CHƯƠNG 9. NHỮNG NGHI LỄ DÀNH CHO NGƯỜI SẮP CHẾT VÀ NGƯỜI CHẾT
Con đường thiền định thanh thản và cầu nguyện sùng kính
Đã được tuệ tâm của các vị giác ngộ hình dung ra,
Và đã được vô số đạo sư và tín đồ đi qua,
Là con đường luôn chắc chắn sẽ đưa đến tịnh độ hoặc cảnh giới an lạc.
Tôn giáo nào trên thế giới cũng có những nghi lễ dành cho người sắp chết và người đã chết. Những nghi lễ này nhằm hai mục đích: đối với thân nhân đau buồn, những việc này mang lại nguồn an ủi trong quá trình vĩnh biệt những người thân yêu, còn đối với người chết sẽ mang lại sự nâng đỡ và trợ giúp trong cuộc hành trình sau khi chết bằng những lời cầu nguyện và những nghi thức tượng trưng. Những nghi lễ Phật giáo mà tôi trình bày sơ lược trong chương sách này cũng nhằm đem lại lợi lạc cho những người đã chết và cho những thân nhân của họ. Mục đích chính của những nghi lễ này không nhất thiết là để giúp cho những người chết đạt được giải thoát và thắng vượt lên trên thế giới luân hồi. Đúng hơn, chúng chủ yếu nhắm đến việc giảm thiểu hoặc giải trừ những quan niệm và những cảm xúc tiêu cực vốn là những nguyên nhân duy nhất gây ra đau khổ, sợ hãi và tái sinh vào những cõi thấp. Những nghi lễ Phật giáo dành cho người chết cũng là một hành động để hoàn thành những hành động thiện lành cho người đã chết bằng sức mạnh của những quan niệm và cảm xúc tích cực vốn là những nguồn trực tiếp của an lạc và tái sinh vào những cảnh giới an lạc (như cõi người và cõi trời) hay là những cõi tịnh độ thị hiện.
TRUYỀN THỐNG CỦA NHỮNG NGHI LỄ
DÀNH CHO NGƯỜI CHẾT
Những nghi lễ dành cho người chết của Phật giáo Tây Tạng do các lạt-ma và những cư sĩ thực hiện theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào môn phái Phật giáo và từng địa phương ở Tây Tạng. Những nghi lễ dành cho người chết được phác họa trong chương này dựa vào truyền thống của môn phái Nyingma được áp dụng ở tỉnh Golok, Đông Tây Tạng nơi tôi sinh ra và tu tập.
Nghi lễ dành cho người chết thường được một vị lạt-ma, hay một vị giáo phẩm tiến hành, tương đương với một vị mục sư hay giáo sĩ ở phương Tây. Nếu vị lạt-ma là một vị có trình độ giỏi, việc thực hiện nghi lễ dành cho người chết sẽ rất hiệu quả. Một lạt-ma chỉ có danh xưng mà thôi hay do được chỉ định thì không có năng lực gì hơn ai cả. Tuy nhiên, bất cứ ai cũng có thể thực hiện những nghi lễ được đề cập đến trong sách này nếu người đó có rèn luyện về thiền định và cầu nguyện.
Ở một số vùng miền và trong một số truyền thống Tây Tạng, những nghi lễ dành cho người chết rất đơn giản. Các lạt-ma và/hoặc những cư sĩ trợ giúp tụng đọc những lời cầu nguyện, cúng lễ và hiến tặng tiền bạc, thức ăn, đồ trang sức hay súc vật cho các tăng viện và các ni viện, riêng cho cá nhân các tăng, ni, hoặc cho những người nghèo khổ. Thi thể được đem thiêu hoặc cho kền kền ăn [điểu táng] như là một cách cúng dường chư Phật và chư thiên. (Mặc dù chư Phật và chư thiên không ăn, nhưng cách làm này là một cách rèn luyện về thiền định và nghi lễ để tập cho tâm chúng ta có được những nhận thức tích cực, thấy tất cả đều là thanh tịnh, và để nuôi dưỡng sự khoan dung, lòng sùng mộ và sự buông xả). Một trong những lễ tôn giáo quan trọng là phải bao gồm nhiều lần lặp đi lặp lại những lời cầu nguyện như là “Vua của những lời cầu nguyện, sự ước nguyện có được những công hạnh cao vời” cùng với những phẩm vật dâng cúng như đèn, hương, hoa, và những đồ quyên cúng.
Trong những vùng khác của Tây Tạng, những nghi lễ cho người chết được làm tỉ mỉ hơn. Nhiều vị lạt-ma được mời đến nhà người chết để thực hiện những nghi thức tế lễ nhiều tuần trước khi người đó chết và bảy tuần sau khi chết. Thời gian và sự kỹ lưỡng của việc tế lễ tùy thuộc vào khả năng của tang gia. Để chi phí cho những nghi lễ dành cho người chết, phần đông các gia đình bỏ ra ít nhất là toàn bộ phần người vừa qua đời được chia từ tài sản của gia đình.
NHỮNG NGHI LỄ TÔN GIÁO
DÀNH CHO NGƯỜI ĐANG LÂM CHUNG
Điều cốt yếu là chúng ta phải thực hành Chánh Pháp khi chúng ta còn sống, bởi vì điều đó sẽ đặt chúng ta vào con đường tâm linh và truyền cho chúng ta niềm tin vào con đường đó. Rồi chúng ta sẽ sẵn sàng áp dụng những trải nghiệm thiền định của chúng ta vào cái chết của chúng ta khi ngày đó đến. Ngài Dodrupchen Rinpoche thứ ba đã viết:
Vào thời điểm chúng ta chết, có thể chúng ta rất khó tập trung được khả năng tinh thần để bắt đầu một thiền định. Vì vậy bạn phải chọn lựa một thiền định trước và kết hợp tâm của bạn với nó, càng chặt chẽ càng tốt. Thiền định có thể là việc nhớ đến một vị Phật, tình cảm từ bi, năng lực của sự tinh tấn, hay là sự thể nghiệm về tính không.
