Chương 9: Đối mặt với cái chết
Mặc dù cô dễ dàng xóa đi những lo lắng của bạn bè và người thân; và cô cũng thực sự không quan tâm đến an toàn và hạnh phúc vật chất của bản thân mình, nhưng thực sự là cô đã phải đối diện với những nguy hiểm trong hang động. Thảm họa diễn ra không chỉ một lần và nguy hiểm hơn là ở đây không hề có dịch vụ cứu hộ, không bác sĩ, không điện thoại, không có bạn bè nào đến để giúp đỡ cô. Tenzin Palmo phải trực tiếp và đơn độc đối đầu với mỗi khủng hoảng. Đó là điều mà cô đã chấp thuận khi cô quyết định sống trong hang động.
Cô giải thích: “Khi bạn nhập thất, bạn phát nguyện rằng trong suốt thời gian nhập thất đó bạn sẽ chuyên tâm với nó và không đi ra ngoài. Đó được xem như là một phần của sự thực tập. Thậm chí nếu như bạn ốm, bạn vẫn thề không ra ngoài.
Nếu cần, bạn phải chuẩn bị để chết trong nơi nhập thất. Thực sự, nếu như bạn chết [trong khi nhập thất] thì đó sẽ được coi là một dấu hiệu tốt.”
Xét đến tiểu sử bệnh tật của cô, thì thật là phi thường khi trong những điều kiện sống khắc nghiệt như vậy cô lại không bao giờ ốm như khi còn nhỏ. Cô không bị gãy chân, đau ruột thừa, hay nhiễm phải bất kỳ bệnh tật nào mà người phương Tây hay mắc ở châu Á như bệnh tả hay viêm gan. Nhưng cô thường bị ốm vặt. Trong hang động ẩm ướt này, cô hay bị ớn lạnh, chứng bệnh thường dẫn đến sốt cao. Đơn giản là cô sống với chúng. “Bạn đương đầu bởi vì bạn phải làm như vậy. Người Tây Tạng có câu: “Nếu bạn ốm, thì bạn ốm. Nếu bạn chết, thì bạn chết.” Do đó, hãy bảo trọng với bệnh tật”, cô nói một cách thực tế. Một lần, cô phát hiện ra một khối u dưới tay, nhưng cô vẫn tiếp tục hành thiền mà không quan tâm tới nó. “Tôi hoàn toàn quên nó và cuối thời gian nhập thất, tôi mới sực nhớ ra nhưng nó đã biến mất.”
Cũng có lần một con mắt bị nhiễm trùng gây ra nỗi đau đớn khủng khiếp. “Tôi phải sống trong bóng tối, bởi vì tôi không chịu được ánh sáng. Tôi không thể di chuyển, dù chỉ là nháy mi mắt. Điều đó nghĩa là tôi không thể vào bếp để nấu ăn, nên tôi cũng không ăn được.”, cô kể lại. “Tôi cũng không ngồi thiền được bởi vì con mắt sẽ sụp xuống. Tôi không thể làm được bất kỳ điều gì. Tôi chỉ biết chờ đợi, ngồi đó và nhìn xem điều gì xảy ra. Nếu tôi cố nằm xuống thì mọi thứ còn trở nên tồi tệ hơn. Thực sự, điều đó rất thú vị. Tôi ngồi đó và quan sát cơn đau. Nó giống như một bản giao hưởng. Bạn có trống, kèn trumpet, đàn dây - tất cả mọi hình thức rất khác nhau của cơn đau trong con mắt đó.” Cô nói vô tư.
“Khi tôi tính xem điều đó kéo dài bao lâu thì biết nó diễn ra trong 49 ngày. Đó là một điều thú vị bởi vì người ta nói rằng đó là thời gian của bardo [thân trung ấm], giai đoạn chuyển tiếp giữa cái chết và sự tái sinh. Sau đó, mọi thứ dần dần trở nên tốt hơn. Điều tôi học được từ đó là nếu chúng ta chống cự lại cơn đau thì nó lại càng làm ta mệt mỏi và kiệt sức hơn. Bài học là hãy đi cùng với nỗi đau, hãy vui vẻ với nó.”
Mặc dù cô không bao giờ bị ngã từ trần hang động xuống khi đang dọn tuyết (như cô nhiều lần tưởng tượng) nhưng có nhiều lần cô suýt bị tai nạn và nếu tai nạn xảy ra thì có thể sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng của cô. “Tôi ra ngoài động để xếp củi thì nghe thấy một tiếng nói bên trong mình: “Đứng dậy và đi ra khỏi đây.” Cô kể lại: “Tôi không nhận ra thông báo đó. Tôi nghĩ: “Mình đang bận rộn với chỗ củi này và không thích những gì mà bạn nói.” Và tôi vẫn tiếp tục. Nhưng sau đó, tiếng nói vang lên với một giọng điệu thực sự khẩn cấp: “Hãy đi ngay ra khỏi đây.” Và tôi làm theo. Khoảng hai phút sau có một tiếng huỵch lớn và một tảng đá lớn rơi xuống ngay chỗ tôi vừa ngồi. Nếu tôi bị nó đè phải hay nếu một chân hoặc một tay tôi bị gãy thì tôi sẽ gặp rất nhiều rắc rối.” Cô thừa nhận.
