Chương 2: Sinh ra không đúng chỗ
Thế giới mà Tenzin Palmo đến từ đó có thể không khác biệt nhiều so với so với thế giới mà cô thấy bản thân mình trong đó.
Cô sinh ra trong một ngôi nhà trang trọng, Woolmers Park, tại Hertfordshire, chính xác hơn là trong thư viện. Đó không phải là vì cô có dòng dõi quý phái, mà là vì vào ngày 30 tháng 6 năm 1943, ngày sinh của cô, không quân Đức của Hitler đang oanh tạc Luân Đôn và những bệnh viện phụ sản của thủ đô được di cư về những nơi tương đối yên bình. Tạo hóa chắc đã mắc sai lầm lớn, bởi vì mặc dù cô được sinh muộn và [mẹ cô] phải dùng thuốc kích thích chuyển dạ, cô đã đến thế giới này mà không có lông mi, móng tay, không có tóc và, thậm chí như mẹ cô nói, quá là xấu xí; tuy nhiên, bất chấp bề ngoài không dễ thương của đứa trẻ héo hon, mẹ cô vẫn có những khát vọng về cô và ngay lập tức đặt tên cho cô là Diane theo tên một bài hát nổi tiếng của Pháp – nhưng, bà khăng khăng với cách phát âm tiếng Pháp, mặc dù nó được phát âm theo tiếng Anh là “Dionne”. Đó là tên cô cho đến khi cô được làm lễ thọ giới để trở thành một vị ni sư Phật giáo 21 năm sau, khi đó cô có tên thứ hai là Tenzin Palmo.
Ngôi nhà của cô trong 21 năm đầu của cuộc đời ở trên một cửa hàng cá tại số 72 phố Old Bethnal Green Road, Bethnal Green, chỉ quanh góc phố từ con phố lịch sử Old Roman Road khu trung tâm của Cực Đông Luân Đôn (London’s East End). Nó cách rất xa những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng và khung cảnh rộng mở bao la của Himalaya nơi mà tâm hồn cô đạt được tự do. Ngày nay nhà số 72 phố Old Bethnal Green Road không còn tồn tại và ngay chính Bethnal Green Road, với những bãi trống tao nhã của nó, những con đường hẻm gần sát thành phố, cần phải trở nên hiện đại hơn; nhưng khi Tenzin Palmo ở đây thì đó là một đống gạch vụn khổng lồ sau vụ oanh tạc, và trước khi khôn lớn thì cô nghĩ nó luôn trông như vậy. Nó đông đúc, tối tăm, đầy sương mù, và hầu như chẳng có một cái cây nào. Với những gì có thể nhớ được, cô không bao giờ có cảm giác rằng mình thuộc về nơi đó: “Tôi có một cảm giác mạnh mẽ rằng tôi đang ở nhầm nơi. Thậm chí bây giờ tôi không bao giờ thấy cảm giác “thoải mái” khi ở Anh”, cô nói.
Bố cô, George Perry, là một người bán cá, chủ cửa hàng ở dưới tầng một. George là một người đàn ông nhỏ bé, hơn vợ 20 tuổi, và thích cuộc sống vui nhộn. Ông thường lui tới “những cuộc đua ngựa”, “đua chó”, các rạp hát, và ăn mặc như một người bán hàng rong chải chuốt trong bộ comlê với những chiếc khuy ngọc trai mỗi khi có dịp. Ông bị nhiễm khí độc trong Chiến tranh Thế giới I và do đó bị bệnh viêm phế quản khá nặng. Làm việc trong cửa hàng cá lạnh lẽo, ẩm thấp làm cho bệnh tình tồi tệ hơn. Ông mất năm 57 tuổi, khi Tenzin Palmo chỉ mới hai tuổi.
Cô nói: “Đáng buồn là tôi chưa bao giờ biết đến ông, nhưng tôi được nghe rằng ông là một người rất tốt. Mẹ thường kể rằng, mẹ vốn trẻ hơn cha tôi rất nhiều, thường thích đi nhảy với những bạn nhảy của mình và ông khuyến khích bà làm vậy, chờ đợi bà với bữa cơm sẵn trên bàn khi bà về. Tôi biết ông rất muốn có tôi sau khi đã có hai con trai từ cuộc hôn nhân trước. Nhưng tôi hầu như không nhớ chút gì về ông.”
