2. MACHIG LAPDRON - Lời mở đầu
Machig Lapdron là một trong những phụ nữ Tây Tạng thần bí nổi danh và được yêu mến nhất. Bà được coi là một Hóa Thân của Yeshe Tsogyel, vị phối ngẫu vào thế kỷ thứ tám của Guru Padmasambhava – người mang Phật Giáo Kim Cương thừa vào Tây Tạng. Có nhiều tiểu sử của Machig, nhưng đây là tiểu sử dài và đầy đủ nhất mà tôi từng thấy.
Trong “Cuộc đời của Yeshe Tsogyel,”1 Đức Padma- sambhava đã tiên đoán rằng Yeshe Tsogyel sẽ tái sinh là Machig Lapdron; vị phối ngẫu của bà là Atsara Sale sẽ trở thành Topabhadra, chồng của Machig; người phụ tá và vị phối ngẫu phụ của Padmasambhava là Tashi Khyidren sẽ tái sinh là con gái duy nhất của Machig, và v.v.. Tất cả những nhân vật quan trọng trong cuộc đời của Tsogyel đều được tái sinh trong đời Machig Lapdron, kể cả bản thân Đức Padmasambhava, là người trở thành Phadampa Sangye.
Tất nhiên là không có cách nào để chứng minh những mối liên hệ này một cách khoa học, và đối với một người Tây phương thì có vẻ lạ lùng là gia phả được liệt kê qua dòng truyền những Hóa Thân hơn là dòng dõi máu mủ, nhưng nhiều tiểu sử của các thánh nhân Tây Tạng bắt đầu với một lịch sử của những Hóa Thân quay trở lại hàng trăm năm. Ngay cả tiểu sử của Machig hơi bắt đầu gây bối rối với tiểu sử của một người đàn ông. Hóa ra người đàn ông này trong thực tế là Hóa Thân trước đó của Machig. Sự chuyển hóa phi thường từ một yogi Ấn Độ thành thân tướng của một thiếu nữ ở Tây tạng, nhờ sự can thiệp của các dakini, là một sự kiện siêu nhiên lạ thường. Không phải là ông ta chết, mà đúng hơn tâm thức của ông được chuyển di tới Tây Tạng. Vào cuối câu chuyện chúng ta trở lại với thân xác ông, nó vẫn không biến đổi trong năm mươi năm hay hơn nữa trong một hang động ở miền Nam Tây Tạng. Để hiểu được loại câu chuyện này chúng ta phải từ bỏ cấu trúc quy chiếu Tây phương của chúng ta, là cái giới hạn những ý niệm của ta về điều gì có thể thực hiện được và điều gì không thể, và hiểu rằng ở những cấp độ phát triển tâm linh cao hơn, thế giới vật chất có thể được vận dụng bởi tâm thức và nhiều sự việc trở thành có thể thực hiện được. Trong câu chuyện này chúng ta thấy người ta bay qua không gian, những tử thi được hoả táng làm thành những hình thức điêu khắc, và những hiện tượng tâm lý khác nhau. Sau khi chính mình chứng kiến một số trong những hiện tượng này, tôi yêu cầu các độc giả bỏ qua một bên những ý niệm của họ về các giới hạn của tâm và thân, và mở mình ra tới những khả năng xa rộng hơn.
Ở Tây Tạng và Ấn Độ các yogi phát triển tâm và thân trong khi chúng ta tập trung vào những khám phá khoa học. Chúng ta thành tựu những điều thần diệu của riêng mình với sự phát triển máy truyền hình, điện thoại, máy bay và v.v.., là những thứ mà hai trăm năm trước dường như hoàn toàn kỳ quái và thần diệu. Trong lúc đó những người Tây Tạng làm việc trong phòng thí nghiệm của tâm thức, phát triển bản thân trong những ẩn thất cô tịch trong núi non và hang động. Nếu xét về thời gian và sự thiền định được dùng trong sự nghiên cứu và tu hành của họ thì những hiện tượng “thần diệu” dẫn tới kết quả không quá xa lạ.
