Bình luận
Vẻ đẹp hình ảnh đặc thù trong văn chương Tây Tạng có khi bị yếu đi vì lối văn mô thức (khuôn mẫu) khó hiểu. Sự thiếu hụt của tiếng Anh trong việc diễn dịch những ý nghĩa tinh tế của tiếng Tây Tạng và những giới hạn của các dịch giả là hai trở ngại cho việc truyền đạt ba mức ý nghĩa của những câu văn được mô thức hóa cao độ diễn tả những sự kiện trong đời Đạo sư Liên Hoa Sanh. Tuy vậy, mức biểu tượng của ngôn ngữ này có thể được hiểu bằng cách thiền quán liên tục theo những phương pháp đặc biệt của truyền thống Tây Tạng. Mức thứ nhất là ý nghĩa công truyền thường rõ ràng, do lời kể của một người tự nói về những sự kiện trong cuộc đời mình. Mức thứ hai là ý nghĩa bí truyền, cho thấy những giai đoạn nhập môn hay những kinh nghiệm thiền định. Mức thứ ba là ý nghĩa bí mật, không thể diễn dịch được.
Sự tích công truyền hay tiểu sử những sự kiện trong đời của Đạo sư được mở đầu với thời gian, nơi chốn, lý do, ý nghĩa của sự ra đời và lối sống trong thời tuổi trẻ của ngài. Giống như Đức Phật, ngài sinh ra là một Hoàng tử và được dạy thuật cai trị, các kỹ xảo, và kiến thức cần thiết cho một người đạo hạnh ở thế gian. Sau đó, ngài gặp các vị thầy, thọ giới để sống một cuộc đời tu hành, thọ nhận những lời dạy và những giáo lý của các truyền thống hiện hành. Với tri thức này, trong khi vẫn còn là một du tăng, ngài giác ngộ chân tính bằng thiền định. Do sự thực hiện này ngài làm chủ được tâm trí và đạt quyền năng thần thông. Danh tiếng của ngài mỗi lúc mỗi vang xa và Vua Trisondetsen mời ngài sang Tây Tạng để đem kiến thức, quyền năng và gương đạo hành đến cho dân xứ này. Đạt được sự kính trọng của người Tây Tạng và biết cách dùng tài năng cũng như nhược điểm của họ, ngài trông coi việc xây dựng tu viện lớn nhất thời đó là chùa Samyeling. Rồi thấy họ cần phải hấp thu tri thức của Ấn Độ, ngài cho các học giả sang Ấn Độ để học tiếng Sanscrit. Cùng với các học giả Ấn Độ được mời sang Tây Tạng, các dịch giả Tây Tạng dịch tất cả các kinh điển Phật giáo và sau đó kinh sách tiếng Tây Tạng được truyền bá. Ngài hướng dẫn các đệ tử nhập môn những pháp thiền định vốn được giữ bí mật, theo dõi việc tu tiến của họ trên đạo pháp cho đến khi họ thành tựu quyền năng thần thông và tâm từ bi. Cuối cùng, để cũng mang lại ánh sáng và trí huệ cho những người ở phương Tây nam, ngài rời Tây Tạng sau khi khuyên người xứ này hãy yên tâm vì những phương pháp mà ngài đã dạy họ sẽ vẫn có hiệu quả sau này.
