CHƯƠNG 2: GIÂY PHÚT LÂM CHUNG
Thời điểm quyết định của cuộc đời
Cái chết đến với mọi người và đó là điều tự nhiên.
Cái chết là bước ngoặt quyết định đối với tương lai chúng ta.
Chúng ta phải đối phó với cái chết bằng sức mạnh của những trải nghiệm thiền quán.
Trong chương này, chúng ta sẽ xem xét quá trình chết và những cách đối phó với cái chết khi nó đến, bao gồm cả những hiểu biết và trải nghiệm của những delog là những người đã trải nghiệm cái chết và đã trở lại để kể cho chúng ta biết về nó.
Cùng với sự bắt đầu của một căn bệnh nan y – bệnh tật, chấn thương hay một sự kiện nào khác gây ra cái chết, chúng ta đi vào giai đoạn chết. Trong quá trình cái chết diễn ra, các thành tố tạo thành thân, giác quan và nhận thức của tâm tất cả đều sẽ tan rã. Đối với những thiền giả đã tu tập viên mãn, giai đoạn chết kết thúc cùng với sự xuất hiện của bản chất tối hậu. Đối với người bình thường, giai đoạn chết chấm dứt với sự ngừng thở và việc rơi vào trong cõi vô thức của cái chết.
Mặc dù phần đông chúng ta sẽ trải nghiệm quá trình chết tương đối giống như được miêu tả sau đây nhưng những thiền giả đã tu tập hoàn toàn viên mãn có thể không nhất thiết trải qua quá trình này. Khi chúng ta sắp chết, với năng lực thiền định, chúng ta có thể hợp nhất giác tính nội tại của chúng ta, vốn là bản chất thật sự của tâm chúng ta, với sự kết hợp của cảnh giới và trí tuệ tối hậu vốn là Phật tính của chúng ta. Nếu chúng ta có thể thực hiện và duy trì sự hợp nhất này thì chúng ta đã đạt được Phật tính. Nếu chúng ta không thể làm được như vậy thì thông qua thiền định Phowa, chúng ta có thể chuyển tâm chúng ta đến một cõi tịnh độ của chư Phật và tái sinh ở đó.
QUÁ TRÌNH LÂM CHUNG
Khi chúng ta đi vào giai đoạn chết, ý thức từ từ tách ra khỏi thân xác vật chất khi các thành tố làm nên thân xác bắt đầu tan rã. Trước tiên những năng lượng của sự sống của chúng ta trở nên xáo trộn và rồi chúng ta trải qua giai đoạn tan rã của những thành tố vật chất và những nhận thức tinh thần .
Những thành tố và năng lượng của thân xác con người
Để theo dõi được quá trình tan rã sẽ được miêu tả sau đây, chúng ta nên hiểu một vài chi tiết liên quan đến quan điểm của Phật giáo Mật tông về thân xác con người. Mỗi phần tử rất nhỏ của thân xác chúng ta đều gồm có bốn thành tố hay là một sự kết hợp của bốn thành tố: đất, nước, lửa và gió. Đất tạo nên phần rắn của cơ thể như xương và thịt. Nước bao gồm những chất lỏng như máu, bạch huyết và nước tiểu. Lửa liên quan đến hơi ấm của cơ thể và sự trao đổi chất. Gió là hơi thở và sự di chuyển của các chất và năng lượng trong cơ thể. Còn có thành tố thứ năm nữa là khoảng không, chứa đựng bốn thành tố kia. Về mặt vật lý, thành tố thứ năm này tương ứng với những chỗ lõm sâu và những lỗ của cơ thể chúng ta.
Ngoài những khía cạnh vật chất của cơ thể con người, còn có một hệ thống năng lượng tinh tế ở bên trong. Ba thành phần chính yếu của hệ thống tinh tế này là: khí, những kinh mạch và những tinh chất.
Kinh mạch (Tây Tạng: tsa, rTsa; Phạn: nadi) là mạng lưới vô số những động mạch và mạch máu vốn cấu tạo thành những đường nhỏ cho năng lượng sống lưu thông trong cơ thể. Ba kinh mạch chính là kinh mạch trung tâm, phải và trái.
Khí (Tây Tạng: lung, rLung; Phạn: prana) là những lực của năng lượng sống bao gồm sự chuyển động qua các kinh mạch. Những lực này đôi khi được gọi là khí vì những hoạt động khác nhau của chúng. Có năm loại khí chính tượng trưng cho năm hoạt động khác nhau của năng lượng đời sống: (a) khí sinh lực, tạo ra hô hấp; (b) khí tràn khắp, giúp cho những chuyển động cơ bắp của cơ thể; (c) khí chuyển động từ dưới lên, liên quan đến lời nói, giọng nói và việc nuốt; (d) khí có kèm theo lửa, cung cấp nhiệt tiêu hoá; (e) khí chuyển động từ trên xuống có liên quan đến việc tiểu tiện, đại tiện, xuất tinh dịch và kinh nguyệt.
Những tinh chất (Tây Tạng: thigle, Thig Le; Phạn: bindu) là những chất thủy dịch thiết yếu màu trắng hoặc đỏ vốn di chuyển khắp kinh mạch của cơ thể nhờ vào sức của năng lượng khí, chúng được miêu tả như là những giọt hay những khối hình cầu của năng lượng sống, sáng tạo mà chúng ta nhận được từ cha mẹ chúng ta vào thời điểm ta được thụ thai. Tinh chất màu trắng là năng lượng nam ta nhận được từ cha, trong khi năng lượng đỏ là tinh chất nữ từ mẹ. Trong quá trình chết, hai thứ năng lượng này hội tụ tại trái tim. Sự hội tụ này đánh dấu thời khắc ta chết.
Nhiều giáo lý Phật giáo Mật tông sử dụng những thuộc tính vật lý này như là phương tiện tu luyện chủ yếu. Tsele, chẳng hạn, dạy các môn sinh “nhắm vào các kinh mạch như là nơi cư ngụ, khí như là sự chuyển động và tinh chất giác ngộ như là sự trang trí”. Trải nghiệm cực lạc vô tận, những thiền giả đã thành tựu di chuyển tâm cùng với năng lượng khí của họ qua các kinh mạch, gieo rắc tinh chất cực lạc cùng khắp. Kết quả là họ thu nhận tâm và khí của họ vào trong kinh mạch trung tâm và giữ yên nó tại đó. Như vậy, kinh mạch trung tâm không còn chỉ đơn thuần là một động mạch của cơ thể. Nó trở thành một con đường thiền định và mục tiêu thành tựu, cảnh giới tối hậu, không còn bị những giới hạn của khái niệm, danh hiệu và kích cỡ độ lượng.
Sự tan rã của những thành tố
Khi quá trình chết bắt đầu, khí, hoặc là những năng lượng sống, trước hết trở nên bị xáo trộn và bắt đầu phân tán, và chúng ta đi qua hai giai đoạn của sự tan rã. Trong giai đoạn đầu tiên, giai đoạn tan rã phía bên ngoài, lực của bốn thành tố vật chất của thân tan rã, và rồi các giác quan ngưng hoạt động. Trong giai đoạn thứ hai, giai đoạn tan rã bên trong, những khái niệm tinh thần và cảm xúc ngưng lại. Mỗi giai đoạn này đi kèm với những trải nghiệm bên trong nhất định.
Bản chất của những trải nghiệm bên trong xảy ra trong quá trình chết là gì? Điều quan trọng phải hiểu là khi chúng ta rút vào bên trong những nhận thức hướng ngoại và tập trung toàn bộ sự chú ý của chúng ta vào những thay đổi trong cơ thể trong quá trình chết, toàn bộ thế giới xung quanh ta trở thành việc đang xảy ra đó. Toàn thể vũ trụ trở thành những thay đổi đang diễn ra trong cơ thể chúng ta vào giây phút đó. Đây là lý do tại sao những sự thay đổi trong một giọt máu sẽ tạo cảm giác như trái đất đang tan vỡ. Một sợi tóc trên đầu có thể giống như một cái cây khổng lồ. Những thói quen sợ hãi của chúng ta và các khuynh hướng và cảm xúc khác sẽ xuất hiện dưới hình thức những hình ảnh nhiều chúng sinh, thế giới, âm thanh và tình cảm khác nhau. Đây là một số những trải nghiệm chúng ta sẽ thấy được miêu tả trong những chuyện kể của các delog ở phần sau của chương này.
Trước tiên, thành tố đất của thân chúng ta tan hòa thành thành tố nước. Vào thời điểm này, chúng ta cảm thấy mình đang bị mất năng lượng hoặc là sự nối kết với thành tố đất của cơ thể vốn có những tính chất như sự rắn chắc, sức mạnh, sự ổn định và vững chãi. Màu da của chúng ta nhợt nhạt khi năng lượng rút hết ra khỏi cơ thể. Chúng ta có thể cảm thấy mình đang ngã xuống hay chìm xuống, và mặt đất dưới chân chúng ta lún xuống. Chúng ta không thể đứng dậy, mất thăng bằng và cảm thấy như đang bị một khối nặng đè xuống. Điều này giải thích tại sao những người sắp chết thường yêu cầu: “Làm ơn kéo tôi lên với. Tôi cảm thấy như đang bị chìm xuống”. Chúng ta có thể cảm thấy u buồn và nhìn thấy những ảo ảnh.
