CHƯƠNG 8. CÁCH GIÚP ĐỠ NGƯỜI SẮP CHẾT VÀ NGƯỜI CHẾT
Đối với cái tâm một mình bay vút qua trung ấm như một miếng vải bay trong gió,
Tìm được nguồn an ủi trong những bàn tay mạnh mẽ của những người an bình và trí tuệ
Là cơ hội để bay vút vào cõi tịnh độ mà không run vì sợ hãi và khóc vì buồn phiền.
Một sự khuây khỏa kỳ lạ biết bao khi được cứu vớt khỏi phải lang thang vô định qua cõi u minh!
Khi một người sắp chết, chúng ta có cơ hội để mang lại sự trợ giúp vô giá về tâm linh cho người đó. Các vị lạt-ma, những người trợ giúp đã được huấn luyện và những bạn tu có thể cống hiến những lời cầu nguyện, thiền định và những nghi lễ nhằm hướng dẫn người sắp chết và người đã chết trên cuộc hành trình sau khi chết của họ. Cũng còn có nhiều việc đơn giản nhưng đầy ý nghĩa mà những người săn sóc, bà con họ hàng và bạn bè có thể giúp đỡ.
DUY TRÌ NHỮNG Ý NGHĨ VÀ HÀNH VI TÍCH CỰC
Cách chúng ta xử sự quanh một người sắp chết hay là sau khi một người vừa mới chết có thể tạo ra một sự khác biệt cho trải nghiệm của người đó trong giai đoạn chuyển tiếp rất quan trọng này. Trong khi một người sắp chết hoặc đã chết và trong nhiều ngày sau đó, điều quan trọng đối với những người thân là phải cố gắng kiềm chế những ý nghĩ và tình cảm quyến luyến hay thù nghịch đối với người chết. Cho dù chúng ta không thể nào ngăn cản được những ý nghĩ và những thái độ này thì chúng ta nên tránh nói ra hoặc bộc lộ chúng bằng những lời nói hay hành động. Chúng ta không nên đau buồn, khóc lóc hay than vãn. Một điều quan trọng nữa là đừng nên “bới đống rác” về người chết, hoặc ngồi lê đôi mách về những nhược điểm hay là những việc xấu xa mà những người chết đã làm hay thậm chí không nên nghĩ đến những chuyện đó trong đầu chúng ta.
Những chuyện kể của những delog ở chương 5 cho ta thấy việc những người sống đau buồn hay khóc lóc có thể khiến cho người chết phải trải qua bóng tối, những cơn mưa tuyết, những âm thanh hãi hùng và những cảm xúc đau đớn khi họ đang trải qua giai đoạn trung ấm. Những người thân của người chết nên cố gắng giữ một trạng thái tinh thần và một bầu không khí thanh thản và bình tĩnh được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Chúng ta nên tán dương, vui mừng, hoan hỷ và tỏ lòng kính trọng người chết vì những thành tựu của người đó khi còn sống. Chúng ta không bao giờ nên suy nghĩ theo những cách như thế này: “Bây giờ anh ta chết rồi. Mình sẽ giàu có”. Hoặc “Rốt cuộc mình cũng được tự do vì anh ta chết rồi”.
Tâm thức của người mới chết có thể vẫn còn quanh quẩn đâu đó trong nhiều giờ, nhiều ngày, có khi là nhiều tuần sau khi đã rời khỏi xác thân. Thậm chí họ còn có khả năng đọc được ý nghĩ trong đầu của những người còn sống. Nếu họ phát hiện ra rằng người khác đang suy nghĩ và hành xử tiêu cực đối với họ, điều đó sẽ trở thành một yếu tố rất mạnh mẽ khuấy động lên những cảm xúc tiêu cực và những cảm xúc này sẽ trở thành nguyên nhân của một đời sống tương lai đau khổ cho họ.
Vì thế, tối thiểu trong một khoảng thời gian từ vài ngày đến vài tuần sau khi một người qua đời, chúng ta, những người thân, nên cố gắng duy trì những ý nghĩ và những ký ức tích cực về người vừa mới chết và hành xử cho phù hợp.
Tình cảm buồn rầu trước cái chết của một người thân là điều tự nhiên. Nhưng mặc dù bạn sẽ buồn rầu, bạn không nên làm cho nỗi buồn trầm trọng thêm mà nên buồn ít đi. Điều đầu tiên là hãy cố gắng đừng xem tình cảm buồn rầu đó là tiêu cực và hãy bắt đầu một cuộc đấu tranh về cảm xúc. Thay vì buồn rầu, bạn có thể suy nghĩ: “Vâng, mình buồn thật, nhưng đây chỉ là vì tình yêu thương và lòng quý trọng đối với người thân yêu của mình”. Có được một ký ức và tình thương đẹp đẽ như vậy thật tuyệt vời biết bao. Ngay khi gắn cho nỗi buồn một ý nghĩa tích cực và chuyển nỗi buồn thành niềm vui, toàn bộ tính chất đau đớn của sự buồn rầu sẽ trở thành sức mạnh giúp bạn vượt qua nỗi buồn một cách vui vẻ. Đôi lúc bạn có thể cần phải tự nhắc nhở mình: “Nếu ta cứ nuôi dưỡng tình cảm buồn bã cùng với những suy nghĩ và những hình ảnh của người thân yêu vừa mới qua đời, việc này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến họ như đã được dạy trong giáo lý và đã được kể lại trong những câu chuyện của các delog, vì vậy mình phải thôi không buồn nữa”. Một sự hiểu biết và quyết tâm như vậy sẽ giúp chúng ta không còn có những cảm xúc buồn bã nữa.
