Chương 7: Lahoul
Giống như mọi hành trình tìm kiếm tâm linh, con đường tới Lahoul cũng đầy những khó khăn và nguy hiểm. Dường như những chướng ngại này được sắp đặt của trời đất nhằm thử thách lòng quyết tâm của người cầu đạo. Trong một năm có tới tám tháng thung lũng Himalaya hoàn toàn bị tách biệt khỏi phần còn lại của thế giới bởi một rào chắn bằng băng và tuyết không thể vượt qua được. Chỉ có vài tháng mùa xuân ngắn ngủi để Tenzin Palmo có thể vượt qua và cô phải vượt qua nó đúng lúc. Ngoài ra, con đường vào vùng đất bí mật này được bảo vệ bởi Rhotang Pass (đèo Rhotang) rùng rợn. Với độ cao 3.978 m, nó đã cướp đi nhiều sinh mạng, đúng như người ta thường gọi là “Đèo tử thần”. Đấy vẫn chưa phải là toàn bộ các thử thách bởi vì Tenzin Palmo còn phải đi bộ tới Lahoul; và vùng đất bên cạnh không thể tiếp cận của nó là Spitti vẫn chưa được những người ưa thích mạo hiểm khám phá ra; cũng như không có con đường nào có thể chở người thám hiểm (những người tự sử dụng sách hướng dẫn du lịch của mình) trên xe buýt, cũng không có những thanh niên trẻ thực hiện những chuyến du lịch thơ mộng bằng xe máy như ngày nay.
Cô bắt đầu vượt đèo từ trước bình minh. Cô cần phải vượt qua Rhotang trước buổi chiều. Sau thời điểm giữa trưa, dù là trong mùa hè, những cơn gió khét tiếng sẽ nổi lên, mang theo tuyết ở trên những đỉnh núi cao, làm tối mắt người đi đường cẩu thả, làm họ mất phương hướng và khiến cho họ lạc đường. Một buổi tối lạc lối trên Rhotang đồng nghĩa với một cái chết rõ ràng không thể tránh khỏi. Biết thế, chính quyền khăng khăng rằng trước khi đi Tenzin Palmo phải viết cho họ một bức thư cam kết miễn trừ cho họ mọi trách nhiệm nếu như cô bạc mệnh. Cô vui vẻ làm theo.
Khi cô trèo lên và bỏ lại đằng sau vùng đất xanh tươi, mềm mại của Manali, với những vườn cây ăn quả nặng trĩu cành và những cửa hàng tạp hóa lộn xộn đầy những khăn quàng nổi tiếng của nó. Thị trấn đẹp trong thung lũng Kulu là nơi nghỉ chân cuối cùng của cô từ Tashi Jong, và cô tranh thủ cơ hội này để đến gặp một lạt ma kiệt xuất, Apho Rinpoche (một hậu duệ của Sakya Shri nổi tiếng trong dòng Drugpa Kargyu của cô), trong tu viện nhỏ, duyên dáng của ông vây quanh bởi hoa hồng và thược dược. Ông vui mừng chào đón cô, ấn tượng về lòng nhiệt thành cầu đạo của một ni sư phương Tây, một tình cảm sẽ được phát triển trong nhiều năm tới khi mà ông và gia đình ông biết rõ về cô hơn. Giờ đây cô đã ở trên đỉnh Rhotang Pass, trèo cao hơn các ngọn cây, đất đai trở nên mềm và hoang vắng hơn sau mỗi bước chân. Đây đó cô nhìn thấy một vài con trâu yak với bộ lông bờm xờm, những con ngựa hoang chắc nịch, và xa xa là một con chim kền kền to lớn đơn độc đậu hống hách trên tảng đá. Ở độ cao (so với mặt biển) này, các con dốc không còn hiền hòa và phủ đầy những cây thông; mà khắc khổ, lởm chởm và xác xơ, đầy vết sẹo do sức nặng to lớn của lớp tuyết phủ gần như cả năm và tan chảy vào mùa hè. Chắn ngang con đường của cô là những dòng sông băng trôi chậm chạp, và “dòng chảy” của những tảng đá từ những vụ lở đất vừa diễn ra. Thậm chí, ngay vào giữa cao điểm của mùa hè thì những cơn gió vẫn buốt giá. Không hề nao núng, cô vẫn tiếp tục trèo lên cho đến khi tới đỉnh. Sau đó, như một phần thưởng cho cô sau những nỗ lực đáng ghi nhận, cô được chào đón bởi một cảnh tượng vô cùng ngoạn mục.
Cô nói: “Ở trên đỉnh là một vùng rộng bằng phẳng, trải dài khoảng một dặm, với những đỉnh núi tuyết xung quanh. Thật không thể tin được. Bầu trời xanh trong không một gợn mây.
