Chương 6: Sự ghê sợ nữ giới
Tenzin Palmo đã ra quyết định và giải quyết sự mâu thuẫn, chia rẽ trong bản thân mình. Cô quay trở về Dalhousie, sẵn sàng dành toàn bộ tâm trí mình vào cuộc sống tu hành của một ni sư và đi theo con đường hướng tới sự hoàn thiện. Đó là điều duy nhất mà cô thực sự mong muốn trong suốt cuộc đời. Cô đã cống hiến, chuyên tâm phi thường và được khích lệ bởi những ý tưởng cao quý nhất. Đúng ra đó phải là một sự khởi đầu của một sự nghiệp vinh quang, nhưng mọi thứ diễn ra ngược lại, giờ đây cô đi vào một giai đoạn khốn khổ nhất trong cuộc đời mình. Giai đoạn này kéo dài sáu năm liền.
Do sự sắp đặt của số phận (hay năng lực của nghiệp), Tenzin Palmo là vị ni sư duy nhất của Khamtrul Rinpoche và cô lâm vào một hoàn cảnh lạ lùng vì là người phụ nữ đơn độc duy nhất trong cộng đồng 100 vị tăng sĩ. Hoàn toàn tình cờ, cô đã vấp phải cánh cửa phân biệt giới tính đồ sộ đã tồn tại trong đời sống tu hành ở Tây Tạng suốt nhiều thế kỷ qua.
Tu viện đối với người Tây Tạng cũng giống như kim tự tháp đối với người Ai Cập. Với tầm quan trọng lớn nhất của mình, chúng là những thể chế khổng lồ, trải dài như các thị trấn qua các dốc núi và lan truyền sức sống mãnh liệt của hàng ngàn tăng sĩ nguyện theo đuổi sự hoàn thiện tâm linh. Chúng xuất hiện từ đầu thiên niên kỷ này, dần dần đạt mức phát triển tầm cỡ và tạo ra một vài nhân vật thần bí và những bậc thánh triết xuất sắc nhất mà thế giới từng biết tới. Ở đây, trong những học viện của Giác ngộ này, các giới luật thì khắt khe, chương trình giảng dạy đồ sộ. Gia nhập vào những tu viện này từ khi còn trẻ, thông thường là khoảng 25 năm (thời gian cần thiết để họ có thể lấy được học vị Geshe), các tu sĩ nghiên cứu các vấn đề cơ bản như logic [nhân minh học] và cách tranh luận, định nghĩa các loại thức khác nhau [Duy thức], các phương pháp để tạo ra một sự tập trung duy nhất [thiền định] và “sức hút vô hình” . Họ khảo sát hàng loạt quan niệm về Tính Không, triết lý bất diệt của “chân không” và khi đã phát triển đầy đủ, họ bắt đầu đi vào lĩnh vực bí truyền của tantra, con đường bí mật, được cho là con đường nhanh nhất và do đó là con đường nguy hiểm nhất trong tất cả các con đường. Và xuyên suốt qua những điều đó, họ học về Bồ đề tâm, trái tim vị tha mà không có nó tất cả những phần còn lại không thể thực sự tồn tại được. Nói tóm lại, các tu viện ở Tây Tạng là niềm tự hào của đất nước và được dành riêng cho nam giới.
Tenzin Palmo đã tiến vào hệ thống gia trưởng khắc nghiệt này. Nếu cô không còn là người phương Tây, không được công nhận như một trong những người tùy tùng của Khamtrul Rinpoche và những người Tây Tạng cũng không lộn xộn thì điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Dù sao, đó không phải là một hoàn cảnh sống dễ chịu. Có thể đơn giản là bởi vì họ không biết phải làm gì đối với cô, hay bởi vì từ thời thơ ấu, họ đã được huấn luyện là phải nhìn những người phụ nữ với cặp mắt thận trọng (đặc biệt là với những người phụ nữ trẻ, đẹp), nên các tu sĩ, những người thường nhiệt tình và trìu mến với mọi người, đã giữ khoảng cách với Tenzin Palmo. Ấn tượng về người phụ nữ trẻ đang khao khát yêu thương xác thịt, người vừa mới từ bỏ bạn trai của mình, là sự tàn phá.
Cô kể lại: “Thật kinh khủng. Một nỗi đau lớn bên trong khi bạn thương yêu con người nhưng lại không thể đến gần và tiếp xúc với họ được. Nó giống như có một tấm kính ngăn cách – bạn có thể nhìn, nhưng bạn không thể lại gần. Rất đau đớn khi bị xa lánh, nhất là vào độ tuổi này. Nó kéo dài năm này qua năm khác. Người duy nhất từng đến gần tôi là Khamtrul Rinpoche, người đôi khi ban cho tôi một sức chịu đựng to lớn. Tôi khóc hàng đêm. Tôi thấy mình thật bất hạnh.”
Cảm giác của cô về sự cô độc và xa lánh trở nên tồi tệ hơn bởi lẽ: vì là một phụ nữ, cô sống riêng biệt với phần còn lại của cộng đồng và không được chia sẻ các hoạt động hàng ngày với họ. Kết quả là hàng ngày cô làm thư ký cho Khamtrul Rinpoche trong văn phòng của tu viện, và tối đến cô quay trở lại thị trấn, nơi cô sống một mình. Cô thuê một căn phòng nhỏ trong ngõ ở trên nóc một ngôi nhà cũ nát, chỉ đủ lớn để kê một cái giường, một cái bàn, ngoài ra không còn gì khác nữa. Buồng tắm của cô chỉ có ống nước lạnh, còn bồn vệ sinh là một cái xô. Ở đây, cô ăn một mình, nghỉ một mình, chẳng thuộc về cộng đồng cư sĩ tại gia hay tăng đoàn nào cả.
