CHƯƠNG 4. TRUNG ẤM
Giai đoạn chuyển tiếp trọng yếu
Không còn nữa thân vật chất để kiềm chế chúng ta
Những thói quen xấu của chúng ta xuất hiện như thế giới của ảo tưởng và sợ hãi.
Những thói quen tích cực của chúng ta xuất hiện như một thế giới an lạc.
Vì vậy, chúng ta phải nhớ tạo ra và duy trì những phẩm chất tâm linh.
Đối với người bình thường, trung ấm hay giai đoạn chuyển tiếp bắt đầu khi ý thức trở lại. Giai đoạn này chấm dứt vào lúc ta được thụ thai vào đời kế tiếp. Đối với những thiền giả Mật tông kinh nghiệm, giai đoạn này bắt đầu cùng với việc chấm dứt những ảo cảnh phát sáng hiện diện tự nhiên hoặc là vào lúc đó.
Trong quá trình chết, tâm chúng ta ở cùng với thân chúng ta. Giai đoạn kế tiếp hay giai đoạn bản chất tối hậu thường rất ngắn ngủi đến nỗi người bình thường hầu như không thấy được. Vì vậy, giai đoạn trung ấm, giai đoạn giữa trải nghiệm bản chất tối hậu và sự tái sinh, là một sự kiện chính yếu sau khi ta chết – thời điểm trọng yếu nhất của cuộc đời chúng ta – và là giai đoạn kéo dài nhất trong ba giai đoạn chuyển tiếp đầu tiên.
Thông thường, giai đoạn trung ấm kéo dài cho đến bảy tuần (49 ngày), nhưng nó có thể ngắn hơn nhiều, hoặc trong vài trường hợp đặc biệt thậm chí nó có thể còn dài hơn nhiều. Trong nửa đầu của giai đoạn chuyển tiếp này, chúng ta có thể cảm thấy mình có thân và những cảm xúc của đời sống trước đây của chúng ta. Trong nửa sau, chúng ta có thể cảm thấy chúng ta có thân và những trải nghiệm của đời tái sinh sắp đến.
NHỮNG TRẢI NGHIỆM CỦA TRUNG ẤM
Trong giai đoạn trung ấm, phần lớn chúng ta sẽ cảm thấy chúng ta đang đi qua những con đường hoặc những đường hầm hẹp, băng qua một sa mạc, đi qua những cây cầu trên những dòng sông hung dữ, bị những Tử thần xét xử, có thể bị những kẻ hành hình ngược đãi, và bị đưa đi đến những khu vực địa ngục, những cảnh giới cao hơn, hoặc là những cõi trời thanh tịnh. Tất cả những chuyện này là những phản ứng của những thói quen cảm xúc, tinh thần, văn hóa và vật chất của chính chúng ta mà ta đã từng nuôi dưỡng trong quá khứ.
Chúng ta có thể cảm thấy như thể là chúng ta bị dồn nén ra khỏi một đường hầm hẹp, tối tăm khi ý thức của chúng ta thoát ra khỏi thân xác đang chết. Ở cuối đường hầm, chúng ta có thể nhìn thấy một cái cửa ra vào hay là một cái cửa sổ có ánh sáng chiếu xuyên qua. Đây có thể là lỗ mở ở trên đầu hay là một trong chín lỗ mở của thân. Trừ phi chúng ta có thể xóa hết những thói quen đã đâm rễ rất sâu mà chúng ta đang nuôi dưỡng và tìm được lối ra để đi đến sự giải thoát toàn diện, nếu không chúng ta sẽ đi loanh quanh trong một chu kỳ bất tận, giống như con ong bị kẹt trong một căn phòng.
Trong trung ấm, nhiều chúng sinh cùng nhau trải nghiệm nhiều loại hệ thống thế giới tương tự nhau, bởi vì họ đang thụ hưởng những nghiệp tương tự nhau mà họ đã tạo ra trong quá khứ. Nhưng trong một vài trường hợp, điều trải nghiệm sẽ là nhận thức chủ quan của người chết, không có sự tham gia thật sự nào của những người khác, mặc dù người chết có thể cảm thấy như là nhiều chúng sinh đang chia sẻ cảm nghiệm đó với mình. Ví dụ như chúng ta sẽ đọc ở chương 5, Do Khyentse, một delog, cảm thấy rằng em gái của ông ấy và những người khác đang đi cùng ông ta viếng thăm những cõi tịnh độ, nhưng trên thực tế cô em gái ông ta vẫn còn sống và đang bận học tập ở tu viện Yarlung.
Như đã có lần đề cập đến trước đây, nếu chúng ta là những thiền giả đã tu tập viên mãn, đã đạt được giác ngộ trong cuộc sống hay là trong lúc đang trải qua giai đoạn bản chất tối hậu thì chúng ta có thể không cần phải đi qua hết giai đoạn trung ấm.
