Chú thích
1. Sadhana: một thực hành Kim Cương thừa bao gồm sự quán tưởng một Bổn Tôn và sự trì tụng thần chú.
2. Tiếng Tây Tạng là Seng.lDeng: cây keo có nhiều trong những rừng rậm ở miền Đông bắc Ấn Độ và Bengal.
3. Cõi linh thánh; Cõi Phật, “cõi,” “các phạm vi,” hay “các thiên đường” là những chiều kích khác của sự hiện hữu ở đó các hiện thể hiện hữu trong những hình thức vi tế hơn thân thể chúng ta. Những người bình thường khó có thể tin vào bất kỳ những gì hiện hữu vượt quá những điều họ có thể kinh nghiệm, nhưng những người ở cấp độ cao hơn có thể đi tới những chiều kích này và thuật lại cho họ. Thiên đường của người Cơ Đốc Giáo có lẽ bắt nguồn từ những kinh nghiệm của Đức Chúa trong những chiều kích này.
4. Vỏ ốc xà cừ: một biểu tượng nguyên mẫu của phái nữ.
Âm thanh vang lên từ đường xoắn ốc tượng trưng cho Pháp Giới thuần tịnh nguyên thủy. Đường xoắn của ốc xà cừ cũng tượng trưng cho mạn đà la vĩnh cửu, vô thủy vô chung.
5. Mỗi vị Bổn Tôn có tinh túy hay chủng tử trong một sự rung động hay âm thanh nào đó. Từ âm thanh này xuất hiện Bổn Tôn, do đó nó được gọi là “bija” hay chủng tự.
6. Kinh mạch trung ương: một kinh mạch năng lực vi tế chạy từ đỉnh đầu tới khoảng dưới rốn bằng bề dày bốn ngón tay, hay chạy thẳng tới đáy chậu. Kinh mạch trung ương, Uma (dBu.ma), có màu trắng trong hơi pha đỏ. Nó chói sáng và hoàn toàn thẳng đứng, rỗng như một cây sậy.
7. Những Báu vật: điều này ám chỉ Tam Bảo: (i) Phật, (ii) Pháp (giáo lý của Đức Phật), và (iii) Tăng đoàn (cộng đồng gồm các sư cô và tu sĩ, hay những hành giả huynh đệ khác của Pháp). Pháp (Dharma) đôi khi bị nhầm với pháp [dharma](s) là những yếu tố sơ đẳng, những vấn đề nhất thời, tách biệt, nhưng nối kết với tiến trình của sự tri giác.
8. Thủ Hộ của Thế giới trong Ấn Độ Giáo, tương tự như ý niệm “Thượng Đế.”
9. Avalokitesvara: thân tướng linh thánh của lòng bi mẫn, được gọi là Chenrezi (Quán Thế Âm) trong tiếng Tây Tạng, là vị Bổn Tôn được ngưỡng mộ nhất trong các Bổn Tôn của Tây Tạng, mà thần chú của Ngài là “Om Mani Padme Hum Hri.” Một trong những hình thức thông thường nhất của Ngài là một thân tướng trẻ trung có sắc trắng với bốn tay; hai tay ở trước ngực cầm một viên ngọc và một tay cầm một chuỗi pha lê còn tay kia cầm một bông hoa.
10. Trí tuệ Ba la mật (Tây Tạng: Shes.rab Par.phyin). Đây là “sự viên mãn của trí tuệ sâu xa” dẫn tới sự giải thoát. Theo những nguồn mạch của phái Kagyu và Nyingma mà tôi khảo sát, trong truyền thống Kim Cương thừa việc dịch Shes.rab là trí tuệ không chính xác lắm, bởi nó không phải là một trạng thái như Ye.shes, là từ có thể dịch là trí tuệ, mà đúng hơn nó là một khả năng, một công cụ, để đạt tới Ye.shes. Công cụ này thường được mô tả như một thanh gươm hay một ngọn đuốc, phát hiện lại hay chặt đứt ảo tưởng để khám phá, hay chiếu sáng, trạng thái nguyên sơ là cái luôn luôn viên mãn nhưng bị ngăn che bởi những sự bất tịnh và quan điểm không đúng đắn (tà kiến), giống như mặt trời bị che khuất sau những đám mây. Vì thế prajna là một công cụ để khám phá trí tuệ, chứ không phải chính là trí tuệ. (So sánh với Trungpa, Thiền định trong Hành động; sGampopa, Pháp Bảo của sự Giải thoát; cũng xem phần Dẫn nhập ở trên).
11. Bia Tây Tạng làm bằng lúa mạch lên men hay gạo hoặc hạt kê.
12. Năm phẩm tính đáng ao ước: ao ước được thấy, xúc chạm, nếm, ngửi, và nghe.
13. Các Naga (Long, Rồng, TT: Klu): các sinh vật thuộc loài rắn ở thế giới bên dưới với những năng lực mạnh mẽ ảnh hưởng tới con người qua những sự việc như bệnh ngoài da, và người ta cũng cho rằng loài này nắm giữ trí tuệ trong những vương quốc tối tăm trong nước của họ. Ngài Nagarjuna (Long Thọ) được nói là nhận giáo lý Madyamika (Trung Đạo) từ các vị Rồng. Có một loạt đầy đủ chuyện kể về các Naga được gọi là kLu.’bum (“Một Trăm ngàn vị Rồng”), trong đó phân chia loài Rồng thành ba nhóm: trắng, đen và nhiều màu. Các vị Rồng được nối kết mật thiết với sự sinh sản do bởi mối liên kết của họ với nước.