Bạn cũng hãy luôn suy nghĩ: “Vào thời điểm ta chết, ta sẽ không để chính mình vướng vào bất kỳ những ý nghĩ tiêu cực nào”. Để có thể đạt được sự sáng suốt của thiền định và sự an bình trong tâm bạn, điều quan trọng là bạn phải liên tục thiền định, rất sớm trước khi cái chết đến với bạn. Rồi khi thời điểm chết đến, bạn sẽ chết với những phẩm chất tâm thức đúng như bạn mong muốn.
Bất kỳ một hành vi thiện lành nào mà bạn thực hiện, dù hành động do tâm hay thân – trong lúc bạn sống và nhất là lúc bạn sắp chết – sẽ rất tốt cho đời sống tương lai của bạn. Những nghi lễ như là tịnh hóa, tạo công đức, quán đảnh và hồi hướng đều là những việc quan trọng nên thực hiện trước khi một người chết và cả sau khi người đó chết.
Tịnh hóa
Để khiến cuộc sống hiện tại, chuyến hành trình sau khi chết trong tương lai và cuộc tái sinh của bạn khỏi gặp những khó khăn và trở ngại thì điều tối quan trọng là phải thanh tịnh hóa những ảnh hưởng nghiệp xấu trong quá khứ của bạn. Tất cả những bất hạnh của cuộc đời này và những đời tương lai của bạn đều là do những nghiệp báo nhân quả tiêu cực mà ra. Chỉ có cách tẩy trừ những nguyên nhân nghiệp báo gây phiền não này thì bạn mới cải thiện cuộc đời của mình được. Điều này cũng giống như việc bạn khôi phục lại sức khỏe của mình bằng cách thanh tẩy những độc tố trong người. Nhờ vào việc thanh tẩy này, bạn có thể vô hiệu hóa những hành vi bất thiện của mình và những hậu quả của chúng.
Bất kỳ những hành động tích cực hay việc giúp đỡ phục vụ nào cũng có thể là những cách thanh tẩy hữu hiệu. Những việc làm để tịnh hóa bao gồm quán tưởng về chư Phật và những lời cầu nguyện vì lợi lạc cho các chúng sinh. Những hành động này đòi hỏi phải tụng đọc những lời cầu nguyện và thực hiện thiền định để tịnh hóa từ tận đáy lòng mình. Một số nghi lễ dành cho người chết cũng được thực hiện với mục đích đạt được sự tịnh hóa.
Trong số những việc làm đặc biệt của Phật giáo chủ yếu nhắm đến việc tịnh hóa có việc “Sám hối trước 35 vị Phật Thanh tịnh (Tây Tạng: tung shag, lTung bShags) và những lời cầu nguyện và thiền định của Đức Phật Kim Cang Tát-đỏa. Những lời cầu nguyện và thiền định liên quan đến bốn “năng lực”. Năng lực thứ nhất là năng lực của nguồn thanh tịnh, Kim Cang Tát-đỏa. Khi bạn hình dung thấy Đức Phật Kim Cang Tát-đỏa ở trên trời phía trên đầu bạn, bạn tin cậy Ngài như là hiện thân của bản chất giác ngộ và những phẩm tính của tất cả các vị đã giác ngộ hiện ra như là nguồn thanh tịnh. Năng lực thứ hai là năng lực của sự ăn năn. Nếu bạn cảm thấy hối hận vô cùng về những việc xấu xa mình đã làm thì việc tịnh hóa của bạn sẽ xuất phát từ tận đáy lòng mình. Năng lực thứ ba là năng lực của sự cam kết. Điều này có nghĩa là bạn đưa ra một sự cam kết mạnh mẽ sẽ không tái phạm một việc bất thiện nào nữa trong tương lai. Năng lực thứ tư là năng lực của chính bản thân sự tịnh hóa. Tụng đọc những lới cầu nguyện – chẳng hạn như OM VAJRASATTVA HUNG (hoặc HUM) “Cầu xin Đức Phật Kim Cang Tát-đỏa ban ơn phước cho con” – bạn nhìn thấy, cảm thấy và tin rằng một dòng cam lộ từ thân của Đức Phật Kim Cang Tát-đỏa chảy ra cuốn trôi đi hết những đồ rác rưởi dơ bẩn của những hành động tiêu cực của thân và tâm bạn, không để lại một dấu vết nào cả. Với cùng một phương cách như vậy, bạn có thể giúp tịnh hóa những người đã chết và những chúng sinh khác. Rèn luyện tâm của bạn bằng quá trình tịnh hóa bằng những hình ảnh thanh tịnh, tình cảm sâu đậm và niềm tin mạnh mẽ sẽ giúp thanh tẩy những hệ quả của những nghiệp tiêu cực của bạn đến tận gốc rễ.
Mặc dù những cách làm như thế này đặc biệt có hiệu quả trong việc tịnh hóa, nhưng bất kỳ một hành động tốt nào cũng là một phương cách tịnh hóa, nhất là nếu bạn có ý định hồi hướng công đức cho một mục đích như vậy. Một số thí dụ khác về cách làm công việc tịnh hóa là cứu mạng sống, và yêu thương che chở những người khác khỏi bị nguy hiểm, hào phóng trao tặng vật cho những người khó khăn hay những dự án tôn giáo, tài trợ cho những dự án an sinh xã hội hay là những buổi lễ tôn giáo với thái độ trong sáng, xây dựng những nơi trú ngụ và những đền đài tôn giáo với ý định mang lại lợi lạc cho những người khác.
