Chương 14: Vị đạo sư
Theo một cách thức khác thường nhất, Tenzin Palmo nhận thấy mình đang phải đảm nhận vai trò của một vị đạo sư. Cô chưa bao giờ lên kế hoạch cho bước phát triển bất ngờ này, hay phần nào ưa thích nó. Sống cô độc và quan sát nội tâm vẫn là tiếng gọi của cô, nhưng những nhu cầu tài chính cho việc xây dựng một ni viện đặc biệt, nơi mà những người phụ nữ có thể đạt tới mức độ hoàn hảo về mặt tâm linh đòi hỏi điều đó. Cần có hàng trăm ngàn đô la để mua đất gần Tashi Jong, mua gạch và hồ, và không có cách nào khác ngoài việc đi khắp nơi trên thế giới, từ trung tâm Phật giáo này đến trung tâm Phật giáo khác, từ nhóm những người yêu thích này đến nhóm người yêu thích khác, truyền trao trí tuệ đã được thu thập và kết tinh trong hơn 30 năm hành trình nội tâm đầy khắc nghiệt nhằm
mục đích gây quỹ. Đó là một quá trình chậm chạp và đầy vất vả. Phí tham dự cho mỗi hoạt động chỉ là tiền cúng dường tự nguyện. Mặc dù trải qua nhiều tuần, nhiều tháng, nhiều năm thuyết giảng, nhưng Tenzin Palmo vẫn đặc biệt thanh thản, không vội vã, đối xử với mỗi lời đề nghị dù chỉ là năm đô la hay 5000 đô la, với cùng một thái độ chân thành. Cô không phiền lòng trước bất kỳ sự chậm chạp hay khó khăn nào của nhiệm vụ này.
Cô giải thích: “Các vị lạt ma cao cấp đã cầu nguyện và ban phúc cho dự án này. Họ nói nó sẽ được hoàn tất. Do đó, tôi có niềm tin. Tôi sẽ tiếp tục.” Cho đến nay, sự thay đổi quyết liệt này trong cách sống vẫn còn làm cô bất ngờ. “Tôi không biết tại sao tôi lại tham gia vào việc này! Nếu như trước đây vài năm, có ai nói với tôi rằng tôi sẽ đi giảng dạy và quyên tiền cúng dường khắp nơi trên thế giới thì tôi sẽ nghĩ có lẽ họ bị điên.” Cô nói, cúi người về trước và đưa hai tay ôm lấy đầu. “Nhưng nếu tôi không làm điều đó, thì ai sẽ làm? Và đó là cách duy nhất để đền đáp lại lòng tốt của sư phụ tôi.”
Mặc dù đã có ít nhiều thay đổi, dòng sông của thực tại vẫn chảy qua cuộc đời của Tenzin Palmo và làm cho cô gắn bó vào hiện thực của nó. Như mọi khi cô dâng mình cho nó, tập trung vào những chỗ rõ ràng nó muốn cô bước vào, được hướng dẫn bằng mỗi bước đi trên con đường. Cô đã khởi đầu tại Singapore năm 1994 - một năm sau bài phát biểu ấn tượng của mình trước đức Đạt lai Lạt ma. Ban đầu, mọi thứ không được suôn sẻ lắm. Cô đã chọn Singapore một cách tình cờ và không chuẩn bị sẵn mọi thứ. Không ai biết cô đang ở đó, hay biết cô là ai, và cô hoàn toàn không có kinh nghiệm trong việc tự giới thiệu bản thân. Chỉ khi cô bắt đầu nghĩ điều đó thật đáng thất vọng, cô mới chạy tới gặp một người bạn cũ - một phụ nữ Trung Quốc tên là Wong Pee Lee. Đó chắc hẳn là một cuộc tái ngộ đáng nhớ, bởi vì ngay trong tối hôm trước Pee Lee có một giấc mộng báo trước. Trong giấc mộng, cô nhìn thấy Tenzin Palmo được bao quanh bởi các Dakini mặc những bộ quần áo bằng lụa rất đẹp. Trong giấc mơ, một giọng nói bảo: “Bây giờ là lúc con giúp đỡ những người phụ nữ.” Tenzin Palmo nói với Pee Lee về nhiệm vụ xây dựng ni viện của mình. Giấc mộng đã trở thành sự thực. Pee Lee bắt đầu hành động và buổi giảng pháp đầu tiên bắt đầu được tổ chức. Từ Singapore, Tenzin Palmo sẽ đi qua các nước Đông Nam Á, qua Malaysia, Đài Loan, Brunei, Hong Kong, Sarawak, Indonesia, Campuchia, Philippin, sau đó tới Anh, Pháp và tới Mỹ, nơi cô qua lại chéo nhau giữa Washington, Seattle, New York, Maryland, Vermont, Hawaii và lên xuống bờ biển của California trước khi quay trở lại châu Á và lại làm một vòng nữa như vậy. Mỗi lần sẽ có một vài người chịu trách nhiệm tổ chức cho buổi thuyết trình. Không thiếu những nơi gặp mặt, không thiếu người tham dự. Ở mọi nơi cô tới, đám đông đều đến lắng nghe. Những lời đồn về người phụ nữ Anh đã dành 12 năm trời hành thiền trong hang động trên dãy Himalaya lan rộng và mọi người tò mò muốn tự mình được gặp con người phi thường này. Nhiều người, khá nhiều người cũng nóng lòng muốn được học xem làm sao những kinh nghiệm đó được chuyển thành lời nói.
