DẪN NHẬP: CHẾT KHÔNG PHẢI LÀ HẾT
Giờ phút chết là thời điểm quan trọng nhất đối với mỗi con người, ai cũng vậy. Dù bạn là người phương Đông hay phương Tây, dù bạn là người theo đạo Phật hay theo bất cứ một tôn giáo nào khác, người có niềm tin tôn giáo hay vô thần – tất cả đều giống nhau, không có gì khác nhau cả. Phút giây khi hồn rời khỏi thân xác sẽ là một bước ngoặt vô cùng quan trọng vì nó sẽ đưa bạn khởi đầu cuộc hành trình vào một thế giới bí ẩn.
Khi giờ phút cuối cùng đã điểm, bạn sẽ đứng ở một ngã tư đường. Nếu đã chuẩn bị trước, bạn sẽ sẵn sàng tiến bước một cách thoải mái và tự tin, như một con đại bàng bay vút lên bầu trời. Nếu bạn không chuẩn bị trước thì, theo giáo lý nhà Phật, bạn sẽ trôi lăn mãi trong vòng sinh tử luân hồi.
Đa số người ta không thích ai nhắc đến cái chết mặc dù không thể nào tránh được và có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Nghĩ đến chuyện chết là đã thấy sợ, nói chi đến việc bàn luận về cái chết. Đối với một số người, chẳng bao giờ có chuyện suy tư về cái chết vì họ quá bận rộn với những công việc của cuộc sống hằng ngày.
Mặc dù có một số người tin chắc chắn rằng có kiếp sau, nhưng rất nhiều người vẫn cho rằng chết là hết, chẳng còn gì nữa cả.
Ngày nay chúng ta đang ở vào thời đại hoàng kim của khoa học kỹ thuật và chúng ta có kiến thức rất uyên thâm về cuộc sống nhưng chúng ta không biết gì về cái chết cả. Khoa học và kỹ thuật thường không cung cấp cho ta thông tin về việc liệu ý thức của chúng ta có còn tồn tại sau khi chúng ta trút hơi thở cuối cùng. Các nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề này thì thường bị giới y học và khoa học bài bác. Trong những lúc đầy hoài nghi này, người ta thường ngần ngại không tin rằng có kiếp sau vì sợ bị chê cười là phi lý, hời hợt hoặc là ngây ngô.
Mỗi khi mở truyền hình ra, chúng ta có thể thấy những hình ảnh đầy ấn tượng về cái chết – những cái chết hư cấu trong phim hay những đoạn phim ngắn đưa tin về những người ở khắp nơi trên thế giới chết vì bệnh tật hay vì bạo lực. Nhưng chúng ta rất hiếm khi thấy được những hình ảnh tự nhiên và chân thực của những người bình thường lúc họ chết hoặc sắp chết. Có chăng là chúng ta thường được nghe những điếu văn ca tụng hoa mỹ và nhìn thấy những thi hài được đặt nằm ngay ngắn trong những quan tài sang trọng kết đầy hoa. Giá mà chúng ta dám tận mắt nhìn kỹ những thực tế của cuộc sinh tử, chúng ta sẽ thấy được những chu kỳ không ngừng thay đổi của hiện hữu mà mọi sinh linh phải trải qua từ sinh đến tử rồi lại tái sinh.
CHUYỆN GÌ XẢY RA KHI TA CHẾT?
Các tôn giáo lớn trên thế giới đều đồng ý rằng chết không phải là hết, và một “cái gì đó” vẫn còn tồn tại, nhưng các tôn giáo đó đưa ra những chi tiết và cách lý giải khác nhau. Tâm thức, ý thức, linh hồn, tinh thần – bất kể chúng ta gọi nó là gì – sẽ vẫn tiếp tục tồn tại dưới một hình thức này hay hình thức khác. Phật giáo định nghĩa “tâm” (Tây Tạng: sem, sems; Phạn: chitta) như là bản chất chủ yếu vẫn còn lại sau khi thân xác chết đi. Mặc dù thân xác chúng ta tan rã trở lại thành những nguyên tố đã tạo thành ra nó, nhưng tâm thức và ý thức chúng ta vẫn còn và sẽ đầu thai vào kiếp khác.
Khi chúng ta còn sống, tâm chung cùng với thân, cả hai tạo ra hình hài phàm tục và cho ta một thân phận. Do đó trong suốt cuộc đời, chúng ta luôn cảm thấy ta là một người với thân phận như vậy. Những ảnh hưởng của môi trường và những tập tính văn hóa cũng tạo tính cách cho chúng ta. Chúng ta có cảm giác là cơ thể chúng ta và các sự vật, hiện tượng trong thế giới vật chất chung quanh chúng ta đều có tính bền vững; tất cả những sự việc phát khởi trong ý thức của chúng ta, mà các giác quan của chúng ta nhận biết được, đều có vẻ hoàn toàn thật, ở bên ngoài ta và tách biệt với tâm của ta.
Nhưng vào giây phút chúng ta chết, tất cả các pháp đó đều tan biến. Tâm tách rời khỏi thân xác vật chất và thân xác này bắt đầu thối rữa. Ngay khi tâm rời bỏ thân xác, những gì chúng ta nhìn thấy và những tình cảm chúng ta đã từng có trong cuộc sống sẽ hoàn toàn thay đổi. Những gì chúng ta trải qua sau khi chết sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào tâm của chúng ta, tùy thuộc vào các khuynh huớng tinh thần và những tư tưởng quen thuộc mà ta đã tạo ra và nuôi dưỡng trong lúc chúng ta sống.
Nếu tâm chúng ta thanh thản và vui vẻ thì bất cứ điều gì chúng ta làm cũng là một biểu lộ của sự an lạc. Những gì chúng ta nói đều là những lời lẽ nhẹ nhàng vui vẻ. Và do đó tất cả các hành động của chúng ta đều trở nên thiện lành và chúng ta trở thành một nguồn an lạc cho bất cứ ai tiếp xúc với ta. Đến lúc chết – khi chúng ta xa lìa những sự câu thúc của xác thân, những hạn chế về mặt văn hoá và những ảnh hưởng của môi trường – chúng ta sẽ tự do tận hưởng được sự an lạc, vốn là những tính cách thật sự của tâm chúng ta. Tương tự như vậy, nếu trong cuộc đời của mình, chúng ta biết luyện tâm một cách đúng đắn thì lúc chết, tất cả những hiện tượng trước mắt chúng ta sẽ hiện ra như một thế giới của an lạc và trí tuệ
Nhưng nếu tâm chúng ta bị đắm chìm vào nhửng cảm xúc tiêu cực như lòng hận thù thì những gì chúng ta nghĩ đến đều gây ra phiền não bởi những tư tưởng và tình cảm của lòng sân hận đang bùng cháy. Những gì chúng ta nói và làm đều sẽ là sự biểu hiện bùng phát của sân hận. Sự yên bình sẽ không bao giờ có được cơ hội hé rạng trong tim chúng ta. Sự đau khổ của chúng ta sẽ trở thành một nguồn sân hận và khổ đau cho những người gần gũi với chúng ta. Lúc ta chết, chúng ta có thể sẽ gặp phải một thế giới bừng bừng những ngọn lửa địa ngục – một biểu hiện của lòng sân hận của chính chúng ta.