Chúng ta cũng có thể giúp thanh tẩy những hành vi bất thiện của những người khác. Nếu chúng ta cầu nguyện, thiền định hoặc thực hiện những phương cách nhằm tịnh hóa những người khác hoặc hồi hướng công đức cho việc thanh tẩy những hành động xấu xa của họ, chúng ta cũng có thể đạt được kết quả. Nhưng những nỗ lực của chúng ta sẽ đạt hiệu quả như thế nào? Nếu những hành vi bất thiện của một người nào đó là trầm trọng quá thì những nỗ lực hạn chế của chúng ta sẽ chẳng mang lại hiệu quả gì nhiều. Nếu người đó không có thái độ tích cực đối với chúng ta, không tin tưởng và không thích chúng ta; nếu họ và chúng ta không chia sẻ một sự liên kết mạnh mẽ về nghiệp nào để có thể xem đó như là một kênh qua đó chúng ta có thể giúp đỡ họ, hoặc là nếu những lời cầu nguyện của chúng ta yếu và bất tịnh, thì việc giúp tịnh hóa của chúng ta có thể không hiệu quả lắm. Tuy vậy, những việc chúng ta làm cũng mang lại một chút trợ giúp nào đó. Nếu những hành vi bất thiện của một người nào đó là những hành vi “tẩy rửa được” và nếu họ có lòng tin tưởng chúng ta, hoặc ít nhất là họ cũng thích chúng ta và những việc chúng ta làm, nếu chúng ta có quan hệ về nghiệp với họ và nếu những cách chúng ta làm là mạnh mẽ thì chúng ta chắc chắn sẽ có thể thanh tẩy những việc làm bất thiện của người đó. Nếu một đạo sư tu hành viên mãn thực hiện việc cầu nguyện, thiền định và nghi lễ đặc biệt thì cho dù người đó đã phạm phải những hành vi bất thiện trầm trọng, tất cả đều có thể được thanh tẩy và người đó được đưa đến giải thoát nhờ ở năng lực của các vị đạo sư và sự thanh tịnh của việc thiền định. Vì thế không có một câu trả lời đơn giản và mọi chuyện đều tùy thuộc vào nhiều nhân duyên và điều kiện, cũng giống như bất kỳ một khía cạnh nào khác của cuộc sống.
Cho dù chúng ta không thể giúp tịnh hóa một người nào đó một cách toàn diện, thì chỉ một chút tịnh hóa thôi cũng giúp được rất nhiều vào thời điểm người đó chết. Tương tự như vậy, nếu một người sắp chết tạo cảm hứng cho chúng ta thực hiện việc tịnh hóa cho người ấy với lòng sùng kính lớn lao đối với Đức Phật thì chúng ta sẽ tạo được nhiều công đức và điều đó sẽ lại tạo công đức cho người đã khiến chúng ta làm việc đó. Cũng nên nói lại lần nữa rằng nếu tạo công đức, những công đức đó sẽ làm mạnh mẽ thêm những phẩm tính tích cực của chúng ta và làm yếu đi hay tẩy trừ những phẩm tính tiêu cực của chúng ta.
Tạo công đức
Để có thể hưởng được một cuộc sống và một đời tái sinh an bình, hạnh phúc, điều tối quan trọng là chúng ta phải tích lũy công đức và nuôi dưỡng những phẩm tính tích cực. Hạnh phúc và an bình mà bạn đang được hưởng ngày hôm nay là kết quả trực tiếp của những hành vi tốt đẹp của bạn trong quá khứ. Để làm cho đời sống tương lai của bạn tốt đẹp hơn nữa bạn cần phải tiếp tục tạo nhiều công đức hơn bằng cách làm những việc thiện lành. Cũng giống như bạn có được sức khỏe thể chất bằng cách cung cấp cho cơ thể bạn dinh dưỡng phù hợp và tập thể dục, bạn phải chăm sóc sức khỏe tâm linh của mình bằng cách tạo công đức.
Bất kỳ những hành động hay sự phục vụ tích cực nào cũng có hiệu quả như là một phương cách tạo công đức. Bạn có thể tạo công đức bằng cách cầu nguyện và thiền định. Bạn có thể tạo công đức bằng cách giúp đỡ những người nghèo khổ, cúng dường cho những dự án tôn giáo, cứu và chuộc mạng sống (như mua gia súc và thả ra), xây dựng và phát quang đường sá, tôn tạo chùa chiền và đền đài tôn giáo, tài trợ và thực hiện việc cầu nguyện, thiền định với lòng yêu thương, tôn kính và tận tụy.
Quán đảnh
Quán đảnh hay điểm đạo là một phương tiện rất hữu hiệu để thanh tẩy những hậu quả xấu của những hành vi bất thiện, để củng cố những hành vi thiện lành trong quá khứ, để nhắc nhở lại những trải nghiệm và kiến thức tâm linh trong quá khứ, để chỉ rõ con đường đi đến giải thoát hay cõi tịnh độ, để giới thiệu chư Phật và các cõi tịnh độ, để ban ơn phước của chư Phật và đánh thức trí tuệ nguyên thủy hay Phật tính của người tiếp nhận quán đảnh. Những quán đảnh như là “Giải thoát khỏi [sáu] Cảnh giới (Tây Tạng: ne dren, gNas ‘Dren) có thể thực hiện cho những ai đang lâm chung. Những nghi lễ như vậy giúp thanh tẩy những chủng tử nghiệp tiêu cực của người sắp chết. Nếu không thực hiện những nghi lễ này, những chủng tử đó có thể khiến người ấy tái sinh vào những cảnh giới đau khổ. Những nghi lễ đó giúp tích lũy công đức khiến cho người ta được tái sinh vào những cảnh giới sung sướng. Chúng sẽ nhanh chóng đem đến những ơn phước của chư Phật để tâm của chúng ta thức tỉnh mà đi vào sự giác ngộ hay tái sinh vào một cõi tịnh độ.
Do đó, điều quan trọng là người chủ trì và/hoặc những người thực hiện những nghi lễ dành cho người chết phải là những người đã có khả năng thiền định hoàn hảo hoặc ít nhất thì cũng đã được huấn luyện nhiều trong việc thực hiện những nghi lễ đặc biệt này. Ngoài ra, nếu có một sự liên hệ tích cực về tâm linh giữa người thực hiện việc tế lễ và người đã chết, thì những tế lễ sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Tối thiểu thì cũng nên có một mối quan hệ hài hòa giữa người thực hiện việc tế lễ và người chết.
