Trong một cuộc phỏng vấn được ghi lại trong tập sách ʹ
Một Tu Sĩ Bình Dịʹ (
ʹA Simple Monkʹ, nxb New World Library, 2001, tr. 51), đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 có nói:
ʹTôi có cảm giác nao nức với ý nghĩ rằng [một ngày kia], cái chết thật sự sẽ đến với tôi và tôi sẽ đuợc sống qua kinh nghiệm đó.ʹ Chúng ta có thể nghĩ rằng đó là lời lẽ tự tin của một bậc đại cao tăng đã giác ngộ, của một bậc hóa thân có thể kiểm soát và làm chủ được cái sống, cái chết của mình. Ý nghĩ lạc quan của đức Đạt Lạt Ma cho chúng ta cảm giác rằng cái chết, đối với Ngài, nhẹ nhàng và có phần nào tươi vui! Tựa hồ một người biết rằng mình có đôi cánh nhiệm mầu đựng sau cái túi nải vẫn thường đeo sau lưng, khi ngày giờ đến, sẽ hớn hở leo lên một chiếc cầu vồng rồi từ đó mà vút cánh bay vào bầu không gian vô tận.
Nhưng sự thật thì không phải như vậy vì để có được một tâm thức an nhiên và lạc quan khi nghĩ về cái chết, ngay từ lúc bé, đức Đạt Lai Lạt Ma đã được huấn luyện để hiểu về cái chết, và từ đó đến nay, vẫn thường xuyên thực tập hằng ngày để chuẩn bị cho sự ra đi của mình. Để có được sự chuẩn bị chu đáo và cảm giác nao nức kia, đức Đạt Lai Lạt Ma cho chúng ta biết thêm rằng:
ʹ
Trong nhiều năm qua, qua sự tu tập hằng ngày của tôi, tôi đã chuẩn bị cho một cái chết tự nhiên tất sẽ đến. Rất nhiều công phu thiền định của tôi [trong hiện tại] là những tập dợt cho kinh nghiệm [kinh qua cái chết] này [trong tương lai].ʹ Nói cho cùng, không phải chỉ riêng đức Đạt Lai Lạt Ma, mà cả một truyền thống Phật Giáo Tây Tạng cũng thường xuyên ʹtập dợtʹ như thế. Không những chỉ tập dợt mà Phật Giáo Tây Tạng còn bỏ công nghiên cứu tỉ mỉ về cái chết và tiến trình của cái chết với một cặp mắt hết sức khách quan và khoa học, bao gồm những tìm hiểu chính xác về sự hoại diệt của thân vật lý dựa trên cả hai nền tảng y lý và tâm linh.
Suốt hơn 80 năm nay, sau khi tập
ʹThe Tibetan Book of the Deadʹ tức ʹ
Tử Thư Tây Tạngʹ (Tạng ngữ:
‘Bardo Thodol’) được ông W.Y. Evans‐Wentz phiên dịch qua Anh ngữ lần đầu vào năm 1927, từ đó đến nay, những lời giảng dạy về
ʹbardoʹ tức cõi trung ấm hay trung giới đã được khai triển và quảng bá ở nhiều nơi trên thế giới. Nhiều tài liệu khác viết về
ʹbardoʹ của các đại sư Tây Tạng cũng được chuyển ngữ và hiệu đính. Trong cộng đồng Phật Giáo Việt Nam của chúng ta cũng thế, chúng ta bắt đầu có được một sự hiểu biết trung thực hơn về cái chết và về thân trung ấm qua những kinh sách được phiên dịch qua tiếng Việt viết về tiến trình của cái chết dựa trên văn bản gốc
ʹBardo Thodolʹ. Một điều mà trong chúng ta ít người chú ý đến, là xuất xứ lịch sử của bản văn ʹ
Bardo Thodolʹ. Trên thực tế, nguyên tác ʹ
Bardo Thodolʹ mang một cái tên gốc rất dài nhưng tựu chung có nghĩa là ʹ
Đại Giải Thoát Qua Sự Lắng Nghe Trong Cõi Trung Ấm (ʹThe Great Liberation Through the Hearing in the Bardoʹ). Vậy thì ai là người đầu tiên đã giảng dạy về ʹbardoʹ, về cõi trung ấm và được truyền thừa cho tới tận ngày nay?