NGHIỆP, LUẬT NHÂN QUẢ TỰ NHIÊN
Các tôn giáo lớn trên thế giới đều đồng ý rằng cuộc sống của người có lòng tốt, hay giúp đỡ người khác sẽ dẫn đến một kiếp tái sinh hạnh phúc, an lành. Trong khi đó, cuộc sống của người đầy lòng căm thù và độc ác sẽ mang lại những hậu quả khắc nghiệt. Chẳng hạn, Thiên Chúa giáo luôn tán dương những hành động tốt và những việc từ thiện, và Do Thái giáo thúc giục người ta làm những điều thiện theo lời răn của Thượng đế. Những người theo đạo Phật nói chuyện phước đức mà chúng ta tích lũy được bằng cách nuôi dưỡng những suy nghĩ và hành động tích cực. Những tôn giáo này và nhiều tôn giáo khác nữa đều chấp nhận rằng có luật nhân quả tự nhiên đang vận hành trong vũ trụ. “Nghiệp” (Karma) là từ mà những người theo đạo Phật sử dụng để nói đến luật nhân quả này, vốn chi phối mọi sự. Mỗi hành vi hay tư tưởng nào xuất phát từ ý muốn của ta sẽ trở thành một nguyên nhân thúc đẩy tạo ra kết quả là một hiệu ứng nào đó. Đặc biệt, đạo Phật chỉ dạy một cách chi tiết những hành vi cụ thể nào sẽ mang lại những hậu quả nào. Nói một cách tổng quát, những tư tưởng, tình cảm, ngôn từ và hành vi tích cực sẽ tạo ra hạnh phúc; ngược lại, những hành vi và tư tưởng tiêu cực sẽ mang lại khổ đau – đấy là những thể hiện của sinh tử luân hồi.
Tất cả những cảm xúc tiêu cực của chúng ta cũng như những quan niệm hay những kiểu suy nghĩ theo thói quen đều bắt nguồn từ điều mà đạo Phật gọi là chấp ngã và quan niệm nhị nguyên phân biệt chủ thể và khách thể. Ngài Long Thọ, một trong những triết gia lớn về Phật giáo đã nói: “Tất cả chúng sinh đều từ chấp ngã mà ra”. Có nghĩa là cái khuynh hướng của tâm chúng ta muốn bám và gắn kết vào những đối tượng của suy nghĩ và nhận thức chính là nguyên nhân của việc chúng ta sinh vào trong cái thế giới nhị nguyên.
Chấp ngã là cách của tâm nhận thức những đối tượng của nó bằng cách xem chúng là những thực thể thực sự tồn tại. Đối tượng của tâm bao gồm tất cả những hiện tượng khởi lên trong ý thức của chúng ta, chẳng hạn “tôi”, “anh”, “anh ấy”, “cô ấy”, “tiền bạc” hay “cái bàn”, cũng như là những ý tưởng, những tình cảm và những cảm giác như “đau đớn”. Ngay khi chúng ta bám víu vào một đối tượng của tâm và cứ nhất mực cho rằng nó là thật, chúng ta đã hình thành sự đối đãi nhị nguyên chủ thể - khách thể. Rồi sẽ nảy sinh khái niệm “thích” và “ghét” cái đối tượng của tâm đó, điều này sẽ siết chặt hơn nữa sự bám víu của chúng ta vào đối tượng của tâm. Sau cùng sẽ sinh ra tình cảm vui sướng hay đau khổ, đầy tâm trạng căng thẳng và áp lực nặng nề.
Theo quan điểm của Phật giáo, “ngã” bao gồm “ta” và “của ta”, nhưng nó cũng bao gồm tất cả những hiện tượng khởi lên trong ý thức của chúng ta. Tuy vậy, theo cách hiểu ở trình độ cao nhất của Phật giáo, không có cái “ngã” như một thực thể thực sự hiện hữu và bất biến. Do đó, thái độ chấp ngã của chúng ta, dựa trên vô minh. Tuy nhiên, vì chúng ta ở trong sự trói buộc của Nghiệp, suy nghĩ và hành vi vô minh của chúng ta mang lại cho ta sự đau khổ vốn rất thực đối với chúng ta.
Cái vòng chấp ngã cứ tiếp tục lặp đi lặp lại không ngừng như là trật tự nhân quả, quy luật nghiệp báo của cuộc đời. Quy luật nghiệp báo sinh ra và làm mạnh mẽ hơn những phiền não (Phạn: klesha) như sự hôn muội, hận thù, keo kiệt, tham lam, ganh ghét, kiêu căng và sợ hãi. Những phiền não này có căn nguyên từ chấp ngã là nguyên nhân của tái sinh, trong khi đó những tâm thái tích cực là những phương cách giải thoát.
Những cảnh huống vô thường: sống, chết rồi tái sinh diễn ra không phải do chúng ta chọn lựa hay do tình cờ. Không một ai khác tạo ra những cảnh huống đó cho chúng ta. Chúng là những phản chiếu và những phản ứng của ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta. Do đó, chúng ta phải luyện tâm của chúng ta và thực hành đều đặn để bảo đảm có được cái chết và tái sinh an lạc.
VÒNG LUÂN HỒI SINH TỬ
Vòng luân hồi sinh tử mê lầm bất tận trong tiếng Phạn được gọi là samsara. Đôi khi nó được diễn tả bằng hình tượng cái bánh xe quay không ngừng nghỉ. Vòng sinh tử luân hồi được chia thành bốn thời kỳ, tượng trưng cho bốn giai đoạn trải nghiệm khác nhau.
1. Giai đoạn của đời sống bắt đầu từ khi chúng ta được thụ thai và chấm dứt với một cơn bệnh không qua khỏi được hay một nguyên nhân nào đó làm ta chết. Mỗi phút giây của cuộc hiện sinh cũng được xem như là một giai đoạn của cuộc sống, khởi sinh rồi tan biến vào trong chuỗi bất tận những sự kiện không ngừng biến đổi chuyển dịch giữa sinh và tử, thức và ngủ, hạnh phúc và khổ đau.
2. Giai đoạn chết bắt đầu với căn bệnh không thể qua khỏi hay một nguyên nhân nào khác rồi trải qua giai đoạn phân hủy toàn diện khi các thành tố vật chất, tinh thần và xúc cảm tan rã ra. Giai đoạn này chấm dứt với việc ta ngừng thở.
3. Giai đoạn bản chất tối hậu bắt đầu vào giây phút khi “sự phát sáng của căn” – vốn là bản chất thực sự của tâm – xuất hiện. Giai đoạn này có đặc điểm là có sự xuất hiện tức thời của những “ảo cảnh phát sáng” – sự xuất hiện không chỉ của ánh sáng mà còn là âm thanh và hình ảnh nữa. Giai đoạn này chấm dứt khi những ảo cảnh này tan biến. Tuy vậy, những người bình thường không nhận ra được những ảo cảnh phát sáng này là những biểu hiện về chính bản chất của họ. Ngược lại, họ xem chúng như là những đối tượng để sợ hãi hay để bám víu vào. Đối với họ, sự trải nghiệm này chỉ xảy ra trong giây phút ngắn ngủi vì họ sẽ rơi vào trạng thái vô tri vô giác.