Nếu những nghi lễ tỉ mỉ như ban quán đảnh không thể thực hiện được thì bất kỳ lời cầu nguyện hay thiền định nào được thực hiện với tình yêu dành cho tất cả chúng sinh và người sắp chết, hoặc là được thực hiện với sự sùng kính chư Phật sẽ mang đến lợi lạc rất lớn, nhất là nếu việc này được thực hiện bởi một thiền giả đã thành tựu. Một buổi lễ đàng hoàng có thể gồm có việc tụng đọc những lời cầu nguyện, tụng đọc danh hiệu của chư Phật và chư vị Bồ tát, đọc đi đọc lại nhiều lần các câu chú hay thực hiện một nghi lễ đơn giản nào đó. Có rất nhiều sách viết về nghi thức tế lễ và những lời cầu nguyện bằng tiếng Tây Tạng. Sau đây, trong phụ lục A, tôi sẽ trình bày một nghi lễ rất ngắn về cõi Tịnh độ Cực lạc. Ngoài ra, thiền Phowa (di chuyển tâm thức) do một vị đạo sư đã thành tựu thực hiện cũng là một cách làm đặc biệt hữu ích, trong lúc một người đang lâm chung và cả sau khi người đó chết. Một bài ngắn về Phowa cùng với lời giải thích sẽ được trình bày trong phụ lục B.
Hồi hướng và những lời cầu tâm nguyện
Sau khi làm bất cứ một hành động thiện lành nào như cầu nguyện chẳng hạn, điều quan trọng là phải hồi hướng công đức và phát khởi tâm nguyện. Việc hồi hướng công đức nhân lên gấp bội sức mạnh của công đức. Phạm vi hồi hướng càng lớn thì sức mạnh càng lớn. Do đó, bạn hãy hồi hướng công đức, không phải chỉ cho những người chết mà cho tất cả chúng sinh để giúp cho họ được hạnh phúc và giác ngộ. Rồi công đức lớn lao sẽ đến với họ.
Kế đến là những phát khởi tâm nguyện. Đây là cách để đầu tư công đức vào một mục đích nhất định nào đó và làm cho những công đức đó được nhân lên. Sử dụng những công đức đã được hồi hướng để làm hạt giống, bạn hãy ước nguyện rằng mọi chúng sinh đều sẽ hưởng được trái lành của hạnh phúc và tái sinh vào cõi tịnh độ. Chúng sinh trong trung ấm, nói riêng, cần chúng ta hồi hướng công đức và ước nguyện cho họ. Nếu chúng ta liên tục hồi hướng bất kỳ công đức nào mà chúng ta và người đã chết đã tích lũy được – dù ít ỏi – cho người đó và cho mọi chúng sinh để cầu cho họ được tái sinh vào một cõi tịnh độ, chúng ta có thể chắc chắn rằng những công đức đó sẽ mang lại kết quả.
Bạn cũng có thể tụng niệm và thiền định về nhiều lời cầu nguyện hồi hướng và ước nguyện, chẳng hạn như Bhadracharya-pranidhanajara Sutra (Kinh Phổ Hiền Bồ tát Hạnh nguyện Tán Vương). Bản văn Đại thừa này, vốn là một phần của Buddhavatamsaka Sutra (Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm) dạy chúng ta cách hồi hướng công đức và ước nguyện như Đức Phổ Hiền đã làm. Người sắp chết có thể được cho thọ hưởng thêm những chất đã được ban phước, chẳng hạn như cam lộ (Tây Tạng: dudtsi, bDud rTsi) và những phần còn thừa của những đồ cúng linh thiêng đã được ban phước, hoặc những thứ này có thể được đặt trên mình người đó. Những Phật tử theo truyền thống Nyingma rất coi trọng việc việc đặt những lá bùa có viết những chữ linh thiêng bằng tiếng Ấn Độ hay tiếng Tây Tạng cổ, gọi là “Giải thoát bằng tiếp xúc” (Tây Tạng: tag trol, bTags Grol), và những âm tiết linh thiêng khác trên ngực hay những chỗ khác trên thân người sắp chết.
NHỮNG NGHI LỄ TÔN GIÁO VÀO THỜI ĐIỂM CHẾT
Vào thời điểm chết, bất kỳ một nghi lễ tôn giáo nào – cầu nguyện, thiền định vốn đem lại một không khí an bình, yêu thương, đầy ơn phước – đều rất có lợi. Sau đây là một vài nghi lễ quan trọng mà các lạt-ma Tây Tạng thường thực hiện.
Những lời hướng dẫn cho người bình thường
Thời gian tốt nhất để chúng ta tiếp nhận những lời hướng dẫn, những lời khuyên và giáo lý là trong lúc chúng ta còn sống để chúng ta có thể nghe và hiểu những gì người hướng dẫn nói. Người hướng dẫn ban những giáo lý mà tâm trí chúng ta có thể tiếp thu và thấu hiểu được. Nếu một người đang lâm chung cố cưỡng chống lại cái chết đang đến với mình, thì thời điểm này không nên đưa ra những lời hướng dẫn. Thay vào đó, tốt hơn là nên nói chuyện về giáo lý chung chung hoặc những lời dạy về trị liệu. Làm thế này sẽ không làm cho người sắp chết sợ hãi và sẽ mang lại cho người đó một chút an bình và tỉnh giác.
Nếu người sắp chết sẵn sàng nghe nói về cái chết của chính mình thì chúng ta nên nhắc nhở họ về những việc thiền định của họ và những nguồn ơn phước. Những người hướng dẫn nên cho họ biết chuyện gì sẽ xảy ra trong quá trình chết, bản chất tối hậu, thân trung ấm và phải nên vận dụng những trải nghiệm này như thế nào.
Dodrupchen Rinpoche đã tóm lược những điều quan trọng mà người sắp chết phải tập trung vào ở thời điểm chết:
Bạn hãy luôn nghĩ đến những điều sau đây. Hãy nghĩ rằng cái chết bây giờ đã đến với bạn cũng xảy đến cho tất cả mọi người. Bạn hãy buông bỏ tất cả những sự lưu luyến của bạn với những người thân yêu, của cải và quyền lực. Trước mặt các Đấng Giác Ngộ, bạn hãy thú nhận và thanh tẩy tất cả những hành vi bất thiện mà bạn đã làm trong đời này và trong các đời quá khứ – cả những việc có người biết đến và những việc không ai biết đến. Hãy tự hứa với mình và với các Đấng Giác Ngộ rằng bạn sẽ không bao gờ làm các việc bất thiện như vậy nữa. Do đó bạn hãy làm cho tâm mình phấn chấn với cảm giác hỷ lạc, không còn lo lắng gì nữa. Hãy nhớ lại tất cả những hành vi thiện lành bạn đã làm trong quá khứ và hãy luôn hoan hỉ với những hành vi đó mà không kiêu căng hay tự cao tự đại.