Machig Lapdron là một phần chính yếu của sự phục hưng vĩ đại của Phật Giáo xảy ra trong thế kỷ thứ mười một ở Tây Tạng. Trong thời gian này có nhiều sự trao đổi giữa Tây Tạng và những trường phái học thuật và du già của Ấn Độ, là những gì không còn tồn tại khi Phật Giáo lụi tàn ở Ấn Độ không lâu sau thời đại của Machig. Có nhiều người hành hương sùng mộ du hành quanh Tây Tạng và tới Ấn Độ và Nepal. Sự kiện này thúc đẩy những sự phát triển văn hoá và tâm linh, và ắt hẳn là một thời đại rất hứng thú để sống ở Tây Tạng.
Để đem lại một ý niệm về pháp Chod Đại Ấn (Mahamudra Chod), tôi sẽ bắt đầu với một giải thích ngắn về thực hành này, nó là giáo lý chính yếu mà nhờ đó Machig Lapdron nổi tiếng.
Nền tảng triết học của pháp Chod là Kinh Bát Nhã Ba La Mật. Ngay từ thời thơ ấu, Machig đã hoàn toàn đắm mình trong giáo lý này, bởi khi còn là một đứa trẻ bà đã trở thành một người tụng đọc chuyên nghiệp, và bản văn thường được đọc nhất là bản Kinh này. Người tụng đọc chuyên nghiệp là người có thể đọc rất nhanh. Họ được đưa tới nhà những cư sĩ sùng mộ để đọc trọn vẹn một bản văn trong một thời gian nào đó. Lý lẽ đằng sau điều này có hai phần: thứ nhất, việc lắng nghe một bản văn sẽ đem lại lợi lạc cho những gia chủ bị ngập chìm trong những bận tâm thế tục, và thứ hai, việc trì tụng một bản văn như thế tạo nên sự tích tập công đức. Bởi những Phật tử tin rằng mọi hành động có một kết quả chắc chắn, một hành động tích cực gây nên sự tích tập những kết quả tích cực, và vì thế một loại dự trữ thiện nghiệp có thể được tích luỹ bằng cách tụng đọc lớn tiếng những bản văn linh thiêng. Số lần tụng đọc một bản văn được coi là quan trọng hơn việc thấu hiểu ý nghĩa của nó; do đó người tụng đọc tụng càng nhanh thì càng tốt. Bằng cách này người bảo trợ có thể tích luỹ thêm công đức trong một quãng thời gian ngắn hơn và ít tốn kém trong việc nuôi dưỡng và hiến tặng cho người tụng đọc. Từ khi còn rất nhỏ, Machig đã là một người tụng đọc nhanh một cách lạ thường, và vì thế bà rất được quý trọng như một người tụng đọc chuyên nghiệp. Có lẽ bà đền đáp vị Thầy của mình bằng cách làm người tụng đọc của ông.
Mãi cho tới khi bà tiếp xúc với Lạt ma Sonam Drapa, là người chất vấn về sự thấu hiểu của bà và bảo bà đọc lại những bản văn, bà mới đạt được sự nội quán thực sự về giáo lý. Sự kiện này được kết hợp với việc bà tiếp xúc với Phadampa Sangye, Đạo sư của Phái An định nỗi Đau khổ (sDug.bsngal Zhi.byed), đã dẫn dắt bà tới một sự thấu hiểu thực sự giáo lý – bằng trực giác cũng như trí năng.