Trong thời gian này, cô còn gặp một nguy hiểm nghiêm trọng hơn khi gần như bị chết đói. Một năm khi cô đang nhập thất, Tshering Dorje không mang thức ăn lên động như đã định. Cô chờ đợi và chờ đợi, còn thức ăn trong kho cứ ngày càng ít dần. Khi đã rõ là ông sẽ không đến, thì cô không có lựa chọn nào khác để bổ sung vào những gì mà cô còn lại. Chỉ có một lượng không đáng kể thức ăn, và chúng lại nhanh chóng giảm đi. Dù sao, chúng cũng giúp cô sống sót, nhưng chỉ đủ như vậy thôi.
Tất cả những gì cô nói về kinh nghiệm đó chỉ là: “Tôi trở nên cực kỳ gày gò.” Cô không bao giờ hỏi Tshering Dorje tại sao ông không đến hay nhiếc móc ông. Cô nói thanh thản: “Ông ấy chắc chắn có những lý do của mình.”
Tuy nhiên những tai nạn này không thấm tháp gì so với một sự kiện còn vĩ đại hơn nhiều. Đó là vào tháng Ba năm 1979, và Tenzin Palmo đang ngồi trên hộp ngồi thiền trong động của cô như thường lệ. Bên ngoài một cơn bão tuyết đang gào thét dữ dội, như nó đã diễn ra suốt bảy ngày bảy đêm vừa qua. Tenzin Palmo đã quen với bão tuyết, nhưng cơn bão lần này mạnh khác thường. Đống tuyết càng ngày càng cao, dần dần cao hơn cửa sổ, rồi cửa ra vào. Nó cứ tiếp tục cao lên mà không hề có dấu hiệu suy giảm nào.Nó ngày càng dày hơn, nặng hơn. Đột nhiên cô chợt nhận ra một sự thực ghê sợ. Cô đang bị chôn sống.
Ký ức đó hằn sâu trong tâm trí cô:
“Tôi bị chìm sâu trong tối tăm và lạnh lẽo. Tôi không thể thắp lửa bởi vì tuyết đã phá vỡ ống khói của bếp lửa (phần nhô ra ngoài động), nên không có cách nào để sưởi ấm hay đun nấu. Tôi không dám thắp nến bởi vì chúng sẽ lấy hết lượng ô xi còn lại. Khi tôi nhìn ra cửa sổ thì không thấy gì ngoài một tấm tuyết. Khi tôi mở cửa ra vào nó cũng tối đen. Hoàn toàn là bóng tối.” Cô kể lại.
Khi nhiều ngày trôi qua mà không có dấu hiệu thoát thân nào và thời tiết cũng không tốt lên, Tenzin Palmo bị chôn vùi trong động tối và lạnh của mình, đối diện với một khả năng hoàn toàn có thể trở thành hiện thực là cô sẽ chết. Với ống khói bếp đã bị phá hủy, cửa sổ và cửa ra vào hoàn toàn bị tuyết phủ kín, cô tin rằng mình sẽ bị ngạt thở.
Từ buổi ban đầu, cũng như các Phật tử thuần thành khác cô đã được dạy nhìn thẳng vào cái chết. Đức Phật đã nói: “Cái chết là điều chắc chắn [sẽ diễn ra] nhưng “thời gian chết là chưa xác định”. Khắc sâu sự thực nền tảng nhưng hay bị quên lãng này trong tâm trí, cô đã thiền quán nhiều lần về sự thực không thể tránh khỏi của cái chết của bản thân mình – trở về ngôi nhà thật sự bằng cách hình dung các chi tiết cụ thể của thân thể mình đang phân hủy trên mặt đất hay tan rã trước hơi nóng của giàn thiêu, những thứ cô sở hữu được phân chia cho bạn bè và người thân còn sống. Điều đó đem lại hai kết quả: giảm cú sốc khi cái Chết đến với bạn và chọn lọc những cơ hội của bạn để dành thời gian cho chúng khi mà bạn vẫn còn sống.
Tuy nhiên, là một hành giả Mật Tông, Tenzin Palmo biết cô có thể đi xa hơn bằng cách sử dụng thời điểm chết để thực hiện sự thiền quán tối hậu và vĩ đại nhất của mình. Bằng cách hướng dẫn tâm mình thông qua những giai đoạn của cái chết, nếu có đủ khả năng thì cô có thể đạt tới sự nhận thức toàn vẹn và Ánh sáng Hạnh phúc Thanh tịnh, trạng thái tâm thức tinh tế nhất, và trong trạng thái thuần tịnh này thần thức của cô sẽ chuyển thành một vị Phật. Như vậy, cái chết của hành giả yoga không bao giờ là một điều đáng sợ mà lại được coi như một cơ hội vàng trong cuộc sống để nỗ lực.
