2. Phần Hai - 2.1 Khai Thị Và Hướng Dẫn Về Giai Đoạn Lìa Đời Và Thân Trung Ấm
2.1 Đức Liên Hoa Sanh Khai Thị Về Thân Trung Ấm
Trích Trong Tuyển Tập ʹKhai Thị Của Đức Liên Hoa Sanh: Tuyển Tập Những Huấn Thị Của Padmasambhava Dành Cho Thánh Nữ Yeshe Tsogyal Và Những Đệ Tử Tâm Truyền Khácʹ
Trích ʹLời Mở Đầuʹ
Những giáo huấn được tổng hợp trong tuyển tập ʹKhai Thị Của Đức Liên Hoa Sanhʹ là những lời hướng dẫn truyền khẩu do chính đức Liên Hoa Sanh truyền lại để chỉ dạy cho những vị đệ tử tâm truyền của ngài ở tại Tây Tạng. Phần lớn, những giáo huấn này là để trả lời cho những câu hỏi của thánh nữ Yeshe Tsogyal, [trong quá khứ bà đã từng là] công chúa xứ Kharchen (Tây Tạng). Yeshe Tsogyal đã ghi chép lại tất cả những lời khai thị này và cất giấu tại nhiều nơi như những bảo tàng kinh (terma) quý báu, với chủ ý để cho người đời sau khám phá hoặc khai quật vào những thế kỷ sau đó. Hầu hết tất cả những phẩm đoạn được trích ra trong toàn bộ giáo huấn của đức Liên Hoa Sanh đều nói rằng mục đích của những bảo tàng kinh này là để đem lại lợi lạc cho tất cả hành giả của những thế hệ tương lai, và trên hầu hết các bảo tàng kinh đều có ghi thêm hàng chữ sau đây:
ʹTrong tương lai, nguyện xin cho những giáo huấn này đến được với tất cả những ai là người xứng đáng và có túc duyên!ʹ
Tuyển tập ʹKhai Thị Của Đức Liên Hoa Sanhʹ là một tài liệu giảng dạy song song với tuyển tập ʹNhững Giáo Huấn Dành Cho Không Hành Nữʹʹ (‘Dakini Teachings,’ Shambhala Publications, 1989). Đây cũng là một trong những nỗ lực liên tục để quảng bá những giáo huấn của đức Liên Hoa Sanh đến với quần chúng hiện đại, giúp họ có cơ hội áp dụng những chỉ dạy này vào đời sống hằng ngày. Đức Liên Hoa Sanh là một vị đạo sư vĩ đại, là người đã khai lập Phật Giáo tại Tây Tạng vào cuối thế kỷ thứ tám. Tập sách ʹLiên Hoa Sanhʹ (‘Lotus Born,’ Shambhala Publications, 1993) có ghi lại đầy đủ chi tiết tiểu sử cuộc đời của ngài.
Tuyển tập ʹKhai Thị Của Đức Liên Hoa Sanhʹ là tập hợp những lời giảng dạy truyền khẩu của một vị thầy vĩ đại vào bậc nhất của truyền thống Kim Cang Thừa, được gom góp lại từ những bảo tàng kinh khác nhau. Những bảo tàng kinh này, tuy được nhiều người khác nhau khám phá ra trong một chuỗi thời gian kéo dài nhiều thế kỷ tại nhiều địa điểm khác nhau [ở Tây Tạng], nhưng ngôn ngữ sử dụng, mạch văn, và cách hành văn của những tài liệu này lại giống nhau gần như khuôn đúc.
Phẩm 6 [được trích đoạn trong phần chánh văn dưới đây] đến từ bảo tàng kinh mang tên Gongpa Sangtal, là một hệ bảo tàng kinh rất nổi tiếng do ngài Rigdzin Gödem (1337‐1408) khám phá. Đây là vị tổ của trường phái Jangter; Jangter có nghĩa là ʹbảo tàng kinh phương Bắc,ʹ một truyền thống của phái Cổ Mật Nyingma. Rigdzin Gödem có nghiã đen là ʹbậc minh trì với lông linh thứuʹ. Ngài đã được đặt cho danh hiệu này vì vào năm lên 12 tuổi, có 3 vệt lông chim thứu mọc ra trên đỉnh đầu, đến năm 24 tuổi, lại thấy có thêm 5 vệt lông chim thứu nữa mọc ra. Ngài là hoá thân của Dorje Dudjom ở vùng Nanam, là một trong 9 vị đại đệ tử thân tín của đức Liên Hoa Sanh, và cũng được xem như là một trong 5 vị pháp vương của bảo tàng kinh.