14. Mũi tên với những giải lụa năm màu (TT: mDa’. Dar Tshon.sna lNga): mũi tên có tính chất biểu tượng này có nguồn gốc từ tôn giáo dân gian đồng nội tiền-Phật Giáo ở Tây Tạng. Mũi tên được các Phật tử tiếp nhận và được sử dụng trong lễ nhập môn trường thọ và những nghi lễ khác. Năm chiếc khăn lụa được thắt lại tượng trưng cho năm yếu tố được kích hoạt bởi mũi tên.
15. Bảy Báu vật: (i) niềm tin, (ii) giới luật, (iii) bố thí, (iv) sự lắng nghe và thông hiểu Pháp, (v) cảm thấy xấu hổ về những hành động không tốt của ta (tàm quý), (vi) sử dụng năng lực Prajna để biết cái gì nên lấy và cái gì nên bỏ, (vii) sự phát triển của Prajna xuất phát từ việc lắng nghe, thiền định và thực hành Pháp.
16. Lời khuyên nhủ này biểu thị cách một phụ nữ nên cư xử một cách lý tưởng theo những chuẩn mực văn hóa Tây Tạng.
17. Năm phẩm tính xấu của một phụ nữ: (i) nghĩ tưởng tới người đàn ông khác sau hôn nhân, (ii) thiếu sự rộng lượng (bố thí), (iii) muốn làm những gì không thể làm được, (iv) muốn làm những gì không nên làm, (v) giết chồng.
18. Tám phẩm tính tốt của một phụ nữ: (i) thân thiện, (ii) luôn luôn có con trai, (iii) làm những gì nên làm, (iv) có khả năng làm bất kỳ loại việc nào, (v) không ganh tị với những phụ nữ khác, (vi) nói những điều có ý nghĩa, (vii) có niềm tin nơi Pháp, thoát khỏi những tà kiến, (viii) cho dù chồng không có mặt vẫn làm theo ý muốn của chồng.
19. Deva là vị Bổn tôn bảo trợ, là vị được guru chọn theo khí chất của đệ tử. Guru, deva và dakini (Phạn), (Tây Tạng: Lama, Yidam, Khadro) được thêm vào cho sự quy y căn bản của Phật Giáo là Phật, Pháp và Tăng (Tam Bảo) trong Phật Giáo Kim Cương Thừa. Vì thế ở Tây Tạng thực sự có sáu sự Quy y (Nương tựa). Nơi nương tựa quan trọng nhất được coi là guru, bởi không có một vị thầy thì năm chỗ nương tựa kia không có ích lợi.
20. Hành vi thuộc về Pháp là hành vi phù hợp với giáo lý của Đức Phật (Pháp); và hành vi thuộc Sinh tử là hành vi đặt nền trên vô minh và dẫn tới sự luân hồi trong vòng đau khổ vô tận.
21. Một thân người quý báu: chỉ có thân người mới có khả năng đạt tới giác ngộ mặc dù tất cả các chúng sinh đều có Phật tánh. Điều bắt buộc phải có là một thân người quý báu, nó không chỉ là một thân người nhưng là một thân người với một vài phẩm chất là căn bản làm việc để thành tựu Phật Quả.
22. Milarepa là vị “thánh” nổi tiếng nhất của Tây Tạng.
Sau khi trải qua nhiều thử thách và khổ nhọc trong thời thanh niên, Ngài sống trong các hang động, nhiều hang trong số đó ở miền Trung và Nam Tây Tạng. Tiểu truyện của ngài được Evans-Wentz phiên dịch trong Milarepa, Yogi Tây Tạng Vĩ đại và C.C. Chang phiên dịch trong một quyển sách về các cuộc gặp gỡ của Ngài, các đệ tử và thi ca của Ngài trong Một Trăm ngàn Bài Ca của Milarepa.
23. Rechung là một trong những đệ tử thân thiết nhất của Milarepa. Ngài và Gampopa là những trưởng tử tâm yếu của Milarepa. Từ Gampopa xuất hiện nhánh thuộc dòng Kagyu mà về sau trở thành Karma Kagyu, và từ Rechung lưu truyền một nhánh ít tính chất tu viện. Cả hai duy trì những dòng truyền không đứt đoạn vẫn còn tiếp tục tới ngày nay.