4. Giai đoạn chuyển tiếp hay trung ấm, bắt đầu khi các ảo cảnh tan biến hoặc là lúc chúng ta bắt đầu có ý thức trở lại. Giai đoạn này chấm dứt khi ta bắt đầu được tái sinh.
Trong kinh sách Phật giáo Tây Tạng, tất cả bốn giai đoạn được miêu tả trên đây đều được xem là trung ấm (bardo) – một giai đoạn trung gian hay chuyển tiếp – bởi vì mỗi giai đoạn đều nằm giữa hai giai đoạn khác. Do vậy, đời sống của chúng ta cũng được gọi là trung ấm, cho dù nghe có vẻ lạ lùng, vì nó là một giai đoạn chuyển tiếp giữa sinh và tử. Tuy nhiên, nhiều người chỉ dùng từ trung ấm đặc biệt để chỉ khoảng thời gian giữa chết và tái sinh – một thời gian quan trọng, đầy những trải nghiệm sinh động và mang lại cho ta những cơ hội quý giá để xác định kiếp sau của ta. Vì vậy, trong cuốn sách này tôi cũng dùng từ trung ấm để nói đến giai đoạn thứ tư, khoảng thời gian giữa những khoảnh khắc của bản chất tối hậu và sự tái sinh kế tiếp.
KHÁI QUÁT VỀ TRUNG ẤM
Để minh họa những gì có thể xảy ra khi chúng ta bước qua ngưỡng cửa của cái chết và những gì chúng ta có thể gặp phải ở phía bên kia, tôi đã dịch và kể lại một số những câu chuyện lạ lùng trong tài liệu Phật giáo Tây Tạng về những thiền giả đã lìa bỏ thân xác của họ nhiều ngày liền để chu du khắp thế giới vô hình. Những thiền giả này, gọi là những delog, hay là “những người trở về từ cõi chết”, nhập lại vào thân xác của họ, ghi chép lại những chuyến đi lạ thường của họ: những chuyến đi có thể qua những tầng thấp nhất của địa ngục và những cõi tịnh độ cao siêu.
Những cõi tịnh độ là những thiên đàng vô cùng an lạc mà chư Phật, những bậc giác ngộ, đã vì lòng từ bi mà hóa hiện ra để cho những tín đồ được tái sinh ở đó mà không cần phải chứng đắc cao siêu. Được tái sinh vào cõi tịnh độ không có nghĩa là đã đạt được giác ngộ. Nhưng một khi đã được tái sinh vào cõi tịnh độ, chúng ta sẽ tiến bộ liên tục để đạt đến giác ngộ.
Một số delog (tức là người xuất hồn đi vào cõi chết và trở về) kể lại những chuyến họ viếng thăm các cõi tịnh độ, ở đó họ nhận được những lời dạy của chư Phật. Một số người khác chú trọng nhiều hơn về miêu tả thân trung ấm với phiên tòa phán xử và nhiều cảnh giới khác nhau, ở đó những chúng sinh bình thường có thể được tái sinh, chẳng hạn như những cảnh giới của ngạ quỷ và của chư thiên.
Các chuyện kể của những delog rất cảm động. Phần lớn những người này là những người rất mộ đạo và được các đấng giác ngộ đưa trở lại thế giới này để nói cho chúng ta biết điều gì đang chờ đợi chúng ta ở phía trước và chúng ta phải chuẩn bị như thế nào cho điều đó. Mỗi câu chuyện như là một món quà tặng cho chúng ta, vì bằng việc mở ra cánh cửa để ta có thể nhìn thấy vô số những cảnh giới tương lai sau đời sống hiện tại, những người từ cõi chết trở về mở rộng tầm nhìn của chúng ta và khiến ta sống tốt hơn trong cuộc sống hiện tại của mình.
Theo sự trải nghiệm của những delog, chúng ta được chia sẻ về những điều bí mật sẽ trở nên quan trọng trong việc xác định chúng ta sẽ đầu thai nơi nào. Chúng ta nhìn thấy được sức mạnh của những thực hành tâm linh để tịnh hóa những hành vi và ý tưởng tiêu cực của chúng ta. Chúng ta ý thức được sức mạnh của sự cầu nguyện để giúp đỡ những người chết có được những đời tái sinh tốt đẹp hơn. Chúng ta quan sát được sự thành tâm – thực chất là một phương cách khéo léo để mở tâm của chúng ta ra – đã giúp các vị lạt-ma và các đấng tôn kính có thể can thiệp giúp chúng sinh trong giai đoạn thân trung ấm và dẫn dắt họ đến cõi tịnh độ như thế nào.
Đa số những người xuất hồn trở về từ cõi chết mang theo những lời nhắn của những thân nhân đã khuất về cho bạn bè và người thân. Những lời nhắn riêng tư với yêu cầu khẩn thiết đã củng cố cái thông điệp căn bản, khuyên chúng ta thay đổi cuộc sống của chúng ta trong khi chúng ta đang làm người và đang có cơ hội thay đổi.
Ở phương Tây, những người đã chết lâm sàng rồi sống lại được đôi khi có những “kinh nghiệm cận tử”. Mặc dù kinh nghiệm cận tử có nhiều điểm tương đồng với những trải nghiệm của những delog, nhưng những kinh nghiệm cận tử chỉ kéo dài ít phút trong khi những trải nghiệm của những delog thường kéo dài nhiều ngày. Những người xuất hồn đi vào cõi chết rồi trở về có vẻ như đi sâu hơn vào trong cảnh giới sau khi chết.
Tôi có nhiều bài viết của những delog. Nhưng vì số trang sách có giới hạn nên tôi chỉ đưa vào cuốn sách này một phần nhỏ những bài viết đó. Những câu chuyện kể mà các bạn sẽ đọc ở các chương 2, 3 và 5 thường có ghi ngày tháng từ thế kỷ thứ XIX đến giữa thế kỷ XX (nhưng không phải chuyện nào cũng có ngày tháng). Tuy vậy, delog không phải là một hiện tượng mới mẻ. Và cũng không phải họ đều là người Tây Tạng. Chúng ta sẽ bàn đến những người này trong những lời dạy của Đức Phật.
Khi đọc những chuyện kể này, một số bạn đọc có thể thắc mắc không hiểu sao các câu chuyện đều mang sắc thái văn hóa Tây Tạng, và hình ảnh miêu tả cũng giống như trong tranh tượng truyền thống của Phật giáo Tây Tạng. Tại sao những delog này chỉ gặp toàn những người quen biết là người Tây Tạng? Tại sao những ông quan tòa lại trông giống như những ông quan tòa trong tranh tượng truyền thống Phật giáo?