Và Ngài nói thêm:
Bạn hãy luôn hồi hướng công đức và khấn nguyện, suy nghĩ và nói rằng: “Trong suốt các đời sau này của tôi, tôi cầu mong được thực hành tinh túy của con đường giác ngộ. Tôi cầu mong được các vị thầy đức hạnh hướng dẫn. Tôi cầu được ban cho niềm tin, sự tinh tấn, trí tuệ và sự tỉnh giác. Cầu mong cho tôi không bao giờ bị bạn bè xấu ảnh hưởng và những cảm xúc gây phiền não”.
Có những tư tưởng thiện lành vào giờ phút lâm chung là điều rất quan trọng. Dodrupchen nói:
Trong kinh, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni kể nhiều câu chuyện để minh họa tại sao có người trở thành đệ tử của Ngài hoặc tại sao có người đặc biệt trở thành một trong những đệ tử tài năng của Ngài. Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân chính mà Ngài đưa ra là những người đó đã lập thệ nguyện thiện lành khi họ sắp qua đời. Vì vậy, những điều bạn ước nguyện lúc lâm chung sẽ có một ảnh hưởng rất lớn đến việc tái sinh của bạn.
Như đã nói ở trên đây, những nghi lễ thiền định gọi là Phowa có thể được thực hiện trước và sau khi một người qua đời (xin đọc trang 488).
Cũng sẽ rất có lợi cho bạn nếu lúc lâm chung bạn có thể nghĩ đến những vị thầy tâm linh mà bạn tin tưởng, những lời dạy của họ, chư thiên và những trải nghiệm tâm linh mà bạn đã quen thuộc. Ngoài ra, với lòng từ bi, bạn hãy phát khởi tâm nguyện đưa tất cả chúng sinh đến Phật quả.
Những lời hướng dẫn và những nghi lễ cúng người chết dành cho những thiền giả đã thành tựu
Nếu người đang lâm chung là một thiền giả đã thành tựu cao thì một thiền giả có kinh nghiệm hoặc một người bạn nên dâng “lời giới thiệu” (Tây Tạng: ngo trod, Ngo sProd). Trong “lời giới thiệu”, bạn nhắc vị sư sắp qua đời nhớ lại và nhận ra việc thiền định hay là sự thể chứng của vị ấy và an trụ trong đó. Nếu không có một người trợ giúp đã thành tựu, việc tốt nhất có thể là để cho vị thiền giả qua đời một cách lặng lẽ, không bị quấy rối gì cả. Các môn đệ và bạn bè của vị sư nên lặng lẽ thiền định và cầu nguyện ở một khoảng cách xa thi thể của vị đó. Điều quan trọng là phải gắng giữ bầu không khí tâm linh và an bình chung quanh vị sư đang lâm chung, trong nhiều giờ hoặc thậm chí trong nhiều ngày.
Một số vị sư vẫn ở trong trạng thái nhập thiền nhiều giờ hoặc đôi khi nhiều ngày sau khi đã ngưng thở. Sẽ không có chuyển động gì của hơi thở và mạch tim, nhưng vẫn còn một chút hơi ấm ở ngay vùng tim. Đây là một dấu hiệu cho thấy tâm thức của vị sư chưa rời khỏi thân xác mình và đang trong thiền định. Nếu vậy thì tốt nhất là không nên làm gì động đến thân các Ngài và nên duy trì một bầu không khí an bình chung quanh Ngài. Nhưng nếu bạn cần phải di chuyển thi thể thì phải có người dâng “lời giới thiệu” hay tối thiểu là cử hành một lễ nghi tôn giáo. Làm như vậy sẽ đánh thức vị sư ra khỏi trạng thái thiền định một cách tự nhiên. Nếu không có người nào có thể cử hành một nghi lễ chính thức thì hãy rung một cái chuông lễ hay cử nhạc tôn giáo hoặc tụng kinh. Việc này sẽ đánh thức vị đạo sư ra khỏi trạng thái nhập thiền. Rồi bạn có thể chăm sóc thân xác của vị ấy theo khả năng của mình. Một số người có khả năng đưa thân xác vị sư vào bảo tháp với nghi lễ kỹ lưỡng, công phu trong khi một số khác chỉ có thể sắp xếp được nghi lễ đơn giản. Đối với một vị sư, việc tổ chức đơn giản hay kỹ lưỡng không có gì quan trọng, nhưng những người có được điều kiện thuận lợi thì nên quan tâm đến việc tổ chức đưa vị ấy vào bảo tháp một cách chu đáo.
Tuy nhiên, Tsele có viết rằng: “Theo một số học giả và những người thông thạo, mặc dù người ta vẫn thường tin rằng tất cả những người còn lưu lại lâu hơn trong thân xác mình sau khi chết đều đang ở trong trạng thái nhập thiền. Điều này không phải khi nào cũng đúng. Có một một số người không chịu rời bỏ thân xác của mình chỉ vì đang bám luyến mà thôi”.
Theo truyền thống, môn đồ của vị sư có thể thực hiện “thiền định tưởng niệm đạo sư” (Phạn: guru yoga) và tiếp nhận bốn bậc quán đảnh (như đã miêu tả cho thiền định Kim Cang Tát đỏa ở trên). Hoặc là họ có thể tập trung vào “những nghi lễ tôn kính đạo sư” (Phạn: guru puja) và tiếp nhận tự quán đảnh. Họ cũng có thể thực hiện những nghi lễ tịnh hóa và tạo công đức cho vị đạo sư. Cho dù việc tịnh hóa và tạo công đức là không cần thiết đối với một vị sư đã thành tựu cao, nhưng việc này sẽ mang lại lợi lạc cho những người mà vị sư ấy có thể có mắc nợ về nghiệp. Quan trọng nhất là các môn đồ nên thiền định về việc hợp nhất tâm của họ với tâm giác ngộ của đạo sư và quán chiếu nó trong thể nhất như. Nếu như không thể cử hành nghi lễ chính thức thì tụng đọc những lời cầu nguyện và thực hiện những thiền định mà bạn đã quen thuộc cũng sẽ mang lại rất nhiều lợi lạc.