Nếu chúng ta đã tích lũy được nhiều phước đức và đã đạt được một số trải nghiệm thiền định, chúng ta sẽ đi qua hết giai đoạn trung ấm với rất ít cảm giác sợ hãi và đau khổ. Nhờ vào lực của phước đức và những chứng đạt trong thiền định, chúng ta sẽ có thể tái sinh vào một trong những cõi tịnh độ tự nhiên hiển hiện, hoặc tối thiểu là vào một trong những cảnh giới tốt đẹp của thế gian.
Nếu tâm chúng ta đầy những dấu vết nghiệp của những hành động bất thiện, chúng ta sẽ không thể nhìn thấy bản chất tối hậu và sẽ bị khiếp sợ vì những âm thanh, những ảo cảnh của ánh sáng, những tia sáng và những hình ảnh. Chúng ta thậm chí không dám nhìn những ảo cảnh và chúng ta cũng sẽ không hiểu được rằng chúng là những biểu hiện của chính thật tính của chúng ta. Thay vào đó, chúng ta sẽ phải đấu tranh với chúng như là những đối tượng của tâm dưới hình thức những lực mâu thuẫn. Những nhận thức như vậy về sự mâu thuẫn và đấu tranh có thể đưa ta đến việc tái sinh vào cõi địa ngục.
Trong giai đoạn trung ấm, ý thức của chúng ta hoàn toàn tách rời khỏi thân xác. Tâm chúng ta đã bỏ cái thân xác yêu quý lại đằng sau, như là một xác chết không có chút hơi ấm, không còn hơi thở, và không cử động. Ý thức của chúng ta sẽ trôi đi loanh quanh mà không có thân thô lậu để neo nó lại. Chúng ta sẽ có thể nhìn thấy mà không cần phải có ánh sáng mặt trời hay mặt trăng. Chúng ta sẽ nhận lấy một cái thân tinh thần, hầu như được tưởng tượng ra tùy theo những thói quen trong quá khứ của chúng ta. Tuy vậy, một số kinh sách miêu tả nó như là một cái thân tinh tế bằng ánh sáng nhạt. Nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta có và vẫn đang còn sống.
Chúng ta có thể kinh qua những trải nghiệm sau đây: Không có cảm giác ổn định vì những tình cảm và những tình huống quanh chúng ta thay đổi từng giây từng phút, tùy theo những thay đổi trong suy nghĩ của chúng ta và những ảnh hưởng của nghiệp lực. Chúng ta sẽ thấy mình đang ở cùng với một người nào đó tại một nơi mà ta nghĩ đến, trừ phi là nơi đó ngoài phạm vi nghiệp của chúng ta. Nếu chúng ta nghĩ đến thành phố New York thì chúng ta sẽ ở đó ngay lập tức mà không phải mất chút thời gian hay nỗ lực nào để đi đến đó. Bởi vì thân chúng ta là thân tinh thần, không phải là thân vật chất.
Có thể đi đây đi đó được không phải là vấn đề của chúng ta; nhưng vấn đề là chúng ta không có sự ổn định. Chúng ta thật khó lòng ở lại một chỗ hoặc tập trung vào một ý nghĩ vì chúng ta luôn di chuyển, chập chờn, trôi nổi và bị đẩy đi nơi này nơi nọ. Chúng ta thường xuyên chạy, bay và di chuyển như một chiếc lông trong cơn bão, không ở đâu lâu dài cả.
Tâm chúng ta sẽ sắc bén hơn nhiều so với khi chúng ta còn sống. Chúng ta sẽ thấy và nghe từ rất nhiều người khác, giống như chúng ta, đang lang thang với cái thân trung ấm. Chúng ta sẽ thích thú có được khả năng nhìn thấy được những chuyện tương lai, biết được suy nghĩ của những người khác, nhưng năng lực lý luận và phân tích của chúng ta sẽ kém đi, bởi vì chúng ta thiếu sự tập trung tinh thần. Từng giây từng phút, tâm chúng ta có thể dao động qua nhiều sự thay đổi: hạnh phúc và khổ đau, hy vọng và sợ hãi, an bình và đau đớn. Đôi khi chúng ta cảm thấy bị nguy hiểm do lực của những thành tố, như là chúng ta bị chôn vùi dưới những căn nhà, những cái hang, hoặc là đất bị đổ ập xuống; ngã xuống và chìm vào trong nước; đang cháy trong một ngọn lửa củi hay trong những căn nhà đang cháy và đang bị thổi bay đi đây đó trong những cơn gió bão mạnh – những trải nghiệm có lẽ cũng tương tự như sự tan hòa của các thành tố trong quá trình chết, chỉ có điều ở đây mọi chuyện cụ thể hơn và trực tiếp hơn.
