Lời người dịch
Năm 2001, tôi may mắn được đọc cuốn Cave in the Snow của Vicki Mackenzie (Trong động tuyết sơn - bản dịch của Thích Nữ Minh Tâm) khi đã bắt đầu tìm hiểu đạo Phật được một thời gian. Cuốn sách kể về hành trình tâm linh của ni sư Tenzin Palmo – một phụ nữ Tây phương đã lặn lội sang Đông phương để học đạo và đã ẩn tu 12 năm trời trong một hang động hẻo lánh của vùng núi tuyết Himalaya. Câu chuyện để lại trong tôi nhiều xúc cảm sâu sắc vì không giống như nhiều sách khác nặng về lý thuyết, ni sư đã kể lại tường tận toàn bộ những kinh nghiệm về hành trình tâm linh của mình: bắt đầu từ những nghi vấn, thắc mắc ban đầu về ý nghĩa của cuộc đời, về vô thường và cái chết; những tìm tòi, tiếp xúc ban đầu với đạo Phật, với các vị thầy; những khó khăn khi chuyển từ nếp sống duy vật, phương Tây, tìm cầu dục lạc sang cuộc sống thiên về tâm linh, giản dị và đầy khắc khổ cũng như những kinh nghiệm tu nhập thất đầy cam go; và sau cùng là những khó khăn trong việc hoằng pháp, với những vấn đề mới của đạo Phật trong xã hội. Trong suốt hành trình đó, bên cạnh những khó khăn cũng là những niềm vui, hạnh phúc, an lạc và cảm hứng tâm linh – những điều khích lệ và duy trì sự tinh tấn để giúp hành giả vững bước trên đường Đạo. Chính những suy nghĩ, trăn trở và niềm cảm hứng tâm linh mãnh liệt của ni sư đã giúp tôi thêm niềm tin và động lực trong hành trình tâm linh của bản thân mình.
Cuối năm 2009, Thái Hà Books có trao đổi với tôi về việc dịch lại cuốn sách này. Tôi rất có cảm tình với cuốn sách nhưng cũng hơi e ngại vì không hiểu bản dịch mới của mình có đóng góp thêm được điều gì khác so với bản dịch cũ hay không. Tuy nhiên, tôi cũng quyết định dịch lại cuốn sách này theo một hướng khác với bản dịch cũ của ni sư Minh Tâm. Nếu như bản dịch của ni sư có giản lược bớt một số đoạn mà ni sư thấy là không cần thiết, cũng như diễn tả các quan điểm của cuốn sách theo các thuật ngữ và cách hiểu đạo Phật vốn có ở Việt Nam, thì tôi cố gắng dịch thật sát với nguyên bản bằng tư duy phân tích, tìm hiểu thực tế của người phương Tây, và đứng đúng ở vị trí của tác giả muốn tìm hiểu đạo Phật một cách thật khách quan không chỉ về mặt lý luận mà cả từ những khó khăn thực tế của người phương Tây khi áp dụng nền đạo học phương Đông cổ xưa này vào cuộc sống hiện đại của mình. Sau khi dịch được một vài chương, tôi cũng có thấy một bản dịch khác của cuốn sách này được bày bán ở nhiều nơi. Tuy nhiên, bản dịch này làm cho tôi khá thất vọng vì nó được thực hiện cẩu thả. Nhiều câu văn bị dịch sai ý và dường như người dịch không phải là một người hiểu rõ về đạo Phật và hành trình tâm linh. Vì vậy, tôi càng cố gắng dịch chính xác để bạn đọc có thể hiểu được những gì mà tác giả Vicki Mackenzie và ni sư Tenzin Palmo muốn truyền đạt.
Việc dịch cuốn sách này đã giúp tôi hiểu hơn quan niệm về đạo Phật của người phương Tây (và cũng chính là của nhiều người phương Đông chúng ta ngày nay do chịu ảnh hưởng của văn hóa và nếp sống hiện đại) thông qua những chia sẻ của ni sư Tenzin Palmo và tác giả Vicki Mackenzie. Nếu như người phương Đông đến với đạo Phật chủ yếu là bằng niềm tin, sau đó thực hành đạo Phật theo niềm tin đó (nhiều khi đồng nghĩa với sự tưởng tượng và cách hiểu sai lạc của mình về đạo Phật), thì người phương Tây tò mò, quan sát, đặt câu hỏi và phân tích thật kỹ lưỡng trước khi quyết định mình có nên gắn bó hay dâng hiến cả cuộc đời này cho một đạo Phật từ phương Đông và đã tồn tại từ hơn 2500 năm nay hay không. Người phương Tây cũng không chấp nhận dễ dàng bất kỳ lời dạy bảo nào mà họ nhận được. Họ lắng nghe, suy nghĩ, thử áp dụng và thẳng thắn nêu ra những thắc mắc, nghi ngờ cũng như những khó khăn trong quá trình thực hành. Vì thế, cuốn sách nêu lên các kinh nghiệm về những nghi vấn, khó khăn cũng như niềm an lạc trong cả ba giai đoạn của cuộc đời tu hành của ni sư: tìm đạo, tu hành và hoằng pháp.
