Câu chuyện giải thoát của DRENCHEN REMA
Drenchen Rema Shegmo (“Người Đàn bà Áo Vải của sự Chánh niệm Vĩ đại”) sinh ra ở Tsang thuộc miền Gurmo trong tu viện được gọi là Ri chung.
Cha bà thuộc dòng Ba, là dòng truyền thừa kiệt xuất. Cha bà tên là Geshe Nyen Jansem Sogyal, và mẹ bà tên là Semo Chodar. Họ có ba con trai và hai con gái. Một trong những người con gái này được gọi là Rema, mặc dù có tên thật là Yeshe Kunden. Bởi bà từng tích tập những kho công đức trong những đời trước nên bà thường suy niệm về sự tất định của cái chết và kinh nghiệm về nỗi buồn sầu và lòng bi mẫn khi nhìn thấy sự đau khổ của thế gian. Bà thấy mọi sự hiện hữu thế gian là đau khổ và quyết định rằng bà sẽ không bao giờ muốn lập gia đình và bị mắc kẹt trong đời sống thế tục, ngay cả khi bị đe dọa bởi cái chết. Bà quyết tâm trải đời mình trong việc thực hành Pháp.
Khi bà mười ba tuổi, bà bắt đầu học đọc và viết. Bà học nhập tâm tất cả những bài cầu nguyện. Năm mười bốn tuổi bà quyết định rời bỏ thế gian và sống phần còn lại của đời mình trong ẩn thất. Bà không quan tâm tới vấn đề lương thực với ý nghĩ rằng nếu bà không có thực phẩm bà sẽ sống nhờ nước.1 Bà quyết định rằng nếu không có quần áo bà sẽ mặc những quần áo rách bị bỏ đi.
Khi bà nói với cha bà về quyết định đó và khẩn cầu ông một vài giáo lý, ông nói: “Con còn quá trẻ đối với việc này và sẽ khó mà thực hành theo cách này. Nhưng ta biết con không phải là đứa con gái tầm thường. Con là một dakini được Đức Vajra Varahi gia hộ. Ta biết điều này bởi trước khi con sinh ra ta có một giấc mơ là con có một cái đầu heo thò ra bên cạnh đầu con.2 Mọi người sợ hãi khi cái đầu này phát ra những tiếng ồn ào.”
Mẹ bà nói: “Con yêu quý, con gái không thể thực hành Pháp. Sẽ rất tốt cho con nếu bây giờ con kết hôn bởi con có nhiều người theo đuổi.”
Rema tự nhủ: “Ta sẽ chứng minh cho mẹ ta là con gái có thể thực hành Pháp.”
Sau đó bà có một giấc mơ về một vị Hộ Pháp và trong giấc mơ ngài nói với bà: “Con nên đi thực hành Pháp.”
Sau đó không lâu bà đọc một quyển sách tên là Ser O Dampai Do, “Kinh Ánh sáng Vàng Linh thánh,” trong đó viết: “Chân lý tương đối là mọi sự bạn nhìn bên ngoài thì thực như một giấc mộng. Chân lý tuyệt đối là tâm không có tự tánh. Nó không có hình dạng hay màu sắc bền chắc. Giác tánh nguyên sơ của tâm thì vô điều kiện.”
Được cảm hứng bởi những lời này bà chép quyển sách khác cho riêng mình bằng chữ vàng trên giấy đen. Sau này bà nói: “Lạt ma của tôi là Đức Phật. Giáo Pháp là quyển sách tôi đọc này.”
Một hôm bà đọc một quyển sách khác tên là Gye Tong, một bản Kinh Đại thừa được tóm tắt. Sau khi đọc, bà hiểu rằng Sinh tử và Niết Bàn cùng tất cả các pháp thì không thực và giống như một giấc mộng. Sau sự kiện này bà viết nhiều bài hát. Rồi cha bà và cũng là guru của bà nói: “Con nên học với một vài guru khác.” Bà trả lời: “Không cần phải học thêm nữa, con cần phải thiền định. Việc học chỉ có lợi ích trong đời này. Người ta làm việc đó để được kính trọng là điều mang lại thực phẩm và chỗ ở. Họ không nghĩ tới những đời sau và họ không thực hành thiền định.”