24. Phadampa Sangye (Pha.dam.pa Sangs.rgyas): một đạo sư Ấn Độ (mất năm 1117) ở miền nam Ấn Độ, đã viếng thăm Tây Tạng hơn năm lần. Ngài là người sáng lập phái Shijepa. Khi đến Tây Tạng lần đầu tiên, ngài không được chấp nhận như một Phật tử, mà được coi như một thánh nhân của đạo thờ thần Shiva nhưng cuối cùng ngài được người Tây Tạng tôn kính. Ngài cũng là nguồn cảm hứng cho trường phái Chod (gCod) mà ngài đã dạy cho Machig và vị thầy của bà là Lạt ma Kyoton Sonam mặc dầu chính Machig là người sáng lập phái Chod. Cả Shijepa lẫn Chod đều được đặt nền trên giáo lý Bát nhã (Trí tuệ) Ba la mật (xem chú thích 10 ở trên). Cuối cùng thì phái Shijepa được hấp thu vào những trường phái khác, trong khi pháp Chod được thực hành và truyền bá bởi Machig Lapdron sẽ tự duy trì như một dòng độc lập mặc dù nó được các dòng khác chấp nhận và sửa đổi trong một chừng mực nào đó. Cả hai giáo lý nhấn mạnh vào sự thực hành không bám chấp như một phương tiện đi tới giải thoát (so sánh với phần mở đầu tiểu sử của Machig Lapdron về pháp Chod, và Tucci, Những Tôn giáo của Tây Tạng.) Cuộc gặp gỡ của Machig Lapdron với Phadampa Sangye xảy ra trong cuộc du hành từ Ấn Độ sang Tây Tạng lần thứ ba của ngài.
25. Chuba: một váy dài toàn thân của Tây Tạng được gấp lên ở phía trước và buộc ở bên hông. Phần trên được dùng như một cái túi.
26. Có thể Sakya Gyaltsen là anh của Machig Lapdron (xem tiểu sử của Machig Lapdron).
27. Marpa là guru của Milarepa, được gọi là Dịch giả Marpa, bởi Ngài mang về từ Ấn Độ nhiều giáo lý và dịch sang tiếng Tây Tạng. Những giáo lý này tạo nên căn bản của phái Kagyu (dòng truyền khẩu). Xem Nalanda (dịch), Cuộc đời của Dịch giả Marpa.
28. rDzogspaChen.po’i sKor: những giáo lý được đặt nền trên một sự tiếp cận không thứ lớp dựa trên sự làm việc với năng lực của thân, ngữ và tâm. Nguyên lý của Dzogchen là có một trạng thái nền tảng nguyên thủy của sự hiện hữu tuyệt đối vô điều kiện (Ngo.bo.nyid Kyi.shu) là nền tảng; trạng thái hiện hữu này tự nó hiển lộ như trí tuệ thuần khiết (Rig.pa). Sự đưa vào Rigpa, phát triển giác tánh của trạng thái Rigpa, và thoát khỏi những đám mây của bất giác và vô minh (Ma.rig.pa) cấu tạo nên con đường. Kết quả của con đường Dzogchen vẫn liên tục trong trạng thái Rigpa. Mặc dù sự thấu suốt lập tức (gCig char) có thể xảy ra, nhưng nó chỉ có thể xảy ra như thế khi tâm linh của một đệ tử đã thuần thục, do đó Dzogchen cũng có một loạt những thực hành tịnh hóa và thiền định nhằm chuẩn bị cho cá nhân một trạng thái Rigpa liên tục. Ba nhóm chính của giáo lý Dzogchen là: Sems.sde, kLong.sde, và Man.ngag.sde. Các thực hành Dzogchen cũng được kết hợp với Terma (xem Dẫn nhập ở trên).
29. Xem Dẫn nhập, “Sự Suy sụp và Tái-xuất hiện,” ở trên.
30. Một trong những “siddhi” (thành tựu) hay những năng lực thần diệu của bậc đã đạt được cấp độ của sGyu.lus (huyễn thân), nó có thể phóng chiếu làm nhiều thân ở nhiều nơi khi cần thiết trong bất kỳ thân tướng nào để cứu giúp chúng sinh. Những thân này được gọi là huyễn thân nhưng chúng xuất hiện như thể có thực. Xem Tucci, Những Tôn giáo của Tây Tạng.
31. Xem Dẫn nhập.
32. Tantra: thực ra bản văn nói rằng “Pháp với các Bổn Tôn,” nó có nghĩa là những giáo lý Phật Giáo cùng với những giáo lý Kim Cương thừa sử dụng sự quán tưởng các Bổn Tôn v.v.. Xem Dẫn nhập.
33. Sự tích tập công đức là một ý niệm căn bản và được coi như cốt tủy đối với những kết quả trong thiền định. Nó được đặt nền trên ý niệm những hành động của ta (Karma, nghiệp) tạo nên một dấu vết trong dòng hiện hữu của ta và nếu những hành động này tích cực (lòng tốt, sự rộng lượng, nhẫn nhục v.v..) thì công đức (Sod.nams) tích tập trong dòng này. Những tích tập này được mang từ đời này sang đời khác và khi công đức đã tích tập đầy đủ thì con đường tâm linh có thể thực hiện được. Khi ta không tích tập đầy đủ công đức thì hoặc ta sẽ không bị cuốn hút vào vấn đề tâm linh, hoặc sẽ thấy mình bị phóng tâm và sẽ khó có thể tiến bộ. Những vị Thầy Tây Tạng thường bắt đầu bài giảng bằng cách nói rằng những người hiện diện ở đó là nhờ sự tích tập công đức của họ. (Xem sGampopa, Vật Trang sức Qúy báu của sự Giải thoát.)