Còn mẹ cô, bà Lee Perry, một người phụ nữ nội trợ, phải nuôi dạy Tenzin Palmo và anh trai của cô Mervyn, hơn cô 6 tuổi. Bà Lee là một người đàn bà xuất sắc về mọi mặt. Bà hăng hái, rộng rãi, phóng khoáng, lạc quan trước nghịch cảnh, và đóng vai trò quan trọng nhất trong câu chuyện này, bà là một người tìm kiếm tâm linh và người hỗ trợ đáng tin cậy cho Tenzin Palmo trong tất cả các nỗ lực của cô trong suốt cuộc đời. Họ rất gắn bó với nhau.
Cô nói: “Mẹ tôi thật tuyệt vời. Tôi rất ngưỡng mộ bà. Bà làm việc cực kỳ chăm chỉ và luôn luôn thích thú những ý tưởng mới. Bà là người có tinh thần tự do. Khi bà gặp bố tôi, ông đang ly thân nhưng chưa ly dị với người vợ trước; tuy thế, bà đã chuyển đến sống với ông và cũng đã có hai con với ông, một điều quá khác thường vào thời đó. Khi ông ly dị xong thì bà vẫn không kết hôn với ông bởi vì bà đã quen với sự tự do của mình.”
Môi trường mà Tenzin Palmo được nuôi dạy mang đậm tính chất Anh đến mức không thể hơn được nữa. Tất cả mọi người quanh cô đều là cư dân Đông Luân Đôn, những “người Luân Đôn đích thực”, nổi tiếng với sự hài hước sắc sảo, họat bát, và thường giành chiến thắng trong cuộc thi Trí tuệ của người Anh. Sau nữa, Vùng Cực Đông là một nơi sinh sống hòa bình. Tenzin Palmo biết tất cả những người hàng xóm, chú Harry của cô sở hữu tiệm rượu trên phố, cuộc sống đường phố sống động và những hố bom là nơi lý tưởng để lũ trẻ chơi những trò phiêu lưu.
Tuy nhiên, mặc cho tất cả những điều đó, những hạt giống của cuộc đời phi thường mà sau này cô sẽ đi theo đã xuất hiện ở đây ngay từ buổi đầu, minh chứng rằng trong trường hợp của cô thì bản chất tự nhiên chiến thắng sự nuôi dạy.
Cô là một đứa trẻ sống nội tâm và ẩn dật, có bạn bè nhưng không bao giờ muốn dẫn bạn về nhà. Cô nói: “Tôi không muốn. Tôi biết có một điều gì khác mà tôi phải làm với cuộc đời mình. Thực sự tôi chỉ thích một mình. Tôi rất hạnh phúc khi chỉ ngồi và đọc. Tôi nhớ các thầy cô giáo của tôi cho tôi mượn sách hết lần này đến lần khác, trong khi họ không làm như vậy với những đứa trẻ khác.” Cô cũng tò mò về sự quyến rũ của Đông phương, mặc dù không có cộng đồng châu Á nào phát triển mạnh ở Cực Đông như ngày nay và không có ai trong gia đình cô quan tâm đến các nước phương Đông xa xôi. “Tôi dành hàng giờ đồng hồ một mình để vẽ những quý bà Nhật Bản trong bộ đồ kimono. Tôi còn có thể nhìn tất cả các mẫu phức tạp rồi vẽ lại. Khi nhà hàng Trung Quốc đầu tiên mở tại Cực Tây, tôi đã nài nỉ mẹ đưa tôi đến đó để tôi có thể nhìn thấy một vài khuôn mặt người phương Đông.” Cô cũng bị mê hoặc một cách không thể giải thích được đối với các nữ tu sĩ, đặc biệt là những dòng tu trầm mặc. “Tôi thích ý tưởng về các nữ tu kín, phương pháp tu đi vào mà không bao giờ đi ra và dành toàn bộ cuộc đời họ cho cầu nguyện. Ý tưởng về cách sống đó là vô cùng hấp dẫn. Một lần tôi bước vào cửa hàng của một người hàng xóm và người bán hàng hỏi tôi rằng tôi sẽ làm nghề gì khi lớn lên. Tôi tự động trả lời ngay rằng: “Một nữ tu sĩ”. Bà ta cười và nói rằng tôi sẽ thay đổi ý định của mình khi tôi lớn lên và tôi nghĩ “Bà nhầm rồi!”
Vấn đề là tôi không biết tôi sẽ trở thành nữ tu sĩ gì.”
Còn có một số điều đặc biệt khác. Cô không chỉ thường xuyên cảm thấy sai lầm khi sinh ra ở Anh, mà cô còn có cảm giác kỳ lạ rằng thật “sai lầm” khi cô là con gái. Cô giải thích: “Tôi rất lúng túng với việc mình là con gái. Chỉ là không cảm thấy đúng đắn. Tôi nghe người lớn nói rằng khi đến tuổi thanh niên cơ thể mình sẽ thay đổi và tôi đã nghĩ: “Ồ, tốt quá. Khi đó tôi có thể trở thành một cậu bé.” Điều bí ẩn đó, cũng như những điều khác sẽ được giải thích sau.