Điều quan trọng chúng ta phải nhớ là đối với người thân yêu của mình, chết không phải là hết. Đời sống vẫn tiếp tục. Nếu lâu nay những người thân yêu của mình chịu đau khổ vì bệnh hoạn hay tuổi già, cái chết là một cơ hội tốt cho họ để chấm dứt khổ đau, vui hưởng được sức khỏe và một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đặc biệt là, nếu có một phần đời của người thân của bạn là tích cực, bạn phải nhớ điều đó và tập trung tâm trí mình vào phần đời đó trên trái đất này của người thân yêu và bạn hãy tự hào, hãnh diện về việc đó. Điều đó sẽ tạo ra sức mạnh cho bạn để vượt qua nỗi đau buồn và là một sự nâng đỡ về mặt tâm linh cho người thân của bạn.
Cách làm hiệu quả nhất là thay vì cứ mãi buồn rầu và để nỗi buồn gặm nhấm đời mình, bạn hãy tập trung vào việc cầu nguyện, thiền định và thọ hưởng những ơn phước.
CẦU NGUYỆN VÀ CỬ HÀNH NHỮNG NGHI LỄ
Những người thân và nhất là những người trợ giúp muốn chọn những lời cầu nguyện hoặc thiền định gì cho người chết thì trước tiên những phép thiền định và trải nghiệm đó đã mang lại cảm hứng và lợi lạc cho chính bản thân người trợ giúp. Sau đó, họ nên chia sẻ nguồn cảm hứng và những lợi lạc đó với người sắp chết hay người đã chết. Nếu chính bạn không trải nghiệm những cảm xúc đó thì bạn chẳng có gì nhiều để chia sẻ với người sắp chết hay người đã chết cả.
Trong việc lựa chọn nên thực hiện những lời cầu nguyện, thiền định hay nghi lễ gì, điều luôn quan trọng là phải chọn những gì mà cả người trợ giúp lẫn người chết đều có liên hệ hoặc quen thuộc.
Trừ phi người sắp chết hay người đã chết là một vị đã chứng đạt cao siêu, việc phải trông cậy vào sức mạnh của một nguồn ơn phước là điều rất quan trọng. Nguồn ơn phước của bạn có thể là một vị Phật như Đức Phật Vô Lượng Quang, một cõi tịnh độ Phật như là cõi Tịnh độ Cực lạc, một vị Bồ tát, một vị thánh, một nhà hiền triết hay là những vị thầy tâm linh của chính bạn.
Người trợ giúp phải thấy, cảm nhận và tin tưởng rằng nguồn ơn phước đó là một nguồn trí tuệ toàn năng, tình yêu vô điều kiện và sức mạnh vô biên. Nếu bạn có thể hình dung ra nguồn ơn phước như vậy thì nó sẽ thực sự hiện ra trước mắt bạn giống như vậy, nhờ ở sức mạnh của chính sự nhận thức thanh tịnh.
TẠO CÔNG ĐỨC
Việc đáng quý nhất mà bạn có thể thực hiện cho người sắp chết hoặc người đã chết là tạo công đức và hồi hướng công đức đó để tạo nhân duyên cho họ đạt hạnh phúc và giác ngộ.
Đạo Phật dạy rằng để đạt được Phật quả, bạn phải tích lũy được hai thứ: công đức và trí tuệ. Bằng tư tưởng, cảm xúc tích cực và những hành động được thực hiện với tâm nhị nguyên, chúng ta tích lũy công đức hay thiện nghiệp. Bằng việc nhận thức được bản chất tối hậu, không bị chi phối bởi những quan niệm và cảm xúc nhị nguyên, chúng ta tích lũy được trí tuệ mà không bị nghiệp và nhân duyên chi phối. Để có được một đời sống hay một kiếp tái sinh an lạc, chúng ta phải tích lũy được công đức. Để đạt được Phật quả, chúng ta phải có được trí tuệ.
Có nhiều cách để tạo công đức như sau:
Nuôi dưỡng tư tưởng và hành động bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn và thiền định.
Áp dụng những tư tưởng và những sự cống hiến này vào những hoạt động tích cực, bao gồm việc tụng đọc những lời cầu nguyện, thực hành thiền định, phục vụ người khác, chăm sóc người bệnh và cứu mạng sống.
Tạo lòng tin và sùng kính đối với nguồn ơn phước, lòng từ bi đối với mọi chúng sinh hữu tình và quán chiếu về bất cứ một đối tượng tích cực nào của tâm thức, có thể là một hình ảnh (hình ảnh Phật chẳng hạn), một vị thánh thiện, một âm thanh thiêng liêng, một tình cảm (sùng mộ, từ bi, an bình, hỷ lạc), những phước lành, những cõi tịnh độ v.v...
Tuân thủ giới luật, thanh tẩy những hành vi xấu xa (hoặc bằng thiền định, cúng lễ hoặc bằng những tư tưởng và hành động tích cực có thể giúp tịnh hóa những nghiệp tiêu cực mình đã phạm phải), truyền đạt giáo lý, cúng dường các vị thần thánh, tặng quà cho những người khó khăn, bố thí từ thiện, cung cấp nơi trú ẩn, tài trợ những buổi lễ tôn giáo, tạo ra những vật thể có tính tôn giáo (như tranh, tượng, đền chùa, đài kỷ niệm), xây dựng đường sá và nơi trú ngụ.
Bạn cũng có thể tích lũy công đức bằng cách thực hiện những nghi lễ tôn giáo, phía trước hay ở giữa những hình tướng, âm thanh và trải nghiệm linh thiêng của nguồn ơn phước. Điều đó sẽ mở rộng tâm thức và đời sống của bạn để đón nhận những phẩm tính tâm linh chẳng hạn như sự thăng hoa của tâm thức với những nhận thức tích cực và của cảm xúc với sự sùng mộ, tán dương và hỷ lạc vô biên.
Sau khi tạo công đức, một trong những việc có hiệu quả nhất mà bạn có thể làm được cho những người đã chết là hồi hướng tất cả công đức của những hành động thiện lành của bạn để tạo an lạc cho một người cụ thể hay cho mọi chúng sinh. Có những bộ sách lớn về những lời cầu nguyện hồi hướng này trong kinh điển Phật giáo. Trong khi tụng đọc những lời cầu nguyện như vậy, người ta nghĩ đến việc hồi hướng công đức cho mọi chúng sinh (nhất là những người đã chết để họ được an lạc) mà không trông mong được đền đáp gì cả.