Điều đó ít nhất là trong lý thuyết. Còn Tenzin Palmo giờ đây đang đối diện với sự thật.
Cô nói: “Tôi thực sự nghĩ rằng mình sẽ chết. Tôi có rất nhiều thời gian để nghĩ về nó. Tôi không lo lắng. Tôi suy nghĩ:
“Được rồi, nếu mình sẽ chết thì mình sẽ chết.” Tôi không sợ. Tôi nghĩ chắc sẽ thú vị khi được nhìn thấy điều gì sẽ diễn ra. Kể từ khi còn bé, tôi đã cảm thấy thân thể này chỉ là tạm bợ - do đó chúng ta đóng rất nhiều vai trò trong nhiều cuộc sống khác nhau. Vì vậy ở mức độ sâu xa, tôi không bao giờ thực sự đồng nhất mình với thân thể [không nghĩ thân thể là tôi hay ngã]. Tôi có những viên Thuốc được Ban Phúc để sẵn sàng cho và khi cái chết đến. Tôi kiểm điểm lại cuộc đời mình, cố gắng nghĩ về những điều tôi đã làm sai và những gì tôi đã làm đúng. Tôi cảm thấy mình thật may mắn. Tôi đã gặp nhiều lạt ma lớn và đã nhận được nhiều lời dạy tuyệt vời. Có rất ít những điều tiếc nuối. Một điều trở nên rõ ràng ở thời điểm này là tôi rất hạnh phúc vì tôi vẫn là một vị ni sư.”, cô tuyên bố. Những quyết định khó khăn của cô khi từ bỏ sự dễ chịu và niềm say mê của một mối quan hệ tình cảm riêng tư diễn ra không chỉ một lần trong cuộc đời cô cuối cùng đã thể hiện giá trị. “Nửa kia” của Tenzin Palmo, nửa bị hấp dẫn tới sự vui vẻ và phù phiếm của dòng đời cuối cùng dường như đã biến mất.
Tenzin Palmo giờ đây tự nhiên thấy bản thân mình đang hướng về người mà cô vẫn chung thủy trong suốt cuộc đời.
“Tôi cảm thấy sự sùng kính của mình đối với Khamtrul Rinpoche và những giọt nước mắt trào ra. Tôi thực sự biết vào lúc này điều gì là cần thiết và điều gì là không phù hợp. Tôi hiểu rõ rằng khi bạn chuẩn bị chết, thì điều duy nhất cần nhớ chính là vị lạt ma. Từ trong trái tim mình, tôi cầu nguyện Rinpoche hãy chăm sóc tôi trong cõi bardo và trong cuộc sống tương lai. Tôi có thể thấy rằng rút cục thì ông ấy không chỉ là một tu sĩ.”
Ý tưởng về những gì có thể xảy ra với cô khi cô vượt qua ranh giới vĩ đại giữa sự sống và cái chết vụt lóe lên trong tâm trí cô. Chúng là tích cực và giúp cô yên lòng, xác nhận quan điểm thông thường của người Phật tử rằng bất kỳ ai đã sống thì cũng sẽ chết. Cô nói: “Cá nhân tôi nghĩ bất kỳ ai đang nỗ lực trong cuộc sống này, thì sẽ tiếp tục nỗ lực trong cuộc sống kế tiếp. Tôi không thấy tại sao chúng ta lại nên thay đổi. Tôi tin bạn sẽ tìm thấy chính bản thân mình trong những người có cùng quan điểm như vậy – rằng tâm thức của chúng ta sẽ tiếp tục. Dĩ nhiên, tôi hy vọng rằng các thần bảo hộ trong thiền định của cá nhân tôi sẽ tới và chào đón tôi.” Cô ngụ ý tới những dạng thức đặc biệt của Tâm Giác Ngộ đã được lựa chọn cho phù hợp nhất với khả năng và tính khí của riêng cô. Đối với nhiều người Tây phương, việc được chào đón bởi các vị thần Tây Tạng, với răng nanh và thân hình có nhiều tay, nhiều đầu, có thể là một viễn cảnh đáng sợ. Tenzin Palmo không có sự e ngại đó. Cô nói: “Tất nhiên, dù là vị thần nào cũng sẽ xuất hiện trong một dạng thức phù hợp và làm cho ta vững tâm.”
Cô trầm tư về khả năng đi về một cõi Tịnh độ (thiên đường của đạo Phật), nhưng với niềm tin của cô vào sự tái sinh và lý tưởng Bồ tát. Cõi Tịnh độ vốn có những ý nghĩa khác biệt đáng kể đối với [Thiên đường theo] quan điểm của đạo Thiên Chúa: “Được sinh về Tịnh độ sẽ mang lại nhiều lợi ích. Nó rất thú vị. Ngoại trừ cảnh giới Niết bàn thì đó là niềm vui cao nhất.”
