Giáo Huấn Dành Cho Người Hấp Hối: Phật Quả Không Cần Thiền Định
Giới thiệu và trích lược từ Phần Ba, Chương 1:
Pháp Chuyển Di Thần Tốc và Phần Chú Thích trong sách ‘Lời Vàng Của Thầy Tôi’ do đại sư Patrul Rinpoche biên soạn Trong các bài nguyện và hồi hướng dành cho giai đoạn lìa đời và thân trung ấm có nhắc đến pháp môn chuyển di
tâm thức (*) có tên gọi là “
Phowa.” Đây là pháp tu khởi thủy được truyền xuống từ đức Liên Hoa Sanh sau khi đã ngài dùng thần lực đến cõi Tịnh độ thọ pháp này từ đức A Di Đà và đây cũng là một trong Sáu Pháp Tu Du Già của Naropa. Đối với pháp tu này thì ngài Marpa, đại dịch giả Tây Tạng và Sơ Tổ dòng Kagyu, đã từng nói rằng: ‘Có nhiều giáo pháp để hành giả đạt giác ngộ, nhưng ta có một giáo pháp có thể mang lại giác ngộ mà chẳng cần thiền định, đó chính là pháp môn chuyển di
tâm thức.’ Do đó, trong Kim Cang Thừa, pháp môn
“Phowa” được xem như là phương tiện trực tiếp nhất và nhanh chóng nhất để đạt giác ngộ trong thời điểm lâm chung. Pháp chuyển di tâm thức được phân loại như sau:
1. Pháp chuyển di siêu việt tới
Pháp thân nhờ vào dấu ấn của [kinh nghiệm] kiến tánh.
2. Pháp chuyển di trung bình tới
Báo thân nhờ hợp nhất các giai đoạn sinh khởi (generation stage) và viên mãn (perfection stage) dựa vào các pháp tu Bổn Tôn của Kim Cang Thừa.
3. Pháp chuyển di thấp tới Hóa thân nhờ lòng bi mẫn vô lượng.
4. Pháp chuyển di thông thường [đến
cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Đà] nương vào ba ẩn dụ.
5. Pháp chuyển di thực hiện cho người chết với
cái móc của lòng bi mẫn. Pháp chuyển di siêu việt tới Pháp thân Đối với những người khi còn sống đã tu tập thuần thục và kinh qua được sự thấy biết không sai lầm về chân tánh vô tạo tác (kiến tánh), thì vào lúc lìa đời, họ có thể đưa chân không và giác tánh vào trên con đường tu mật, xuyên qua pháp trekcho thuần tịnh nguyên sơ, và như thế, có thể chuyển di tâm thức của họ vào đại phương quảng trí [cảnh giới bao la không lằn mé] của Pháp thân.
Pháp chuyển di trung bình tới Báo thân nhờ hợp nhất hai giai đoạn sinh khởi và viên mãn Đối với những người đã quen thuộc với công phu hành trì các pháp của hai giai đoạn sinh khởi và viên mãn, kết hợp cả hai như một pháp du già bất khả phân, cũng như đã tu tập thuần thục để có thể nhìn thấy sắc tướng của vị Bổn Tôn Hộ Phật chẳng khác gì một cảnh trí hóa hiện thần diệu, thì khi những ảo giác của trạng thái trung ấm xuất hiện vào giây phút lìa đời, họ có thể chuyển hóa tâm thức của họ thành Hợp nhất trí thân (union wisdom kaya), [là sự hợp nhất giữa Sắc thân và Pháp thân].
Pháp chuyển di thấp tới Hóa thân nhờ vào lòng bi mẫn vô lượng Những ai đã nhận các lễ quán đảnh của Kim Cang Mật Thừa, đã trì giữ mật nguyện không hề sai trật, có thiên hướng nghiêng về các pháp tu trong hai giai đoạn sinh khởi và viên mãn của Bổn Tôn, và những ai đã thọ lãnh những giáo huấn về trạng thái trung ấm, là những người có thể: “
Hãy gián đoạn việc nhập thai, hãy nhớ quay ngược lại: Đây là lúc đòi hỏi sự xác quyết và một tri kiến thuần tịnh.” Những ai thực hành pháp chuyển di này phải chặn đứng bất kỳ lòng tham cầu nhập vào một thai tạng bất tịnh và sẽ có khả năng đóng lại con đường dẫn đến một tử cung hay hoàn cảnh nào không thuận lợi. Được lòng đại bi dẫn dắt cùng với sự phát nguyện muốn tái sinh như một Hóa thân, họ tự chọn lựa để tái sinh vào những bậc cha mẹ hay hoàn cảnh thuận duyên, để có thể tiếp tục thực hành giáo pháp và hóa độ chúng sinh trong tương lai, hoặc họ sẽ chuyển di tâm thức vào một trong những cõi Tịnh độ.