Về mặt bí truyền hay ý nghĩa bên trong, sự tích bắt đầu bằng việc khẳng định sự hoàn hảo ban đầu và chân thực của hành giả, nhưng nhấn mạnh rằng các hạnh Bồ tát là mối liên hệ cần thiết giữa hành giả và người khác. Trong tiểu sử này, việc gieo trồng những hạt giống tri thức tương đối phải được tiếp tục bằng việc trưởng dưỡng những hạt giống đó bằng kinh nghiệm đạt được trong tu tập. Khi đã lập được nền tảng này, quán tưởng Mandala, hay cảnh giới của chư Phật, Bồ Tát, Thần, sẽ là việc kế tiếp, và trong khi kiến lập Mandala, hành giả nhiếp phục được tâm trí, và chân tướng của tâm thức được hiển lộ. Sau khi đạt được trí huệ này, vấn đề trình bày cho chúng sinh căn cơ thấp hơn được giải quyết bằng cách diễn dịch sự thật bất khả tư nghị và bất khả phân bằng ngôn ngữ. Vì vậy mà có hai mươi lăm hình tướng của vị thầy biểu lộ qua các pháp thiền định, mỗi hình tướng được dùng để đối trị một chướng ngại. Sau giai đoạn tu tập thiền định cuối cùng hạt giống kết quả đã được gieo trồng, hành giả có thể đạt được các tâm trí tức khắc và tự nhiên.
Ý nghĩa bí mật được tìm thấy trong sự trực ngộ nội tâm và ngoại vật hợp nhất trong cái nhìn thực tướng của các pháp. Kinh nghiệm này chỉ có thể được diễn tả bằng cách phá hủy tính đơn nhất của nó. Ý nghĩa bí mật là bất khả tri, vì sự phân cực giữa chủ thể và đối tượng (trong thiền định) không còn nữa, khác với trường hợp đạt tri thức tương đối bằng lý trí. Ở mức bí mật, không bao giờ có sự gián đoạn này trong giòng trực ngộ Chân như toàn tại. Đây chính là Đạo sư – Phật.
Chương 1 nói về sự tái sinh của vị Bồ Tát vào thế gian muôn mầu của bậc Đạo sư. Về mặt hình ảnh, tâm trí của Đạo sư đồng nhất với Hóa thân Phật, được tượng trưng bằng một bông sen; sắc thân hào quang của Đạo sư được quyết định bởi tâm từ bi của chư Phật và được tượng trưng bằng mặt trời; hóa thân của Đạo sư được tượng trưng bằng mặt trăng. Vì vậy Đạo sư được mô tả ngồi trên tòa sen với mặt trời và mặt trăng. Ba thân trong sự hợp nhất hoàn hảo của Đạo sư còn được gọi là “Phật A Di Đà”, “Bồ Tát Quán Thế Âm”, và “Liên Hoa Sanh.” Ba thân này là các giai đoạn của sự hiển lộ mỗi lúc một phức tạp hơn của ngài, sự rung động mỗi lúc một nhanh hơn của ngài, từ sự yên tĩnh của cõi Vô lượng quang, qua cõi rung động từ bi tạo ra tất cả sự hiển lộ, đến tâm thân hay hóa thân thô kệch tạm thời chứa ý định thực hiện Bồ Tát nguyện. Đức Đạo sư Tôn Quý (Guru Rinpoche) hạ sinh nơi thế gian là đặc biệt để dạy các Nghi quỹ (Tantra), phương tiện đắc Phật quả dành cho những người không thể tự đặt mình vào quy luật đạo đức tự nhiên.
Chương 2 nói về các giáo lý và các pháp môn mà lúc còn là một Bồ Tát trẻ tuổi, vị thầy vĩ đại đã học để thực hiện ý nguyện của mình. Để được thọ giáo, một đệ tử phải tự hạ thấp lý trí của mình và phải cầu xin. Khiêm tốn và tự hạ mình là mảnh đất tốt để vị thầy gieo trồng hạt giống Bồ đề. Những hạt giống đặc biệt này được nói trong sự tích này là Drupakabjay, hay tám phương diện của vị Đạo sư thân thiết với ngài nhất. Mỗi phương diện này được tượng trưng bằng một Heruka và trình bày trong một nghi quỹ riêng, kèm theo nghi thức và pháp thiền cần thiết được hướng dẫn trong bản Tu pháp (Sadhana). Các chương kế tiếp mô tả tiến trình tăng trưởng của những hạt giống này.