“Nhưng một Bồ tát thậm chí không bám víu vào nó. Các lạt ma cao cấp đã ở lại đó một thời gian rồi lại quay trở về đây. Bạn nên thấy Tịnh độ không phải là một trại nghỉ hè, mà nó giống như một chiếc nồi áp suất đem lại những tiến bộ nhanh chóng. Bạn tiến hóa rất nhanh ở đó bởi vì bạn không gặp một trở ngại nào. Ở đó, nhận thức của bạn về Tính Không (trí tuệ tối thượng rằng không có điều gì là tồn tại tự thân) được phát triển và hoàn thiện. Và đó là điều cần thiết nếu bạn trở lại và sống giữa đau khổ, bởi vì nhờ đó mà bạn hiểu tính bất nhị rằng bạn không bị khổ đau lấn áp và thực sự có khả năng giúp đỡ. Các đức Phật và Bồ tát đi tới mọi nơi để cứu độ, thậm chí cả ở địa ngục. Bạn không thể làm điều đó nếu bạn vẫn còn vọng tưởng như tất cả những chúng sinh ở địa ngục. Đó là lời nguyện của Bồ tát, vị anh hùng tâm linh theo cách hiểu của người Tây Tạng.” Cô giải thích.
Tenzin Palmo không có cơ hội nhìn cái chết tới như thế nào. Khi cô đang ngồi thiền, chuẩn bị cho sự chuyển kiếp của mình, cô lại nghe thấy giọng nói bên trong của mình. Nó nói một từ: “Đào lên”. Cô mở cửa động, cánh cửa mà Tshering Dorje làm để nó mở vào trong, và sử dụng một chiếc nắp hộp bằng thiếc để bắt đầu đào đường ra. Cô đào và đào, chất đầy tuyết vào phía trong động làm cho nó càng lạnh và ẩm ướt hơn. Cô đào được khoảng một tiếng đồng hồ hoặc hơn, không biết gì về con đường mà mình đang đi, đối với cô tất cả chỉ là một màu tối đen và không phương hướng, trong bụng thấy sởn gai ốc, đào đường hầm cho mình xuyên qua sự đen tối lạnh kẽo tới nơi cô hy vọng sẽ thoát ra ngoài và có ô xi. Bỗng nhiên cô thoát ra ngoài khoảng không và được tự do. Sự giải thoát thật vĩ đại.
Cô nói: “Lại được nhìn thấy ánh sáng và hít thở không khí trong lành thật là tuyệt. Tuy nhiên, trận bão tuyết vẫn còn nổi dữ dội nên tôi lại phải bò vào trong động một lần nữa. Một khi tôi đã ở đây, tôi nhận ra rằng không khí bên trong không cũ rích mà khá tươi mới. Sau đó, tôi biết rằng hang động có thể “thở”, tuyết “thở” và tôi sẽ không chết.”
Tuy nhiên, con đường hầm mà Tenzin Palmo đã tạo ra nhanh chóng bị tuyết lấp đầy. Trước sau cô đã phải đào đi đào lại tới ba lần. Khi cơn bão tuyết cuối cùng đã dịu đi, cô đứng bên ngoài gần như lóa mắt vì ánh sáng và nhìn xung quanh. Một cảnh tượng phi thường đập vào mắt cô. Mọi thứ, kể cả cây cối, đều ngập trong tuyết. Hoàn toàn là một vùng trắng xóa, không còn màu sắc nào khác. Một chiếc trực thăng bay phía trên, mang đồ cứu trợ đến khu vực bị tàn phá, và ai đó bên trong đang vẫy. Người dân làng giờ đây đã biết những lời cầu nguyện của họ cho sự an toàn của “Saab Chomo” (Ni cô phương Tây) trong hang động không còn cần thiết nữa, nhưng không ai nghĩ cô có thể sống sót.
Một bức thư viết cho một người bạn Anh đã đến thăm khu vực này cho thấy toàn cảnh của thảm họa gần như đã xảy đến bất ngờ với cô:
Nguyên nhân là do một trận tuyết lở tràn xuống ngay trước giữa đầu tháng Ba. Nó bắt đầu từ độ cao khoảng 5.700 mét và tràn xuống kéo theo mọi thứ trên đường đi của nó. Nhiều ngôi nhà ở Gungrang (trước Yornath) cũng bị phá hủy. Người ta ước tính trận lở tuyết này có bề ngang lên đến gần hai kilomét. Trong toàn Lahoul, có tới khoảng 200 người chết, đặc biệt là ở vùng Udaipur. Dòng suối mà chúng ta phải vượt qua để tới Keylong giờ đây đã trở thành một dòng sông băng dày vài mét, do đó một người có thể đi bộ qua nó mà không thấy một chút nước nào. Tayul Gompa cũng bị ngập đầy tuyết và mọi người ở đây cũng phải đào đường hầm để lấy lối ra. Tuyết đã ngập quá nóc tu viện của họ.