Cha bà nói: “Làm sao con có thể thiền định nếu trước hết con không học? Nếu con chỉ thiền định, người ta sẽ tin tưởng ở con, tới với con và cầu xin giáo lý. Khi đó con sẽ không thể giảng dạy cho họ bởi con không học. Nếu có người xin con một lễ quán đảnh, con sẽ chẳng có ý niệm gì về cách ban truyền nó. Nếu đệ tử của con chết, con sẽ không biết làm cách nào để giúp đỡ họ trong trạng thái Bardo.”
Rema trả lời: “Cho dù con không học, nếu con thiền định con sẽ gặt được kết quả. Trái quả của thiền định sẽ đầy đủ cả. Con không muốn học. Con sẽ chỉ giảng dạy những gì con thấu hiểu từ thực hành của chính con. Nếu người ta muốn những lễ quán đảnh, con sẽ không thể ban truyền chúng. Con không khao khát học những nghi lễ. Con chỉ muốn thiền định.”
Cha bà nói: “Mặc dù những điều con nói là đúng sự thật, nhưng cha vẫn muốn con học.” Vì thế cha bà dạy bà những thực hành, nghi lễ và triết học khác nhau.3 Rồi bà nhận giáo lý sâu xa về viên ngọc như ý của Rechungpa, và nhiều thực hành khác.4
Sau đó cha bà dạy bà thiền định về sự định tâm kiên cố và bà quyết định đi tới một nơi xa để thực hành trong ẩn thất. Bà bán tất cả những vật sở hữu của mình, kể cả tư trang, và với số tiền kiếm được bà thực hiện một tiệc cúng dường lớn và chuẩn bị lên đường. Khi đó cả gia đình bà bắt đầu khóc và van nài bà đừng đi.
Cha bà nói: “Nếu con muốn đi xa thì hẳn điều đó có nghĩa là con đang tìm một người chồng. Nếu ra đi con sẽ không thể học, và dù sao chăng nữa con gái du hành một mình
thì không tốt. Con có thể nhập thất ba năm ở gần đây. Nếu điều con muốn là thực hành thì con có thể làm điều đó ở đây, nó cũng tốt như bất kỳ nơi nào khác.”
Vì thế bà ở trong ẩn thất phía trên ngôi làng của bà trong một năm, nhưng bà nhận thấy nó quá ồn cũng như quá gần nơi thị tứ. Sau đó bà nghe nói tới một địa điểm ở xa hơn từng được Đức Padmasambhava gia hộ. Bà nghĩ là mình sẽ tới đó và mặc dù không tìm ra lương thực, bà sẽ sống bằng nước. Bà dự định đạt được giác ngộ trong một đời.
Bà rời ẩn thất và đi tới nơi được gọi là Shang này. Sau khi ở trong thất một thời gian bà rất hoan hỉ với những kết quả, và một hôm bà đi xuống một cánh đồng nơi một vài người đang làm việc. Bà yêu cầu họ mang lại cho bà gạo, bia và thực phẩm. Họ làm như thế và trong số những người này có một người đàn bà rất tin tưởng ở Rema và hỏi là bà ta có thể đi theo bà không. Rema nói: “Nếu bà đến với tôi thì bà phải từ bỏ mọi sự và sống bằng nước.”
Người đàn bà đồng ý và họ đi Zabbu. Họ thiền định ở đó và sống bằng nước. Họ gặp nhiều trở ngại, cả hai cùng bị bệnh và bị các tinh linh tấn công, nhưng họ tiếp tục thiền định và cuối cùng làm yên định các tinh linh. Khi họ đi khất thực, họ gây hứng khởi cho nhiều người. Những dân làng thường mời họ tới chữa bệnh cho thú vật và ban những giáo lý. Rema ban những giáo huấn và hát cho họ nghe những bài ca. Khi danh tiếng của bà bắt đầu lan rộng, nhiều người tới thăm bà. Có lần một nhóm người tới và hỏi bà có phải là một dakini không. Bà trả lời là phải và họ nói: “Nếu bà là dakini thì xin hãy phô diễn cho chúng tôi những năng lực của bà!”