Nếu chúng ta thấy xác chết của chính mình, chúng ta có thể nhìn ngắm nó rõ ràng, như nó là thật vậy, và muốn che chở cho nó. Hoặc là chúng ta ghét nó và không muốn nhìn nó nữa. Chúng ta có thể không nhìn thấy hay hoàn toàn không nhận ra xác chết của chính mình. Lắm lúc, không hiểu tại sao, chúng ta có thể nhìn thấy nó dưới một hình tướng khác, chẳng hạn như thân một con chó hay một con rắn. Nhìn thấy thân mình có thể giúp chúng ta ý thức trong chốc lát rằng chúng ta đã chết, nhưng ngay sau đó chúng ta có thể không nhớ gì chuyện đó cả, bởi vì chúng ta rất khó tập trung để nhớ lại.
Đó là lý do tại sao phải mất một thời gian lâu chúng ta mới thật sự hiểu rằng chúng ta đã chết. Chúng ta có rất ít năng lực lý luận khi mang thân trung ấm. Vì vậy, giây phút này chúng ta ý thức được mình đã chết, nhưng ngay giây phút sau chúng ta sẽ quên đi và bắt đầu lại thói quen cảm thấy mình còn sống.
Có thể chúng ta luôn tìm kiếm thức ăn, nhưng chúng ta không hưởng được thức ăn nào trừ phi thức ăn đó được cúng dường bằng tâm linh cho chúng ta hoặc cúng cho chúng ta đúng tên chúng ta. Chúng ta hầu như chỉ có thể hưởng thụ được mùi của thức ăn chứ không ăn được. Đó là lý do tại sao nhiều kinh sách gọi những chúng sinh trong trung ấm là hương ấm “những kẻ ăn mùi” . (Trong truyền thống Tây Tạng, đây là lý do tại sao khói của thức ăn nóng hổi, hay là sur (gSur) được đem cúng cho người chết trong nhiều tuần lễ sau khi người đó chết).
Chúng ta có thể cảm thấy cô đơn và bất an, luôn tìm kiếm nơi trú ngụ và sự ổn định. Mệt mỏi vì bị cuốn đi loanh quanh bởi những cơn bão cảm xúc, tinh thần và nghiệp lực, chúng ta sẽ ước ao có được một thân vững chãi đến nỗi chúng ta ít quan tâm đến chuyện chúng ta sẽ sa vào tình huống tương lai nào.
Một số người liên tục trải nghiệm trở lại, cứ bảy ngày một lần, những trải nghiệm lúc chết của họ, giống hệt như họ đã từng kinh qua, nhất là nếu cái chết của họ là một cái chết bi thảm. Đó là lý do tại sao những người thân thường cúng và tụng kinh cầu nguyện cho người chết hằng tuần (bảy ngày một lần).
Chúng ta có thể đến gần bạn bè, nhưng lạ thay, không ai chú ý đến chúng ta cả. Chúng ta có thể hỏi han này nọ nhưng không ai trả lời chúng ta cả. Điều đó có thể làm chúng ta buồn, nghĩ rằng mọi người giận chúng ta và không ai quan tâm đến mình. Có thể chúng ta nhìn thấy những người khác săm soi đồ đạc cá nhân của chúng ta và lấy đi thứ gì mà họ muốn, và chúng ta có thể giận dữ kết luận rằng họ đang ăn cắp đồ của chúng ta. Vào một thời điểm như vậy, điều tệ hại nhất có thể xảy ra là chúng ta có thể vướng vào những cảm xúc tiêu cực như giận dữ. Vì thế, chúng ta nên hiểu biết về những dấu hiệu của cái chết trong lúc chúng ta đang còn sống và tự nhắc nhở mình luôn nghĩ rằng: “Vào lúc chết ta sẽ không vướng vào những cảm xúc tiêu cực”.
TÒA PHÁN XÉT VÀ BẢN ÁN
Sau một thời gian, nhiều người sẽ nhìn thấy các Tử thần (shinje; gShin rJe) đến để rước họ đi. Các vị này là phái viên của Pháp Vương các Tử thần (shinje chokyi gyalpo; gShin rJe ch’os Kyi rGal Po), vốn là thẩm quyền cao nhất và cuối cùng của Tòa Phán Xét người chết. Những Tử thần xuất hiện dưới nhiều hình tướng khác nhau và có nhiều nhiệm vụ khác nhau. Bạn có thể nhìn thấy họ đến triệu tập bạn đến tòa án, giám sát việc đưa ra những phán xét của bạn và thi hành những sắc lệnh của Pháp Vương.
Vào thời điểm này, chúng ta sẽ rời khỏi nơi ở cũ của chúng ta và đi xa trong một cuộc hành trình đầy căng thẳng. Chúng ta sẽ có thể đi bộ vất vả qua những đường đèo rất cao và những lối đi hẹp. Rồi tiếp theo là cảm giác băng qua một sa mạc mênh mông, nóng bỏng. Tiếp đến, chúng ta sẽ đi qua một cây cầu dài nguy hiểm bên trên một dòng sông hung dữ. Cuối cùng, chúng ta đến tòa án của Pháp Vương các Tử thần. Tất cả những “chuyến đi” này là kết quả của những ảnh hưởng văn hóa, cảm xúc và tinh thần vốn đã được ghi khắc vào trong dòng tâm thức của chúng ta. Bây giờ chúng được biểu lộ dưới hình thức những hình ảnh và âm thanh ở bên ngoài, những tình cảm và sự sợ hãi, những trải nghiệm về luật pháp và trật tự, thưởng và phạt.