Nếu như khí chất của cô là sự chuẩn bị lý tưởng cho cuộc đời thiền quán đơn độc trong hang động ở tương lai, thì cơ thể cô cũng không thể kém phù hợp hơn. Tuổi thơ của cô đầy dẫy những đợt đau ốm làm cho cô yếu đuối đến mức các bác sĩ và giáo viên của cô khuyên, sau khi rời trường học, cô không nên làm bất cứ nghề gì đòi hỏi sự cố gắng. Cô được sinh ra với xương cùng xoắn vào trong và nghiêng về bên trái, làm cho toàn bộ cột sống mất cân bằng. Để bù đắp lại, cơ thể cô phát triển vùng quanh hai vai, khiến cô trông còng lưng như ngày nay. Cột sống yếu khiến cô luôn ở trong tình trạng đau đớn. Khi còn là một đứa trẻ, cô phải đến bệnh viện ba lần mỗi tuần để chữa bệnh bằng vật lý trị liệu nhưng không có kết quả (nhưng sau này yoga làm được điều đó). Khi cô mới được vài tháng tuổi, cô bị bệnh viêm màng não, khỏi bệnh rồi lại bị lại. Cô được mang tới bệnh viện cấp cứu, và cha mẹ cô chỉ được dõi theo cô qua cửa kính. Nhìn chằm chằm vào đứa trẻ còi cọc đang nằm đấy với tay chân như những que củi và đôi mắt to màu xanh, bà Lee quẫn trí và nói: “Con mình sẽ chết mất” nhưng ông George đáp lại ngay: “Ồ không, con mình sẽ không chết đâu. Hãy nhìn vào đôi mắt của nó. Nó mong mỏi được sống.”
Sau đó là một trận ốm bí ẩn làm các bác sĩ gặp nhiều khó khăn và khiến cô phải nhập viện hàng tháng trời. Cô bỏ lỡ nhiều buổi học ở trường, và có lần phải mất tám tháng trời tại Bệnh viện Trẻ em Great Ormond Street nổi tiếng, và thường xuyên ốm yếu đến mức trường học của cô sắp xếp cho cô thường xuyên có thời gian hồi phục sức khỏe bắt buộc tại vùng bờ biển, với chi phí của hội đồng.
Cô nói: “Không ai biết được điều đó nghĩa là gì, nhưng cứ hai đến ba lần một năm tôi sẽ bị kiệt sức hoàn toàn với những đợt sốt cao, và những cơn đau đầu kinh khủng. Tôi rất ốm yếu. Cá nhân tôi nghĩ rằng đó là do nghiệp bởi vì khi tôi lớn lên thì những hiện tượng đó biến mất, và tôi không bao giờ bị ốm nặng trong thời gian ở trong động. Do những cơn sốt cao như vậy nên tôi quen với việc có rất nhiều kinh nghiệm thoát ra khỏi thân xác. Tôi thường đi chung quanh nhà hàng xóm [khi thoát xác] nhưng vì tôi chỉ là một cô gái nhỏ nên tôi sẽ không đi khỏi nhà quá xa được. Tôi không muốn bị lạc. Do đó tôi chỉ đi thơ thẩn trên phố, vượt lên trên mọi thứ, nhìn xuống mọi người cho thay đổi, thay vì chỉ luôn luôn ngước nhìn họ. Tôi cố gắng làm như vậy khi đến tuổi thành niên nhưng tôi thấy hoang mang nên không bao giờ phát triển khả năng này.”
Có một số tai nạn mà câu chuyện về chúng cũng khá hấp dẫn. Khi đó cô đang chơi với một trái bóng trong nhà và chiếc váy nylon của cô bị cháy do chạm tia lửa điện. Trong vài giây cô đã trở thành một đám lửa lớn. May mắn là khi đó bà Lee đang bị ốm, nên bà ở nhà chứ không ở cửa hàng cá. Cô bé Tenzin Palmo chạy vào phòng mẹ với chiếc váy bốc cháy và la hét. Bà Lee nhảy ra khỏi giường, phủ chăn lên người cô và mang ngay cô đến bệnh viện.