34. Sự Bói toán (Tây Tạng: Mo). Những người Tây Tạng lập nhiều quyết định của họ trên căn bản của sự bói toán. Họ sử dụng nhiều phương pháp khác nhau: dùng những mala (chuỗi hột), một tấm gương, hột xúc sắc, những cái nút phức tạp, đá để ném cá, v.v.. Đôi khi nó được giải thích bằng cách dùng một quyển sách tương tự như I Ching, và đôi khi bằng cách phân tích ý nghĩa huyền bí của các con số.
35. Bardo là một tên gọi thường được dùng để chỉ thời gian giữa cái chết và sự tái sinh, mặc dù “bardo” thực sự chỉ có nghĩa là “giữa.” Có một terma phức tạp về “bardo” giữa cái chết và sự tái sinh, ban cho những giáo huấn về việc đạt được giải thoát trong thời gian này, được gọi là Bardo Thodal, hay Sách Tây Tạng của người Chết. (Xem những bản dịch của Evans- Wentz và một bản dịch gần đây hơn của Freemantle và Trungpa.) Trong những giáo lý Tây Tạng có một ý niệm về sức nặng của những hành vi tốt và xấu của ta tương tự như trong Cơ Đốc Giáo. Tuy nhiên, trong các giáo lý Tây Tạng sự quyết định chỉ xác định lần tái sinh kế tiếp của ta hơn là một phán xét đối với sự vĩnh cửu. Sau sự phán xét ta được gởi tới một trong sáu cõi. Có ba cõi cao [trời, người và những vị trời ganh tị (các A tu la)] và ba cõi thấp (súc sinh, địa ngục và quỷ đói). Những vị trời và những chúng sinh trong cõi địa ngục có đời sống dài nhất. Có mười tám cõi địa ngục bao gồm những loại đau đớn ghê gớm được phân chia giữa những địa ngục lạnh và địa ngục nóng. Mặc dù những cõi này có thể được giải thích như những trạng thái tâm lý được con người kinh nghiệm (xem Sự Cắt đứt Chủ nghĩa Duy vật Tâm linh, Trungpa), nhưng người Tây Tạng trung bình giải thích chúng rất chính xác (xem sGampopa, Pháp Bảo của sự Giải thoát.)
36. Mặc dù từ trước cho tới lúc này Nangsa đã thực hành Pháp thâm sâu, cuộc gặp gỡ này đem lại cho cô sức mạnh để kết hợp những giá trị nội tại của cô với tình huống bên ngoài.
37. Người đã chết và sống lại sau khi kinh nghiệm thế giới sau-cái chết (Bardo).
38. Tư thế với bảy phương diện, tư thế thiền định cổ điển: hai chân trong tư thế hoa sen, xương sống thẳng như một ngọn giáo, bàn tay ngửa, bàn tay này trên bàn tay kia (đối với đàn ông thì bàn tay phải ở trên, đàn bà thì bàn tay trái ở trên) với các ngón cái chạm nhau được giữ ở dưới rốn, đôi vai kéo ra sau và ngang bằng, cằm hơi gập vào, mắt mở nhưng thư dãn, nhìn thẳng về phía trước từ chóp mũi, lưỡi và môi thư dãn, lưỡi có thể cuộn lên chạm vào vòm miệng.
39. Đối với sự mô tả tất cả các bộ Phật xin xem Dẫn nhập.
40. Damaru: một trống nghi lễ nhỏ tương tự trống Chod, nhưng nhỏ hơn. (Xem phần mở đầu tiểu sử Machig Lapdron.)
41. Dakini thuộc Phật bộ đôi khi màu xanh dương và dakini Kim Cương bộ thì đôi khi màu trắng tùy theo Tantra.
42. Rolang (ro.langs): nếu một tử thi được sống lại sau khi chết thì đó hoặc là “delog” hoặc là “rolang.” “Delog” là một người sống lại sau khi viếng thăm địa ngục. Một “rolang” là sự chiếm hữu một tử thi bởi một tinh linh độc ác. Người Tây Tạng rất sợ “rolang” và họ thích nghe kể những câu chuyện về sự gặp gỡ kinh hoàng với “rolang,” trong khi “delog” được coi như những vị Thầy tâm linh vĩ đại.
43. Một trong những điều mà các Lạt ma Tây Tạng luôn luôn nhấn mạnh trong giáo lý của các ngài là chúng ta không biết khi nào mình chết và vì thế giờ đây nên hành động trong một cách thế đem lại lợi lạc cho ta và những người khác. Ta không thể sống đời ta như thể nó là một sự diễn tập cho một cuộc trình diễn thực sự. Ta phải tỉnh giác rằng ta có thể chết vào bất kỳ lúc nào và đừng trì hoãn trong việc thực hành Pháp và trong việc áp dụng trong đời ta những gì ta đã thấu hiểu một cách thông tuệ.
44. Bánh xe Mani: một bánh xe cầu nguyện, hầu hết thường chứa đầy thần chú OM MANI PADME HUM. Một cái ống hình trụ chứa đầy một cuộn gồm các thần chú, nó được quay tròn bởi một vật nặng, để thâu thập công đức.
