Chương VI: Các dịch giả và các học giả dịch kinh sách sang tiếng Tây Tạng
Sau khi ta, đại sư Liên Hoa Sanh, và sư trưởng Shantirakshita đã ở Tây Tạng được một thời gian, do không thỏa mãn với sự tiếp nhận Giáo pháp của người xứ này, nên khi thảo luận, chúng ta đồng ý với nhau rằng Tây Tạng là xứ của bọn man rợ hung bạo, không xứng đáng với Giáo pháp, bọn La sát không biết phân biệt đức hạnh với tội lỗi. Do ganh tị, các quan lại Tây Tạng cản trở chúng ta thực hiện những ý nguyện của nhà vua, và chúng ta nghĩ tới chuyện trở về quê hương. Khi biết được việc này, nhà vua đã đau khổ đến phát khóc. Ngài tặng chúng ta những món bằng vàng cùng các đồ quý báu khác, và xin chúng ta hãy nghe lời khẩn cấp của ngài như sau: “Tây Tạng là xứ của bọn La sát ăn thịt người, xứ của bóng tối, chưa bao giờ được nghe Giáo pháp. Dù đã nản lòng, nhưng xin các ngài hãy mở lượng từ bi của bậc Giác ngộ mà nghĩ tới chúng tôi! Xin hãy ở lại làm những vị Phật hóa thân ở cái xứ độc ác này! Một Bồ Tát làm vì lợi ích của người khác và không có việc làm gì tốt hơn là giúp người khác được giải thoát. Vì vậy tôi, Trisondetsen xin các ngài giúp cho lời cầu khẩn của tôi được thực hiện. Tôi đã xây các Bảo Tháp, viết sách và dựng tượng mà không được gì cả, nhưng nếu các Kinh điển và Mật điển được mang tới Tây Tạng và được dịch ra tiếng Tây Tạng thì Giáo pháp sẽ được truyền bá. Người dân sẽ được nghe thuyết pháp, có thể hành thiền theo cách chân truyền. Tôi xin hai vị Đại sư ở lại Tây Tạng để làm việc này. Xin hai Ngài đừng trở về Ấn Độ.”
Vì Vua Trisondetsen đã cầu khẩn như vậy nên chúng ta quyết định mang kinh sách từ Ấn Độ qua và dịch sang tiếng Tây Tạng. Vì vậy, để thực hiện lời tiên tri, các thanh niên thuộc những gia đình cao quý được tập hợp lại để học môn dịch thuật và một trăm người trong số đó được chọn để sang Ấn Độ học tiếng Sanscrit, trong số họ là Kapapaltsek, Chokroluyi Gyaltsen, Shangpo và đặc biệt là Vairotsana.
Ta dịch các Nghi quỹ nội và ngoại, còn Sư trưởng Shantirakshita dịch Kinh và Luật. Một ngàn một trăm thanh niên Tây Tạng đã thọ giới Tỳ-khưu phụ giúp việc dịch thuật cùng với một trăm dịch giả Tây Tạng đã từ Ấn Độ trở về, không bao giờ quên các vị Thầy của họ, một trăm học giả Ấn Độ được mời tới Tây Tạng, trong đó có Vimalamitra và Buddhagupta. Tất cả chúng ta, dịch giả, học giả, Sư trưởng và ta, Đạo sư Liên Hoa Sanh, cư trú trong tu viện, mặc áo đẹp, ngồi ngai cao có nệm bằng lụa. Chúng ta được dâng bánh kẹo và các tặng phẩm bằng vàng. Các kinh sách Mật chú thừa và Đại thừa được dịch gồm Tam tạng Kinh, Luật, Luận; Bát Nhã Ba La Mật Tâm Kinh; Kinh Đại Bát Niết Bàn, giáo lý vô song nói về Đức Phật nhập Niết bàn; quyển Kriyayoga của Dojretsemo và tất cả các Mật điển Ngoại Mật Chú thừa; các nghi quỹ Ashtaguhyamulamaya; các quyển kinh thuộc bộ Giáo lý Đại Hoàn Hảo; bộ Astavachana dharmamula tantra trong năm, mười và mười lăm Nghi quỹ; tất cả những Luận thư và vô số Mật điển – “Nội” của Mật Chú thừa. Việc dịch các Kinh điển và Mật điển này diễn ra ngày đêm. Các học giả giải thích thấu đáo các văn bản, còn các dịch giả thì chăm chú lắng nghe, chuyển ý nghĩa sang tiếng Tây Tạng. Bằng cách này, Giáo pháp được dạy một cách rõ ràng khắp Tây Tạng, vô số Kinh điển và Mật điển đã được in ra.
Trong ngày lễ đưa Kinh sách vào Chùa, lọng Trời, phướn Chiến Thắng, cờ Thần, lễ dâng Mandala vũ trụ và nhiều lễ cúng được sửa soạn bầy biện thật khéo léo và đẹp mắt. Các thứ được các tu sĩ cầm cao hay nâng cao, còn Kinh sách tiếng Tây Tạng thì được họ đeo trên lưng. Trong đoàn rước Kinh sách là những chiếc xe ngựa chở các dịch giả và học giả, được che bằng lọng, đi hai bên là những người cầm phướn chiến thắng. Âm nhạc và những cây hương thơm báo hiệu đoàn diễn hành đi quanh chùa. Trong lễ rước Kinh và cất Kinh sách vào điện trong tầng giữa của chùa, Akashagarbha biểu diễn pháp thuật biến hóa của mình.
Đằng trước tu viện Samyeling trên bình nguyên Yobok, những chiếc ghế nệm được xếp ra cho các dịch giả và học giả. Họ ngồi theo hình nửa vòng tròn và mỗi người được dâng theo tục lệ một mô hình vũ trụ bằng vàng, một Nút Thắt Vĩnh Cửu, áo vải tốt, áo lụa, áo len, một con ngựa, một con la, một vật gọi là “Zo”, một xấp vải len loại thô cũng như loại mịn, một gói trà lớn, một trăm đồng vàng và một ngàn đồng bạc. Sau đó, Vua Trisondetsen từ trên ngai bước xuống đứng trước họ và nói về triều đại của ngài, về phong tục của người dân, về lòng quảng đại và ý định thiêng liêng của các dịch giả và học giả. Vimalamitra, người giỏi nhất trong các học giả, nói về nguồn gốc và giá trị hiếm có của Giáo pháp. Vairotsana, người giỏi nhất trong các dịch giả, nói về công việc truyền Giáo pháp của các học giả.
Một viên quan Tây Tạng là Gos trao tặng phẩm cho họ rồi nói về việc các quan thi hành ý nguyện của nhà vua. Các thần dân của nhà vua dâng tất cả những món quý giá mà họ có, và hầu hạ cũng như tiếp đãi các dịch giả. Các học giả sau đó lên đường trở về quê hương của họ, để lại tri thức Đạo giáo sáng chói như mặt trời ở Tây Tạng.