YornaTh(một ngôi làng gần đó) trông như vừa bị đập phá bởi một cuộc bạo loạn. Bốn căn nhà ở đây đã bị phá hủy hoàn toàn (trong đó có cả căn nhà lớn gần đường bên cạnh cửa hàng của Sonam Ngoedup). Ở đây có khoảng 35 người chết, gia đình họ bị xóa sổ. Tất cả các gia đình garrie đều bị chết, do đó không còn một người thợ rèn nào ở YornaThnữa. Một ngôi nhà ở Guskiar đã bị thổi tung nóc khi trận lở tuyết tràn qua với tốc độ 350 kilomét trên giờ. Đặc biệt, tất cả các cây từ YornaThđến Guskiar đều bị bật gốc – tất cả đều là những cây liễu già đáng yêu, nhiều cây đã khoảng 200 năm tuổi. Nơi đây trở nên tiêu điều. Như một cô gái ở Guskiar nhận xét, bạn khó có thể nhận ra nó nữa. Tseten đã dành ra khoảng sáu tuần làm việc cật lực chỉ để dọn các tảng đá, cây cối và các mảnh vỡ khác trên những cánh đồng của bà phần lớn tại vùng Yornath.
Dù sao, tự nhiên có một loạt công việc để dọn dẹp tất cả đám tuyết trắng nặng nề này và khuôn mặt tôi giống như Dorje Phagmo (một thần bảo hộ đỏ dữ tợn trong tư thế phồng mang trợn mắt). Đôi mắt tôi đỏ lên, không còn tí lòng trắng nào, và phồng lên nên tôi nhìn chằm chằm qua khe hở. Đau. Tôi buộc một chiếc khatag (khăn trắng của người Tây Tạng) quanh vành chiếc mũ mềm của tôi như một cái mạng che mặt và nó rất có hiệu quả.
Tenzin Palmo có thể đã thoát khỏi nguy hiểm, nhưng cái chết (như đức Phật đã nói rõ) là tất cả những gì quanh cô. Bà Lee Perry, một người lạc quan và có tâm cầu đạo, đã qua đời năm 1985 mà con gái bà không hề hay biết. Đó là một giá đắt phải trả cho khát vọng tâm linh. Vài tháng sau, Tenzin Palmo đã nhận được một lá thư báo cho cô biết rằng bà Lee bị bệnh ung thư rất nặng và mong cô trở về. Nhưng Tenzin Palmo đã bắt đầu kỳ nhập thất ba năm của mình và không điều gì có thể hay sẽ ngăn cản nó được. Đó là điều kiện bắt buộc. Cô giải thích: “Tôi phúc đáp lại giải thích vì sao tôi không thể trở về. Đó là bức thư khó khăn nhất mà tôi từng viết. Thậm chí nếu chính bản thân tôi bị bệnh ung thư, thì tôi cũng không được phép rời khỏi động.”
Một năm sau, khi thời gian đưa thư tới, có một thông báo từ một người bạn nói cho cô biết rằng bà Lee đã qua đời một cách thanh thản ở tuổi 78. Tenzin Palmo cầu nguyện cho mẹ và tự an ủi mình với ý nghĩ rằng bà Lee, cũng như bản thân cô, đều không sợ cái chết. Cô nói: “Mẹ tôi coi cái chết hoàn toàn như sự rời bỏ một thân xác cũ để bắt đầu lại tươi trẻ và nhiều năng lượng hơn. Tôi biết bà đang tìm kiếm những người hướng dẫn tâm linh cho mình, những người mà bà tin là họ sẽ gặp và chăm sóc cho bà.”
Tuy nhiên tâm hồn Tenzin Palmo không phải là hoàn toàn thờ ơ, vô cảm. Cô đã có một chuyến đi ngắn tới Luân Đôn để thăm mẹ vào năm 1984 - một năm trước khi bà mất. Lúc đó đã là 11 năm sau lần cuối cùng cô về thăm quê hương và cô nóng lòng muốn thấy mẹ mình trước khi cô nhập thất ba năm liền. Mặc dù cô thoải mái trong thời gian họ sống bên nhau, giờ đây cô nhìn lại cuộc thăm với đôi chút tiếc muối và tự trách cứ bản thân về những điều “đáng nhẽ phải xảy ra”, cũng như một người thường làm sau cái chết của người mà họ thương yêu.
“Tôi nghĩ tôi đã khá lạnh lùng với mẹ mình, và giờ đây tôi luôn luôn buồn vì điều đó. Mẹ tôi chấp nhận điều đó, tin rằng “các ni sư là như vậy”. Nhưng tôi đã sống quá lâu trong hang động và không quen có quan hệ gắn bó với con người. Chúng tôi sống thân ái, nhưng ngẫm kỹ ra tôi thấy mình quá nghiêm túc và tôi rất tiếc vì điều đó.” Cô thú nhận. “Giờ đây tôi nghĩ nhẽ ra tôi phải ấm áp thân tình hơn đối với bà.”