Nếu bạn có thể thay mặt cho người chết, tự mình thực hiện những việc công đức như đã nói trên thì đó là một việc làm rất tốt. Nhưng cũng rất tốt, nếu bạn chỉ cần tạo cảm hứng khiến cho người khác làm những việc đó hoặc là tài trợ những buổi lễ tạo công đức do các vị lạt-ma hay người bình thường thực hiện.
NHỮNG NGHI LỄ PHẬT GIÁO
DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI KHÔNG PHẢI PHẬT TỬ
Như chúng ta biết, có những người sẵn sàng chấp nhận những quan điểm của Phật giáo cho dù bản thân họ không chính thức là Phật tử. Có những người đánh giá cao Phật giáo một cách chung chung nhưng cảm thấy khó chấp nhận những hình ảnh hay những quan điểm phức tạp của Phật giáo về cái chết và giai đoạn sau khi chết. Và cũng có những người hoàn toàn không quan tâm gì đến Phật giáo và thậm chí còn chống đối Phật giáo và những quan điểm của Phật giáo về cái chết.
Ở Tây Tạng truyền thống, toàn bộ dân chúng đều là Phật tử thuần thành nên dĩ nhiên những vấn đề như thế này không nảy sinh. Nhưng giờ đây đạo Phật đã phát triển ở phương Tây, chúng ta có nên trợ giúp theo cung cách Phật giáo ngay cho cả những người đã chết mà nếu họ sống thì chắc chắn họ sẽ bác bỏ sự trợ giúp đó?
Một số vị thầy trả lời rằng những chúng sinh đang lang thang trong giai đoạn trung ấm rất cần sự giúp đỡ. Họ sẽ tìm kiếm bất kỳ một nguồn hình ảnh, âm thanh hay tình cảm an lạc nào để nâng đỡ cho họ. Vào thời điểm chết, họ sẽ thiết tha tìm bất cứ một cái gì có thể cung cấp cho họ nơi trú ẩn và sự khuây khỏa. Vì thế, họ sẽ vui mừng đón nhận những lời cầu nguyện, thiền định, công đức và những chuyện đó sẽ giúp họ rất nhiều cho dù họ không coi trọng đạo Phật lúc còn sống.
Một số vị thầy khác nghĩ rằng nếu người sắp chết đã có những ý nghĩ không thích đạo Phật hay là phản kháng những hình ảnh và quan niệm của Phật giáo khi họ còn sống, họ có thể mang theo những khuynh hướng như vậy khi ở trong giai đoạn trung ấm, bởi vì những thói quen của tâm thức rất khó từ bỏ. Nếu vậy thì trong tâm thức của những người như thế, những việc làm theo cách của đạo Phật để giúp đỡ họ có thể khiến họ oán giận hoặc thậm chí thù ghét và điều này chỉ làm hại họ.
Theo quan điểm của chính tôi, chắc chắn là an toàn và có lợi khi hình dung ra hoặc tạo ra một cảm giác và không khí an lạc chung quanh người sắp chết hay người đã chết. Bạn có thể thoải mái khi quán chiếu về không khí đó, suy nghĩ và cảm nhận rằng bạn (người trợ giúp), người sắp chết và cái không khí đó tất cả đều hòa vào trong một cảm giác an lạc. Là người trợ giúp, bạn cũng có thể tưởng tượng nhìn thấy những hình ảnh tích cực, nghe được những âm thanh và lời nói êm dịu, để cho những ấn tượng này tạo ra một bầu không khí an lạc. Rồi bạn hãy thư giãn trong không khí đó với cái tâm rộng mở. Những cách làm này dựa trên cái tinh túy đích thực của Phật giáo và có những tính chất tích cực mang tính phổ quát, không có tính cách đặc thù Phật giáo hay văn hóa Á châu gì cả.
Ngoài ra, đây là một điều rất quan trọng khi ta thực hiện một hình thức tạo công đức có tính cách phổ quát và hồi hướng công đức đó cho những người đã chết như gieo mầm cho một cuộc hành trình và tái sinh an bình và hạnh phúc.
THIỀN ĐỊNH MANG TÍNH PHỔ QUÁT CHO MỌI NGƯỜI
Cho dù người sắp chết và đã chết không phải là một Phật tử và thậm chí là không sẵn sàng chấp nhận Phật giáo, những công thức sau đây cũng sẽ có lợi, an toàn và đáng tôn trọng. Những người trợ giúp có thể dùng tất cả những công thức này hay thay đổi một phần nào đó cho phù hợp với nhu cầu của một cá nhân đang lâm chung. Những công thức này dựa trên những nguyên tắc Phật giáo nhưng lại có những tính chất và sức lôi cuốn chung đối với mọi người.
Bạn hãy tưởng tượng mình đang nhìn thấy trên bầu trời nguồn ơn phước trong hình tướng những chúng sinh ánh sáng. Những chúng sinh này với vẻ đẹp tuyệt vời, tình yêu thương vô điều kiện, niềm hỷ lạc vô biên, sự an bình kỳ diệu, quyền năng thâm hậu và sự thoáng đạt hoàn toàn đang tỏa ra khắp mọi phương những tia sáng của sự nồng ấm và hỷ lạc với tình yêu thương.
Bạn hãy nhìn thấy những chùm ánh sáng ơn phước tỏa ra từ nguồn ơn phước. Những ánh sáng ơn phước này đang làm tràn ngập toàn bộ không gian với một cảm giác an lạc lớn lao, xua tan bóng tối của ngu muội, sầu bi và sợ hãi.
Hãy nghe âm thanh du dương của những lời nói và âm thanh tán thán hoặc là những lời cầu nguyện tràn ngập không gian giống như một bản hòa tấu. Hãy cảm nhận niềm hỷ lạc vô biên, sự an bình kỳ lạ và sự thoáng đạt toàn diện do những rung động của âm thanh tạo nên.