Câu trả lời quan trọng là cảnh trí xuất hiện trước mắt chúng ta trong giai đoạn thân trung ấm là sự phản chiếu lại những thói quen và những cảm xúc của chúng ta. Bất cứ điều gì chúng ta nhìn thấy và trải nghiệm sau khi chết đều phù hợp với cách suy nghĩ của chúng ta vốn đã được định hình bởi văn hoá và tín ngưỡng của chúng ta. Tất cả chúng ta – trẻ con hay người lớn, sùng đạo hay vô thần – đều bị ảnh hưởng hoàn toàn bởi những thói quen nhận thức sự vật mà ta đã huân tập. Bởi vì các delog đều là Phật tử Tây Tạng hoặc là những người gần gũi với đạo Phật nên họ nhận thức mọi việc theo nhãn quan đó.
Tuy nhiên, tuy những thói quen của chúng ta khác nhau về chi tiết vì chúng ta sống trong những nền văn hóa khác nhau, nhưng tất cả chúng ta – dù sống ở bất kỳ nơi nào – cũng có chung cách nhìn mọi chuyện theo nếp nghĩ thông thường là làm việc tốt thì được thưởng, làm việc xấu thì bị phạt. Chúng ta thường xuyên sống trong hy vọng và sợ hãi dưới cặp mắt thần thông thấy hết mọi sự của một đấng quyền uy hay ông quan tòa nào đó mà ta tưởng tượng ra. Do đó, khi chúng ta sống không đạo đức, chúng ta lo sợ bị phán xét, và sau khi chết ta thấy có một ông quan tòa tuyên một bản án khắc nghiệt đối với chúng ta.
Trên thực tế, không có một quan tòa nào ở bên ngoài ta cả. Không có bản án nào cả. Những trải nghiệm sau khi chết của chúng ta chỉ là những cổ tức mà ta nhận được từ những khoản đầu tư về tinh thần và cảm xúc của chúng ta. Đó là lý do tại sao vị đại sư Ấn Độ Shantideva (Tịnh Thiên) đã nói về cảnh giới địa ngục như sau:
Ai đã dựng nên những bãi sắt đang cháy đỏ [của địa ngục]?
Những ngọn lửa kia từ đâu mà đến?
Đức Phật đã nói:
“Tất cả đều là [những phản chiếu của] tâm bất thiện của các ngươi”
Tất cả chúng ta có thể nhìn thấy một thứ quyền uy bên trên chúng ta ở trong thân trung ấm. Các tài liệu Tây Tạng miêu tả một toà án do Pháp Vương và những phụ tá là những Tử Thần ngồi xét xử. Trong những nền văn hóa và tín ngưỡng khác thì có một vị thần linh ngồi xét xử, một cuốn sách trong đó một thiên thần đã ghi chép công đức và tội lỗi, hoặc là một cái cân để cân những hành vi thiện ác. Những người trải qua kinh nghiệm cận tử ở phương Tây thường miêu tả lại những cuộc “phán xét lại cuộc đời”, trong đó họ được khuyến khích tự phán xét cuộc đời mình. Tuy nhiên, tất cả đều có một điểm chung là những thói quen và hành động tích cực sẽ mang lại sung sướng, ngược lại những thói quen và hành vi tiêu cực sẽ đưa đến khổ đau.
TÁI SINH
Sau khi ra khỏi thân trung ấm, chúng ta sẽ tái sinh với một hình hài và một thân phận khác. Cũng giống như trải nghiệm của chúng ta trong giai đoạn thân trung ấm tùy thuộc vào những hành động theo nghiệp báo của chúng ta, những khuynh hướng tinh thần và cảm xúc của chúng ta, và trình độ tâm linh của chúng ta, những nhân tố này cũng là những ảnh hưởng sẽ xác định việc tái sinh của chúng ta.
Có thể nhận ra được bản chất thật sự của chúng ta – hay là giác tính nội tại của chúng ta – trong thân trung ấm, hoặc là trong bất kỳ giai đoạn nào trong bốn giai đoạn của đời sống. Nếu chúng ta có thể duy trì được nhận thức đó, chúng ta sẽ hoàn toàn được giác ngộ, mãi mãi thoát được tái sinh trong vòng sinh tử luân hồi của vô minh. Tuy nhiên, giác ngộ đòi hỏi nhiều năm trời hoàn toàn tận hiến; không thể đạt được giác ngộ chỉ bằng tham dự những buổi hội thảo cuối tuần hay vài phút thiền định trong vài năm. Những bậc tu hành viên mãn – những bậc thầy đã chứng đắc cao vời – có thể đạt được giác ngộ và rồi tự chọn tái sinh cho mình chứ không phải tái sinh theo nghiệp báo trong quá khứ. Chuỗi Nghiệp thông thường của họ đã ngưng lại hoặc đã được thắng vượt. Đối với họ, những hiện hữu trong thế giới hiện tượng chỉ là sự phóng chiếu những tính chất của tâm họ.
Nếu chúng ta luôn mong cầu giác ngộ và luôn theo con đường công hạnh, có ngày chúng ta cũng sẽ đạt được mục đích giác ngộ. Nhưng con đường mà các vị tu hành viên mãn đang đi thì giờ đây những con người bình thường như chúng ta không nghĩ tưởng đến được vì chúng ta chưa chứng đắc được gì về mặt tâm linh. Theo kết quả của tiền nghiệp, những người bình thường như chúng ta nhất định sẽ tái sinh vào sáu cõi luân hồi (lục đạo) (được miêu tả ở chương 6 “Tái sinh”).
Những người có tu hành và có nhiều phước đức sẽ được hưởng đời sống tương lai trong những thế giới hạnh phúc. Nếu chúng ta thanh thản, tốt bụng, biết quan tâm giúp đỡ người khác, có trí tuệ và nếu chúng ta tạo công đức trong lời nói cũng như trong việc làm, chúng ta sẽ được tái sinh vào trong những cảnh giới an lành, hỷ lạc và thiện ích. Nếu trong đời sống này chúng ta tập nhìn, suy nghĩ, cảm xúc và tin tưởng vào sự hiện hữu của một cõi tịnh độ, chúng ta sẽ tái sinh vào một cõi tịnh độ nhờ vào những thói quen tinh thần mà chúng ta đã nuôi dưỡng. Một cõi tịnh độ như vậy không phải là cõi tịnh độ rốt ráo của tình trạng giác ngộ, nhưng là một cõi tịnh độ được thị hiện vô cùng an lạc. Chúng ta không chỉ hưởng được an lạc của cõi tịnh độ mà chúng ta còn tỏa chiếu ra vô lượng phước lành của cõi tịnh độ đến cho những ai sẵn sàng tiếp nhận chúng. Chúng ta sẽ vẫn chịu sự khống chế của quy luật nghiệp báo, nhưng đây sẽ là một vòng nghiệp báo hạnh lạc. Sống một cuộc sống như thế nào để được tái sinh vào cõi tịnh độ như vậy là một chuyện rất thực tế và nhiều người có thể thực hiện được, và chúng ta phải làm cho cuộc sống ấy trở thành ưu tiên hàng đầu của chúng ta.