Cô nói: “Sau này nhiều người hỏi tôi rằng tôi có cô đơn trong hang động của mình hay không. Không bao giờ. Tôi chỉ thực sự cô đơn khi ở trong tu viện.”
Trớ trêu là, cảm xúc đau khổ và niềm khao khát được yêu mến đó cuối cùng đã là một đặc ân dành cho cô. Cô giải thích: “Một buổi chiều tối, tôi nhìn vào bên trong và thấy sự níu kéo và bám víu này, cùng bao nhiêu đau khổ mà nó đã gây ra cho tôi. Nhìn thẳng vào tận mặt nó đúng thời điểm đó và tất cả cảm xúc biến đi mất. Từ thời điểm đó, tôi không cần hướng ngoại nữa.”
Dường như, Tenzin Palmo đã học được bài học của sự buông bỏ, tâm không phân biệt. Đó là một giáo lý cơ bản của đạo Phật, giáo lý cần thiết tại bất kỳ giai đoạn nào trên con đường tiến tới sự hoàn thiện. Đức Phật đã nói làm sao con người có thể cảm thấy lòng từ bi đối với mọi chúng sinh trong khi trong trái tim họ vẫn còn sự phân chia thành “bạn”, “kẻ thù” và “người xa lạ”? Điều đó nghe có vẻ lý tưởng, nhưng không phân biệt cũng là một điều rất khó thực hiện, và trong thực tế không có nhiều người thực sự muốn sống với sự bình thản (vô phân biệt hay xả) nhiều như vậy. Sau đó, Tenzin Palmo nhấn mạnh lại: “Mọi người luôn hỏi tôi làm sao họ có thể từ bỏ được sự giận dữ, nhưng không ai hỏi tôi làm sao có thể từ bỏ được tham ái.”
Trước khi sự đột phá này diễn ra, mọi thứ ở Dalhousie vốn đã xấu lại càng trở nên tồi tệ hơn. Trong tất cả các sự phân biệt đối xử mà Tenzin Palmo đã phải gánh chịu, điều khó chịu nhất chính là việc cô bị từ chối không được nhận các lời dạy bí truyền và không được thực hành các nghi thức tôn giáo – những điều cốt tủy của Phật giáo Tây Tạng, bao gồm các phương pháp dẫn trực tiếp đến Giác ngộ. Đấy chính là những điều mà cô muốn tìm thấy khi trở thành ni sư. Con đường tới sự hoàn thiện mà cô nỗ lực tìm kiếm giờ đây lại từ chối cô. Một lần nữa, lý do [của sự từ chối này] lại là giới tính của cô. Họ nói rằng phụ nữ không bao giờ được tiếp cận với chân lý thiêng liêng. Và do đó, trong các buổi lễ và các điệu vũ theo nghi lễ diễn ra trong ngôi đền, cô chỉ được ngồi bên ngoài ngó vào. Và khi cô hỏi xem liệu mình có được học các đề tài Mật Tông hay không, thì cô đã bị từ chối. Thay vào đó, cô được ủy thác cho Choegyal Rinpoche, một trong các đệ tử thân cận nhất của vị đạo sư, người bắt đầu bằng việc kể cho cô những câu chuyện ngắn, đơn giản của đạo Phật. Đó là cách mà họ nghĩ một người phụ nữ, nhất là một phụ nữ phương Tây, nên bắt đầu.
Cô thất vọng ghê gớm. Cô nói: “Điều đó giống như bạn có một cái giỏ rất lớn và chỉ được cho một ít không đáng kể những mẩu vụn ở chỗ này chỗ kia. Nó làm tôi như hóa điên. Tôi không thể có được một thứ gì sâu sắc. Nếu như tôi là đàn ông thì mọi thứ chắc chắn đã khác biệt hoàn toàn. Tôi có thể tham gia vào mọi hoạt động. Thực sự, nó giống như một nơi hoàn toàn gia trưởng và bị thống trị bởi nam giới. Như là tôi tham gia vào một câu lạc bộ lớn dành cho nam giới vậy. Các tăng sĩ rất tốt đối với tôi, nhưng có một sự oán giận ở mức độ sâu xa. Họ coi việc có một người phụ nữ trong lĩnh vực riêng của mình là một thách thức.”
Tenzin Palmo đã chạm vào bức tường tâm linh bằng kính – bức tường mà tất cả các ni sư đạo Phật với khát vọng tâm linh vấp phải. Trải qua nhiều thế kỷ, họ đã gánh chịu một sự đối xử bất công. Trong khi những tăng sĩ miệt mài trong các đại học của tu viện, mê mải với sự uyên bác thâm thúy và các cuộc tranh luận biện chứng đầy trí tuệ, các ni sư Tây Tạng bị xếp vào các ni viện nhỏ, không có khả năng đọc hay viết, họ bị giáng cấp xuống thực hiện những nghi lễ đơn giản, đọc những bài cầu nguyện cho người dân địa phương, hay thậm chí còn tệ hơn là làm việc trong nhà bếp của các tu viện để phục vụ cho các tăng sĩ. Đó là lý do tại sao không có các Đạt lai Lạt ma nữ, không có các dòng truyền thừa của các đạo sư nữ. Bị cấm cửa trước Giới chức Tôn giáo, từ chối không cho học hành và có địa vị, họ thậm chí không được là những người bắt đầu đi trên con đường tâm linh (sơ tâm hành giả).