Khi đã đến lúc phải nói lời chia tay, bà Lee quay sang con gái và nói: “Mẹ cảm thấy đây là lần cuối cùng mẹ nhìn thấy con trong cuộc đời này.” Và bà nói thêm: “Mẹ cầu nguyện rằng mẹ sẽ lại là mẹ của con trong những kiếp sống về sau, để mẹ có thể giúp con tiếp tục đi trên con đường tâm linh của mình.” Đó là hành động vĩ đại nhất của tình yêu và sự ủng hộ mà bà có thể làm cho con gái mình.
Tuy nhiên, đối với tất cả sự tu tập của Tenzin Palmo, vẫn không có gì chuẩn bị cho cô đón nhận cái chết của thầy mình - Khamtrul Rinpoche. Mặc dù cô đã tách biệt ông về khoảng cách địa lý từ vài năm trước, ban đầu bằng cách chuyển đến Gompa ở Lahoul và sau này khi nhập thất trong hang động, nhưng mối liên hệ giữa họ vẫn còn gần gũi hơn bao giờ hết. “Mỗi khi tôi cảm thấy cần đến ông là tôi lại cầu nguyện ông. Tôi sẽ có những giấc mộng quan trọng mà trong đó ông xuất hiện.” Cô nói bí hiểm. Và những chuyến thăm Tashi Jong hàng năm của cô vẫn là một phần không thể thiếu trong cuộc đời cô. Sau đó cô sẽ ngồi với ông, cảm nhận sự bình an từ sự có mặt của ông và đón nhận những lời hướng dẫn thích hợp, riêng tư cho con đường tâm linh của mình.
Cô kể lại: “Tôi trở lại đó với những câu hỏi. Trong quá trình hành thiền của mình, tôi luôn có sẵn giấy bút ở gần nên tôi có thể ghi lại ngay những câu hỏi khi chúng vừa xuất hiện. Tôi đi vào và Khamtrul Rinpoche nghiêng người và nói: “OK, danh sách các câu hỏi của con đâu?” Và tôi trình ra một bản dài các câu hỏi. Những câu trả lời của ông hoàn toàn chính xác. Ông trả lời từ cả kiến thức chuyên môn lẫn kinh nghiệm cá nhân của mình. Ông thường nói: “Theo sách vở thì điều đó là như thế này, nhưng theo kinh nghiệm của cá nhân ta thì là như thế kia.” Ông luôn chính xác và đúng đắn. Và tôi luôn có thể trao đổi mọi thứ với ông. Đôi khi tôi đến gặp ông với một ý tưởng về thực hành mà tôi muốn áp dụng và ông sẽ gợi ý một vài điều khác mà tôi đã không nghĩ ra. Ngay khi ông nói, tôi biết là ông đúng. Đó là điều tuyệt vời của một vị thầy thực sự - ông ta biết tâm bạn và có thể hướng dẫn, lèo lái tiến trình tâm linh của bạn theo hướng tốt đẹp nhất cho bạn.”
Đó là vào năm 1981, khi cô đang ở Nepal, đón nhận vài lời dạy và từ tốn lên đường đi Bhutan để gặp Khamtrul Rinpoche, thì cô nhận được tin.
“Một ngày tôi được gọi đến tu viện. Tôi nghĩ tôi được gọi đến vì một vài lời dạy đặc biệt hay một thứ gì đó. Trên đường đi, tôi gặp một số người nói: “Trông cô rất hạnh phúc, chắc là cô chưa hay biết gì.” Và rồi, họ nói cho tôi biết. Tôi gần như ngất đi. Quá là khủng khiếp. Mọi thứ như sụp đổ hoàn toàn.” Thế giới của cô như sụp đổ. Theo cách nói của cô: “Mặt trời đã lặn và mọi thứ chỉ còn là bóng tối. Tôi cảm thấy như mình đang ở trong một sa mạc không người khổng lồ và những người hướng dẫn đã rời đi – hoàn toàn mất phương hướng.”
Khamtrul Rinpoche - vị lạt ma khỏe mạnh, cường tráng và thân mật, người đã sống một đời sống phi thường: từ một vị tu viện trưởng đầy quyền lực trong vùng trở thành một người tị nạn không xu dính túi - đã chết vì bệnh đái tháo đường ở tuổi 49. Ông chỉ trở bệnh có một tiếng đồng hồ trước khi chết. Nếu như các đệ tử hoàn toàn bất ngờ trước cái chết của ông, thì ông chắc chắn đã tự chuẩn bị cho mình tốt đẹp khác thường. Thông qua cách chết của mình, ông đã phô diễn toàn bộ sự thành thạo tâm linh và chứng minh cho người phương Tây thấy chính xác, tận mắt những gì có thể đạt được.