Vậy những người bình thường với cuộc sống đầy những cảm xúc tiêu cực thì sao? Nếu tâm của chúng ta chìm đắm trong tham, sân, si, chắc chắn chúng ta sẽ phải đối diện với sự tái sinh khủng khiếp như là một hậu quả của sự chìm đắm ấy. Khi chúng ta đi qua bốn giai đoạn chuyển tiếp, những hậu quả nặng nề do tiêu cực của chúng ta sẽ giống như ta mang những cặp kính tráng màu đen làm cho những gì chúng ta nhìn thấy đều tối tăm cả. Thay vì những quang cảnh quen thuộc thường nhìn thấy khi chúng ta còn sống, thì bây giờ quanh chúng ta toàn là những hình ảnh, âm thanh, những chuyện sợ hãi và khổ đau. Đó sẽ là những cảnh tượng khởi lên trong ý thức của chúng ta như là kết quả của tâm thái tiêu cực rất thông thường mà ta nuôi dưỡng khi còn sống.
Nhiều người trong chúng ta, dù ai đó có thừa nhận hay không, ngày này qua ngày nọ dính vào tâm thái đó và ấp ủ nó. Đây là một quá trình mà ta không ý thức được. Mặc dù bên ngoài chúng ta có thể không nghĩ rằng chúng ta là những người “xấu xa” như vậy, nhưng có thể đâu đó trong tâm hồn, chúng ta đắm mình trong những cảm xúc độc hại, ích kỷ và ham muốn mà nền văn hóa hiện đại khuyến khích. Chúng ta phải đừng tự lừa dối mình nữa và hãy bắt đầu thay đổi cách sống của chúng ta ngay từ hôm nay trong khi chúng ta vẫn còn may mắn mang cái thân người và còn có thể có một mức độ chọn lựa nào đó. Một khi chúng ta đã chết, chúng ta sẽ không thể thay đổi gì nữa vì nghiệp lực đã nắm quyền kiểm soát hết rồi. Nghiệp lực sẽ đẩy ta đi vào tái sinh, có thể không được sinh vào cõi người, và trong những cõi đó, chúng ta không thể tu tập được và chúng ta sẽ không có được tiến bộ tâm linh. Chúng ta sẽ lang thang trôi nổi qua vòng sinh tử luân hồi bất tận đầy khổ đau và phiền não.
BIẾN ĐỔI TƯƠNG LAI CỦA CHÚNG TA
Điều quan trọng cần phải nói lại cho rõ là những cảnh giới địa ngục hoặc tịnh độ trong đó chúng ta có thể đi qua hay tái sinh vào không phải là những hệ thế giới bên ngoài chúng ta và đang ở đâu đó. Những kinh nghiệm hỷ lạc hay khổ đau trong những hệ thế giới khác nhau sau khi ta chết chỉ là những phản ảnh của những khuynh hướng nghiệp báo của chúng ta. Điều ấy cũng giống như một cuộc hành trình trong giấc mơ, tạo nên bởi chính những chấp thủ quen thuộc của tâm chúng ta. Chúng ta phải nên ghi nhớ điều này khi nào chúng ta đọc về những hậu quả của nghiệp báo. Tâm phát sinh những trải nghiệm của chính nó về hạnh phúc và khổ đau sau khi ta chết như là kết quả của những xu hướng mà ta đã huân tập qua nhiều đời sống liên tục. Do tâm sinh ra nên những trải nghiệm này cũng xảy ra ở trong tâm chứ không phải ở một nơi nào khác.
Điều cũng không kém phần quan trọng là ta phải biết rõ rằng chừng nào ta còn sống thì ta vẫn còn có thể thay đổi và cải thiện tương lai của chúng ta. Dĩ nhiên chúng ta luôn luôn phải chịu những giới hạn do sự tác động của những quy luật vật lý và môi trường. Nhưng khi chúng ta chết, tâm của chúng ta sẽ ít bị hạn chế bởi những lực từ bên ngoài. Vì vậy, chúng ta sẽ bị thúc đẩy bởi những xu hướng vốn đã ăn sâu trong tâm mình mà chúng ta đã nuôi dưỡng trong quá khứ. Đó là lý do tại sao phương cách tốt nhất để cải thiện chất lượng sống, cái chết và đời sau của chúng ta là làm sao để thay đổi những thói quen suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta từ bất thiện sang thiện lành.
Như vậy, chúng ta có ba lựa chọn trước mắt khi vẫn còn thời gian:
Chúng ta có thể tiếp tục chịu đựng khổ đau của đời sống này như chúng ta vẫn thường chịu đựng mà không nắm lấy cơ hội để tạo ra sự chuyển biến. Nghiệp của tâm hôn muội, phiền não và những tình huống bên ngoài sẽ quyết định ta đi về đâu trong đời sau. Rồi chúng ta sẽ không có cơ may có được hạnh phúc.
Chúng ta có thể cố gắng có được trạng thái hạnh phúc và lành mạnh nhất mà cuộc sinh tử luân hồi bình thường có thể mang lại. Nếu chúng ta có thể sống an lành, vui vẻ, giúp đỡ và yêu thương mọi người thì chúng ta có thể chắc chắn có được một tương lai hạnh phúc và lành mạnh hơn, ít nhất là trong một thời gian ngắn.
Hoặc là chúng ta có thể vượt qua vòng sinh tử luân hồi và đạt được một trạng thái an lạc tột bậc vĩnh cửu gọi là niết bàn. Một sự chứng đạt như thế chỉ có thể có được thông qua việc thấu hiểu được chân lý tuyệt đối nhờ vào thiền định, và được hỗ trợ bởi những cách tư duy, cảm thọ và phụng sự tha nhân một cách đúng đắn.
Nếu chúng ta để cho tâm chúng ta nhắm theo hướng đúng thì bước đi nào của chúng ta cũng sẽ dẫn chúng ta đến gần hơn cái đích mà chúng ta đã nhắm đến.
Những cách thiền định và thực hành được miêu tả trong cuốn sách này chủ yếu là dựa vào những nghi thức của Đức Phật Vô Lượng Quang (Phạn: Amitabha) và cõi Cực lạc Tịnh độ (Sukhavati) của Ngài. Nhưng cũng có những vị Phật khác và cõi tịnh độ khác mà nghi thức vẫn có thể sử dụng được, và ngay cả những lời cầu nguyện của các tôn giáo khác tuy không phải Phật giáo nhưng có tính chất tương tự cũng sẽ mang lại hiệu quả. Điều quan trọng là chúng ta phải biết chuẩn bị trước bằng cách quán tưởng đều đặn theo nghi thức được nối kết với một nguồn ơn phước nào đó.
Trong sách này cụm từ nguồn ơn phước dùng để chỉ một đối tượng mà ta tôn kính, cầu nguyện hay nương tựa và đó là một vị có thể phù hộ và che chở cho chúng ta. Nguồn ơn phước có thể là một vị Phật, một vị Bồ tát, một vị thánh, một hiền nhân hay một bậc đại sư. Bất cứ một đối tượng của tâm thức nào cũng là một nguồn ơn phước mạnh mẽ nếu nó có những tính chất thiện lành và được tâm nhận thức là thiện lành. Những người sắp chết và những người đã chết cùng những người giúp đỡ họ phải trông cậy vào sự phù trợ của những nguồn ơn phước cho những lời cầu nguyện, thiền định hay nghi lễ của họ. Nguồn ơn phước tối hậu là ở trong chính chúng ta, bởi vì tất cả chúng ta đều có giác tính. Tuy vậy, khi chúng ta chưa nhận chân được tiềm năng của chính chúng ta thì chúng ta vẫn phải nhờ cậy vào một nguồn ơn phước ở bên ngoài để đánh thức bản chất và những phẩm chất linh thiêng của chính chúng ta.