Họ đã không thất vọng. Mặc dù cô khá miễn cưỡng khi tham gia vào hoạt động này, nhưng Tenzin Palmo chứng tỏ mình là một vị đạo sư đầy cảm hứng. Cô nói ra từ trái tim mình, không cần giấy tờ, không cần chuẩn bị, và những lời nói tuôn ra rõ ràng, thông suốt. Hơn bất kỳ điều gì, họ nhận thấy mức độ chân thực của sự trưởng thành tâm linh của cô và những gì cô đạt được trong hang động. Thể hiện được đức tính tinh túy của nữ giới trong việc vượt qua những lý thuyết trừu tượng và trí tuệ cứng nhắc, cô phớt lờ tất cả những cách tiếp cận truyền thống và đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề. Cô là một người thực tiễn, có thực hành và minh bạch, sáng suốt. Những gì trước mắt cô thật rõ ràng. Cô là một người có thể trình bày Phật Pháp bằng tiếng Anh trôi chảy, lưu loát, một người biết rõ các sắc thái và những vấn đề tế nhị trong tinh thần người phương Tây, và đặc biệt nhất là một người có thể nói từ kinh nghiệm [của cá nhân mình] hơn là từ kinh điển. Đó là sự kết hợp của nhiều khả năng. Quan trọng nhất, cô là một ni sư đang diễn thuyết trên bục – một điều khá khác thường.
Đó là điều mà nhiều người đang chờ đợi. Các lạt ma Tây Tạng (những người đầu tiên mang những lời dạy của đức Phật đến với những người phương Tây đang nóng lòng muốn nghe chúng) đã truyền cảm hứng bằng sự hiện diện của năng lực tâm linh nhiều hơn là bằng vốn tiếng Anh kém cỏi của họ. Vẻ đẹp của hình thức rõ ràng là [quan trọng vì nó là] hiện trạng bên ngoài phản ánh điều bên trong tạo ra nó và con người bị thu hút vào hình thức như con thiêu thân hướng về ánh sáng. Tuy nhiên, để rút ra được ý nghĩa đằng sau những sự truyền trao vụng về [về ngôn ngữ] và những khác biệt văn hóa đòi hỏi một nỗ lực phi thường. Đối với các lạt ma, những rắc rối và hiểu lầm nảy sinh thường do các tăng sĩ - những người chưa từng có kinh nghiệm trong việc truyền bá Phật Pháp sao cho phù hợp với những người nội trợ, với những chuyên gia và những phụ nữ trong thế giới phương Tây. Chỉ có những người thực sự cống hiến, sát cánh đủ lâu hay không ngại học tiếng Tây Tạng mới có thể mở được vỏ bọc bên ngoài để luận ra được bản chất của thứ đang nằm bên trong.
Với Tenzin Palmo, tất cả mọi thứ đều dễ dàng. Cô di chuyển từ những trung tâm thiền Tây Tạng sang những nhóm thiền Zen, tới những hành giả thiền Minh sát (Vipassana), rồi những cộng đồng Thiên Chúa giáo, và thậm chí tới những tổ chức phi tôn giáo đề cao trí tuệ, bản chất tự nhiên và trí tuệ khó thành tựu của riêng cô. Và cô càng đi nhiều, thì ảnh hưởng của cô càng lan rộng và danh tiếng của cô, chứ không phải bản ngã, càng lên cao.
“Tâm hồn của chúng ta giống như cánh đồng hoang. Phần lớn những gì chúng ta cho vào trong đó đều là rác rưởi! Những cuộc đối thoại, những tờ báo, những trò giải trí; chúng ta chỉ chất đống tất cả chúng lại với nhau. Chúng tạo ra một sự tắc nghẽn và làm chúng ta rất mệt mỏi.” Cô nói với một nhóm những nhà trị liệu chuyên nghiệp tại Seattle - những người nghe nói cô đang ở trong thị trấn và đã mời cô tới chỗ họ. Họ tin rằng kinh nghiệm của cô có thể giúp giải quyết những áp lực của bệnh nhân mà họ đang gánh vác. “Tôi hoan nghênh tất cả các bạn vì những gì mà các bạn đang làm. Các bạn chọn nó không chỉ vì các bạn cần phải kiếm sống. Có nhiều cách dễ dàng hơn để có được tiền bạc. Bằng cách này hay cách khác, các bạn chọn nghề này bởi vì các bạn muốn giúp đỡ. Các bạn đang cho đi, đang phân phát và các bạn cần phải được bổ sung lại – nếu không thì các bạn cũng sẽ giống như một phương tiện vận chuyển trống rỗng.” Cô nói với họ: “Chúng ta cần phải thu nhận vào cũng như cho đi.”
“Chúng ta thường nghĩ là khi chúng ta nghỉ ngơi chúng ta bật vô tuyến, đi ra ngoài, hay uống một chút gì đó. Nhưng những điều đó không cho chúng ta sự nghỉ ngơi thực sự. Nó chỉ nhồi nhét thêm những điều mới vào mà thôi. Ngay cả giấc ngủ cũng không phải là nghỉ ngơi thực sự cho tâm hồn. Để có được sự nghỉ ngơi thực sự, chúng ta cần phải cho bản thân mình một khoảng không gian bên trong. Chúng ta cần phải dọn sạch cánh đồng hoang của mình, làm im lặng sự xáo động bên trong tâm hồn. Và con đường để làm điều đó chính là giữ cho tâm trí an trú trong hiện tại. Đó chính là sự nghỉ ngơi hoàn hảo nhất cho tâm hồn. Đó chính là hành thiền. Tỉnh thức. Tâm hồn được thư giãn và trở nên linh lợi. Bạn chỉ cần thực hành được như vậy năm phút thì bạn sẽ cảm thấy thực sự tươi mát, hồi sinh và tỉnh thức.” Cô cam kết với họ.