Trích Đoạn Chánh Văn
Phẩm 6: ʹThe Treasury of Precious Jewels to Dispel Hindrances, Replies to Questions from Yeshe Tsogyalʹ tức ʹKho Tàng Châu Bảo Để Xua Tan Chướng Ngại, Những Câu Trả Lời Cho Yeshe Tsogyalʹ (pp. 80 ‐ 83)
... Khi cái chết đến cận kề, con sẽ hoàn toàn bị sức mạnh của ʹnghiệp tái tạoʹ dẫn dắt và chi phối; do đó, điều tối quan trọng là làm thế nào để có thể tạo được những chuỗi nhân tiếp nối tốt lành. Hãy quên đi tất cả những việc làm tệ hại [trong quá khứ], và chỉ nghĩ nhớ đến tất cả những việc làm tốt đẹp, những thiện hành mà thôi. Hãy nhất tâm an trú vào một phương pháp hành trì nào mà con đã thuần thục, và trong bất kỳ một giây phút nào, hãy xả bỏ mọi kinh nghiệm vọng tưởng. Nói tóm lại, vào giây phút lià đời, điều tối quan trọng là tạo được một chuỗi nhân tiếp nối thiện lành.
Một lần nữa, Tsogyal lên tiếng hỏi: Bạch đại tôn sư, xin hãy đoái thương! Xin hãy chỉ dạy về những điểm chính yếu trong các trạng thái ʹbardoʹ hay trung ấm.
Đức Liên Hoa Sanh đáp: Này Tsogyal, hãy lắng nghe đây! Nói đến ʹbardoʹ hay cõi trung ấm thì trạng thái trung ấm từ khi chết đi cho đến khi thọ mạng trở lại được gọi là ʹbardo sinh tử.ʹ Bardo sinh tử gồm có 3 điểm như sau: (1) điểm tốt đẹp nhất là đạt được giải thoát trước khi phải trải qua kinh nghiệm trung ấm; (2) điểm tốt đẹp kế tiếp là đạt được giải thoát ngay trong trạng thái trung ấm; (3) điểm thứ ba là làm thế nào để tái sinh trở lại [trong hoàn cảnh thuận duyên]. Điều thứ nhất gồm có bốn phần: (1) các nguyên tố [đất, nước, gió, lửa] tan rã ra sao, (2) tất cả mọi tư tưởng chấm dứt như thế nào, (3) giác tánh vô niệm hiển lộ ra sao, và (4) làm thế nào để chứng đắc quả vị Phật bằng cách trực nhận Chân tánh.
Thân tứ đại sẽ tan rã ra sao?
Trước tiên, khi nguyên tố đất tan vào nguyên tố nước, huyệt đạo (nadi‐knot) ở luân xa rốn sẽ tan hoại, giòng khí lực vận chuyển nguyên tố đất trong con sẽ bị bại liệt, thân thể con sẽ cảm thấy rất nặng nề, tâm thức lu mờ, và con sẽ có một kinh nghiệm tựa hồ như ảo ảnh hiện ra.
Kế tiếp, khi nguyên tố nước tan vào nguyên tố lửa, huyệt đạo ở ngay luân xa tim sẽ tan hoại, giòng khí lực vận chuyển nguyên tố nước trong con sẽ bị bại liệt, miệng và mũi con sẽ ráo hoảnh, tâm thức rối bời, và con sẽ có một kinh nghiệm tựa hồ như khói mờ hiện ra.
Thứ ba, khi nguyên tố lửa tan vào nguyên tố gió, huyệt đạo ở ngay luân xa cổ họng sẽ tan hoại, giòng khí lực vận chuyển nguyên tố lửa sẽ bị bại liệt, nhiệt độ trong người hạ thấp dần, mọi cảm nhận sẽ trở nên chao đảo, và con sẽ có một kinh nghiệm tựa hồ những con đom đóm hiện ra.
Thứ tư, khi nguyên tố gió tan vào thức, huyệt đạo ở luân xa của bộ phận kín sẽ tan hoại, giòng khí lực vận chuyển nguyên tố gió sẽ bị bại liệt, hơi thở sẽ ngừng ra vào qua hai lỗ mũi, tâm thức bị rối rắm, và có chút gì như là ánh sáng hiện ra.