Gốc rễ của vấn đề bắt nguồn từ thời của đức Phật (và thậm chí còn từ trước đó), khi người phụ nữ bị coi như là nô lệ và không có chút quyền riêng tư nào. Trong môi trường xã hội như vậy, ngay đức Phật cũng đã từ chối nhận phụ nữ vào trong Tăng đoàn mới được thành lập của người. Người ta biện hộ rằng có lẽ đó là vì đức Phật cảm thấy đời sống khất thực [ăn xin] sẽ là quá khó khăn và quá nguy hiểm đối với “phái yếu”. Cũng có nhiều lý do phản đối thâm hiểm khác. Người ta tin rằng phụ nữ là những chúng sinh thấp kém hơn, những người đơn giản là không có khả năng để đạt giác ngộ. Thân thể của họ không cho phép điều đó xảy ra. Họ nhơ bẩn và không thiêng liêng. Xá Lợi Phất, một trong những đại đệ tử của đức Phật, tổng kết cảm nhận của thời đại ông, khi ông la lên phản ứng khi nghe tin một bé gái tám tuổi đã đạt tới Giác ngộ: “Điều đó thực khó tin. Vì sao? Bởi vì thân thể của một phụ nữ là bẩn thỉu [bất tịnh] và không phải là phương tiện của Chân lý.”
Điều đó xếp đặt tinh thần chung cho thành kiến và sự phân biệt đối xử về sau. Ở Tây Tạng, người phụ nữ bị gọi là “hạ cấp bẩm sinh”, và người ta viết rằng “căn cứ trên thân thể của cô ấy” thì một người phụ nữ là thấp kém hơn một người đàn ông. Kết quả là tại bất kỳ nghi lễ tôn giáo nào, người ni sư phải ngồi sau các tăng sĩ, và khi dâng trà bơ thì vị ni sư cao cấp hay nhiều tuổi nhất vẫn bị phục vụ sau một tăng sĩ chỉ mới xuất gia có một ngày. Tồi tệ hơn nữa, họ bị xếp loại thấp kém hơn so với tăng sĩ, do đó xác nhận rằng trong con mắt của xã hội thì họ chỉ là các công dân tâm linh hạng hai.
Ảnh hưởng của tất cả những điều đó trên người phụ nữ, như Tenzin Palmo giờ đây đang trực tiếp kinh nghiệm, là họ thấy bị hạ nhục. Lòng tự tin của họ về khả năng mình có thể đạt tới bất kỳ vị trí nào trên con đường tâm linh bị giảm về gần không. Tenzin Palmo bình luận: “Đối với những người phụ nữ Tây Tạng, lời cầu nguyện chính của họ là được tái sinh thành nam giới. Họ phải nhìn xuống ở mọi hướng. Điều đó không công bằng. Một lần tôi tới thăm một ni viện, nơi mà các ni sư chỉ có thể nghe giảng từ một lạt ma cấp cao. Ông ấy bảo họ rằng người phụ nữ là không hoàn hảo và có một thân thể thấp kém. Do đó, họ thấy chán nản. Sự tự nhận thức về bản thân của họ khá thấp. Làm sao bạn có thể xây dựng một sự thực hành tâm linh chân thật, khi mà bạn được dạy bảo rằng bạn không xứng đáng về mọi khía cạnh?”
“Một lần, tôi hỏi một vị lạt ma rất cao cấp rằng ông nghĩ người phụ nữ có thể thành Phật được hay không, và ông trả lời rằng họ có thể đi trên toàn bộ con đường cho tới giai đoạn cuối cùng và sau đó họ phải chuyển thành đàn ông. Và tôi nói: “Dương vật là cái gì mà nó lại cần thiết như vậy cho việc Giác ngộ chứ?” “Điều gì trong thân thể đàn ông làm cho nó trở nên khác thường [với thân thể đàn bà] như vậy?” Cô vẫn thẳng thắn hỏi như mọi khi. “Và sau đó tôi hỏi ông việc có thân thể phụ nữ có mang lại lợi ích gì khi không. Ông nói ông sẽ đi và suy nghĩ về việc ấy đã. Ngày hôm sau, ông trở lại và nói: “Tôi đã suy nghĩ về chuyện đó và câu trả lời là: “Không, không có lợi ích nào cả.” Tôi nghĩ, một lợi ích là chúng tôi không có một cái tôi (bản ngã) đàn ông.”
Bị thúc đẩy bởi sự bất hạnh của riêng mình và sự bất công rõ ràng của nó, Tenzin Palmo bắt đầu tìm kiếm những nguyên nhân cho sự bất đĩ dắc này của thân thể phụ nữ. Và cô đã tìm thấy câu trả lời. Cô nói: “Đức Phật không bao giờ phủ nhận việc phụ nữ có thể Giác ngộ. Trong những bộ kinh đầu tiên, đức Phật nói về 32 điểm trên thân thể làm đối tượng cho thiền quán. Thiền giả phải quán tưởng vạch trần lớp da bên ngoài để khám phá sự thực bên trong: ruột, máu, mủ và nước. Mục đích của đức Phật gồm hai phần: thoát khỏi sự ám ảnh của chúng ta về chính thân thể mình và giảm bớt sự ham muốn của chúng ta đối với thân thể của người khác. Một người có còn quyến rũ hay không khi ta thấy người đó chỉ là một bộ xương được đắp bên ngoài bởi ruột, máu và phân. Tuy nhiên, sau đó thì các bản ghi chép đã thay đổi. Khi bạn đọc về Long Thọ Bồ tát, thánh nhân vào thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, và Tịch Thiên, thì đối tượng cho thiền quán lại được chuyển hướng đặc biệt sang thành thân thể phụ nữ. Thiền giả giờ đây phải nhìn thân thể người phụ nữ như một thứ không trong sạch.”
Cô nói thêm: “Đức Phật đã thực sự giác ngộ và nhìn mọi thứ đúng như nó là. Tuy nhiên, những người khác đã sử dụng tuệ giác của Phật để phục vụ cho mục đích riêng của mình. Do đó, thay vì việc nhìn vào chính bản thân mình và nỗi ám ảnh của mình với thân xác vật lý, những lời dạy của đức Phật đã được sử dụng như một phương tiện để gợi sự ghê tởm đối với những người phụ nữ. Nếu như bạn xây dựng một tu viện, thì việc nhìn phụ nữ như “kẻ thù” sẽ là hữu dụng.”