Tiếp theo, thành tố nước trong thân chúng ta tan hòa thành thành tố lửa. Vào lúc này, chúng ta có thể cảm thấy như đang mất năng lượng nước hay là sự nối kết với thành tố nước vốn là ẩm ướt, lỏng và bền bỉ. Chúng ta có thể cảm thấy rất khát nước. Nước miếng nhỏ giọt. Nước mắt rơi xuống rồi khô đi. Vì vậy, những người sắp chết thường yêu cầu: “Xin cho tôi uống nước. Tôi khát quá”. Chúng ta có thể cảm thấy nghẹt thở, bứt rứt khó chịu và nhìn thấy những hình ảnh giống như khói.
Thứ ba, thành tố lửa của thân chúng ta tan hòa thành thành tố khí. Vào thời khắc này, chúng ta có thể cảm thấy chúng ta đang mất năng lượng lửa hay là sự kết nối với thành tố lửa vốn ấm áp, chín muồi và mãnh liệt. Nếu người sắp chết lâu nay là một thiền giả nhiệt thành và có một cuộc sống xứng đáng, có lòng từ bi và thường giúp đỡ người khác, sự phân tán hơi ấm ra khỏi cơ thể sẽ bắt đầu từ phía dưới chân rồi di chuyển lên phía trái tim. Nếu người sắp chết từng sống một cuộc sống tiêu cực, phá hoại và ích kỷ thì sự phân tán hơi ấm sẽ bắt đầu từ phần trên của thân rồi di chuyển xuống, hướng về trái tim. Tuy vậy, trong cả hai trường hợp, hơi ấm cuối cùng cũng tan biến ra khỏi trái tim. Người sắp chết không còn có thể nhìn thấy sự vật nữa; mọi thứ trông toàn là những tia màu đỏ trên một cái nền đen tối.
Thứ tư, thành tố khí của thân chúng ta tan hòa thành ý thức. Ở thời điểm này, chúng ta cảm thấy mất đi năng lượng khí hay sự kết nối với thành tố khí vốn nhẹ nhàng và lưu động. Chúng ta vùng vẫy cố thở cho được. Hơi thở vào trở nên ngắn hơn và hơi thở ra dài hơn. Rồi “sự hô hấp bên ngoài” ngừng lại, và hai con mắt rút sâu vào trong đầu. Vào thời điểm này, những người từng sống cuộc sống tiêu cực có thể nhìn thấy những ảo cảnh khủng khiếp, trong lúc những người sống đạo đức có thể nhìn thấy những ảo cảnh tươi vui. Chúng ta cũng có thể nhìn thấy những ảnh tượng giống như những ngọn đèn.
Thứ năm, ý thức (Tây Tạng: nam-she, rNam Shes; Phạn: vijnana) tan hòa vào hư không (Tây Tạng: namkha, Nam mKha’; Phạn: akasha). Vào thời điểm này, “sự hô hấp bên trong” ngừng lại.
Những nguồn kinh văn khác nhau có những cách xác định thời gian khác nhau liên quan đến việc ngưng hẳn của sự hô hấp bên ngoài và sự hô hấp bên trong. Những sự kiện này xảy ra khác nhau với những con người khác nhau vì bản chất từng người không giống nhau. Về cơ bản, khi phổi ngưng thở sau ba hơi thở dài thì đấy là sự ngưng hẳn của hô hấp bên ngoài. Khi tâm tách rời hoàn toàn khỏi thân xác (một số kinh văn khác gọi là tình trạng vô thức) thì đấy là việc ngưng hẳn của hô hấp bên trong.
Nếu chúng ta chết vì nghiệp báo thì chuyện sống lại là rất khó. Nếu chúng ta chết vì một tình huống bất ngờ nào đó, không phải do nghiệp báo, thì chúng ta vẫn có thể được hồi sinh nhờ những phương tiện y khoa hay tâm linh. Nhưng trong những trường hợp bình thường, chúng ta không thể hồi sinh được nữa nếu chúng ta đã đi quá giai đoạn thứ năm. Tuy nhiên, có những trường hợp khác thường, chẳng hạn như những delog đã trở về. Họ đã đi xa hơn điểm này (giai đoạn thứ năm), nhưng họ vẫn sống lại được.
Ba sự tan hòa bên trong
Bây giờ, khi hô hấp bên trong của chúng ta đã ngừng lại và tâm chúng ta đã mất sự kết nối của nó với các thành tố vật chất thì những kinh mạch, khí và các tinh chất của xác thân thô thiển của chúng ta cũng sẽ bị phân tán đi. Hơi thở của chúng ta hoà vào không gian. Kết quả là ba giai đoạn tan rã hay rút lui tinh tế, tinh tế hơn và tinh tế nhất sẽ diễn ra.
1. Ý thức tan biến thành những “ảnh tượng”. Vào lúc này, tinh chất màu trắng mà chúng ta nhận được từ cha chúng ta từ trên đỉnh đầu đi xuống qua kinh mạch trung tâm. Chúng ta nhìn thấy mọi thứ như “trăng trắng”. Nó không phát sáng hay trắng sáng giống ánh sáng ban ngày, nhưng là một màu trắng giống như ánh trăng vào một đêm trời không có mây. Mọi ý nghĩ căm giận và thù ghét sẽ ngưng lại.
2. “Những ảnh tượng” tan biến thành sự “tăng cường”. Vào thời điểm này, từ đáy của kinh mạch trung tâm ở lỗ rốn, tinh chất màu đỏ mà chúng ta nhận được từ mẹ đi lên qua kinh mạch trung tâm. Mọi vật trông có vẻ “đo đỏ” giống như ánh sáng mặt trời lặn lúc bầu trời không có mây. Mọi ý tưởng bám luyến và tham lam đều ngừng lại. Tuy nhiên, một số người nhìn thấy những ảo cảnh đo đỏ trước rồi những ảo cảnh trăng trắng sau. Theo Tsele, đây là thời gian tốt nhất để thực hiện Phowa.
3. “Sự tăng cường” tan biến thành “sự chứng đạt”. Ở thời điểm này, giác tính nội tại của chúng ta, chuyển động nhờ lực của gió, bị bao bọc giữa hai loại tinh chất của cha mẹ, và mọi thứ trở thành “tối đen” giống như bầu trời không có mây của một đêm mùa thu tối tăm. Ở đây những ý tưởng của sự hôn muội của chúng ta chấm dứt.
Bây giờ khí, tinh chất và tâm thức hội tụ lại ở ngang tim. Điều này được gọi là sự tan hòa của khoảng không thành ánh sáng.
Kế đó, sự xuất hiện của “sự phát sáng các căn” sẽ xảy ra, báo hiệu việc đi vào giai đoạn kế tiếp, trạng thái của bản chất tối hậu. Trạng thái này sẽ được bàn đến trong chương sau.
Theo sau sự tan biến vào khoảng không thành ánh sáng, những người bình thường sẽ rơi vào trạng thái vô thức, nhưng có những cách kiến giải khác nhau về những gì xảy ra khi sự phát sáng các căn xuất hiện. Theo Karma Lingpa, giữa sự chấm dứt của hô hấp bên ngoài và bên trong, nếu là những thiền giả có trình độ cao, chúng ta sẽ nhìn thấy sự phát sáng của bản chất tối hậu khi khí của thân ta được thu nhận vào trong đường kinh mạch trung tâm. Người bình thường thì trở nên vô tri vô giác. Jigme Lingpa viết rằng sau khi khí tan biến thành ý thức, chúng ta sẽ trở nên vô tri vô giác và sự hô hấp bên trong sẽ ngừng lại. Lúc đó, bản chất phát sáng sẽ xuất hiện. Jigme Lingpa cũng đã viết:
“Khi sự tối đen phát sinh, bạn sẽ rơi vào vô thức trong a lại da thức.
Rồi tám sinh lực phát sinh lần nữa và tình trạng vô thức sẽ tan biến đi.
Vào lúc đó, tính sáng bổn nguyên của trạng thái nguyên sơ sẽ xuất hiện.
Nó sáng sủa và bất tận, như bầu trời không mây.
Bạn an trụ trong tính không và sự trong sáng, không còn bị chướng ngại và che ám”.
Kyabje Dudjom Rinpoche nói rằng khi khí tan biến thành ý thức, “tâm rơi vào một trạng thái vô thức kéo dài. Nhưng đối với những vị đạo sư đã tu tập viên mãn hay các thiền giả có kinh nghiệm thì sau khoảng hai phút, ý thức sẽ tan biến thành hư không và hư không sẽ tan biến thành ánh sáng”.
Cũng cần phải biết rằng không phải tất cả những người sắp chết đều có cùng những trải nghiệm như nhau và những trải nghiệm đó xảy ra theo trình tự giống nhau. Tsele viết rằng những giải thích về sự tan biến “chỉ thuần túy là những chỉ dẫn khái quát về việc người ta kinh qua những trải nghiệm như thế nào và không có gì chắc chắn [mọi người sẽ có những trải nghiệm tương tự nhau]. Mỗi người sở hữu một loại kinh mạch, khí và tinh chất vật lý khác nhau, và họ sẽ đối diện với những loại bệnh tật, lực tiêu cực hoặc những tai nạn khác nhau [khi họ chết]. Cho nên những sự tan biến có thể xảy ra với người ta theo những trình tự khác nhau, hoặc chúng có thể xảy ra cùng một lúc”.
Những trải nghiệm sẽ kéo dài bao lâu? Tsele viết rằng khoảng thời gian của những sự tan biến bên ngoài và bên trong là khác nhau. Đối với đa số, mỗi trải nghiệm có thể chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc, và đặc biệt là ba sự tan biến bên trong sẽ không kéo dài lâu hơn một khoảnh khắc.
Chúng ta nên làm gì khi sắp chết?
