PHẦN I: HUYỀN THOẠI ĐẠI BẢO THÁP
GIỚI THIỆU
Huyền thoại Đại Bảo Tháp là một truyền thuyết Tây Tạng nói về những điều như luân hồi, tôn sùng, tai họa và tái sinh. Đây là một phương tiện của người Tây Tạng dùng để hướng dẫn hành giả trên con đường tâm linh, con đường bắt đầu bằng tia chớp khai thị về điều khả hữu tối hậu và chấm dứt bằng thực hiện viên mãn. Những lời dạy được trình bày trong truyện giữa Đạo sư Liên Hoa Sanh và các đệ tử, diễn ra trong không khí huyền ảo của chùa Samyeling xây theo kiểu Mandala (đồ hình) vũ trụ, ngôi chùa cổ nhất trong số những tự viện tôn nghiêm của Tây Tạng. Trong nhiều thế kỷ, truyện này đã được dùng trong những cuộc lễ để hóa giải thói quen xao động cũng như hôn trầm bằng cách quán tưởng cả âm lẫn nghĩa của truyện được kể. Để biết hiệu quả của phép quán âm này, hành giả phải tự thân chứng.
Truyện này được xếp vào loại kinh sách gọi là Thos drol (đọc là Terdol), nghĩa là bằng cách quán âm thanh và hiểu nghĩa trọn vẹn lời kể, người ta sẽ giác ngộ, thoát khỏi sự trói buộc của phiền não và những ý niệm sai lầm về vũ trụ vạn pháp.
Nếu còn một chút nghi ngờ, một chút bảo thủ thì sẽ không có kết quả. Người nghe phải tin tưởng hoàn toàn vào năng lực của lời kể và trí huệ chân xác của Đạo sư – người kể truyện này, dù lý trí có thể không theo dõi nổi những tình tiết trong truyện, và dù những gì không được viết lại có thể bộc lộ nhiều hơn những gì được viết, nhưng người nghe có thể thoát khỏi những tư tưởng phê bình thành kiến, chật hẹp, gây những cảm xúc rắc rối, bằng cách làm cho tâm trí của mình rộng mở, có khả năng giải quyết bằng trực giác những mâu thuẫn. Trong Phật pháp, những lời của Đức Phật được viết ra coi là thiêng liêng như chính Ngài, thì mỗi chữ viết của vị Lama (Đạo sư, tu sĩ Tây Tạng) được coi như chân lý. Một hành giả khi đọc kinh sách, người đó đọc mà không phê phán, không thêm bớt, không suy diễn hay thay đổi một ý nghĩa nào, mà cứ để cho lời văn kinh cứ tự tạo nên một khuôn mẫu tư tưởng định hình trong tâm trí, và tin tưởng rằng mẫu tư tưởng này sẽ đem lại kết quả tốt. Óc phê phán chỉ làm tăng tính ích kỷ, và tính này có thể được hóa giải hay biến đổi bằng tụng kinh hay niệm chú. Loại văn Thos drol này khi đọc sẽ có tác dụng hướng dẫn cũng như giác ngộ người nghe.
Huyền thoại này không có giá trị nhiều đối với một người nghiên cứu lịch sử Tây Tạng, mặc dù trong truyện có chứa nhiều sự kiện lịch sử, nhưng với tính cách coi thường thì những sự kiện tiêu biểu xác thực của cốt truyện vẫn không được họ xem trọng. Chỉ có hai điều được coi trọng, đó là trạng thái – tính chất lúc xảy ra sự kiện – và tính đồng nhất của ẩn dụ (nghĩa bóng, ám chỉ). Trong Văn học Phật giáo Tây Tạng, lịch sử được coi như tương ứng với việc tu tiến trên con đường tu đạo Bồ tát; địa lý được coi là tương ứng và tượng trưng cho cấu trúc và địa hình của tâm trí; mỗi tiểu sử là một bản hướng dẫn phương pháp tu đắc Phật quả; và triết học thì diễn tả các linh thị thuộc những cấp tu chứng khác nhau của một hành giả. Trong khi khoa học Tây phương giúp con người phát triển và khống chế môi trường vật chất để giải quyết những vấn đề thường trực như thực phẩm, chỗ ở, y phục, và cũng để thỏa mãn những dục vọng của mình, thì nền văn hóa của xứ tuyết Tây Tạng đã hướng dẫn con người cách hòa hợp các nguyên tố trong thân tứ đại của chính mình (Thiền định), thực hiện tâm Từ bi phát sinh từ sự hòa hợp đó, cũng như các kinh nghiệm về ngoại vật với giác thức đơn sơ cùng với sự giao tiếp tự nhiên và liên tục.
