1. NANGSA OBUM - Lời mở đầu
Bản văn này là một bản dịch của một vở kịch dân gian bản địa Tây Tạng, được những nhóm diễn viên du phương trình diễn trong sân của một tu viện hay quảng trường trong làng. Những người dân làng tụ tập chung quanh làm thành một cử tọa ồn ào sống động, hoan hô vị anh thư và huýt sáo chê trách những kẻ hung ác. Vở kịch có thể được diễn trong vài ngày với những lúc tạm ngưng để uống trà và dùng bữa. Những vai diễn được hát lên bằng một giọng lung linh giống như tiếng tụng kinh xen lẫn với giọng của một người kể chuyện thuật lại những phần của câu chuyện không được các diễn viên nói ra. Toàn bộ vở kịch được phụ họa bởi những tác động âm thanh của trống và xập xõa.
Thể loại nhạc kịch này được gọi là “Ach’e Lhamo,” được đặt theo tên của những thiên nữ can thiệp vào những giây phút tuyệt vọng. Vở kịch này được dành cho, và là một phần của sự tôn thờ Đức Tara. Nangsa là một người sùng mộ Tara, và chính trong những lúc bị giam cầm cô đã cầu nguyện với Ngài. Tara là thân tướng nữ được nhiều người kính ngưỡng của Đức Phật: không có gì nằm ngoài sự che chở của Ngài, Ngài sẽ cứu giúp ngay cả trong những sự việc phàm tục nhất. Người Tây Tạng nói rằng thậm chí những người không có sự nhập môn Tara vẫn có thể kêu cầu Ngài và Ngài sẽ đáp ứng. Ngài là chiến sĩ của những người cô thế và thực hiện chức năng hơi giống Đức Mẹ trong Thiên Chúa Giáo. Ở những nơi Đức Phật dường như quá xa xôi và siêu phàm thì lòng bi mẫn của Đức Tara như tình thương của một hiền mẫu có thể được khẩn cầu.
Theo huyền thoại về nguồn gốc của Tara, Ngài là một Hóa Thân của nữ hoàng “Mặt Trăng Trí tuệ,” là bậc trong thời xa xưa bằng tư tưởng siêu phàm hướng tới giác ngộ (Bồ Đề tâm) của Bà, Bà đã phát nguyện cứu giúp chúng sinh bị tóm bắt trong mạng lưới của sự đau khổ. Vào lúc này, Bà được các tu sĩ khuyên nên mang thân tướng của một người nam. Đối với lời khuyên này Bà trả lời: “Bởi chẳng có gì là một người ‘đàn ông’ hay một người ‘đàn bà’, và không có gì là một ‘bản ngã’ hay một ‘con người’ hay ‘giác tánh’, nên sự bó buộc này đối với nam giới hay nữ giới thì trống rỗng.. Ôi những kẻ xuẩn ngốc trần tục tự lừa dối mình biết bao!”1 Sau đó Bà quyết định sinh ra Tara như một năng lực giác ngộ trong thân tướng nữ. Bà nguyện: “Những người muốn đạt được sự giác ngộ siêu phàm trong thân tướng nam thì nhiều, nhưng những người ước muốn phụng sự những mục đích của chúng sinh trong thân tướng của một phụ nữ thì quả là ít ỏi; vì thế cho tới khi thế giới này được làm cho trống rỗng, cầu mong tôi phụng sự mục đích của chúng sinh bằng một thân tướng không gì khác ngoài thân tướng của một phụ nữ.”2
Từ lúc đó, trải qua nhiều ngàn tỉ năm, Ngài đã cứu vớt vô số chúng sinh thoát khỏi nỗi khổ trong vòng luân hồi của thế gian. Vì thế Ngài đã trở thành một Bổn Tôn nhờ sự viên mãn của thực hành thiền định của riêng Ngài và do bởi hứa nguyện cứu giúp người khác đã được phát thệ từ những thời đại xa xưa.
Câu chuyện của Nangsa Obum xảy ra vào thế kỷ mười một ở miền Trung Tây Tạng. Đây là thời kỳ của những hoạt động và nhiệt thành tôn giáo hết sức mãnh liệt ở Tây Tạng. Nhiều vị trong số những vị Thầy quan trọng nhất đã sống vào thời gian đó, và một vài trong những dòng truyền thừa quan trọng nhất chẳng hạn như dòng Kagyu đã bắt đầu trong thời kỳ này. Machig Lapdron, Milarepa và Phadampa Sangye đều là những người cùng thời với Nangsa Obum. Nhiều bản văn và giáo lý mới được đưa vào từ Ấn Độ. Thời kỳ này được gọi là sự phục hồi hay phục hưng của Phật Giáo trong biên niên sử Tây Tạng. Dòng chảy đầu tiên của Phật Giáo vào khoảng năm 650 tới 836 được hỗ trợ bởi chế độ quân chủ, các vị vua Phật Giáo ở Thung lũng Yarlung ở miền Trung Tây Tạng. Trong thời gian này Phật Giáo đã biến đổi từ một tôn giáo nước ngoài được hỗ trợ bởi nền quân chủ thành tôn giáo có ảnh hưởng to lớn của Tây Tạng. Người cuối cùng trong các vị vua này là Langdharma, một người chống lại Phật Giáo, đã bị giết chết vào năm 842. Theo sau cái chết của ông ta là một thời kỳ nội chiến và hỗn loạn, và phải tới khoảng năm 978 Phật giáo mới được phục hồi. Thời kỳ này được đánh dấu bởi những sự dịch thuật mới của Smirti ở miền Đông Tây Tạng, và Richen Zangpo (958-1055) ở miền Tây Tây Tạng, dưới sự bảo trợ của một dòng gồm các nhà vua Phật tử. Những sự dịch thuật này được gọi là “Tân Tantra.” Vị Thầy của Milarepa, Dịch giả Marpa nổi tiếng (1012-1098) đã du hành sang Ấn Độ vài lần và trở về với những giáo lý mới và một truyền thống thi ca, đặt nền trên kiểu mẫu giảng dạy Ấn Độ, nhưng bao hàm những nội quán và hình tượng cá nhân từ kinh nghiệm của hành giả. Chúng ta tìm thấy các điển hình của những “bài ca” này trong Một Trăm Ngàn Bài Ca của Milarepa và trong tiểu sử của Nangsa Obum.
Tiểu sử của Nangsa Obum thuộc thể loại những chuyện kể Tây Tạng liên quan tới “delog,” “người đã chết và sau đó sống lại.” “Delog” sẽ thuật lại cái chết của người đã chết. Sau khi chứng kiến nỗi khổ của chúng sinh trong địa ngục là những người vì những ác hạnh như sát sinh, lừa bịp và trộm cắp mà phải tới đó, các delog sẽ thuật lại cho người sống nghe. Những câu chuyện của họ sẽ làm cho người ta khiếp sợ và ước muốn thay đổi trước khi đi tới kết thúc bất hạnh này. Tác dụng tổng quát của những câu chuyện này là để nuôi dưỡng những chuẩn mực đạo đức của quần chúng. Tôi đã bỏ sót lời mở đầu có tính chất giáo huấn trong bản dịch này.
Chú thích:
1. Steven Beyer, Sự Tôn thờ Tara, trang 65.
2. Cùng cuốn trên.