Người bình thường nên xử lý những giai đoạn tan biến này như thế nào? Trước hết, chúng ta phải cố gắng nhận thức rằng chúng ta đang ở trong quá trình chết. Chúng ta nên cố gắng kinh qua những trải nghiệm của sự tan biến càng thanh thản càng tốt, không hoảng loạn. Chúng ta nên cố gắng nhớ lại rằng mọi ảnh tượng và trải nghiệm trong giai đoạn chuyển tiếp là những phản ánh của tâm thức và những cảm xúc của chính chúng ta, giống như những giấc mộng. Chúng ta không nên bị chúng cuốn hút hay làm cho bực tức hay sợ hãi. Tốt hơn chúng ta nên nhìn thấy và cảm nhận mọi chuyện như là con đường của cuộc hành trình tâm linh. Trụ vào sự an định, chúng ta nên bình thản để cho mọi tình huống đến và đi.
Nhớ sử dụng bất kỳ phương pháp hay sự trải nghiệm tâm linh nào mà chúng ta đã quen thuộc trong cuộc sống của mình. Chúng ta dựa vào những phương pháp tâm linh mà chúng ta đã quen thuộc thì sẽ hữu hiệu và dễ dàng hơn.
Chúng ta nên nhớ lại những nguồn ơn phước của chúng ta, như là chư Phật, các vị đạo sư, những đối tượng tích cực của tâm, giáo lý và những kinh nghiệm thiền định và sử dụng những trải nghiệm và những ký ức đó để nâng đỡ cho chúng ta về mặt tâm linh. Cố gắng nhớ lại những việc tu tập của bạn, tất cả những trải nghiệm, năng lượng tâm linh của bạn rồi hợp nhất với chúng. Hợp nhất với chúng có nghĩa là cảm nhận rằng chư Phật, các vị thầy và chư thiên lúc nào cũng ở bên cạnh bạn, đang che chở và hướng dẫn bạn. Hãy để ánh sáng của an bình, thoáng đạt, sức mạnh và hỷ lạc từ các Ngài đến với bạn, tràn ngập trong bạn, và biến đổi thân bạn thành một thân ánh sáng giống như bảy sắc cầu vồng tỏa ra những ơn phước của an lạc và sức mạnh. Sau đó, hãy cố gắng buông lỏng trong cái thân tâm linh đó nhiều lần trong suốt quá trình chết.
Chúng ta phải thường xuyên tự nhắc nhở chính mình: “Ta phải an trụ với kinh nghiệm tâm linh của mình”. Một thông điệp như vậy sẽ có ảnh hưởng lớn và thực sự sẽ giúp chúng ta nhớ lại những trải nghiệm ngay cả trong quá trình chết đầy khó khăn. Nếu chúng ta an trụ với trải nghiệm của chính mình, cuộc hành trình của chúng ta trên con đường đi đến cái chết sẽ suôn sẻ hơn và sẽ đưa ta đến một cõi tịnh độ hay một đời tái sinh an bình, hỷ lạc và khoẻ mạnh.
Nếu chúng ta đã trải nghiệm được thực tính của tâm trong khi còn sống, chúng ta phải cố gắng nhớ trụ lại trong sự tỉnh giác của thực tính đó. Cho dù có chuyện gì xảy ra, hãy cố gắng nhìn thấy mọi chuyện xảy ra chỉ là biểu lộ của thực tính đó, thay vì chạy theo và chấp vào những ý tưởng và những trải nghiệm với sự bám luyến hay thù hận.
Nếu chúng ta đã được hướng dẫn và rèn luyện để thấy được bản chất tối hậu của tâm và những ảo cảnh phát sáng của nó, thì đây là lúc trụ lại trong trải nghiệm đó. Đây cũng là lúc để cho các vị thiền giả nhắc nhở chúng ta về những trải nghiệm mà chúng ta đang kinh qua. Longchen Rabjam khuyên:
“Trong quá trình chết, những thành tố vật chất sẽ tan đi.
Bạn sẽ chứng kiến những ảo cảnh nghiêng ngả, mờ nhạt
Rồi đất, nước, lửa, gió và khoảng không của thân sẽ tan rã.
Hoạt động của các giác quan của bạn sẽ ngưng lại”.
Vào lúc đó, bạn nên tự nhắc nhở mình:
“Bây giờ ta sắp chết, nhưng không cần phải lo lắng”
Rồi hãy quán sát: “Cái chết là gì?” “Ai sắp chết?” “Chuyện chết nằm ở đâu?”
Chết chỉ là [dấu hiệu của] sự trả lại bốn thành tố vay mượn vô hồn của bạn [về cho chính chúng].
Giác tính nội tại [của tâm bạn] không sinh không diệt.
Trong trạng thái của sự thanh tịnh bản nguyên, chết là sự hợp nhất của tính không và giác tính nội tại, thể cách tự nhiên của cái Thân Tối hậu [pháp thân].
Hãy quán sát: “Cái chết là gì?” “Ai sắp chết?” “Chuyện chết nằm ở đâu?”
Vì chuyện chết không nằm ở đâu cả, nó hoàn toàn như huyễn. Hãy can đảm và lòng tin tưởng ở điều [hiểu biết] này.
Jigme Lingpa viết rằng trong quá trình chết, việc tốt nhất nên làm là buông lỏng một cách tự nhiên trong bản chất tối hậu. Tiếp theo, hãy chuyển ý thức của bạn đến một cõi tịnh độ. Tối thiểu thì bạn cũng nên tìm về nương náu nơi ngôi Tam Bảo: Phật, hiện thân của giác ngộ; Pháp, chân lý Ngài đã thuyết giảng; và Tăng, cộng đồng những người theo Pháp. Hãy cầu nguyện vị thầy tâm linh của bạn, và hợp nhất tâm của bạn với tâm giác ngộ của Ngài.
Guru Rinpoche khuyên chúng ta nên luyện tập, nên cầu nguyện để không bám luyến vào bất cứ một điều gì vào lúc chết, nên nhớ lại những lời dạy giáo lý, và nên thiền quán về việc hợp nhất bản chất tối hậu của tâm chúng ta với cảnh giới tối hậu:
Khi giai đoạn chết bắt đầu với ta.
Từ bỏ không còn bám luyến và chấp thủ vào bất cứ điều gì,
Ta sẽ tập trung vào những lời chỉ dạy rõ ràng mà không hề dao động,
Và chuyển giác tính nội tại vô sinh của ta [thực tính của tâm] đến trạng thái của cảnh giới tối hậu.
Những chỉ dẫn của các vị đại sư về quá trình chết và cái chết là những điểm then chốt cần phải nhớ và áp dụng, không chỉ trong giai đoạn chết mà còn trong suốt bốn giai đoạn chuyển tiếp của cuộc sống, kể cả hiện tại.
CHUYỆN KỂ CỦA CÁC DELOG VỀ TRẢI NGHIỆM KHI CHẾT
Để minh họa điều xảy ra khi chúng ta bước qua cánh cửa tử, tôi xin tóm lược ở đây 10 câu chuyện của các delog. Dĩ nhiên những câu chuyện này là những trải nghiệm của những cá nhân đặc biệt. Xin hãy nhớ rằng người ta có những loại trải nghiệm khác nhau trong quá trình chết vì những khác biệt trong bản chất tinh thần và vật chất của mỗi người, những nghiệp quả nhân duyên, những ảnh hưởng văn hóa, những khuynh hướng thói quen, và những hoàn cảnh chết của họ.
Như chúng ta nhận thấy, những delog là những người rất sùng đạo và nhiều vị là những bậc đạo sư đã thành tựu trong tu tập. Họ trở lại cuộc sống là vì họ còn phải thực hiện những công việc còn dở dang. Một số trong những trải nghiệm của họ có thể khác với những gì các bạn hoặc tôi sẽ gặp phải lúc chết, nhưng có thể có nhiều nét tương đồng đối với những người có cùng đặc điểm tinh thần, cảm xúc và văn hóa.
Trong những chuyện kể này, chúng ta sẽ tập trung sự chú ý vào giai đoạn sắp chết. Chúng ta sẽ trở lại với phần lớn những delog này trong các chương 3 và 5, để thấy được những trải nghiệm sau khi chết của họ tiếp tục trong giai đoạn bản chất tối hậu và thân trung ấm như thế nào.
Năng lượng tan rã:
Trải nghiệm của Karma Wangdzin
Karma Wangdzin đã chết trong bảy ngày. Sinh ra ở Lhotrag, Nam Tây Tạng, bà là người có học thức và mộ đạo. Chồng bà là Depa’i Drung, trưởng bộ tộc Okra. Bà đã đến viện tu khổ hạnh Traphu để học Phật pháp với lạt-ma Norbu Trashi, và bà đã nhìn thấy được linh kiến thanh tịnh của cả hai vị Bạch y Tara và Guru Rinpoche.
Karma đã có một năm ẩn tu để cầu nguyện và thiền định. Một hôm, bà bỗng nhiên cảm thấy bệnh nặng, không muốn ăn, và hầu như không nhận ra bạn bè nữa. Ngày hôm sau, một người bạn của bà vừa khóc vừa nói với bà: “Chị ơi, đôi mắt của chị đã trũng xuống và xương sống mũi của chị đã không còn thẳng nữa [những dấu hiệu của cái chết]. Tốt hơn hết là em nên kêu chồng chị đến nhé?”.
Karma tự nghĩ trong đầu mình: “Nếu mình không chịu đựng được một chút ốm đau thì mình tu hành mộ đạo có ích gì đâu?”. Bà nói với người bạn: “Em hãy chờ đến ngày mai đã”. Nhưng ngay chiều hôm đó, bà bắt đầu cảm thấy lạnh. Bà cảm thấy rất khát nước, nhưng khi cố gắng uống nước thì nước lại cứ chảy ra đường lỗ mũi.