Ý NGHĨA CỦA BẢO THÁP
Chủ đề nhất quán của truyện này là Đại Bảo Tháp, biểu tượng của Phật quả. Bảo tháp tượng trưng cùng lúc: Chân lý tối hậu và Chân lý tương đối, tức Chân đế và Tục đế. Về mặt Chân lý tối hậu, Bảo tháp không thể bị hủy diệt hay vi phạm. Bảo tháp là nền tảng tinh thần, thấm nhập tất cả, trong đó có bản thể của mọi vật. Đó là cõi Chân như. Căn tính của chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai. Đó là cõi vô biên, đơn nhất vĩnh hằng. Trước khi Bồ tát bỏ những chướng ngại về tri kiến của mình và diệt những phiền não vô số cản trở sự tự chứng nghiệm, thì Chân lý tối hậu vẫn chỉ là Phật quả chưa chứng đắc. Chỉ dùng lý trí không thôi thì không thể đạt được sự hoàn hảo tuyệt đối vì đó là tinh túy của tâm trí. Tâm trí hữu vi và phân biệt không thể biết được sự Đơn nhất không thể diễn tả. Cái Đơn nhất này là không thể nghĩ bàn và là Trống không hoàn toàn. Nó vô nhiễm, vượt mọi phê phán và thách đố mọi mô tả. Nó được gọi là Chân Không Pháp Giới.
Về mặt Chân lý tương đối, Bảo Tháp tượng trưng sự biểu lộ của các pháp hữu vi trong không gian và thời gian, chịu sinh, lão, bệnh, tử (tức là thể xác con người và vũ trụ vạn vật). Trong tính chất tương đối của vạn pháp, có ba cõi được phân biệt là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Dục giới là cõi một Bồ tát có thể tự biểu lộ với các hoạt động, và những hoạt động này được Bồ tát chọn lọc để làm cho mình tiến về hướng giải thoát. Cõi Sắc giới là một biển ba động (rung động): càng ở tầng thấp thì càng rung động mạnh. Nhạy cảm với những rung động khổ và sướng nhỏ nhất, trực giác mỹ cảm tạo ra sự hòa hợp trong hình dạng của một vị Thần (hay vị Trời) để được biểu lộ bằng chất của cõi Sắc giới. Cõi Vô sắc gồm các mức độ khác nhau của Tính không, tiến lên với Chân lý tối hậu hay Chân không. Vậy, Chân lý tối hậu và Chân lý tương đối không thể phân chia, được tượng trưng bằng Đại Bảo Tháp.
XÂY DỰNG PHẬT QUẢ
Người đàn bà làm nghề nuôi gà Shamvara có ý định xây Đại Bảo Tháp, chắc chắn là phải tạo sự toàn hảo bản thân. Con đường bà đi theo bắt đầu bằng sự thành tín tôn sùng Đức Phật và kết thúc bằng việc không còn chút phân biệt giữa người làm và việc làm (năng sở), giữa tư tưởng và lời nói hay hành động, giữa ý nguyện và thực hiện. Con đường đi từ phiền não đến giác ngộ viên mãn này lại mang cho bà phần thưởng trong Tam Bảo Phật Quả.
Tam Bảo là Phật thân, Phật ngôn và Phật tâm. Phật thân là sự thành tựu hoạt động trong các cõi. Phật thân làm cho thân và tâm có thể phản ứng tức khắc với các sự việc một cách tự tin và tự chủ. Người đạt được Phật thân là người có thể thực hiện được tiềm năng trong mọi hoàn cảnh và là tấm gương của lối sống cao thượng nhất. Để đạt được Phật thân, hành giả phải hành động vô vị kỷ và thành tâm tu tập; mỗi hành động đều là một sự dâng cúng cho Đại Bảo Tháp (Viên ngọc như ý. Người thực hiện mọi lời cầu nguyện). Phật ngôn là sự đạt được tiếng nói nội tâm (Phật âm, vị Thầy), trong sự rung động tinh thuần phát biểu phẩm tính của kinh nghiệm và hướng về hành động hoàn hảo bằng mệnh lệnh chân xác. Hành giả đạt được Phật ngôn sau khi đã diệt trừ mọi động lực vị kỷ trong sự giao tiếp với người khác cũng như mọi ý nguyện vị kỷ. Ở đây Đại Bảo Tháp tượng trưng sự thiêng liêng mà tất cả các vị thần khác đã tan hòa trong đó, tham học với ánh sáng và lửa. Phật tâm là sự đạt được tâm thức giảm thiểu mọi cảm thức tới trạng thái Trống Không tinh yếu của nó, liên tục trụ trong Chân Như Pháp Giới (bản thể của các pháp), nơi phát xuất tâm từ bi. Ở đây, Đại Bảo Tháp trở thành Pháp thân.
