CHƯƠNG 3. BẢN CHẤT TỐI HẬU
Thoáng thấy được ánh sáng Quang Minh
Nền tảng của tâm, trí tuệ của sự an bình tối hậu
và là ánh sáng trong trẻo của sự bình an tối hậu.
Chúng ta phải sẵn sàng để nhận ra điều đó
khi chúng ta nhìn thấy nó rõ ràng lúc chết.
Cho dù chúng ta không duy trì được nó thì chỉ cần nhớ
về ánh sáng trong trẻo cũng sẽ làm giảm bớt đau khổ và si muội.
Sau khi chúng ta ngưng thở, thật tính của tâm xuất hiện và chúng ta trải qua điều được gọi là sự phát sinh hay là giai đoạn của bản chất tối hậu. Giai đoạn này (Tây Tạng: chonyi, Ch’os nyid) cho chúng ta thấy những cơ hội quan trọng để đạt được giải thoát, nhưng để nhận thức được những cơ hội này, chúng ta cần phải có đầy đủ khả năng về tu tập thiền định theo Mật tông ở trình độ cao như thực hành giáo lý Đại Viên Mãn của Phật giáo Tây Tạng (Dzogpa Chenpo hay Dzogchen). Những trải nghiệm được miêu tả trong chương này là những trải nghiệm của các thiền giả đã chứng đạt thâm sâu. Ngược lại, người bình thường sẽ chẳng có ý thức gì dù là trong một phần của giai đoạn bản chất tối hậu và rồi tỉnh dậy trong những ý niệm và cảm xúc thô thiển. Độc giả nào thấy chương này quá phức tạp thì có thể bỏ qua và đọc tiếp chương 4.
TRẢI NGHIỆM BẢN CHẤT TỐI HẬU LÚC CHẾT
Đối với các thiền giả đã tu tập viên mãn, giai đoạn bản chất tối hậu bắt đầu khi bản chất phát sáng của căn, thực tính của tâm, xuất hiện đúng như chính nó. Và giai đoạn này sẽ chấm dứt với sự tan rã của những ảo cảnh tự nhiên hiện diện. Trong một số truyền thống Phật giáo, như Tsele giải thích, bản chất ánh sáng của căn được xem như một phần của quá trình chết. Nhưng trong giáo lý Đại Viên Mãn (Dzogchen), nó được xem như một giai đoạn riêng. Trong sách này, tôi theo truyền thống Đại Viên Mãn Dzogchen.
Theo Phật giáo Mật tông, mỗi chúng sinh đều có Phật tính hay là giác tính trong bản chất thật sự của mình. Vì vậy, khi mọi ý niệm và cảm xúc tan hòa thành sự thanh tịnh nguyên thủy lúc chết thì ánh sáng trong trẻo của trí tuệ bẩm sinh sáng lên đối với mỗi chúng sinh. Thậm chí tâm của con côn trùng bé nhỏ nhất cũng sẽ trải nghiệm, ít nhất là trong giây lát ngắn ngủi, giác tính bẩm sinh của nó, bản chất phát sáng, và sự hiện diện tự nhiên của giác tính, những ảo cảnh phát sáng.
Nếu chúng ta là những thiền giả đã chứng đạt cao siêu về bản chất tối hậu của tâm, và đã sẵn sàng đạt đến chứng ngộ, chúng ta có thể thực hiện được và duy trì bản chất giác ngộ và những ảo cảnh như chúng vốn vậy, ở bất cứ giai đoạn nào của thời kỳ này. Chẳng hạn, khi thực tính xuất hiện, nếu chúng ta nhận biết được nó và làm hoàn thiện hay là duy trì sự nhận thức đó, chúng ta sẽ được giải thoát và được giác ngộ ngay lúc đó. Mọi chuyện cũng xảy ra như vậy đối với sự xuất hiện của những ảo cảnh ánh sáng tiếp theo sau – những ánh sáng, âm thanh, hình tướng của những chúng sinh thanh thản hay giận dữ, và của những thế giới hỷ lạc hay khổ đau. Nếu chúng ta có thể nhìn thấy chúng như là những ảo cảnh tự xuất hiện vốn tự nhiên phát sinh từ bản chất phát sáng, và nếu chúng ta duy trì được nhận thức đó, chúng ta sẽ đạt được giác ngộ. Chúng ta đạt được giác ngộ ở bất kỳ giai đoạn nào chúng ta nhận thức được chân lý, và duy trì được nhận thức đó mà không cần thiết phải đi xa hơn nữa qua giai đoạn trung ấm.
Mặc dù đạt được giác ngộ trong giai đoạn trải qua bản chất tối hậu đòi hỏi phải có tu tập thiền định Mật tông ở trình độ cao, nhưng ngay cả việc biết được bản chất của tâm ở mức độ khiêm tốn cũng có thể giúp chúng ta trong giai đoạn này. Việc nhận thức được chân lý không phải lúc nào cũng rõ ràng. Mặc dù điều này sẽ không thể trở thành sự giải thoát, nhưng sức mạnh của việc có được, thậm chí một chút trải nghiệm ngắn ngủi của thực tính và những hình tướng của nó cũng sẽ làm giảm bớt những nỗi sợ hãi và đau khổ của chúng ta khi đi qua giai đoạn trung ấm. Nó sẽ mang lại an lạc, tạo nên thiện nghiệp và đưa chúng ta đến một đời sống tương lai tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, nếu chúng ta không có hoặc có rất ít kinh nghiệm thiền định, chúng ta có thể sẽ không nhận thấy gì khi thực tính khởi sinh, bởi vì nó có thể quá xa lạ, thoáng qua nhanh hoặc là vô hình đối với chúng ta. Hoặc là nếu chúng ta có để ý thấy, chúng ta có thể trải nghiệm nó chỉ trong giây lát rất ngắn ngủi. Vì lẽ đó, bản chất tối hậu lóe sáng thoáng qua mà chúng ta không nhận ra nó, và phần lớn chúng ta rơi vào một tình trạng hôn mê sâu. Khi tỉnh lại, chúng ta bắt đầu trải nghiệm đủ mọi loại ảo cảnh, hiện tướng, âm thanh và tình cảm – một số đẹp và quyến rũ, một số khác thì xấu xí và dễ sợ. Nếu không tu tập thiền định, chúng ta bám chấp vào những ảo cảnh một cách chủ quan hoặc khách quan, thấy chúng như là thật, và trở nên sợ hãi hoặc bị lôi cuốn theo. Nếu như vậy, chúng ta nhất định sẽ tiếp tục đi qua hết toàn bộ chu kỳ của trung ấm, giai đoạn chuyển tiếp và tái sinh, như hầu hết chúng ta đều phải như vậy cả.