Trong Phật giáo Tây Tạng, lặp đi lặp lại lời cầu nguyện một nguồn ơn phước, chẳng hạn như niệm danh hiệu Đức Phật Vô Lượng Quang, là một trong những cách rất phổ biến để có thể vươn tới và nhận được ơn phước của Đức Phật. Đức Phật Vô Lượng Quang (Đức Phật A Di Đà) đã nguyện giải thoát cho những chúng sinh niệm danh hiệu của Ngài với lòng thành, cũng giống như một người mẹ vụt chạy đến bên con mình khi nghe tiếng con kêu: “Mẹ ơi!”
Một đồng sự của tôi có lần yêu cầu đại thiền sư Yokhog Chatralwa cho anh ta một vài lời hướng dẫn về Giáo lý Đại Viên Mãn (Dzogchen) . Đại sư Chatralwa trả lời như thế này mà không đả động gì đến Giáo lý Đại Viên Mãn cả:
Trước hết bạn hãy cố gắng niệm hết sức thành tâm danh hiệu Đức Phật Vô Lượng Quang 100 lần mỗi ngày. Rồi cố gắng tăng lên 200, 300 lần mỗi ngày và cứ tiếp tục như thế. Nếu bạn có thể tiếp tục niệm mỗi ngày một nhiều hơn thì một ngày nào đó sẽ đến lúc bất cứ bạn đang làm chuyện gì bạn cũng cảm thấy danh hiệu của Đức Phật ở nơi hơi thở của mình và sự hiện diện của Đức Phật trong tâm mình bạn sẽ chết với danh hiệu của Đức Phật và với cảm giác có sự hiện diện của Ngài, nhờ công đức, nhờ phước lành của Đức Phật và những thói quen thành tâm mộ đạo của bạn, tất cả tri giác của bạn sẽ phát sinh như là Cõi Cực Lạc của Đức Phật Vô Lượng Quang. Tương lai của bạn sẽ an lành và hạnh phúc. Bạn sẽ trở thành một nguồn lợi lạc cho nhiều người khác. Tuyệt vời quá đi chứ!
Mặc dù lúc đó tôi không hiểu rõ, nhưng nhiều năm sau đó tôi bắt đầu hiểu được những lời của vị đại thiền sư thật là sâu sắc và mang nhiều ý nghĩa.
Nếu chúng ta đã tập chánh niệm nhìn thấy tất cả như là một vị Phật và cõi tịnh độ của ngài, thì cho dù chúng ta có gặp phải những hình ảnh, âm thanh hay cảm xúc bất thiện trong thân trung ấm, những điều đó sẽ không có khả năng làm hại ta và mọi chuyện sẽ trở thành những hiện tượng thiện lành. Cũng giống như chúng ta gặp một cơn ác mộng: nếu chúng ta nhận biết đó chỉ là một giấc mơ và là một sự huyễn hoặc, chúng ta có thể tức khắc biến nó thành vô hại, khiến cho những kẻ tấn công ta tan biến đi như sương mai trong nắng sớm. Tương tự như vậy, nếu chúng ta nhận thức rõ bất kỳ một kinh nghiệm đáng sợ nào trong thân trung ấm như là một chuyện huyễn hoặc hay là như một cõi tịnh độ, thì kinh nghiệm đó sẽ thành vô hại và tích cực. Những Thần Chết đáng sợ sẽ biến thành những thiên thần giác ngộ của trí tuệ và tình yêu thương, như chúng ta sẽ thấy sau này.
Nhưng chúng ta phải bắt đầu tu tập ngay từ bây giờ, trước khi cái chết đến với chúng ta. Nếu thực hành hằng ngày và nhiều lần mỗi ngày, chúng ta sẽ không bị lúng túng khi cái giờ phút quan trọng đó đến.
NGHI LỄ CHO NGƯỜI CHẾT VÀ NGƯỜI SẮP CHẾT
Chúng ta đã thấy chúng ta có thể làm một điều gì đó để tự giúp mình thu xếp giai đoạn chuyển tiếp quan trọng của cái chết. Nhưng cái chết của những người khác, bao gồm cả những người chưa từng có cơ hội thực hành bất cứ giáo lý nào từ trước thì sao? Chúng ta, những người sống, có thể giúp đỡ họ được không?
Mỗi tôn giáo đều có những nghi lễ hay những kinh kệ cốt để trợ giúp cho người chết hay người sắp chết, đồng thời cũng là sự an ủi cho người sống. Chẳng hạn, trong Do Thái giáo truyền thống, những người sắp chết phải đọc một câu kinh xưng tội và sám hối, và những người khác phải giúp đỡ họ làm chuyện đó nếu họ đã mất hết khả năng. Sau khi một người qua đời, những thân nhân, theo định kỳ, sẽ tụng kinh Kadish – một kinh Do Thái ngợi ca danh xưng của Thượng đế. Trong đạo Hồi, người ta tụ họp lại để tụng kinh tập thể cầu xin đấng thiêng liêng tha thứ cho người đã khuất. Trong Công giáo, có lễ ban phước (phép bí tích) xức dầu thánh cho một người vào lúc người đó chết, kinh cầu hồn cho người chết và đám tang. Phật giáo Tây Tạng cũng có truyền thống nghi lễ rất phong phú dành cho người chết và người sắp chết.
Trong cuộc đời đầy xáo trộn của tôi, tôi đã từng có những kinh nghiệm trực tiếp trong việc hộ sự cái chết của những vị đại sư, những bạn bè thân thiết và cả những người hoàn toàn không quen biết. Một số là những người được trọng vọng, có thế lực và có rất nhiều người thương tiếc họ. Một số khác là những người nghèo khó, không ai chăm sóc, không ai biết đến.
Từ khi mới được năm tuổi, tôi đã sống và lớn lên trong tu viện Dodrupchen – một tu viện nổi tiếng về Phật học và thiền định ở Đông Tây Tạng. Cùng với các sư huynh đệ và các tiểu, tôi hướng toàn bộ cuộc đời mình vào việc học Phật pháp, tụng kinh và tham thiền. Sau khi hoàn tất phần tu tập sơ cấp, chúng tôi nghiên cứu và tham thiền về giáo lý bậc cao và bắt đầu làm việc phục vụ cộng đồng. Chúng tôi được dạy giúp đỡ những người chết và thân nhân của họ bằng việc thành tâm cầu nguyện, cử hành nghi lễ, thuyết giảng giáo lý và thiền định theo những cuốn sách hướng dẫn rất tỉ mỉ của Phật giáo Tây Tạng về nghi lễ dành cho người chết.