Những trải nghiệm về việc bị xét xử bởi những vị thông thái và quyền uy, bị truy tố bởi những đối thủ và được bênh vực bởi những người ủng hộ là những biểu lộ của những thói quen chúng ta nuôi dưỡng khi chúng ta còn sống. Đây là lý do tại sao chúng ta có thể phát triển được nhận thức thanh tịnh nhìn thấy tất cả như là chư Phật, tất cả đều là những biểu hiện của Phật tính đối với chúng ta, bởi vì trong thực tướng của mọi sự, tất cả đều là chư Phật trên thực tế.
Đối với những người sùng đạo, một vị Thần Bảo Vệ cho người chết cũng sẽ xuất hiện để đi cùng những người chết qua hết cuộc hành trình của họ. Những vị Thần Bảo Vệ là những vị đã giác ngộ, thường mang hình tướng một vị thần nam hay một vị thần nữ hoặc là một vị đại sư tâm linh.
Tòa án của Pháp Vương là nơi mà việc chúng ta sẽ tái sinh ở cõi nào sẽ được định đoạt sau khi những bản ghi chép hành vi tích cực hoặc tiêu cực của chúng ta trong quá khứ được xét đoán. Chúng ta sẽ bị những người bào chữa thẩm vấn và họ sẽ biện hộ cho chúng ta bằng cách trình bày bằng chứng về những hành vi tích cực của chúng ta. Những người buộc tội chúng ta chống lại chúng ta bằng cách trưng ra bằng chứng về những hành vi tiêu cực. Để có được những bản ghi chép về những hành vi của chúng ta, họ kiểm tra một tấm kính trong đó những hành vi của chúng ta sẽ hiện ra; những cuốn sổ trong đó hành vi của chúng ta được ghi chép lại; và những viên đá sỏi dùng để cân những hành vi của chúng ta trên bàn cân. Cũng như những chuyện khác đã nói đến trên đây, những chuyện này chỉ là những phản ánh của những thói quen của chúng ta liên quan đến việc xét xử, bào chữa, buộc tội đã tồn tại lâu dài trong dòng tâm thức của chúng ta.
Tòa án của các Tử thần không phải là nơi để chúng ta tỏ ra khôn lanh hay cầu xin ân huệ, bởi vì đây không phải là một tòa án của những nhà chuyên môn về luật pháp mà là sự biểu hiện thực tế của chính con người chúng ta.
Trong những chuyện kể của các delog được thâu thập lại trong chương kế tiếp, chúng ta đọc sẽ thấy rằng những người chết đi đến nhiều cảnh giới địa ngục và cảnh giới hạnh phúc khác nhau. Nhưng những delog này không phải là người bình thường; họ có sứ mạng đi thu thập thông tin để cung cấp và phục vụ cho người khác. Ngược lại, những người bình thường như chúng ta không cần phải đi loanh quanh qua nhiều cảnh giới, bởi vì những Tử thần sẽ đưa ta đi thẳng đến cảnh giới nào mà những thói quen nghiệp quả của chúng ta đã ấn định cho chúng ta phải đến.
NHỮNG DẤU HIỆU BÁO TRƯỚC
ĐỜI TÁI SINH ĐANG CHỜ ĐỢI CHÚNG TA
Ở những giai đoạn sau của trung ấm, chúng ta sẽ bắt đầu nhìn thấy những ánh sáng nhiều màu khác nhau. Những ánh sáng này tượng trưng cho năng lượng của nghiệp, cảm xúc của chúng ta và cho biết cảnh giới tái sinh nào đang chờ đợi chúng ta. Nếu chúng ta đã làm việc thiện lành, chúng ta sẽ nhìn thấy thứ ánh sáng màu trắng, nhưng nếu cảm xúc chiếm ưu thế trong chúng ta là kiêu ngạo hoặc tham ái, nó sẽ đẩy ta đi tái sinh vào cõi trời hay cõi người. Nếu cảm xúc ưu thế trong ta là ganh ghét hoặc si muội, chúng ta sẽ nhìn thấy ánh sáng màu vàng nhạt sẽ khiến ta tái sinh vào trong cảnh giới a-tu-la hoặc là cảnh giới súc vật. Tuy nhiên, một số người có thể nhìn thấy ánh sáng màu máu khi sắp tái sinh vào cõi thú vật và màu bão tuyết hay mưa bão khi chúng ta sắp tái sinh vào cõi a-tu-la. Nếu chúng ta đã làm những hành vi bất thiện và cảm xúc chiếm ưu thế trong chúng ta là keo kiệt hoặc tham lam, chúng ta sẽ nhìn thấy ánh sáng màu khói. Và như vậy chúng ta sẽ buộc phải đi hướng về cảnh giới ngạ quỷ. Cuối cùng, ánh sáng sẽ trông giống như một khúc gỗ hay như một mảng len màu đen trôi bồng bềnh nếu cảm xúc ưu thế là thù hận và chúng ta sẽ đi về cõi địa ngục.