Tôi gặp một lạt ma lên đây với chiếc trống nhỏ và một đoạn xương đùi người, thứ ông dùng để nhắc nhở mình về cái chết [vô thường], và tôi đi bộ cùng với ông. Chúng tôi vượt qua đèo cùng với nhau và hầu như trượt xuống trên toàn bộ con đường xuống dốc.”
Khi xuống tới chân đèo, cô thấy mình đã đi vào một thế giới khác. Cô kể lại: “Nó giống như đang tới Shangri-la. Tôi đã chuyển từ văn hóa Ấn Độ sang văn hóa Tây Tạng. Những căn nhà ở đây đều có mái phẳng, và các tu viện đạo Phật nằm rải rác trên các sườn núi. Đó đây đầy những bánh xe cầu nguyện, tháp chứa hài cốt các vị sư và người dân có xương gò má cao, đôi mắt hình trái hạnh đào và nói tiếng Tây Tạng.”
Tenzin Palmo đã xâm nhập vào một trong những thành trì cổ xưa nhất và có uy lực mạnh mẽ nhất của đạo Phật trên thế giới. Nó đã tồn tại qua nhiều thế kỷ - ban đầu bằng sự di cư của những người tị nạn bỏ trốn khỏi sự xâm lăng của người Hồi giáo (sự xâm lăng đã tiêu diệt những đại học tôn giáo lớn nhất tại Ấn Độ vào thời điểm đó) và sau đó đã phát triển thành một dòng liên tục các thành tựu giả từ cả biên giới Ladakh và Tây Tạng. Ẩn mình bí mật trên những ngọn núi vĩ đại và các thung lũng nhỏ hẹp, đạo Phật đã bừng nở, được thúc đẩy bằng nỗ lực của nhiều ẩn sĩ huyền bí, những người đã lấy các hang động trong khu vực để thực hành trong cô tịch. Trải qua nhiều năm, năng lực tâm linh của họ đã phát triển đến mức huyền thoại. Do đó, người ta nói rằng bầu không khí của Lahoul cũng nhuốm màu sắc tâm linh. Và chỉ cần đặt chân lên vùng đất này cũng đảm bảo nâng người thành tâm cầu đạo lên một trình độ cao hơn.
Năm 1970, khi Tenzin Palmo đến đây, người Lahoul vẫn ít tiếp xúc với những gì thuộc về thế giới bên ngoài. Họ là những người dễ nhìn, đơn giản, chìm đắm trong niềm tin tôn giáo của mình, những người sử dụng cuộc đời mình để trồng khoai tây, lúa mạch và chăn nuôi gia súc. Những phát minh của thế kỷ 20 như điện và vô tuyến, cũng như những khuôn mặt của người da trắng vẫn chưa được họ biết tới. Việc Tenzin Palmo tới, trong những chiếc áo choàng màu nâu sẫm và màu vàng của đạo Phật, gây ra cho họ một sự bối rối và nghi ngờ. Một người trông kỳ lạ như vậy sẽ làm gì ở đây? Làm thế nào mà một phụ nữ phương Tây lại trở thành ni sư Phật giáo? Tin đồn nhanh chóng lan ra rằng chỉ có thể giải thích cô là một gián điệp của chính quyền! Chỉ đến khi họ chứng kiến sự chân thành trong cuộc sống tâm linh và sự dâng hiến trọn vẹn của cô, thì họ mới yên tâm và chấp nhận cô như một người trong số họ. Cô được biết đến với tên gọi “Saab Chomo” (ni sư châu Âu), và sau khi cô sống ẩn dật lâu ngày trong hang động thì cô được đón chào như một vị thánh.
Đích đến của cô là Tayul Gompa, nghĩa là “địa điểm được lựa chọn” trong tiếng Tây Tạng. Đó là một tòa nhà oai vệ khoảng 300 năm tuổi, cây cối bao bọc xung quanh, cách thủ phủ Keulong vài dặm. Nó có một thư viện tuyệt vời, một bộ sưu tập đầy đủ các bức tranh tôn giáo bằng vải và một bức tượng lớn Padmasambhava, vị thánh đầy sức mạnh đã mang đạo Phật vào Tây Tạng. Trong con mắt của nhiều Phật tử thì ông đã trở thành Phật. Giờ đây, các điều kiện sống của Tenzin Palmo đã được nâng cao. Sau nhiều năm di chuyển từ phòng trọ này sang phòng trọ khác, cuối cùng cô cũng đã tìm được căn nhà riêng của mình, một căn nhà làm từ bùn và đá trên đồi sau ngôi đền - nơi tất cả các tăng ni sinh sống. Cô rất thích con người nơi đây và sau nhiều năm làm bạn với họ, cô trở nên đặc biệt thân mật với một người đàn ông tên là Tshering Dorje, người cô gọi là “người anh Lahoul của tôi”. Ông là một người đàn ông to lớn, giỏi leo núi, thuộc dòng dõi quý tộc, xuất thân từ một trong những gia đình nổi tiếng và lâu đời nhất tại Lahoul. Ông nổi tiếng nhờ có một bộ sưu tập lớn các cuốn sách từ khắp nơi trên thế giới, và sau đó trở thành người hướng dẫn và người bạn đối với một vài chức sắc tôn giáo tới đây, trong đó có chủ báo Rayner Unwin.