Các dấu hiệu cho thấy năng lượng của các thành tố vật chất của bà ấy đang tan rã. Bà cứ có cảm giác là thân của bà đang chìm xuống, mặc dù bạn bè cố kéo bà lên. Đó là dấu hiệu cho thấy rằng năng lượng của thịt đang tan biến thành thành tố đất. Miệng và mũi của bà khô đi do mất nước, nhưng mặc dù hết sức khát nước, bà cũng không thể uống được. Đó là dấu hiệu của năng lượng máu tan biến thành thành tố nước. Bà run lên vì lạnh mặc dầu bà được đắp mấy cái chăn ấm. Đó là dấu hiệu hơi ấm trong thân bà tan biến thành thành tố lửa. Bà cố gắng để thở, bà hít vào và giữ hơi thở rất khó khăn. Đó là dấu hiệu hơi thở của bà đang tan biến thành thành tố khí.
Khi ánh sáng bắt đầu nhạt nhòa đi, bà không thể nhìn thấy và nhận ra những người chung quanh nữa. Khi thính giác của bà bắt đầu yếu đi, bà không còn nghe được những gì bạn bè bà đang cố gắng nói với bà. Khi bà không còn kiểm soát được hệ thần kinh của mình, bà không nói được một lời nào nữa. Bà sắp mất đi sự tiếp xúc với thế gian này và đã sẵn sàng nhìn thấy thế giới mà bà sẽ đi đến.
Tuy vậy, trong suốt thời gian những chuyện đó xảy ra, tâm thức của bà Karma vẫn sáng suốt, giống như con cá trong nước trong. Bà nhớ rõ ràng những người thân của mình nhưng ý thức được rằng họ không còn làm được gì cho nhau nữa. Đối với bà, đã đến lúc đi một mình. Karma không tin mình đã thành tựu được trải nghiệm đáng tin cậy nào về Pháp. Ký ức về tất cả những điều xấu mà bà đã từng làm cứ tiếp tục loé lên qua tâm thức của bà, và điều này khiến cho lòng bà thổn thức.
Kế tiếp, có một tiếng răng rắc rất lớn. Cùng với tiếng đó, hơi thở của bà ngừng hẳn. Bà bị chìm vào trong bóng tối hoàn toàn, như ngọn nến bỗng nhiên bị thổi tắt. Tất cả năng lượng tâm của bà rút vào trong trái tim bà, và bà rơi vào tình trạng vô tri vô giác. Bà vẫn ở trong tình trạng này một thời gian, và không biết mình đang bám víu vào sự đau đớn của cái chết hay sự ham thích được sống.
Hãy tạo công đức cho tôi:
Trải nghiệm của Lingza Chokyi
Lingza Chokyi sinh ra ở Kham, Đông Tây Tạng. Bà bệnh nặng đã 16 ngày, các nghi lễ tôn giáo hoặc thuốc men cũng chẳng giúp được gì. Bà suy nghĩ: “Bây giờ có thể mình sắp chết rồi. Lúc còn trẻ, mình muốn trở thành nữ tu nhưng bị gia đình ngăn cản không cho rời khỏi nhà. Mình có học được một ít Giáo pháp, nhưng có rất ít kinh nghiệm về thiền định. Mình cũng không làm việc từ thiện bố thí nào. Hỡi ôi, mình đã bỏ phí cả một đời người quý báu vốn đầy tiềm năng và khó mà có được. Bây giờ mình sẽ rời bỏ thế gian này với hai bàn tay trắng. Có ân hận thì cũng trễ quá rồi”.
Rồi bà ấy lại nghĩ: “Trong quá khứ, gia đình mình mỗi năm giết từ 20 đến 30 con bò yaks và cừu”. Điều này làm cho Chokyi lo sợ vì sát sinh là một trong mười điều bất thiện chính yếu trong đạo Phật, tạo nên những nghiệp tiêu cực vốn trở thành nguyên nhân của đau khổ và tái sinh vào địa ngục đối với kẻ gây ra. Bà ấy còn lo thêm: “Bây giờ gia đình mình sẽ không bỏ tiền ra để làm Pháp sự cho mình. Như vậy là mình sẽ phải đối mặt với hậu quả của những hành vi bất thiện, không được hưởng phước gì hết từ những hành vi thiện lành và công đức. Chồng con mình chỉ thích của cải vật chất. Chồng con mình keo kiệt và có rất ít đức tin. Nhưng dầu sao thì mình cũng phải hỏi chồng con xem họ có thể bỏ tiền ra làm những Pháp sự gì cho mình”.
Chokyi kêu gia đình lại bên cạnh rồi nói với chồng: “Tôi không qua khỏi được đâu. Bây giờ tôi có vài lời cuối cùng muốn nói với mình. Trong đời, tôi đã không tích lũy được công đức gì cả. Ngược lại tôi đã phạm vào nhiều việc bất thiện nơi này nơi nọ. Xin hãy bỏ ra một phần ba tài sản gia đình để làm việc công đức cho tôi”. Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, những người trong gia đình của người chết bỏ ra một phần lớn gia sản để tài trợ những việc tế lễ, cầu nguyện, thiền định, bố thí cho người nghèo, phóng sinh (ví dụ như mua và thả những con gia súc, chim, cá), xây dựng công trình kiến trúc tôn giáo, hoặc cúng dường chư tăng, ni. Họ tin rằng những việc làm như vậy sẽ tạo công đức, hay là những nghiệp tích cực và nghiệp này sẽ trở thành nguồn tạo ra cuộc hành trình và tái sinh an lạc cho người chết.
Bà nói tiếp “Một nửa số nữ trang của tôi nên để dành cho con gái tôi,” và nửa còn lại nên làm gì đó tạo công đức cho tôi. Những việc cúng lễ gì anh chi tiền để làm cho tôi thì xin anh hãy làm theo đúng Pháp thanh tịnh. Mọi người trong gia đình nên thực hành Pháp nếu có thể. Nếu không thì khi chết anh sẽ bị nỗi hối hận dày vò. Tối thiểu thì anh hãy để cho hai đứa con trai tôi thực hành Pháp. Xin anh đừng để ba đứa con tôi khổ vì một người đàn bà khác khi anh tái hôn. Anh hãy hứa với tôi những điều này đi!”.
Nghe đến đây, ông chồng bèn trả lời: “Nếu chúng tôi tiêu một phần ba tài sản cho bà thì chúng tôi lấy gì mà ăn? Số nữ trang dành cho con gái là của riêng nó rồi. Sau khi bà mất, tôi sẽ phải lấy vợ khác để lo việc nhà chứ. Các con còn nhỏ quá đã tự lo được đâu. Tôi sẽ tiêu một ít tiền cho bà, nhưng tôi không thể hứa là sẽ tiêu bao nhiêu được”.
Chokyi suy nghĩ: “Bây giờ chồng mình sẽ không chi tiền để làm Pháp sự gì lớn cho mình. Tại sao trước đây mình đã không tự tạo công đức cho mình khi mình có cơ hội và có khả năng? Chồng mình sẽ lấy vợ khác và các con mình sẽ khổ. Tội nghiệp chúng quá!”.
Cuộc nói chuyện này làm cho bà Chokyi buồn hơn nữa. Nỗi buồn này làm cho bà bị chóng mặt. Kế đó, bà cảm thấy như bị kéo xuống đất, và bà bắt đầu kinh qua một số những trải nghiệm kinh hoàng. Bà cảm thấy bị rất nhiều người đẩy xuống, nghiêng ngả bên này bên kia trong một khoảng không gian rộng lớn và run rẩy vì lạnh giá. Rồi bà thấy khổ sở với cái cảm giác rằng thân xác của mình đang bị đốt cháy ở một bãi hỏa thiêu và nhìn thấy những tia lửa và nghe tiếng ầm ầm của những ngọn lửa. Khi cảm giác đó lắng xuống, bà bị một cơn giông bão mạnh thổi bay đi. Rồi bà cảm thấy thân mình đang bị nhiều người dùng nhiều loại dụng cụ khác nhau cắt nhỏ ra từng miếng. Tất cả những cảm nhận này chỉ là kết quả của việc những thành tố của thân bà tan rã.
Sau tất cả những cảm nhận đó, bà nhìn thấy màu đỏ, màu trắng rồi bóng tối. Theo sau đó là cảm giác không có sự hồi tưởng hoặc ý thức gì cả và đây là một trạng thái cực lạc kéo dài. Sau này, khi sống lại, bà không thể nhớ lại được trải nghiệm này kéo dài bao lâu.
Thần chết đã đến đem tôi đi chưa?
Trải nghiệm của Denma Sangye Seng-ge
Sangye sinh ra gần Chabbo tỉnh Kham của Đông Tây Tạng. Ông ta theo học với nhiều vị thầy, với cả Ngài Karmapa thứ 14 (1798 – 1868).
Một hôm, lúc được 55 tuổi, Sangye bị một cơn đau dữ dội ở tim giống như ông bị trúng một viên đạn. Ông bắt đầu có những ảo giác kỳ lạ. Ông không muốn ăn và đôi khi cảm thấy như là thân của ông sắp tống tất cả các cơ quan nội tạng ra ngoài.
Sangye sợ rằng mình sắp chết đến nơi rồi. Nhưng ông không thể làm gì để tự cứu sống mình. Ông trở nên nhạy cảm với mọi chuyện, cho nên bất cứ chuỵện gì xảy ra cũng làm ông lo lắng vô cùng. Hơi thở của ông mỗi lúc một ngắn hơn. Ông khổ sở và cảm thấy bồn chồn như một con chim đang bị bóp trong bàn tay của một người hay con cá bị ném lên đất khô. Ánh sáng từ đôi mắt ông nhanh chóng mờ đi. Rồi bỗng nhiên tất cả những ảnh tượng đều trở thành bóng tối.