Đối với những thiền giả đã chứng ngộ, Phật giáo Tây Tạng cho ta thấy một sự miêu tả chi tiết về những trải nghiệm và những cơ hội họ có thể có được trong giai đoạn bản chất tối hậu. Trình tự và hình thức của những trải nghiệm này, như chuyện kể của các delog cho thấy, có thể thay đổi từ người này qua người khác. Tsele nói điều này xảy ra là bởi vì con người ta có những tính chất tinh thần, tình cảm và vật chất khác nhau. Nhưng nói một cách tổng quát, thời kỳ bản chất tối hậu có hai giai đoạn chính yếu: (1) bản chất ánh sáng tinh ròng của căn và (2) những ảo cảnh phát sáng hiện hữu tự nhiên.
Những giai đoạn này lại được trải nghiệm thành bốn giai đoạn phụ:
1. Hư không tan hòa thành (trở thành một với) ánh sáng trong trẻo. Giai đoạn này còn được gọi là sự tan hòa của “sự chứng đạt” (hay sự đen tối) thành “ánh sáng trong trẻo”. Vào thời điểm này, sự hô hấp bên trong đã ngưng lại, tâm và thân đã chia lìa, và tính biết của tâm chúng ta đã bay vào không gian như một tia sáng. Ý thức của chúng ta đã ra khỏi thân xác. Vào giây phút này, chúng ta trải nghiệm được ánh sáng trong trẻo của căn. Đây là ánh sáng trong trẻo của pháp thân. Nó là sự hợp nhất của tính trong sáng và thoáng đạt, giống như bầu trời trong vắt không có mây của một buổi sáng đầu mùa thu. Karma Chagme Rinpoche, một vị đại sư thế kỷ XVII, nói rằng khi sự đen tối biến mất, ánh sáng trong trẻo của căn xuất hiện. Nếu chúng ta có thể nhận ra được ánh sáng trong trẻo của căn, đúng như chính nó và có thể duy trì nhận thức đó, chúng ta sẽ đạt được giác ngộ.
Tất cả những nhận thức của ta về thế giới bên ngoài – về những sự vật như đất và đá chẳng hạn – sẽ biến dần đi. Những ảo cảnh phát sáng ở bên trong của bản chất tối hậu sẽ xuất hiện. Mọi hình ảnh sẽ sáng lên như những ánh sáng của năm trí tuệ nguyên thủy.
2. Ánh sáng trong trẻo tan hòa thành sự hợp nhất. Giai đoạn này là sự hợp nhất của tính không và những hiện tướng. Đây là ánh sáng trong trẻo của báo thân. Chúng ta sẽ nhìn thấy những hình tướng hiện diện tự nhiên của những chư thiên giận dữ. Chúng ta sẽ nghe những tiếng gầm rú của những âm thanh tự nhiên như tiếng sấm. Chúng ta sẽ chứng kiến một cơn mưa vũ khí của những tia sáng và ánh sáng. Ánh sáng của những hiện tướng phát sáng này là sức mạnh tự nhiên khởi sinh từ sự thanh tịnh và bản chất thoáng đạt của chính tâm chúng ta. Những âm thanh là sự biểu hiện tự nhiên của bản tâm chính chúng ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta không phải là những người đã chứng đạt, chúng ta có thể ngất xỉu vì sợ hãi những hình tướng và âm thanh này.
Hơn nữa, toàn thể vũ trụ có thể xuất hiện như một thế giới của những ánh sáng tỏa rạng, với những hình ảnh ánh sáng đẹp đẽ của những chư thiên thanh thản trong vô số vòng tròn ánh sáng ngũ sắc. Những chuỗi ánh sáng gồm rất nhiều tia sáng phát ra từ tim chúng ta và gặp gỡ tim của các chư thiên. Rồi tất cả các chư thiên nhập vào chúng ta, bởi vì trên thực tế họ là những khía cạnh của bản chất giác ngộ của chính chúng ta. Chúng ta đạt được giải thoát bằng cách nhận ra các ngài mà không có sự sợ hãi hay bám luyến như ngã tướng.
3. Sự hợp nhất tan hòa thành trí tuệ. Từ tim chúng ta trải ra những con đường ánh sáng rộng giống như những chùm ánh sáng có màu xanh dương, trắng, vàng và đỏ, con đường này nằm chồng lên trên con đường kia. Mỗi con đường giống chùm ánh sáng này được trang hoàng với một vòng tròn ánh sáng với màu sắc tương ứng có kích cỡ bằng cái gương soi , và vòng tròn ánh sáng này lại được trang trí bằng năm vòng tròn ánh sáng cỡ bằng hạt đậu. Những ánh sáng này là trí tuệ của cảnh giới tối hậu, trí tuệ như gương soi, trí tuệ của sự thanh thản và trí tuệ có tính phân biệt. Phía bên trên đó, chúng ta thấy một cái lọng làm bằng ánh sáng ngũ sắc, hay là năm trí tuệ (ngũ trí), giống như cái lọng bằng lông chim công.
Ở vào thời điểm này, chúng ta có thể đạt được ba sự giải thoát. Khi sự bám chấp vào “cái ngã” của thân đã được buông ra, chúng ta trụ trong tinh túy của bản chất tối hậu, tức là sự giải thoát của thân vào trong ánh sáng trong trẻo.
Khi chúng ta đã được giải thoát khỏi những yếu tố thô thiển và vi tế, nhận thức của chúng ta đã được giải thoát trở thành ánh sáng trong trẻo của cực lạc. Khi chúng ta đã thoát khỏi cả những cảm xúc thô thiển lẫn vi tế bị nhiễm bẩn, chúng ta nhận ra được khuôn mặt tự nhiên của giải thoát bằng cách hợp nhất với giác tính nội tại.