Chương 3 nói về việc tu tập của Tantrika, hay hành giả Mật giáo. Đạo sư Liên Hoa Sanh du hành khắp Ấn độ, kinh nghiệm đủ những điều khả hữu, diệt trừ sự thù địch của các học phái ngoại đạo, biểu diễn thần thông, giác ngộ tâm trí của mình bằng tham thiền liên tục. Trong khi thâm nhập Chân như Pháp giới, ngài vẫn giữ tâm nguyện Bồ Tát và vẫn giữ vẻ bề ngoài như một khất sĩ bình thường không thể phân biệt được với bọn giả mạo, bọn lợi dụng, bọn trộm cướp, và những đệ tử thành tín khác của đạo pháp.
Khi không phán xét gì cả, tâm trí sẽ không được nhận, không bị bỏ, và hành giả cảm giác được mỗi khoảnh khắc của giòng tâm thức; do đó hành giả giữ được sự đồng nhất với tính Không, bản thể của các pháp. Trong trạng thái thiền định cao độ ở một nơi để xác chết hay một nghĩa địa, nơi trú ẩn của những hồn ma, những chướng ngại trên đường đạo có thể được loại bỏ dễ dàng bằng cách khuấy động chiều sâu của tâm trí, và do đó buông bỏ những vết tích bị dồn nén của quá khứ hay kiếp trước, hành giả có thể dùng năng lực mới phát sinh để phát triển thái độ giác ngộ. Trong chiều sâu của tâm thức, khuất xa sự quyến rũ của sắc tướng bên ngoài, hành giả có thể nghe thấy tiếng thuyết pháp nhỏ của chư Phật và có thể cảm nhận sự xuất hiện huyền ảo của chư Phật.
Chương 4 mô tả việc nhiếp phục quỷ thần ở Tây Tạng. Để có thể nhập Mandala, những góc cạnh của tâm trí phải được soi sáng. Thay vì mất công sức và thì giờ để loại bỏ những khuynh hướng đã bám rễ sâu trong tâm trí, Kim Cương Thừa trình bày việc kiểm soát những khuynh hướng này bằng cách giữ cho chúng được quang minh liên tục để tạo sự thăng bằng tâm trí. Tên của những quỷ thần mà Đạo sư Tôn Quý đã kềm chế có tính cách tự giải thích, chúng là những chướng ngại và những ô trược của tâm trí. Hình dạng biểu tượng của các quỷ, thần, ma không thể làm cho người ta hiểu sai ý nghĩa thật của chương này. Phái Nyingma thường làm lễ Tsok để thanh lọc tâm trí. Một Đạo sư trong thời Mạt pháp cần dùng mọi phương tiện để bảo vệ tâm trí trong thế giới độc ác này.
Chương 5 trình bày việc kiến lập Mandala. Mandala tượng trưng sự hợp nhất Thân – Tâm của Đạo sư. Đồ hình Mandala là một biểu đồ trên mặt phẳng, cân đối (vuông hay tròn), trình bày cách hợp nhất các thái cực dẫn đến trung tâm bao gồm tất cả. Mandala biểu thị sự liên hệ giữa vĩnh hằng và thời gian, giữa vô cực và hình dạng, giữa Chân không và các pháp. Mandala là mô hình của Trí vũ trụ và Tâm nhất như. Kiểu kiến trúc của tu viện Samyeling cho thấy liên hệ giữa hai cõi nội tâm và ngoại cảnh. Cõi ngoại cảnh là vũ trụ, với núi Tu Di, mặt trời và mặt trăng, cõi của Chiêm tinh học và Vũ trụ học. Cõi nội tâm là trí của Đạo sư, ngôi chùa ba tầng tượng trưng ba thân Phật: Pháp thân, Báo thân và Hóa thân, hay Chân, Thiện, Mỹ. Kiến lập Mandala (hay nhập đàn pháp, ngồi đàn) là các pháp môn Thiền định (Samatha, Chỉ) và Thiền quán (Vipassana, Thiền minh sát, Quán). Thiền định tạo trung tâm của vòng tròn, nơi mọi vật đồng nhất trong tâm thức tập trung, còn thiền quán tạo chu vi, nơi tâm trí đồng hóa với bất cứ sắc tướng nào nó gặp. Hai pháp này dẫn tới sự đồng hóa với tính Không.