Tshering Dorje có quan điểm riêng về Saab Chomo: “Cô ấy thường đến nhà tôi một vài ngày trong mùa hè khi cô không phải ẩn dật tu hành nghiêm khắc và tham gia vào các hoạt động trong gia đình. Tôi nhớ cô luôn tươi cười và tốt bụng. Cô cho tất cả những gì mà mình có, nhưng tất nhiên là cô cũng chả có gì nhiều nhặn. Cô chỉ muốn nói về đạo Phật mà thôi. Cô luôn luôn rất nghiêm túc khi nói về Pháp. Tôi nghĩ về cô không phải như một người sùng đạo, mà như một bậc thánh, bởi vì sự thực hành và nghiệp của cô. Tôi tin kiếp trước đã có ảnh hưởng rất mạnh lên kiếp này của cô. Ông nói: “Đôi khi tôi so sánh cô với bà Alexandra David Neel”, người phụ nữ Pháp vào thời gian đầu thế kỷ 20, đã cải trang thành đàn ông và lẻn vào Tây Tạng khi nó vẫn còn đóng cửa với bên ngoài. Bà viết về “thần thông và sự huyền bí” của “đất nước bị ngăn cấm”, khuấy động sự tò mò của công chúng về nền minh triết cổ, bí truyền của Tây Tạng. Bà thậm chí còn được gọi là lạt ma.
Tshering Dorje tiếp tục: “Tôi đọc qua tất cả các sách của Alexandra David Neel để tìm sự tương đồng. Cả hai đều là những phụ nữ, những nhà thám hiểm dũng cảm và bị Phật giáo Tây Tạng thu hút. Nhưng Tenzin Palmo đi sâu hơn nhiều so với Alexandra David Neel trên con đường tâm linh. Khi cô ấy đến sống trong hang động, tôi thường rất lo lắng cho cô ấy. Cô ấy không phải là một người phụ nữ khỏe mạnh, mặc dù ý chí của cô ấy còn mạnh hơn ý chí của bất kỳ người đàn ông nào.”
Tenzin Palmo giờ đang sống trong một giai đoạn cực kỳ dễ chịu trong cuộc đời mình. Cuối cùng, cô đã toại nguyện. Rốt cục, cô đã được ở yên một mình để tu luyện. Những tháng mùa đông dài đầy tuyết cho cô một cơ hội vô cùng tuyệt vời để ẩn cư lâu dài – điều kiện tiên quyết thực sự cần thiết cho sự phát triển tâm linh. Đó chính là những gì mà cô dự định. Tuy nhiên, sự dâng hiến của cô không được sự đồng tình chia sẻ bởi phần còn lại của cộng đồng.
Một ni sư già chào đón cô trên đường của mình: “Con sẽ cần 18 bộ bát đĩa.”
“Để làm gì?” Tenzin Palmo bối rối hỏi lại.
Vị ni sư trả lời: “Con à, trong mùa đông chúng ta sẽ ở cùng nhau và có những buổi tiệc tối. Chúng ta có 18 người. Do đó khi chúng ta tới nhà con, thì con sẽ cần có 18 bộ bát đĩa.”
“Ồ, thứ nhất nếu ai đó tới, thì người đó có thể mang đồ ăn riêng của mình tới, và thứ hai là con dự định sẽ dành cả mùa đông này để hành thiền.”, ni sư Tây phương đáp lại, thẳng thắn và chuyên chú như thường lệ. Cô tiến tới chỉ hành thiền theo những hướng dẫn của Khamtrul Rinpoche. Những điều này sẽ cung cấp cho cô các nền tảng cần thiết cho việc ẩn tu lâu dài về sau trong hang động. Phần lớn trong số chúng bao gồm “Những thực hành khởi đầu” – một loạt các nghi thức thực hành như là quỳ lạy và dâng cúng các mandala. Chúng được thực hiện lặp đi lặp lại hàng trăm, hàng ngàn lần. Người ta nói rằng việc lặp đi lặp lại như vậy là cần thiết để làm cho tâm trí trở nên thích hợp cho các pháp thiền phức tạp và bí truyền hơn về sau. Cô thực hiện chúng chăm chỉ, cũng như nghiên cứu các kinh điển và hoàn thiện kiến thức của cô về kinh sách đạo Phật. Ở đây, tại Lahoul, không có ai nói tiếng Anh cả, do đó tiếng Tây Tạng của cô phát triển vượt bậc.