4. Trí tuệ tan hoà thành trạng thái của người nắm giữ tri thức hiện diện tự nhiên. Ở vào giai đoạn này, những ảo cảnh của trí tuệ, bốn con đường ánh sáng giống chùm tia sáng hợp nhất vào trong ánh sáng giống hình chiếc lọng ở trên. Rồi những hình ảnh biểu tượng sau đây hiện ra giống như sự phản chiếu trong tấm gương soi: chúng ta cảm nhận rằng mình đang nhìn thấy những hình tướng của pháp thân, tính thanh tịnh nguyên thủy, được tượng trưng bởi bầu trời trong vắt không mây. Dưới đó, chúng ta thấy những cõi tịnh độ của báo thân, sự thành tựu tự nhiên, được tượng trưng bởi hình tướng của chư thiên thanh thản và phẫn nộ. Bên dưới đó, chúng ta nhìn thấy những cõi tịnh độ của hóa thân trong nhiều biểu hiện khác nhau. Thấp hơn hết, chúng ta nhìn thấy thế giới của sáu cảnh giới bất tịnh. Vì tất cả đều tự nhiên xuất hiện và đều hiện hữu ngang nhau, và bởi vì tất cả đều xuất hiện trong bản chất từ bi, năng lực toàn trí toàn giác, nên không có sự phân biệt giữa luân hồi và niết bàn. Vào thời gian này, chúng ta cũng có thể trải nghiệm được nhiều Phật trí, chẳng hạn như sự tiên tri. Sau rốt, tất cả những ảo ảnh tự nhiên thành tựu này tan thành hay hoà nhập vào trong bản chất của chính giác tính nội tại giống như là ánh sáng của pha lê tan hòa thành tự thân pha lê vậy.
Ở vào giai đoạn này, điều quan trọng là phải sử dụng hai phương tiện chủ yếu của thiền quán. Trước hết, chúng ta phải nhận ra giác tính nội tại, bản chất của chính tâm chúng ta, như nó vốn là, giống như là chúng ta đang gặp lại một người bạn cũ thân tình. Nếu làm điều này, chúng ta sẽ ý thức được thực tính của mọi sự. Chúng ta sẽ vượt lên trên những quan niệm về “hiện hữu” và “không hiện hữu” và sẽ đạt đến Phật tính, tình trạng hằng giải thoát.
Trong giai đoạn thứ hai của thời kỳ bản chất tối hậu, những ảo cảnh phát sáng tự nhiên hiện diện, chúng ta phải nhận ra những hình ảnh của nhiều hình tướng và âm thanh khác nhau, như là những năng lượng tự nhiên hiện diện của tâm giác ngộ của chính chúng ta. Rồi những ảo cảnh sẽ xuất hiện như năm trí tuệ tự nhiên hiện diện và những Mạn đà la–Phật, không tách rời khỏi bản tâm giác ngộ. Nhưng nếu chúng ta thấy những hình tướng ánh sáng và âm thanh như là những đối tượng tách biệt khỏi chính bản tâm, sự chấp ngã của chúng ta đối với những ảo cảnh với quan niệm nhị nguyên sẽ khiến cho những ảo cảnh đó xuất hiện như là những hiện tượng khác nhau của những nhận thức thô thiển và những phiền não trong cảm xúc và thế giới của năm yếu tố thô lậu. Chúng ta có thể choáng ngất vì sợ hãi hoặc bị trói buộc vào với chúng. Rồi chúng sẽ trở thành nhiên liệu cho nhiều vòng sinh tử luân hồi hơn. Guru Rinpoche khuyên:
Khi giai đoạn bản chất tối hậu bắt đầu đến với tôi,
Buông bỏ hết mọi nỗi sợ hãi và kinh hoàng,
Ta sẽ nhận biết mọi sự xảy ra như là những hiện tượng tự xuất hiện của chính giác tính nội tại.
Và ta sẽ ý thức được chúng chỉ là những biểu hiện của bản chất tối hậu.
Jigme Lingpa khuyên:
Nếu ngươi phân tích trạng thái của bản chất tối hậu,
Có nhiều khía cạnh.
Nhưng nếu ngươi chỉ phân tích chính cái kẻ phân tích, ngươi sẽ không tìm thấy một điều gì hiện hữu ở một nơi nào cả.
Rồi bạn hãy buông bỏ cả khái niệm “không hiện hữu”.
Đây là trạng thái giải thoát hoàn toàn.
Longchen Rabjam khuyên:
Giác tính nội tại khởi sinh hoại diệt không ngừng,
Đất, nước, lửa và gió tan hòa thành khoảng không.
Rồi khoảng không tan hòa thành ánh sáng trong trẻo.
Vào lúc đó, sáu giác quan của căn bản thức (a lại da thức) tan hòa thành cảnh giới tối hậu.
Tâm của ngươi sẽ bị tách rời khỏi thân.
Giác tính nội tại của ngươi sẽ không còn bị ràng buộc bởi các hiện tượng.
Thân tối hậu, sự thanh tịnh nguyên thủy vĩ đại, được giải thoát khỏi những khái niệm, sẽ xuất hiện.
Vào lúc đó, nếu ngươi có thể nhận ra [trạng thái giác ngộ của] việc tu tập thiền định mà ngươi đang trải qua,
Rồi không bị chướng ngại, ngươi sẽ được giải thoát chỉ trong phút chốc.
Đây là sự chứng đạt thân tối hậu hoàn toàn thanh tịnh.
Tuy vậy, nếu ngươi chẳng thể nhận ra được sự khởi sinh [của thân tối hậu],
Thì sự khởi sinh của những ảo cảnh phát sáng, sự khởi sinh của căn thức, sẽ xuất hiện.
Không gian sẽ tràn đầy âm thanh, ánh sáng và những tia sáng cùng [hình tướng] các chư thiên thanh thản và giận dữ.
Nếu ngươi có thể nhận ra tất cả như là tự phát khởi, ngươi sẽ được giải thoát vào trong trạng thái nguyên thủy, sự đạt ngộ.
Vì vậy, biết được rằng tất cả những hiện tượng đều là tự khởi sinh [ánh sáng của chính ngươi] là điều rất quan trọng.
Nhận ra được thực tính của chúng đúng như chính chúng, ngươi sẽ đạt Phật tính.