Cố gắng chăm sóc cho một người chết bằng việc cử hành tang lễ có thể là những lúc buồn nhất nhưng cũng là những lúc thanh thản và chân thật nhất trong cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi không cầu mong bất cứ một điều gì khác khi chúng tôi vận dụng tất cả mọi sự hỗ trợ có thể được từ thâm tâm chúng tôi để giúp đỡ cho người mới chết này trong chuyến hành trình quan trọng của người ấy đi vào thế giới bí ẩn. Ở bên cạnh một người sắp chết hay một người mới chết, những lời cầu nguyện từ trái tim của chúng tôi, được cất lên với trọn vẹn thân và tâm của chúng tôi. Sự thật của cuộc đời, sự mong manh của cuộc đời đều phơi bày trần trụi trước mắt chúng tôi. Đối với người vừa từ giã cõi đời này tất cả mọi thứ công danh, sự nghiệp, tiền tài bỗng chốc tiêu tan hết. Ngay cả cái thân xác yêu dấu nhất của họ cũng trở nên hèn mọn, nằm cứng đơ, lạnh ngắt, không còn chút hơi thở.
Nghi lễ cho người sắp chết và người mới chết nằm trong số những nghi lễ quan trọng nhất mà chúng tôi thực hiện để phục vụ cộng đồng. Thường thì tôi phụ giúp các vị lạt-ma lớn tuổi hơn cử hành những nghi lễ này, nhưng đôi lúc tôi cũng dẫn đầu một nhóm các lạt-ma cử hành lễ. Một đôi lần tôi chủ trì những nghi lễ kéo dài nhiều tuần (tôi sẽ phác họa lại trong chương 9). Thông thường chúng tôi cử hành những buổi lễ ngắn kéo dài một hoặc hai tiếng đồng hồ.
Chúng tôi ngồi ngay bên cạnh người sắp chết hay xác người mới chết khi tiến hành nghi thức dành cho người đó. Tất cả nghi thức đều theo các bước cơ bản: trước hết chúng tôi bắt đầu bằng việc khai mở tâm với lòng thành kính hướng về nguồn ơn phước, như Đức Phật Vô Lượng Quang chẳng hạn. Rồi chúng tôi hướng tâm của chúng tôi đến người sắp chết hoặc người mới chết với lòng từ bi mạnh mẽ và tình yêu thương vô điều kiện từ tận đáy lòng mình. Với thái độ thành kính và lòng từ bi như vậy, chúng tôi bắt đầu phần nghi thức chính: cầu nguyện, thiền định và nhận ơn phước từ nguồn ơn phước cho chính chúng tôi và cho người chết. Cuối cùng chúng tôi nhìn thấy, cảm nhận và quán tưởng tất cả như là một với lòng thanh thản tột cùng. Sau cùng chúng tôi hồi hướng công đức chúng tôi tạo ra được cho người chết và cho tất cả chúng sinh trong các đời trước đã từng là mẹ của chúng ta và ước nguyện rằng người mới chết sẽ được tái sinh vào cõi Cực lạc hoặc tái sinh làm người sung sướng.
Tôi không dám nói một ý gì để khiến các bạn có cảm tưởng rằng tôi có quyền lực gì đó có thể thay đổi số phận người khác hoặc là tôi có khả năng đặc biệt nào đó có thể nhìn thấy được một người sắp chết hay vừa mới chết sẽ đi về đâu. Nhưng nhờ sự tin tưởng của tôi vào giáo lý của Đức Phật nên sau khi cử hành những nghi thức đó với lòng thành kính và yêu thương mạnh mẽ, ít nhất là bản thân tôi cảm thấy vô cùng thanh thản. Tôi cũng cảm thấy biết ơn nữa: “Tôi thật may mắn biết chừng nào khi có được cơ hội ở bên cạnh những người này vào giây phút họ cần tôi nhất để cố gắng giúp đỡ họ một cách tốt nhất mà tôi có thể”. Đồng thời tôi luôn thận trọng để mình không đi vượt xa hơn những giới hạn của chính mình về mặt tinh thần, thể chất và tâm linh.
Nhiều buổi lễ dành cho người sắp chết hay người mới chết là những dịp rất vui với bầu không khí lễ lạc vì mọi người nhớ lại tất cả những điều an lạc mà những người vừa mất đã mang lại cho họ khi những người này còn sống. Nhưng cũng có những giây phút u buồn và thất vọng khi sự ngăn cách giữa người sống và người chết quá khắc nghiệt; không ai có thể tiếp cận được với những người đã chết mặc dù ta có thể đụng chạm được thể xác của họ. Tâm thức của những người chết đang chìm vào bóng tối sâu thăm thẳm, vào một thế giới bí ẩn và cô đơn. Ngồi bên cạnh giường người chết, nhìn thẳng vào sự mong manh của đời người, chúng ta không biết được có nơi chốn an toàn nào để ẩn náu. Đó luôn là một lời kêu gọi thức tỉnh rất mạnh mẽ.
CÁI CHẾT CỦA MỘT VỊ ĐẠI SƯ
Cuộc tiếp xúc trực tiếp với cái chết lần đầu tiên của tôi là một nguồn vui và một dịp lễ lạc lớn. Có một vị đại lạt-ma tên là Sonam Tragpa ở bộ tộc Wangrol – cộng đồng bộ tộc của mẹ tôi ở tỉnh Golok thuộc miền Đông Tây Tạng. Dân chúng trong bộ tộc gọi ngài là lạt-ma Pushul. Ngài sống và dạy học trong một tu viện khổ hạnh nhỏ cách tu viện của chúng tôi khá xa, nếu đi ngựa thì phải mất hai ngày đường mới đến được. Ngài là một vị thầy và là một học giả lớn, tác giả của nhiều tập chuyên luận, và là một đại sư về thiền Mật tông và về giáo lý Đại Viên Mãn, nhưng những lời cầu nguyện và quán chiếu chính yếu của ngài là về Tịnh độ Cực lạc của Đức Phật Vô Lượng Quang.
Lạt-ma Pushul mất khi ngài được khoảng 60 tuổi. Tôi lúc đó ở tuổi vừa mới lớn. Ngay khi những người đưa tin của ngài đến tu viện của chúng tôi, tôi cùng với thầy tôi là Kyala Khenpo và mấy người khác vội vàng lên ngựa phi nước đại đến với ngài. Chúng tôi đến nơi ẩn tu của ngài thì trời đã tối lắm rồi và đón chúng tôi là những sư sãi và Phật tử đang khóc lóc thương tiếc ngài.
Tôi có mối quan hệ đặc biệt với lạt-ma Pushul. Chính ngài là một trong những vị đạo sư đã nhận ra, ngay sau khi tôi sinh ra, rằng tôi là hóa thân, hay là tulku, của vị thầy dạy chính của ngài. Ngài cũng là vị lạt-ma quan trọng nhất trong cộng đồng bộ tộc của mẹ tôi. Vì vậy, tôi có bổn phận đặc biệt phải chăm lo cho tang lễ của ngài.