Người nào có ý nguyện nhập môn đạo pháp Đại thừa thì phải phát Bồ-đề-tâm nguyện giải thoát chúng sinh khỏi phiền não và vô minh. Để đạt được mục đích này, hành giả phải tự hoàn thiện, và sự phát triển tâm linh này được tượng trưng bằng việc xây dựng Đại Bảo Tháp. Đức Quán Thế Âm là tâm từ bi thiêng liêng và là căn bản của sự thành tựu Bồ tát nguyện (nguyện độ chúng sinh, dứt phiền não, học vô số pháp môn, thành tựu đạo vô thượng). Ngài là đấng hộ trì của Tây Tạng; các cõi Phật của Ngài được tượng trưng bằng điện Potala ở thủ đô Lhasa, chỗ ngự của Đức Đạt Lai Lạt Ma, một hóa thân của Ngài và thay Ngài trị vì Tây Tạng. Trong tranh và tượng, Đức Quán Thế Âm được trình bày với một ngàn tay, trong mỗi lòng bàn tay là một Huệ nhãn (Thiên thủ thiên nhãn). Ngài luôn luôn hoạt động để giải thoát chúng sinh khỏi những chướng ngại và vô minh. Ngài hủy diệt những hình ảnh không có sự sống và làm sinh động những tiềm năng trong con người. Trong huyền thoại này, nữ hành giả Shamvara là hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm và việc xây dựng Đại Bảo tháp tượng trưng cho việc thực hiện Bồ tát nguyện. Hoạt động của Shamvara làm cho ánh sáng của Tháp tỏa ra xua tan bóng tối của thời Mạt pháp.
KINH NGHIỆM THỜI GIAN
Khi đọc huyền thoại Đại Bảo Tháp, chúng ta nên biết thời gian và nơi chốn của truyện này. Trong Giáo pháp, thời gian vừa có tính cách lịch sử vừa có tính cách tượng trưng. Thời gian được chia thành nhiều kiếp (kalpa) liên tiếp nhau. Chúng ta đang sống trong Hiền kiếp, hay thời may mắn, vì trong kiếp này sẽ có một ngàn vị Phật xuất hiện ở thế gian để hóa độ chúng sinh. Mỗi kiếp có ba thời (yuga). Trước hết là thời Chánh pháp, có tính chất trong sạch hoàn toàn, không có trở ngại gì cho việc đắc Phật quả viên mãn. Thứ nhì là thời Tượng pháp, ở thời này người ta sống tới tám ngàn tuổi. Thứ ba là thời Mạt pháp, trong thời này lúc đầu người ta thọ một trăm tuổi, sau đó giảm dần xuống còn mười tuổi.
Trong thời Tượng pháp, các vị Phật giáo hóa loài người, nhưng việc này trở nên khó khăn dần, cho đến thời Mạt pháp thì giáo lý tinh thuần của các Ngài không còn được nghe nói tới nữa. Đại Bảo Tháp được xây dựng trong thời Phật Ca Diếp, khi kiếp người dài hai mươi ngàn năm và loài người vẫn còn được biết về giáo pháp tinh thuần. Hai ngàn năm trăm năm trước, khi con người thọ một trăm tuổi, Đức Phật Thích Ca xuất hiện dạy giáo pháp và giáo pháp này sẽ tồn tại trong những giai đoạn đầu của thời Mạt pháp.