Longchen Rabjam đã viết:
Một hành giả đang đạt được giải thoát trong chính cuộc đời này
Khiến cho yếu tố đất tan hòa thành nước, nước thành lửa, lửa thành khí, khí thành ý thức, và ý thức thành ánh sáng trong trẻo;
Rồi kết hợp với [sự hợp nhất của] trí tuệ và cảnh giới tối hậu, Hành giả đạt được sự vĩnh cửu trong trạng thái nguyên thủy.
Vì lợi ích của tha nhân, giống như giấc mộng, với trí tuệ và hai thân Phật,
Hành giả sẽ xuất hiện trước chúng sinh như những vị Phật để giúp đỡ họ.
Nếu chúng ta là những thiền giả theo giáo lý Mật tông, một người trợ giúp đang giúp đỡ chúng ta trong giai đoạn đi qua bản chất tối hậu có thể nhắc nhở chúng ta về thiền định của chúng ta. Chagme Rinpoche đã viết:
[Người trợ giúp] sẽ kề bên tai bạn Lặp lại ba lần câu này:
“Ánh sáng trong trẻo của căn đã phát sinh trong bạn,
Vì vậy hãy trụ lại trong sự quán chiếu của mình…
Hiện thân của chư Phật:
Thầy của bạn và bản chất tối hậu của tâm bạn đã trở thành một.
Bây giờ bạn hãy nhìn hướng vào tâm mình.
Tính không của tâm bạn là vị thầy, là thân tối hậu [pháp thân]
Bản chất trong sáng của tâm bạn là vị thầy, thân thọ dụng [báo thân].
Sự xuất hiện của nhiều thị hiện khác nhau là vị thầy, thân thị hiện [ứng thân]”.
Người trợ giúp cũng có thể giải thích những hình ảnh của bản chất tối hậu. Chagma Rinpoche đã viết:
Bốn phương, chính giữa, trên, dưới chứa đầy ánh sáng, những tia sáng, và những quả cầu ánh sáng.
Bầu trời có vô số chư thiên hiền hòa
Đang tỏa ra sự trong sáng, những tia sáng, sự huy hoàng, và oai nghiêm.
Từ những trái tim [của chư thiên] những con đường của năm trí tuệ
Với những tia sáng lấp lánh rực rỡ đang chạm đến trái tim của bạn.
Đi cùng với những ánh sáng này là những con đường của sáu cảnh giới luân hồi
[Vốn cũng là hình tướng của những ánh sáng ngũ sắc] nhưng không rực rỡ.
Đừng đi theo những con đường ánh sáng mờ đục của sáu cõi.
Khi ngươi nhìn thấy chúng.
Hãy đi theo những con đường ánh sáng rực rỡ của năm trí tuệ.
Hãy thành kính cầu nguyện chư Phật của Ngũ bộ Như Lai.
Sau đó, những chư thiên, những da-ki-ni và những vị hộ pháp của riêng ngươi sẽ đến
Với tám bộ trang phục nghĩa địa và chín biểu hiện
Với những âm thanh du dương, những âm HUNG và PHAT vang như sấm,
Các Ngài lay động và làm cho cả thế giới rung chuyển.
Các Ngài đã đến để chào đón ngươi đi vào giai đoạn chuyển tiếp.
Ngươi đừng sợ hãi hay hoảng loạn và hãy xem các Ngài là những chư thiên của riêng ngươi.
Họ sẽ dẫn ngươi đến những cõi trời thanh tịnh.
Sau đó vô số chư thiên uống máu phẫn nộ
Sẽ đến để chào đón ngươi đến với giai đoạn chuyển tiếp.
Trông họ thật khiếp đảm và không thể nào chịu đựng được, và họ đang gầm rú HUNG và PHAT giống như hàng ngàn tiếng sấm cùng lúc.
Toàn bộ bầu trời, không gian và trái đất sẽ đầy những chư thiên phẫn nộ này.
Họ tung xuống như mưa những vũ khí bằng tia sáng vừa la hét Giết, Đánh.
Họ sẽ vây quanh ngươi như vây một con thú bị bắt, và ngươi sẽ không thoát đi đâu được cả.
Tuy nhiên, họ không phải từ một nơi nào khác đến.
Họ là vô số chư thiên của thân ngươi.
Đừng sợ hãi hay hoảng loạn vì họ,
Tưởng lầm những thế lực chào đón như những kẻ thù của ngươi.
Ở thời khắc quyết định này,
Đừng bỏ chạy mà hãy phát sinh lòng sùng kính các vị này.
Trong cả hai giai đoạn chết và phát sinh bản chất tối hậu này, chúng ta nhìn thấy nhiều loại ánh sáng và hiện tượng. Những người đã chứng ngộ nhìn thấy và cảm nhận chúng ở bình diện nhất thể, không phải với nhận thức chủ thể - khách thể. Họ có thể nhìn thấy và trải nghiệm hàng trăm sự việc cùng một lúc, không nhất thiết là bằng mắt hay bằng tai, mà bằng toàn bộ cơ thể, với mọi hiện tượng sinh động trước họ ngay lập tức. Tất cả các hiện tướng là hiện tướng của an bình, hỷ lạc, nhất thể, khoáng đạt, trong hình tướng thanh thản hoặc phẫn nộ. Không có sự phân biệt tốt xấu, không có giới hạn của việc này việc nọ, không có mâu thuẫn của ham muốn và oán ghét, không đau khổ hay phấn khích. Chứng ngộ càng cao thì người ta càng có thể nhìn thấy đầy đủ đồng thời một sự việc. Ngược lại, phần đông người bình thường trải nghiệm sự việc rất hạn chế, lẫn lộn, đau khổ và sợ hãi trong những giai đoạn này của cái chết.