Chương 6 nói về việc dịch thuật Kinh sách. Tất cả các giáo lý Phật giáo, cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa được dịch từ tiếng Sanscrit sang tiếng Tây Tạng. Trong những kinh sách này, quan trọng nhất là các Nghi quỹ (Tantra, Mật điển, về sau này bị mất ở Ấn Độ), được gọi là các Nghi Quỹ Cũ để phân biệt với các sách do Atisha mang tới Tây Tạng sau này. Những nghi quỹ này là căn bản siêu hình học, triết học và kỹ thuật thiền định của phái Nyingma. Việc diễn dịch kinh nghiệm tu chứng bằng ngôn từ là một phần quan trọng trong sự phát triển của một Bồ Tát và nhấn mạnh vào việc phản ảnh sự hợp nhất của kết quả thiền định hơn là vào sự chính xác có tính cách nghiên cứu.
Chương 7 diễn tả những kinh nghiệm nhập môn căn bản nhất. Đây là sự giác ngộ về tính nhất như cốt yếu của mọi vật được nhận thức với Phật nhãn. Tâm trí vô minh chỉ đánh giá sắc tướng bên ngoài, do khuynh hướng tồn tại từ vô thủy, hoặc trốn tránh hoặc bị thu hút và chấp thủ, đó là những chướng ngại cho trí huệ (sở tri chướng) về thực tướng của các pháp. Chỉ khi nào hành giả giác ngộ Phật tính, và tấm gương tâm trí phản chiếu hoàn hảo sự vật (Đại viên cảnh trí), tính nhất như, tinh túy bất khả tư nghị trở thành một phần kinh nghiệm của hành giả. Một cái nhìn như tia chớp ban đầu vừa để lộ Mandala (cảnh giới trí huệ) vừa là ấn chứng cho hành giả. Rồi đến “bộ phái”, hay “dòng” mà nghiệp quá khứ đã quyết định cho hành giả cũng quyết định phương diện nào của Đạo sư sẽ là đề mục quán tưởng cho đệ tử đạt một cái nhìn liên tục tập trung bên trong Mandala. Những đệ tử thân cận nhất của Đạo sư quán tưởng một trong những phương diện Drupakabjay. Ngoài trí huệ về tính đồng nhất của các pháp, mỗi hình tướng ban một quyền năng đặc thù cho hành giả như được mô tả trong sự tích bằng lối ẩn dụ đặc biệt của truyền thống. Tám phương diện này của Đạo sư, là những thuộc tính của các Heruka, vẫn là những phương pháp thiền quán quan trọng nhất.
Chương 8 diễn tả một cuộc nhập môn nữa làm cho các đệ tử hiểu rõ vô số phương tiện mà Kim Cương Thừa dùng để giữ lâu bền hạnh từ bi. Một lần nữa các giai đoạn thực hành được giải thích, bắt đầu bằng việc giảng giải trước khi nhập môn, tiếp theo là những lời dạy về cách đạt kết quả viên mãn. Trí huệ do thiền định được cho thấy là chỉ có thể đạt được bằng cách giữ an nhiên tự tại. Vào một lúc nào đó trong tương lai, việc cất giấu bảo tạng những giáo lý đặc biệt là cần thiết.
Chương 9 nói về tính chất của các Terma (Mật thư, những văn bản được cất giấu) và các Terton, những người xuất lộ Terma. Phái Nyingma liên tục tái tạo truyền thống của họ bằng các văn kiện có tính cách tái-sinh-động mà các Terton xuất lộ. Hạt giống của các bảo tạng được Đạo sư Liên Hoa Sanh gieo trồng để sẽ được tiết lộ đúng lúc bởi những người tìm ra chúng. Các Terma được giấu trong hang, trong đá, sông, hồ, trong các nơi tự nhiên khác, và cả trong trí của Đạo sư. Terma giấu trong trí Đạo sư thì được là Gongter và chỉ có thể lấy được trong thiền định sâu xa, khi sương mù vô minh đã tan đi và chân tướng hiển lộ rõ rệt. Các Terma tìm thấy ở những nơi tự nhiên thì được gọi là Sater và có thể được khám phá khi một tảng đá bất ngờ tự nhiên vỡ ra, để lộ chìa khóa giải mật tự. Những hiện tượng bất ngờ như vậy tạo thêm cảm hứng cho hành giả. Lại nữa, nơi nào một hành giả tham thiền thì nơi đó là một nguồn Terma tương lai.