Một điều quan trọng cần phải nhớ là trong khi một người bình thường cần những nghi lễ dành cho người chết, các vị sư không cần và có thể không muốn những nghi lễ đó. Đó là lý do tại sao nhiều vị sư thậm chí ước muốn “chết như một con chó”, như cách họ nói. Giống như một con chó hoang có thể chết bên vệ đường không một ai thèm để ý đến, vì vậy những vị sư này hy vọng rằng không ai chú ý đến cái chết của họ để cho họ được tự do đi khỏi cuộc đời này theo cách họ thích.
NHỮNG NGHI LỄ TÔN GIÁO DÀNH CHO NGƯỜI MỚI CHẾT
Nghi lễ Mười Ba Bước dành cho người chết là một nghi lễ mà chúng tôi thường thực hiện lúc tôi mới trưởng thành ở miền Đông Tây Tạng. Nghi lễ này dành cho người đã chết do các thiền giả đã được rèn luyện hoặc các sư sĩ cử hành. Nghi lễ này cũng có thể được thực hiện cho một người sắp chết. Nó có nhiều tên gọi khác nhau trong tiếng Tây Tạng. Nó được gọi là “lễ tử thi” (ro chog, Ro ch’og), vì nó được các lạt-ma cử hành trước thi thể người chết. Nó cũng được gọi là “lễ hình nộm” (chang chog, Byang ch’og) vì buổi lễ được cử hành với một hình nộm thay vì thi thể. Một số người gọi nó là “giải thoát khỏi các cõi” (ne dren, gNas ‘dren) bởi vì trong nghi lễ này các vị lạt-ma tịnh hóa các chủng tử nghiệp của người chết vốn có thể khiến cho người đó tái sinh vào sáu cõi. Một cái tên khác nữa đơn giản chỉ là “tang lễ” (shin chog, gShin ch’og).
Các lễ cúng người chết của Tây Tạng đòi hỏi thực hiện một nghi lễ của một trong nhiều hình tướng của chư thiên hay chư Phật và các Mạn-đà-la hoặc các cõi tịnh độ của các Ngài. Chúng bao gồm các nghi lễ của Đức Phật Vô Lượng Quang (A Di Đà - Amithaba), Đức Phật Từ Bi (Quán Thế Âm - Avalokiteshvara), Đức Phật Tịnh Hóa (Kim Cang Tát-đỏa - Vajrasattva). 100 Chư Thiên Thanh Thản và Phẫn Nộ (Tây Tạng: zhi thro, Zhi khro), Đức Phật Thanh Tẩy của các Cõi Thấp (Biến Chiếu Tỳ Tô Giá Na - Sarvavid Vairochana), và Vị Hủy Diệt của Thần Chết (Kim Cang Bộ-la-phược - Vajrabhaivara). Tuy nhiên, nghi lễ sẽ có hiệu quả nhất nếu những người cử hành chọn một vị thần linh và một nghi thức mà họ đã quen thuộc và có mối liên hệ.
Tóm tắt nghi thức cúng người chết Mười Ba Bước
Trước tiên, trong phần sơ khởi của nghi lễ các vị lạt-ma và những người trợ giúp tụng đọc và thiền định về việc thọ quy y Tam Bảo và sau đó phát triển trạng thái thể chứng của tâm bồ-đề.
Thứ hai, họ hình dung và quán tưởng chính họ là một vị thần linh (như Đức Phật Từ Bi chẳng hạn) ở trong cõi tịnh độ của Ngài có vô lượng các vị giác ngộ. Tụng đọc lời chú của Phật – OM MANI PADME HUNG - họ thấy, nghe và cảm nhận sự hiện diện, năng lực đầy ơn phước của vị thần linh và cõi tịnh độ. Rồi họ chia sẻ những ơn phước dưới hình thức những ánh sáng và những thành tựu với toàn thể vũ trụ. Họ làm việc này bằng cách hình dung ra và nghĩ rằng ánh sáng ơn phước tràn ngập mỗi chúng sinh cũng như toàn thể vũ trụ và rằng những sự thành tựu cũng tràn đầy trong tất cả, biến mỗi người thành một chúng sinh có trí tuệ, lòng từ bi và năng lực.
Thứ ba, họ hình dung thấy trên một bàn thờ một vị thần linh và cõi tịnh độ trong chiếc bình thiêng đầy nước cam lộ. Để tạo công đức, họ cúng dường những thứ đẹp đẽ và hữu ích như hương, hoa, thực phẩm và âm nhạc (có thật hoặc tưởng tượng) và tụng đọc những lời tán dương vị thần linh với những ý nghĩ sùng kính lớn lao. Tụng đọc các lời chú, họ quán tưởng vị thần linh. Vị thần linh ban phước cho nước cam lộ trong chiếc bình bằng cách chuyển một luồng ánh sáng trí tuệ vào trong đó. Rồi Ngài hòa nhập vào trong nước cam lộ của chiếc bình và họ trở thành một.
Thứ tư, họ tiếp nhận từ vị thần linh những quán đảnh của Mạnđà-la bên ngoài, tức là chiếc bình thiêng. Nói cách khác, qua việc quán tưởng của họ về chiếc bình đầy nước cam lộ như là một cõi tịnh độ Phật với hình tướng, âm thanh và trải nghiệm thanh tịnh, tràn đầy sự hiện diện của một hội chúng chư Phật và phẩm tính Phật, tịnh bình Mạn-đà-la là một nguồn ơn phước lớn lao.