Ý kiến cho rằng phụ nữ là “nguy hiểm”, rằng họ dụ dỗ đàn ông rời bỏ sự thiêng liêng và sự cứu rỗi bằng sự quyến rũ và hoạt động tình dục không được kiềm chế của họ, cũng lỗi thời như câu chuyện bịa đặt về Ê-va vậy. Tenzin Palmo không đồng ý với chúng. Cô nói: “Thật vậy. Không phải người đàn bà gây ra những vấn đề đó, mà đó chính là do sự nhơ bẩn trong tinh thần của người đàn ông. Nếu như người đàn ông không có tham vọng và ham muốn, thì không người đàn bà nào có thể khiến cho anh ta lâm vào bất kỳ một rắc rối nào. Một lần có một lạt ma kết tội tôi quyến rũ và khiến cho ông ta gặp khó khăn. Tôi đã kinh hoàng. Tôi phản ứng lại: “Tôi không làm gì đối với ông cả, đó là chỉ là do tâm ông thôi.” Ông ta cười vang và thú nhận đó là sự thật.
Cô nói tiếp: “Đó là vấn đề của người đàn ông và anh ta đổ hết lỗi lầm lên người đàn bà. Phụ nữ được coi như là người dâm đãng, đầy dục vọng và tạo ra sự cám dỗ. Nhưng khi bạn nhìn vào điều đó, bạn sẽ thấy nó là vô lý và lố bịch. Ai là người có hậu cung? Phụ nữ có các quần thần đàn ông trong tay để thỏa mãn nhu cầu tình dục của mình hay không? Người đàn ông có sợ đi bộ trên phố vào ban đêm và có một người phụ nữ nhảy ra và cưỡng hiếp họ hay không? Hãy nhìn vào những người đàn ông trong nhà tù và trong quân đội, xem họ cùng đối xử như thế nào. Và có bao nhiêu đàn ông làm điếm trên đời? Thậm chí, những chàng đĩ đực có tồn tại thì cũng chỉ là để thỏa mãn những người đàn ông khác mà thôi.” Cô nói, làm nóng lên đề tài này. “Tất cả chỉ là sự tưởng tượng không đáng tin cậy. Người đàn ông có vấn đề lớn và họ trút tất cả lên người phụ nữ bởi vì nữ giới có một hình dạng làm khuấy động lòng ham muốn tình dục nơi họ. Phụ nữ thậm chí còn phải mặc những bộ đồ gợi cảm để đàn ông cởi ra. Khi tôi còn trẻ và có giai đoạn tôi buộc tóc ra sau, mặc những chiếc áo len dài tay lớn và không trang điểm thì tôi vẫn có nhiều bạn trai và được ngưỡng mộ như khi tôi mặc đẹp và trang điểm.”
Ngoài những điều bất hạnh chung của cô, cô còn gặp một thách thức nữa trong mối quan hệ với Choegyal Rinpoche, vị tăng có trách nhiệm dạy đạo Phật cho cô. Ông là một người thú vị. Trẻ hơn Tenzin Palmo vài tuổi, ông có mối quan hệ gắn bó với tất cả các vị Khamtrul Rinpoche (và do đó cũng có quan hệ với Tenzin Palmo). Choegyal Rinpoche không chỉ là một bậc thầy truyền thừa được công nhận, mà đây còn là lần tái sinh thứ tám của ông, cũng như là một nghệ sĩ được ca ngợi. Ông đã có một chuyến ra đi đầy đau buồn khỏi Tây Tạng khi mới 13 tuổi, bị bắt trong bộ đồ cải trang và sau đó được một “Hồng vệ binh” Tây Tạng thả ra. Kinh nghiệm này cùng với vết thương lòng khi nhìn thấy tu viện của mình với những công trình nghệ thuật của nó bị tàn phá đã làm cho ông căng thẳng thần kinh và khiến cho Tenzin Palmo khó giao tiếp với ông.
Cô nói: “Mối quan hệ của chúng tôi là khá thân mật và đầy cảm xúc. Thực sự tôi thấy ông ấy như một đạo sĩ uyên bác đang sống trên một ngọn núi dưới trăng. Tôi bị ảnh hưởng bởi tính khí của ông. Ông rất thất thường và dễ bị kích thích, do đó tôi không bao giờ biết tôi đã kết hợp với ông như thế nào. Thành thực mà nói, đó là một trong những mối quan hệ khó khăn nhất mà tôi từng có. Tôi cảm thấy đó chắc hẳn là do nghiệp, một điều gì đó cần phải giải quyết trong cuộc sống này.” Cô nài nỉ Khamtrul Rinpoche trao cô cho người khác hướng dẫn, nhưng ông từ chối. Ông khăng khăng: “Không, Choegyal Rinpoche là thầy của con.”
Việc bị xa lánh của cô trở nên trầm trọng hơn bởi sự thật là cô không thể nói hay đọc lưu loát các văn bản. Những bài học của Snellgrove tại Luân Đôn ngày trước chỉ mới là ở mức sơ đẳng. “Tôi sẽ phải nhìn tất cả các từ trong trang giấy. Điều này mất rất nhiều thời gian. Và không có ai nói tiếng Anh cả. Choegyal và tôi trao đổi với nhau bằng tiếng “Tây Tạng”. Điều tương tự cũng xảy ra với Khamtrul Rinpoche. Ông không phải là một lạt ma tân thời muốn thu hút một lượng lớn Phật tử người phương Tây. Nếu bạn muốn ở với ông, bạn phải học tiếng Tây Tạng và làm theo cách của ông.”