Sangye trải qua một loạt những cảm nghiệm đau đớn khi năng lượng các thành tố của thân xác bắt đầu tan rã. Đôi lúc ông cảm thấy rất khát nước, giống như ruột gan bên trong đang bị ngọn lửa đốt cháy, và ông thèm có được một giọt nước để uống. Những lúc khác, ông lại cảm thấy như đang bị đè bẹp dưới một vật gì rất nặng như một ngọn núi. Giây lát sau, ông cảm thấy mình bị thổi đi một cách dữ dội như chiếc lông trong cơn bão táp. Thỉnh thoảng ông lại cảm thấy mặt trời và mặt trăng đang rơi xuống mặt đất. Ông nghe những tiếng ồn rất lớn giống như hàng ngàn tiếng sấm nổ đồng loạt và liên tục nhìn thấy hàng ngàn những tia chớp đánh vào trái đất cùng một lúc. Rồi ông cảm thấy một ngôi nhà cũ, mà trên thực tế là thân xác ông ta, bị sụp đổ. Nhưng những cảnh nhìn thấy và những cảm giác đó vừa xuất hiện xong thì lại tan biến đi như một ảo tượng.
Rồi Sangye nhìn thấy những tia sáng giống như những con đom đóm trên bầu trời tối đen. Đôi lúc những tia sáng này trông rất rõ, đôi lúc lại không.
Sangye nhận biết được rằng: “Những ảnh tượng này chắc là trải nghiệm của năng lượng của những thành tố vật chất tan rã trong quá trình chết”. Rồi, với bản năng con người vốn sợ chết, ông hoảng sợ. Nhiều câu hỏi bắt đầu đổ xô đến: “Có phải mình đang trải qua việc tan rã năng lượng của bốn thành tố của thân xác mình? Giống như trong nhiều đời trước của mình, có phải thời điểm quan trọng của cái chết đã đến với mình lần nữa? Thần chết đã đến để đem mình đi chưa? Mình sẽ không thể còn sống nữa sao?”.
Ông cảm thấy bị mắc kẹt ở một nơi rất tối tăm, đó thực ra là thân của ông, vì lúc này thân không còn có thể đến được với ánh sáng nữa. Ở đó, ông nhìn thấy chín lỗ mở có thể cung cấp cho ông một lối để thoát ra khỏi chỗ tối tăm này – miệng, hai con mắt, hai lỗ tai, hai lỗ mũi, hậu môn và bộ phận sinh dục. Ông nhìn xuyên lỗ mở dẫn thẳng lên phía trên và ông la to lên âm tiết HIK ba lần vì trước đây ông đã từng được dạy như vậy khi thực hành Phowa. Làm như vậy đã giúp ông ra được qua lỗ mở thứ mười – lỗ mở ở hộp sọ trên đỉnh đầu ông.
Theo đạo Phật, lúc chết tâm thức sẽ thoát ra qua một trong mười “cửa” hay lỗ mở của thân (hậu môn, bộ phận sinh dục, miệng, hai lỗ mũi, hai lỗ tai, hai con mắt và lỗ mở trên sọ). Nếu tâm thức của bạn thoát ra qua những cửa ở phần trên của cơ thể bạn, thì điều này sẽ giúp bạn tái sinh vào cảnh giới cao hơn.
Những thiền giả được chỉ dạy cách chặn chín cửa thấp hơn, đặc biệt là cái cửa thấp nhất, với những hình ảnh được hình dung ra của những âm tiết linh thiêng HUM. Rồi họ di chuyển thẳng lên phía trên qua đường kinh mạch trung tâm với sức mạnh của năng lượng thiền định và thoát ra qua lỗ mở trên sọ ở đỉnh đầu.
Ánh sáng như bầu trời không mây:
Trải nghiệm của Dagpo Trashi Namgyal
Dagpo Trashi Namgyal là người miền Trung Tây Tạng. Ông đã chết trong năm ngày. Trước đó ông bị cơn đau nhức trong đầu và ở phần trên của cơ thể. Nhận thức được mình có thể sắp chết, ông muốn được nghe những lời dạy về thân trung ấm.
Khi những thành tố vật chất của thân ông bắt đầu từ từ tan rã, những nhận thức hướng ngoại của ông bắt đầu hướng vào bên trong. Ông ta nhìn thấy hình ảnh của một thứ ánh sáng ngũ sắc. Đây không phải là một hình tướng ánh sáng bên ngoài; bằng những con mắt của tâm thức, ông đang quan sát một khối ánh sáng ở bên trong.
Trước tiên, ông bị mất đi nhận thức về những đối tượng của năm giác quan: sắc, thanh, hương, vị và xúc. Vì thị giác của ông trở nên nhòa đi, ông không thể nhận biết những người quen. Tai không thể nghe được âm thanh. Mũi không thể ngửi được mùi. Lưỡi không thể nếm được vị gì cả. Thân ông không cảm được sự tiếp xúc nào.
Thành tố đất của thân ông tan biến thành nước và thân ông trở nên nặng nề. Khi thành tố nước tan biến thành lửa, miệng và mắt ông cảm thấy khô và ông thấy rất khát nước. Có vẻ như các động mạch của ông cuộn lại giống như một cuộn chỉ. Sau đó, thành tố lửa tan biến thành khí và hơi ấm của thân ông bị khí xua tan đi.
Vì thành tố khí là tinh chất của giác tính nội tại, khi hô hấp bên ngoài ngưng lại thì ý thức của ông tan biến thành ánh sáng. Khi hơi thở bên ngoài của ông hòa vào sự hô hấp bên trong, trải nghiệm đầu tiên trong ba trải ngiệm xuất hiện.
Đầu tiên ông thấy “những ảnh tượng”. Như là dấu hiệu ở bên trong, những giác quan của ông trở nên sáng rõ. Những ảnh tượng bên ngoài trở nên trăng trắng giống như ánh trăng. Giác quan của ông không còn bị ảnh hưởng của những sự thay đổi thoáng qua, và ông cảm thấy mạnh mẽ và minh mẫn.
Rồi “ảnh tượng” hòa nhập vào trong “tăng cường”. Như là dấu hiệu bên trong, ông ta nhìn thấy những tia sáng giống như đom đóm. Như là dấu hiệu bên ngoài, ông nhìn thấy ánh sáng đo đỏ giống như ánh sáng mặt trời mọc.
Rồi “tăng cường” hòa nhập vào “chứng đạt”. Trong giây lát, giác quan của ông vẫn còn rõ ràng. Ông nhìn thấy những ngọn lửa và ánh sáng giống như những ngọn đèn. Sự vô minh về bản chất của thực tại chấm dứt. Sau đó, ánh sáng trong như bầu trời quang mây xuất hiện. Nói cách khác, ông bắt đầu trải nghiệm thiền định phát sáng, nó trong trẻo giống như bầu trời mùa thu không mây, một trạng thái không có sự nhận thức thô thiển hoặc là tính nhị nguyên của chủ thể (các giác quan) và khách thể (những đối tượng của giác quan).
Nhận thức về quá trình chết:
Trải nghiệm của Samten Chotso
Ở tuổi 19, Samten Chotso người tỉnh Kham miền Đông Tây Tạng đã có được trải nghiệm của một delog trong bảy ngày. Bỗng nhiên những thành tố trong thân cô trở nên bị khuấy động và cô nằm chờ chết. Những ảo giác đến liên tục. Cô ý thức được rằng mình thực sự sắp chết và cô bắt đầu có những nhận thức ảo giác như sau:
Trước tiên, những thành tố vật chất và những giác quan của thân cô bắt đầu tan rã: khi những động mạch của trái tim cô ngừng hoạt động, cô cảm thấy như một ngọn núi đã bị lật ngược. Tiếp đó, những mạch máu trong đôi mắt của cô ngừng hoạt động và cô cảm thấy như mặt trời và mặt trăng từ trên trời rơi xuống. Kế đến, những mao mạch trong lưỡi cô ngừng hoạt động và không gian như được thắp sáng bởi những tia chớp. Rồi những mao mạch trong tai cô ngưng hoạt động và cô nghe hàng ngàn tiếng sấm rền cùng một lúc.
Duy nhất trong số các delog:
Trải nghiệm của Dawa Drolma
Dawa Drolma (1910–1941) sinh ở Washul Thromtha, tỉnh Kham, Đông Tây Tạng. Một trong những người con trai của bà là Ngài Chagdud Rinpoche đã quá cố (1930 – 2002), đã từng sống và dạy học ở Hoa Kỳ và Braxin trong nhiều thập niên. Dawa Drolma là người khác thường trong số các delog vì bà biết trước bà sẽ trải qua kinh nghiệm của một delog. Vì vậy, bà đã chuẩn bị cho mình và cho những người chung quanh. Cuộc hành trình trải nghiệm delog của bà kéo dài năm ngày.
Vào năm 1924, lúc bà 15 hoặc 16 tuổi, Dawa Drolma thường xuyên có những trải nghiệm thiền định thâm sâu. Một hôm bà còn được thấy tận mặt Ngài Bạch y Tara và nhận được lời khuyên mang tính tiên tri này: “Chẳng bao lâu nữa, con sẽ bệnh và sẽ chết. Tuy vậy, nếu con tuân theo một số những lời chỉ dạy thì sau năm ngày con sẽ sống lại như một delog và sẽ mang lại lợi lạc cho nhiều chúng sinh”. Thầy của Dawa, Ngài Chogtul Rinpoche, miễn cưỡng đồng ý với ước nguyện của bà muốn chuẩn bị và trải qua một kinh nghiệm quá đặc biệt này. Ngài ban phước lành cho bà và nhắc nhở: “Con hãy an trụ trong bản tính tự nhiên của tâm mình, như nó vốn thế, mà không rơi vào si muội. Hãy duy trì nhận thức trong sáng và sự sùng kính đối với các vị thầy tâm linh và các vị chư thiên hộ Pháp của con. Hãy giữ tình yêu và lòng từ bi đối với các chúng sinh trước đây từng là mẹ của con”.