45. Việc hoàn toàn lánh xa thế giới thì không có lợi lạc về mặt tâm linh, trừ phi ta làm điều đó với động lực giúp đỡ người khác. Nếu không như thế, hành động đó có thể trở thành một nguồn gốc của sự tự phụ hay ức chế. Cho dù ta sống một trăm năm trong ẩn thất mà không có lòng bi mẫn, thì cũng không khác gì những thú vật sống trọn đời chúng trong các hang động, chẳng có chút lợi ích gì về mặt tâm linh.
46. Xem Dẫn nhập.
47. Theo y học Tây Tạng, một trong những lý do gây nên bệnh tật là sự thiếu quân bình của các yếu tố đất, nước, gió và lửa. Để có thêm sự giải thích xin xem Về sự Sinh ra và Đời sống: Một Luận thuyết về Y khoa Tây Tạng của Namkhai Norbu.
48. Những năng lực thần diệu là “những thành tựu thông thường”: đây là những năng lực xuất hiện như những dấu hiệu của sự tiến bộ trong thực hành thiền định. Mặc dù chúng phi thường theo quan điểm thế tục, chúng được gọi là thông thường để minh định rằng những năng lực này không phải là trọng tâm thực sự trong việc thực hành. Những thành tựu thông thường là những sản phẩm phụ của sự thực hành; trọng tâm thực sự thì vượt lên sự tham luyến và trở về trạng thái trí tuệ thuần tịnh nguyên sơ. Những thành tựu thông thường bao gồm năng lực đi xuyên qua tường, biến đá thành vàng, đi trên nước mà không chìm, đi vào lửa mà không bị đốt cháy, làm tan băng tuyết với thân nhiệt trong sự cực kỳ giá lạnh, du hành tới một vũ trụ ở xa chỉ trong vài giây, bay trên trời và đi qua những tảng đá và núi non, những năng lực phi thường để đọc được tâm thức và biết được tương lai, và sự phát triển của tất cả các giác quan vượt xa những năng lực bình thường. Người ta cũng có thể phóng ra những tia sáng từ thân thể và đứng trong nắng mà không in bóng, làm thân thể biến mất và những phép được gọi là thần diệu khác.
49. Người Tây Tạng sử dụng một sợi giây gồm 108 hột, giống như một chuỗi tràng, để đếm những thần chú đã tụng đọc. Mala (Phạn), Tring.wa (‘Phreng.ba) (Tây Tạng), có thể được làm bằng hột bồ đề, san hô, gỗ, pha lê, v.v.. và đối với những thực hành liên quan tới những Bổn Tôn phẫn nộ thì người ta có thể dùng những mala bằng sọ người.
50. Khi một hành giả Kim Cương thừa đạt tới một giai đoạn nào đó, họ thường đeo ở bàn tay trái một chiếc nhẫn với một cái chuông trên đó tượng trưng cho “Trí tuệ” thuộc nữ, và ở bàn tay phải một chiếc nhẫn với một Vajra (chày kim cương), tượng trưng cho “Phương tiện Thiện xảo” thuộc nam. Đây là một biểu tượng của sự kết hợp những năng lực bên ngoài và bên trong của tánh nam và nữ.
51. Theo nghĩa đen, một mạn đà la là một vật có một trung tâm và một mép rìa, và khuôn mẫu năng lực ba- chiều kích với một trung tâm và những vòng tròn hay hình vuông đồng tâm. Nó rất thường được dùng trong thực hành Kim Cương thừa với một Bổn Tôn ở giữa được đoàn tuỳ tùng vây quanh, một cung điện với những chiếc cổng có người bảo vệ bên ngoài. Chức năng là sự chuyển hóa thiền giả thành những năng lực của các Bổn Tôn nhờ phương tiện của sự quán tưởng mãnh liệt mạn đà la này và sự trì tụng thần chú tương ứng (cách thức huyền nhiệm). Có nhiều cấp độ khác nhau về sự hiểu biết mạn đà la vượt lên những sự tượng trưng chính thức này, bao gồm việc nhìn toàn bộ thế giới hiện tượng như một mạn đà la.
52. Việc mang một cái tạp dề tượng trưng rằng một phụ nữ đã kết hôn. Phụ nữ Tây Tạng luôn luôn mặc những cái tạp dề có sọc sặc sỡ, không chỉ để nấu bếp.
53. Bởi Tây Tạng ở một cao độ như thế nên tốt hơn việc tặng các vòng hoa, họ tặng những khăn choàng cổ trắng mỏng được gọi là “kata” một cách trang trọng vào những cơ hội thích hợp. Chúng tượng trưng cho sự cúng dường tâm thuần tịnh.