Cô nói tiếp: “Mọi người thường hay nói rằng họ không có thời gian để “hành thiền”. Điều đó không đúng. Bạn có thể hành thiền khi đang đi trên hành lang, khi đang chờ máy tính thực hiện lệnh, khi đang chờ đèn đỏ tại nút giao thông, khi đang đứng xếp hàng, khi đi vào phòng tắm, khi chải đầu. Hãy sống bây giờ và ở đây, mà không có phân tích hay suy luận. Bắt đầu bằng việc chọn một hành động trong ngày và quyết định sống hoàn toàn trong hiện tại với hành động đó. Uống chè vào buổi sáng. Cạo râu. Quyết định rằng mình sẽ thực sự có mặt với hành động đó. Tất cả chỉ là thói quen. Hiện nay chúng ta đã có thói quen không tỉnh thức [thất niệm]. Chúng ta phải phát triển thói quen sống trong hiện tại. Một khi chúng ta bắt đầu có mặt trong hiện tại thì mọi thứ sẽ mở ra. Khi chúng ta có chánh niệm thì sẽ không có sự suy luận – đó là một kinh nghiệm hoàn toàn hiển nhiên, tỉnh thức, sống động.”
Tại mọi cơ hội được trao cho, cô nhấn mạnh rằng không ai phải ganh đua với cô để có một cuộc sống tâm linh. Cô tuyên bố: “Thiền quán không chỉ là việc ngồi trong một hang động trong suốt 12 năm mà là ở bất kỳ nơi nào bạn thực hành sự rộng lượng, kiên nhẫn và đạo đức. Tôi đã kiên nhẫn như thế nào khi phải ngồi trong hang động và lắng nghe tiếng sói hú?” Vấn đề nằm ngay chính trong căn nhà của bạn. “Phật Pháp thực ra chỉ nói về việc chuyển hóa tâm thức, mà theo cách nói của đạo Phật là trái tim. Việc chuyển hóa tâm không thể thành công nếu chúng ta chỉ ngồi thiền và phớt lờ Pháp trong đời sống hàng ngày của mình.” Cô nhấn mạnh.
Cô thêm vào buổi nói chuyện của mình những vấn đề từ trong kinh điển, những câu chuyện mà cô đã được nghe, những kinh nghiệm cá nhân và đời sống hiện đại hàng ngày của cô. Cô nói: “Bộ phim Ground Hog Day là một bộ phim mang nhiều màu sắc đạo Phật. Nó nói về một người đàn ông phải sống cùng một ngày lặp đi lặp lại mãi. Anh ấy không thể ngăn cản được các sự việc đang diễn ra, nhưng anh ta đã hiểu được rằng cách mà anh ta phản ứng lại với chúng sẽ chuyển hóa toàn bộ kinh nghiệm diễn ra trong ngày. Anh khám phá ra rằng khi tâm anh bắt đầu vượt qua sự thù oán và lòng tham của nó và khi anh bắt đầu nghĩ về những người khác; thì cuộc đời anh nở hoa mạnh mẽ. Tất nhiên, anh phải mất một thời gian dài mới hiểu thấu được điều này, bởi vì vào đầu bộ phim anh đang học chơi piano và đến cuối phim thì anh đang chơi một bản sonata.”
Đặc biệt đối với những thính giả đạo Phật, cô phát triển đề tài của mình, đi sâu hơn nhiều và cùng lúc chứng tỏ phạm vi trí tuệ và sự uyên bác của mình. Cô nói: “Chánh niệm (Mindfulness) có thể được diễn giải theo hai cách. “Định” (concentration: sự tập trung) là việc chuyên nhất giống như ánh sáng laser, còn “Niệm” (awareness: sự tỉnh thức) thì có tính cách bao quát hơn. Bạn cũng có thể lấy ví dụ như việc nghe nhạc. Nếu một người thực sự nghe nhạc, thì người đó phải chăm chú vào bản nhạc đó. Như nhà thơ T.S. Eliot nói: “Nghe nhạc sâu tới mức mà nó không còn là nghe nữa, mà bạn chính là bản nhạc trong khi bản nhạc vẫn đang tiếp tục.” Đó là sự tập trung. Nhưng cái để biết một người có chăm chú vào bản nhạc hay không chính là sự tỉnh thức. Bạn có thấy sự khác biệt không? Khi chúng ta đang tỉnh thức, chúng ta không chỉ chú tâm vào việc chúng ta đang làm mà cả những cảm thọ, những cảm xúc đang phát khởi, và cả những gì đang diễn ra quanh chúng ta nữa.
Cũng là bình thường nếu như chúng ta bỏ lỡ nó. Chúng ta nghĩ chắc hẳn cần phải có điều gì to tát, đặc biệt hơn. Mọi người nghĩ phát triển tâm linh là gì? Đó không phải là pháo nổ hoa đăng. Nó rất đơn giản. Nó là bây giờ và ở đây. Con người có ý nghĩ rằng Giác ngộ và hiện thực hóa là một điều gì đó xa xôi – một điều xảy ra rất thú vị và lộng lẫy, một điều sẽ làm chuyển hóa tất cả mọi thứ một lần và vĩnh viễn. Nhưng nó không giống như vậy một chút nào cả. Đó là một điều đôi khi đơn giản đến mức mà bạn khó có thể nhận ra. Nó đang ở đây ngay trước chúng ta, gần gũi đến mức chúng ta không nhận ra nó. Và đó là một điều có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào. Và ngay trong giây phút mà chúng ta nhìn thấy nó, thì nó đang ở đó. Nó luôn ở đó trong tất cả thời gian, nhưng chúng ta đã đóng chặt cặp mắt nội tâm của mình. Khi mọi giây phút tỉnh thức kết hợp tất cả lại với nhau – chúng ta trở thành một vị Phật.