Cô nói: “Điều ngạc nhiên là tôi không hề bị đau, dù rằng lưng tôi bị đỏ ửng, trầy da. Tôi còn nhớ là người bác sĩ cầm tay tôi dắt xuống hành lang bệnh viện và nói rằng tôi là một cô gái dũng cảm vì đã không khóc. Nhưng tôi không đau một tí nào. Tôi ở lại bệnh viện một thời gian dài với bộ khung buộc vào thân mình nhưng cuối cùng tôi không bị một vết sẹo nào. Sau đó, khi tôi lớn hơn, mẹ tôi bảo tôi rằng khi bà nhìn thấy tôi bị nhận chìm trong ngọn lửa, bà đã cầu nguyện nhiệt thành rằng vết thương của tôi sẽ được lấy ra khỏi tôi và bà sẽ đón nhận nó. Tôi rất thích thú bởi vì sau đó tôi được nghe về một pháp môn của đạo Phật gọi là Tong Lin, trong đó bạn hít vào sự đau đớn của người khác để giải phóng họ khỏi nỗi đau khổ, sau đó bạn tỏa ra không gian nơi đó tất cả sức khỏe và hạnh phúc của bạn dưới dạng ánh sáng trắng. Mẹ tôi đã làm điều giống như vậy hoàn toàn tự phát! Hơn nữa, nó đã có kết quả. Bà nói rằng mặc dù lời cầu nguyện của bà hoàn toàn chân thành, nhưng bà không bao giờ phải nhận một đau khổ nào từ vết bỏng của tôi. Bà đã hết sức ngạc nhiên. Bà làm điều đó, dù cho bà sẽ chịu đau đớn vô cùng.” Cô nói thêm lặng lẽ: “Thực sự tôi nghĩ tôi xuất hiện trong gia đình đó là vì bà”, ám chỉ tới niềm tin vững vàng của cô vào thuyết tái sinh, và ngụ ý rằng cô đã chọn đời sống phương Tây trong thân thể một người nữ vì một vài mục đích đặc biệt.
Khi cô không bị ốm, đời sống ở khu Cực Đông diễn ra bình thường. Đó là một sự sống rõ ràng, không kiểu cách. Tenzin Palmo ngủ chung giường với anh trai Mervyn, tắm mỗi tuần một lần, và tiền bạc thì luôn trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng. Cô giải thích: “Sau khi cha tôi mất, mẹ tôi tiếp quản cửa hàng cá, chỉ có điều mẹ tôi không biết rằng người chú, người đang quản lý cửa hàng, đã tham gia cá độ đua ngựa. Cuối cùng gia đình chìm sâu trong nợ nần và mẹ tôi phải làm việc cực nhọc gấp đôi để giải quyết vấn đề.”
Mặc dù thiếu thốn về tài chính và mồ côi cha, nhưng đó là một thời thơ ấu hạnh phúc, bình dị, điều đã nâng đỡ cô khi cô trải qua những năm dài cô độc sau này. Một chiếc xe buýt đưa cô đến các công viên và viện bảo tàng, và đôi khi là buổi chiếu phim Walt Disney. Thêm vào đó là những niềm vui bị ngăn cấm ở nơi hun khói của cửa hàng cá (những điểm cuối cùng còn tồn tại ở Luân Đôn), hai lò sưởi bằng gạch lớn trong kho phủ đen bởi hắc ín được nối với kệ cá êfi n và cá trích muối hun khói. Chúng khá nguy hiểm nhưng lại thú vị.
Cô nhấn mạnh: “Thực lòng mà nói, chúng tôi không bao giờ lo lắng nhiều về sự nghèo khổ, chỉ đơn giản là chúng tôi sống như thế nào. Chúng tôi luôn có đủ thức ăn và những mục đích của mỗi người khi đó khá là khiêm tốn. Chúng tôi cũng không nhớ đến việc cần có một người cha nữa. Thực sự, chúng tôi làm tốt mọi việc mà không có ông. Tôi thấy rằng chúng tôi không có bất kỳ mâu thuẫn hay căng thẳng nào trong gia đình, điều thường xảy ra trong gia đình của các bạn tôi.”