Trong suốt những tháng mùa xuân và mùa thu, cô nghỉ ngơi và chuẩn bị cho mùa đông – thu thập nhiên liệu và cho vào trong kho để dự phòng cho những tháng dài lạnh lẽo phía trước. Giờ đây cô cho phép mình vui vẻ, giao lưu với mọi người và thỉnh thoảng tham dự các buổi liên hoan. Cô kể lại: “Vào mùa thu, sau vụ thu hoạch, có một giai đoạn đặc biệt khi chúng tôi thực hiện những chuyến pháp thí [bố thí chánh pháp] theo truyền thống ở những ngôi làng quanh đó. Bạn đi tới từng ngôi nhà một. Bạn đứng bên ngoài đọc lời cầu nguyện và sau đó một ai đó nghe thấy và gọi bạn vào. Họ trải những tấm thảm đẹp nhất của mình, và bày những bát đĩa bằng bạc của Trung quốc tốt nhất lên những chiếc bàn nhỏ đặc biệt của Tây Tạng. Bạn sẽ đi vào, ngồi xuống và tụng những bài kinh cầu nguyện được ưa thích nhất như là 21 điều ca ngợi Tara – để chúc phúc và cầu an cho họ. Họ sẽ dâng cho bạn trà muối, trà đường và bia [chang: bia của người Tây Tạng] mà họ tự làm ở nhà. Nếu có thức ăn, thì họ cũng sẽ mang ra. Sau đó, họ ngồi tán chuyện với bạn. Cuối cùng, họ cho một ít lúa mạch và rau vào bao tải của bạn để bạn có thể mang đi.”
“Rồi bạn lại đi sang nhà kế tiếp và kế tiếp nữa. Khi bạn bắt đầu khởi hành thì mọi thứ rất tốt đẹp. Bạn sẽ đi bộ từ một đến hai giờ đồng hồ từ trước bình minh và bạn sẽ bị lạnh đến tê cóng cả người với cái lạnh buổi sáng sớm khi bạn tới ngôi nhà đầu tiên. Những chén trà nóng mà họ mời bạn thật tuyệt vời. Nhưng vào cuối ngày thì cả bao tải và bụng của bạn đều ngày càng đầy hơn. Bạn cảm thấy hoàn toàn chán nản và cầu xin họ đừng cho thêm mình cái gì nữa. Nhưng dân làng lại thích làm điều đó. Vào cuối ngày bạn sẽ có khoảng từ 50 đến 80kg lúa mạch. Nó quá đủ cho tôi.” Nhưng mọi việc vẫn chưa phải đã hết. Sau khi tích lũy lúa mạch, Tenzin Palmo phải mang chúng ra phơi trước khi đưa tới xưởng xay lúa tại địa phương để xay chúng thành bột mì. Bột mì này sẽ được sử dụng cùng với chè hay nặn thành bánh để làm tsampa, thức ăn thông dụng chủ yếu của người Tây Tạng. Tenzin Palmo cũng đã bắt đầu thích hương vị của nó.
Cuộc sống cứ thế trôi qua trong sáu năm. Thỉnh thoảng cô mới ra ngoài thung lũng của mình. Mỗi năm vào mùa xuân, cô thường quay về Tashi Jong gặp Khamtrul Rinpoche, để báo cáo kết quả tâm linh của mình và nhận các hướng dẫn tiếp theo. Đó là một nguyên tắc cần thiết. Vị đạo sư là người hướng dẫn, người biết tường tận tâm của vị đệ tử của mình hơn bất kỳ ai trên thế giới này, có thể mách bảo cho hành trình và điều chỉnh con đường để đảm bảo sự phát triển tối đa tới Giác ngộ trong kiếp sống này của cô.
Một lần, vào năm 1973, cô trở về Anh thăm mẹ. Đây là lần đầu tiên cô về thăm quê hương mình trong 10 năm liền, và để chứng minh sự tỉnh thức của mình. Bà Lee đã chuyển từ Bethnal Green tới Knightsbridge, một khu vực thời thượng hơn, trong trái tim của khu Cực Tây Luân Đôn, nơi bà là người giúp việc cho một gia đình giàu có người Canada trong một căn hộ sang trọng ở khu vực này. Đang sống trong một căn nhà nhỏ bằng đá và phải tự tìm nước sinh hoạt, giờ đây Tenzin Palmo thấy mình chỉ cần đi vài bước là tới Harrods, một cửa hàng bán đồ cho nhà giàu, cũng như sự lộng lẫy đến từng chi tiết của Hyde Park, một nơi lại còn xa xỉ hơn nữa. Cô có một chiếc giường mềm để ngủ, thảm trải sàn, điều hòa trung tâm, hai chiếc ti vi mầu, và mọi tiện nghi hiện đại mà nền văn minh phương Tây đã nghĩ ra. Nhưng thay vì thích thú với những tiện nghi khác thường mà mọi người thường mong ước này, cô lại ghét bỏ chúng.
