung đột khiến chúng ta tái sinh vào cõi a-tu-la.
Cảm xúc kiêu căng và tự phụ gây ra khổ đau vì sự xao lãng (quên đi thân phận khổ đau của mình) và sợ chết và khiến người ta sinh vào cõi chư thiên.
Bám luyến, ghen ghét và kiêu ngạo ở mức độ cao hơn sẽ trở thành tham lam.
Như vậy, sáu cảm xúc gây phiền não có thể cô đọng lại thành ba cảm xúc độc hại – tham, sân, si – vốn là nguyên nhân gây ra đau khổ và tái sinh vào ba cảnh giới thấp kém.
Như Long Thọ Bồ tát (Nagarjuna) đã viết:
Tham lam đưa người ta đến cõi ngạ quỷ.
Sân hận đưa người ta đến cõi địa ngục.
Si muội phần nhiều đưa người ta đến cõi súc sinh.
Không phải chỉ có tính chất của cảm xúc mà cả mức độ của cảm xúc nữa cũng sẽ là nguyên nhân đưa người ta tái sinh vào một cõi nào đó. Theo Gampopa, bất kỳ một hành vi tiêu cực nào bạn đã làm:
Nếu bạn thực hiện hành vi xấu xa đó với lòng sân hận, nếu bạn lặp đi lặp lại nhiều lần hành vi đó và nếu bạn làm như thế đối nghịch với một đối tượng hay một cá nhân vô cùng thiêng liêng thì hậu quả của nghiệp đó là tái sinh vào cõi địa ngục.
Nếu bạn có hành vi việc xấu xa với lòng tham lam, lặp đi lặp lại nhiều lần và bạn làm như thế đối ngịch lại một đối tượng hay một cá nhân thiêng liêng ở mức trung bình, thì hậu quả sẽ là tái sinh vào cảnh giới ngạ quỷ.
Nếu bạn có hành vi xấu xa đó với sự ngu si, lặp đi lặp lại việc đó vài lần và bạn làm như thế đối nghịch lại đối tượng hay một cá nhân ít thiêng liêng thì hậu quả sẽ là tái sinh vào cảnh giới súc vật.
Tính cách nghiêm trọng của nghiệp quả cũng còn tùy thuộc vào sự việc liệu bạn có biến (bộc lộ) những cảm xúc gây phiền não của mình thành hành động hay lời nói xấu xa, nhất là những cách bộc lộ xấu xa này của bạn làm tổn thương những người khác đến mức nào và liệu chúng có khiến những người khác lại nhân đó mà làm những việc xấu xa hay không.
Trong số nhiều nghiệp quả, nghiệp quả nào bạn sẽ gặt hái đầu tiên? Trước hết, bạn sẽ phải hứng chịu kết quả của cái nghiệp nào dữ dội nhất trong tất cả các nghiệp của bạn. Kế đó sẽ là cái nghiệp bạn tạo ra vào thời điểm bạn chết. Vì vậy, những gì bạn làm vào thời điểm mình chết sẽ có mộ̣t tác động rất lớn đến những bước kế tiếp cuộc đời tương lai của bạn. Tiếp theo là bạn sẽ phải đối mặt với kết quả của nghiệp nào mà trong đó bạn có nhiều kinh nghiệm nhất và cuối cùng là những nghiệp nào bạn tạo ra gần đây nhất.
Bởi vì quả kiếp nhân duyên đã ăn sâu vào trong tâm của bạn cho nên điều đáng mừng là bạn có thể tránh được việc phải tái sinh vào một cõi thấp như địa ngục chẳng hạn nếu bạn thay đổi những kiểu cách suy nghĩ hay hành động đã thành thói quen của tâm bạn.