Người đó không ai khác hơn là Padmasambhava, một vị đại hành giả xuất thân từ xứ Uddiyana, vùng Tây Bắc nước Ấn thời Cổ, ngày nay nằm giữa ranh giới lãnh thổ hai nước A Phú Hãn và Pakistan.
Tục truyền rằng đức Padmasambhava đã đản sanh ra từ một bông hoa sen trên hồ Dhanakosha ở xứ Uddiyana. Người Việt chúng ta gọi Ngài là đức Liên Hoa Sanh. Nhưng với người Tây Tạng thì không như thế, Phật Giáo Tây Tạng tôn sùng ngài không khác gì tôn sùng đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Họ xem ngài như là ʹĐức Phật Thứ Hai” [“Phật Tái Lai”]. Họ có rất nhiều tên gọi cho ngài, trong đó Liên Hoa Sanh là một.
Nhưng một cái tên phổ thông mà người Phật tử Tây Tạng yêu chuộng nhất lại là một cái tên rất đơn giản và trìu mến. Họ gọi ngài là ʹ
Guru Rinpoche.’
Tranh hoạ đức Liên Hoa Sanh Padmasambhava được lưu trữ tại http://www.mahayana.it/index1.html?nyingma.html Guru Rinpoche có nghĩa giản dị là ʹĐạo Sư Tôn Quý.ʹ Truyền thống Phật Giáo Tây Tạng coi đức Liên Hoa Sanh, Padmasambhava là vị đạo sư, hay ʹbổn sưʹ tôn quý, không khác gì chúng ta vẫn thường gọi đức Phật Cồ Đàm là Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, và coi ngài như vị Thầy ʹgốcʹ của chúng ta.
Lý do rất dễ hiểu bởi vì đức Liên Hoa Sanh là người đã thành công trong công cuộc truyền bá Phật Giáo ở xứ Tây Tạng vào khoảng cuối thế kỷ thứ 8, và đã có công khai ngộ cả dân tộc Tây Tạng khi đó còn đang chìm đắm trong bóng tối của bạo lực và tà thuật. Đức Liên Hoa Sanh cũng là người đã có công xây dựng tu viện Phật Giáo đầu tiên tại Tây Tạng – tu viện Samye, và là người đầu tiên đã truyền dạy về cõi trung ấm.
Hình chụp tu viện Samye được lưu trữ tại http://cc.purdue.edu/~wtv/tibet/temple.html Dưới sự hướng dẫn của đức Liên Hoa Sanh, đại đa số những lời truyền dạy của ngài đã được thánh nữ Yeshe Tsogyal cẩn thận ghi chép lại trên những cuộn giấy mỏng màu vàng, và sau khi được chính đức Liên Hoa Sanh niêm phong và ấn ký cẩn mật, đã được cất dấu tại nhiều nơi ở Tây Tạng. Trước khi trở thành vị phối ngẫu tâm linh và cũng là người đã chứng đắc được hết những giáo pháp thâm cao của đức Liên Hoa Sanh, Yeshe Tsogyal đã từng là một nàng công chúa Tây Tạng thiếu may mắn và đã phải trải qua không biết bao nhiêu là bể dâu nhục nhằn.
Những tài liệu mà thánh nữ Yeshe Tsogyal ghi chép lại được gọi là những ʹkho tàng ẩn mậtʹ (Tạng ngữ:
terma). Chúng ta có thể gọi những gì Yeshe Tsogyal ghi chép lại là những ʹđịa tàng kinhʹ (earth
terma) vì đây là những tàng kinh được cất dấu trên vách đá, trong khe núi, nơi hang động hoặc dưới hồ nước, ngược lại với ʹtâm tàng kinhʹ (mind
terma) là những tàng kinh đã được đức Liên Hoa Sanh ấn ký lại trong tâm thức của những vị đại đệ tử của ngài.