Khi Tenzin Palmo lớn hơn và trở thành một đứa trẻ xinh đẹp, vẫn bé nhỏ, nhưng với cặp mắt to xanh như trước. Cái đầu trọc của cô trước đây giờ đã thành những mái tóc xoăn màu nâu sáng. Thực tế là cô khá ưa nhìn nên sau đó tu viện của cô ở Ấn Độ khăng khăng đòi treo một bức ảnh của cô chụp vào thời gian đó. Cô cười: “Tôi đạt đỉnh cao vào năm 3 tuổi, sau đó sa sút dần.” Cô đánh nhau với anh trai, người cô sùng mộ như thần tượng, theo anh trong vô số trò nghịch ngợm mà anh ấy nghĩ ra. “Tôi thường ăn mặc như một gã trong Guy Fawkes, ngồi bất động trên mặt đường hàng giờ đồng hồ. Một lần anh tôi mang tôi tới gần những người lạ mặt ở Hampstead HeaThvà hỏi xin tiền họ để đi xe buýt về nhà, nói với họ rằng mẹ của chúng tôi đã bỏ chúng tôi. Anh ấy luôn nói như vậy vì đó chính là lý do anh ấy để tôi ngồi trên đường với chiếc bát ăn xin.”
Cô thích trường học, trường Teesdale Street Primary và John Howard Grammar, nơi có phương châm khác thường từ Virgil rằng: “Họ có thể bởi vì họ có thể”. Cô là một học sinh giỏi, nhưng không nổi bật. Cô học tốt môn Anh ngữ, lịch sử và làm tốt các bài kiểm tra IQ. Cô luôn đứng đầu trong các bài kiểm tra IQ. Cô nói khiêm tốn: “Điều đó không có nghĩa là tôi chắc chắn phải rất thông minh, mà sự thực là tôi có tố chất phù hợp để làm tốt các bài kiểm tra chỉ số thông minh.” Cô cũng chưa bao giờ bỏ lỡ các giải thưởng hàng năm. “Thông thường điều đó có nghĩa là bạn đã làm tốt nhất khả năng của mình, nhưng ở trường hợp của tôi thì không phải như vậy. Tôi không cố gắng chăm chỉ ở trường bởi vì cơ bản là tôi không say mê các môn học ở đó.”
Tuy nhiên, lĩnh vực được mong đợi nhất trong câu chuyện này chính là lĩnh vực tâm linh, nơi có sự phát triển thú vị nhất diễn ra. Bà Lee là một người có thiên hướng tâm linh và vào các ngày thứ tư, lúc 8h tối những người hàng xóm sẽ đến căn hộ 72 Old Bethnal Green Road để dự buổi cầu cơ hàng tuần của họ.
Tenzin Palmo kể lại: “Chúng tôi thường ngồi quanh một cái bàn gỗ gụ lớn với những cái chân bàn to bằng thân cây lấy từ những ngôi nhà lớn và một trong những người hàng xóm là ông/bà đồng sẽ đi vào trạng thái bị thôi miên [lên đồng] rồi đưa ra các thông điệp từ các linh hồn. Tôi nhớ có một tối mẹ tôi nói đùa rằng các linh hồn này không mạnh mẽ lắm và các linh hồn này đã chứng tỏ bằng cách vượt qua một thử thách. Họ [các linh hồn] bảo một người bán hoa quả, một phụ nữ nặng như đá, đến ngồi trên bàn sau đó họ nhấc bổng tất cả mọi thứ, vốn rất nặng, và chúng bay đi quanh phòng với người phụ nữ bán hoa quả ngồi phía trên. Tất cả chúng tôi phải chạy nấp vào các góc để nhường đường cho chúng.”
Cô không bao giờ nghi ngờ về tính xác thực của những hiện tượng này. Đây là nhà cô, cô biết không có cửa sập nào và cũng không có ai được trả tiền [để thực hiện trò ảo thuật hay gian dối]. Cô nói tiếp: “Tôi học được nhiều điều từ những kinh nghiệm đó. Cho đến nay không ai có thể nói với tôi rằng ý thức không tồn tại sau khi chết bởi tôi có quá nhiều bằng chứng nói rằng điều đó có xảy ra. Đó không phải là niềm tin, mà đó thực sự là kiến thức. Tôi cũng học rằng thực sự có nhiều dạng tồn tại khác của sự sống, mặc dù thông thường chúng ta không nhận thức được chúng. Do có những buổi lên đồng đó nên trong gia đình, chúng tôi thường xuyên nói về cái chết với cách nhìn nhận hoàn toàn tích cực. Chúng tôi trao đổi xem nó là cái gì và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Đó là một trong những đề tài ưa thích nhất của tôi. Và tôi rất biết ơn điều đó. Nhiều người tránh suy nghĩ về cái chết và đa số sợ hãi nó, nhưng nếu bạn không làm như họ thì bạn sẽ gỡ bỏ được một gánh nặng khổng lồ khỏi cuộc sống của mình.”