Rồi Dawa Drolma trở bệnh rất nặng. Bà yêu cầu Ngài Chogtul Rinpoche và những người khác có mặt ở đó tuân theo những điều kiện sau đây: “Hãy đem hết thức ăn và nước uống ra khỏi phòng tôi. Sau khi tôi chết, hãy rửa thân tôi bằng nước nghệ đã được ban phước trước sự hiện diện của một cô gái mang tên Drolma. Để tượng trưng cho Gia đình Phật của tôi, đầu của tôi phải được phủ khăn vải màu xanh dương. Nên khóa cửa nhà tôi lại. Sau đó, bọc ổ khóa với miếng vải màu xanh dương và niêm phong bằng biểu tượng con bò cạp. Phải có một người mặc áo quần màu xanh dương ngồi bên ngoài để canh nhà tôi. Và rồi, trong năm ngày, trong khi tôi chết, không ai được đi vào phòng tôi hay làm ồn quanh nhà. Khi tôi trở lại, tôi sẽ cần một cái áo vải màu xanh dương không may bằng da thú. Tôi sẽ cần có nước đã được ban phước để rửa miệng”. Bà cũng yêu cầu các vị lạt-ma tiếp tục cử hành nhiều lễ cúng bái cho bà, chẳng hạn bữa tiệc cúng dường Yumka (tên một vị Phật bà) và những Chị Em Trường Thọ và cầu nguyện đến Ngài Guru Rinpoche.
Bà và các vị thầy của bà cử hành lễ tiệc cúng dường cho Yumka cho ngày thứ 25 theo âm lịch Tây Tạng. Các vị thầy của bà nhắc nhở bà một lần nữa: “Con hãy để cho tâm mình bình lặng xuống và đừng để những ý tưởng rồ dại làm cho bị xao nhãng. Hãy để tâm của con hợp nhất với bản chất tối hậu của chính nó, như tâm vốn thường như vậy vào thời điểm chết”.
Khi thời điểm đến, Dawa Drolma để tâm mình thư giãn trong trạng thái tự nhiên của nó. Bà cảm nhận được nó như một trạng thái hoàn toàn trong sáng và thanh khiết của hư không và cực lạc. Mọi niệm tưởng đều lắng xuống. Bà không ngủ trong a lại da thức, nơi đó không có tư tưởng lan man. Bà không bị mắc kẹt vào mạng lưới giác quan của cực lạc, trong sáng hay vô niệm. Bà cũng không trôi tự do trong những ảo giác. Đúng hơn bà đang ở trong khoảng không gian vô cùng của tâm thức tự nhiên, như nó vốn vậy. Vì thế, bà đang ở trong trạng thái ý thức đã thay đổi, mặc dù bà có thể nghe được tất cả âm thanh và tiếng nói chung quanh bà.
Vào ngày thứ 26, bà nhìn thấy một cách sinh động sự có mặt của vị thần hộ mệnh của bà, ngài Bạch y Tara ở trước mặt bà trong một khối hình cầu ánh sáng lạ kỳ.
Rồi bà thấy rằng từ cõi tịnh độ của Ngài Guru Rinpoche, một nguồn sáng bảy sắc cầu vồng gồm năm tia sáng song song đi vào trong phòng của bà. Ở giữa những tia sáng đó, bốn da-ki-ni, trong hình tướng những phụ nữ trẻ mặc áo quần và mang đồ trang sức đẹp đẽ, xuất hiện như những người hộ tống bà Dawa. Họ đặt bà vào chiếc kiệu được phủ vải lụa nhiều màu. Dawa
Drolma và bốn da-ki-ni đồng thanh tụng bài kinh Kim Cương gồm bảy dòng và bài chú của Guru Rinpoche. Họ tụng liên tục với lòng sùng kính tột cùng. Bà nhìn thấy tất cả những ảnh tượng này trong tâm nhãn của mình.
Tâm thức du hành không chướng ngại:
Trải nghiệm của Gyalwa Yungtrung
Gyalwa Yungtrung người tỉnh Kham ở Đông Tây Tạng và là một tín đồ theo đạo Bon, một tôn giáo bản địa của Tây Tạng.
Khi ông ta được 49 chín tuổi thì mẹ mất. Ông mời nhiều vị lạtma đến để cử hành cúng lễ trong 49 ngày, bởi vì người ta tin rằng hầu như không ai ở lại trong trung ấm lâu hơn bảy tuần cả. Ông ta chi tiêu tất cả tiền bạc có được vào việc tài trợ cho các buổi lễ. Suốt ngày đêm ông luôn nhớ đến tình yêu thương và lòng nhân hậu của mẹ và không bao giờ nguôi ngoai nỗi tiếc thương người mẹ vừa mất. Rồi một hôm, khi ông quán sát bản chất của tâm mình, ông thấy rằng tâm mình là bất sinh từ gốc và tự nhiên hiện hữu.
Một hôm khác, ông cảm thấy rằng: “Thế gian và thân này là rỗng không. Tâm ta có thể đi bất cứ đâu mà chẳng có chướng ngại gì. Ta phải liên lạc với hồn của mẹ ta dù bà có đi đến đâu”. Bỗng nhiên ông cảm thấy mình thoát ra khỏi thân xác.
Gyalwa kinh qua nhiều trải nghiệm hơn nữa, như chúng ta sẽ đọc trong chương 5 nói về kinh nghiệm trong giai đoạn trung ấm của những delog. Ở giai đoạn này, ông không viết về chuyện liệu ông có trải nghiệm sự tan rã của các thành tố không. Chuyện ông kể về quá trình chết một lần nữa cho ta thấy rằng những cá nhân khác nhau trải qua giai đoạn này theo nhiều cách khác nhau.
Giác tính nội tại:
Trải nghiệm của Tsophu Dorlo
Dorlo là một đại sư đã tu tập viên mãn. Tên thật của ông là Dorje Duddul ở Khrozur, nhưng nhiều người biết đến ông với cái tên Tsophu Dorlo. Ông ta kinh qua những trải nghiệm của một delog trong một tu viện khổ hạnh tên là Pema Sheltrag ở Nyag-rong miền Đông Tây tạng.
Chuyện xảy ra vào năm 1923 khi Dorlo, lúc đó 61 tuổi, bỗng nhiên bị bệnh và mọi người không còn hy vọng ông sẽ bình phục được. Để làm vơi đi nỗi buồn của các đệ tử, ông ban cho họ những lời giáo huấn và nói cho họ yên tâm rằng ông sẽ trở lại trong lần đầu thai kế tiếp. Với tâm nhãn thanh tịnh, vị lạt-ma chính của ông là Zhingkyong Rinpoche ban phước cho ông và bảo ông: “Đây không phải là thời điểm con đi vào cõi tịnh độ. Con phải đi vào những cảnh giới địa ngục và phục vụ chúng sinh ở đó”. Vị lạt-ma trao cho ông một bánh xe cầu nguyện cầm tay lớn để mang theo.
Vào buổi tối ngày thứ tư, những dấu hiệu sắp chết của ông bắt đầu xuất hiện. Dorlo cứ liên tục cố nhớ lại những lời dạy và hướng dẫn mà ông đã nhận được từ các vị thầy của mình. Ông đặc biệt giữ cho tâm thức của mình hợp nhất với tâm trí tuệ của vị lạt-ma của ông và trụ tại đó trong trạng thái nhất thể mà không dao động. Trong một thời gian dài, ông an trú trong giác tính nội tại, bản chất thanh tịnh của tâm ông. Nó là sự hiện diện một cách tự nhiên và trạng thái không dao động của sự hợp nhất của tính trong sáng và tính không của tâm.
Chẳng bao lâu sau đó, sự tan rã các thành tố của thân ông bắt đầu. Dấu hiệu của thịt tan rã thành đất là khi ông cảm thấy thân mình ngã xuống và chìm vào trong đất. Khi máu tan biến thành nước, ông ta mất đi năng lượng của cơ thể. Mũi và miệng của ông bắt đầu nhỏ nước ra và lưỡi khô đi. Khi hơi ấm tan biến thành thành tố lửa, thân ông không còn hơi ấm nữa. Tâm thức ông ta lúc thì sáng sủa lúc thì không. Đôi mắt ông bắt đầu trợn ngược lên. Ông không thể nhận ra người chung quanh nữa. Khi hơi thở của ông tan biến thành thành tố khí, ông bắt đầu thở nặng nề và chân tay ông bắt đầu yếu đi. Tâm thức ông cảm thấy ngột ngạt và ông nhìn thấy những hình ảnh mờ nhạt giống như ảo giác.
Sau sự tan rã của những thành tố thô thiển, ông ta bắt đầu kinh qua sự tan rã của những năng lượng vi tế của ông. Khi tinh chất của lửa, tinh chất màu đỏ di chuyển lên phía trên, những “ảnh tượng” tan biến thành “tăng cường”, và mọi thứ trở nên có màu đo đỏ. Khi tinh chất của nước, tinh chất màu trắng di chuyển xuống phía dưới, và “sự tăng cường” tan biến thành “chứng đạt”, mọi thứ trở nên có màu trăng trắng. Và rồi, khi sinh lực vi tế nhất ngưng lại, “sự chứng đạt” tan biến thành “ánh sáng”, mọi thứ trở thành bóng đen.