Cô nói: “Tôi thấy nhàm chán. Tôi không thể uống nước lọc của Luân Đôn. Lúc nào tôi cũng phải uống nước hoa quả. Thậm chí tôi còn không uống được trà. Nó làm tôi phát ốm. Thức ăn thì quá nhiều chất làm cho tôi cảm thấy như là nó được làm từ chất len dạ màu đen vậy. Mọi thứ tôi chạm vào đều làm cho tôi bị điện giật và lúc nào tôi cũng cảm thấy mệt mỏi. Tôi tự nhủ: “Nếu như có bao giờ mình nghĩ rằng hạnh phúc phụ thuộc vào các điều kiện bên ngoài, thì hãy nhớ đến thời điểm này.”
Nhận ra rằng thực sự không có điều gì từ cuộc sống trước đây có thể hấp dẫn được mình, cô càng hăng hái muốn quay trở về căn nhà đá của mình ở Lahoul, nhưng có một vấn đề xảy ra. Cô không có tiền mua vé để quay trở về. Thậm chí còn tồi tệ hơn, cô hoàn toàn chẳng còn một đồng xu nào. Trải qua nhiều năm trời, Tenzin Palmo đã phát triển một quan hệ thú vị và rất khác thường về tiền bạc. Giống như tất cả hành giả trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, cô không được tài trợ bởi một quỹ chung hay tổ chức nào của chính quyền trung ương – và bị bỏ mặc để tự tìm kiếm nguồn trợ cấp. Do đó cô phải dựa vào tình thương của bất kỳ ai nhận ra lòng từ bi đó trong trái tim mình để trợ giúp cô. Cô có nguyên tắc là không bao giờ hỏi xin. Vì vậy, sự sống của cô thường xuyên gặp khó khăn và bấp bênh đáng kinh ngạc. Với sự bình thản phi thường mà cô đã học được, mọi thứ cứ tự động diễn ra và bằng cách nào đó cô vẫn vượt qua và sống sót.
Cô giải thích: “Ngày này qua ngày khác, mọi người vẫn giúp đỡ tôi, thường chỉ là những khoản nhỏ. Trong một vài năm đầu tiên, khi tôi còn là một ni sư ở Dalhousie, mẹ tôi cho tôi 5 bảng Anh mỗi tháng. Đôi khi nó có thể nuôi sống cả hai chúng tôi. Một đĩa cơm và đậu lăng, món ăn vẫn nuôi sống tôi, chỉ đáng giá vài rupee. Mặt hàng đắt tiền nhất là sữa bột để pha chè. Mọi thứ đều có thể mua theo số lượng nhỏ tùy theo yêu cầu của bạn. Khi tôi trở lại Luân Đôn, tôi thấy phân vân khi tôi đi mua bơ và được hỏi tôi thích bơ New Zealand, Australia, Devon, Danish, có muối hay không có muối. Khả năng lựa chọn và số lượng thật là khổng lồ.”
Khi mẹ cô không còn khả năng chu cấp cho cô được nữa, John Blofeld bất ngờ viết thư nói rằng ông và bạn ông - một công chúa Thái Lan tên là Mom some - đã quyết định là họ muốn hỗ trợ cho cô.
Cô nói: “Tôi viết thư phúc đáp cảm ơn ông ấy và nói rằng tôi có thể sống chỉ bằng một nửa số tiền mà ông ấy đề nghị. Ông đáp lại rằng nếu ông ấy trả cho một người nông dân Thái 10 baThcho một bữa ăn, thì đó là một khoản tiền lớn đối với người nông dân ấy nhưng vẫn là một khoản tiền nhỏ đối với ông và tương tự như vậy, tôi nên chấp nhận đề nghị của ông. Khi Mom Smoe chết, John đảm nhiệm luôn phần của cô công chúa này cho đến khi chính ông cũng ra đi. Ông thường gửi số tiền (khoảng 50 bảng một năm) vào một tài khoản ngân hàng và tôi sẽ rút tiền khi nào tôi cần. Khoản tiền cúng dường của ông vô cùng hữu ích khi tôi đang sống ở Tayul Gompa, không hề đi ra ngoài và gặp gỡ ai để có một khoản tiền cúng dường nào khác.”
Nhưng thậm chí ngay ở Ấn Độ, thì khoảng 5 bảng một tháng cũng là quá ít ỏi để sinh sống. Đôi khi không chỉ có vậy. Sự khắc nghiệt đó dạy cho cô nguyên tắc cơ bản của việc không bị ràng buộc vào vật chất, và bài học hiếm hoi của niềm tin. Cô nói lãnh đạm “Đôi khi tôi không có tiền, dù chỉ để mua một chén trà. Tôi có thể nhớ một lần ở Dalhousie khi tôi không còn lại một cái gì cả. Không một xu rupee lẻ. Tôi không có nơi nào để sống, không còn gì để mua thức ăn. Tôi đứng trên đỉnh đồi với những làn sóng cô đơn và bất an nổi lên trong tâm trí. Và sau đó tôi nghĩ, nếu như bạn thực sự quy y vào Phật, Pháp và Tăng như tất cả chúng ta đã làm trong lễ xuất gia của mình, và thành tâm tu hành, khi đó bạn thực sự không nên lo lắng gì. Kể từ đó, tôi dừng được mọi lo lắng của mình.”