Cô nói tiếp: “Trong tiếng Sanskrit từ mindfulness là “smriti”, tiếng pali là “sati” và tiếng Tây Tạng là “drenpa”. Quan trọng là tất cả chúng đều có nghĩa là “to remember” [nhớ (niệm)]. Đó chính là điều mà Thiên Chúa giáo gọi là “ở trong trạng thái hồi tưởng”. Và nó cực kỳ khó. Nếu như chúng ta có thể nhận thức được trong vài phút, thì đó đã là quá nhiều. Nếu chánh niệm (mindfulness) là đồng nghĩa với nhớ (remembering) thì suy ra kẻ thù của chánh niệm là quên hay thất niệm (forgetfulness). Chúng ta có thể nhận thức trong một vài giây phút và sau đó chúng ta lại quên. Làm sao chúng ta nhớ rằng chúng ta cần nhớ? Đó chính là vấn đề. Vấn đề là chúng ta có khuynh hướng trì trệ ghê gớm này. Đơn giản là chúng ta không có thói quen nhớ.”
Cô đưa ra một ví dụ để diễn tả ý mình muốn nói: “Vào lúc này dường như chúng ta đang nhìn qua ống nhòm và viễn cảnh thì mờ nhạt. Khi chúng ta kinh nghiệm bất kỳ điều gì, chúng ta thực hiện nó qua tấm màn lọc của tư tưởng, sự đánh giá và thành kiến. Ví dụ như khi chúng ta gặp ai đó, chúng ta sẽ không nhìn họ như họ thực sự đang là ai. Chúng ta thấy họ trong mối quan hệ với điều mà chúng ta đang nghĩ về họ - chúng ta thích hay không thích họ như thế nào, họ làm chúng ta nhớ đến ai đó, những kiểu tính cách mà họ có. Chúng ta không kinh nghiệm họ như chính họ. Mọi thứ mà chúng ta tiếp nhận cũng như vậy – tất cả những thứ chúng ta nhìn, ăn, nghe, xúc chạm. Chúng ngay lập tức được diễn tả đến cho chúng ta theo cách thức phù hợp với tư duy và kinh nghiệm của chúng ta.”
“Chúng ta có thể nghĩ: “Thế thì đã sao nào?” Điều đó không quan trọng. Nhưng điều xảy ra là chúng ta đang sống trong một không gian nhỏ quanh những kinh nghiệm và do đó chúng ta ngày càng trở nên bị điều kiện hóa và ngày càng cứng nhắc hơn. Chúng ta càng trở nên giống như một cỗ máy. Ai đó “nhấn vào những chiếc nút của chúng ta” và khi họ nhấn chính xác thì kết quả sẽ là các phản ứng có điều kiện.”
“Điều chúng ta phải làm là đem mọi thứ vào trong sự chú tâm sâu sắc, để nhìn sự vật như chúng thật sự là, giống như ta mới nhìn thấy nó lần đầu tiên – như một chú bé con nhìn vào tranh trên tường ngôi nhà mồ (như người Tây Tạng thường nói). Đứa trẻ nhìn thấy màu sắc và đường nét mà không có đánh giá nào. Tâm nó hoàn toàn tươi mới. Đó là trạng thái của tâm mà chúng ta phải mang vào đời sống hàng ngày của mình. Nếu chúng ta có thể học cách làm điều đó, mà không làm điều gì khác, nó sẽ tự động chuyển hóa hoàn cảnh.” Cô hứa hẹn.
Cô tiếp tục đưa ra sự miêu tả toàn diện về hàng loạt phương pháp mà những người “bình thường” có thể bắt đầu để có chánh niệm. Cô nói cho mọi người cách quan sát hơi thở, thân thể, tư tưởng của họ. Những chỉ dẫn rõ ràng và chi tiết. Có lúc giọng nói của cô trở nên sinh động, trữ tình - những đặc điểm mà cô có từ thời tuổi trẻ của mình mỗi khi có một ý tưởng nào hấp dẫn cô.
“Mọi người có suy nghĩ rằng để trở thành một con người tâm linh bạn phải trở thành một giọt nước trong vũ trụ này - điều mà chúng ta vẫn sợ hãi. Nhưng nó không phải như vậy.” Cô nói tiếp. “Nó không có nghĩa là bạn sẽ không còn cảm nhận nữa, hay bạn hoàn toàn không có chút cảm xúc nào. Mỗi người vẫn có những tính cách, nhân dạng riêng của mình – chỉ là người đó không còn tin vào nó mà thôi. Khi chúng ta gặp những vị lạt ma cao cấp, [chúng ta sẽ thấy] họ là những người rất sinh động. Đó là bởi vì nhiều gút mắc [nội kết] mà chúng ta có trong tâm trí và từng giam giữ ta đã bị gỡ bỏ và bản chất thực sự tự nhiên của tâm trí có thể tỏa sáng. Tâm của Phật không phải là không có gì – mà nó có tình thương, sự vui vẻ và hài hước. Nó là ánh sáng tuyệt vời. Nó cũng cực kỳ nhạy cảm và rất thông minh.” Cô nói và dừng lại để tìm ví dụ diễn đạt ý mình vừa nói.