Hãy suy nghĩ và cảm nhận rằng người chết đang nhìn thấy những ánh sáng ơn phước đẹp đẽ, đang nghe những âm thanh êm dịu và đang cảm nhận tình yêu, sự an bình và thoáng đạt vô biên, những phẩm chất của ánh sáng ơn phước.
Cuối cùng, hãy cảm thấy rằng bạn và người chết hòa nhập vào một trạng thái bất khả phân, trong lòng ánh sáng vô biên của sự an lạc toàn diện. Hãy nghỉ ngơi và thư giãn trong đó càng lâu càng tốt. Hãy thực hiện điều này nhiều lần.
Thỉnh thoảng hãy bộc lộ những ước nguyện mạnh mẽ bằng cách nghĩ và nói: “Cầu mong cho [tên người chết] được an trú kiên cố trong thai tạng của vô lượng ánh sáng an bình và hỷ lạc trọn vẹn trong trung ấm và trong tất cả những đời sống tương lai”.
NHỮNG LỜI HƯỚNG DẪN CHO PHẬT TỬ
VÀ NHỮNG NGƯỜI MUỐN ĐẾN VỚI ĐẠO PHẬT
Ngoài những lời cầu nguyện và thiền định ra, những người trợ giúp có thể cung cấp những lời hướng dẫn cho các Phật tử và những người sẵn lòng đến với giáo lý của Phật giáo.
Với tình cảm sùng mộ đối với nguồn ơn phước và tình thương đối với những người đang lâm chung, bạn hãy cho họ những lời hướng dẫn trực tiếp ra hay chỉ nói thầm trong tâm của bạn. Hãy nói tất cả hay chỉ một vài phần của những lời hướng dẫn sau đây. Bạn có thể điều chỉnh chút ít những lời này cho phù hợp với người đang lâm chung.
Bạn có thể bắt đầu những lời hướng dẫn bằng một lời cầu nguyện đơn giản nhưng mạnh mẽ, chẳng hạn như OM AMITABHA HRI, lời chú của Đức Phật Vô Lượng Quang, hay là OM MANI PADME HUNG, lời chú của Đức Phật Từ Bi . Thay vì những câu này, bạn có thể chọn bất kỳ lời cầu nguyện nào mà bạn và người sắp chết đã từng quen thuộc.
OM AMITABHA HRI! Này anh “John” [nhẹ nhàng gọi tên người sắp chết], xin hãy thư giãn và bình tĩnh nghe tôi nói. “John”, anh đã chết rồi và đang ở trong giai đoạn trung ấm, tức là giai đoạn chuyển tiếp. Anh ý thức được và chấp nhận rằng mình đã chết rồi là một điều rất quan trong. Xin anh hãy nghe tôi nói đây! Bây giờ anh phải cân nhắc thận trọng những gì anh cần phải nghĩ và làm. Anh đang đứng trước việc chọn lựa một tương lai hạnh phúc hay đau khổ.
Với tâm trong sáng và sự tập trung chú ý, anh hãy nhớ lại việc thiền định của mình và trụ lại với sự trải nghiệm thiền định đó. Anh hãy nhớ lại những vị thầy tâm linh từ ái của anh và tất cả những nguồn ơn phước. Nếu anh nhớ đến họ, họ sẽ ở cùng với anh. Anh hãy nghĩ rằng họ đang nhìn anh với tuệ nhãn và tấm lòng yêu thương. Anh hãy không ngừng nghĩ tưởng đến họ. Họ sẽ đồng hành cùng với anh để bảo đảm cho anh một cuộc hành trình an bình và tái sinh đầy hỷ lạc.
Hôm nay anh đang ở vào thời điểm quan trọng nhất của cuộc đời anh. Tương lai của anh tùy thuộc vào tâm thức của anh sẽ phản ứng như thế nào hôm nay. Nói tóm lại, anh hãy liên tục nhớ lại những trải nghiệm thiền định mà anh đã có, những nguồn ơn phước mà anh đã sùng kính và những vị giáo thọ mà anh đã từng gần gũi.
OM AMITABHA HRI! Này anh “John”, trong cuộc hành trình của anh qua giai đoạn trung ấm, anh có thể nhìn thấy những hình ảnh đầy phẫn nộ, những sắc tướng xấu xí, hay là những tình huống kinh hãi. Nhưng anh phải nhớ rằng những hiện tướng đó không có thật. Chúng chỉ là những hóa hiện và những phản ánh của chính tâm thức của anh và những thói quen của nó, giống như là những ảo giác và ảo ảnh. Đừng lưu luyến những thứ đó, đừng bám chấp vào chúng, đừng hoảng sợ hoặc chống lại chúng.
Anh hãy nhớ rằng tất cả những hình ảnh thực chất đều là hình ảnh của ánh sáng. Trong thực tính của chúng, chúng đều an bình, hỷ lạc và thoáng đạt. Thật sự, chúng là sự hiện diện của những nguồn ơn phước và những vị thầy của anh.
Khi anh nhìn thấy bất kỳ một hình ảnh gì, đẹp đẽ hay xấu xí, nếu anh gọi nó là hình ảnh của ánh sáng và an bình thì nó sẽ trở thành một hình ảnh của ánh sáng và an bình. Khi anh nghe một âm thanh nào đó, nếu anh gọi nó là âm thanh của ánh sáng và an bình thì nó sẽ trở thành một âm thanh của ánh sáng và an bình. Trong trung ấm, nếu anh nghĩ đúng thì anh có thể thay đổi và biến đổi bất cứ một tình huống nào một cách dễ dàng bởi vì mọi sự đều chỉ là phản ánh và phản ứng của chính tâm thức của anh. Xin anh hãy luôn luôn nhớ rằng những hiện tướng khó chịu là không có thật, giống như là những giấc mơ, và anh cũng hãy luôn nhớ rằng trong bản chất của chúng tất cả đều là an bình.