BẠN CÓ THỂ LỰA CHỌN ĐỜI TÁI SINH CỦA MÌNH
Trong phần sau của giai đoạn trung ấm của bạn, bạn có thể đối diện với nhiều nỗi sợ hãi, cô đơn và đau đớn. Áp lực về mặt cảm xúc của việc tìm cho được một nơi tái sinh sẽ lớn đến nỗi bạn có thể sẽ không quan tâm đến chất lượng của nơi chốn mà sau rốt mình sẽ tái sinh. Vào lúc này, bạn phải hết sức thận trọng, bởi vì cơ hội để ngăn chặn việc tái sinh vào một nơi không như mong muốn và việc chọn tái sinh vào một nơi tốt có thể nằm trong tay bạn. Để đạt được mục đích này bạn phải biết cách nhận ra những dấu hiệu của các cõi tái sinh. Chúng ta đã bàn về những dấu hiệu này trong chương 4 “Trung ấm” trong phần mang tiêu đề “Những dấu hiệu báo trước đời tái sinh đang chờ đợi chúng ta” (xem trang 184)
Nếu một nghiệp tích cực hay tiêu cực mạnh mẽ đang đẩy bạn đi, bạn có thể không có cơ hội để chọn nơi tái sinh, bởi vì bạn hoàn toàn bị nghiệp lực khống chế – trên thực tế, việc chọn lựa xảy ra một cách tự động không có ý thức của bạn tham gia vào. Nhưng nếu nghiệp lực của bạn không mạnh mẽ như vậy thì bất cứ nỗ lực nào của bạn cũng làm gia tăng tối đa cơ hội có được một nơi tái sinh tốt. Để thành công trong việc này, điều tối quan trọng là bạn phải có sự hiểu biết về các phương pháp để chặn những cánh cửa tái sinh không như mong muốn và chọn những cánh của đưa vào cõi tái sinh tốt.
Trong chương 9 “Những nghi lễ dành cho người sắp chết và người chết”, chúng ta sẽ xem xét những nghi lễ thiền định để tránh sinh vào trong sáu cõi, nhất là trong ba cõi thấp. Ở đây tôi chỉ tóm lược những lời dạy về việc ngăn chặn những dấu hiệu của những nơi tái sinh không như mong muốn và chọn lựa những dấu hiệu của những nơi tái sinh tốt đẹp.
Ngăn chặn những nơi tái sinh không như mong muốn
Nếu bạn là một thiền giả đã đạt thành tựu cao – một người đã nhận thức rõ ràng và đã hoàn thiện tính giác ngộ của tâm, bạn phải trụ lại trong trạng thái nhận thức rõ ràng đó mà không dao động. Nếu bạn làm được như vậy thì thay vì phải tái sinh, bạn có thể đạt được Phật quả.
Nếu bạn không có được sự nhận thức rõ ràng như vậy hoặc là chưa hoàn thiện nó, nhưng nếu bạn đã tích lũy được những công đức thanh tịnh và có lòng sùng mộ đối với một vị Phật và một cõi tịnh độ nào đó thì bạn nên phát triển lòng sùng kính đối với vị Phật, cõi tịnh độ và lập ước nguyện mạnh mẽ muốn được tái sinh vào cõi tịnh độ đó. Một ước nguyện như vậy sẽ cứu bạn khỏi cái chu kỳ tái sinh trong sáu cõi và đưa bạn tái sinh vào trong cõi tịnh độ mà bạn mong muốn.
Thí dụ, nếu trong đời mình, bạn đã nuôi dưỡng thói quen sùng mộ Đức Phật Vô Lượng Quang – bằng cách tin cậy Ngài như là một biểu tượng của lòng thương yêu vô điều kiện, trí tuệ toàn giác và quyền năng vô địch – và nếu vào lúc chết hoặc trong giai đoạn trung ấm, bạn có thể đánh thức ký ức sùng mộ đối với Ngài và cõi tịnh độ của Ngài, thì bạn sẽ nhận thức được rằng ngay lúc đó có sự hiện diện của Đức Phật Vô Lượng Quang và cõi Tịnh độ Cực lạc của Ngài.