Tất cả mọi tư tưởng (tâm sở) sẽ chấm dứt như thế nào?
Ở phía cuối của đường khí vi tế trung ương là giọt tinh chất [màu đỏ] con nhận được từ mẹ trong hình dạng của chủng tự A. Khi năng lực của đường khí mạch vi tế nằm bên phải [right channel] trở nên yếu ớt thì giọt tinh chất A sẽ chạy ngược lên trên. Khi hiện tượng này xảy ra, con sẽ thấy dấu hiệu của một cảnh tượng màu đỏ. Vào ngay giây khắc đó, tất cả mọi trong thái tư tưởng liên hệ đến tham cũng tuyệt dứt.
Ở phía trên cùng của đường khí trung ương là giọt tinh chất [màu trắng] con nhận được từ cha trong hình dạng của chủng tự HANG. Khi năng lực của đường khí mạch vi tế nằm bên trái trở nên yếu ớt thì giọt tinh chất HANG sẽ chạy ngược xuống dưới và một cảnh tượng màu trắng hiện ra. Vào ngay giây khắc đó, tất cả mọi trạng thái tư tưởng liên hệ đến sân cũng tuyệt dứt.
Tiếp theo sau đó, giòng khí chan hoà ở tại đỉnh đầu trở nên hoại liệt, và từ đó, một cảnh tượng màu đen hiện ra. Vào ngay giây khắc đó, tất cả mọi trạng thái tư tưởng liên hệ đến si (vô minh) cũng tuyệt dứt.
Khi tam độc tham sân si tuyệt dứt như đã nói ở trên thì tâm kiêu mạn và đố kỵ cũng tự động chấm dứt bởi vì tham sân si nay đã tan hoà vào ba đường khí mạch vi tế (nadis). Sau đó, hơi thở bên ngoài chấm dứt.
Tuệ giác hay giác tánh vô niệm sẽ hiển lộ ra sao?
Cho đến giây phút này, tuy hơi thở bên ngoài đã bị gián đoạn nhưng hơi thở vi tế bên trong chưa chấm dứt. Mặt‐trời‐vươn‐lên và mặt‐trăng‐lặn‐xuống sẽ gặp nhau, và thần thức (prana‐mind) nhập vào đường khí trung ương. Bởi cả ba [giọt tinh chất A, giọt tinh chất HANG và thức] vẫn còn lưu tồn ngay trong đường khí trung ương, và bởi vì mọi tư tưởng đều đã chấm dứt trong một thời gian ngắn, đây sẽ là lúc giác tánh vô niệm, vô phân biệt ‐‐ hay Trí pháp thân của chư Phật hiển lộ. Thời gian giác tánh hay Trí pháp thân hiển lộ kéo dài không quá thời gian ta ăn một bữa ăn.
Làm thế nào để đắc quả Phật qua sự trực nhận giác tánh vô niệm?
Nương vào năng lực của thói quen huân tập thường xuyên trực nhận [trong trạng thái tỉnh thức và chánh niệm], và nương vào năng lực của sự thấm nhuần và thực chứng những giáo huấn, con sẽ nhận diện ra được trí huệ vốn có, thường hằng này, và sẽ đắc quả vị Phật, dung hợp cả hai khía cạnh của Pháp thân, như con gặp mẹ. Tiếp đó, giác tánh của con sẽ vụt ra bằng cửa Phạm Thiên [trên đỉnh đầu] và sẽ thể nhập pháp giới.
Trên đây là những hướng dẫn cho một hành giả thượng căn để thành tựu Phật quả mà không phải trải qua giai đoạn trung giới hay bardo.
Tiếp theo sau đây, những hướng dẫn dành cho hành giả trung căn để thành tựu Phật quả ngay trong trạng thái thân trung ấm gồm có 4 điểm. Hai điểm đầu là: (1) cách thức thân tứ đại tan rã và (2) các trạng thái tư tưởng tuyệt dứt ra sao; hai điểm này cũng giống như những hướng dẫn dành cho hành giả thượng căn bên trên.
Riêng điểm thứ ba, Chân tánh hoá hiện như thế nào trong trung ấm?