Vào thế kỷ thứ 14, ʹđịa tàng kinhʹ hướng dẫn về ʹ
bardoʹ hay trung ấm đã được ngài Karma Lingpa, là hoá thân của một trong 25 vị đại đệ tử của đức Liên Hoa Sanh, phát hiện lần đầu trên đỉnh đồi Gampodar khi mới vừa 15 tuổi. Gampodar là nơi vị đại tăng lừng lẫy tên Gampopa đã dựng lên một tu viện lớn và khai mở giòng truyền thừa Kagyu của Phật Giáo Tây Tạng. Điều đáng chú ý là Karma Lingpa là một hành giả thuộc giòng ʹCổ Mậtʹ Nyingma nhưng hầu như tất cả các đệ tử của ngài lại đều xuất thân từ giòng ʹKhẩu Truyềnʹ Kagyu và tu tập theo truyền thống Kagyu. Do đó, cả hai giòng Nyingma và Kagyu đều rất chú tâm vào việc khai triển những hướng dẫn về cõi trung ấm và giữ cho giòng truyền thừa không bị gián đoạn.
Nhờ vào những hướng dẫn của đức Liên Hoa Sanh và xuyên qua những chứng nghiệm tâm linh của các đại hành giả đã chứng đắc, bắt đầu từ thế kỷ 14 đến nay, cái chết và cõi trung ấm đã trở nên rất gần gũi, quen thuộc trong đời sống tâm linh cũng như đời sống văn hoá của toàn thể dân tộc Tây Tạng. Người Phật tử Tây Tạng được nghe giảng về sự liên hệ mật thiết giữa một đời sống tỉnh thức và cái chết, được học về những chi tiết liên quan đến cái chết ngay khi họ còn đang yêu đời, trẻ trung và khỏe mạnh, chứ không phải đợi đến lúc già yếu, đau ốm bệnh tật với cái chết cận kề rồi thì họ mới bắt đầu chú ý tìm hiểu về giai đoạn trung ấm.
Tranh họa ngài Karma Lingpa thuộc bản quyền của Wisdom Publications Boston Trong Sáu Pháp Tu Du Già của Naropa có riêng một pháp
yoga đặc biệt để hướng dẫn hành giả thực tập tỉnh thức và tận diệt sợ hãi trong giai đoạn trung ấm gọi là ʹ
bardo yoga.ʹ Để bổ túc, họ còn thường xuyên thực tập thêm đại pháp ʹchuyển di thần thứcʹ gọi là ʹ
Phowaʹ để đến khi chết, họ có thể tự phóng xuất thần thức của họ lên cõi tịnh độ của đức Phật A Di Đà. Trong những gia đình Tây Tạng, khi có người quá vãng, gia đình thường tổ chức thỉnh mời một vị lạt ma đến tận nhà để tụng đọc toàn bộ bản văn
ʹBardo Thodolʹ hay
ʹĐại Giải Thoát Qua Sự Lắng Nghe Trong Cõi Trung Ấmʹ để hướng dẫn thần thức người chết trong suốt 49 ngày liền. Mỗi ngày, phần kinh liên hệ đến ngày đó trong toàn bộ ʹ
Bardo Thodolʹ được xướng lên bên tai người chết, cả gia đình quây quần lắng nghe.
Bản văn này hướng dẫn cặn kẽ người đã chết về những biến chuyển đang xảy ra trong tâm thức họ qua từng ngày một, nhắc nhở cho họ biết họ đang ở trong trạng thái nào, ngày thứ nhất chuyện gì xảy ra, ngày thứ hai chuyện gì xảy ra, phải buông xả như thế nào, phải trực diện tâm họ như thế nào, phải tỉnh thức và không sợ hãi trước những hình tướng, âm thanh và màu sắc do tâm họ phóng ra như thế nào...
Nói tóm lại, nguời chết được hướng dẫn để nhận biết ra được:
(1) Khi nào tịnh quang của chân tánh (clear light) xuất hiện để có thể hoà nhập vào đó và đạt được giải thoát;
(2) Làm thế nào để vãng sinh vào cõi tịnh độ nếu đã để lỡ cơ hội không nhận được ra tịnh quang;
(3) Làm thế nào để đóng hết mọi cửa luân hồi nếu đã để lỡ cơ hội vãng sinh vào cõi tịnh độ; và
(4) Nếu không đóng được cửa luân hồi thì làm sao để có thể tái sinh vào một khung cảnh an bình, trong một môi trường sống thấm nhuần đạo pháp, lợi lạc cho việc tiếp tục tu học.