OM AMITABHA HRI! Này anh “John”, trong trung ấm, giai đoạn chuyển tiếp, anh có thể nhìn thấy và nhớ đến tài sản của anh, bạn bè và những người thân yêu của anh. Anh có thể nghe người ta gọi anh và than khóc cho anh. Nếu có những chuyện như vậy thì anh phải nhớ rằng bây giờ anh đã chết rồi. Anh đã cách biệt với mọi người và mọi vật. Những người kêu gọi anh do sự quyến luyến và đối với họ anh cũng có sự quyến luyến tình cảm nhưng điều đó sẽ không giúp đỡ gì cho anh được cả, bởi vì những hình ảnh và những âm thanh này chỉ là những phản ánh của nỗi sầu bi, sự sợ hãi và hoang mang của chính anh. Không ai sẽ có thể đến với anh và anh cũng không thể ở lại với họ được. Nếu anh quyến luyến họ thì vì sự quyến luyến của anh mà họ sẽ trở thành những chướng ngại trên con đường đưa anh đến sự an bình và giải thoát.
Anh hãy xem chúng như là những hình ảnh được phản chiếu lại, trong đó không có thực chất gì cả. Hãy nghe những âm thanh đó như những âm thanh được vọng lại, không thật. Rồi những sự bám luyến và sợ hãi của tâm anh sẽ biến mất như sương mai lúc mặt trời lên.
Anh phải nhớ những trải nghiệm về thiền định của anh và sự hiện diện của những nguồn ơn phước cùng với anh và ở bên trong anh. Nếu tâm anh có thể nhìn thấy và cảm nhận những nguồn ơn phước và những trải nghiệm thiền định thì chúng đều sẽ trở thành những nguồn an lạc lớn lao – đó là con đường đưa anh đến giải thoát.
Vì vậy, thay vì nhớ đến bạn bè hay kẻ thù, anh hãy luôn nhớ đến những việc thiền định của mình và những nguồn ơn phước.
OM AMITABHA HRI! Này anh “John”, trong trung ấm, anh có thể nghe những âm thanh vang rền như sấm và những lời nói khủng khiếp. Nếu anh nghe những thứ đó thì anh hãy nhớ rằng những âm thanh vang rền và những lời nói khủng khiếp đó chỉ là những hiện tướng do tâm mình tạo ra mà thôi. Những âm thanh này là do tâm mình tạo ra giống như những ảo giác hay những tiếng vang vọng lại. Anh đừng sợ hãi, đừng bám chấp, đừng lưu luyến hoặc đừng chống lại chúng.
Hãy nghe những âm thanh đó như là âm thanh của những làn sóng của tình yêu, sự an bình và nguồn cảm hứng. Hãy nghe những âm thanh đó như là những âm thanh, những làn sóng của lòng sùng mộ của anh đối với những nguồn ơn phước. Và hãy luôn nhớ đến những âm thanh đó như những làn sóng của tình yêu thương và lòng từ bi từ những nguồn ơn phước đến với anh.
OM AMITABHA HRI! Này anh “John”, trong trung ấm, giai đoạn chuyển tiếp, anh có thể có những cảm giác khó chịu vì sợ hãi và cô đơn. Nếu anh cảm thấy như vậy thì anh phải nhớ rằng đây chỉ là những cảm giác do chính tâm anh tạo ra. Chúng không có thật; tâm của anh đã tạo ra những cảm giác đó như một cơn ác mộng. Đừng lưu luyến chúng, đừng bám chấp vào chúng, đừng sợ hãi chúng hoặc chống lại chúng.
Anh hãy tự suy xét rằng những cảm giác này là không có thật. Chúng giống như là những gợn sóng trên mặt hồ. Hãy buông chúng ra; đừng níu kéo chúng lại. Nếu anh buông chúng ra, chúng sẽ tan đi như những bong bóng nước. Rồi anh sẽ thọ hưởng được bản chất thật sự của tâm vốn an bình, hỷ lạc, trong sáng và toàn trí toàn thức.
Xin nói lại một lần nữa, anh hãy nhớ lại sự hiện diện của những nguồn ơn phước ở cùng với anh và ở bên trong anh. Hãy nhớ lại những cảm giác lúc thiền định của anh. Hãy thọ hưởng những cảm giác an lạc mà anh đã trải nghiệm trong sự hiện diện của những nguồn ơn phước và những lúc thiền định. Hãy luôn an trụ trong cảm giác thoáng đạt, trạng thái tự nhiên của tâm anh!
THIỀN ĐỊNH DÀNH CHO PHẬT TỬ
VÀ NHỮNG THIỀN GIẢ KHÁC
Nếu người sắp chết và người đã chết là một Phật tử hay là một thiền giả và nếu bạn – người trợ giúp – đã có kinh nghiệm thực hành thiền định, thì bạn có thể sử dụng những nghi thức tế lễ được trình bày trong “Một số nghi thức Phật giáo đơn giản dành cho người chết” trong các phụ lục A và B. Hoặc là bạn có thể dùng những cách thiền định đơn giản dưới đây và có thể điều chỉnh một phần nào đó nếu thấy cần thiết.
Bạn hãy nhớ rằng, điều rất quan trọng là những người trợ giúp đem lại sự giúp đỡ về mặt tâm linh cho người sắp chết hay người đã chết theo trạng thái của trải nghiệm thiền định mà người chết và những người trợ giúp thật sự thích.