Nếu hành giả không trực nhận được trạng thái vô tạo tác hay Đại viên cảnh trí của Pháp thân giống như trong trường hợp của một hành giả thượng căn thì [vào lúc này] thần thức đang trú ẩn nơi trung khu tim (heart center) sẽ hoà nhập vào đường khí tơ tằm màu trắng (white silk nadi). [Sau đó, thần thức sẽ] thoát ra bên ngoài, tâm và thân sẽ tách rời, con sẽ rơi vào trạng thái bất giác trong 7 ngày. Tỉnh dậy từ trạng thái bất giác này, chân tánh sẽ hóa hiện trong vòng 5 ngày qua sự xuất hiện của âm thanh, màu sắc, ánh sáng và những khối cầu ánh sáng.
Âm thanh đó chính là những âm thanh tự nhiên phát ra từ nguyên tố lửa, lồng lộng vô biên và vô cùng dữ dội, ầm ầm gào thét, như sấm sét chia cắt ngày hạ với ngày đông. Bản giác chân như sáng rỡ, hoá hiện thành ra những màu sắc chói chang, rõ mồn một.
Những luồng ánh sáng phát ra từ những màu sắc này rực rỡ chói lòa giống như ảo ảnh giữa những cánh đồng mùa thu.
Thứ tư, làm thế nào để chứng đắc quả vị Phật bằng cách trực nhận khuôn mặt thật hay Chân tánh?
Qua công năng tu tập của con về những gì con đã được chỉ dạy, [con sẽ nhận diện ra được rằng] tất cả những âm thanh, màu sắc và ánh sáng đó chỉ là sự hoá hiện và trỗi dậy của tuệ giác chân như vốn sẵn có trong con, và [qua sự trực nhận này], con sẽ chứng đắc quả vị Phật.
Công phu tu tập của mỗi người mỗi khác, những gì người này cảm thấy quen thuộc không giống với những gì quen thuộc đối với người kia. Đối với hành giả du già đã được huấn luyện về giai đoạn thành tựu của pháp môn quán tưởng Bổn Tôn hay Hộ Phật Du Già thì tất cả những âm thanh, màu sắc và ánh sáng đó sẽ hiển lộ một cách tự nhiên không khác gì sự hóa hiện của mạn đà la của vị Bổn Tôn, và hành giả du già này sẽ chứng đắc quả vị Phật trong dạng Báo Thân.
Hành giả du già nào đã chứng được sự huyễn ảo của sắc tướng, vị ấy sẽ hiểu rằng sự hoá hiện của âm thanh, màu sắc và ánh sáng cũng chẳng khác chi một giấc mơ hay một ảo tưởng nhiệm mầu, và sẽ chứng đắc quả vị Phật trong dạng Ứng Thân.
Hành giả du già nào đã chứng được rằng tất cả các pháp hữu vi, hay tất cả mọi hiện tượng trong cả hai cõi ta bà lẫn Niết bàn đều do tâm tạo (rangnang) thì vị ấy sẽ hiểu rằng sự hoá hiện của âm thanh, màu sắc và ánh sáng đều ʹtự thân sinh khởiʹ và ʹtự thân giải thoátʹ, và vị ấy sẽ chứng đắc Tinh Túy Pháp Thân. Do đó, con hãy băng qua cõi trung giới hay trung ấm nương vào bất cứ pháp môn tu tập nào mà con đã từng có kinh nghiệm hoặc ít nhiều thực chứng.
[Tiếp theo sau đây, những hướng dẫn dành cho hành giả sơ căn]:
Cuối cùng, cách thức làm thế nào để đầu thai trở lại gồm có năm điểm:
1). Điểm thứ nhất là sự tan rã của thân tứ đại, và
2). Điểm thứ nhì là sự chấm dứt của mọi tư tưởng [tương tự với trường hợp đã cắt nghĩa ở trên].
3). Điểm thứ ba là thức‐tái‐sanh sẽ được từ từ cấu tạo như thế nào qua tám tầng duyên khởi [và được giải thích như sau]:
Gọi là vô minh vì không nhận thức ra được rằng ánh sáng trong suốt (linh quang hay tịnh quang) là chân tánh của chính con hiển lộ. Do sức mạnh của vô minh mà hành (tác ý) xảy ra trong khi năm loại khí (prana) tụ hội lại và tạo thành kinh nghiệm luân hồi. Bắt đầu từ đó, thức phát triển rõ ràng hơn, luyến bám vào đối tượng. Kế tiếp, danh sắc trong trạng thái trung giới khởi lên. Thức mỗi lúc mỗi sắc bén và nhậm lẹ hơn, tạo thành những giác quan (lục căn). Xúc là khi những giác quan này chạm phải một đối tượng. Thọ là cảm giác hạnh phúc, vui sướng hoặc đau khổ, phiền não. Ái là khi phát khởi tâm ưa thích hoặc ghét bỏ dựa trên thọ. Do đó, tám tầng duyên khởi này sẽ tạo nên thức-tái‐sanh của con.