“Đối với tôi, chết là bước kế tiếp [sau sự sống], một cái gì đó được mở ra. Chúng ta đã làm nhiều điều trong quá khứ và bây giờ chúng ta tiếp tục đi vào một tương lai vô hạn. Điều đó sẽ làm bớt đi nhiều lo lắng về cuộc đời bởi vì cuộc đời này được xem như chỉ là một giọt nước trong bể lớn. Và do đó trong thời gian của cuộc đời này, bạn làm điều bạn cần làm và sẽ không có vấn đề gì đối với toàn bộ phần còn lại bởi vì có lẽ bạn sẽ hoàn thành điều đó hoặc là bạn sẽ làm nó trong tương lai. Nó mang đến cho mỗi người sự thanh thản và hy vọng.”
Tuy nhiên, từ hồi bé thơ, Tenzin Palmo đã thể hiện một tâm hồn sắc sảo và bản chất ham tìm tòi, học hỏi – những đức tính mà cô mang theo suốt cuộc đời mình. Cô không bao giờ là một người cả tin. “Tôi không thích cách mà các lý thuyết đồng cốt bó buộc con người, khiến cho họ không thể rời bỏ nó và tự xoay sở với cuộc đời mình. Những buổi lên đồng trở thành một điều rất quan trọng đối với những người hàng xóm của tôi, làm tăng thêm sự vướng mắc của họ. Tôi cũng nghĩ rằng về cơ bản mọi người hỏi những câu hỏi ngốc ngếch và nhảm nhí. Họ không đi vào những vấn đề sâu sắc mà tôi thấy thực sự có ý nghĩa. Họ hầu như chỉ muốn tán gẫu với những thân nhân đã chết của mình. Cá nhân tôi nghĩ rằng đó là một sự lãng phí đối với thời gian và kiến thức của các linh hồn.”
Những “vấn đề” đang làm cô gái trẻ Tenzin Palmo bận tâm là sâu sắc và già trước tuổi. Điều đó cũng xảy ra với những Phật tử ham hiểu biết: “Tôi không thể diễn tả bằng lời nhưng những gì khiến tôi lo lắng là tại sao chúng ta có thể vượt qua được tình trạng tiến thoái lưỡng nan của việc liên tục phải tái sinh trở lại và kinh nghiệm hết lần này đến lần khác những đau khổ cố hữu trong sự tồn tại của chúng ta.”
Có một sự kiện đặc biệt trong thời thơ ấu của cô diễn tả chính xác tâm trí cô lúc đó. Cô kể lại: “Khi đó tôi 13 tuổi và đang trên đường về nhà cùng với mẹ sau khi đi thăm cô chú. Chúng tôi đã có một buổi chiều thật tuyệt vời và đang đứng chờ xe buýt. Khi đang ngồi ở bến chờ xe buýt, bỗng có một suy nghĩ chợt đến với tôi – rằng tất cả chúng ta đều chết, và trước khi đó tất cả chúng ta cũng đều sẽ trở nên già cả và bệnh tật. Chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện với nhau về điều này, nó chỉ đến với tôi thôi. Tôi nhớ là khi đang nhìn những chiếc xe buýt đi ngang qua, chở đầy những con người đang cười nói bên trong và nghĩ: “Họ có biết, có thấy những gì sẽ xảy ra hay không?” Tôi nói với mẹ tôi rằng cuộc sống quả thực là rất buồn bởi vì tất cả chúng ta đều phải trải qua kết cục [già, bệnh, chết] đó. Và mẹ tôi mặc dù đang có một cuộc sống thật vất vả, chật vật để nuôi sống hai con, với sức khỏe ốm yếu không thể tin được và rất nhiều những khó khăn tài chính đã trả lời: “Đúng, tất nhiên là có rất nhiều đau khổ trong cuộc đời những cũng có nhiều điều tốt đẹp trong đó.” Tôi nghĩ bà đã hiểu nhầm ý nghĩa của cuộc đời. Có những điều tốt nhưng ẩn sau tất cả những điều đó là sự thực về già, bệnh và chết, và điều đó xóa nhòa tất cả mọi thứ khác.”
“Nhưng con người không thể thấy được điều đó, họ quá thờ ơ. Tôi không thể hiểu được tại sao lại như vậy. Họ không hiểu đây là một tình thế tệ hại mà tất cả chúng ta bị sa vào hay sao? Tôi thực sự cảm thấy điều đó từ trong sâu thẳm trái tim tôi.” Cô nói với sự xúc động sâu sắc. “Tuy nhiên, bởi vì không có ai hiểu những gì tôi đang nói, và mọi người chỉ nghĩ rằng tôi đang u sầu một cách khó tin, nên tôi chấm dứt không bàn luận đến nó nữa.”