Cuối cùng thì cô cũng có thể có những cuộc hội thoại dài bằng tiếng Tây Tạng và đọc các văn bản lưu loát. Thực tế là các văn bản (tiếng Tây Tạng) này tốt hơn các bản dịch, vốn đánh mất gần hết các bài thơ và hưong vị của nguồn cảm hứng trào dâng trong bản gốc. Nhưng giờ đây việc nắm được các nghĩa lý từ những nguyên bản khác thường lại là một thử thách thực sự.
Tenzin Palmo chung sống với tất cả những điều đó trong một thời gian dài – sự phân biệt đối xử, thành kiến, bị hạ bệ. Không có ai hướng dẫn cô điều gì khác. Cô không bao giờ nghe về sự giải phóng phụ nữ, không bao giờ nhìn thấy một cái nịt vú nào, chưa bao giờ đọc những lời nói cách mạng của Germaine Greer trong “Female Eunuch” : “Phụ nữ có rất ít ý kiến về việc đàn ông ghét họ nhiều như thế nào.” Cô đã rời nước Anh từ lâu trước khi tất cả những điều đó xảy ra. Đặc biệt hơn, không có nữ đạo sư nào tới giúp cô.
Cô nói: “Dần dần tôi bắt đầu suy nghĩ là điều đó không đúng, và cảm thấy rất buồn.” Tất cả đạt tới đỉnh cao vào một thời điểm quan trọng. Sau đó, Tenzin Palmo phát lời nguyện đã truyền cảm hứng cho hàng trăm phụ nữ trên thế giới khi họ nghe đến nó. Lời nguyện Giác Ngộ trong thân nữ.
Cô nói, thể hiện sự phẫn nộ: “Đó là giây phút của sự thất vọng hoàn toàn sau khi tôi lại bị từ chối một lần nữa chỉ vì tôi là phụ nữ. Tôi thành tâm thề rằng: Tôi sẽ tiếp tục mang hình dạng phụ nữ và đạt tới Giác ngộ. Tôi đã bị khích động bởi niềm tin vô lý và đáng ghê tởm về sự ưu việt của nam giới bao quanh tôi. Tôi nghĩ: “Hãy quên nó đi! Tôi không muốn được sinh ra là đàn ông trong những hoàn cảnh như thế này.” Và tôi đã phát ra đại nguyện đó, thậm chí nếu tôi không thể làm được gì nhiều trong kiếp sống này, thì trong tương lai có thể dòng ý thức sẽ vẫn đi tiếp và lấy một dạng hình tạm thời của một phụ nữ hơn là đàn ông.”
Cô không phải là người duy nhất trên mặt trận này. Chỉ đơn giản là tỷ lệ nam nữ trong mặt trận tâm linh phải được điều chỉnh lại. Cô nói giản dị: “Tất nhiên là nam giới hay phụ nữ chỉ là tương đối, nhưng vào thời điểm này chúng ta đang sống trong một thế giới tương đối và quan trọng là có quá ít các nữ đạo sư tâm linh. Do đó, vào thời điểm này, trở thành phụ nữ là hữu dụng hơn.”
Thời gian u sầu kéo dài xen kẽ với những giây phút hạnh phúc ngắn ngủi. Một năm sau khi Tenzin Palmo đến sống ở Dalhousie, bà Lee, người phụ nữ bất khuất, đã đi đến thăm con gái của mình. Bà viết thư cho cô: “Mẹ mong có thể làm điều gì đó có ý nghĩa trong cuộc đời mình.” Và cô trả lời: “Ồ, nếu thế thì tại sao mẹ không bán nhà đi và tới đây để gặp các lạt ma.” Bà Lee đã làm theo và đi tới Dalhousie, mang theo các băng nhạc của Bob Dylan trong nỗ lực muốn Tenzin Palmo cập nhật với văn hóa phương Tây. Bà yêu mọi thứ của Ấn Độ: phong cách sống, người Tây Tạng, học thuyết của đạo Phật, và quyết định Quy y theo Khamtrul Rinpoche. Do đó, bà cam kết bản thân mình chính thức đi theo con đường của đạo Phật, như con gái của bà đã làm. Vào buổi sáng của buổi lễ đó, trong khi vẫn còn đang nằm trên giường, bà đã nhìn thấy Tara, vị nữ Bồ tát của Lòng Từ Bi, mỉm cười ban phúc và trao cho bà một đóa hoa.
Tenzin Palmo nói: “Mẹ tôi đã có một cơ hội tuyệt vời để sống vĩnh viễn ở Ấn Độ, nhưng bà không thể chịu được thức ăn, khí hậu và cuộc sống thiếu thốn tiện nghi ở đây nên sau 10 tháng bà đã quay trở lại Anh.”
Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Vào tối thứ bảy, cô đi ra ngoài tới cửa hàng bánh ngọt Bengali để mua xi rô gulab jamun và thỉnh thoảng có một chuyến picnic, theo cách của người Tây Tạng thì nó đôi khi kéo dài hơn dự kiến. Có một chuyến picnic nổi tiếng dự định diễn ra trong ba ngày, nhưng đã kéo dài qua ngày thứ 10, và cuối cùng là kéo sang ngày thứ 20. Thức ăn có thể rất thiếu thốn và nghèo nàn, nhưng khả năng sống vui vẻ của người Tây Tạng thì vẫn còn nguyên vẹn.