Thứ năm, với năng lực thiền định và những lời nói chân lý, họ gọi thần thức của người chết (nếu người đó đã chết) vào trong một hình nộm (hoặc là đến với thi thể nếu nó vẫn còn ở đó) và ổn định nó. Sau đó họ giảng giáo lý cho người chết về sự quan trọng của sự tập trung tâm của mình vào chư thiên và con đường tâm linh, vào chư Phật và các cõi tịnh độ, vào Giáo pháp và các Pháp sư. Họ dạy cho người chết đừng có lưu luyến những người thân yêu ở thế gian hay là của cải còn để lại, vì làm như vậy sẽ chỉ tạo ra những cảm xúc phiền não và ngăn cản những tiến bộ trên con đường tâm linh.
Thứ sáu, người ta cử hành nghi lễ “giải thoát khỏi các cõi”. Đây là một nghi lễ phức tạp tập trung vào giải thoát người chết khỏi vòng tái sinh vào sáu cõi bằng cách tịnh hóa từng cảm xúc một trong sáu cảm xúc gây phiền não. Sau đó, những người tham dự ban tặng quán đảnh hay ơn phước của thân, khẩu, ý của chư Phật.
Thứ bảy, họ cúng dường “sur”, thức ăn và thức uống được đốt cháy. Theo nhiều kinh văn, phần lớn chúng sinh trong trung ấm không thể thọ hưởng được thức ăn thể đặc, nhưng họ cảm thấy thỏa mãn với mùi của thức ăn đang cháy.
Trong kinh Ayushpatti-yathakara-paripriccha Sutra (Kinh về những việc xảy ra lúc chết), Đức Phật giải thích rằng không có lợi ích gì trong việc đem thực phẩm cho người đã chết vì không có thân thô thiển thì họ không thể thọ hưởng được thực phẩm thô thiển. Nếu, với cái tâm sầu bi và tiêu cực, bạn sắp xếp thực phẩm cho người chết trên một cái bàn, như người ta có thể làm trong một vài nền văn hóa, bạn sẽ không làm thỏa mãn được cái đói của người chết và cũng chẳng tạo được công đức gì nhiều nếu không kèm theo cảm ứng tâm linh, cầu nguyện, lòng từ bi hoặc lòng khoan dung. Tuy vậy, trong lễ cúng “sur”, người ta ban phước cho mùi thơm của thực phẩm với thiền định và hồi hướng nó cho người đã chết với nguồn cảm ứng thanh tịnh.
Trong một nơi thoáng đãng, người ta chuẩn bị một bếp than hồng lớn, không có khói của củi, dầu đốt và người ta đem đốt thức ăn đặc trong lò lửa đó rồi lấy thức uống rắc quanh ngọn lửa. Người ta cũng có thể đốt vài cái áo quần mới làm đồ cúng dường.
Trong số những thực phẩm dâng cúng trong những lễ “sur” này, ta nên tránh dùng thịt vì thịt có thể lôi cuốn những linh hồn hung dữ và có hại. Theo tôi, ta cũng không nên dùng trái cây và những loại thức ăn gì còn sống mà khi ta đốt lên chúng có thể tạo ra mùi khó chịu. Ở Tây Tạng, những phẩm vật chính được sử dụng là bột lúa mạch đã được rang chín trộn lẫn với bơ và một vài mảnh vải mới tượng trưng cho áo quần. Ở phương Tây, người ta có thể dùng bánh quy bóp vụn và một ít áo quần mới. Tuy vậy, nếu bạn không thể cúng dường thực phẩm bằng cách đốt, bạn có thể sắp xếp thực phẩm chay và thức uống trên một cái bàn trong lúc cử hành lễ và sau đó đem bỏ những thứ đó đi trong rừng hay ở một nơi sạch sẽ, vắng vẻ.
Trong những nghi lễ “sur”, với tính mãnh liệt của lòng từ bi chân thành, năng lực của thiền định và sức mạnh của các bài chú, chúng ta thanh tẩy tất cả những bất tịnh của các chất “sur”, khuếch đại những chất này thành những khối lượng khổng lồ chứa đầy trái đất, và biến đổi những chất đó thành ra những chất như ý để những người chết thọ hưởng và được lợi lạc từ đó. Như vậy, khói không chỉ hiện ra như là đồ ăn, thức uống đối với người chết mà còn mang sắc tướng những gì mà người chết cần và mong được có. Cho dù những người cử hành lễ không thể theo những thiền định một cách chi tiết, nhưng nếu họ có lòng sùng mộ đối với chư Phật, ban phước cho “sur” với những lời cầu nguyện và hồi hướng nó đến cho những người chết với tình yêu thương trong sáng thì việc cúng dường “sur” sẽ trở thành một nguồn mang lại lợi lạc và sự thỏa mãn.
Nếu chúng ta cúng dường “sur” cho mọi chúng sinh đang đau khổ với tình yêu và lòng quảng đại, việc này sẽ tạo công đức rất lớn. Nếu chúng ta hồi hướng và lập ước nguyện cho nhiều chúng sinh, người chết sẽ thọ hưởng được công đức rất lớn vì đã gây cảm hứng cho chúng ta tạo ra tất cả những ý tưởng vị tha này và những thứ cúng dường dồi dào, phong phú.
Trong bước thứ tám, thiền Phowa được thực hiện để chuyển thần thức hay tâm thức của người chết thành tâm giác ngộ của Phật để cho họ có thể tái sinh vào trong cõi tịnh độ của Phật.
Bước thứ chín là tang lễ, trong đó thi thể người chết được đem an táng. Ở Tây Tạng có hai phương cách chính yếu để cho thi thể người chết hòa nhập vào tự nhiên: hỏa thiêu và đem cho kền kền ăn thịt (một cách an táng mà người phương Tây gọi là “thiên táng” hay “điểu táng). Các lạt-ma thực hiện những lễ thiền định để ban phước cho thi thể như là một thứ cam lồ trí tuệ và cái giàn thiêu hoặc con kền kền như là một vị thần linh và cõi tịnh độ của vị ấy. Rồi họ hiến dâng cái thi thể như là dâng nước cam lộ cho các thần linh với mục đích để tịnh hóa những nghiệp tiêu cực và để hoàn thiện những công đức và trí tuệ của người đã chết. Họ cũng đốt thi thể (hay cái hình nộm) để tượng trưng cho sự thiêu cháy hết cái bản ngã hư giả, cảm xúc phiền não và những nghiệp tiêu cực với tất cả những dấu vết của chúng bằng ngọn lửa của ngũ trí, vốn là bản chất và những phẩm tính tối hậu của tâm. Hoặc họ có thể đem thi thể cho kền kền ăn như một cách cúng dường. Rồi họ sẽ đốt một miếng xương nhỏ trong những buổi lễ tiếp theo.