Tuy nhiên, nhiều kinh sách khác nhau miêu tả nhiều loại ánh sáng khác nhau như là những dấu hiệu cho thấy chúng ta sẽ tái sinh vào cảnh giới nào. Tsele viết rằng không nhất thiết ánh sáng của cõi nào thì phải có màu sắc nào.
Cảnh giới chúng ta tái sinh vào cũng có thể hiện ra dưới những hình ảnh mang tính biểu tượng. Nếu sẽ tái sinh vào cảnh giới của chư thiên, chúng ta có thể cảm thấy mình ở trên cái nền cao của một ngôi nhà lớn. Nếu đang bị đẩy về cảnh giới a-tu-la, chúng ta có thể cảm thấy mình đang ở trong một cái bánh xe bằng lửa. Khi đi về phía cảnh giới người, chúng ta có thể thấy mình đang ở giữa nhiều người. Hoặc thay vào đó chúng ta có thể cảm thấy mình đang tiến gần đến một cái hồ với những con thiên nga, những con ngựa, hoặc những con bò, hoặc đang đi vào một căn nhà, một thành phố hay một đám đông người. Nếu đang hướng về cảnh giới súc vật, chúng ta có thể cảm thấy mình đang ở trong một cái hang hay môt cái lều trống. Nếu sẽ đi vào cảnh giới ngạ quỷ, chúng ta có thể cảm thấy mình đang ở trong một cái hang khô. Những người đi đến cảnh giới địa ngục có thể đến đó tức khắc nếu họ đã phạm những tội lỗi nghiêm trọng, vì vậy họ có thể không thấy hình ảnh gì cả trong trung ấm.
Khi đến thời điểm được thụ thai, chẳng hạn như vào cõi người, chúng ta sẽ nhìn thấy cha mẹ chúng ta đang làm tình. Nếu sẽ sinh ra làm người nam, chúng ta có thể ghen với người cha tương lai của chúng ta và thèm muốn mẹ chúng ta. Nếu sẽ sinh ra làm người nữ, chúng ta sẽ thèm muốn cha chúng ta và ghen với mẹ chúng ta. Cảm xúc đó, trên thực tế sẽ trở thành điểm khởi sự cho chúng ta được chấp nhận vào trong tử cung của sự thụ thai. Sinh bằng tử cung (thai sinh) là một trong bốn cách sinh ra. Những cách sinh khác là sinh bằng trứng (noãn sinh), sinh bằng nước ẩm đọng lại (thấp sinh) và sinh kỳ diệu hoặc tức khắc (hóa sinh).
Nếu chúng ta là những tín đồ của tông Tịnh độ và có thể hướng tâm của mình vào Đức Phật Vô Lượng Quang (Đức Phật A Di Đà) và nơi ở của Ngài, chúng ta có thể bay vút đến cõi tịnh độ như một con chim đại bàng bay qua bầu trời ngay khi chúng ta ra khỏi thân xác. Vào phút giây đó, chúng ta có thể nhìn thấy hoặc nghe những người thân yêu hay kẻ thù của chúng ta kêu chúng ta quay trở lại. Đó thật sự không phải là những người thân yêu mà là những cảm xúc của chính chúng ta đánh lừa bản thân và là những chướng ngại. Vì vậy, chúng ta phải tập trung hoàn toàn vào cõi tịnh độ. Chagme Rinpoche có nói:
Khi bạn đang trên đường từ nơi này đi đến cõi tịnh độ,
Bạn có thể nghe cha mẹ, những người thân hoặc bạn bè của bạn nói:
“Tôi đây này. Đừng bỏ tôi. Hãy lại đây”.
Họ có thể gọi tên bạn, khóc lóc và kêu than,
Nhưng họ là những lực tiêu cực đang cản trở sự giải thoát của bạn.
Đừng nhìn lại hoặc trả lời gì cả.
Ngoại trừ Đức Phật Vô Lượng Quang,
Đừng ngắm nhìn ai cả –
Chỉ có sự an bình và hỷ lạc của cõi Tịnh độ Cực lạc.
Đừng bám luyến vào bất cứ điều gì.
Rồi chắc chắn bạn sẽ đến cõi Tịnh độ Cực lạc.
Chương 7 sẽ có những miêu tả về Đức Phật Vô Lượng Quang và cõi Tịnh độ Cực lạc của Ngài, dựa trên các kinh, những lời dạy của Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni.
CHÚNG TA NÊN LÀM GÌ TRONG GIAI ĐOẠN TRUNG ẤM?
Chúng ta nên ứng phó như thế nào đối với giai đoạn trung ấm? Trước tiên, điều rất quan trọng là phải kiểm chứng xem chúng ta thực sự đã chết hay chưa, vì vậy chúng ta phải thấy một số dấu hiệu nào đó:
Hãy nhìn vào tấm kính hoặc mặt nước. Nếu bạn không có hình phản chiếu thì bạn chết rồi.