Bát Nhã Ba La Mật là một giáo thuyết triết học rất sâu xa và tôi sẽ chỉ phác họa những ý niệm chính trong đó để giải thích về pháp Chod. Trước tiên chúng ta bắt đầu với tâm thái quy ngã mê lầm. Tâm thái này khiến cho chúng ta đau khổ, và vì thế để làm vơi nỗi khổ, chúng ta bắt đầu thực hành thiền định. Điều xảy ra trong thiền định là tâm thức lăng xăng nhặm lẹ bắt đầu tĩnh lặng lại và các sự việc bắt đầu lắng xuống, giống như bùn lắng xuống đáy một ly nước khi để nó yên một chỗ. Khi sự lắng đọng này xuất hiện thì một loại thấu suốt rõ ràng cách thức những sự việc vận hành trong tâm thức xảy ra. Sự thấu suốt này là Prana, trí tuệ sâu xa (Bát nhã). Theo giáo lý Phật Giáo thì khi ấy bằng cách sử dụng Prana này, chúng ta bắt đầu thấy rằng trong thực tế, mặc dù ta nghĩ rằng mình có một bản chất riêng biệt và duy nhất, hay cái ta, mà ta gọi là “bản ngã,” khi ta quan sát kỹ lưỡng thì ta là một hỗn hợp của sắc thân, các tri giác giác quan, ý thức, v.v.. và đơn thuần là một tổng số của những bộ phận này. Nhận thức này là sự hiểu biết về Sunyata, thường được dịch là tánh Không, hay tính chất trống không. Nó có nghĩa là không có tự-tánh, là chúng ta “không có một bản ngã.” Nếu ta không có bản ngã thì không có lý do gì để quy ngã, bởi toàn bộ khái niệm về một bản ngã riêng biệt là sai lầm. Do đó chúng ta có thể đủ khả năng để thương yêu và không cần liên tục tự bảo vệ mình hay áp đặt những dục vọng của mình lên những người khác.
Để củng cố và phát triển sự thấu hiểu về sự vô ngã và để phát triển lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sinh, Machig đã phát triển thực hành Chod. Trong thực hành này, sau những chuẩn bị khác nhau, hành giả tiến hành sự cúng dường thân – đây là cốt tủy của thực hành Chod. “gCod” có nghĩa đen là “cắt đứt,” ám chỉ việc cắt đứt sự bám luyến vào thân xác và bản ngã. Trước tiên hành giả quán tưởng tâm thức lìa khỏi thân qua đỉnh đầu, và tự chuyển hóa thành một dakini phẫn nộ. Sau đó vị dakini phẫn nộ này cầm con dao cong có hình mặt trăng lưỡi liềm và cắt đứt đỉnh đầu hành giả. Sau đó tách sọ người này được đặt trên một kiềng ba chân làm bằng ba chiếc sọ, trên một ngọn lửa. Phần còn lại của thân bị băm nhỏ và được đặt vào cái sọ được phát triển vô cùng rộng lớn. Rồi toàn thể tử thi được chuyển hóa từ máu và ruột thành chất cam lồ, là món sau đó được dọn ra cho mọi loài chúng sinh mà ta có thể nhận thức được, làm hài lòng mọi ước muốn mà những chúng sinh này có thể có. Sau khi tất cả chúng sinh đã thoả thích và hài lòng, hành giả tự nhắc mình rằng người cúng dường, quá trình cúng dường, và những đối tượng được cúng dường thì hoàn toàn “trống không,” và cố gắng an trụ trong trạng thái của sự thấu hiểu đó. Nghi lễ chấm dứt với những giáo lý rộng lớn hơn về chân tánh của thực tại, và một vài lời cầu nguyện kết thúc cho sự giác ngộ cuối cùng của tất cả chúng sinh.
Nhờ tiến trình này mà bốn quỷ ma bị đánh bại. Đây là những quỷ ma được nối kết với bản ngã. Sau khi đã đọc lại những bản văn Bát Nhã Ba La Mật, chính lúc bà thấu hiểu chân tánh của những quỷ ma như những chức năng của bản ngã bà đã bắt đầu hình thành pháp Chod. Trước khi tiếp tục giải thích những pháp khí dùng cho nghi lễ và v.v.. tôi muốn thảo luận về bốn quỷ ma này. Sự bình giảng này dựa trên bài giảng miệng được Namkhai Norbu Rinpoche ban cho.