Tàng kinh ʹ
Bardo Thodolʹ không chỉ là một kho tàng tôn giáo. Nếu nhìn một cách toàn diện hơn thì đó còn là một kho tàng văn hoá đặc trưng. Bản văn đó đã đi sâu vào đời sống của người dân Tây Tạng và gắn liền với tâm thức chung của toàn thể dân tộc Tây Tạng. Giống như Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du đã cưu mang cái tâm thức ʹtruân chuyênʹ của cả dân tộc Việt Nam qua suốt bao thăng trầm lịch sử, thì
ʹBardo Thodolʹ cũng thế, đã chuyên chở tâm ʹcầu được giác ngộʹ của người Tây Tạng trong hơn 8 thế kỷ nay.
Ngoài ra, điều quan trọng hơn nữa là tàng kinh
ʹBardo Thodolʹ vừa được coi là tài liệu hướng dẫn cho người chết, vừa là tài liệu hướng dẫn cho người sống, vì sự liên hệ giữa sống và chết quả rất mật thiết, không thể tách rời. Nếu khi còn sống, chúng ta không để cho tâm mình dễ bị tán loạn, chạy theo vọng tưởng điên đảo thì khi ra đi, chúng ta hoặc có thể nhận biết ra được ánh tịnh quang và đạt được giải thoát vào giây phút đó, hoặc có thể sẽ an nhiên tự tại, không sợ hãi nao núng trước bao âm thanh, ánh sáng và hình tướng xuất hiện dồn dập truớc mắt ta. Chúng ta sẽ có đủ tỉnh thức để trực diện tâm mình, đủ tỉnh thức để lựa chọn, và an trụ trong sự lựa chọn của Giác Tánh do bởi khi chúng ta còn sống, chúng ta cũng đã chuẩn bị và ʹtập dợtʹ kỹ lưỡng cho màn cuối cùng của vở kịch này rồi. Truớc sau như một, chúng ta lúc nào cũng thủ vai chính, và có trách nhiệm với những lựa chọn của mình.
Kinh sách đã có ghi và, qua công phu tu tập chứng đắc, nhiều bậc đại sư cũng đã giảng giải rằng, giai đoạn trung giới ngay sau khi hơi thở vi tế cuối cùng bên trong của ta vừa chấm dứt và tịnh quang của chân tánh bắt đầu ló dạng
(bardo of Dharmata), đó chính là ʹthời gianʹ dễ dàng và thuận lợi nhất để chúng ta có thể đạt được giải thoát, phá tung màn lưới sinh tử luân hồi!
Thời gian này có thể kéo dài trong vòng 2 đến 3 ngày rưỡi sau khi hơi thở cuối cùng chấm dứt, nhưng đối với những ai không tu tập để tỉnh thức trong lúc sống, không ʹtập dợtʹ nhuần nhuyễn để có thể nhận ra được ánh tịnh quang vào lúc chết và an trụ trong đó như ‘mẹ và con hội ngộ’, thì thời gian thuận lợi nhất để được giải thoát này sẽ chỉ vèo qua trong một thoáng ngắn ngủi, rồi chúng ta lại sẽ bị rơi vào trạng thái mê muội rối rắm lập đi lập lại nhiều lần cho đến khi chúng ta tìm ra đuợc nẻo tái sinh.
Toàn bộ bản văn
ʹBardo Thodolʹ rất dài và rất tỉ mỉ, chỉ dẫn và khai triển từng li từng tí về cái chết và về trung ấm. Người ta có thể tụng từng phần một mỗi ngày, mỗi ngày một đoạn, nhưng không thể mỗi ngày mỗi tụng từ đầu chí cuối. Do đó, với ý nguyện giúp cho chúng ta có thể làm quen và thấm nhuần những chỉ dạy về cái chết và trung ấm trong đời sống hằng ngày, nhiều bậc đạo sư đã bỏ công soạn ra những bản văn cầu nguyện và hộ niệm tương đối ngắn gọn và cô đọng để mỗi ngày chúng ta có thể tụng đọc từ đầu đến cuối.
Một ví dụ được đưa ra ở đây là bản văn
ʹNgọn Đèn Soi Sáng Con Đường Giải Thoát: Kinh Nhật Tụng Dựa Trên Hướng Dẫn Về Thân Trung Ấmʹ mà đại sư Tsele Natsʹog Rangdrol (thế kỷ 17) soạn ra và được chuyển ngữ chỉ là một trong vô số những bản văn hoặc bài nguyện về ʹbardoʹ và cái chết mà các đạo sư Tây Tạng đã trước tác trong nhiều thế kỷ qua để hướng dẫn học trò của mình, dựa trên những lời khai thị của đức Liên Hoa Sanh trong tàng kinh ʹ
Bardo Thodolʹ hay ʹTử Thư Tây Tạngʹ.