Nhưng làm sao bạn có thể hình thành được thói quen sùng mộ và lòng tin tưởng mạnh mẽ này? Nó sẽ được hình thành dần dần bằng cách luôn nghĩ tưởng về Đức Phật, cõi tịnh độ và những công đức của các Ngài cũng như là tụng niệm những lời cầu nguyện của các Ngài càng nhiều càng tốt. Lúc đầu cách làm này có thể có vẻ lạ lùng, nhưng chẳng bao lâu nó sẽ trở nên quen thuộc và cuối cùng nó sẽ trở thành một phần của cuộc đời bạn và hơi thở của bạn. Rồi sau khi chết, tất cả những nhận thức của bạn sẽ khởi sinh dưới dạng những hình ảnh Phật của yêu thương, an bình và trí tuệ của một cõi tịnh độ đầy niềm vui và đẹp đẽ. (Để biết thêm chi tiết, xin xem phụ lục A.)
Bạn có thể không có một nghiệp nào để tái sinh vào một cõi tịnh độ, nhưng bạn có thể đã tạo ra những nghiệp như là tình yêu thương, lòng khoan dung, biết điều phải, buông xả, hoan hỷ và khiêm tốn, nhất là bằng cách biểu đạt những nghiệp đó qua việc giúp đỡ những người khác. Nếu được như vậy, bạn có thể có sự chọn lựa tái sinh vào một trong những cõi cao với những phẩm chất thiên phú tích cực. Vì vậy, bạn phải nhớ những dấu hiệu của một cõi tái sinh nào đó và lựa chọn cõi đó.
Chẳng hạn, nếu bạn đang nhìn thấy những dấu hiệu của cõi chư thiên nhưng bạn đang ước nguyện được sinh vào cõi người, bạn phải chặn lại nguồn ánh sáng trắng đục, vốn là dấu hiệu tái sinh vào cõi chư thiên và thay vào đó bạn hãy nghĩ đến và chọn ánh sáng màu xanh dương bằng cách đi về phía ánh sáng đó.
Trong khi bạn đang lang thang trong trung ấm, bạn không được nghĩ đến những người thân yêu và của cải của bạn ở nhà, bởi vì những ý nghĩ này sẽ làm bạn chệch hướng khỏi con đường đúng đắn của bạn. Bạn phải tập trung tâm mình vào con đường tái sinh mình đã chọn.
Như chúng ta đã thấy trong chương 4, cánh cửa đưa đến tái sinh của bạn vào một trong sáu cõi sẽ xuất hiện như một luồng ánh sáng mờ nhạt. Ánh sáng màu trắng mờ cho ta biết cõi chư thiên và cõi người. Ánh sáng màu vàng thường tượng trưng cho những cõi a-tu-la và súc sinh. Cõi súc sinh cũng có thể được biểu thị bằng màu máu và cõi a-tu-la bằng màu một cơn bão tuyết hay một cơn mưa bão. Một thứ ánh sáng màu khói cho ta biết cõi ngạ quỷ và ánh sáng trông giống như một khúc gỗ hay một mảnh len màu đen trôi bồng bềnh biểu thị cõi địa ngục. Bạn có thể thấy thân của chính mình biến thành ánh sáng có màu sắc của cõi mình sắp tái sinh vào.
Sau đây là một số lời dạy chỉ ra năm cách để chặn lối đi vào những cánh cửa tái sinh không như mong muốn:
1. Khi bạn nhìn thấy những luồng ánh sáng như là những dấu hiệu của những cõi tái sinh tương lai, bạn cũng có thể nhìn thấy một đôi nam nữ đang làm tình, nhất là khi bạn đang hướng đến tái sinh vào cõi người. Đôi nam nữ đó tượng trưng cho cha mẹ tiềm năng của bạn. Nếu chuyện đó xảy ra thì bạn đừng đi đến với họ hoặc là lưu luyến hay ganh ghét họ. Hãy xem họ như một cặp vợ chồng đạo sư của bạn – hiện thân của vị đạo sư của bạn trong thân tướng nam và nữ. Hoặc là bạn cũng có thể xem họ như là Padmasambhava hợp nhất với người phối ngẫu tâm linh của Ngài là Yeshe Tsogal. Hoặc là bạn xem họ như là một đôi vợ chồng Phật nào đó. Bạn hãy có ý nghĩ tôn kính đối với họ và cúng dường họ.