Hãy đi trên cát hoặc trong tuyết. Nếu không có dấu chân để lại thì bạn chết rồi.
Đi ra ngoài nắng hoặc đi trong ánh sáng. Nếu bạn không thấy có bóng bên cạnh mình, vậy là bạn chết rồi.
Nếu người ta không đáp lại bạn, hoặc nếu thậm chí người ta không nhìn bạn, hoặc nếu người ta không dọn thức ăn mời bạn thì không phải lỗi của họ hoặc họ đang giận bạn đâu. Đó là bởi vì bạn chết rồi.
Sau khi nhận biết được rằng mình đã chết, cố gắng đừng buồn hay bàng hoàng, sửng sốt, bởi vì làm như vậy sẽ không giúp ích gì mà chỉ làm hại bạn thôi. Hãy cố gắng đối mặt với cái chết bằng ba cách sau đây:
1. Ý thức rằng mình đang ở vào thời điểm hệ trọng nhất của cuộc đời. Vì tương lai, bạn không thể bỏ phí một phút giây nào cả. Đây là cơ hội lớn lao nhất để tiến lên.
2. Nhớ lại và cảm thấy sung sướng với bất cứ con đường tâm linh nào mà bạn đã từng theo đuổi trong cuộc sống của mình. Đó sẽ là một nguồn an lạc và sức mạnh lớn lao đối với bạn.
3. Hãy nhớ lại một trong ba việc thực hành sau đây, tùy theo khả năng và kinh nghiệm của bạn. Rồi hãy cố gắng trụ lại với việc thực hành đó mà không xao nhãng.
(a) Khi bạn nhìn thấy hình tướng những chúng sinh nam và nữ, như được đề cập đến trong Giải thoát bằng nghe (Liberation by Hearing), bạn hãy nhận ra họ là những gia đình Phật nam và nữ và những cõi tịnh độ. Hãy nhận ra rằng họ là phản ảnh tâm phật của chính bạn. Nếu bạn cố gắng nhìn các chư vị với nhận thức tích cực, bạn sẽ thấy họ là nguồn ơn phước, vì tất cả các chư vị ấy chỉ là dấu ấn của tâm bạn ở trong giai đoạn trung ấm.
Hãy nhớ lại những tình cảm sùng mộ đối với chư Phật, với những vị thầy tâm linh và với việc thiền định của chính bạn. Nếu bạn có kinh nghiệm về thiền Mật tông, bạn hãy cố gắng ý thức được tính nhất thể của mọi sự việc xảy ra vì tất cả mọi sự việc xảy ra đều là một trong thật tính của chúng, theo con đường Mật tông. Chúng ta phải cố gắng để thấy và cảm nhận rằng mọi hình tướng, âm thanh và cảm giác an bình hoặc phẫn nộ mà chúng ta có thể gặp chỉ là cái năng lực biểu lộ của cái nhất thể. Bạn hãy nhìn thấy những ánh sáng đó như ánh sáng trí tuệ, hoặc là hãy biến chúng thành ánh sáng của trí tuệ qua những kỹ thuật thiền định đã quen thuộc với bạn. Đừng bám chấp vào chúng hoặc chống lại chúng với thái độ chủ thể đối kháng với khách thể. Thay vào đó, bạn hãy cởi mở với chúng và hãy đồng nhất với chúng. Hãy buông xả trong trạng thái nhất thể đó. Hãy liên tục an trụ trong cái nhất thể đó.
(b) Nếu bạn không phải là một thiền giả đã giác ngộ hoặc có kinh nghiệm nhưng là một người đi theo con đường tâm linh thì trước tiên bạn nên tĩnh tâm và kiên định. Rồi bạn hãy cố nhớ lại nguồn hỗ trợ tâm linh của bạn, có thể đó là một đấng linh thiêng, một vị đại sư, hoặc là một trải nghiệm tích cực đang hiện diện với bạn và ở trong bạn. Hãy cố gắng liên tục tập trung trí tuệ vào đó, thay vì bị xao nhãng nơi này nơi khác. Hãy cố gắng thương yêu người khác thay vì đấu tranh với họ. Hãy cố gắng nhìn mọi sự như là những biểu hiện linh thiêng thay vì sợ hãi và đau khổ. Hãy cố gắng tụng kinh, niệm chú và nghe tất cả âm thanh như là những lời thành kính và bi mẫn thay vì là những lời than vãn. Chúng ta phải cố gắng trụ lại trong một bầu không khí tâm linh như vậy trong suốt cuộc hành trình chuyển tiếp của chúng ta. Những ký ức tích cực, những lời cầu nguyện thành tâm, và lòng rộng mở đầy tình thương sẽ trở thành một nguồn che chở mạnh mẽ, sự trải nghiệm êm dịu, và ánh sáng trí tuệ khiến cho cuộc hành trình qua giai đoạn chuyển tiếp của chúng ta trở thành một chuyến đi vui vẻ.