Tác giả của
ʹNgọn Đèn Soi Sáng Con Đường Giải Thoátʹ, đại sư Tsele Natsʹog Rangdrol, sinh vào năm 1608 và là một vị hoá thân với một kiến thức về đạo pháp lẫy lừng. Ngài nổi tiếng đức độ và đã đắc được hết tất cả các pháp của thế gian và siêu thế gian. Người ta nói, ngài có thể nắm gọn được hết những giáo pháp của tất cả các giòng truyền thừa, đặc biệt là giòng Kagyu và giòng Nyingma, dễ dàng như trong lòng bàn tay.
Tranh họa đại sư Tsele Natsʹog Rangdrol được lưu trữ tại http://www.rangjung.com/authors/tsele‐info.htm Ngài đã bỏ ra rất nhiều năm ẩn tu và ngồi thiền trong cùng những hang động và núi đá mà trước đây đại sư Gotsang Gonpo Dorje—tiền thân của ngài—một đại hành giả thuộc giòng Drukpa Kagyu, đã từng ngồi. Ở tại những hang động và núi đá này, ngài đã đắc quả. Ngoài một số luận giải rất nổi tiếng về
ʹbardoʹ, những trước tác của đại sư Tsele Natsʹog Rangdrol về hai pháp Đại Thủ Ấn
(Mahamudra) và Đại Viên Mãn
(Dzogchen) của hai giòng Kagyu và Nyingma còn là những kinh liệu vô cùng sâu sắc đã được ngài khai triển bằng một lối viết hết sức sáng sủa, mạch lạc.
Theo truyền thống Kim Cang thừa của Phật Giáo Tây Tạng, liên hệ thầy trò trong việc tu học của mỗi hành giả là một liên hệ tối ư mật thiết. Vị thầy được xem là hiện thân toàn vẹn của Tam Bảo. Khi đứng trước mặt thầy, ta phải nghĩ rằng ta đang đứng trước một Ứng Thân Phật. Tâm thầy đồng với tâm Phật, và khi tâm ta đồng với tâm thầy thì tâm ta cũng là tâm Phật. Phật Giáo Tây Tạng có pháp tu
ʹguru yogaʹ (Bổn sư Du già) mà từ đức Đạt Lai Lạt Ma trở xuống cho đến các vị đại sư, tăng ni và hành giả, ai ai cũng đều phải huân tập. Theo pháp
ʹguru yogaʹ, hành giả quán tưởng vị thầy ʹgốcʹ, sư phụ, hay ʹbổn sưʹ của mình chính là hiện thân của đức Liên Hoa Sanh Padmasambhava hoặc là hiện thân của một vị Phật hay Bổn Tôn khác, là hiện thân của Tam Bảo, của chư Như Lai đã tựu thành. Sau đó, hành giả thiền quán để thấy tâm mình hoà vào với tâm thầy, tức tâm Phật. Chư Phật thì xa, nhưng vị thầy gốc của ta thì gần. Giải thích một cách nôm na, khi tâm ta đồng với tâm thầy, thầy trở thành ʹtrụ điệnʹ để giúp giòng điện hiện còn đang thấp kém của ta bắt được vào giòng điện ʹcao thếʹ của chư Phật.
Do đó, hầu hết các lời kinh tụng, lời nguyện của Phật Giáo Tây Tạng đều nhắc đến hoặc vị sư phụ ʹgốcʹ trước tiên, kèm theo sau đó là phần quán tưởng và khẩn cầu ngài. Bản văn nhật tụng
ʹNgọn Đèn Soi Sáng Con Đường Giải Thoátʹ do đại sư Tsele Natsʹog Rangdrol soạn ra cũng không nằm ngoài thông lệ này; đức Liên Hoa Sanh được nhắc đến trước tiên để quán tưởng và khẩn cầu.