Độ dài mà những người bình thường nhìn thấy, nếu họ quả thật nhìn thấy được, những hình ảnh khác nhau của bản chất tối hậu lâu hay mau, tùy thuộc hoàn toàn vào thiên hướng cá nhân và kinh nghiệm thiền định của họ. Tsele viết: “Giải thoát bằng lắng nghe (Liberation by Hearing) [đôi lúc còn được gọi là Tử thư Tây Tạng (Tibetan Book of the Dead)] và những kinh văn khác kể chuyện về những người chết nhìn thấy gia đình Ngũ bộ Như Lai. Phật như là gia đình của Bất Động Tôn Như Lai (Akshobhya) và đoàn tùy tùng trong đêm thứ nhất [hoặc tuần thứ nhất của cái chết] và Bảo Sinh Phật trong đêm thứ hai [hoặc tuần thứ hai]. Nhiều người chấp nhận chuyện này như là chu kỳ ngày và đêm bình thường. Tuy nhiên, trên thực tế, việc nhìn thấy những vị Phật này phụ thuộc vào khả năng của thiền định, và người bình thường sẽ thấy các Ngài trong khoảnh khắc mà thôi”.
Khi đọc về ánh sáng trong những cảnh miêu tả sau khi chết, nhiều người trong chúng ta có thể nghĩ rằng: “Ồ, đúng vậy. Ánh sáng này chắc hẳn là những chùm ánh sáng hoặc những hiện tượng giống như ánh sáng mặt trời xuất phát từ một nơi nào đó”. Nhưng với nhận biết thật sự, chúng ta không nhận thức những ánh sáng này như là những đối tượng – những đối tượng của nhãn thức – hay là những hiện tượng sinh ra từ một nguồn đặc biệt nào đó hoặc xuất phát từ một nơi nào khác. Ánh sáng là sự trong trẻo và ánh sáng trong trẻo, vốn là sự an bình, hỷ lạc, hạnh phúc, khoáng đạt, nhất thể và toàn trí. Ta là ánh sáng và ánh sáng là ta: tất cả là một. Đây là sự hợp nhất của trí tuệ hiện diện tự nhiên, vốn là ánh sáng trong trẻo của bản chất tối hậu và của những ảo cảnh phát sáng tự nhiên xuất hiện từ trí tuệ. Do đó, ánh sáng này cũng được gọi là tuệ quang. Mức độ của sự trong suốt, an bình, khoáng đạt và toàn trí toàn thức của tuệ quang mà chúng ta trải nghiệm tùy thuộc vào mức độ thiện nghiệp trong quá khứ và sự sâu sắc về nhận thức của chúng ta. Nguyên tắc này chính là nền tảng, từ đó Phật giáo Mật tông nói đến những quan niệm như là bất nhị, ánh sáng tự nhiên, tuệ quang, sự trong suốt, tự nhiên xuất hiện, hiện diện tự nhiên, tự hiện diện, tự khởi sinh, Phật và tịnh độ, trạng thái bất sinh và trạng thái toàn giác.
Tất cả chúng ta có tiềm năng để giác ngộ trong giai đoạn bản chất tối hậu nếu chúng ta có thể nhận biết, hoàn thiện và duy trì thực tính của sự thanh tịnh nguyên thủy – sự hợp nhất của bản chất thoáng đạt và những hiện tượng tự nhiên xuất hiện, ánh sáng nội tại. Nhưng đạt được một sự giác ngộ như thế là không thể được trừ phi chúng ta đã thành tựu được nó trong cuộc đời nhờ thiền định. Vì thế, bây giờ là lúc chuẩn bị cho cuộc hành trình vĩ đại của mình, trong khi mình còn sống.
CHUYỆN KỂ CỦA NHỮNG DELOG
VỀ GIAI ĐOẠN BẢN CHẤT TỐI HẬU
Trong những chuyện kể của họ ở ngôi thứ nhất, nhiều delog không nói đến những trải nghiệm của họ về bản chất tối hậu. Không hiểu là họ không nhận ra bản chất đó bởi vì kinh nghiệm thiền định của họ không đủ uyên thâm, hay là họ cố ý không nói đến vì những trải nghiệm như vậy chỉ liên quan đến các thiền giả chứng đạt cao mà thôi. Những chuyện kể sau đây là ngoại lệ: chúng có miêu tả trải nghiệm về bản chất tối hậu; nhưng thay vì chứng đạt giác ngộ, tất cả những delog này đều tiếp tục đi qua giai đoạn chuyển tiếp – giai đoạn trung ấm. Có lẽ họ không thể duy trì được bản chất tối hậu vì nhận thức của họ chưa được hoàn thiện hoặc họ có thể muốn đi vào trung ấm để giúp đỡ những người khác ở đó. Điều thú vị là nhiều chi tiết trong những chuyện kể này khác nhau, vì vậy rõ ràng là những người kể chuyện không chỉ đơn thuần lập lại điều họ đã học. Điều này cho thấy rõ rằng ngay cả một thiền giả cũng không nhất thiết sẽ nhìn thấy và nhận ra mọi sự giống hệt như được miêu tả trong giáo lý.
Ánh sáng hiện diện tự nhiên:
Trải nghiệm của Lingza Chokyi
Chúng ta đã tạm ngưng đọc chuyện kể của Chokyi ở chương 2 khi bà đã kinh qua trải nghiệm việc tan hòa và bước vào một trạng thái trong đó không có sự hồi niệm. Khi bà ra khỏi trạng thái đó sau một khoảng thời gian không xác định được, bà nhìn thấy một luồng ánh sáng ngũ sắc có hình dáng như một cái mũ sắt phía trên đầu của bà. Từ ngay giữa luồng sáng đó, chiếu ra nhiều tia sáng màu đỏ. Cuối mỗi tia sáng đó, có một chúng sinh thân người và đầu thú, mặc đồ khác nhau. Đôi mắt mở rộng của chúng lớn như mặt trời và mặt trăng. Chúng đang vung lên đủ mọi loại vũ khí và gầm lên: “Đánh! Đánh! Giết! Giết!”. Chokyi hết sức khiếp sợ.
Vào lúc đó, bà nhớ lại rằng một vị lạt-ma đã dạy bà: “Những thứ ánh sáng con sẽ nhìn thấy là ánh sáng tự thân, ánh sáng hiện diện tự nhiên của chính con. Những tia sáng là tia sáng tự thân. Những hình ảnh là hình ảnh tự thân. Âm thanh là âm thanh tự thân. Tất cả đều là sự tỏa sáng tự thân của chính tâm con. Bà suy nghĩ: “Như vậy chúng không có thật!”. Vào lúc đó, chúng biến mất hết. Mọi sự sợ hãi của bà đều lắng dịu cả.