Thứ mười, họ thu gom tro (xương đã thiêu) và tổ chức một lễ đặc biệt để thanh tẩy xương (Tây Tạng: ru jong, Rus sbyong) trong khoảng một tuần. Trong lễ này họ cử hành nghi thức “giải thoát khỏi các cõi” như đã nói đến trước đây. Đây là một cơ hội nữa để tịnh hóa những nghiệp tiêu cực của người đã chết, sử dụng tro còn lại của người đó.
Thứ mười một, sau khi các mẩu xương được tịnh tẩy, tro được trộn lẫn với đất sét và được nặn thành những cái tháp thu nhỏ (Tây Tạng: tsatsa, Tsa-tsha) để tượng trưng rằng tâm và thân người đã chết đã được biến đổi thành những phẩm chất của Phật. Một cái tháp là một biểu tượng của tâm-trí tuệ của Phật. Một buổi lễ ban ơn phước (Tạng ngữ. tsa drub, Tsa-sgrub) được cử hành trong một tuần lễ để ban phước và cung hiến những cái tháp như là thân-trí tuệ của Phật.
Thứ mười hai, những cái tháp thu nhỏ được đặt như đồ cúng dường trong một con sông hay ngoài biển cho chúng hòa nhập vào với tự nhiên để cho không còn lại gì của người đã chết cả. Không còn để lại một cái gì thô thiển sau khi chết sẽ giúp cho người chết ra đi một cách thanh thản, không bị giữ hay níu kéo lại bởi những cảm xúc tiêu cực như là bám luyến thân nhân. Tuy vậy, những người theo đạo Phật thường lưu giữ tro cốt của một số vị đại sư dưới hình thức những kỷ vật tôn giáo để chúng trở thành những đối tượng của lòng sùng mộ, sự truyền cảm và là một nguồn ơn phước.
Cuối cùng, những người tham dự lễ hồi hướng tất cả công đức đã được tích lũy bởi người đã chết hoặc cho người đã chết và cho tất cả chúng sinh như là nhân duyên cho một giai đoạn chuyển tiếp an bình và một cuộc tái sinh đầy hỷ lạc (chẳng hạn như vào cõi Tịnh độ Cực lạc của Đức Phật Vô Lượng Quang). Sau khi đã hồi hướng tất cả công đức để làm nhân duyên, họ tụng đọc nhiều lời cầu nguyện cho việc thực hiện được những mục tiêu đặc biệt đó.
Những nghi lễ khác
Để biết về một nghi lễ cầu nguyện và thiền định đơn giản, xin mời đọc phụ lục B.
Đối với những nghi lễ dành cho người chết là những vị sư đáng kính đã thành tựu cao thì những vị lạt-ma khác và các môn đồ cử hành những nghi lễ có tính cách sùng kính trong nhiều ngày hay nhiều tuần. Những nghi lễ này bao gồm nghi thức tôn kính vị sư, thiền định sùng kính về vị sư ấy, bữa tiệc cúng dường (Phạn: ganachakra) và những nghi lễ thân xác thiêng liêng (Tây Tạng: dung chog, gDung ch’og) với việc thực hành (Phạn: sadhana) tịnh hóa, tạo công đức và lập nguyện.
Cùng với những nghi lễ này, gia đình và bạn bè có thể tài trợ những lễ tạo công đức và mang lại lợi lạc cho người chết. Những lễ này bao gồm việc tụng đọc những lời cầu nguyện, thực hành thiền định, tặng những món quà tâm linh, vật chất, bảo vệ sức khỏe và sinh mạng, tài trợ những buổi lễ và cầu nguyện, xây dựng những đền đài và nơi trú ngụ tâm linh, treo cờ và bánh xe cầu nguyện, bảo trợ những trường học và thiền định, mang lại an bình và hòa hợp cho xã hội.
Sau khi thực hiện bất kỳ một việc hữu ích nào, hãy hồi hướng công đức của việc đó như là nhân duyên để mang đến hạnh phúc và giác ngộ cho tất cả chúng sinh, đặc biệt là cho người đã chết và nguyện quyết thực hiện những điều như thế cho mọi chúng sinh. Sau đó, trải nghiệm trong trung ấm và tái sinh của người đã chết sẽ trở thành một cuộc hành trình đi từ hạnh phúc đến hạnh phúc.
Trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, một việc làm rất phổ biến là đóng góp vật chất, bất kể nhiều hay ít, cho càng nhiều tu sĩ, học viện, cơ sở từ thiện càng tốt để tạo công đức cho những người đã chết với lời thỉnh cầu các tăng ni, các cư sĩ, các tăng viện hay ni viện cầu nguyện và hồi hướng công đức cho họ. Cho dù bạn không có tiền tài và hiện vật để cúng dường, bạn có thể tưởng tượng ra những lễ cúng dường tài sản khổng lồ và cúng dường bằng tinh thần cho họ với lòng hoan hỷ và hào phóng. Việc cúng dường bằng tinh thần như vậy cũng sẽ tạo ra công đức rất lớn.
Đức Phật tin rằng dù bạn làm một việc đóng góp nhỏ cho một mục đích lớn, công đức của bạn có thể trở thành bao la như công đức của chính mục đích đó – giống như những giọt nước rơi vào đại dương sẽ không khô đi cho đến khi nào đại dương khô cạn. Tương tự như thế, nếu bạn hình thành được một kết nối về nghiệp với một bậc vĩ đại, cho dù việc cúng dường chỉ nhỏ như một tách trà nhưng ảnh hưởng và kết quả là vô tận vì sự thiêng liêng của vị mà bạn đang cúng dường.