Cuốn sách đưa ra ba vấn đề thời sự vào lúc đó tại phương Tây: sự bình đẳng giới trong đạo Phật, vai trò của vị đạo sư và việc tu tập tâm linh có áp dụng thành công trong công sở và gia đình được không hay là phải tiến hành tại một nơi ẩn cư. Đây đều là các vấn đề thời sự khá bức xúc hiện nay của đạo Phật do bối cảnh đạo Phật phương Tây hiện nay khác rất nhiều so với bối cảnh ra đời của đạo Phật tại Ấn Độ hơn 2500 năm trước. Nếu như xã hội Ấn Độ là một xã hội phân biệt giai cấp và giới tính sâu sắc thì phong trào đấu tranh vì bình đẳng giới cho phụ nữ trong xã hội dân chủ phương Tây hiện nay lại đang lên cao. Nếu như vị đạo sư luôn được tôn trọng và đề cao tại phương Đông thì những vụ bê bối, và lừa đảo của các vị thầy “dởm” lại làm cộng đồng Phật tử phương Tây bị sốc. Thông thường các sự kiện tương tự ở phương Đông sẽ được xử lý êm thấm, nhẹ nhàng, những người đệ tử bị hại thường im lặng bỏ ra đi; thì người phương Tây lại sẵn sàng đưa chúng ra tòa án hay lên báo chí. Đa phần người phương Tây hiện nay cũng chưa sẵn sàng từ bỏ và đi vào tu tập trong các tu viện hay những nơi nhập thất. Nhu cầu được tu tập và phát triển tâm linh ngay trong công việc, ngay nơi làm việc và trong gia đình đang lên cao. Cuốn sách đã đề cập đến những vấn đề thực tiễn này một cách cởi mở và đưa ra nhiều ý tưởng mạnh mẽ, sáng tạo.
Trong ba chủ đề đó, vấn đề bình đẳng giới được quan tâm nhất. Nhưng cuốn sách không đề cập đến đề tài nóng bỏng là “Bát kính pháp” mà là vấn đề phụ nữ có giác ngộ được hay không và cần làm gì để tạo điều kiện tu học cho nữ giới. Xuất phát từ những kinh nghiệm riêng tư của mình khi là một ni sư duy nhất trong cộng đồng khoảng 100 vị tăng, ni sư Tenzin Palmo đã phát nguyện sẽ Giác ngộ trong thân nữ, cũng như tạo các điều kiện thuận lợi để các ni sư tu học và đạt đến những thành tựu cao nhất trong khả năng của mình. Ni sư Tenzin Palmo cũng đã từng sang Việt Nam và hướng dẫn các ni sư tại tịnh thất Tây Thiên tu hành. Do đó, cuốn sách này chắc chắn sẽ phù hợp cho độc giả nữ vì nó đề cập đến nhiều vấn đề riêng của nữ giới mà thông thường các vị thầy nam giới không nhắc tới. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng sẽ giúp các độc giả nói chung có thêm sự hiểu biết và đồng cảm với những khó khăn mà nữ giới gặp phải trên con đường tâm linh.
Tương tự như vậy, tuy ni sư Tenzin Palmo theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng – một truyền thống còn khá mới tại Việt Nam và hiện đang được nhiều người quan tâm, nhưng những người theo các truyền thống đạo Phật hay tâm linh khác cũng đều tìm được ở đây những kinh nghiệm và bài học thú vị. Do đề cập đến những vấn đề và kinh nghiệm trên toàn bộ con đường tâm linh từ tìm kiếm, tu học cho đến hoằng pháp nên hi vọng các độc giả (dù là những người mới bắt đầu tìm hiểu và dấn bước vào con đường tu tập, hay là những hành giả lâu năm, thậm chí là cả những người hiện đang hướng dẫn, hay lãnh đạo các tổ chức tâm linh) đều có thể tìm thấy ở đây những chia sẻ gần gũi với kinh nghiệm thực tiễn của bản thân mình.
Tôi cũng xin cảm ơn cô Phùng Bảo Châu đã góp ý về các thuật ngữ chuyên môn của Phật giáo Tây Tạng cũng như đã biên tập lại chương 11 Con đường của người phụ nữ.
Nếu như bản dịch này còn gì thiếu sót do kiến thức và kinh nghiệm còn hạn hẹp của mình, tôi xin thành tâm sám hối trước Tam Bảo và mong quý độc giả thứ lỗi. Còn nếu như cuốn sách này mang lại cho bạn đọc chút hiểu biết hay cảm hứng tâm linh nào, tôi xin hoan hỷ và hồi hướng công đức này đến toàn thể pháp giới chúng sinh.
Hà Nội, tháng 10 năm 2010
Pháp Minh Trịnh Đức Vinh