Một thân ánh sáng vô thân:
Trải nghiệm của Dagpo Trashi Namgyal
Chúng ta đã đọc trong chương 2 rằng Dagpo nhìn thấy sự xuất hiện của trạng thái phát sáng, trong trẻo như bầu trời không mây. Giá như ông ấy nhận ra được trạng thái đó, hẳn là ông ta đã đạt được Phật tính. Sự tự do như bầu trời thoát khỏi những rối rắm chi li là pháp thân. Ánh sáng trong trẻo thanh tịnh là báo thân. Năm cảm xúc phiền não đã khởi sinh thành năm trí tuệ. Rồi ông ấy sẽ trải nghiệm cực lạc viên mãn lớn lao đến nỗi cả bầu trời cũng không chứa hết.
Tuy nhiên, tâm của Dagpo trở nên lầm lẫn, và ông ta nhìn thấy những luồng ánh sáng như là những đối tượng. Ông nhìn thấy đủ mọi loại ánh sáng trắng, vàng, đỏ, xanh lá cây. Thân của ông không còn như trước nữa; nó đã trở thành một thân ánh sáng. Mọi sự rất hỷ lạc và nhạy bén. Chỉ cần nghĩ đến bất cứ một nơi nào đó là ông ấy có thể đi đến nơi đó.
Năm loại ánh sáng đi theo cùng ông. Ánh sáng bên phải ông màu trắng. Ánh sáng bên trái có màu sẫm. Ánh sáng phía trước màu vàng.
Ông đi bất cứ đâu những ánh sáng đó đều đi theo ông.
Rồi ông nhìn thấy một ngôi nhà, ông đi vào và ngồi trong đó. Ngôi nhà có chín lối ra vào: bảy cửa cộng với một lối ra vào phía trên và một lối phía dưới. Tâm ông đầy sợ hãi khi ông nghĩ: “Đây chắc hẳn là thân của ta”. Rồi ông thực hiện Phowa và hét lên HIK! Ngay tức khắc, ông thoát ra khỏi thân mình và đến được một thiên giới thanh tịnh.
Những ảo cảnh của bản chất tối hậu:
Trải nghiệm của Tsophu Dorlo
Ở phần cuối chuyện kể của Tsophu Dorlo ở chương 2, ông ấy đã đi vào trong một trạng thái tối đen. Kế đó ý thức của ông đã tan thành ánh sáng trong trẻo, và ông trải nghiệm được niềm vui tự nhiên. Rồi ánh sáng trong trẻo của con đường và ánh sáng trong trẻo của căn – được gọi là ánh sáng trong trẻo của mẹ và con – hợp nhất lại thành một. Ông trụ lại rất lâu trong trí tuệ tự tính.
Vào lúc đó, những hình ảnh của bản chất tối hậu khởi sinh tự nhiên trong ông. Tất cả những nhận thức đều trở thành Phật tướng và ánh sáng.
Không gian trở thành ánh sáng màu xanh dương. Ngay chính giữa và trong bốn hướng, Dorlo nhìn thấy hình ảnh của Ngũ bộ Như Lai gia đình Phật và cõi tịnh độ của các Ngài. Tháp tùng chư Phật là các vị Bồ tát đệ tử, những vị giữ canh gác cửa, sáu vị Phật, nhiều da-ki-ni và những vị đạo sư. Dorlo cũng nhìn thấy những hình ảnh gia đình Ngũ bộ Như Lai phẫn nộ cùng với những đệ tử của các Ngài. Cuối cùng, những hình ảnh của bản chất tối hậu chấm dứt.
Trong bào thai của một thân ánh sáng:
Trải nghiệm của Samten Chotso
Samten Chotso 19 tuổi trải nghiệm thấy những tinh chất trắng và đỏ của thân cô tụ lại ở tim cô và ý thức của cô được bọc gọn lại giữa những tinh chất đó. Ngay sau đó xuất hiện trí tuệ không vướng bận niềm vui nhục dục. Vì cô nhận ra nó và trụ lại trong nó mà không xao nhãng, vô minh của cô tiêu tan.
Cô cảm thấy mình đã đạt được trạng thái của Đức Phật Vô Lượng Quang. Rồi cô trải nghiệm thấy ánh sáng trong trẻo giống như bầu trời không có mây. Cô đã viết trong chuyện kể của cô: “Nếu chúng sinh nhận ra ánh sáng trong trẻo này, họ sẽ được giác ngộ. Nhưng điều đáng buồn là vì không biết đến ánh sáng trong trẻo này, họ đã bị mắc kẹt trong bánh xe luân hồi vô minh”.
Ngay giây phút đó thân cô trở thành một thân ánh sáng. Những hiện tượng trở thành một khối ánh sáng ngũ sắc. Cô cảm thấy là cô ở trong bọc của một thân ánh sáng. Có chín cửa sổ trong thân đó, từ đáy lên đỉnh.
Kế đó cô nghe tiếng của Ngài Guru Padmasambhava đang tụng bài chú của Ngài. Từ cái “cửa sổ trên đỉnh” (chổ hở trên sọ) có những tia sáng chiếu xuống, phần lớn là màu trắng. Cô kể lại, “Tôi nhìn thấy Ngài Guru Padmasambhava ở đó giữa những luồng ánh sáng”.
Hướng dẫn cho những người trợ giúp:
Trải nghiệm của Changchub Seng-ge
Chúng ta có thể trợ niệm người khác đi qua giai đoạn bản chất tối hậu như thế nào? Chúng ta có thể tham khảo câu chuyện Changchub, kể về trải nghiệm của ông và những lời khuyên rõ ràng từng bước một. Ông nói rằng, khi hô hấp bên trong của người sắp chết đã ngừng lại và họ đã bắt đầu nhìn thấy bản chất ánh sáng của căn và những ảo cảnh phát sáng của bản chất tối hậu, người trợ niệm nên nói với người sắp chết như sau:
Đối với những thiền giả đã chứng ngộ, bạn hãy nói: “Xin ông/bà [hoặc tên người đó] hãy trụ lại trong thiền định của mình không xao nhãng. Thời khắc chết đã đến với ông/bà rồi. Xin cứ thiền định đừng dao động. Bây giờ hãy quan sát tâm của mình. Tâm của ông/bà có hình, dạng hay màu sắc gì không? Không. Nó không có hình, dạng hay màu sắc gì cả. Tâm của ông/bà không có gì để bám chấp vào cả. Bản chất đó là sự hợp nhất của tính trong sáng và tính không. Hãy tỉnh giác an trụ trong sự hợp nhất đó mà không dao động. Tất cả những âm thanh ông/bà nghe đều là âm thanh tự thân. Mọi thứ ánh sáng ông/bà nhìn thấy là ánh sáng tự thân. Tất cả những tia sáng ông/bà nhìn thấy đều là những tia sáng tự thân. Xin đừng hoảng sợ hay bực tức gì vì những âm thanh, ánh sáng và những tia sáng đó. Hãy an trụ trong thiền định mà không dao động”.