Giờ đây mọi người đã được thông báo rằng Khamtrul Rinpoche ở trong trạng thái tukdam (“ánh sáng trong sạch” của cái chết) trong vài tuần sau khi cái chết vật lý diễn ra – thân thể ông không bị phân hủy mà trông vẫn tươi tắn và không có mùi hôi thối. Ngạc nhiên hơn nữa là khi đến thời gian hỏa thiêu, những người đưa tang nhận thấy thân thể to lớn và đồ sộ của ông đã thu nhỏ lại một cách kỳ diệu thành bằng thân thể của một đứa trẻ tám tuổi. Chiếc quan tài mà họ làm sẵn cho ông giờ trở nên thừa thãi và họ phải nhanh chóng làm bù một chiếc khác nhỏ hơn. Việc thu nhỏ thân thể theo cách này không phải là điều bí ẩn đối với các lạt ma Tây Tạng cao cấp. Đối với những người đứng xem, đó là bằng chứng cho thấy rằng Khamtrul Rinpoche đã đạt đến mức độ cao của thành tựu tâm linh - một điều chỉ có thể được vượt qua bởi thành tựu tối thượng của việc đạt được “thân thể cầu vồng”. Do đó vào lúc chết toàn bộ thân xác sẽ phi vật chất hóa, chẳng để lại chút gì ngoại trừ móng tay, móng chân và tóc. Những điều trên có thể bị bỏ qua như một điều hư cấu trong khoa học tâm linh, bởi vì không có nhiều người làm chứng và thiếu các văn bản căn cứ để chứng minh.
Rilbur Rinpoche (một lạt ma cao cấp và sử gia đáng kính) kể rằng một vài người lão luyện có thể rút thần thức của họ [ra khỏi thân xác] theo ý muốn (thực hành phowa) trong khi vẫn đang ở trong tù cùng với ông. Ông nói: “Tôi nhìn thấy nhiều người ngồi trong góc xà lim và tự do chuyển sang một cảnh giới khác. Họ không hề bị ốm và họ cũng không có vấn đề gì cả. Những người gác tù không bao giờ có thể hiểu được điều đó.”
Trong cuốn sách nổi tiếng “Tạng thư sống chết”, Sogyal Rinpoche giải thích chính xác thân thể cầu vồng là gì và làm sao có thể đạt tới nó:
Qua những công phu cao cấp về Dzogchen này, những hành giả đã hoàn tất sự tu tập có thể đưa cuộc đời họ đến một kết thúc phi thường và vinh quang. Khi chết, họ có thể làm cho cơ thể mình tan hòa trở lại trong tinh chất ánh sáng của tứ đại đã tạo ra nó, và kết quả là cơ thể vật chất họ tan thành ánh sáng và biến mất hoàn toàn. Tiến trình này gọi là “thân thể cầu vồng” hay “thân thể ánh sáng,” vì sự tan rã cơ thể thường xảy ra đồng thời với sự xuất hiện tự nhiên của ánh sáng và cầu vồng. Những mật điển Dzogchen cổ xưa và trước tác của các bậc thầy vĩ đại phân biệt rõ ràng các loại khác nhau của hiện tượng lạ lùng này, bởi vì đã có một thời việc ấy xảy ra nếu không phải bình thường thì cũng khá thường xuyên.
Sogyal Rinpoche tiếp tục đưa ra một trường hợp của Sonam Namgyal, một người đã đạt được thân thể cầu vồng tại Đông Tây Tạng năm 1952:
Ông là một con người bình dị khiêm cung, làm nghề đẽo đá dạo, khắc những câu thần chú và kinh lên đá. Một vài người nói hồi còn trẻ ông đã từng làm thợ săn, và đã thụ giáo với một bậc thầy vĩ đại. Không ai biết sự thật ông là một hành giả, ông quả là một vị tu mật hạnh. Một thời gian trước khi chết, người ta trông thấy ông lên trên một đỉnh núi và cứ ngồi im lìm giữa nền trời, mắt nhìn vào không trung. Ông tự đặt ra những bài thánh ca để tụng đọc thay vì đọc những bài cổ truyền. Không ai biết ông đang làm gì. Rồi ông ngã bệnh hay dường như thế, nhưng lạ thay ông càng có vẻ sung sướng hơn. Khi bệnh tình trở nặng, gia đình ông thỉnh các bậc thầy và mời bác sĩ. Con trai ông dặn ông nên nhớ lại tất cả những giáo lý mà ông đã được nghe. Ông chỉ mỉm cười bảo:
- Ta đã quên tuốt luốt rồi. Vả lại chẳng có gì để mà nhớ. Mọi sự đều huyễn ảo, nhưng ta tin tất cả đều tốt đẹp.
Ngay trước khi chết, vào năm ông 79 tuổi, ông nói: - Tôi chỉ yêu cầu một chuyện là khi tôi chết, hãy để thi hài tôi yên ổn đừng động chạm trong một tuần lễ.