Thời Mạt pháp (Kaliyuga, thời đen tối) là thời gian trước khi thế giới hủy diệt. Thời đại này có năm điều: Tuổi thọ giảm, lối sống vị kỷ và xấu xa, tham lam và keo kiệt, các học thuyết duy vật xuất hiện và hỏa hoạn tiêu diệt thế giới. Huyền thoại này tiên tri rằng sự rung động của thời này sẽ làm hư hại cấu trúc của Đại Bảo Tháp; truyện cũng nói rõ về các dấu hiệu báo trước sự suy thoái và hủy diệt của lối sống cao thượng. Khi thời hắc ám này tiến dần đến chỗ tận diệt thì giáo pháp của Đức Phật sẽ không còn. Huyền thoại nói rằng nếu các Bồ tát tại thế (các Phật tử) không học và thực hành giáo lý Mật giáo (Tantra) thì hình thức bên ngoài của Đại Bảo Tháp sẽ bị hủy diệt một cách tối hậu và không thể tránh được, dù công đức được tích lũy trong các kiếp trước làm cho họ vẫn dũng mãnh trong việc diệt trừ tham, sân, si.
Việc giảm tuổi thọ có thể được hiểu theo hai mặt vật chất và tâm trí cùng với luật luân hồi. Về mặt vật chất, sự giảm thọ có thể được hiểu là thể xác được sinh trưởng, già cỗi, bệnh tật và chết chóc, rồi trở về với tứ đại. Về mặt tâm trí, kinh nghiệm sống là một giòng liên tục, biến đổi với mỗi khoảng khắc kinh nghiệm. Đời sống tâm trí của một kinh nghiệm (một người hay một vật) được gọi là một “pháp”, là một phần nhỏ của một phần lớn “Pháp” (Dharma, luật vũ trụ). Các “pháp” khác nhau về tuổi thọ tùy theo mức độ tập trung của tâm thức. Trong thời Mạt pháp, các tình cảm độc hại như tham, sân, si, ganh tỵ làm cho người ta mất sự tập trung tinh thần, tâm trí tán loạn, vừa theo đuổi những vật nó thích vừa chạy khỏi những vật nó ghét. Vì vậy, khi nhịp độ sống tăng thì tuổi thọ giảm.
Về mặt tâm trí, một kiếp là một đơn vị thời gian (một niệm) bên trong tâm trí hay tinh thần. Một kiếp có thể được kinh nghiệm trong đại định, thoát khỏi các lực vật – chất – hóa nặng nề của các chuyển động và năng lượng vật chất. Một thời đại được kinh nghiệm khi mức độ rung động tăng lên. Khi thời Mạt pháp tiến đến chỗ kết thúc, mức độ rung động, tức là những niệm được huân tập trở nên cực tiểu cho đến khi sự tăng tốc độ và sự phân chia nhỏ các phần tử thời gian gây ra hỏa hoạn hủy diệt tất cả các sắc tướng. Phật Di Lặc, hiện thân của từ bi, sẽ xuất hiện trên thế gian trong khoảng thời gian này, và tuổi thọ của con người sẽ là 84.000 năm.
ĐỨC PHẬT SỐNG
Trong thời Mạt pháp, người ta cũng có những cơ hội để thoát khỏi sự hủy diệt gần kề. Các giáo lý của Tiểu thừa và Đại thừa là quan trọng, nhưng không đủ để chống lại các lực cảm xúc đang tăng mạnh. Trong khi đó, Kim Cương thừa có những phương tiện để khắc phục tính hành động theo bản năng xấu của con người. Giáo lý Tiểu thừa dạy sự chối bỏ hoàn toàn xúc cảm (đam mê); Đại thừa đề ra đối trị và hóa giải xúc cảm; trong khi Kim Cương thừa dạy sự hiểu biết về tình cảm bằng phương pháp tương tự, dùng tình cảm có kiểm soát.
Huyền thoại này cũng tiên tri về một vị Tulku.
Trong Kim Cương thừa, Tulku là người giác ngộ trong giai đoạn cuối cùng của thời Mạt pháp và được gọi là Tantrika, một hành giả đã đạt được tri kiến về bản thể thanh tịnh của các pháp. Ngài có khả năng hóa hiện để xoa dịu, chỉ dạy, khuất phục hoặc để làm gương cho sự kềm chế các lực hắc ám đang khống chế tâm trí con người. Quả Phật của Ngài sẽ có tính chất của toàn thể Phật tính; nền tảng đức hạnh của Ngài sẽ vững chắc như Người Giác Ngộ của thời Giáo pháp (Dharmayuga), và khả năng phân biệt tốt xấu của Ngài sẽ thật thiện xảo như một vị Độc giác Phật của truyền thống Tiểu thừa. Ngài sẽ dũng mãnh chỉ dạy những cách dùng thân người quý báu để tạo ra sức sống, ánh sáng và tình yêu.
PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG
Vào lúc dâng hiến Đại Bảo Tháp, sự phát tâm thanh tịnh của những người xây Tháp là mong được tái sinh. Việc hồi hướng này sau đó đã có kết quả. Những người con trai của người nuôi gà – vị Bồ tát đã xây dựng Bảo Tháp – đã trưởng thành trong đạo pháp qua các kiếp làm những người thiết lập Đạo pháp Nội tâm của Tây Tạng trong thời Mạt pháp. Bằng ẩn dụ Đại Bảo Tháp, những người này được cho thấy nguyên nhân năng lực tâm linh của họ, phương tiện để duy trì năng lực này và những chướng ngại cản trở năng lực này phát triển. Kim Cương thừa trình bày nhiều phương pháp “xây Bảo Tháp.” Với phương pháp yoga thân thể, Hathayoga, thân thể trở nên dễ đáp ứng tới mức độ dị thường, các phản xạ trở nên tức khắc, và cảm giác trở nên rõ rệt hơn. Pháp niệm chú làm tâm thức của hành giả nhạy bén đối với cõi của quỷ thần. Các môn Thiền định và Minh sát quán làm cho hành giả nhạy cảm với những ý nghĩ nào phát khởi trong tâm thức và tăng cường trí quan sát sự vật.
Những phương pháp tu tập này, được tượng trưng bằng việc xây dựng Đại Bảo Tháp, sẽ làm cho hành giả đạt được ý nguyện.
Không có một vị hộ trì nào trên con đường đạo đề quyết được hành giả nào sẽ đạt được mục tiêu. Chỉ có ý định giác ngộ của hành giả từ một hạt giống, lớn mạnh thành ý nguyện như một thân cây và các cành, đạt thành tựu như lá và quả. Đây là tiến trình phát triển tinh thần phổ quát cho mọi hành giả ở mọi nơi. Khi niệm khởi đầy trong tâm trí, sự rối loạn và giằng co tư tưởng làm cho người ta không thể phát triển một ý tưởng đơn độc nào, dù tốt hay xấu, đến chỗ chiếm ưu thế để nhất định theo đuổi một mục tiêu gì. Trong sự an tĩnh của tâm trí, một ý tưởng đơn nhất sẽ có ảnh hưởng lớn.
TIÊN TRI
Tại Samyeling, ngôi chùa đầu tiên được xây ở Tây Tạng, Đạo sư Liên Hoa Sanh (Padma Sambhava, Orgyen Rinpoche), vị Thầy Mật giáo vào thế kỷ thứ 8 có quyền-năng-hóa-độ lớn, đã dạy vua Trisondetsen, vị vua bảo hộ Mật giáo ở Tây Tạng trong thời kỳ đầu tiên và hai mươi lăm đệ tử thân cận. Đây là những vị sáng lập Cựu phái Nyingma. Hai chương đầu của Huyền thoại Đại Bảo Tháp kể sơ lược về lịch sử Tây Tạng vào buổi đầu, còn ba chương cuối thì tiên tri về lịch sử lúc sau này, như cuộc xâm lăng của người Mông Cổ, việc Hồi giáo đến Ấn Độ và sự hủy diệt của Vajrasana (Kim cương tọa, nơi Đức Phật ngồi khi Ngài giác ngộ, bây giờ được gọi là Bodhgaya, hay Bồ đề Đạo tràng). Một sự kiện đáng ghi nhớ là trong những cơn bão vào năm 1969, đỉnh của Bảo Tháp bị phá hủy vì cơn sét đánh trúng, và người con của vị tu sĩ trụ trì chùa Samyeling bị bắt vì buôn bán đồ thờ tự đánh cắp ở các chùa trong thung lũng Kathmandu, Nepal. Dân Tây Tạng thường giải đoán các chương về sự tiên tri của Huyền thoại phổ thông này. Họ coi những sự kiện đó là nói về mức độ sa đọa của con người trong thời Mạt pháp, và diễn dịch những tiên tri về việc Trung Hoa chiếm Tây Tạng, gây hấn với Ấn Độ ngày nay như đã trở thành sự thật. Thật vậy, nếu không có sự xuất hiện của vị Tantrika để ngăn chặn sự suy thoái của thời Hắc ám thì lời tiên tri về Tây Tạng bị tàn phá và những lời tiên tri về những đoàn người Tây Tạng tỵ nạn ở miền Bắc Ấn Độ đã trở thành hiện thực. Các đền chùa và kinh sách bị đốt. Những địa chủ còn giữ tài sản của họ và các tu sĩ bị giết. Niềm tin của những người Tây Tạng lưu vong được hổ trợ bằng lời tiên tri rằng nếu Đại Bảo Tháp được phục hồi, họ sẽ trở về tổ quốc và trong 60 năm sẽ có hòa bình và thịnh vượng.