Với lòng sùng mộ mạnh mẽ, bạn hãy mong muốn nhận được những lời dạy và những ơn phước của họ ban cho.
2. Nếu làm như vậy mà không chặn được cánh cửa tái sinh thì bạn hãy xem đôi nam nữ đó như là một cặp vợ chồng thần tiên chẳng hạn như Đức Phật Vô Lượng Quang hoặc Đức Phật Từ Bi trong thân tướng nam và nữ. Hãy cảm nhận một cách mạnh mẽ rằng bạn đang nhận được ơn phước họ ban cho.
3. Nếu làm như vậy mà không chặn được cánh cửa tái sinh thì bạn hãy đảo ngược lòng quyến luyến và lòng ghen ghét. Thông thường, nếu bạn đang đi vào đời tái sinh làm người nam, bạn sẽ cảm thấy lòng quyến luyến đối với người nữ của cặp đôi đang làm tình và lòng ghen ghét đối với người nam. Nếu bạn sắp tái sinh làm người nữ, bạn sẽ cảm thấy lòng quyến luyến đối với người nam và lòng ghen ghét đối với người nữ. Cũng do những thói quen trong quá khứ của bạn, bạn có thể nghĩ rằng bạn đang nhìn thấy hai người nam và nữ nhưng sự thật là bạn đang bị lôi cuốn về phía những con chim đực và chim cái. Nếu như vậy thì bạn sẽ tái sinh làm chim con. Vì vậy, vào thời điểm này, bạn phải có một quyết tâm mạnh mẽ: “Ta sẽ không bao giờ để tâm của mình nuôi dưỡng lòng quyến luyến và lòng ghen ghét”.
4. Nếu làm như vậy mà không chặn được cửa tái sinh thì bạn phải mạnh dạn xem những trải nghiệm bạn đang kinh qua chỉ là như huyễn, giống như những ảo tưởng.
Nhận thức như vậy sẽ hóa giải sự bám chấp của tâm bạn vào những trải nghiệm như chúng là có thật, và việc đó sẽ chặn cánh cửa tái sinh.
5. Nếu làm như vậy không chặn được cánh cửa tái sinh, thì bạn hãy xem mọi sự như là một sự hấp thu có tính phát sáng. Bạn hãy nghĩ rằng: “Những hiện tượng là chính cái tâm của mình. Tâm thì rỗng không” và rồi hãy thiền định trong trạng thái tự nhiên không có sự điều tiết nào cả. Hãy để tâm bạn an trụ trong trạng thái tự nhiên của nó, giống như nước đổ vào nước, mọi thứ nước trở thành một, không phân chia được.
Jigme Lingpa đã khuyên: “Khi chúng sinh trong trung ấm thấy một đôi đang làm tình, họ đổ xô đến như ruồi bay đến đống rác. Chúng sinh nào đó có nghiệp tái sinh sẽ bị kéo vào trong tử cung, không có cách gì tránh được. Vào lúc đó, bạn phải lập những ước nguyện tốt đẹp, phải đi tìm nương náu nơi các bậc giác ngộ hay là cầu mong chọn được một cái tử cung thuận lợi. Điều này sẽ giúp bạn tìm được một chỗ quý báu để sinh làm người”.
Chọn nơi tái sinh đúng
Nếu bạn có quyết tâm muốn được sinh vào một cõi tịnh độ, bạn phải nảy sinh cảm giác khiếp sợ đối với việc sinh vào sáu cõi. Bạn đừng lưu luyến những người thân yêu hoặc của cải của mình. Hãy lập ước nguyện mạnh mẽ và có niềm tin vào khả năng của mình có thể đi đến một cõi tịnh độ mà mình chọn lựa, chẳng hạn như cõi Tịnh độ Cực lạc bằng cách nghĩ rằng: “Ta sẽ được sinh ra một cách kỳ diệu từ một đóa hoa sen dưới chân Đức Phật Vô Lượng Quang trong cõi Tịnh độ Cực lạc”.