“Tôi đã học để không sợ hãi. Điều đó [tiền bạc] không quan trọng. Tiền bạc xuất hiện từ một nơi nào đó, thường là chính xác với số tiền mà tôi cần, và không nhiều hơn. Ví dụ, một lần tôi cần 80 bảng để mua vé tàu đi thăm bạn bè. Tôi đã đi dù chỉ có 10 bảng trong ví. Trong ngày tôi đi, người phụ nữ mà tôi sống cùng đã đưa cho tôi một phong bì với số tiền cúng dường là 80 bảng. Tôi cảm ơn cô ấy và cười. Thường người ta không cúng dường một số tiền như vậy, nhưng đó chính xác là những gì tôi cần. Mọi thứ vẫn diễn ra như vậy.”
Cô tiếp tục: “Thực sự, là một Phật tử đã xuất gia, chúng ta không nên quan tâm đến tiền bạc – nó là nhiều hay ít. Tôi luôn đi vé hạng ba ở châu Á và ngủ trên sàn của nhà nghỉ như người hành hương, nhưng tôi không phản đối việc di chuyển bằng vé hạng nhất và ở nhưng nơi tốt đẹp nếu được đề nghị. Chúng tôi cũng phải học rằng không được vướng mắc vào sự đơn giản và nghèo khổ. Bất cứ ở đâu, bạn cũng nên cảm thấy thoải mái như đang ở nhà, dù đó có là một cửa hàng bán đồ cũ hay trong khách sạn năm sao. Đức Phật được tiếp đãi bởi cả các vị vua lẫn những người bị bệnh hủi. Đối với ngài tất cả những người đó đều giống nhau. Và Milarepa nói: “Tôi sống trong hang động cho những hành giả của tương lai. Vào giai đoạn này, nó không phù hợp đối với tôi.”
Nhưng đối với người phụ nữ Anh đang muốn rời khỏi Luân Đôn và quay trở về Lahoul, thì tiền bạc là thực sự cần thiết. Thực ra trong vấn đề này, người bạn thân thiết và nhà bảo trợ John Blofeld đã đề nghị giúp tiền một chiếc vé máy bay cho cô nhưng lần này Tenzin Palmo đã từ chối. Nguyên tắc của cô không cho phép cô làm điều đó. Cô nói dứt khoát: “Tôi nói rằng tôi không thể chấp nhận sự cúng dường nếu như tôi không làm bất kỳ Phật sự nào tại phương Tây để xứng đáng với nó.” Không có Phật sự nào để làm nhưng có thể kiếm công việc.
Do đó, trong bộ áo choàng của mình và với cái đầu trọc, Tenzin Palmo đứng trước Bộ Lao động để xin một công việc. Không lúng túng bởi sự xuất hiện không chính thống của cô, hay có lẽ thấy tò mò bởi điều đó, họ lắng nghe CV [sơ yếu lý lịch xin việc] của cô (kỹ năng làm thủ thư, công việc văn phòng, kinh nghiệm dạy học) và ngay lập tức thuê cô làm cho họ. Cô chính là người mà họ đang muốn xây dựng một ủy ban những chuyên gia phỏng vấn các ứng viên để hướng nghiệp cho họ. Mặc dù không gia nhập lực lượng lao động trong suốt 10 năm qua, nhưng Tenzin Palmo làm việc có hiệu quả đến mức họ nài nỉ cô ở lại hợp tác cho toàn bộ dự án.
Cô nhanh chóng từ chối một cách lịch sự. Nếu như cô còn có chút nghi ngờ nào về thiên hướng tôn giáo của mình, thì hai tháng rưỡi ở Bộ Lao động đã nhanh chóng xua đuổi điều đó: Cô nói: “Tôi cảm thấy rất buồn. Có rất nhiều đàn ông trung niên nói: “Tôi đã làm gì với cuộc đời mình?” và những người trẻ tuổi đã kết hôn với sự nợ nần, thực sự bị sập bẫy. Tất cả những gì họ nói là những gì có trên truyền hình. Tôi mặc áo của người tu hành và vì vậy họ cởi mở hơn. Họ kể với tôi về cuộc sống của họ và thường hỏi tôi đủ mọi loại câu hỏi – họ rất thích cách sống của tôi và ý nghĩa của nó.”