Thiền định dành cho những người trợ giúp đã được tôi luyện
Nếu bạn, người trợ giúp, đã được rèn luyện về thiền định tốt hơn người sắp chết hoặc người đã chết, hoặc nếu cả hai có trình độ rèn luyện ngang nhau, thì bạn phải chủ động trong việc thực hành thiền định, tụng đọc những lời cầu nguyện và tiến hành việc tế lễ. Và bạn cũng phải cung cấp cho người sắp chết tất cả những lời chỉ dẫn về cái chết và việc đi qua giai đoạn trung ấm, nhưng phải đúng cách. Điều này có nghĩa là những lời hướng dẫn không nên nhiều quá và sâu quá. Nếu bạn cho quá nhiều hướng dẫn, người sắp chết có thể không có đủ sức lực, thời gian và khả năng để có được lợi lạc từ những lời hướng dẫn đó (thậm chí ngay cả khi người đó còn sống). Nên bạn cân nhắc mình nói những điều gì với liều lượng như thế nào. Bạn nên truyền đạt điều gì đó súc tích và truyền cảm, phù hợp với người sắp chết để cho họ có thể hiểu và nhớ điều đó trên cuộc hành trình dài sau khi chết. Ở đây bạn có cơ hội để dẫn dắt người sắp chết đi qua quá trình lâm chung và giai đoạn trung ấm để giúp họ đến được bến bờ an lạc, giống như bạn đang ẵm một người bệnh băng qua một dòng nước lũ.
Bạn có thể truyền đạt cho người sắp chết hay người đã chết toàn bộ hay một phần nào đó của những lời hướng dẫn sau đây. Những lời hướng dẫn phải rõ ràng, đơn giản và chân thành. Người sắp chết và người đã chết có thể không có ý thức hoặc có mặt ở đó để cùng với bạn thiền định hay cầu nguyện, vì vậy có thể bạn phải làm những chuyện đó một mình. Tuy nhiên bạn nên nghĩ rằng người sắp chết hoặc người đã chết đang lắng nghe bạn và đang cùng cầu nguyện và thiền định với bạn. Hãy truyền đạt những lời hướng dẫn sau đây bằng lời nói rõ ràng hay chỉ nói thầm trong tâm bạn:
Trên bầu trời trước mặt bạn [chỉ người sắp chết hay đã chết], bạn hãy hình dung ra cõi tịnh độ mênh mông và đẹp lạ lùng như cõi Tịnh độ Cực lạc chẳng hạn. Ở chính giữa cõi tịnh độ này, hãy nhìn thấy sự hiện diện của một nguồn ơn phước như Đức Phật Vô Lượng Quang chẳng hạn [hay bất kỳ một vị Phật, thánh, hoặc một nhà hiền triết] được tháp tùng bởi vô số những vị giác ngộ khác, chẳng hạn như các vị Bồ tát, A-la-hán và các vị thầy tâm linh. Hãy xem các Ngài như những vị đã hoàn toàn giác ngộ đang tỏa ra lòng thương yêu vô điều kiện, trí tuệ xuất chúng, an bình vô biên, hỷ lạc toàn diện và quyền năng vô địch.
Những nguồn ơn phước có mặt ở đây để che chở cho bạn, chăm lo và nâng đỡ bạn trên cuộc hành trình qua trung ấm. Họ có mặt ở đây để dẫn dắt bạn đến cõi Tịnh độ Cực lạc.
Bạn hãy cảm thấy an lạc vô biên trước sự hiện diện của các Ngài. Hãy cảm nhận hơi ấm, sự an toàn từ sự hiện diện của chư vị. Hãy cảm thấy sự thỏa mãn mọi nhu cầu của bạn trước sự hiện diện của chư vị. Bạn hãy tin tưởng rằng từ nay trở đi bạn được che chở và hướng dẫn bởi vô vàn những vị đã giác ngộ.
Bạn hãy tụng đọc những lời cầu nguyện và chú, trong lúc đó bạn nghĩ đến và cảm thấy âm thanh những lời cầu nguyện giống như những làn sóng khẩn cầu hướng đến những nguồn ơn phước để cầu xin các Ngài giúp đỡ và ban phước cho bạn. Bạn cũng hãy suy nghĩ và cảm nhận rằng âm thanh của những lời cầu nguyện là những làn sóng tinh tấn mà bạn hướng đến các nguồn ơn phước.
Bạn có thể nghe những âm thanh thông thường và âm thanh của những lời cầu nguyện như là những làn sóng của tình yêu thương, trí tuệ và sức mạnh từ những nguồn ơn phước. Hãy cảm thấy những âm thanh đó như là sự rung động của tâm hỷ lạc của chính bạn, những lời cầu nguyện sùng kính, tình yêu thương rộng khắp, trí tuệ xuất chúng, năng lực vô biên và sự an bình của thoáng đạt.
Bạn hãy nhìn thấy vô lượng những chùm ánh sáng ơn phước của sự an lạc lớn lao đang từ nguồn ơn phước đến với bạn. Những nguồn ánh sáng ơn phước này đang tràn ngập thân tâm bạn và toàn bộ không gian chung quanh bạn. Chúng là những ánh sáng của tình yêu thương vô điều kiện, trí tuệ kiệt xuất, sức mạnh vô địch, sự ấm áp toàn diện, niềm hỷ lạc vô biên và sự an bình rộng khắp.
Bất cứ hình ảnh nào bạn nhìn thấy, âm thanh nào bạn nghe được hoặc cảm xúc nào bạn trải nghiệm, bạn phải nhìn, nghe, cảm nhận và tin rằng đấy là hình ảnh thanh tịnh, âm thanh êm dịu và trí tuệ giác ngộ của nguồn ơn phước.
Cuối cùng, bạn hãy thư giãn trong ý thức về sự an bình nội tại và những phước lành của những nguồn ơn phước. Hãy cảm nhận như thể tất cả đã trở thành một.
Lời hướng dẫn cho những người trợ giúp các thiền giả đang lâm chung
Nếu người sắp chết có những trải nghiệm thiền định cao hơn những trải nghiệm của bạn, người trợ giúp, thì bạn phải thiền định, tụng đọc những lời cầu nguyện và thực hiện những nghi lễ, nhưng chủ yếu là làm một cách lặng lẽ và ở một khoảng cách xa cho đến khi nào thiền giả đó tịch hẳn. Bạn nên để cho vị thiền giả sắp chết nhẹ nhàng qua bờ bên kia bằng cách chỉ trợ giúp một cách thụ động, lặng lẽ.