Nếu bạn không thể sinh vào một cõi tịnh độ thì có thể bạn sẽ nhìn thấy nơi tái sinh của mình ở một trong sáu cõi. Tuy nhiên, bạn có thể nhìn thấy một ảo cảnh của nơi mình sẽ sinh vào, không phải nhìn thấy nó đúng như thực tế mà chỉ nhìn thấy một hình tướng tượng trưng như sau:
Những ngôi nhà nhiều tầng đẹp đẽ được cho là dấu hiệu của nơi tái sinh ở cõi chư thiên.
Một khu rừng, một vòng lửa hay mưa có thể là dấu hiệu của cõi a-tu-la.
Những người đang tán gẫu hoặc là những ngôi nhà bình thường, quý báu hay xinh đẹp là những dấu hiệu của việc sinh ra làm người quý báu.
Những hang động, những túp lều và sương mù là dấu hiệu của cõi thú vật.
Những lòng sông khô cạn hay những nơi tối tăm bụi bặm là những dấu hiệu của cõi ngạ quỷ.
Những ngôi nhà màu đỏ hay vùng đất tối tăm, một hố sâu đen tối hay một con đường tối tăm là những dấu hiệu của cõi địa ngục.
Khi bạn nhìn thấy những hiện tướng như vậy, bạn có thể nóng lòng muốn nương náu vào bất kỳ một nơi nào đó trong những nơi này vì bạn sẽ không có chỗ trú ẩn lâu dài. Có thể bạn muốn trốn vào bất kỳ một nơi nào trong số những nơi đó vì bạn có thể thấy khiếp sợ và kiệt sức vì những cảnh tượng đầy đe dọa của các Tử thần. Nhưng đây là lúc bạn phải tỉnh táo bởi vì bạn không được đi về phía những dấu hiệu của những cõi thấp. Bạn phải cố gắng chọn lựa cõi người hay là cõi chư thiên nếu bạn không thể nào sinh vào cõi tịnh độ được.
Có thể bạn khó nhận ra được nơi tái sinh đúng. Bạn có thể xem một nơi tái sinh tốt như là một nơi tái sinh xấu hoặc ngược lại vì những ảo tưởng đánh lừa do nghiệp chướng của bạn phô bày ra. Vì vậy, bạn cần phải sử dụng những kỹ thuật sau đây.
Nếu bạn đã luyện tập thiền định về một vị Phật phẫn nộ nào đó, chẳng hạn như Kim Cương Thủ (Vajrapani), Đức Phật Quyền Năng, bạn nên tức khắc hình dung mình trong thân tướng của vị Phật đó. Thân của Ngài khổng lồ, hùng vĩ và uy dũng. Giọng nói của Ngài uy nghiêm và làm trái đất rung chuyển. Tâm của Ngài đầy yêu thương, toàn giác và an bình. Nếu bạn hình dung ra Kim Cương Thủ, bạn có thể thấy sự tan biến của các Tử thần – tức là những hình tướng khủng khiếp do tâm tạo ra đang dồn bạn vào thế đường cùng. Điều này sẽ cho bạn cơ hội sử dụng chút trí óc sáng suốt mà nhiều chúng sinh trong trung ấm có được để tìm ra được những phẩm chất thật sự của những nơi tái sinh và chọn được nơi tái sinh đúng cho mình trong sự thanh thản.
Bạn cũng phải nuôi ý định mạnh mẽ này: “Ta sẽ được tái sinh vào trong một gia đình của những người tu hành chân thành và đức hạnh. Ta sẽ tái sinh làm người có khả năng phục vụ tất cả chúng sinh”.
Ngoài ra, khi đi vào tử cung, bạn hãy tôn sùng nó như là một cung điện của các thần linh. Hãy thấy rằng cung điện này có rất nhiều thần linh như Đức Phật Từ Bi chẳng hạn và dâng lời cầu nguyện đến các Ngài. Sau đó, bạn hãy đi vào tử cung và nghĩ rằng bạn đang được các các vị thần cho thọ giáo. Hoặc là với lòng sùng kính hãy xem người nam và người nữ đang hợp nhất đó như là vợ chồng vị thầy tâm linh của bạn.