Thú vị là, điều mà cô gái trẻ ở khu Cực Đông Luân Đôn này đang lo lắng cũng chính là những vấn đề đã làm bận tâm chàng hoàng tử trẻ Siddhartha ở Ấn Độ, 560 năm trước Công Nguyên khi chàng rời cung điện của chàng đi vi hành và nhìn thấy người bệnh, người già và tử thi. Những cảnh tượng vô duyên đó đã gây sốc cho tri giác của chàng đến mức chàng đã từ bỏ cuộc sống nhàn hạ và nhiều ân huệ của mình, và ra đi tìm kiếm những lý do ẩn sau thân phận của con người với tất cả những đau khổ kèm theo của nó. Sau nhiều năm lang thang, thử nghiệm và cố gắng theo một loạt những phương pháp tâm linh được dạy bảo, cuối cùng chàng quyết định tìm câu trả lời của mình dưới cây bồ đề tại Bồ đề đạo tràng, nơi mà trong sự thiền quán thâm sâu, chàng đã phá vỡ được bức màn Vô minh và đạt được Giác Ngộ. Vì vậy, chàng trở thành đức Phật, đấng Tỉnh thức Vẹn toàn và khởi xướng một tôn giáo đã lôi cuốn hàng triệu người trong nhiều thời đại cố gắng noi theo ngài. Nhưng đa phần họ là người phương Đông.
Tuy nhiên, có một câu hỏi khác lớn hơn vẫn còn đang thu hút sự chú ý của Tenzin Palmo, đó là điều gì quyết định nguyên nhân của toàn bộ cuộc sống hiện tại. Đó là một chi tiết rất nhỏ của đạo Phật: “Tôi muốn biết chúng ta trở nên hoàn thiện bằng cách nào? Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã tin chắc rằng thực ra bản chất của chúng ta là hoàn hảo [toàn thiện] và rằng chúng ta phải liên tục duy trì việc khám phá lại bản chất chân thực của mình. Tôi tin rằng bằng cách này hay cách khác sự hoàn hảo của chúng ta đã bị che khuất và rằng chúng ta phải khôi phục lại nó để tìm ra con người thật của chúng ta là ai. Và đó là lý do tại sao chúng ta lại ở đây. Tôi hỏi mẹ tôi rằng bà có tin vào thuyết tái sinh hay không, và bà trả lời điều đó dường như hợp lý đối với bà và bà không thấy có lý do nào để bác bỏ nó, do đó phần thắc mắc này dường như được giải đáp.”
Để có được lời giải đáp cho phần thắc mắc còn lại phức tạp hơn rất nhiều. Cô tìm đến những người đồng cốt.
Ban đầu tôi hỏi họ: “Chúa Trời có tồn tại không?” và họ trả lời: “Dứt khoát chúng tôi không tin có một Chúa Trời trong hình dạng con người, nhưng về cơ bản chúng tôi cảm thấy có ánh sáng, tình thương và trí tuệ.” Điều đó có vẻ thuyết phục tôi. Do đó, tôi hỏi họ tiếp câu hỏi quan trọng số một trong cuộc đời tôi: “Chúng ta trở nên hoàn thiện bằng cách nào?” và họ trả lời: “Con phải rất tốt bụng và thánh thiện.” Và tôi nghĩ “Họ không biết”. Đến lúc này tôi hoàn toàn mất hứng thú trong việc coi thuyết duy linh như một con đường”, cô nói.
Tiếp đến, cô chuyển sang vị linh mục giáo xứ địa phương, cha Hetherington, người cô yêu thích vì ông cao ráo, sống khổ hạnh và có tác phong của một vị tu hành. Thỉnh thoảng cô đi tới nhà thờ địa phương với bà Lee, người ngưỡng mộ những công trình kiến trúc kiểu Gothic.
“Ông ấy trả lời: “Ồ, con phải trở nên tốt bụng và thánh thiện.” Và tôi nghĩ: “Đó không phải là câu trả lời.” Tất nhiên bạn phải trở nên tốt bụng và thánh thiện, đấy là điều kiện cơ bản. Nhưng sự hoàn thiện! Đó là một cái gì đó khác kia. Tôi biết nhiều người tốt bụng và thánh thiện nhưng họ thực sự không hoàn hảo. Vẫn còn một vài điều gì đó. Và những điều đó là cái gì, đó là thứ mà tôi muốn biết.” Cô nói, giọng nói của cô như diễn tả lại sự gấp rút mà cô đã trải qua khi còn là một đứa trẻ.