Một lần vào năm 1967, khi cô bất ngờ có được 400 rupee (khoảng 8 bảng), Tenzin Palmo đã thực hiện một chuyến đi tới Sikkim, ở phía bên kia của Ấn Độ, để nhận lễ thụ phong đầy đủ từ Karmapa, người đứng đầu tông Kargyu, và là bạn thân của Khamtrul Rinpoche. Đó là sự cho phép chính thức vào dòng tu, được gọi một cách thi vị là “Xuất Gia” – liên hệ tới việc xuất gia (rời khỏi nhà) để có cuộc sống không gia đình, mà Tenzin Palmo đã thực sự làm từ trước. Cô muốn Khamtrul Rinpoche thực hiện nghi thức này cho cô, nhưng ông sẽ không chính thức làm lễ trong vòng mười năm tới và cô không muốn chờ đợi lâu hơn.
Buổi lễ quả thực đáng nhớ. Trong quá trình làm lễ, ngài Karmapa cúi xuống và nói thầm vào tai cô: “Con là ni sư phương Tây đầu tiên mà ta làm lễ. Con chưa bao giờ kết hôn, chưa bao giờ có con, do đó sẽ có nhiều cám dỗ khiến con bị sa ngã. Con phải rất mạnh mẽ và vô cùng thận trọng. Những người Tây Tạng chúng ta tin rằng sự bắt đầu của bất kỳ hành động hay xây dựng nào là vô cùng quan trọng đối với tương lai. Trong những năm tới sẽ có rất nhiều người tới làm lễ thụ phong. Cho dù điều gì có xảy ra, con không bao giờ được phép từ bỏ giới luật của mình.” Trách nhiệm thực sự đã đè nặng lên vai cô.
Khi tất cả mọi sự đã diễn ra xong xuôi, Tenzin Palmo quay trở về phòng và nằm ngay xuống giường. Đó là một ngày dài, buổi lễ đã diễn ra trong gần ba tiếng đồng hồ và hoàn toàn được hướng dẫn bằng tiếng Tây Tạng. Cô nhanh chóng chìm vào giấc ngủ, và chỉ bị đánh thức bởi một tiếng đập mạnh vào cửa và một giọng nói hét lên: “Usha đang tới, Usha đang tới.”
Tôi nhảy ra khỏi giường và lao tới tu viện, trong đầu nghĩ chắc có ai đó quan trọng vừa mới đến. Khi tới nơi, tôi thấy ngài Karmapa đang ở trong phòng, ngồi trên một cái ngai cao với một cái hộp mũ ở trước mặt. Vào lúc đó tôi nhận ra rằng “Usha” chính là tên gọi thành kính của “chiếc mũ” và ngài Karmapa sẽ thực hành lễ mũ đen bây giờ.
Tenzin Palmo được chia sẻ một trong những nghi lễ huyền bí và nhiều năng lực nhất của Phật giáo Tây Tạng. Người ta nói rằng chiếc mũ được làm từ tóc của 100.000 Dakini, và được coi là biểu tượng huyền bí của năng lượng đáng sợ. Người ta tin rằng nó luôn tồn tại [vô hình] trên đầu của tất cả các Karmapa, hữu hình cho những ai có cái nhìn đủ thanh tịnh để trông thấy nó, và có khả năng giải thoát cái thấy.
Giờ đây, ngài Karmapa lấy chiếc mũ ra khỏi hộp, nâng nó lên trên không trung và đặt nó lên đầu mình. Cùng lúc đó ông quán tưởng trong tâm chiếc mũ đen thực sự (chiếc mũ vô hình) trong khi niệm thần chú của Quan Thế Âm, vị Phật của lòng Từ Bi: “Om Mani Padme Hung”. Tenzin Palmo ngồi dưới chân Karmapa, đột nhiên thấy mất tinh thần. “Tôi thấy cảm xúc của mình dâng tràn và lúc đó nước mắt của lòng sùng đạo bắt đầu chảy dàn dụa trên khuôn mặt tôi. Khi mọi thứ kết thúc, mọi người đứng dậy cầu phúc, nhưng tôi không thể nhúc nhích. Tôi thấy trống rỗng. Mọi người rời đi, còn tôi vẫn ngồi đó. Ngài Karmapa đưa tay cho tôi. Tôi đứng dậy và đi theo ngài. Ngài đặt cả hai tay lên đầu tôi và ban phúc cho tôi.”
Ngày hôm sau, cô đến xem tu viện cổ Rumtek, một thời thuộc về ngài Karmapa, nhưng giờ đây đã bị bỏ hoang. Trong một căn phòng có một cái hốc gạch và vì một lý do nào đó, hoàn toàn dại dột trong một vùng cận nhiệt đới như ở Sikkim, Tenzin Palmo thấy có một sự thôi thúc cần thọc tay mình vào trong đó. Cô kéo ra được một vật làm bằng xương với nhiều miếng nhỏ được khắc chạm đẹp đẽ và được nối với nhau như mạng lưới. Nó giống hệt với tấm vải mà nữ thần Kim cương (Vajrayogini) – một biểu tượng nữ đầy quyền lực của Mật Tông – mặc. Tuy nhiên vì đã phát nguyện giữ giới “không trộm cắp” (không lấy bất cứ thứ gì nếu không được cho phép), nên Tenzin Palmo nghiêm túc trả nó về chỗ cũ. Sau đó, khi cô kể lại với Khamtrul Rinpoche, ông bảo cô rằng cô nên giữ lấy nó. Ông nói: “Nó là dành cho con.”