Khi có bất kỳ dấu hiệu tái sinh nào hiện ra trước mắt bạn, cho dù đó có vẻ như một nơi tái sinh tốt thì điều tối quan trọng là đừng có cái tâm bám luyến vào ń ơi tái sinh đó. Cho dù đó có vẻ là một nơi tái sinh xấu thì cũng đừng có cái tâm ghét bỏ nó. Bạn hãy đi vào nơi tái sinh hay là cái tử cung tốt nhất có thể được với sự bình thản tột độ và tránh những cảm xúc từ chối hay chấp nhận.
Nếu bạn không phải là một thiền giả có kinh nghiệm thì bạn khó lòng mà thay đổi những thói quen phân biệt thường lệ của bạn để thấy rõ một nơi tái sinh đáng ao ước khi bạn đang ở trong thân trung ấm. Tuy nhiên, bạn có thể thử làm theo những cách sau đây:
Đừng quên rằng bạn đang ở trong trung ấm, giai đoạn chuyển tiếp.
Hãy nhớ bước đi với đầu ngẩng cao.
Hãy cầu nguyện bằng cách liên tục niệm hồng danh của chư Phật.
Hãy nương vào Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng.
Hãy cầu nguyện các Đấng Từ Bi như Đức Phật Vô Lượng Quang và các vị thầy tâm linh của bạn.
Hãy đừng lưu luyến những người thân yêu và của cải của mình vì họ và của cải của bạn sẽ làm bạn đi lệch con đường đúng của mình.
Hãy đi vào con đường ánh sáng màu xanh dương của cõi người và ánh sáng trắng của cõi chư thiên.
Nếu bạn ít có khả năng được giải thoát và bạn hy vọng được sinh vào cõi người hay cõi chư thiên, bạn có thể được những người trợ giúp phụ lực vào ước nguyện của bạn lúc bạn sắp chết hoặc là sau khi chết. Những người trợ giúp có thể lặp đi lặp lại cho bạn những điều hướng dẫn trên đây. Có người trợ giúp nhắc nhở cho bạn những điều này sẽ khiến cho bạn dễ nhớ chúng khi bạn đi vào trung ấm. Ngay cả sau khi bạn chết, thần thức của bạn có thể nán lại một thời gian trong Thế giới Người sống. Do đó, những lời chỉ dẫn của một người trợ giúp đang sống nói với bạn vẫn có thể đến được với bạn và có lợi cho bạn. Chúng ta phải thử tất cả những phương pháp tốt nhất có thể để giúp chúng ta suy nghĩ và hành động một cách có hiệu quả trong giai đoạn trung ấm.
Trong cuốn sách này, chúng ta đang đặc biệt chú ý đến việc tái sinh vào một thế giới thanh tịnh và an bình sau khi chết. Đối với một Phật tử, thế giới đó có thể là cõi Tịnh độ Cực lạc của Đức Phật Vô Lượng Quang (mặc dù bạn có thể chọn lựa bất kỳ một cõi Phật thanh tịnh nào khác). Bây giờ, trong chương 7, chúng ta sẽ có một cái nhìn kỹ hơn về vị Phật này và cõi Tịnh độ Cực lạc của Ngài như là một nguồn ơn phước, như là đối tượng của sự quán tưởng và sùng mộ, và như là nơi mà chúng ta ước nguyện được tái sinh vào. Bởi vì nhớ đến, cầu nguyện Đức Phật Vô Lượng Quang và tạo phước đức giúp chúng ta có thể được tái sinh vào cõi Tịnh độ Cực lạc của Ngài, một cõi đại an lạc, nên chúng ta phải xem lại việc miêu tả về Ngài và cõi Tịnh độ Cực lạc của Ngài trong các kinh của Đức Phật lịch sử, Đức Thích Ca Mâu Ni.