54. Núi Kailash (Tây Tạng: Núi Tuyết Tise) nằm trong Dãy Xuyên-Hy Mã Lạp Sơn và được coi là nơi linh thiêng nhất trong tất cả những địa điểm hành hương của những người theo Ấn Giáo cũng như Phật Giáo. “Kailash được nói tới như ‘ngai tòa của các vị trời’ và ‘Trụ xứ của Siva và Paravati’, hay như ‘Mạn đà la của chư Phật-Thiền và chư vị Bồ Tát’, hay là ‘Meru’ (Tu Di), trung tâm tâm linh và hiện tượng của thế giới, sự kiện nó được biểu lộ trong những ngôn ngữ tượng trưng của những truyền thống khác nhau là kinh nghiệm về một thực tại cao cấp, nó được truyền đạt qua một sự kết hợp lạ lùng những hiện tượng tự nhiên và tâm linh, mà ngay cả đối với những người không bị ảnh hưởng bởi những niềm tin tôn giáo cũng không thể thoát khỏi. Giống như một ngôi chùa khổng lồ xuất hiện thành những tầng đều đặn gồm những đá ngầm nằm ngang và trong sự đối xứng hoàn hảo, Kailash biểu thị trung tâm của ‘Mái nhà Thế giới’, trái tim của ngôi chùa lớn nhất, trụ xứ của những năng lực vũ trụ, trục nối kết trái đất với vũ trụ, ăng ten hảo hạng cho dòng chảy vào và ra của những năng lực tâm linh của hành tinh chúng ta.” Lạt ma Anagarika Govinda “Những người Hành hương và Tu viện trong rặng Hy Mã Lạp Sơn,” Tấm Gương Pha lê, IV, trang 245-246.)
55. Một lá cờ của đền chùa trông giống như một cái lọng nhỏ được gọi là rGyal.mtshan, nó tượng trưng cho phương diện bảo hộ của Phật, Pháp và Tăng.
56. Nhờ sự kiểm soát prana (khí) và tâm thức, đại lạc xuất hiện; nó được hòa lẫn với sự chứng ngộ Sunyata (tánh Không) và sự hợp nhất này đem lại sự quang minh.
57. Việc xe chỉ được dùng như một ví dụ về cách làm việc với tâm thức trong thiền định. Nếu để len quá chùng, nó trở nên gợn sóng và dày, nhưng nếu làm nó quá căng, nó sẽ đứt, vì thế phải giữ nó với sự hoàn toàn chú tâm không quá lỏng cũng không quá chặt. 58. Bồ Đề tâm (Tây Tạng: Byang.chub Sems.bskyed): đây là động lực để đạt được giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. Đây là tư tưởng hay thái độ của một Bồ Tát. Nó là một ý niệm được các Lạt ma Tây Tạng nhấn mạnh rất nhiều và phân biệt Mahayana (Đại thừa) với Hinayana (Tiểu thừa). Khi một hành giả tiến bộ vượt lên động lực ích kỷ hướng tới sự thực hành Phật Giáo thì giới nguyện Bồ Tát được trì giữ, và nên được đổi mới thường xuyên.
59. Hai che chướng là hai trở ngại chính yếu cầm giữ ta trong Sinh tử. Khi hai che chướng được tẩy trừ thì trí tuệ bẩm sinh của mỗi cá nhân chiếu rọi và chính việc tiệt trừ những che chướng này tạo nên con đường. Hai che chướng là: cái thấy sai lạc về các sự việc ra sao (có nghĩa là nhìn mọi sự qua sự che chướng của nhị nguyên và “bản ngã”) (sở tri chướng) và kế đó, sự không kiên định của những cảm xúc, về cơ bản chúng là tham, sân và si, mặc dù ba cảm xúc này nhân bội lên thành hàng trăm trạng thái cảm xúc (phiền não chướng).
60. Điều này có nghĩa là nếu ta kinh nghiệm các sự việc như chúng thực sự là mà không đi vào sự phán đoán tốt và xấu, vui hay buồn, v.v.. thì chúng sẽ được coi là có “giá trị ngang nhau” và do đó sẽ được kinh nghiệm mà không phiền não. Nó không có nghĩa là mọi sự có cùng một vị, nhưng đúng hơn mọi sự nếm trải và trải nghiệm được kinh nghiệm không bị ngăn che bởi óc phán đoán.
61. Ta được biết rằng Đức Phật đã giảng dạy 84.000 Pháp môn khác nhau để đáp ứng những nhu cầu cá nhân của các đệ tử. Điều này bao gồm việc có thể tiếp thông với thú vật, các tinh linh và chư thiên v.v..
62. Đây là cách cúng dường các chất nước theo truyền thống. Ở đây có lẽ cô đang cúng dường Tam Bảo, Phật, Pháp và Tăng.
63. Đây là hình ảnh của cái móc tôi đã mô tả trong Dẫn nhập.
64. Việc cắt (xuống) tóc được thực hiện khi ta từ bỏ đời sống thế tục. Cho dù không giữ những giới nguyện tu viện, những người sắp nhập thất cắt tóc để tránh mất thời gian chăm sóc đầu tóc và nó tượng trưng cho việc từ bỏ sự kiêu căng tự phụ. Ngay cả khi ta quy y vị Lạt ma cũng cắt một sợi tóc tượng trưng cho sự từ bỏ và tạo một mối quan hệ với đệ tử. Việc cắt tóc cũng tượng trưng cho một sự định hướng tâm linh mới mẻ.