Rồi hãy cầu nguyện để cầu xin sự phù hộ của chư Phật và các đạo sư. Sự hướng dẫn và những lời cầu nguyện này sẽ giúp thiền giả đang hấp hối đạt được giác ngộ.
Đối với những thiền giả bình thường, bạn hãy nói: “Này con [hoặc tên]. Con có thể thấy một ngôi nhà đổ sập xuống. Nhưng không phải vậy. Đó là dấu hiệu cho thấy hô hấp bên trong của con đang ngừng lại và tâm của con đang ra khỏi thân con. Ngay khi tâm con ra khỏi thân, con sẽ nhìn thấy ánh sáng ngũ sắc vây quanh con. Đừng sợ và hoảng loạn. Nếu con nhận ra họ, họ là ánh sáng của Ngũ bộ Như Lai. Nếu con không nhận ra họ thì đó là ánh sáng của những Thần Chết. Vì vậy, con đừng khiếp sợ”.
“Xin con hãy nghe cho kỹ. Trong số những ánh sáng mà con sẽ nhìn thấy, có năm loại ánh sáng. Ở giữa ánh sáng màu xanh dương, sự si muội của con sẽ xuất hiện dưới hình tướng một Người Đầu Gấu. Đừng sợ hãi Ngài mà hãy sùng kính Ngài. Ngài là Phật Tỳ Lô Giá Na (Vairochana). Con hãy nhận biết Ngài như vậy”.
“Một lần nữa, ở giữa ánh sáng màu trắng, sân hận của con sẽ xuất hiện dưới hình tướng một Người Đầu Rắn. Xin con đừng căm ghét Ngài. Ngài là Phật Kim Cương Tát-đỏa (Vajrasattva). Con hãy nhận biết Ngài như vậy”.
“Một lần nữa, ở giữa ánh sáng màu vàng, sự kiêu căng của con sẽ xuất hiện dưới hình tướng một Người Đầu Cọp. Con đừng sợ hãi Ngài. Ngài là Phật Bảo Sinh (Ratnasambhava). Hãy đem lòng sùng kính Ngài”.
“Một lần nữa, ở giữa ánh sáng màu đỏ, sự bám luyến của con sẽ khởi sinh dưới hình tướng một Người Đầu Đại Bàng. Hãy đừng khiếp sợ Ngài. Ngài là Đức Phật Vô Lượng Quang. Hãy đem lòng sùng kính Ngài”.
“Một lần nữa, ở giữa ánh sáng màu xanh lá cây, lòng ghen ghét của con sẽ phát sinh dưới hình tướng của một Người Đầu Khỉ. Ngài là Đức Phật Bất Không Thành Tựu Phật (Amogasiddhi). Con hãy nhận biết Ngài như vậy”.
“Năm ánh sáng này là ánh sáng của năm vị Phật. Nếu con sợ các Ngài, các Ngài sẽ trở thành những con đường đưa con đến những cõi thấp kém. Con đừng sợ các Ngài và đừng bỏ chạy”.
“Ôi, con của gia đình thiện hảo! Con có thể cảm thấy rằng [thay vì năm con đường ánh sáng] con phải đi một con đường hẹp, nhưng xin con đừng đi đường đó. Nó sẽ đưa con sinh vào cõi địa ngục. Con cũng có thể thấy một dòng sông đầy tro nóng. Dòng sông đó sẽ đưa con sinh vào cõi ngạ quỷ. Con có thể thấy một cái đầm lầy đầy chất dơ bẩn. Cái đầm đó sẽ đưa con sinh vào cõi thú vật. Con có thể nhìn thấy một lối đi vào một con đường giống cái ống đồng đầy mùi thơm của thức ăn. Con đường đó sẽ đưa con tái sinh vào cõi người. Con có thể thấy một con đường đầy những vũ khí sáng loáng. Con đường đó sẽ đưa con sinh vào cõi a-tu-la. Con cũng có thể thấy một con đường với nhiều cổng và những bánh xe của những vũ khí bén nhọn. Con đường đó sẽ đưa con tái sinh vào cõi chư thiên. Xin con đừng đi theo những con đường đó.
“Thay vào đó, xin con hãy đi lên qua đường kinh mạch trung tâm của thân con, đường kinh mạch này mở rộng ở trên đỉnh đầu. Phía trên đầu con là Đức Phật Kim Cương Trì (Vajradhara Buddha) có nước da màu xanh dương”.
Là người trợ niệm, bạn nên thiền định về việc hợp nhất tâm của bạn và tâm của người chết. Rồi hét lớn lên tiếng PHAT nhiều lần, hòa nhập tâm hợp nhất vào trong tâm trí tuệ của Đức Phật Kim Cương Trì. Rồi hãy suy tưởng trong thể nhất với Đức Phật Kim Cương Trì. Hãy liên tục trụ lại trong trạng thái suy tưởng đó càng lâu càng tốt. Cuối cùng hãy đọc những bài ước nguyện.
Trạng thái cực lạc:
Trải nghiệm của Dawa Drolma
Dawa Drolma nói đến trải nghiệm của bà về bản chất tối hậu trong hai dòng. Bà ấy nói: “Kết quả là, tâm của tôi mở vào trong một trạng thái cực lạc, bản chất tối hậu, hoàn toàn thanh thoát, giống như bầu trời. Nói cách khác, giống như bầu trời không vướng phải những thứ bất tịnh, bản chất tối hậu cũng hoàn toàn không vướng phải những định danh khái niệm và cảm xúc”. Chắc hẳn đây là trải nghiệm ánh sáng trong trẻo của căn, đúng như chính nó. Rồi bà ấy nói: “Một mãnh lực liên tục của trạng thái đó, căn phát sáng, tự nhiên khởi sinh dưới hình thức một sự biểu lộ hoàn toàn thanh tịnh. Chắc hẳn đây là sự trải nghiệm những ảo cảnh phát sáng“.
