Phần hai: TIỀU SỬ ĐỨC LIÊN HOA SANH: Giới thiệu
Đây là tiểu sử của Đạo sư Liên Hoa Sanh, khất sĩ, thiền giả Mật giáo, nhà huyền thuật, học giả, người trừ tà, giáo sĩ, nhà truyền pháp, nhà linh thị (tiên tri), và thánh nhân. Sinh ra ở xứ Orgyen (các học giả cho Orgyen là Thung lũng Kabul, hoặc Thung lũng Swat, hoặc miền đông Orissa). Đức Liên Hoa Sanh, trong thế kỷ thứ 8, đã du hành khắp Ấn Độ trước khi Vua Trisondetsen mộ đạo của Tây Tạng mời ngài đến xứ này để ban rải giáo lý Mật giáo. Quyền năng huyền diệu của Đạo sư là khí cụ chính yếu mà ngài dùng để dẫn dụ người dân Tây Tạng xa rời giáo lý sơ khai của các phù thủy (Shaman) ở xứ này. Ngài mang đến cho Tây Tạng những phương pháp thiền định cao cấp của Đại thừa Ấn độ và sáng lập dòng Nyingma nguyên thủy (Phái Mũ đỏ). Những sự kiện chính yếu trong đời của Đạo sư được kể trong mười chương của tiểu sử này.
Đức Liên Hoa Sanh là một vị Phật mà do công hạnh trong các kiếp trước, đã nhận trọng trách dạy các phương tiện và biểu thị lối sống cần thiết đưa đến giác ngộ trong thời Mạt pháp. Sau khi giáo lý của Phật Thích Ca trở nên không đủ cho đa số những người có ý nguyện tu tiến, do sự suy đồi trong môi trường đạo đức của họ, Đức Liên Hoa Sanh đã thu hồi những giáo lý mà Phật Thích Ca đã giao cho các thần nước Naga (Long Vương) cất giấu và bảo vệ ở dưới biển cho đến lúc tốt nhất để được quảng bá.
Do lời mời của Vua Trisondetsen, ngài du hành khắp Tây Tạng, và được gọi là Đạo sư Tôn Quý (Guru Rinpoche). Vị Thầy vĩ đại là tấm gương đạo hạnh. Ngài có hai mươi lăm đệ tử thân cận, mỗi người trong số họ đều hoàn thiện về một phương diện nào đó của con người bằng cách thực hành các giáo lý, mà một khi đã thọ nhận lời dạy và thực hành phương pháp thì sẽ đạt được lợi ích, như thế giữa đệ tử và Đạo sư đạt được sự đồng nhất hoàn toàn và bắt đầu tổ chức một dòng truyền thừa riêng để tiếp tục trao truyền giáo lý của Ngài. Vì vậy Đạo sư Tôn Quý là bất cứ một vị Đạo sư nào, một vị Lama nào đã thành tựu pháp môn Du già Đạo sư (Guru yoga), và dù pháp môn này của ngài có nhiều hình thức, nhưng cốt yếu chỉ là một.
Đức Đạo sư có tên là Liên Hoa Sanh vì giống như hoa sen, mọc rễ trong bùn lầy ở đáy hồ ao, vươn lên qua làn nước đục và nở hoa trong sạch thơm ngát trên hồ, tâm giác ngộ cũng vậy, vượt qua những tính chất ô trược của con người, tiến về phía nguồn ánh sáng và vẻ đẹp qua các phiền não và đau khổ, là những nhân tố làm nở hoa trí huệ và từ bi.
Tiếng Tây Tạng không dùng danh từ “tiểu sử” mà dùng chữ “Namtar” nghĩa là “Giải thoát viên mãn” để chỉ loại sách tiểu sử. Mỗi phái đều có vô số truyện thuộc loại này, diễn tả con đường tiến tới Phật quả mà các Đạo sư đã đi qua, do chính các vị thầy này kể trước khi nhập Niết bàn. Những Namtar là những quyển hướng dẫn hay những bản đồ dành cho người có ý nguyện đi theo đạo pháp Kim Cương Thừa. Mỗi chương mô tả một hình thức nhập môn Kim Cương Thừa. Đức Đạo sư đã đi trên con đường này và đã kể lại những kinh nghiệm của ngài bằng thứ ngôn ngữ bí ẩn và thường khó hiểu. Những ngôn ngữ này chỉ trở nên có nhiều cấp ý nghĩa khi con mắt trí huệ đã được khai mở.
Đây là
Sự tích cuộc đời tự giải thoát
của Đức Liên Hoa Sanh,
Đạo Sư Orgyen
và là Cây Như Ý.
Sự tích này được lấy từ bẩy đề mục
sâu xa của vị Terton vĩ đại
Orgyen Chokyur
Lingpa.
Hoan hỷ! Ta, Đạo sư Liên Hoa Sanh, sẽ kể trong quyển sách này về việc tu tập tinh thần và cuộc đời tự giải thoát, cách ta quán thông giáo lý thiêng liêng của Ba Thừa và hành động không ngừng cho hạnh phúc vì lợi ích của chúng sinh, luôn chuyển Pháp luân xuyên suốt quá khứ, hiện tại và vị lai.