65. Tsari: tên của một thung lũng giữa Assam và Tây Tạng. Nó là một địa điểm hành hương rất thường xuyên nơi một cuộc hành hương đặc biệt xảy ra mười hai năm một lần.
66. Ở Tây Tạng người ta dùng một loại sáp ong dễ vỡ màu nâu nhẹ để niêm phong những gói hàng, v.v.., trông hơi giống đường nâu.
67. Kye Rim (bsKyed.Rim; Phạn: Utpatti Krama) và Dzog Rim (rDzogs.Rim; Phạn: Sampanna Krama) là hai phương diện của một sự thực hành Kim Cương thừa. Cái trước, Kye Rim là “Giai đoạn Phát triển,” tiến trình của sự kêu gọi Bổn Tôn từ hư không, nghe chủng tự của Bổn Tôn và quán tưởng Bổn Tôn trong nhiều phương cách, chẳng hạn là chính bản thân ta, trước mặt ta, trong lòng bàn tay, trong cái bình, v.v.. Sau đó trí tuệ được khẩn cầu từ thập phương thế giới và Bổn Tôn được rót đầy trí tuệ này; đây là sự hợp nhất của Jnanasattva (trí tát đỏa) với Samayasattva (nguyện tát đỏa), rồi thần chú được lập lại và cuối cùng Bổn Tôn được thu rút trở lại vào chữ chủng tự và vào không gian. Vào lúc này giai đoạn Dzog Rim, “Giai đoạn Thành tựu,” bắt đầu. Đây là thực hành “không hình tướng” theo sau “hình tướng” của Kye Rim và là một kết quả của nó. Nó là một trạng thái của sự mở trống, một khoảng trống của một bản tính riêng biệt được tạo nên bởi những thay đổi trong sự đồng nhất của thân, ngữ và tâm phải trải qua trong giai đoạn phát triển. Vào lúc này ta không “làm” bất kỳ điều gì nhưng đang kinh nghiệm ráng chiều của Kye Rim. Kinh nghiệm về tánh Không tiềm tàng này, hay tánh Không chói ngời, sau đó được đưa vào đời sống hàng ngày của ta và sự thực hành Kim Cương thừa đã hoàn tất. Khi các Tantra trở nên cao cấp hơn thì giai đoạn Dzog Rim vượt trội hơn giai đoạn Kye Rim.
68. Trong thực hành Vajra Yogini một tấm gương được phủ bột đỏ gọi là sindur “tsendure” được dùng như một mạn đà la. Thần chú được viết lên bột chung quanh mép tấm gương tròn, và ở giữa có vẽ một tam giác chéo, giống như ngôi sao David.
69. Các Tantra và Sutra: các Tantra chứa đựng những thực hành bao gồm những cách sử dụng sự quán tưởng, trì tụng thần chú, yoga và những vị thần. Có hai cách phân loại chính các Tantra: những Tantra thuộc trường phái Nyingma, và những Tantra được đưa vào sau sự truyền bá lần thứ hai là những gì được xác nhận là có giá trị qua những nguyên bản Phạn ngữ, những “Tantra mới,” (rGyud.sar.ma). Những Sutra (Kinh điển) tạo nên cơ cấu triết học và đạo đức cho Tantra. Hai phái Kinh điển chính ở Tây Tạng là Madyamika, được truyền bá bởi Nagarjuna (Long Thọ), nhấn mạnh “Trung Đạo” – thuyết tương đối, và tánh Không – và phái Yogacara “duy thức”, được Ngài Asanga (Vô Trước) truyền bá. Những Kinh điển bao gồm các hình thức công khai của Phật Giáo trong khi các Tantra bao gồm sự bí truyền.
70. Một giây đai bằng vải bền chắc được dùng để đỡ lưng trong những giờ thiền định dài, nhằm giữ lưng thẳng và chân trong một tư thế thiền định chắc chắn, làm cho năng lực lưu thông thuận lợi trong thân.
71. Rahu: vị trời của ban đêm ăn nuốt mặt trời.
72. Vua tài bảo được gọi là “Norzang.”
73. Khi một phụ nữ kết hôn, bột tsendura đỏ được rắc vào đường rẽ ngôi của cô.
74. Cakra Sambhava (‘Khor.lo bDem.mChog) là một nhân vật nam phẫn nộ màu xanh dương đậm, được ôm bởi thân tướng nữ của Vajra Varahi (rDo.rje Phag.mo). Theo truyền thống, Cakra Sambhava được kết hợp với các Tantra Mẹ và sáu mươi tư phương diện phải làm với sáu mươi tư nan hoa của luân xa (chakra) rốn.