Bà nói: “Tôi không có năng lực!” Bà trở nên giận dữ và ném đá vào họ. Thay vì làm họ bị thương thì những hòn đá chữa lành tất cả những bệnh tật của họ. Nhiều người tin ở bà và dâng cho bà tóc của họ và nhiều món cúng dường, nhưng bà hiến cúng tất cả cho các guru của bà.
Bà du hành tới nhiều nơi khác nhau để nhập thất, và bà bắt đầu thấy những Bổn Tôn trong giấc ngủ và trong khi thức. Rồi bà trở về nơi đã nhập thất một năm để thực hành pháp Cakrasambhava. Bà bắt đầu mơ thấy những nơi bà chưa bao giờ ở đó, và trong một giấc mơ bà thấy ba chiếc ngai. Bà hỏi: “Những chiếc ngai này dành cho ai?” Có tiếng trả lời: “Chư Phật trong Ba Thời.” Vào lúc đó bà thấy chư Phật trên Pháp tòa của các Ngài. Sau khi nhận Giáo Pháp và giới nguyện Bồ Tát từ các Ngài, bà thức dậy.
Một đêm khác bà mơ thấy bà đi tới một nơi mà Guru Rinpoche và bốn dakini đang sống.
Trong giấc mơ khác, bà mặc áo choàng dài và mang nhiều vũ khí và được vây quanh bởi các dakini, họ đang chống lại những người Phi-Phật Giáo hung dữ với mái tóc bện. Bà chiến thắng. Điều này cho thấy bà đã chinh phục được những che chướng và trở ngại của mình.
Một lần khác bà mơ thấy mình đang cầm một cái tháp pha lê. Có một cầu vồng ở trên cái tháp và bên trong là một vị Phật sáng ngời.
Có lần bà du hành tới Lhasa với mười lăm đệ tử và thăm viếng Đức Phật nổi tiếng trong trung tâm của thành phố. Khi bà cầu nguyện ở đó, từ không trung rơi xuống năm loại hoa. Người giữ chùa và nhiều người khác nhìn thấy tận mắt sự kiện này.
Một lần khác bà ở trong một hang động đóng kín được bít lại ngoại trừ một cái lỗ thông gió nhỏ. Vào đêm có nguyệt thực bà lẻn ra ngoài qua cái lỗ và mang theo cái trống và chuông nhỏ. Bà leo lên trên và phía sau mái nhà gần đó, và leo lên vách sau nhà mà không dùng tay. Sau đó bà quay trở về động mà không cần thu nhỏ người lại hay làm cái lỗ lớn ra. Nhiều đệ tử của bà nhìn thấy điều này, nhưng bà bảo họ đừng thuật lại cho những người khác bởi bất luận trường hợp nào người ta cũng sẽ không tin.
Có lần bà phải đi lên một ngọn núi cao vì thế các đệ tử cúng cho bà một con yak để cưỡi. Con yak trượt chân và bà ngã xuống một vực thẳm và nhiều hòn đá rơi xuống với bà. Mọi người tin chắc là bà đã chết, nhưng khi họ tìm thấy bà thì bà đang ngồi yên trên tảng đá. Mọi người rất ngạc nhiên và thật cảm kích. Bà hát cho họ nghe một bài ca và đứng dậy, không bị thương tích gì. Bà bảo mọi người giữ kín chuyện này trong một năm.
Trong một trường hợp khác bà đang ban Giáo Pháp thông thường cho một nhóm người. Trong khi thực hiện một tiệc cúng dường với khoảng năm mươi đệ tử bà hiển lộ một cái chày kim cương đỏ và xanh dương và một cái sọ người trong bàn tay bà. Xung quanh cái chày là một cầu vồng tròn. Tất cả những người hiện diện nhìn thấy điều này. Một trong những đệ tử của bà là Deleg Rinchen xin bà cái sọ mà bà đã hiển lộ. Rồi ông thỉnh cầu bà cho ông ta thấy một vài điều thần diệu.