Tuy nhiên, đối với Phật tử người Việt nếu không cảm thấy quen thuộc hay thoải mái với truyền thống kể trên, thì dựa trên hướng dẫn của đại sư Garchen Rinpoche ban cho Phật tử người Việt tại trung tâm Drikung Mahayana Center tại Maryland vào năm 2002, đại sư Garchen Rinpoche dạy rằng, trong khi đọc tụng các bài nguyện, ở nơi nào trong bài tụng có nhắc đến vị ʹthầy gốcʹ hay ʹđức Liên Hoa Sanhʹ chẳng hạn, thì Phật tử theo truyền thống Đại thừa Việt Nam có thể thay thế bằng hồng danh của chư Phật, Bồ tát, hay hồng danh đức Phật A Di Đà hay đức Quán thế Âm, là hai vị Phật và Bồ tát mà phần lớn người Việt chúng ta cảm thấy gần gũi nhất.
Ví dụ, thay vì tụng:
Bạch Thầy, bậc đạo sư hướng dẫn tâm linh, Thầy chính là hiện thân toàn vẹn của Phật, Pháp, Tăng vô cùng hiếm quý, nơi con quay về nương tựa. Con xin khẩn nguyện với tâm tha thiết chí thành, xin Thầy hãy mở lòng từ bi đoái tưởng đến con và che chở cho con thoát khỏi những hãi hùng trên ngõ thoát chật hẹp xuyên qua thân trung ấm. Chúng ta có thể tụng:
Nam mô Phật Pháp Tăng vô cùng hiếm quý, Nơi con quay về nương tựa. Con xin khẩn nguyện với tâm tha thiết chí thành, Xin đức từ phụ A Di Đà
hãy mở long từ bi đoái tưởng đến con, và che chở cho con thoát khỏi những hãi hùng trên ngõ thoát chật hẹp xuyên qua thân trung ấm. Ví dụ, thay vì tụng:
Hết lòng tin tưởng vào ý nghĩa trọng yếu của lời Thầy dạy, xin cho con không đi tìm kiếm một bào thai tanh hôi của cõi ta bà, mà sẽ chuyển di thần thức của con đến cảnh giới Liên Hoa trang nghiêm tịnh độ. Chúng ta có thể tụng:
Hết lòng tin tưởng vào ý nghĩa trọng yếu của lời Phật dạy, xin cho con không đi tìm kiếm một bào thai tanh hôi của cõi ta bà mà sẽ chuyển di thần thức của con đến cảnh giới Tây Phương trang nghiêm tịnh độ. Ngoài việc phải tụng đọc những bài nguyện nhắc nhở phát Bồ Đề tâm, rèn luyện tâm hay các bài nguyện quy ngưỡng của giòng truyền thừa, các đại sư Tây Tạng cũng thường hay khuyến khích đệ tử mỗi ngày truớc khi đi ngủ, nên đọc một bài kinh hướng dẫn về cái chết và hướng dẫn về giai đoạn trung ấm để chuẩn bị cho giây phút vô thường, và để rèn luyện một tâm thức an nhiên, vô ngại.
Trong chiều hướng này, nếu chúng ta có thể học thuộc lòng một bài nguyện (ví dụ như bài
ʹNgọn Đèn Soi Sáng Con Đường Giải Thoátʹ) để hằng đêm trước khi nhắm mắt trôi vào giấc ngủ, chúng ta có thể tụng đọc—dù là xướng tụng trước bàn thờ, hay là tụng thầm trong đầu khi đã ngả lưng xuống giường thì việc làm này cũng sẽ đem đến vô cùng lợi lạc không thể nghĩ bàn.
Khi chuyển ngữ bản văn này qua Việt ngữ, người viết có tâm nguyện cầu cho tất cả những ai đọc được hoặc nghe thấy được sẽ không còn chút sợ hãi khi nghĩ đến cái chết, không sợ hãi khi phải một mình kinh qua kinh nghiệm chết, không sợ hãi khi trực diện tâm mình, và đủ tỉnh thức để có được những lựa chọn sáng suốt không mê muội trong cõi trung giới.
Nguyện cho tất cả chúng sinh đem được cái chết vào con đường Đạo.
Tâm Bảo Đàn mạo muội soạn Lời Giới Thiệu trên đây cho bản Việt ngữ của bài nguyện “Ngọn Đèn Soi Sáng Con Đường Giải Thoát” để chia sẻ với các Phật tử người Việt tại Maryland, Hoa Kỳ lần đầu tiên vào ngày 5 tháng 11, 2003.