“Nhận thức giống như một tấm ván lướt sóng. Nếu như bạn là một người lướt sóng, bạn sẽ không thích một cái hồ yên ắng, bạn muốn có sóng lớn. Sóng càng lớn thì càng vui, có đúng không? Milarepa nói: “Càng có nhiều xáo động, càng vui hơn”, bởi vì ông đang ở trên đỉnh nó, cân bằng và khéo léo. Từ quan điểm tâm linh thì không có lợi khi là một con thỏ [người nhút nhát]. Tốt hơn hãy là một con sư tử”, cô nói tiếp, chuyển sang ví dụ. “Những con thỏ rất đẹp và đáng yêu, nhưng chúng không có nhiều tiềm năng cho việc đột phá. Những con sư tử thì ngược lại, rất hoang dã nhưng đầy năng lượng mà nếu được sử dụng khéo léo, thì đó đích xác là những gì cần thiết trên con đường. Tất cả các vị thánh vĩ đại đều là những người rất sôi động. Chỉ có điều là họ không tiêu phí niềm say mê của mình vào những điều tiêu cực. Họ sử dụng chúng như nhiên liệu để đưa họ tới Giác ngộ.”
Về điểm này, cô dường như tới gần với hành giả ẩn cư vĩ đại nhất của mọi thời đại, Milarepa, người sáng lập ra dòng truyền thừa của cô, người mà những kinh nghiệm của ông đã mang ông vượt ra khỏi mọi giáo điều.
“Bởi thiền quán về các Chân lý khẩu truyền lâu, ta đã quên những gì sách vở.
Bởi quen áp dụng kinh nghiệm mới vào sự trưởng thành tâm linh của cá nhân mình, ta đã quên những tín điều và giáo điều.
Bởi quen biết ý nghĩa của Phi Thế gian lâu, ta đã quên ngữ pháp và từ nguyên học.”
Khi có các buổi gặp mặt của những người tu tập cao hơn, thì những buổi nói chuyện sâu sắc và sống động hơn, đi vào những cuộc thảo luận sôi nổi hơn.
“Có tư tưởng, và sau đó có sự nhận biết tư tưởng đó. Và sự khác nhau giữa việc nhận thức về tư tưởng và chỉ suy nghĩ thôi là rất vĩ đại. Nó rất mênh mông… Thông thường chúng ta được nhận dạng bằng những tư tưởng và cảm xúc của mình, nghĩ rằng chúng ta chính là chúng. Chúng ta là niềm hạnh phúc, là cơn giận dữ, là nỗi lo sợ. Chúng ta phải học lại, biết tư tưởng và cảm xúc của chúng ta chỉ là những tư tưởng và cảm xúc. Chúng chỉ là những trạng thái của tâm. Chúng không cứng rắn, cố định, chúng trong suốt”, cô nói trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. “Mỗi người cần biết và sau đó không đồng hóa với chủ thể của sự nhận biết đó. Mỗi người cần phải biết rằng chủ thể của sự nhận biết không là ai cả.”
Sự im lặng bao trùm trong khi những thính giả đang “suy ngẫm về thông điệp trên. Tenzin Palmo đã đi vào lĩnh vực cơ bản của triết học. Một giọng nói từ phía thính giả vang lên: “Chủ thể của sự nhận biết cũng không là ai cả,” giọng nói lặp lại chậm rãi, suy nghĩ về câu nói đó. “Điều đó quá khó”.
“Đúng! Nhưng đó chính là tuệ giác vĩ đại của đức Phật.” Tenzin Palmo đáp lại với giọng nói khẽ nhưng đầy tôn kính.
“Bạn nghĩ bạn có nó khi bạn hiểu rằng bạn không phải là tư tưởng hay cảm giác – nhưng đi xa hơn và hiểu bạn không phải là người biết (chủ thể của sự nhận thức)… sẽ đưa bạn tới câu hỏi:
“Tôi là ai?”, người vừa hỏi nói tiếp.
“Và đó chính là hiểu biết vĩ đại của đức Phật – nhận ra rằng khi chúng ta càng đi sâu hơn, thì nhận thức của chúng ta càng cởi mở và trống rỗng hơn. Thay cho việc tìm kiếm một thực thể thật sự, nhỏ bé bên trong nào đó - những thực thể là “cái tôi”, chúng ta quay trở lại với cái tâm rộng rãi mênh mông này, điều vẫn liên hệ hỗ tương chặt chẽ với tất cả mọi chúng sinh. Trong không gian này bạn phải hỏi, cái “Tôi” ở đâu, và “người khác” ở đâu. Chừng nào chúng ta còn trong hiện trạng của nhị nguyên, chừng đó còn có “Tôi” và “người khác”. Đó là sai lầm cơ bản của chúng ta – và là nguồn gốc của mọi vấn đề.” Tenzin Palmo nói dứt khoát. “Bởi vì điều đó, chúng ta có bản chất tồn tại rất tách biệt. Đó là sự vô minh cơ bản của chúng ta.”
Đó là tinh hoa của đạo Phật – Tính Không (triết lý vĩnh cửu) – phương thuốc cho mọi đau khổ, phiền não của loài người.
Những thắc mắc từ phía thính giả vẫn tiếp tục: “Sự nhị nguyên này - bản chất của việc tồn tại riêng rẽ là nguyên nhân gây ra những đau khổ cơ bản của chúng ta - sự cô đơn sâu xa mà con người cảm thấy trong cốt tủy sự sống của họ?”