Tiểu sử Đạo sư Liên Hoa Sanh là một Terma và do Dakini Yeshey Tsogyal ghi lại lời của Đạo sư khi ngài nói với các đệ tử. Đức bà Tsogyal rút gọn ý nghĩa thành những biểu tượng cốt yếu và cất giấu trong một tảng đá; nhiều thế kỷ sau, Đại Terton Orgyen Chokyur Lingpa khám phá văn bản này và chuyển dịch sang hình thức hiện tại. Trong tình trạng thế giới ngày nay, các Terma sẽ được khám phá bởi các Terton có nhân duyên với đức Đạo sư Tôn Quý để đáp ứng nhu cầu của loài người đau khổ. Thấy rõ hướng đi sai lầm của cuộc tiến hóa con người và văn hóa, đức Đạo sư đã cất giấu những chìa khóa mở cánh cửa hòa hợp trong Tạng thức giác ngộ (A-lại-da thức, Như Lai tạng thức) để sẽ được khám phá vào lúc tốt nhất trong hoàn cảnh thuận lợi để hướng dẫn con người.
Chương 10, chương cuối cùng, nói về việc tiếp tục thực hành đạo pháp sau khi sự hướng dẫn đích thân của Đức Liên Hoa Sanh không còn nữa. Lời cầu nguyện của chương này, tinh túy của sự tích này, là cách thức đổi mới liên tục tính chất giác ngộ của hành giả. Đạo sư được kêu cầu trong tám hình tướng (Heruka) mà các đệ tử có thể chế ngự bằng cách tu tập. Mandala (cảnh giới) của ngài là núi Mầu Đồng Ngayab, Đảo Lục Địa Tây Nam. Ngày mùng mười mỗi tháng âm lịch vẫn là ngày mà năng lực phối hợp của các tín đồ của Đạo sư Liên Hoa Sanh được tập trung để thực hiện sự hợp nhất hoàn hảo. A-lại-da thức và Như Lai tạng thức là sự chuyển biến giữa ngộ và mê, nhưng xét ra thì hai thức này chính là một.
Ngày nay nghi lễ đã bị mất giá trị vì các Pháp sư không hiểu ý nghĩa của Mật chú và Pháp ấn, họ không có khả năng biến năng lực tiềm ẩn trong các hình thức được coi là trống rỗng thành phương tiện sống động để thực hiện sự biến đổi tâm lý cho các tín đồ. Tất nhiên nghi lễ là có ích và cần thiết cho người có đạo tâm, mà tâm thức của họ hàng ngày bị phân tán bởi khuynh hướng tâm trí chấp thủ vào những sự vật có tính chất quyến rũ trong đời sống bên ngoài. Những nghi lễ không thể có hiệu quả nếu không có sự chuyển biến năng lực. Tất cả năng lực nằm ở bên trong bản thân Đức Đạo Sư Tôn Quý trong mỗi hình tướng hóa hiện của ngài, như một hóa thân trong thế gian, như một hình ảnh quán tưởng, như tâm thức của cảm giác tinh thần, hay như cảm xúc được chuyển hóa. Năng lực mà ngài chuyển biến không phải là loại năng lực ngự trị và kiểm soát vũ trụ, động lực của việc chinh phục hung bạo của một tâm thức ấu trĩ. Đây là năng lực giác ngộ mang lại cái nhìn rõ ràng và nhận thức vô nhiễm tinh thuần. Những ảo ảnh của cõi hữu vi biến mất, chỉ còn lại thực tại trong sáng. Sợi dây thừng mà lúc trước là con rắn gây hoảng sợ và bạo động, thì nay được nhận thức đúng tính chất thật của nó. Lý luận sai lầm và sự hiểu lầm về các sự vật thì nay được coi là ảo giác, do đó tâm thức được mở rộng và lòng khoan dung tăng trưởng. Tâm trí Đạo sư là tâm thức giác ngộ và an lạc.