Đạo Cơ đốc, tôn giáo nơi quê nhà của cô, chưa bao giờ có ảnh hưởng lớn đối với Tenzin Palmo. Trên thực tế, nó gây cho cô nhiều tình huống khó xử hơn là giải pháp. Vấn đề cơ bản của cô là cô không thể tin vào ý tưởng Chúa như một con người. Cô nói: “Đối với tôi, ông ta như một ông già Nô-en. Tôi thấy mình đã lúng túng với những bài thánh ca thế nào. Ở trường tôi thường hát: “Chúa đã tạo ra tất cả, tất cả những gì tươi sáng và đẹp đẽ, tất cả những gì dù to lớn hay bé nhỏ, tất cả những gì thông minh và tuyệt vời.” Và ngay khi đó tôi thường nghĩ: “Ồ, vậy sau đó ai đã tạo ra những gì xấu xa và ngu ngốc?” Điều đó cũng xảy ra với vấn đề thu hoạch mùa màng, tạ ơn Chúa đã cho mưa nắng thuận hòa. Trong trường hợp này, tôi cũng nghĩ Chúa chắc chắn cũng đã mang tới hạn hán và những trận đói kém.” Dường như Tenzin Palmo đang đương đầu với vấn đề “nhị nguyên”, tốt và xấu, bóng tối và ánh sáng, to và nhỏ, và đang tìm kiếm câu trả lời cho sự mâu thuẫn này.
Cô tiếp tục tìm kiếm, tìm kiếm một điều gì đó. Cô không chắc đó là điều gì. Khi 13 tuổi, cô thử đọc kinh Koran, cũng như nỗ lực để hiểu đạo Cơ đốc một lần nữa. Nó vẫn là một điều khó hiểu. Đến khi 15 tuổi, cô tập yoga và qua đó được giới thiệu tới đạo Hindu. Nó giải thích cho cô một số điều, nhưng vẫn còn một vấn đề quan trọng. Chướng ngại vật của cô lần này lại là đức Chúa Trời hay Thượng Đế.
Cô giải thích: “Vấn đề là tất cả các tôn giáo này đều dựa trên ý tưởng về một đấng bên ngoài, đấng mà chúng ta có bổn phận phải quy phục và liên hệ dù bằng cách này hay cách khác. Đơn giản là điều đó chẳng có mối liên hệ tinh thần nào với tôi. Nếu như điều đó có ý nghĩa đối với bạn thì thực sự là nó đã có kết quả, nhưng nếu không thì bạn chẳng còn gì trong tay. Để có bất kỳ sự tiến bộ nào, thì điều quan trọng nhất là bạn cần tin vào thực thể tồn tại siêu nghiệm đó và có mối liên hệ với nó. Nếu không, bạn sẽ giống như tôi, không có gì để phát triển cả. Tôi nhớ đã tham gia tranh luận với chị dâu tương lai của mình, một người bạn tốt của gia đình tôi. Chị ấy là người Do Thái và lập luận rằng chúa Giê-su không phải là con của Thượng đế. Noi theo những lý lẽ của chị tôi phát hiện ra rằng không có Thượng đế nào cả. Đối với tôi đó dường như là một khám phá vĩ đại. “Ồ, đó chính là những gì tôi đã cảm thấy.”
Khi đến tuổi thành niên, cô chuyển sang Chủ nghĩa Hiện sinh. Cô đọc Sartre, Kierkegaard và Camus theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Cô nhận ra vấn đề ở đây là mặc dù họ đã hỏi những câu hỏi đúng, và nói lên được vấn đề về thân phận con người, nhưng họ chưa tìm ra được câu trả lời.
Cô lại tiếp tục tìm tòi.
Một thầy giáo ở trường có đọc cuốn sách Seven years in Tibet (Bẩy năm ở Tây Tạng) của Heinrich Harrer về chuyến đi của ông này đến vùng Tuyết Sơn và tình bạn của ông với đức Đạt lai Lạt ma. Và Tenzin Palmo kinh ngạc vì có một người như vậy tồn tại trên trái đất này. Khi cô mới 9 hay 10 tuổi, cô có xem một chương trình về những ngôi đền trên đất Thái Lan. Trên một ngôi đền có một trụ gạch miêu tả cuộc đời đức Phật. Cô quay sang mẹ và hỏi bà xem đó là ai. Mẹ cô trả lời: “Ông ấy là một Thượng đế theo quan điểm của người phương Đông.” Tenzin Palmo nói lại một cách chắc chắn: “Không, ông ấy đã từng sống và có một câu chuyện, giống như Giê-su.” Việc cô tìm ra câu chuyện đó thực sự là gì bây giờ chỉ còn là vấn đề thời gian.