Tenzin Palmo trả lời quả quyết: “Dĩ nhiên. Nó tạo ra mọi thứ. Vô minh theo quan điểm của đạo Phật, không phải là sự vô minh về điều gì hay ở mức độ trí thức – mà là vô minh về bản chất của sự không nhận thức. Chúng ta tạo nên bản chất của một cái “Tôi” và tất cả những thứ khác là “Không phải tôi”. Và từ đó nảy ra sự ác cảm với tất cả những gì Tôi không muốn. Đó là cội nguồn của lòng tham, sự ác cảm và tất cả những tính cách tiêu cực mà chúng ta có. Tất cả chúng đều đến từ sự hiểu biết nhị nguyên sai lầm này.
“Một khi chúng ta nhận ra bản chất của sự tồn tại vượt xa hơn tư tưởng và cảm xúc, thì nó sẽ trở nên vĩ đại khó tin và liên hệ hỗ tương với tất cả mọi chúng sinh khác, và sau đó bản chất của sự cô đơn, phóng thể, sợ hãi và hy vọng sẽ bị xua tan. Đó là một sự giải thoát vĩ đại”, cô nói. Và những thính giả đã bị thuyết phục. Đó là sự thực huyền bí mà các vị thánh của mọi truyền thống tôn giáo đã khám phá ra – niềm vui của sự hòa hợp đến khi bản ngã được buông bỏ.
Cô dừng lại lần nữa trong khi tất cả mọi người ngẫm nghĩ xem toàn thể vấn đề có ý nghĩa như thế nào trong tuyên bố này. “Lý do chúng ta không Giác ngộ là bởi vì chúng ta lười biếng” Cô nói tiếp, nhắc đến điều cô nhận thấy là một “thất bại” lớn lao nhất của cá nhân mình. [Cô nói sự lười biếng là trở ngại lớn nhất của mình].“Không có lý do nào khác. Chúng ta không thể mang bản thân mình quay trở về với hiện tại bởi vì chúng ta quá say mê với những trò chơi đang diễn ra trong tâm trí. Nếu như một người suy nghĩ chân thành về Buông Xả, thì đó không phải là sự từ bỏ những thứ bên ngoài như tiền bạc, nhà cửa hay gia đình. Điều đó quá dễ. Buông Xả thực sự chính là việc từ bỏ những tư tưởng đáng yêu của chúng ta, tất cả niềm vui sướng trong ký ức, những hy vọng, mộng tưởng và sự lý luận trong tâm trí. Từ bỏ những điều đó và sống chân thực với hiện tại, đó chính là Buông Xả.”
Những lời nói của cô trở nên sôi nổi hơn: “Vấn đề là chúng ta nói mình muốn Giác ngộ, nhưng chúng ta không thực lòng. Chỉ có một số ít trong chúng ta muốn Giác ngộ. Bản ngã suy nghĩ Giác ngộ sẽ thật tốt đẹp, tươi mát và dễ chịu ra sao. Nhưng hãy thực sự từ bỏ mọi thứ và đi đến với nó! Chúng ta có thể làm điều đó ngay bây giờ, nhưng chúng ta không làm. Và lý do là chúng ta quá lười biếng. Chúng ta dừng lại vì sợ hãi và thờ ơ – sự trì trệ vĩ đại của tâm thức. Thực hành là ở đây. Bất kỳ ai đi trên con đường của đạo Phật đều biết những điều này. Vậy thì tại sao chúng ta lại không Giác ngộ? Chúng ta không thể đổ lỗi cho ai ngoại trừ bản thân mình. Lý do tại sao chúng ta vẫn còn ở trong Luân hồi sinh tử là vì chúng ta luôn tìm nguyên nhân để bào chữa. Thay vì vậy, chúng ta nên tự thức tỉnh mình. Toàn bộ con đường đạo Phật là về việc thức tỉnh. Nhưng lòng tham muốn được ngủ tiếp quá mạnh. Mặc dù đa số chúng ta nói mình sẽ thức tỉnh để giúp đỡ mọi chúng sinh, nhưng chúng ta không thực sự muốn làm điều đó. Chúng ta chỉ thích mơ mộng.”
Điều đó thật chân thành, làm cho tất cả trở nên có sức thuyết phục hơn, bởi vì tất cả mọi người có mặt đều nhận thấy cô đang nói ra từ kinh nghiệm của mình.
Tại một tổ chức Phật giáo lâu đời nhất ở Mỹ, có cái tên gây nhiều suy nghĩ The Goat in the Road (Con Dê Trên Đường) tại Biển Muir, California, cô tổ chức một hội thảo cuối tuần về “Làm sao để mở cửa trái tim”. Đó là một đề tài mà cô cảm thấy đặc biệt mạnh mẽ, khi chứng kiến cảnh thiếu thốn tình thương nghiêm trọng ở một vài trung tâm đạo Phật mới mở tại phương Tây mà cô đã ghé thăm. “Tôi đi vào đó và thấy bầu không khí rất nặng nề và lạnh lẽo. Ý tôi là họ nói rất nhiều về tình thương yêu và Bồ đề tâm, nhưng họ không có lòng tốt thực sự trong trái tim, ngay cả để dành cho nhau. Có điều gì đó sai lầm. Pháp đã không vận hành như thường lệ. Tôi thấy những người đã nghiên cứu và thực hành đạo Phật chân thành trong nhiều năm và họ vẫn còn khổ sở như vậy.”