Trong trường hợp này, điều quan trọng nhất là bạn hãy chú tâm vào việc để cho người sắp chết đi con đường của họ theo tốc độ của chính họ. Hãy tránh tạo ra những âm thanh hay chuyển động chung quanh họ. Một điều nữa là khi vị thiền giả chưa tịch hẳn thì không ai được chạm vào thân của vị ấy. Những âm thanh náo động, đụng chạm hay là những gợi ý ngu dốt và vô ý tứ của một người bình thường có thể làm vị thiền giả sắp chết xao nhãng sự chú tâm vào con đường thiền định của cuộc hành trình tối quan trọng của mình.
Vì vậy, cho đến khi vị thiền giả đã tịch hẳn, những việc thiền định, cầu nguyện và những nghi lễ phải được thực hiện một cách lặng lẽ và ở một khoảng cách xa. Khi vị thiền giả tịch rồi, những lời cầu nguyện và những nghi lễ có thể được thực hiện trực tiếp, có hoặc không có thi thể ở đó cũng được.
GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHÁC LÀ TỰ GIÚP MÌNH
Đem sự hỗ trợ đến cho những người sắp chết và người đã chết là một cơ hội lớn lao cho chúng ta học hỏi và rèn luyện trong những cuộc hành trình sống và chết. Khi chúng ta chứng kiến một người sắp chết, chúng ta có được một bằng chứng sinh động của bản chất vô thường và cuộc đấu tranh vô nghĩa của kiếp luân hồi. Đây là một lợi khí rất mạnh mẽ để thuyết phục chúng ta đi vào con đường tu học thanh tịnh.
Tuy vậy, nếu chúng ta không xem những tình huống mạnh mẽ như thế này để học hỏi, mặc dù chúng ta có thể thường xuyên chứng kiến chuyện sắp chết và chuyện chết, chúng ta có thể trở nên chai lỳ trước những trải nghiệm như vậy. Rồi chúng ta có thể trở thành vô cảm, giống như một khối đá, đến nỗi không có gì có thể khiến chúng ta xúc động.
Đối với những người trợ giúp, giúp đỡ những người khác vào giờ khắc họ rất cần sự giúp đỡ không phải chỉ là một cơ hội để học hỏi mà còn là một phương cách mạnh mẽ để tạo công đức. Hơn nữa, người sắp chết cũng tạo công đức nữa vì họ đã trở thành nguyên nhân cho việc tạo công đức của những người trợ giúp. Như vậy, cả người trợ giúp lẫn người được trợ giúp đều được lợi lạc. Vì thế, chúng ta phải tỉnh táo và khéo léo, xem cái chết của những người khác như là một bài học và là một dịp để chúng ta tu tập. Nếu chúng ta có thể xem sự sắp chết và sự chết đúng như bản chất của chúng, thì chúng ta không có lý do gì để cảm thấy tức giận, quyến luyến hay ganh ghét một ai cả. Do đó sẽ không có những cảm giác tiêu cực để sinh ra đau khổ, sợ hãi hay hoang mang. Rồi chúng ta có thể tự nhiên thọ hưởng được ý thức về vô ngã trong tim chúng ta, ý thức về việc không “chấp ngã”. Điều này có thể đưa chúng ta đến việc đạt được sự an lạc tối hậu.
MỘT SỐ ĐIỀU QUAN TRỌNG PHẢI TUÂN THỦ
Chúng ta nên nói lại một lần nữa rằng điều quan trọng là những người thân trong gia đình, những người trợ giúp và những người săn sóc bên cạnh giường của người đang lâm chung phải thanh thản, bình tĩnh và có lòng tôn kính. Nếu có thể được thì trong nhiều ngày không ai được nói hay nghĩ một điều gì mà bình thường có thể làm phiền lòng người sắp chết. Tâm thức của người chết có thể đang trôi nổi đâu đó hay đang đến thăm nhà của bạn bè, những người thân yêu và nếu họ nghe hay thấy được một điều gì không vui, không tử tế hay thô lỗ thì điều đó sẽ làm tâm thức của họ bất ổn. Nếu tâm của họ trở nên giận dữ, buồn bã hoặc sợ hãi thì điều này sẽ đẩy họ đi vào một cuộc hành trình đau đớn và khiến họ phải tái sinh vào cảnh giới của khổ đau.
Những người đứng quanh người sắp chết hay thân thể người chết phải là bạn bè, đặc biệt là bạn đồng tu. Điều quan trọng là đừng để cho bất kỳ ai có tâm không lành mạnh hoặc là bị người chết nuôi lòng thù hận có mặt ở đó.
Đừng chạm vào những phần bên dưới thân người sắp chết cho đến khi người đó chết hẳn. Khi không còn hơi ấm ở tim, mạch không đập nữa thì thần thức của người đang lâm chung đã rời bỏ thân xác vật chất và người đó đã chết hẳn.
Trong khi một người sắp chết, chúng ta không nên ngồi gần phần thân phía dưới của người đó hoặc là ở phía hai bàn chân người đó hướng ra. Chúng ta cũng không nên đặt đồ vật gì có tính cách tôn giáo gần phần thân phía dưới của người chết hay theo hướng hai bàn chân người đó. Theo những lời dạy trong kinh sách, nếu bạn để cho sự chú ý của người sắp chết bị lôi cuốn xuống phần dưới của thân họ, thần thức của họ có thể thoát ra qua một trong những lỗ mở phía dưới. Những lỗ mở phía dưới có thể trở thành cánh cửa đưa người đó tái sinh vào những cõi thấp. Cho nên tốt hơn hết là nên lôi cuốn sự chú ý của người sắp chết lên phía trên. Chúng ta có thể làm việc này bằng cách xoa nhẹ vào đỉnh đầu của người sắp chết (nếu trong nền văn hóa của bạn không xem đó là một việc xúc phạm), hoặc ngồi bên cạnh người thân sắp chết ở một bên đầu của người đó (gần vai), và nhất là đặt những đồ vật có tính cách tôn giáo hay là bàn thờ phía sau đầu người chết và tụng đọc những lời cầu nguyện ở bên trên về phía đầu thay vì về phía hai chân của người chết.