Bà trả lời: “Từ năm mười tám cho tới năm bảy mươi mốt tuổi, ta sống trong ẩn thất và thiền định. Ta không đi lang thang không mục đích và ta không lệ thuộc vào bất kỳ ai. Đây là những điều thần diệu của ta, nhưng có lẽ ông sẽ không hiểu được chúng.”
Có lần bà đang tụng thần chú của một vị bảo hộ phẫn nộ, và một miếng thịt dài có hình dạng một răng nanh mọc ra từ miệng bà. Sau đó bà điều phục tất cả các tinh linh phi- nhân và họ bắt đầu có niềm tin ở bà và đảnh lễ bà. Bà có những năng lực huyền bí vĩ đại nhưng thường không biểu lộ chúng cho những người thế tục. Bất kỳ điều gì bà đã tiên đoán đều xảy ra; ví dụ như nếu bà nói mùa màng sẽ không tốt trong một năm thì các vụ mùa sẽ thất bát.
Không vấn đề gì có thể làm bà thoái chí; bà luôn luôn tiếp tục thực hành với một tâm kiên định. Bà đối xử bình đẳng với mọi người. Bà không đặc biệt lấy lòng những người
bảo trợ giàu có hay thiếu kiên nhẫn với người nghèo khổ. Mặc dù sự chứng ngộ của bà vượt xa những thực hành chuẩn bị và bên ngoài, bà không bao giờ từ chối những hình thức chẳng hạn như duy trì một điện thờ, thực hành các lễ lạy, và cúng dường. Bà chuẩn xác trong mọi cấp độ. Bất kỳ của cải nào bà có từ những sự cúng dường của những người sùng mộ, bà hiến cúng cho những hoạt động Giáo Pháp.
Có lần bà nói:
“Sự chuyện trò vô nghĩa là tiếng huyên thuyên của con vẹt, cho dù ta có tin ở nó,
Nó sẽ chẳng tạo nên bất kỳ kết quả tích cực nào.
Nếu công đức được tích tập,
Cho dù một cuộc trò chuyện ngắn ngủi cũng tạo ta những kết quả tích cực.
Nếu bạn không có những thành tựu bên trong,
Nhưng hành xử như thể bạn là một yogi vĩ đại,
Thì bạn thực sự vô dụng.
Cho dù bạn từng được dạy Cái Thấy Vĩ đại,
Chớ nghĩ rằng bạn thật cao siêu,
Hay không có gì nguy hiểm.”
Vào khoảng cuối đời mình, cha bà quan tâm tới việc chọn người kế vị cho dòng truyền thừa của ông và suy nghĩ về người mà ông sẽ ban cho những giáo lý bí mật nhất. Khi ông đang thiền định và cầu nguyện thì trên không trung có một tiếng nói: “Dòng truyền thừa của các Đấng Chiến Thắng trong Ba Thời.”
Ông nghĩ: “Điều này có ý nghĩa gì? Điều này ám chỉ tới ai?” Sau đó, bằng những năng lực tâm linh của mình, ông thấy rằng chính Rema là người mà ông phải trao cho dòng truyền. Đồng thời ông nhớ lại giấc mơ của ông về Vajra Varahi trước khi Rema sinh ra.
Có một lần khi bà còn trẻ, đệ tử của Gyalwa Gutsang là Đại Thành tựu giả Urgyenpa (1323-1360) tới gặp bà trên đường ngài đi Trung Quốc.
Ngài hỏi: “Bà ba mươi lăm tuổi?”
Bà nói: “Vâng, đúng thế.”
Ngài đáp: “Phải, ta biết bà hẳn là như vậy.”
Rồi ngài cho biết về đệ tử đặc biệt của bà: “Khi ngài Gutsang còn sống, ngài nói rằng đệ tử của ngài là Machig Drowa Zangmo sẽ trở thành đệ tử đặc biệt của Rema, và nếu Machig khắc phục một sự bất tịnh cá biệt, bà ta sẽ trở nên rất hữu ích cho chúng sinh.”
Rema sống tới tám mươi tuổi và vào lúc đó một trong những đệ tử của bà là tu sĩ Dzijid Gyaltsen đã biên soạn tiểu sử này. Trong tiểu sử này ông đã thâu thập những câu chuyện từ chính Rema và những đệ tử của bà.