Pháp chuyển di thông thường [vào cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Đà] nương vào ba ẩn dụ Hành giả cũng có thể thực hành pháp chuyển di dựa vào ba ẩn dụ để quán tưởng như sau: 1).
Quán đường khí mạch vi tế trung ương trong thân thể như con đường du hành, 2).
Quán giọt tinh chất (
bindu) hay tâm thức [đang trú ở nơi luân xa tim]
như người lữ khách, và 3).
Quán cõi Tịnh độ Cực Lạc như là
đích đến. Hành giả sẽ quán mình trong sắc tướng thanh tịnh của đức Kim Cang Thánh Nữ Du Già (
Vajrayogini) hoặc đức Quán Thế Âm (
Chenrezig), rồi qua một tiếng hô, phóng giọt tinh chất từ luân xa tim xuyên qua đường khí mạch vi tế trung ương lên ngã đỉnh đầu để xuất ra từ huyệt bách hội trên đỉnh đầu, giúp tâm thức của hành giả tan hòa vào trái tim của đức Phật A Di Đà nơi cõi Cực Lạc.
Pháp chuyển di thực hiện cho người chết với cái móc của lòng bi mẫn Hành giả cũng có thể thực hành pháp “
Phowa” này thay cho người hấp hối hoặc kể cả khi người ấy đã ở trong trạng thái trung ấm. Pháp này có thể được thực hiện bởi một hành giả du già với mức độ tu chứng sâu dày, có khả năng làm chủ được tâm và trí giác, và có khả năng nhận ra được
tâm thức hay
thần thức của người chết trong giai đoạn trung ấm. Nói chung, để thực hiện pháp chuyển di cho người chết, ta cần phải chứng đắc được Kiến đạo, tức là con đường của Cái Thấy.
Tuy nhiên, bất cứ ai là người thực sự biết được đích xác thời điểm nào là thời điểm để thực hành pháp chuyển di—khi hơi thở
bên ngoài (outer breath) đã ngưng nhưng hơi thở
bên trong (inner breath) vẫn còn tiếp tục—thì họ cũng đều có thể thực hiện pháp chuyển di giúp cho người đang lâm chung nếu như họ có được chút ít kinh nghiệm về các giáo huấn “
Phowa.” Điều này cực kỳ lợi lạc cho người hấp hối, giống như một lữ khách được bạn mình dẫn đi trên đúng con đường, và việc ấy có khả năng ngăn chặn việc tái sanh vào các cõi thấp.
Sẽ khó khăn hơn để có thể thực hành pháp chuyển di một khi thân và tâm đã hoàn toàn tách rời. Vì thế, cần có một hành giả du già có khả năng làm chủ được tâm, và có thể nhận ra được người chết trong trạng thái trung ấm. Tác động tới người không còn thân xác vật lý nữa là điều dễ dàng, và khi được thực hiện bởi một hành giả du già như thế thì ngay tự nghi thức thực hành chuyển di cũng sẽ có năng lực phóng xuất tâm thức của người chết tới cõi Tịnh độ.
Theo Tạng ngữ, từ “
Phowa” འཕོ་བ་ có nghĩa là dời đi, chuyển đi, dọn đi từ một nơi này đến nơi khác (to move, to migrate), và từ này cũng có nghĩa là xuất ra một cách nhanh chóng (to eject). Do đó, ngoài ý nghĩa phóng xuất tâm thức một cách thần tốc ra khỏi xác thân để hòa nhập vào với đức A Di Đà nơi cõi Cực Lạc, thì “Phowa” còn mang một ý nghĩa thâm sâu, đó là chúng ta chuyển dời tâm thức của chúng ta từ một nơi là cảnh giới, tâm cảnh của xác thân phàm đến một nơi khác là cảnh giới thanh tịnh của Pháp thân, Báo thân, Hóa thân và Cực Lạc.
Riêng pháp “
chuyển di tâm thức [vào cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Đà] nương vào ba ẩn dụ” còn được gọi là pháp “chuyển di tâm thức của ta vào với tâm thức của Đạo sư,” và trong trường hợp này, Đạo sư ở đây chính là đức Phật A Di Đà, là pháp tánh bản lai. Pháp chuyển di này cũng phù hợp với điều mà
Diệt Tội Trang Nghiêm Sám Hối Mật Điển gọi là “pháp chuyển di trái cầu ánh sáng (ball of light) [tâm thức] nương vào âm thanh [tiếng hô] vào lúc lìa đời.”