Không thể nghi ngờ rằng việc gặp các vị Todgen là điều tươi sáng nhất trong suốt thời gian tăm tối khi cô sống tại Dalhousie. Họ có những tính cách hấp dẫn. Với những lọn tóc dài và váy trắng bẩn thỉu, trông họ giống như tín đồ của giáo phái Rastafar ở phương Đông. Tuy nhiên, trên thực tế, họ là những tu sĩ đã xuất gia, những hành giả yogi xuất sắc trong cộng đồng của Khamtrul Rinpoche. Theo truyền thống, họ luôn có 13 người, nhưng ở Dalhousie họ chỉ có bảy người. Được lựa chọn từ khi còn nhỏ nhờ sự trong sáng trong tâm ý của họ, họ được tách khỏi cộng đồng các tu sĩ còn lại và trải qua những huấn luyện khắc nghiệt và bí mật nhất. Khả năng huyền bí của họ thần kỳ như trong truyền thuyết. Một trong những bậc tiền bối của họ, tên là Amkha Dechen Dorje, đã phi vật chất hóa không chỉ bản thân ông mà là toàn bộ gia đình ông, cùng với trâu yaks, cừu, dê và chó của ông – tổng cộng là 62 sinh mạng. Theo câu chuyện, Amkha ban đầu đi tới cõi Tịnh độ và đang chơi damaru của mình, theo sau là vợ, con cái và lũ súc vật của ông.
Trong cộng đồng hiện nay, vẫn còn một số hành giả đáng chú ý. Ở Tây Tạng trước kia có một hành giả là Atrin, người đã thiền định trên rìa một vách núi để ngăn không cho ông buồn ngủ. Ông đã sống nhiều năm trời chỉ với nước và bánh tsampa, và thỉnh thoảng ra ngoài tận dụng những gì còn sót lại từ xác chết sau bữa ăn của một con báo. Một ngày, con báo bắt gặp ông đang nhặt thịt hươu và đã xua đuổi ông. Atrin nhận ra mình vẫn còn bám víu vào thức ăn và đã buông miếng thịt xuống. Sau đó, ông quay trở về động để tiếp tục thiền định với cái dạ dày rỗng tuyếch.
Trong một năm, Tenzin Palmo có phòng riêng và sống cùng những tu sĩ đáng kính này trong một trong những căn nhà của họ. Vào buổi tối, họ ngồi ngoài trời trong không khí lạnh, ẩm ướt, quấn trên thân thể những chiếc khăn ướt, học cách làm khô chúng bằng năng lực của nội nhiệt (tumo). Cô nghe rằng họ có thể bay trên không trung và ngồi trong tư thế liên hoa (kiết già) trước khi hạ xuống mặt đất. Cô nghe họ tụng kinh. Khác với các tăng sĩ khác, những vị Todgen này đối xử với cô như một thành viên trong số họ.
“Một lần tôi đi tìm họ và thấy họ đang ở cùng nhau trong một căn phòng, hoàn toàn trần truồng, đang chuẩn bị cho một vài nghi lễ. Họ nói không chút bối rối: “Ni sư, hãy vào đây, hãy vào đây.” Tôi ngay lập tức chạy ra ngoài và đóng cửa lại. Trong một dip hiếm hoi khác, khi tôi được mời đến dự một bài tập vỡ lòng, tôi đang đi đến chỗ của mình ở phía sau thì một trong các Todgen gọi tôi đến ngồi hàng trước bên cạnh ông trên tấm da hổ. Tôi ngồi yên, không cử động nhiều giờ đồng hồ, cố gắng giống các vị Todgen, nhưng thấy rất lạnh. Bỗng nhiên tôi cảm thấy sự ấm áp – vị Todgen ngồi cạnh tôi đã để lọn tóc dài của ông phủ lên lòng tôi, đắp tôi trong chiếc chăn làm bằng tóc của ông.” Tenzin kể lại.
“Tôi thường lo lắng về tóc của họ - nghĩ rằng nó chắc phải đầy chấy rận. Khi tôi nói điều này với một người trong số họ, họ cúi xuống và để cho tôi nhìn nó – nó hoàn toàn sạch sẽ. Khi họ bơi trên sông, nó sẽ chìm xuống như dây thừng kéo dài đến chân họ và những tu sĩ trẻ sẽ nắm lấy nó và bơi quanh nó, chơi với nó như chơi với cây nêu vậy.”
Cô nói: “Họ nói với tôi rằng ở Tây Tạng khi họ được chọn làm Todgen và chuyển tới các hang động họ rất thích thú bởi vì họ cảm thấy rằng giờ đây họ sẽ trở thành các yogi. Nhưng trong ba năm đầu tiên họ không được hướng dẫn làm bất cứ điều gì ngoài việc quan sát tâm mình và thực hành Bồ đề tâm (Boddhicitta) - tâm vị tha. Họ chỉ làm điều đó và không làm gì khác trong ba năm. Họ nói rằng sau ba năm tâm họ đã chuyển hóa. Sau đó, tất cả các thực hành của họ đều được xây dựng trên cơ sở này. Một lần, một người trong số họ nói với tôi: “Con nghĩ những hành giả yogi như chúng ta đang thực hành những pháp môn rất cao quý, hiếm hoi và bí truyền và chỉ cần con có được những lời dạy ấy thì con cũng có thể thực sự phát triển vượt bậc! Nhưng hãy để ta nói với con rằng chẳng có điều gì ta đang làm mà con không được dạy cả. Điều khác biệt duy nhất là ta đang thực hiện chúng còn con thì không.”
Tenzin Palmo tiếp tục: “Điều kinh ngạc về các yogi này là họ rất bình thường. Không có một bản ngã nào ở đây. Họ là những người tuyệt vời, hoàn toàn không phân biệt, hoàn toàn không kiêu căng, hoàn toàn không vị kỷ, và là những người dễ chung sống nhất trên thế giới này. Tâm của họ rất rộng lớn. Một lần ai đó gửi cho tôi một băng tụng kinh của Giáo hoàng Gregory và tôi mở nó rất nhẹ nhàng để không làm quấy rầy họ. Sau đó khoảng 10 phút thì có tiếng gõ cửa. Đó là một vị Todgen. Ông nói: “Cô có thể vặn to tiếng lên được không bởi vì tôi không nghe rõ nó?” Và sau khi lắng nghe một lúc ông hỏi: “Đó có phải là puja của đạo Thiên Chúa không?” Khi tôi nói rằng đúng thì ông bình luận buồn bã: “Chúng ta không làm như vậy đúng không?” Sau đó ông đi vào và tự bật nó lên nghe.