Theo lời chỉ dạy của thầy tôi, Kyala Khenpo, tôi một mình đi vào trong phòng của lạt-ma Pushul. Thân của ngài đang nằm trên giường trong tư thế con sư tử đang nằm ngủ, một tư thế thiền. Tôi đang còn trẻ nên tôi không suy nghĩ gì nhiều về chuỵện này, nhưng tôi cảm thấy căn phòng và cả khu vực đó tĩnh lặng tuyệt đối. Tôi sờ vào vùng tim của ngài và tôi cảm thấy một chút hơi ấm, mặc dù ngài đã qua đời 48 tiếng trước đó rồi. Đó là một dấu hiệu cho thấy rằng tâm thức của ngài vẫn còn đang ở trong trạng thái nhập định bên trong thân của ngài. Tôi báo cho thầy Khenpo biết và thầy nói: “Không ai được phép đi vào trong phòng của ngài và không được gây bất cứ tiếng động gì quanh nhà, cho đến khi việc nhập định của ngài kết thúc”. Tất cả những việc cầu nguyện hay nghi lễ vẫn được tiếp tục nhưng ở trong những lều vải cách rất xa ngôi đền ẩn cư của ngài. Theo truyền thống, ngay cả chuyện công bố việc qua đời của một vị lạt-ma cũng phải được giữ bí mật trong nhiều ngày, nhưng trường hợp này thì không thể làm như vậy được. Tin buồn đã lan đi rất nhanh trong các vùng dân cư của bộ tộc.
Khi kiểm tra lại lạt-ma Pushul vào sáng hôm sau, tôi thấy hơi ấm nơi vùng tim của ngài không còn nữa, vì vậy bốn vị sư được lựa chọn được mời vào. Họ tắm thân ngài bằng nước củ nghệ đã được làm phép, lau khô với những tấm khăn trắng mới, và hoàn tất những việc chuẩn bị cần thiết để giữ thân của ngài trong nhiều ngày. Rồi họ đặt ngài ngồi trên một cái ngai nhỏ theo thế kiết già, mặc áo tràng, với một cái vương miện ở trên đầu. Hai bàn tay ngài được bắt chéo ở ngang tim, một tay ngài cầm cây kim cương trượng và tay kia cầm cái chuông. Hoa, đèn, thực phẩm và các loại đồ cúng khác được sắp đặt trên hai cái bàn thấp trước mặt ngài. Tôi biết rất chắc chắn rằng bản thân ngài sẽ muốn một lễ tang đơn giản nhất, nhưng nó đã trở thành một tang lễ được tổ chức kỹ lưỡng, công phu bởi vì mọi người trong cộng đồng muốn vậy.
Mặc dù chỉ có khoảng ba chục vị sư ở trong tu viện khổ hạnh này mà thôi, nhưng từng dòng người thuộc mọi tầng lớp từ những trại du mục xa xôi ngày đêm đổ về tu viện, vừa cầu nguyện vừa khóc thương.
Trong thời gian đó, chúng tôi tìm được một tờ giấy trên đó có chữ viết của chính lạt-ma Pushul. Nội dung như sau: “Ngay sau khi ta chết, ta sẽ tái sinh vào Tịnh độ Cực lạc. Ta đã tụng kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa (Prajnaparamita) gồm 15 cuốn, 108 lần và đã quán chiếu về ý nghĩa sâu xa của kinh trong cuộc đời này. Do đó, tên của ta sẽ là Bồ tát Sherab Nyingpo [Wisdom Heart = Tuệ Tâm]. Ai cầu nguyện ta với lòng thành kính sẽ được ta che chở cho tránh được mọi hiểm nguy có thể gặp phải trong đời sống. Ta sẽ dẫn dắt họ vào cõi Tịnh độ Cực lạc khi họ qua đời”.
Ngài kết thúc những điều ngài viết bằng lời cầu nguyện ngài dài năm dòng sau đây để các tín đồ tụng đọc:
Ở cõi Tịnh độ Cực lạc người là Sherab Nyingpo.
Ở Xứ Tuyết [Tây Tạng] người từng là Sonam Tragpa.
Tương lai người sẽ là Vô Lượng Quang Phật.
Ngài lạt-ma của con – con xin cầu nguyện ngài.
Xin ban phước cho chúng con được vãng sinh Cực Lạc Quốc.
Lá thư này làm chúng tôi rất ngạc nhiên, vì lạt-ma Pushul nổi tiếng với tính vô cùng khiêm tốn và chân thật của ngài. Ngài không bao giờ nói điều gì khác với ý nghĩ thực sự của ngài. Điều đáng ngạc nhiên không phải là nội dung những gì ngài đã viết vì tất cả chúng tôi đều rất tôn kính ngài, mà chính là việc ngài đã viết ra lá thư đó.
Vào sáng sớm ngày thứ tám, nhục thân của ngài được đem hỏa táng trong một bảo tháp mới xây nửa chừng. Các tăng ni bận rộn lo cử hành những nghi lễ hỏa táng. Đám đông tín đồ đứng đầy cả sườn đồi, cố gắng đi vòng quanh khu vực hỏa táng để tỏ lòng thành kính, tụng kinh cầu nguyện. Toàn bộ không khí tang lễ hoàn toàn biến thành một buổi lễ lạc tràn ngập lòng thành kính, vang vang tiếng kinh cầu nguyện và tiếng nhạc lễ. Tôi chưa từng bao giờ cảm thấy được nhiều năng lực như thế trong nỗi đau buồn sâu đậm, và nhiều âm thanh của lòng thành kính chân thật đến từ rất nhiều con tim, tất cả hòa quyện vào trong một buổi lễ thật hoành tráng.
Cái chết của lạt-ma Pushul cho thấy rõ một sự chứng đắc lớn lao. Khi còn nhỏ, ngài là một cậu bé có vấn đề về tâm thần và gia đình của ngài đã từng phải trói ngài lại để ngăn ngài đừng tự gây thương tích cho mình và người khác. Nhưng nhờ cầu nguyện và tham thiền, ngài đã tự biến đổi hoàn toàn con người mình và đã chứng đắc được niềm tin vô úy vào việc tái sinh vào cõi Tịnh độ Cực lạc và sẽ dẫn dắt tất cả các tín đồ đến cõi Cực lạc. Cho đến tận ngày hôm nay, tôi chưa từng biết một ai uyên bác, vui vẻ và có lòng tốt hơn ngài.
Theo gương ngài, chúng ta cũng có thể biến đổi con người chúng ta. Chúng ta cũng có thể đạt được niềm vui và lòng xác tín vô úy trong cuộc sống và lúc chết.
Tiến sĩ Elizabeth Kubler-Ross, nhà phân tâm học đã quá cố, người đi đầu trong việc thay đổi thái độ đối với cái chết và việc chăm sóc người sắp chết ở Hoa Kỳ, đã phản ảnh một quan điểm tương tự khi bà nói: “Điều rõ ràng duy nhất trong các nỗ lực của tôi là sự quan trọng của đời sống. Tôi vẫn luôn luôn nói rằng cái chết có thể là một trong những kinh nghiệm tuyệt vời nhất. Nếu mỗi ngày bạn sống tốt, thì bạn không có gì phải sợ hãi cả”.