Các giáo huấn của pháp chuyển di tâm thức nương vào ba ẩn dụ gồm có hai phần: phần đầu là thực tập [khi còn sống], và sau đó là phần thực hành thực sự [vào lúc lìa đời].
Khi còn sống, nương vào những hướng dẫn về pháp chuyển di mà bạn được thọ nhận, bản thân bạn hãy miên mật tu tập và hãy tinh tấn thực hành pháp chuyển di cho tới khi có những dấu hiệu thành tựu. Hiện nay, trong khi toàn thể các đường khí mạch, năng lực và giọt tinh chất của bạn vẫn còn nguyên vẹn và sung mãn, bạn sẽ thấy việc chuyển di rất khó khăn. Nhưng một khi đã tới giờ phút cuối cùng của cuộc đời, hay vào lúc đã quá già yếu thì việc chuyển di sẽ trở nên rất dễ dàng. Giống như trái cây trên cành, khó hái vào mùa hè khi trái non ấy còn đang phát triển. Nhưng vào mùa thu, một khi nó đã chín nhũn và sẵn sàng rụng thì chỉ cần áo quần của bạn chạm nhẹ vào là cũng đủ làm cho nó rụng xuống.
Vào lúc lìa đời, thời điểm để thực sự thực hành nghi thức chuyển di là sau khi những dấu hiệu hấp hối bắt đầu xuất hiện, khi mà bạn có thể biết chắc rằng
không còn có thể quay ngược lại nữa và tiến trình tan rã đã bắt đầu. Không được làm như vậy vào bất kỳ thời điểm nào khác [như một hình thức tự sát]. Vì như trong các Mật điển có nói: “Chỉ được thực hành pháp chuyển di khi thời điểm thích hợp đã đến, nếu không thì chẳng khác nào giết chết các Bổn tôn.” Đó là bởi vì theo Kim Cang Thừa, thân thể của hành giả được xem như là một mạn đà la thần diệu của các Bổn tôn. Trong ý nghĩa này thì thu ngắn mạng sống của ta bằng cách thức thực hành pháp chuyển di sớm hơn thời điểm cũng đồng nghĩa với việc phá hủy mạn đà la của các Bổn tôn.
Trong khuôn khổ của tuyển tập cầu nguyện và hộ niệm ngắn ngủi này,
đại pháp chuyển di tâm thức “Phowa” vào cõi Cực Lạc của đức A Di Đà là một pháp tu thâm diệu và được giới thiệu theo một cách thức giản lược như trên. Tuy nhiên, các hành giả muốn tu tập theo pháp môn này cần phải thọ giáo với một vị chân sư đã đắc pháp “Phowa” và chỉ nên xem những giải thích tóm gọn trên đây thuần túy như là một bài giới thiệu giản đơn chứ không phải là các hướng dẫn cụ thể, rốt ráo của toàn bộ nghi thức hành trì.
Các lời giới thiệu về “Phowa” trên đây được Tâm Bảo Đàn biên tập và trích lược từ Phần Ba: Chương Một của tập sách “Lời Vàng Của Thầy Tôi” (tựa đề Anh ngữ “The Words of My Perfect Teacher”) do nhóm Padmakara Translation Group chuyển qua Anh ngữ từ Tạng ngữ. Nhóm Longchenpa chuyển Việt ngữ lần đầu vào năm 2004. Thanh Liên hiệu đính sơ khởi vào năm 2006. Tâm Bảo Đàn hiệu đính toàn bộ vào năm 2008 với sự đóng góp của Từ Bi Hoa. (*) Ghi chú: Thông thường, từ “thần thức” được dùng cho người đã chết đang ở trong giai đoạn trung ấm, trong khi từ “tâm thức” được dùng cho người còn sống. Trên phương diện tối hậu thì tâm thức là một dòng tương tục không có sống chết, có chăng là cái tan hoại của thân vật lý mà thôi. Thêm vào đó, trong bối cảnh của pháp tu “Phowa,” và nhất là đối với các hành giả tu tập pháp chuyển di này nương vào ba ẩn dụ, việc này bao gồm cảc nghi thức chuyển di vào giờ phút lâm chung trong giai đoạn tan rã trước khi thân và tâm thực sự tách rời và khi hơi thở vi tế bên trong vẫn còn hiện hữu, nên chúng tôi xin lựa chọn sử dụng từ “tâm thức” thay vì “thần thức” trong bài giới thiệu về pháp thực hành chuyển di.