Quỷ ma đầu tiên được gọi là “Con Quỷ Ngăn trở các Giác quan.” Khi chúng ta nghĩ về một quỷ ma, ta thường nghĩ tới một tinh linh ở bên ngoài tấn công ta, nhưng Machig nhận ra rằng chân tánh của quỷ ma là chức năng bên trong của bản ngã. Quỷ ma đặc biệt này hiển lộ khi ta nhìn thấy hay kinh nghiệm điều gì đó bằng giác quan, và giác quan bị ngăn trở và chúng ta bị dính mắc vào đối tượng. Chẳng hạn như khi ta nhìn một phụ nữ hay đàn ông đẹp, ngay khi ta nhìn thấy người này tri giác bị phong tỏa bởi sự tham muốn sở hữu người đó. Tiến trình tri giác ngừng lại và chúng ta cố gắng để gặp người đó, và v.v.. Vì thế đây là một tiến trình phải bị sự thiền định đánh bại. Nếu chúng ta ở trong một trạng thái thiền định thực sự thì tri giác xảy ra mà không có sự dính mắc hay tham luyến đối tượng được tri giác.
Quỷ ma thứ hai là “Con Quỷ Không thể bị Kiểm soát.” Đây là tiến trình-tư tưởng tiếp nối không ngừng. Tiến trình-tư tưởng tiếp nối liên tục, tâm thức lang thang từ sự vật này qua sự vật khác và sự tỉnh giác của ta hoàn toàn bị mất hút trong sự phóng tâm.
Quỷ ma thứ ba là “Con Quỷ Dục lạc.” Khi ta kinh nghiệm một điều gì thích thú, như một thức ăn ngon, ta trở nên dính mắc vào nó có nghĩa là ta muốn dùng thêm nữa, và tránh bất kỳ điều gì xen vào giữa ta và đối tượng của sự ưa thích. Điều này không có nghĩa là tự thân lạc thú thì quỷ quái, mà đúng hơn là sự bám luyến của ta vào nó trở thành một chướng ngại đối với sự an trụ trong một trạng thái của sự quang minh. Ví dụ như một thiền giả có thể có một giấc mộng tốt lành, nó là một dấu hiệu của sự tiến bộ, nhưng sau đó “con quỷ dục lạc” bắt đầu hoạt động và thiền giả trở nên rất dính mắc vào giấc mộng. Hoặc người nào khác có thể có một thời gian khi mà mọi sự tiến hành tốt đẹp, anh ta cảm thấy dễ chịu về mặt thể chất, và vì thế anh cố gắng để duy trì thời kỳ tốt đẹp này được kéo dài bất tận. Những điều ấy luôn luôn chấm dứt trong sự thay đổi và vì thế làm chúng ta thất vọng.
Quỷ ma thứ tư là “Con Quỷ Bản ngã.” Bản ngã là cái mà với nó chúng ta quy định thế giới của ta. Chính việc dựa trên cơ sở nguyên lý “ta” và “người” đã gây nên một chướng ngại trong sự tỉnh giác và nhiều đau khổ cho bản thân và người khác.
Về căn bản, tất cả bốn quỷ ma là những tiến trình tư tưởng cản trở một trạng thái tỉnh giác trong trẻo, không vướng mắc, và chúng hoàn toàn nảy sinh từ tiến trình của sự chấp ngã, và thiếu trí tuệ (Bát nhã), với hậu quả là sự ngộ nhận về tánh Không. Thực hành Chod là nhằm để tiêu diệt bốn quỷ ma này.
Thực hành Chod sử dụng bốn phương pháp để tạo ra âm thanh: tiếng người, trống, chuông và kèn trum pét làm bằng xương đùi người. Cái trống có kích thước của vòng tròn được tạo nên khi đặt bàn tay trên hông; nó tương tự như cái trống được các pháp sư Sha-man ở Xi bê ri và những thầy tu đạo Bon trong tôn giáo địa phương của Tây Tạng sử dụng. Nó có hai mặt, tượng trưng cho nam và nữ, với hai trái banh nhỏ treo từ những sợi giây ở bên này hay bên kia. Khi trống được sử dụng, những trái banh nhỏ này đánh vào mặt bên kia của cái trống, tượng trưng cho sự bất khả phân của chân lý tuyệt đối và tương đối. Cái trống tạo nên một âm thanh trầm trầm nhịp nhàng như bước chân, và được đi kèm theo bởi một cái chuông được cầm ở bàn tay trái, tượng trưng cho Pháp giới nguyên sơ thuộc nữ giới. Vào thời điểm thịt được chuyển hóa của hành giả được cúng dường cho những quỷ ma, kèn bằng xương đùi- vật được nói là dùng để triệu thỉnh các quỷ ma - vang lên, tạo thành một âm thanh rên rỉ kỳ quái. Người ta hát trong suốt lúc thực hành, các giai điệu biến đổi phù hợp với truyền thống mà hành giả theo học. Mỗi giai điệu có lịch sử của riêng nó, được các hành giả Chod (được gọi là Chodpa) phát triển sau nhiều năm thực hành. Toàn bộ tác dụng của những âm thanh này kết hợp lại để tạo nên một bài tụng ca cảm động, gây ấn tượng sâu xa, với một giai điệu đẹp đẽ. Việc sử dụng âm thanh là một bộ phận chính yếu của thực hành Chod, tạo nên một sự rung động trong thân thể là điều không xảy ra nếu sự thực hành chỉ được trì tụng một cách yên lặng.