Sự xuất hiện của cô, vẫn còn cực kỳ khác thường trong những năm đầu 1970, trên thực tế đã thu hút mọi người đến với cô ở mọi nơi. Họ bị cuốn hút bởi sự phi thường của vị ni sư người Anh và khao khát những giá trị mà cô theo đuổi. Phải đến hơn một lần đám đông đến gần cô và nói với cô rằng cô giống như thánh Francis của xứ Assisi (Ý). Có một người đàn ông ăn mặc lịch sự chặn cô tại Hyde Park và nói cô rằng trông cô thanh lịch nên cô chắc hẳn phải là người Pháp. Cũng có lần, khi cô đi tầu điện đến Wales để thăm anh trai hiện đang sống ở đó và gặp hai cảnh sát, một thanh tra và một trung úy. Cuộc đối thoại bắt đầu và họ giải thích rằng họ đang trên đường truy bắt một người đàn ông ở làng Welsh vì tội giết người.
“Cô có thể nói cho tôi điều gì đó giúp tôi làm cho cuộc đời mình có ý nghĩa được không?”, vị thanh tra hỏi. Rõ ràng ông ta đang tỏ ra chán nản với nhiệm vụ của mình.
Tenzin Palmo trả lời bằng cách nói với anh ta về nghiệp - luật nhân quả, luật quy định rằng mọi hành động của thân thể, lời nói và tâm trí, khi đi kèm với ý định, sẽ mang lại một phản ứng tương xứng. Cô nói: nói tóm lại, tất cả chúng ta phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc đời mình và có thể chủ động ảnh hưởng đến tương lai. Đó là một bài giảng dài, trong sáng và những người cảnh sát lắng nghe chăm chú. Khi cô nói xong, người thanh tra nghiêng người và nói một cách cung kính: “Tôi nghĩ có tục lệ cúng dường cho các tăng ni đạo Phật.”, rồi đưa cho cô 5 bảng. Viên trung úy cũng làm như vậy. Họ đã giúp vào số tiền để cô có thể mua vé rời khỏi Anh.
Cuối cùng cô cũng đã kiếm đủ tiền và lên đường, trở về với Ấn Độ yêu quý của mình. Trên đường đi cô dừng lại Thái Lan để thăm John Boldfeld và ông lại cố gắng một lần nữa để cúng dường cho cô. Ông nói: “Bởi vì cô quá kiêu hãnh để có thể nhận đề nghị của tôi cho các mục đích thế tục, nên đây là một số tiền để cho cô có thể đi Hong Kong để làm lễ trở thành Tỳ Kheo Ni.”
Đó là một đề nghị mà cô không thể từ chối. Trở thành Tỳ Kheo Ni nghĩa là sự cho phép đầy đủ và chính thức vào Tăng đoàn đạo Phật với tất cả thẩm quyền và uy tín kèm theo của nó. Đó là một điều quý báu mà tất cả các ni sư Phật giáo đều mong ước, và chỉ có vài người nhận được. Vì nhiều lý do phức tạp bắt nguồn từ truyền thống và chế độ gia trưởng, không một quốc gia theo đạo Phật nào ngoại trừ Trung Quốc cho các vị ni sư của họ sự tôn trọng và đáng kính phục của cụ túc giới, do đó loại bỏ họ xuống cấp bậc dưới trong cộng đồng [tu sĩ]. Và do chỉ có vài vị ni sư có tiền hay phương tiện để đi tới Đài Loan hay Hong Kong (những địa điểm duy nhất cho phép làm điều đó), nên đó chính là nơi họ ở.
Khi đi đến Hong Kong, Tenzin Palmo mặc đúng chiếc áo đen và nâu của ni sư Phật giáo Trung Quốc và chắp tay cúi đầu đứng suốt buổi lễ dài chính thức chấp nhận cô như một thành viên đầy đủ của Tăng đoàn Phật giáo. Khi cô làm lễ, đèn chụp ảnh lóe sáng và các phóng viên ghi vội mấy dòng. Tenzin Palmo đứng hàng đầu. Một lần nữa, cô lại là người phụ nữ phương Tây đầu tiên làm điều này và hấp dẫn những người ngụ cư Trung Hoa trên thuộc địa cũ của Anh này. Tuy nhiên, điều mà các phóng viên không chụp lại được là một chút hương trầm, như một phần của nghi lễ, được đặt trên đầu của các vị ni sư và sẽ được đốt cháy từ từ trên da đầu đã được cạo sạch, để lại một vết sẹo nhỏ để nhắc nhở họ về lời nguyện của mình. Tenzin Palmo khóc, nhưng không phải vì đau đớn.
Cô nói: “Tôi hoàn toàn hạnh phúc”. Sau đó, khi cô đưa bức ảnh này ra cho ngài H.H. Sakya Trizin, vị đạo sư thứ hai của cô xem, ông nhìn vào khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc của cô tương phản với bộ quần áo đen và nhận xét: “Con trông giống như Đức Mẹ Đồng Trinh trọc đầu.”