Rồi Dawa Drolma có cảm giác như mình đang leo mỗi lúc mỗi cao hơn vào trong một không gian mơ hồ, nhanh như một con chim kền kền bay vút lên qua bầu trời.
Cảm giác buồn bã:
Trải nghiệm của Karma Wangdzin
Karma chết trong bảy ngày. Câu chuyện delog của bà mang tính triết lý hơn những chuyện khác. Nó giải thích rằng những ảo cảnh và những cảm xúc đầy sợ hãi chỉ là những nhận thức phản chiếu bởi tâm bất an của chính chúng ta. Như chúng ta sẽ thấy trong những trải nghiệm giai đoạn trung ấm được kể ở chương 5, bà miêu tả lại rất chi tiết một nơi mà người ta chờ đợi đến lượt mình được gọi vào để chịu sự phán xét.
Karma nghe giọng một phụ nữ gọi tên bà: “Karma Wangdzin!”. Mặc dù Karma Wangdzin là Pháp danh của bà được một vị lạt-ma đặt cho, mọi người vẫn thường gọi bà bằng cái tên mẹ bà đặt cho là Lhawang Putri. Tuy nhiên, ở thời điểm này người ta gọi bà bằng Pháp danh của bà. Tiếng người phụ nữ tiếp tục: “Này, Karma Wangdzi, bây giờ bà đã đến thế giới kế tiếp rồi. Sự vô thường của cuộc sống và những trải nghiệm về cái chết đều đã xảy đến với bà. Bà không biết sao? Đừng bám luyến và ham muốn cái thân như huyễn của mình nữa. Hãy nâng cao tâm của mình lên để đến với bản chất tối hậu”.
Nghĩ rằng “mình đã chết rồi!”, Karma ngước nhìn lên. Bà nhìn thấy phía trên đầu mình một lỗ mở có ánh sáng chiếu xuyên qua giống như bà đang ở trong một chiếc bình và nhìn thấy một lỗ ở phía miệng bình. Chỉ cần nhìn thấy lỗ mở đó bà tức khắc ra khỏi nơi đen tối qua cái lổ đó. Bà thậm chí không cần phải nghĩ đến chuyện đi lên và thoát ra; tự nhiên nó xảy ra như vậy. Khi bà thoát ra được rồi, bà có cảm giác như mình vừa ra khỏi một cái hang có cây cối bao quanh. Sự thật là bà vừa thoát ra từ một lỗ mở ở trên đầu đầy tóc của bà, nhưng bà không hay biết chuyện đó.
Trên bầu trời, cách cái “hang” khoảng vài chục phân, bà nhìn thấy một quả cầu ánh sáng màu trắng, bọc trong ánh sáng màu sắc sặc sỡ, giống như con mắt của cái lông công. Từ quả cầu đó, những tia sáng phát ra khắp mọi hướng. Ngay khi nhìn thấy quả cầu đó, bà cảm thấy trong người mình có một cảm giác cô độc và buồn bã.
TIỀM NĂNG TUYỆT VỜI CỦA CHÚNG TA
Sinh ra ai cũng có bản chất tối hậu cả và nó là nền tảng của tâm chúng ta. Tuy vậy, phần đông chúng ta hầu như không thể nhận thức được sự rực rỡ của nó – chứ đừng nói gì đến khả năng có thể hợp nhất với nó sau khi chết. Tôi hy vọng rằng chương sách này đã cho các bạn thấy được đôi nét tiềm năng tuyệt vời của chúng ta trong việc nhận thức được chân lý lúc ta chết nếu chúng ta dốc lòng thiền quán về bản chất của tâm. Những người đã đạt được chứng ngộ được miêu tả ở đây cũng đều đã bắt đầu như những người bình thường chúng ta. Rồi họ đã dành cả cuộc đời mình quán chiếu và duy trì được nhận thức về bản chất tối hậu.
Tuy nhiên, chỉ thực hành thiền định chút ít thôi cũng sẽ giúp ta rất nhiều khi ta chết. Nếu chúng ta có thể nhìn thấy đôi chút bản chất tối hậu lúc ta đang còn sống hay vào lúc ta chết, thì điều này sẽ tạo ra phước đức vô cùng để đẩy chúng ta hướng đến một tương lai đầy an lạc.
Ngay cả thiền định và cầu nguyện đơn giản cũng ngấm sâu vào tâm chúng ta. Khi những lớp đó tách ra lúc chúng ta chết hoặc đi vào những trạng thái sâu hơn của ý thức, những thành quả thiền định của chúng ta sẽ hiện rõ ra.
Pema Ozer, một phụ nữ phương Tây, mới thực hành đạo Phật được vài năm thì phải vào bệnh viện để trải qua một cuộc đại phẫu. Hồi còn bé, những giây phút hạnh phúc nhất của bà là đi xe ngựa dọc theo những con đường quê cùng với ông của bà. Sau khi ông mất, bà vẫn luôn tưởng tượng rằng đến lúc bà chết, ông của bà sẽ đi xe ngựa đến đón bà. Quả đúng như vậy, khi ý thức của bà bắt đầu trôi dạt đi khi bà nằm trên bàn mổ, bà nhìn thấy ông của bà đang chờ bà ở ngã tư đường trên chiếc xe ngựa. Bà sắp bước lên xe với ông thì Đức Phật hiện ra. Ngài đi lui đi tới dọc theo con đường để khuyên ngăn bà đừng đến với ông của bà. Ngài khuyến khích bà tiếp tục thở. Bà tiếp tục thở và hôm nay bà vẫn mạnh khỏe. Có thể giải thích rằng cho đến thời điểm đó, mặc dù bà Pema Ozer chỉ mới thực hành một thời gian tương đối ngắn nhưng kinh nghiệm thiền định của bà đã phát huy tác dụng.
Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải quán chiếu về bản chất của tâm càng nhiều càng tốt trong lúc chúng ta còn sống.