Những người tu hành có kinh nghiệm có thể thực hiện việc trợ viện người khác. Nhờ vào năng lực của những lời cầu nguyện, tạo phước đức, sự sùng kính hoặc thiền định, họ có thể đưa tâm chúng ta đến một hình ảnh (hoặc một đối tượng) và an định nó. Rồi họ có thể dạy giáo lý cho chúng ta, cầu xin ơn phước từ bi của chư thiên, và ban cho ta những năng lực để dẫn dắt tâm chúng ta đến Phật địa hoặc tối thiểu thì cũng đến một cõi tái sinh tốt. Nếu chúng ta có một số thiện nghiệp như là nguyên nhân, những sự trợ giúp về thiền định này sẽ như là những điều kiện hiệu quả, và sự giúp đỡ sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Sự giúp đỡ như vậy có thể trở thành một bước ngoặt thật sự đối với chúng ta trên cuộc hành trình qua giai đoạn chuyển tiếp.
Những ký ức và những trải nghiệm tích cực gì mà chúng ta có thể tập hợp được đều sẽ tạo ra và tăng cường sức mạnh của an bình, hỷ lạc, tận tụy, tình thương, nhận thức trong sáng và trí tuệ. Sức mạnh đó sẽ đưa chúng ta đến giác ngộ hoặc là một sự tái sinh tốt đẹp hơn, cũng như sức mạnh của những cảm xúc tiêu cực khiến chúng ta sinh vào cõi địa ngục. Một sức mạnh tích cực như vậy có thể đổi hướng chúng ta khỏi con đường tái sinh vào những cảnh giới địa ngục, cho dù chúng ta đã được định đoạt là sẽ sinh vào những nơi đó. Bất cứ những trải nghiệm hay sức mạnh tâm linh gì mà chúng ta đã đạt được trong cuộc đời của chúng ta chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả đúng lúc. Tuy vậy, chúng ta nên thận trọng khi kích hoạt sức mạnh của những nghiệp thay vì tạo cho những nghiệp tiêu cực sẽ chi phối cuộc đời của chúng ta. Longchen Rabjam khuyên:
Mặc dù những sự khởi sinh [của bản chất tối hậu] đã xuất hiện theo cách như thế, nếu bạn không thể nhận ra chúng,
Thân trung ấm của giai đoạn chuyển tiếp, giống như một giấc mơ, sẽ xuất hiện.
Sau đó, bằng cách nhớ lại những cõi tịnh độ của Phật và tìm sự nương tựa nơi các vị thầy tâm linh và chư thiên bảo hộ.
Bạn có thể tái sinh vào những cõi tịnh độ và đạt giải thoát.
Nhiều người, thay vì được như vậy, có thể tái sinh làm người với bảy bậc phẩm tính,
Và sẽ đạt được giải thoát trong đời kế tiếp.
(c) Bạn có thể trải qua hết những ảo giác hão huyền của giai đoạn trung ấm mà không cần sẵn có nhiều trải nghiệm tâm linh và thiền định. Nếu như vậy, bạn phải cố gắng nhớ đừng nổi giận, bực tức hay sợ hãi, nhìn tất cả những hiện tướng là như huyễn, giống như một giấc mơ. Không có ai dàn dựng một cảnh phô bày những sự sắp đặt chuyển tiếp này vì bạn, chúng chỉ là những ảo cảnh do chính bạn và những thói quen tinh thần trong quá khứ của bạn, được nuôi dưỡng bởi những cảm xúc phiền não. Bạn hãy cố gắng giữ cho tâm mình rộng mở, tích cực, ổn định và an bình thay vì chọn một nhận thức bám chấp hoặc tiêu cực với những cảm xúc tham, sân, si. Bạn hãy cố gắng cảm thương những người khác cũng đang bị vùi dập trong chuyến hành trình chuyển tiếp đầy sợ hãi này. Nếu bạn có thể tạo ra và duy trì một tâm thái tích cực như vậy, được tịnh hóa bởi những năng lượng của sự tận tụy và lòng từ bi, tâm của bạn sẽ được an bình vô cùng, giống như bầu trời trong vắt không có mây. Không có những đám mây đen của những nghiệp lực tiêu cực đến để mang theo bóng tối của si muội và khổ đau. Sự an lạc như ánh mặt trời và ánh trăng sẽ lan khắp trong suốt cuộc trải nghiệm của bạn về bất cứ hiện tượng gì khởi sinh, đảm bảo cho bạn một cuộc hành trình tràn đầy hạnh phúc.