Trong vài ngày sau khi người thân chết, chúng ta hãy giữ nguyên đồ đạc của người đó giống hệt như cách họ thường thích như vậy. Làm như thế bạn sẽ tránh quấy rầy thần thức người chết trong trường hợp thần thức còn nán lại gần thân xác một thời gian.
Một điều rất quan trọng là đừng để cho người chết, thân xác họ và ngay cả ký ức về họ trở thành một đối tượng của bám luyến, giận hờn, chán ghét hay khó chịu trong tâm của một người nào đó, kể cả gia đình, bạn bè, và hàng xóm láng giềng. Nếu người đó trở thành một nguồn gây ra những tư tưởng và tình cảm tiêu cực hoặc là một nguyên nhân tạo ra những vòng nghiệp báo tiêu cực thì họ sẽ chịu những hậu quả rất xấu.
Nếu bạn có những thứ gì đó ăn được, uống được hoặc đeo hay mặc được và những thứ đó đã được ban phước lành, bạn hãy đem những thứ đó cho người sắp chết ăn, uống, đeo hay mặc vào khi người ấy đang còn tỉnh táo. Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, có những thứ đã được ban phước (Tây Tạng: dudtsi, bDud rTsi; Phạn: amrita, tức là mật hoa hay phấn hoa), dưới dạng bột hay dạng viên được làm bằng thảo dược trộn lẫn với những chất liệu đã được ban phước lành và được cúng trong nhiều ngày với nghi lễ tụng niệm và thiền định. Người ta tin rằng những vật chất như vậy sẽ giúp một người được siêu thoát nếu người đó nếm, ngửi hay chạm tay vào những thứ đó với lòng tin. Người Tây Tạng cũng dùng những hình vẽ linh thiêng (những lá bùa) có in hình ảnh Phật và những lời chú trên đó và được cúng với những lời cầu nguyện và thiền định. Những hình vẽ này được xếp nhỏ lại và được đặt trên thân người sắp chết khi người đó vẫn còn sống và sẽ được thiêu đi cùng với thi thể sau khi chết. Người ta nói rằng nếu những hình vẽ (lá bùa) như vậy được đeo vào người với lòng tin thì sẽ giúp người chết đạt được giải thoát.
Ngoài ra, những người trợ giúp có thể đặt những thứ đã được ban phước lành vào trong miệng của người chết, hoặc là phun lên hoặc đặt lên trên thi thể. Mặc dù thần thức đã tách rời khỏi thân xác nhưng cái xác vẫn là biểu tượng chính của sự liên hệ nghiệp báo của người đó với cõi sinh tử này. Làm một điều gì đó về mặt tâm linh đối với thi thể – bằng cách thanh tẩy nó, giảng Pháp cho nó, ban phước lành cho nó – sẽ giúp người chết một cách trực tiếp (nếu thần thức của họ đang ở gần đó và sẵn sàng tiếp nhận lợi lạc) hoặc một cách gián tiếp. Ở Tây Tạng, thi thể được lưu giữ nhiều ngày trong khi những người trợ giúp thực hiện những nghi lễ tịnh hóa, dùng thi thể như là thay mặt cho người chết. (Nếu không bảo quản được thi thể người ta dùng một hình nộm để thay thế.)
Trong văn hóa Phật giáo truyền thống Tây Tạng, thi thể được lưu giữ nhiều ngày hoặc nhiều tuần (trong vài trường hợp có thể đến 49 ngày) trong lúc đó các vị lạt-ma liên tục cầu nguyện và thực hiện những nghi lễ (như chúng ta sẽ đề cập đến trong chương kế tiếp “Những nghi lễ dành cho người sắp chết và người chết”). Tuy nhiên, nếu thi thể được đem an táng chỉ trong khoảng một ngày thì cũng không ảnh hưởng gì lớn đến cái tâm đang thao thức của người chết. Mặc dù tâm thức của người chết trở nên trong sáng và sắc bén hơn lúc họ còn sống nhưng có những điều họ không thể nhìn thấy được hoặc là họ nhìn thấy theo một sắc tướng khác. (Thí dụ như trong truyện kể của những delog: Denma nhìn thấy thân xác mình như một cái tháp bằng pha lê, Chokya nhìn thây thân mình như là một con rắn và Changchub nhìn thấy thân xác mình như là xác một con chó.) Tuy vậy, nếu thi thể được lưu giữ khoảng một vài ngày vẫn tốt hơn vì những sinh thể ở trong thân xác, như vi trùng chẳng hạn và những năng lượng của sinh lực sẽ có cơ hội chết đi một cách tự nhiên. Điều đặc biệt quan trọng là đừng đem xác đi an táng khi thấy vẫn còn hơi ấm ở tim. Nếu còn hơi ấm ở tim thì thần thức của người đó vẫn còn ở cùng với thân xác. Nếu việc lưu giữ thi thể nhiều ngày gây ra những cảm xúc tiêu cực trong tâm những người khác hoặc tạo ra sự náo động hay sự tranh cãi giữa những người thân thuộc hay trong hàng xóm láng giềng thì việc đó sẽ gây ra những hậu quả nghiệp báo tiêu cực hơn là lợi lạc cho người chết. Nếu như vậy thì nên an táng người chết càng sớm càng tốt. Tiêu chí để quyết định việc này không phải là vấn đề quyền hay sở thích cá nhân mà là chúng ta chọn điều gì tốt và có thể mang lại lợi lạc cho người chết và cho chính bạn, là người đang còn sống.
Điều quan trọng nhất là hãy giữ không khí thanh thản và bình tĩnh để có thể giúp làm tăng thêm an lạc. An lạc sẽ mang lại nhiều an lạc hơn nữa – đó là qui luật của nghiệp, nguyên lý tự nhiên của nghiệp báo nhân quả.