Tâm tuệ trở nên sáng tỏ:
Trải nghiệm của Shugseb Jetsun Lochen
Shugseb Jetsun Lochen (1865-1953), còn được gọi là Jetsun Rigdzin Chonyi Zangmo, là một trong những nữ đạo sư vĩ đại nhất của Tây Tạng thế kỷ XX. Bà sinh ra ở Ấn Độ nhưng theo học ở Tây Tạng và sống nhiều năm cuối cùng ở Shugseb gần Kangri Thokar, một tu viện khổ hạnh của Ngài Longchen Rabjam, một vị thầy vĩ đại của giáo lý Đại Viên Mãn thế kỷ XIV.
Jetsun kinh qua trạng thái của một delog trong nhiều ngày trong lúc đang theo một khóa thiền nhập thất ở Zangyak Trag trong thung lũng Drigung ở miền Trung Tây Tạng. Bà đạt được những nhận thức và trải nghiệm thiền định kỳ diệu. Bà có thể đi xuyên qua tường mà không gặp trở ngại gì hết, và có nhiều lần bà trở thành vô hình, làm những người đi cùng bà không nhìn thấy bà. Thỉnh thoảng bà có thể đi đến nơi này nơi khác chỉ bằng ý nghĩ mà thôi. Bà có thể nhìn thấy được chư thiên cũng như nhiều chúng sinh mà người khác không thấy được.
Một hôm năng lượng sinh lực của Jetsun đi vào kinh mạch trung tâm. Kết quả là bà cứ liên tục chạy vào chạy ra thiền thất và thốt ra đủ loại âm thanh và nhảy múa. Rồi bỗng nhiên bà ngã quỵ xuống đất giống như một tảng đá rơi xuống và nằm đó bất động.
Tưởng rằng bà đã chết, bạn bè của bà than khóc và bắt đầu bàn chuyện tổ chức tang lễ cho bà. Nhưng mẹ bà nhận thấy rằng mặt của bà vẫn còn giữ được nước da của một người còn sống nên mẹ bà yêu cầu các bạn bà kiểm tra lại cho cẩn thận. Họ phát hiện có một chút hơi ấm, giống như nhiệt độ của một con chim, ở nơi tim bà. Vì năng lực khác thường của cuộc sống của bà nói chung, các bạn bà kết luận rằng có thể bà chưa ra đi hẳn. Vì vậy, họ bắt đầu cử hành nghi lễ cúng dường.
Đối với chính Jetsun, tuy thân bà không cử động được, tâm tuệ của bà sáng tỏ gấp nhiều lần trước đây. Bà có thể nghe được rõ ràng tất cả những cuộc chuyện trò của các bạn bè bà và những người khác ở chung quanh.
Con Qủy Đen Tối ra đi:
Trải nghiệm của Tagla Konchog Gyaltsen
Tagla Konchog Gyaltsen (1856-1946) sinh ra ở thung lũng Ma, trong bộ tộc Akyong Ponmotsang ở tỉnh Golok miền Đông Tây Tạng. Ông trở thành một vị thầy nổi tiếng. Ông kinh qua trải nghiệm delog trong nhiều ngày ở tuổi 88.
Năm 1932, ông ở trong thung lũng Ma, một thung lũng đẹp một cách kỳ lạ nằm dưới chân rặng núi thiêng hùng vĩ Amnye Machen. Một hôm ông bị một cơn bệnh nặng. Ông bỗng thấy những đám mây trên bầu trời có ánh sáng sặc sỡ. Ở giữa những đám mây đó, ông thấy Ngài Guru Rinpoche vây quanh có nhiều vị giác ngộ trong hình tướng an bình và phẫn nộ cùng với những vị đại sư thuộc phái truyền dạy giáo lý. Ông nghe Đức Phật Từ Bi nói với ông: “Con ạ”. Con đừng bị quẫn trí. Con hãy tập trung lên phía trên đây. Với lòng sùng kính, con hãy tụng câu chú sáu âm tiết (Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn) OM MANI PADME HUNG. Con sắp chứng kiến những kinh nghiệm của giai đoạn chuyển tiếp [bardo]”.
Chẳng bao lâu sau, từ hướng nam, thần Bạch y Hộ pháp với nước da trắng và dáng vẻ trẻ trung ngự trên những đám mây trắng trôi bồng bềnh về phía Tagla. Ngài mặc áo lụa trắng, tóc thắt búi trên đỉnh đầu. Ngài mang một cái túi lụa trắng trên vai. Từ thắt lưng của ngài có đeo lủng lẳng một con xúc xắc bằng ốc xà cừ (tức là một trong một cặp xúc xắc, dụng cụ bói toán của người Tây Tạng).
Rồi con Quỷ Đen Tối nước da màu đen cưỡi cơn lốc đi đến. Hắn mặc áo choàng màu sẫm và để tóc xõa rũ xuống. Hắn mang một cái túi màu đen trên vai, và đeo lủng lẳng từ thắt lưng xuống là một con xúc xắc màu đen làm bằng than.
Thần Bạch y Hộ pháp nói với Tagla: “Ta là Thần Bạch y Hộ pháp. Ta chăm sóc cho những chúng sinh thiện lành. Ta từ tòa án của Pháp vương của các Thần Chết đến đây để rước ngươi đi. Ngươi có sự tin tưởng nào để đối phó với giai đoạn trung ấm, tức là giai đoạn chuyển tiếp không? Ta có giữ bản ghi chép những hành vi thiện lành mà người ta tích lũy được”.
Lòng đầy tin tưởng, Tagla kể lại tất cả những trải nghiệm thiền định của ông, những điều ông nhận thức được, số lượng những lời cầu nguyện ông đã tụng đọc và những việc ông đã làm để phục vụ người khác. Ông ta bày tỏ niềm vui lớn lao được đi vào hành trình trung ấm và được gặp Pháp vương. Rồi Tagla cầu nguyện những đấng mà mình nương tựa, chư Phật và các vị lạtma, để xin phước lành phù trợ. Lúc đó, mọi đấng phù hộ xuất hiện đầy trời trước mắt ông ta. Tất cả đều cùng với Tagla tụng câu Chú Sáu Âm linh thiêng với giọng tụng và âm điệu du dương, vang khắp cả không gian.
Sau khi đã ban những lời giáo lý về giai đoạn chuyển tiếp, đức thầy chính của Tagla, Pema Dechen Zangpo, nói: “Bây giờ con hãy đi đi. Bản chất thiện lành bẩm sinh của con đang hiện ra như là Thần Bạch y Hộ pháp và ngài sẽ dẫn con đi”. Tagla nhìn thấy một tia sáng màu sắc như cầu vồng chạy dài về hướng Tây như con đường đưa đến cõi Tịnh độ Cực lạc của Đức Phật Vô Lượng Quang. Nhưng vị thầy chính của ông nói thêm: “Thời điểm con đi vào cõi Tịnh độ Cực lạc chưa đến”.
Quỷ Đen Tối rất giận dữ tiến đến gần Tagla. Hắn bác bỏ những hành vi thiện lành của Tagla, xem chúng là bất tịnh và kết tội ông đã làm nhiều hành động xấu xa. Hắn cố hăm dọa Tagla bằng cách miêu tả cuộc hành trình trung ấm khủng khiếp mà ông đang phải đối mặt. Tiếp đó, các sứ giả thực sự của tòa án của Pháp vương xuất hiện. Họ gồm có Awa Đầu Bò, vị Gây Hại Đầu Rắn và vị Hèn Nhát Mặt Khỉ.
Lúc đầu Tagla cảm thấy sơ hãi, nhưng ngay sau đó ông lấy lại được sự tự tin và nói: “Này Quỷ Đen Tối! Để bảo vệ cho vinh dự của những hành động thiện lành, ta phải bác bỏ những lời cáo buộc của ngươi”. Sau khi kể lại hết tất cả những việc đạo đức mà ông đã từng làm trong cuộc đời mình, Tagla kết luận: “Ta không có lý do gì để bị ngươi hăm dọa. Này Quỷ Đen Tối! Ngươi hãy câm miệng lại!”. Nghe nói vậy, Quỷ Đen Tối biến mất trong một cơn bão táp.
Rồi trong giây lát, Tagla thấy thân xác thật của mình nằm chết trên giường của mình ở nhà, chung quanh có bạn bè đang thương tiếc.
Nghĩ rằng: “Bây giờ không có cách gì mình có thể sống lại cả”, Tagla lòng buồn vô hạn. Lúc đó, vị Thần Bạch y Hộ pháp đến gần và nói: “Con sẽ chết một thời gian ngắn thôi. Con sẽ sớm sống lại”. Rồi Tagla bắt đầu cuộc hành trình qua giai đoạn chuyển tiếp của mình, có vị Thần Bạch y Hộ pháp đi theo cùng.
Đừng hoảng hốt:
Trải nghiệm của Changchub Seng-ge
Changchub sinh ra ở Lho Gyalwa. Thân sinh của ông ta người tỉnh Kham, và Tagla thường gọi tên ông là Nyatrug. Vì vậy, chắc hẳn ông ta là người ở vùng Nyag-rung của tỉnh Kham, Đông Tây Tạng.