75. Guru và phối ngẫu: điều này hàm ý rằng Nangsa đã thực hành yoga tính dục với Sakya Gyaltsen.
76. Bốn phương pháp hay năng lực làm cho việc sám hối có hiệu quả: (i) một cảm xúc ân hận và ăn năn sâu xa và chân thật về những gì ta đã làm và sám hối nó trước mặt một vị Phật hay Tăng đoàn; (ii) năng lực hành động trong một cách thế tích cực như một cách đối trị những khuynh hướng tiêu cực, chẳng hạn sự trì tụng Kinh điển, Thần chú, tạo một tượng Phật, những thiện hạnh, v.v.. (iii) từ bỏ những ác hạnh trong một phương pháp kỷ luật, giống như việc làm đổi hướng một dòng sông nguy hiểm, chuyển hóa thành điều tốt và tránh những khuôn mẫu tiêu cực trong quá khứ; (iv) phương pháp nương tựa (quy y) Phật, Pháp và Tăng và luôn luôn nuôi dưỡng tư tưởng giác ngộ vì lợi lạc của chúng sinh (Bồ Đề tâm). Xem sGampopa, Pháp Bảo của sự Giải thoát.
77. Ba cách học: Tsultrim, giới luật hay đạo đức, Tingnezin, thiền định, Sherab, trí tuệ sâu xa, (Giới, Định, Tuệ).
78. Sáu Ba la mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ.
79. bsDu.ba Shi: Bốn Yếu tố cần thiết cho Tập hội: (i) sự rộng lượng, (ii) ngôn ngữ nhã nhặn, (iii) có một sự quan tâm hay kế hoạch thế tục thông thường, (iv) quan tâm tới đệ tử.
80. Bốn sự Nhập môn hay Quán đảnh: Thuật ngữ Tây Tạng Wong (dBang) có nghĩa là trao quyền hay làm cho có khả năng, trong khi từ Phạn ngữ tương đương Abhisekha, theo nghĩa đen có nghĩa là xức dầu. Trong truyền thống này để thực hành một tantra điều cần thiết là phải có “wong” và “lung” của Tantra. Điều này có nghĩa là sự tiếp xúc cá nhân và sự truyền dạy qua thân, ngữ và tâm từ vị guru, hay trong một vài trường hợp một sự trao truyền trực tiếp từ vị Bổn Tôn tới hành giả (như trong trường hợp của Machig Lapdron). Sự quán đảnh trao truyền một kinh nghiệm chủng tử sẽ được chín mùi bằng sự thực hành. “Lung” là việc nghe Pháp ngữ, việc tụng đọc các bản văn. “Tri” (Khrid) là sự giải thích cách thực hành. Không có “Wong,” “Lung” và “Tri” thì sự thực hành không mang lại kết quả; chỉ tụng đọc một Tantra sẽ không đầy đủ. Dòng truyền thừa (rGyud) rất được chú trọng trong Phật Giáo Bí truyền Tây Tạng, và giáo lý phải truyền từ một người qua người khác, giống như những mắt xích trong một giây xích, như sữa mẹ truyền sang đứa con. Sữa nhân tạo không thể chấp nhận được; không có sự tiếp xúc riêng tư, tươi mới thì giáo lý sẽ tàn lụi.
Bản tánh thực sự của quán đảnh là cái gì xảy ra ở mức độ vô ngôn giữa vị guru và đệ tử. Trong một buổi lễ chính thức đệ tử được cho thấy và xúc chạm bởi những vật tượng trưng khác nhau, chẳng hạn như một trái cầu pha lê, một con dao hay cái chuông, và nếu đệ tử đã sẵn sàng và nắm bắt được, thì ngay giây phút sự trao truyền xảy ra, một tia chớp nội quán siêu vượt tri thức và ngôn từ sẽ loé lên. Quán đảnh (hay nhập môn) càng cao cấp thì càng có ít những nghi thức và hình thức bề ngoài đi kèm theo sự quán đảnh. Ở cấp độ trực tiếp nhất một sự trao truyền xảy ra từ tâm qua tâm, và có thể xảy ra trong một tình huống mỗi ngày. Nhưng dù xảy ra trong bất kỳ phương cách nào, sự truyền dạy này phải xảy ra để sự quán đảnh có thể có hiệu quả.
Bốn quán đảnh là: (i) Quán đảnh cái bình dùng để tịnh hóa thân. Nước được rót lên đầu theo phương pháp tắm của Đông phương. Lễ nhập môn là để tẩy rửa và chuyển hóa thân thành một đồ chứa thích hợp để nhận lãnh trí tuệ. (ii) Quán đảnh bí mật giúp kích hoạt sự truyền thông và để đạt tới một cấp độ của một trường năng lực siêu việt. Nó là sự đồng nhất bản thân ta với trạng thái hiện hữu của Đức Phật. (iii) Quán đảnh thứ ba phải làm với sự thoát khỏi những hình thức gò bó trong tiến trình suy nghĩ và đi vào một cấp độ của một hiện thể không xác định được. Ở cấp độ này đôi khi những thực hành tính dục được đưa vào để trợ giúp sự vận hành của khí (prana) và mở rộng sự tỉnh giác xa rộng hơn. (iv) Quán đảnh thứ tư siêu vượt sự định nghĩa. Nó là sự chứng ngộ đồng thời tất cả những điều ở trên.
81. Vajradhara: sự mô tả bằng hình tượng của trí tuệ nguyên sơ. Ngài có màu xanh dương đậm như bầu trời mùa thu, trẻ trung và mang tất cả những vật trang sức đẹp đẽ của Báo Thân và y phục mượt mà chói ngời như cầu vồng.