BẢO VẬT Ở BODHA
Bảo Tháp (Stupa) hiện tại ở Bodha, nơi mà người Tây Tạng gọi là Jarungkhasor, tọa lạc giữa thung lũng Kathmandu, với các rặng núi bao quanh, giống như một viên ngọc ở giữa một mandala thiên nhiên. Đây là tâm điểm của tất cả sự rung động trong thung lũng. Nhiều người ở những nơi xa xôi như biên giới Đông bắc và rặng Hindu – Kusl ở miền Tây, hành hương đến Bảo Tháp, làm lễ ở trước và xung quanh Tháp. Không ai biết là Đại Bảo Tháp đã có từ thời nào, và mỗi người hành hương, du tăng, khất sĩ, học giả hay thương gia trên đường từ Ấn Độ qua Nepal đến Tây Tạng đếu cầu nguyện trước Tháp để được an toàn khi vượt Hy Mã Lạp Sơn hay khi đi qua những thung lũng đầy giặc cướp. Cả bốn phái Tây Tạng đều tôn kính Đại Bảo Tháp. Ngôi chùa ngày nay ở cạnh Tháp Bodha là của phái Gelukpa (phái Mũ vàng), nhưng huyền thoại được tất cả các tín đồ đọc ở Tháp và phổ biến trong tất cả những người nói tiếng Tây Tạng là của phái Nyingma (phái Mũ đỏ). Đây là một Terma, văn bản ghi những lời của Đức Liên Hoa Sanh bằng mật tự Terma, và được vị Dakini (thiên nữ), người phối ngẫu của Đạo sư là Đức bà Yeshey Tsogyal cất giấu. Trong thời Đại sư tại thế, có hàng ngàn Terma được cất giấu ở những chỗ bí mật như hang, khe đá, sông, suối, trong các chùa, trong các pho tượng và các Tháp, để được tái khám phá, giải mã và chuyển giao, khi người ta cần có thêm giáo lý để chữa những bệnh tinh thần của một thời đại, đặc biệt là thời Mạt pháp này. Bằng cách này, mọi người ở mọi thời không chỉ nhận được những giáo lý tốt, mà còn làm sống lại những truyền thống cổ, luôn luôn hợp thời, mà Đức Liên Hoa Sanh đã soạn theo kinh nghiệm thực hành hoàn hảo của chính Ngài. Nơi nào có các hành giả thiền định, nơi nào người ta cầu khẩn các vị thần, nơi nào có tâm trí giác ngộ, thì nơi đó có thể tìm thấy các Terma.
Terma “Huyền thoại Đại Bảo Tháp” này được một nữ tu sĩ tìm thấy bên trong pho tượng Mahavairocana (Phật Đại Nhật) ở tầng trên của chùa Samyeling. Mahavairocana tượng trưng cõi thanh quang vô tận của tâm thức viên mãn, còn tầng trên của chùa có ý nghĩa là trung tâm của Mandala (Pháp giới), đơn nhất và không hình thể. Toàn thể chùa Samyeling là một mandala vũ trụ, tương ứng với mandala đồ hình và mandala nghi lễ trong mỹ thuật, chữ viết và kiểu thức trình bày. Terma này được cất giấu trở lại trên mặt Tây nam của tòa sư tử nơi Tháp Đỏ, vì lúc đó không phải là thời gian thích hợp để tiết lộ huyền thoại này. Tháp Đỏ ám chỉ sự mông muội do dục vọng, là đề tài quán tưởng được thanh lọc bằng cách đọc huyền thoại này. Mặt Tây nam của tòa sư tử có ý nghĩa rằng truyện này sẽ khiến cho người đọc tin tưởng đến cõi Thanh Tịnh của Đạo sư Liên Hoa Sanh ở núi Mầu Đồng Zangdokperi.
EH MA HO!!
Đảnh lễ các Đạo sư
Thuộc ba dòng
Thân Phật!
Đảnh lễ Phật
Vô Lượng Thọ
Trong Pháp thân!
Đảnh lễ Bồ Tát
Quán Thế Âm
Trong Báo thân!
Đảnh lễ Đạo sư Liên Hoa Sanh
Trong Hóa thân Từ bi!