Theo truyền thống thì pháp Chod được thực hành ở những nơi ghê rợn chẳng hạn như dưới những gốc cây đơn độc (là nơi được cho là có quỷ ma cư trú), và trong những nghĩa địa (ví dụ như ta thấy trong tiểu sử của A-Yu Khadro). Cuộc chạm trán trực tiếp với những nỗi sợ hãi của ta và việc vượt lên chúng nhờ sự thấu hiểu bản tánh đích thực của những quỷ ma là điểm trọng yếu của thực hành Chod. Những người Tây Tạng sợ những quỷ ma tới nỗi nhiều người sợ pháp thực hành Chod, và nó được cân nhắc rất bí mật. Có lần tôi gặp một ni cô mà khi còn trẻ đã đi tới một hang động để thực hành Chod. Bà nhìn thấy điều gì đó khiến bà sợ tới nỗi phải thực hành pháp A Di Đà (Đức Phật an bình của cõi Tịnh Độ Tây phương) trong chín năm để hồi phục, và khi tôi gặp bà thì bà đã rất già và vẫn còn hơi mất trí.
Sự tu hành pháp Chod xảy ra trong các học viện được thành lập đặc biệt dành cho sự nghiên cứu này. Nó cần ít nhất năm năm. Gần cuối khoá tu những học viên được gởi đi thành từng nhóm và cuối cùng thì ở một mình. Các Chodpa luôn luôn được mời tới khi có những nạn dịch truyền nhiễm, chẳng hạn như dịch tả. Họ chăm sóc những tử thi, băm nhỏ xương và hướng dẫn tang lễ, hình như được miễn nhiễm với dịch bệnh. Đôi khi các Chodpa cũng được mời tới để làm những nghi lễ trừ tà.
Những hành giả Chod mặc những bộ quần áo bị vứt bỏ đi, ăn thực phẩm của hành khất, và sống ở những nơi hầu hết mọi người ghê tởm không muốn tới. Tất cả những điều này được dựa trên gương mẫu của Machig Lapdron, là người đã sống theo cách này, không quan tâm tới những giới hạn theo quy ước của bề ngoài và cách hành xử. Những hành giả Chod du hành một mình hay thành từng nhóm, thực hành Chod ở những nơi thích hợp trên đường đi. A-Yu Khadro đã tuân theo các giáo lý của Machig Lapdron và sống cuộc đời của một Chodpa trong nhiều năm.
Tiểu sử này được lấy từ Pungpo Zankur Gyi Namshe Chodkyi Don Sal.
Theo khẩn cầu của các đệ tử, câu chuyện được Machig thuật lại như thế. Nó được Jamgon Kongtrul Lodro Taye biên soạn theo khẩn cầu của Choje Kunga Jamyang vào thế kỷ thứ mười chín. Mặc dù nó được quả quyết là do chính Machig viết ra, nó có thể là một sự kết hợp của một vài tiểu sử mà Jamgon Kongtrul tìm thấy trong khi ngài nghiên cứu rộng rãi những bản văn cổ.
Chú thích
1. Xem Keith Dowman, Vũ công trong Pháp giới, trang 86-87.