Ngoài ba việc thực hành trên đây, bạn cũng có thể nhớ phải làm sao để “xoay ngược lại” quá trình tái sinh vào những cảnh giới thấp hơn, nếu chúng ta đối diện với những cảnh giới đó. Nếu bạn nhìn thấy những dấu hiệu của một đời tái sinh thấp kém – những ánh sáng hoặc những dấu hiệu màu nhạt, hoặc là nơi sinh hay bố mẹ tương lai của bạn – điều quan trọng nhất là bạn đừng rơi vào những tư tưởng và cảm xúc tiêu cực như là chấp trước, tham ái, bám luyến, hận thù, ghen ghét, sợ hãi hoặc là si muội. Bạn hãy cố gắng nhìn chúng với một cái tâm linh diệu, tâm an bình, nhất như và thoáng đạt. Hãy nhìn chúng với tâm thanh thản bằng cách ý thức rằng chúng chỉ là những sản phẩm của chính cái tâm của chúng ta mà thôi. Hoặc là bạn có thể nhìn chúng như là chư thiên nam và nữ và những cõi tịnh độ của các Ngài. Hãy cầu nguyện đến các chư thiên và những vị thầy tâm linh để có được ơn phước và sự dẫn dắt của chư vị ấy.
CUỘC HÀNH TRÌNH TƯƠNG LAI CỦA CHÚNG TA
Trong cuộc đời, tâm ta tương đối ổn định vì nó được neo buộc lại trong cái cấu trúc vật lý thô thiển và trần tục này. Điều này làm cho chúng ta dễ dàng có được những quan điểm và những thói quen tâm linh nhờ vào thiền định. Nhưng nó cũng làm cho chúng ta khó thực hiện được những thay đổi hay cải tiến lớn lao bởi vì tâm chúng ta bị giam giữ và bị lập trình trong cái thân trần tục thô ráp này.
Tuy nhiên, trong chuyến hành trình chuyển tiếp của thân trung ấm, tâm nhanh chóng thay đổi mà không hề bị sự hạn chế nào về mặt vật lý. Do đó, chúng ta dễ thay đổi hay cải thiện cuộc hành trình tương lai của chúng ta. Nhưng vì không có sự neo buộc của một cái thân vật lý nên cũng thật khó khăn cho chúng ta để tìm được một con đường đi và tập trung vào con đường đó. Cái tâm không có thân của chúng ta tiếp tục sống với những thói quen quá khứ và không ngừng trôi nhanh với tốc độ cao hướng đến số phận tương lai của nó.
May mắn thay, ngày hôm nay chúng ta còn sống và có thân trần tục liền lạc để bám víu vào, để chúng ta có thể chuẩn bị cho giai đoạn trung ấm và cho đời sống kế tiếp. Nếu chúng ta có thể hưởng được an lạc, sức mạnh và trí tuệ khi chúng ta còn sống thì khi giờ phút cái chết đến với chúng ta, chúng ta sẽ có thể thật sự chào đón nó và nghĩ rằng: “Mình hạnh phúc quá, vì mình đã chuẩn bị mọi chuyện cho cái giây phút này. Mình đã không bỏ phí bất cứ một cơ hội quý báu nào cả”.
Trong giai đoạn trung ấm, tâm của chúng ta sẽ sáng suốt và mạnh mẽ hơn tâm chúng ta hôm nay. Những trải nghiệm của nó sẽ sắc bén và nhạy cảm hơn. Nếu chúng ta có được những trải nghiệm tích cực khi còn sống, chúng ta sẽ được hưởng những kết quả của chúng trong giai đoạn chuyển tiếp này một cách dễ dàng, rõ rệt và hiệu quả. Nhưng chúng ta sẽ rất khó bắt đầu một trạng thái tâm lý hay một trải nghiệm mới bởi vì chúng ta cần phải có sự kiên định để có thể nuôi dưỡng những thói quen mới.
Nếu nhận thức về an bình, hỷ lạc và sự thoáng đạt đã trở thành một phần của phẩm chất tinh thần trong khi chúng ta đang còn sống, thì trong giai đoạn trung ấm, tất cả các trạng thái tinh thần và tất cả những hiện tượng chung quanh chúng ta sẽ khởi sinh như những hiện tướng và trải nghiệm tích cực. Ngay cả năm cảm xúc phiền não của tâm chúng ta cũng sẽ xuất hiện như năm trí tuệ, và năm thành tố vật lý sẽ xuất hiện như năm ánh sáng nội tại, vốn là ánh sáng năng lượng hiện diện tự nhiên của trí tuệ.
Vô số những chúng sinh linh thiêng, trong hình tướng nam và nữ sẽ dẫn dắt chúng ta đi trên con đường của chúng ta. Cái thân tinh thần của chúng ta sẽ bay vút xa như một con chim ưng bay qua bầu trời trong xanh mênh mông vô tận với một sự đại trang nghiêm của những cúng dường kỳ diệu, âm nhạc du dương và những vũ điệu vui nhộn tràn khắp không gian. Chúng ta sẽ được chào đón đến những cõi tịnh độ hay thiên đàng đẹp đẽ và an lạc nhất. Chúng ta cũng sẽ có được năng lực dẫn dắt những người khác đến những cõi tịnh độ đó với sự hoan hỷ vô cùng. Tất cả những điều này sẽ chỉ xảy ra nếu như khi còn sống chúng ta đã có sự chuẩn bị về tâm linh.