Tia chớp giác ngộ được truyền từ tâm trí Đạo sư trong khi nhập môn có thể được đệ tử coi là sự giác ngộ tối hậu, nhưng sau khi ánh sáng của nó đã tắt, đệ tử sẽ hiểu rằng nhập môn chỉ là việc gieo trồng hạt giống của điều khả hữu, sự giới thiệu cái gì có thể đạt được. Lễ nhập môn được đi kèm bằng những lời dạy rõ rệt về thực hành thiền định và đệ tử được biết về các giới luật để tôn trọng. Những việc này làm thuần thục các chức năng tâm linh mà lễ nhập môn đã khai mở, và do đó tái tạo ánh sáng giác ngộ. Đệ tử nhập môn phải dành trọn vẹn năng lực của mình cho mục tiêu độc nhất. Nguyện lực thúc đẩy hành giả tiến tới mục tiêu được quyết định bởi cường độ của kinh nghiệm nhập môn nơi người đó và khả năng gởi lại kinh nghiệm đó trong tâm trí. Để hạt giống mọc mầm, mảnh tâm điền phải được dọn cỏ hoang, tưới nước, và mở rộng với thời tiết thuận lợi để kích thích sự tăng trưởng của cây non. Lười biếng, lãng quên, không ghi nhớ, bị ngoại vật làm xao động, không tập trung, tự cưỡng bách hay phấn khích, đó là những chướng ngại thường gặp lúc ban đầu. Những chướng ngại này tạo một tấm màn tối làm lu mờ và cản trở ánh sáng và năng lực bên trong. Bằng việc thực hành liên tục, tất cả các chướng ngại có thể được vượt qua, và rốt cuộc, mỗi kinh nghiệm tu chứng có thể được coi là vật-vận chuyển-lực-giác-ngộ mà hành giả đã thoáng thấy trước đây, lúc nhập môn.
Sau khi nhập môn, hành giả từ bỏ những hoạt động thế gian không thích hợp cũng như những mục tiêu không chân chính, và thực hành những pháp được hướng dẫn lúc nhập môn, do đó nghiệp của hành giả được biến đổi nhanh theo chiều hướng tốt. Hành giả hiểu rõ và hủy diệt khuynh hướng hành động theo thói quen đã thành hình do vô minh. Cách xử sự và biểu lộ được quyết định trước đây bởi tập quán xã hội cũng như nhưng điều ưa, ghét, thủ, xả, đều được thay thế bằng sự tự nhiên tự tại trong hành động và lời nói. Giáo lý bí mật chính là sự an nhiên tự tại, đức tính tạo ra sự thăng bằng trong mọi hoàn cảnh.
Giáo lý khẩu truyền bí mật của truyền thống Lama không phải là một loại chủ thuyết nào cả. Giáo lý này không phải là khuôn phép, huấn thị hay nguyên tắc, dù có thể được trình bày trong những hình thức này. Giáo lý khẩu truyền bí mật là sự trình bày một dòng âm thanh tự nhiên, biểu lộ một cách hoàn hảo những nhu cầu tức thời. Trong lễ nhập môn, Đạo sư sẽ trình bày sự hoàn hảo của phép phát biểu ngôn từ (niệm chú), ý nghĩa của cử chỉ và động tác tinh tế (bắt ấn), và lực của tâm thức tập trung (thiền định). Sau khi nhập môn, mỗi hành giả phải tự nỗ lực tu chứng và thành tựu đạo quả.