Ngồi trước các thính giả đông đảo của mình, cô cố gắng bày tỏ quan điểm trước tình huống này: “Thường thì có một sự ngăn cách cơ bản giữa sự thực hành và bản thân chúng ta. Sự thực hành vẫn còn ở bên ngoài chúng ta. Người phương Tây chúng ta rất khó có thể thoát ra khỏi cái đầu của mình. Chúng ta tiếp cận với thiền chỉ bằng trí óc và do đó chúng ta có phân biệt nhị nguyên – chủ thể và đối tượng. Sự thực hành phải đi sâu vào trái tim. Nó phải đi tới nơi nào đó sâu thẳm trong chúng ta. Ở đó không có chủ thể (tôi) và đối tượng (thiền). Chúng ta trở thành một với thiền. Khi đó mới có sự chuyển hóa ở mức độ sâu sắc.” “Vào lúc này những người phương Tây chúng ta đang nhìn xuống trái tim – nhìn vào sự quán tưởng (visualization) mà chúng ta đang xây dựng ở đây. Điều chúng ta cần làm là học cách đi sâu vào trái tim, nơi bản chất thực sự của chúng ta trú ngụ. Khi chúng ta chỉ “tôi”, chúng ta chỉ vào trái tim mình, chứ không phải cái đầu. Điều đó là bản năng. Vấn đề là chúng ta không đưa nó vào trong sự hành thiền. Đó là lý do vì sao chúng ta không thay đổi. Tình thương yêu, tốt bụng nên diễn ra một cách tự nhiên đến mức chúng ta không phải suy nghĩ về nó. Đó không phải là một lý thuyết, một ý tưởng. Đó là một thứ bạn cảm nhận. Mở rộng trái tim là có thực.” Cô nói đầy thuyết phục.
Và sau đó, cô hướng dẫn cả nhóm thực hành một thời thiền ngắn. Cô ngồi đó, khoanh chân lại, nhắm mắt, hai bàn tay để trên lòng, và trong một vài giây, khuôn mặt cô tràn đầy bình an, hạnh phúc và một nụ cười nhẹ nhàng nở trên môi cô. Rõ ràng là điều đó đang diễn ra, ít nhất là đối với cô.
Ở mọi nơi cô đến, những người muốn thấy tuệ giác của cô, muốn thấy sự hiện diện của cô đã xếp hàng để được gặp cô. Một lần tại Madison, New Jersey, cô có những cuộc trao đổi liên tục suốt sáu tiếng đồng hồ, với những người đến muộn vào 15 phút nghỉ giải lao. Họ đến gặp cô với những vấn đề cá nhân của mình: những tình trạng khó xử trong sự nghiệp, những thắc mắc trong đời sống tinh thần, những lo lắng, phiền muộn. Cô ở đó gặp gỡ từng người một, lắng nghe, đưa ra những lời khuyên, nắm tay họ, khóc vì xúc động. Cô không tỏ vẻ mệt mỏi hay mất kiên nhẫn. Một người phụ nữ hỏi làm sao cô ấy có thể hòa hợp công việc của mình trong quân đội với niềm tin mới được xây dựng từ đạo Phật về sự bất bạo động. Một ni sư trẻ bày tỏ nỗi bất hạnh của mình khi cảm thấy không được cộng đồng ủng hộ. Một nhà sư có khuôn mặt tròn trịa chỉ đơn giản muốn kể cho cô nghe về hành trình tâm linh riêng của mình. Một người trung niên ở California hỏi làm sao cô có thể được mong đợi sẽ chịu trách nhiệm về hạnh phúc của tất cả mọi chúng sinh, khi mà cô phải bỏ ra 10 năm học tâm lý liệu pháp để học cách không phải chịu trách nhiệm trước bà mẹ nghiện rượu của mình. Một người đàn ông lo lắng về những lời dạy kinh khủng của Phật giáo Tây Tạng về cảnh giới địa ngục, muốn biết Tenzin Palmo nghĩ điều gì sẽ xảy ra sau khi chết. Những câu trả lời của cô chứng tỏ rằng sau hàng chục năm trầm mình trong đạo Phật, cô vẫn giữ được sự độc lập trong tâm trí mình.
“Một lần tôi hỏi một lạt ma rằng theo quan điểm của ông thì chắc chắn tôi sẽ đi tới đó [địa ngục]. “Đừng lo lắng về điều đó.” Ông cười trong khi kéo tôi trở lại hiện tại. “Chúng tôi chỉ nói rằng con người hãy hành xử như chính bản thân mình.” Trung thực mà nói tôi không nghĩ cách tiếp cận này có hiệu quả. Chúng ta đã có đủ căng thẳng rồi. Đe dọa con người với những câu chuyện về địa ngục sẽ phản tác dụng – nó chỉ làm cho họ muốn từ bỏ.” Cô giải thích.
“Các lạt ma có khuynh hướng trình bày trạng thái sau khi chết như một phần thưởng hay sự trừng phạt cho những gì mà chúng ta đã làm trong cuộc đời này - cuộc đời chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định cho đến khi chúng ta quay trở lại với Trái đất và bắt đầu phát triển tâm linh của chúng ta một lần nữa.” Cô nói tiếp. “Nó giống như việc chúng ta tiết kiệm tiền của mình trong cuộc sống này và sau đó sử dụng nó cho cuộc sống tiếp theo và rồi lại phải bắt đầu tiết kiệm một lần nữa. Nhưng đối với tôi ý tưởng tâm linh có nhiều ý nghĩa hơn. Họ cũng nói rằng có nhiều cảnh giới khác nhau mà bạn có thể đến sau khi chết, nơi mà bạn gặp gỡ những người có cùng quan điểm. Sự khác biệt là những người thiên về tâm linh xác nhận rằng sau khi chết, bạn có thể làm việc giúp đỡ những người kém may mắn. Điều này sẽ tạo nên sự tiến hóa tinh thần sâu xa. Một trong những cách thức chúng ta tiến hóa là nuôi dưỡng tình thương và lòng trắc ẩn, ngay cả khi chúng ta ở trong trạng thái linh hồn.”