Do sống gần gũi và thân mật với các vị Todgen, bản năng tự nhiên chăm sóc một người đàn ông mà cô đã kìm nén sau khi từ chối lời đề nghị của bạn trai người Nhật của cô giờ đây lại sống dậy. “Tôi gom quần áo của họ, giặt giũ chúng và cố gắng khâu vá lại chúng. Tôi muốn phục vụ và quần áo của họ thì lại trong tình trạng thật tồi tệ. Họ không có tiền bạc và cũng chẳng có sở hữu gì. Nhưng họ có cái không có gì. Họ lo lắng rằng việc đó mất nhiều thời gian và không để cho tôi tiếp tục.”
Tuy nhiên, bài học đầu tiên mà các vị Todgen dạy Tenzin Palmo đã để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với cô. Họ nói với cô: “Nếu bất cứ ai hỏi con rằng con đã đạt được sự nhận thức gì thì con hãy trả lời: “Không có gì cả”, bởi vì nếu so sánh với đức Phật thì nó chẳng là gì cả. Và trong bất kỳ trường hợp nào, con càng nhận thức được nhiều thì con càng nhận thức rằng chẳng có gì để nhận thức cả.” Đó là lời khuyên mà cô luôn luôn nhớ.
Một ngày, Tenzin Palmo được nghe về các vị Todgenmas, những nữ hành giả giống như các vị Todgen nhưng là nữ giới và trái tim cô đập mạnh. Cô học rằng có một nhóm các Todgenmas trong cộng đồng của Khamtrul Rinpoche tại tỉnh Kham. Những người này sống tại các địa điểm bí mật, thực hành các kỹ năng tâm linh của mình với thành công phi thường. Người ta nói rằng thậm chí khi đã cao tuổi thì trông họ vẫn như chỉ mới khoảng hơn 30 tuổi, một dấu hiệu của năng lực tâm linh trong họ. Đáng buồn thay, giống như phần lớn báu vật của Tây Tạng, các vị Todgenmas đã biến mất trong sự nhiệt tình cải cách của Cách mạng Văn hóa. Không ai biết điều gì đã xảy ra với họ. Nhưng điều đó đã làm Tenzin Palmo rất thích thú.
Tenzin Palmo nói: “Tôi nghe rằng họ có tóc dài và họ quấn chúng lên dây thừng khi họ cùng nhau làm puja. Những người đàn ông không được phép đến gần và chỉ có thể nhìn họ từ một gian phòng ở phía trên. Họ tràn đầy năng lực. Các vị Todgen nói rằng nếu tôi có gặp các vị Todgenmas, thì tôi cũng không thể nhìn thấy họ. Tôi biết rằng đó là điều tôi muốn làm. Tôi chạy đến chỗ Khamtrul Rinpoche và hỏi ông. Ông rất vui và nói: “Ở Tây Tạng, ta có nhiều Todgenmas nhưng giờ đây ta không còn một ai cả. Ta cầu nguyện rằng con sẽ góp phần xây dựng lại dòng Todgenmas.”
Giống như tất cả những mong ước của Tenzin Palmo về việc tiến bộ trên con đường tâm linh, mong ước này cũng ngang trái và gặp sự chống đối của cộng đồng. Cô tiếp tục chỉ được trao cho những bài học cơ bản ban đầu. Cuối cùng, một ngày cô quyết định phá vỡ sự bế tắc. Cô đóng gói đồ đạc và chuẩn bị nói lời chia tay với Khamtrul Rinpoche, người đã hướng dẫn cô hàng trăm năm qua và trong đời này phải khó khăn lắm cô mới gặp lại được. Khamtrul Rinpoche kêu lên: “Rời đi? Con không rời đi đâu cả! Con nghĩ mình sẽ rời đi đâu?”
Cô trả lời: “Ngài luôn là vị thầy trong trái tim con, nhưng dường như con phải đi đến một nơi nào đó để có được những lời chỉ dẫn – nếu không con sẽ chết mà vẫn chưa nhận được pháp.”
“Một điều ta có thể đảm bảo với con, con sẽ không chết trước khi con nhận được tất cả các lời dạy cần thiết.” ông hứa và bố trí cho cô được học từ một trong các vị Todgen. Điều đó có ích nhưng vẫn chưa đủ. Cô vẫn chưa thấy thỏa mãn. Và rồi một ngày Khamtrul Rinpoche đến chỗ cô và tuyên bố: “Bây giờ đã đến lúc con ra đi và thực hành.”
Thời gian tập sự của cô đã qua. Cô nhìn vị đạo sư của mình và đề nghị mình sẽ đi Nepal. Khamtrul Rinpoche lắc đầu và nói: “Con đi Lahoul”. Đó là một vùng núi non xa xôi ở cực bắc của Himachal Pradesh, nằm trên biên giới với Tây Tạng. Giờ đây nó khá nổi tiếng với các thiền giả và tu viện Phật giáo, đặc biệt là các tu viện khởi nguồn từ một đệ tử của Khamtrul Rinpoche đời thứ 6, một hành giả yogi mà Tenzin Palmo khá gần gũi trong một tiền kiếp.
Lần này vui vẻ tuân theo ý muốn của vị đạo sư, Tenzin Palmo mang theo số hành lý ít ỏi của mình và lên đường. Một gompa (cộng đồng tu viện) sẽ hỗ trợ chỗ ăn ngủ cho cô. Đó là năm 1970, cô đã 27 tuổi, và một chặng đường hoàn toàn mới của cuộc đời đang chờ đón cô ở phía trước.