Changchub bị bệnh. Ông ta hầu như không thể ra khỏi giường để uống nước được. Bỗng nhiên ông thấy mình đang trôi bồng bềnh trên bầu trời. Ngôi nhà của ông đang sụp đổ. Mỗi chân tóc, chân lông đều giống như một vật nhọn đâm xuyên vào người ông. Núi non, nhà cửa như đang đổ sụp xuống người ông. Dòng chảy của một con sông khổng lồ đang cuốn ông ta đi. Ông đang cháy trong một núi những ngọn lửa. Một cơn bão mạnh đang thổi ông bay đi. Hàng ngàn mặt trời đang mọc lên và đang đốt cháy ông, những tiếng hét đe dọa vang như sấm. Có vẻ như mỗi trải nghiệm kéo dài cả hàng ngàn năm. Chúng là những dấu hiệu cho thấy những thành tố của thân xác ông đang tan rã và sự hô hấp bên trong của ông ngừng lại. Khi sự hô hấp bên trong ngừng lại, năm nguồn sáng xuất hiện. Bỗng nhiên Changchub nhìn thấy được sự sáng tỏ, giống như mặt trời mọc lúc nửa đêm.
Ý thức rõ ràng đến nỗi nó giống như một ngọn đèn, nhưng nó không ổn định, giống như ngọn đèn chập chờn trong cơn gió bão. Ông cũng có thể nhìn thấy những đoạn đời tái sinh của ông trong quá khứ và trong tương lai.
Rồi sự bám luyến vào những đối tượng của tâm thức phát sinh trong ông và ông bỗng cảm thấy mình như đang bị đè bẹp dưới một tảng đá lớn. Ông có một ý nghĩ: “Ồ, ta phải đi vào trong một tòa lâu đài”. Bỗng nhiên ông thấy mình ngập trong ánh sáng màu đỏ. Việc này làm cho ông khiếp sợ, vì ông nghĩ rằng mặt của mình có thể bị tổn thương. Vào lúc đó, hai chùm ánh sáng ngũ sắc trải rộng ra. Chùm sáng ngũ sắc phía trên rất trong trẻo, sáng ngời, chói lọi và linh hoạt. Chùm phía dưới nhợt nhạt. Kể đến đây, Changchub có đưa ra những lời hướng dẫn cho người khác: “Vào lúc này, đừng có sợ hãi chùm ánh sáng ở phía trên. Đó là ánh sáng của năm trí tuệ nguyên thủy. Chùm ánh sáng phía dưới là ánh sáng của năm cảm xúc độc hại. Đừng để bị quyến rũ bởi nguồn ánh sáng phía bên dưới”.
Changchub thường nổi tiếng về những lời hướng dẫn như vậy. Chuyện kể của ông là một kho báu lời khuyên về những gì mà những người trợ giúp nên nói cho những thiền giả sắp chết như là một lời khai thị hay là một lời nhắc nhở về thiền định của họ. Và vì vậy, khi những nguồn sáng được miêu tả trên đây xuất hiện, Changchub khuyên chúng ta:
Đây là thời điểm cho những người bình thường thực hiện Phowa và cho những thiền giả đã đạt chứng ngộ cao thực hiện sự khai thị.
Về sự khai thị: Nếu một người [sắp chết] trợn ngược mắt lên, và nếu không còn những chuyển động hô hấp qua lỗ mũi, đó là dấu hiệu của việc ngừng hô hấp bên ngoài. Vào lúc đó [những người trợ giúp] nên gọi người đó bằng tên. Hãy chầm chậm kéo mớ tóc trên đỉnh đầu người đó một chút. Đừng để cho những người thân ở gần người sắp chết nếu họ đang khóc thương.
Hãy cho người sắp chết những lời hướng dẫn sau đây về những dấu hiệu tan biến của các thành tố vật lý: “Bạn có thể cảm thấy như ngôi nhà của mình đang đổ sụp xuống, nhưng nó không phải vậy. Đó là dấu hiệu của sự hô hấp bên ngoài của bạn ngừng lại. Đừng để cho tâm của mình dao động! Bạn có thể cảm thấy những vật nhọn đang đâm xuyên qua từng chân tóc, chân lông trên người mình, nhưng không phải vậy. Đó là dấu hiệu cho thấy các động mạch của bạn đã ngừng hoạt động. Bạn đừng sợ hãi”.
Khi thấy nước da màu hơi vàng, hãy nói: “Bây giờ bạn có thể cảm thấy như căn nhà như đang đổ sập xuống trên người bạn, nhưng không phải vậy. Đó là dấu hiệu những năng lượng của thịt tan biến thành thành tố đất ở bên ngoài. Bạn đừng lo lắng!”.
Khi nước da trở nên hơi đỏ, hãy nói: “Bây giờ bạn có thể cảm thấy bạn đang cháy trong một núi những ngọn lửa, nhưng không phải vậy. Đó là dấu hiệu thành tố hơi ấm ở bên trong tan biến thành thành tố lửa bên ngoài”.
Khi nước da trở nên trăng trắng, hãy nói: “Bây giờ bạn có thể cảm thấy như đang bị một con sông khổng lồ cuốn trôi đi, nhưng không phải vậy. Đó là dấu hiệu thành tố máu bên trong tan biến vào trong thành tố nước bên ngoài. Đừng khiếp sợ”.
Khi nước da trở thành có màu xanh lá cây nhạt, hãy nói: “Bây giờ bạn có thể cảm thấy như đang bị một cơn bão lớn cuốn đi, nhưng không phải vậy. Đó là dấu hiệu của hơi thở bên trong của bạn tan biến thành thành tố khí bên ngoài”.
Khi nước da trở nên có màu xanh dương nhạt, hãy nói: “Bây giờ bạn có thể cảm thấy như đang chìm vào đại dương, nhưng không phải vậy. Đó là dấu hiệu những thành tố bên trong của bạn đang tan biến thành khoảng không. Đừng hoảng hốt!”.
Sự miêu tả của Changchub về con đường ông đi qua giữa lúc kết thúc sự tan biến và sự phát khởi của bản chất tối hậu cũng như sự bắt đầu của giai đoạn trung ấm rất đặc biệt. Thường thường người ta đi qua những giai đoạn tan biến, sau đó thoáng thấy bản chất phát sáng, và rồi đi vào giai đoạn trung ấm. Nhưng trong trường hợp này, ngay cả sau khi nhìn thấy bản chất phát sáng, Changchub lại lần nữa trải qua giai đoạn tan biến. Như vậy, rõ ràng là có một số người sắp chết đi lui đi tới trước khi họ ra đi vĩnh viễn do ở bản chất nghiệp, cảm xúc và tâm thức của họ. Hoặc có lẽ họ đang đấu tranh để duy trì sự sống.
ĐỪNG SỢ HÃI, HÃY SẴN SÀNG
Bạn có thể lo lắng sau khi đọc chương này. Một phụ nữ Tây Tạng có lần nói với thầy giáo thọ của mình, một vị lạt-ma, rằng: “Khi tôi nghe nói về những phần thưởng dành cho những hành động tốt, tôi có nhiều hy vọng về chuyện giải thoát – ngay cả cho tôi. Nhưng khi tôi nghe nói về những hậu quả của những hành động xấu, tôi hoài nghi về chuyện giải thoát – ngay cả cho thầy”.
Trong khi chẳng có lợi gì nếu khiếp sợ những gì sẽ đến với chúng ta sau khi chết, thì chúng ta nên biết quan tâm và thận trọng trước khi quá muộn. Nghiệp có cái hay là chúng ta có thể cải thiện nó. Nếu chúng ta đang đi không đúng đường, chúng ta có thể quay cuộc đời chúng ta lại theo con đường đúng. Nếu chúng ta, ở trên con đường đúng, chúng ta có thể cải thiện hơn nữa. Chúng ta làm chủ định mệnh của mình. Có hàng trăm giáo lý khác nhau và hàng trăm vị có lòng từ bi sẵn sàng giúp chúng ta tự giúp đỡ chính mình.
Nhưng bước đi đầu tiên là phải biết và chấp nhận tính tất yếu của cái chết và những hậu quả đang chờ đợi chúng ta – trong lúc vẫn còn thời gian. Được như vậy, chúng ta có thể thực hiện mọi sự chuẩn bị cần thiết trong khi chúng ta đang sống. Chúng ta cần phải phát triển những thái độ tích cực và phục vụ tha nhân bằng những hành động có ích. Nếu chúng ta không chuẩn bị theo cách như thế này thì cái chết sẽ là một chuyện buồn, không những đánh dấu sự kết thúc những ngày sống ở đời mà còn cho thấy nguy cơ của một tương lai đau khổ hay thậm chí còn là địa ngục.
Tuy nhiên, nếu chúng ta sống tốt đẹp, cái chết chắc chắn sẽ là thời điểm ăn mừng. Nó sẽ đánh dấu sự chấm dứt tuổi già và bệnh tật và là thời điểm hé rạng hạnh phúc. Một số chúng ta có thể gặp được những chúng sinh giác ngộ có lòng từ bi vô biên và trí tuệ toàn giác dẫn dắt chúng ta đến những cõi thiên đàng đầy hỷ lạc như là Tịnh độ Cực lạc của Đức Phật Vô Lượng Quang mà chúng ta sẽ bàn đến trong các chương 7 và 9. Hơn nữa, nếu chúng ta là những thiền giả Mật tông đã chứng đạt cao, chúng ta có thể đạt đến thậm chí sự giác ngộ vào lúc chết trong giai đoạn gọi là giai đoạn bản chất tối hậu, sẽ được đề cập trong chương kế tiếp
Nhưng vấn đề quan trọng là chúng ta cần phải chuẩn bị cho cái chết và sau chết ngay từ bây giờ, không được trì hoãn. Nếu chúng ta thở ra mà không hít vào được thì cái chết đã đến rồi đó. Chúng ta rất gần với cái ngày chúng ta sẽ ăn mừng hay sẽ than khóc như vậy đó.