Người đàn ông yên tâm rời đi.
Không chỉ có những thính giả nóng lòng muốn gặp cô. Những đạo sư đã nổi danh, đang đương đầu với những thách thức trong việc giới thiệu đạo Phật với phương Tây cũng tò mò muốn được nghe cô nói chuyện. Yvonne (người sáng lập The Goat in the Road) là một trong số đó. Là một trong những người hướng dẫn thiền (zen) hàng đầu tại Mỹ và một người phát ngôn sôi nổi cho nữ giới trong đạo Phật, cô đặc biệt thích Tenzin Palmo.
“Tôi đánh giá cao sự thực rằng cô ấy là một phụ nữ và rất tự tin về việc trao truyền những cốt tủy của giáo pháp theo cách thức rất gần gũi, dễ hiểu. Cô ấy là một đạo sư có tài. Cô ấy cũng không đa cảm. Đó là một điều tôi yêu thích.” Cô nói. “Số lượng những nữ đạo sư đang tăng lên nhanh chóng và chúng tôi cộng tác ngày càng nhiều, không bè phái và tự tin hơn. Sự hợp tác này là một quá trình đầy sáng tạo.”
Lạt ma Palden Drolma (một người phụ nữ California đã đạt danh hiệu lạt ma sau khi hoàn tất ba năm nhập thất tại Mỹ dưới sự hướng dẫn của đại sư vĩ đại Kalu Rinpoche) nói: “Cô ấy thật khác thường. Tôi nghĩ cô ấy đến với một tâm hồn hoàn toàn trong sáng”. Cô đã mời Tenzin Palmo đến nói chuyện tại Trung tâm mới thành lập của mình - Sukhasiddhi Foundation ở thung lũng Mill, San Francisco. Cô nói tiếp: “Cuộc đời của cô ấy gây cảm hứng cho tôi. Sự thực, việc cô ấy là một ni sư trong 30 năm đã là một thành tựu. Sự hiến dâng của cô ấy đã đủ gây kinh ngạc. Bạn có thể thấy Pháp đang thực sự vận hành trong cô ấy. Cô ấy ấm áp, tự nhiên và cá nhân tôi không nhận thấy một cái ngã nào ở đó. Cô ấy cũng là một đạo sư rất rõ ràng, diễn tả pháp một cách trực tiếp và đầy ý nghĩa. Do đó, nhiều người muốn nghe cô ấy đến mức chúng tôi phải hạn chế bớt đi khá nhiều người.”
Do đó, trái ngược với những nghi ngờ về thành công của những chương trình thuyết giảng của cô, số lượng những người theo cô đã tăng lên, và với danh tiếng đang lên của mình, Tenzin Palmo vẫn tỏ ra không xúc động gì với nghề nghiệp mới được phát hiện này của mình. Cô có thể dễ dàng trở thành một guru (đạo sư vĩ đại), một điều rõ ràng đang diễn ra. Nhưng đơn giản đó là một công việc mà cô không muốn.
Cô thẳng thắn thú nhận: “Tôi chỉ không thích nó. Nó không làm tôi vui vẻ. Khi tôi đang giảng có một giọng nói nhỏ trong tôi nói: “Bạn đang làm gì đó?” Và do đó, tôi nghĩ nó không thể đúng. Tất nhiên, tôi gặp rất nhiều người mà nếu bình thường ra tôi không thể nào gặp được. Mọi người đều rất tốt bụng. Những người xa lạ trở thành bè bạn. Và tôi học được rất nhiều từ những tình huống khác nhau, từ việc trả lời những câu hỏi, từ việc giảng dạy. Thực sự là tôi thường nghĩ là tôi được nhiều hơn cả những người mà tôi đang dạy họ. Tôi nhìn mọi thứ theo những cách mới. Điều đó có ích. Nhưng nó chỉ là một thứ gì mà tôi không muốn làm trong phần còn lại của cuộc đời.”
Trong lúc này thì cô vẫn tiếp tục. Có một công việc cần làm, một nhu cầu cần phải đáp ứng. Những người phụ nữ khác đang tìm kiếm Giác ngộ và cô phải giúp đỡ họ. Bồ đề tâm nguyện của cô “giải thoát tất cả mọi chúng sinh đau khổ và đưa họ tới hạnh phúc” đòi hỏi điều đó. Khi thực hiện nó, cô đã mở rộng đáng kể phạm vi của mình, từ việc tìm kiếm giải thoát cho cá nhân mình trong vị trí một người phụ nữ, sang giúp đỡ những người phụ nữ khác đạt tới cùng một mục đích đó. Đúng như cô là một trong những người phương Tây đầu tiên nghiên cứu đạo Phật, trở thành ni sư và sống trong hang động ở vùng tuyết phủ tại Himalaya, Tenzin Palmo ở lứa tuổi 50 lại là người tiên phong – tiến bước trên con đường phía trước, lần này ở một mức độ nhiều tham vọng hơn. Mặc dù không có chút ồn ào kèn trống nào và chỉ có vài tiếng thở dài, cô lại tiếp tục.