4). Điểm thứ tư là kinh nghiệm trung giới sẽ diễn ra như thế nào [và được giải thích như sau]:
Những cảnh tượng sẽ hóa hiện tùy thuộc vào nghiệp lực và những thói quen con đã huân tập trong quá khứ; do đó, con sẽ trải qua kinh nghiệm đi chu du về lại xứ sở của tiền kiếp, về lại ngôi nhà của tiền kiếp, và trong vô hình, con vẫn tiếp tục giữ một mối quan hệ mật thiết với tất cả bà con quyến thuộc. Nơi ăn chốn ở trở nên rất bấp bênh, và thức của con sống nhờ vào hương thơm của các vật thực cúng dường đã được thiêu hóa. Con có thể đi đến bất kỳ chốn nào một cách dễ dàng không gì ngăn trở được, ngoại trừ một điều là con sẽ không thể nào nhập vào được bào thai mẹ của kiếp kế tới, cũng như không thể nào đến được gần tòa Kim Cang. Con thường xuyên cảm thấy lo âu, sợ hãi và trong cơn hốt hoảng, con sẽ kinh nghiệm những linh ảnh ghê rợn của loài quỷ ăn thịt người, của loài thú hung ác, của bão tuyết và giông tố ầm ập xối xả. Con chạy đi tìm một chỗ nương thân, một nơi để ẩn trốn, bất kể chỗ nào. Các giác quan của con đều rất tinh tường và nguyên vẹn. Con có mắt nhìn thấu suốt siêu phàm, và có thể nhìn thấy những chúng sinh khác [ví dụ, những người chết khác ở trong trạng thái trung ấm].
5). Điểm thứ năm là làm cách nào để tái sinh trong kiếp kế tới [và được giải thích như sau]:
Sau khi chân tánh hay tự tánh linh quang đã biến mất, con sẽ trải qua kinh nghiệm của 5 lối mòn (ordinary light paths) [của 5 loại] ánh sáng tầm thường. Vô minh đồng khởi, con đánh mất cơ hội nhận diện ra rằng ánh sáng quang minh hay tuệ giác linh quang này là Chân tánh của con. Do tâm vướng mắc vào khái niệm đối đãi, con cho rằng ánh sáng quang minh này là một cái gì khác [chứ không phải là chân tánh của con]. Vì bám chấp vào sự xuất hiện vọng ảo của cái gì khác này mà con sẽ tái sinh trở lại làm chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi, giống như con linh sơn mắc bẫy thợ săn, hay như con ong hút mật nhụy hoa.
Bám luyến vào ánh sáng màu trắng, con sẽ tái sinh trong cõi địa ngục, bám luyến vào ánh sáng màu đỏ, con sẽ tái sinh làm quỷ đói. Bước vào ánh sáng màu đen, con tái sinh vào cõi thú, trong khi bước vào màu vàng, con sẽ tái sinh làm người, còn nếu vướng mắc vào màu xanh lục thì con sẽ tái sinh vào cõi trời hay cõi bán thiên A tu la. Vào giây phút đó, con phải nhớ nghĩ đến những đau khổ của chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi và đừng để bị vướng mắc vào bất cứ ánh sáng nào cả.
Trong trạng thái trung ấm, thần thức của con có thể xoay chiều đổi hướng rất dễ dàng, cho nên nếu con cứ an trú trong chánh niệm và phát khởi ước nguyện thâm sâu, hết lòng hướng về một cõi Phật trang nghiêm, chẳng hạn như cõi tịnh độ Tây Phương Cực Lạc thì chắc chắn con sẽ được tái sinh ở đó, chẳng chút hoài nghi.
Erik Pema Kunsang (Erik Hein Schmidt) chuyển từ Tạng ngữ qua Anh ngữ do Rangung Yeshe Publications ấn hành (1994).
Tâm Bảo Đàn chuyển từ Anh ngữ qua Việt ngữ vào tháng 12, 2004 để hồi hướng cho hương linh của Sư Tuệ Năng (Lobsang Tenzin) và pháp giới chúng sinh.