Sau tất cả những trì hoãn và đi nhầm đường, cuối cùng cô cũng đã tới Lahoul và lại tiếp tục con đường của cuộc đời mình với một mục tiêu mới: thu thập thực phẩm trong những tuần lễ mùa hè, thực hành thiền nghiêm ngặt trong mùa đông. Tâm trí cô vẫn hướng về Giác ngộ. Nhưng đối với tất cả những nhiệt tình và sức mạnh ý chí của cô, các điều kiện ở Tayul Gompa vẫn chưa đáp ứng được cho sự tiến bộ tâm linh mà cô tìm kiếm.
“Đi lấy nước là một vấn đề. Khi bạn đang nhập thất, bạn không nên để bất kỳ ai nhìn thấy. Điều đó có nghĩa là tôi phải đi lấy nước vào ban đêm. Con đường đầy những tuyết và băng. Tôi không có ủng cao su nên tôi thường phải bọc đôi xăng đan rơm của mình trong những cái túi ni lông. Điều đó làm cho chúng càng trơn hơn. Mỗi tuần một lần sau khi trời tối, tôi thường đi ra ngoài với một cái đèn bão, một cái can lớn trên lưng, một cái xô và sẽ mang về 30 lít nước. Đó là một nhiệm vụ rất khó khăn. Tôi phải học cách sử dụng nước cực kỳ tằn tiện.”
Và sau đó là tiếng ồn. Không chỉ như vị ni sư già - người đã chào đón Tenzin Palmo sau chuyến đi của cô - đã cảnh báo: những tháng mùa đông đối với đại đa số cộng đồng là để ngồi bên nhau dự tiệc. “Trong khi tôi đang cố gắng nhập thất, những người khác sẽ quét tuyết trên nóc nhà của họ, trải thảm lên đó, và nói chuyện sôi nổi, reo mừng mỗi khi có ai đi ngang qua. Vào buổi tối, họ tổ chức những bữa tiệc với 18 bộ bát đĩa của họ. Quả là huyên náo! Và cũng thật quá khó để hành thiền.” Thực sự, họ tập trung để chơi bài và xe lông cừu cho gia đình họ. Một người sẽ cung cấp đồ ăn thức uống, trong khi những người khách sẽ xe lông cừu cho họ. Họ sẽ luân phiên nhau, do đó công việc của mỗi người trong nhóm đều sẽ được hoàn tất.
Sau sáu năm, cô cảm thấy như thế đã là quá đủ. Cô nói: “Tôi tới Lahoul là để hành thiền, chứ không phải để có một cuộc sống trần tục như vậy. Tôi quyết định mình phải ra đi tìm một nơi nào yên tĩnh hơn. Do đó, tôi đi lên phía trên tu viện để tìm xem có nơi nào mà tôi có thể xây một căn nhà nhỏ hay không.” Khi đứng trên các ngọn núi, cô kêu gọi các dakini (những nữ thần không gian của đạo Phật) nổi tiếng với sự hoang dã, năng lực và sự nhiệt tình của họ trong việc giúp đỡ các hành giả tâm linh, đến giúp đỡ cô. Cô luôn có một quan hệ thân thiết riêng đối với họ. Giờ đây cô cầu nguyện họ theo cách riêng của mình: “Hãy nhìn đây – nếu như các ngài có thể tìm cho con một địa điểm thích hợp để nhập thất, thì về phần mình con hứa con sẽ nỗ lực hành thiền.” Cô bình luận: “Tôi cảm thấy rất lạc quan, rất hạnh phúc. Tôi chắc rằng sẽ có một điều nào đó xảy ra.”
Cô xuống núi và đến gặp các vị ni sư vào sáng hôm sau. Cô nói: “Con đang nghĩ đến việc xây một căn nhà ở phía trên tu viện.”
Các vị ni sư trả lời: “Làm sao con có thể làm như thế được? Con cần tiền để mua vật liệu và trả công lao động, trong khi con chẳng có đồng nào cả. Tại sao con không sống trong hang động?” Tenzin Palmo giải thích: “Một hang động là không thể bàn tới. Thứ nhất là có quá ít hang động ở Lahoul, và nói chung thì ở những nơi có hang động thì không có nước, một số nơi có nước thì đã có người rồi.”
Vị ni sư trả lời: “Đúng. Nhưng tối hôm qua, ta đột nhiên nhớ ra có một vị ni sư già nói với ta về một hang động trên đỉnh núi có nước, cũng như cây cối và một bãi cỏ ở gần đó. Tại sao chúng ta không thử ra ngoài và tìm nó?”
Vào lúc đó Tenzin Palmo hiểu rằng điều kỳ diệu đã tới. Cô nói: “Đúng là nó đấy.”
Ngày hôm sau, cô cùng một nhóm người, trong đó có vị lạt ma trụ trì tu viện, trèo lên đỉnh núi để tìm hang động mà vị ni sư đã từng nghe nói tới.