Khi ông chết, gia đình quàn thây ông và thỉnh các vị tu sĩ, lạt ma đến hành lễ cho ông. Họ đặt thi thể ông vào một phòng nhỏ trong nhà, và họ không thể không để ý rằng mặc dù bình thường ông cao lớn, lúc bấy giờ họ đưa ông vào đó rất dễ dàng, như thế là người ông thu nhỏ lại. Đồng thời có ánh sáng cầu vồng tỏa khắp xung quanh nhà. Vào ngày thứ sáu, khi nhìn vào căn phòng, người ta thấy thi thể ông càng rút lại thêm nữa. Ngày thứ tám sau khi ông chết, buổi sáng vào giờ làm tang lễ, những người phu đến để nhặt xác ông. Khi mở những vải liệm ra, họ không thấy gì ngoài ra là tóc và móng của người đã chết.
Thầy tôi Jamyang Khyentse bảo đem những di vật này đến cho ngài xem, và ngài đã xác nhận đấy là một trường hợp của thân thể biến thành ánh sáng cầu vồng.
Tenzin Palmo có câu chuyện của riêng mình. Cô nói: “Mọi người đều biết thân thể của Khamtrul Rinpoche thứ III đã co rút lại chỉ còn chưa đầy nửa mét. Đó không phải là thân thể cầu vồng thuộc loại tốt nhất (khi đó mọi thứ đều biến mất), nhưng như vậy cũng là quá tốt rồi. Thực sự ngay chính những người phương Tây cũng có thể đạt được những kỳ công này. Một lạt ma tên Khunnu Rinpoche nói với tôi rằng: hồi còn ở Kham, tất cả những cầu vồng này đã xuất hiện phía trên tu viện. Vào thời điểm đó, có một người Mỹ đang ở đó và ông chạy ra vào bảo anh ta ra xem những ánh sáng lạ thường xuất hiện trên bầu trời. Khi ông mở cửa phòng của người Mỹ này, ông không tìm thấy gì ngoài quần áo, móng và tóc của ông ta. Người ta nói rằng điều đó xảy ra với một người dường như bình thường (như một người Norbu già dưới phố). Không ai nghĩ đó là một hành giả giác ngộ.”
Nhưng vào năm 1981, Tenzin Palmo hiểu được ý nghĩa cái chết của vị đạo sư và hàng loạt những sự kiện thú vị sau đó. Ngay sau khi nghe tin, cô đã đi nhập thất. Nhưng cô nhanh chóng trở lại Tashi Jong để dự lễ hỏa thiêu. Sự kiện này đã hằn sâu trong tâm trí cô.
“Đó là một thời khắc không thể tin được. Có một ý thức mạnh mẽ về việc cùng ở bên nhau và chia sẻ. Trời mưa to và nhiều mây, và đêm trước lễ hỏa thiêu có một trận bão khủng khiếp. Họ đã xây một chiếc tháp (chứa hài cốt) thật đẹp và tôi nghĩ mọi thứ sẽ được rửa sạch. Tất cả các ngọn phướn đều được rửa, kể cả củi dùng cho hỏa thiêu. Buổi sáng của đám tang được bắt đầu sạch sẽ tinh tươm. Bầu trời xanh trong và mọi thứ đều được rửa sạch sẽ. Không có điều gì để chê trách cả. Thật là tuyệt vời. Thú vị là, ngày hôm sau mây lại kéo tới và trời bắt đầu đổ mưa.”
Những gì còn lại của Khamtrul Rinpoche được đặt vào trong tháp được dựng thẳng ngay bên cạnh điện mà ông đã thiết kế và tham gia xây dựng bằng chính đôi bàn tay của mình. Đó là một cấu trúc cao, hùng vĩ, trắng bóng, được xây theo quy tắc của siêu hình học và chứa một cửa kính nhỏ đằng sau có chứa một bức tượng Phật. Một điều ngạc nhiên là một hạt bồ đề tự mọc phía sau tấm kính và sau nhiều năm, một cây bồ đề đã mọc ra tới giữa khoảng trống bên trong tháp. Nó mọc lên từ trái tim của đức Phật [bức tượng]. Không ai biết vì sao nó lại có mặt ở đó, cũng như vì sao nó có thể phát triển dù không có chút đất nào. Có thể đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tuy nhiên đối với những tín đồ, đó là một bằng chứng nữa về trạng thái tỉnh thức của tâm hồn Khamtrul Rinpoche.
Nhưng theo nguyên tắc của Bồ tát thì các bậc thầy tầm cỡ như Khamtrul Rinpoche không còn phải lưu lại lâu [trong cõi trung ấm]. Ngay sau lễ hỏa thiêu, các đệ tử của ông bắt đầu tìm kiếm các đầu mối xác định những nơi có thể tìm được tái sinh của ông. Giống như những người săn thú lần theo dấu vết, họ tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào mà Khamtrul Rinpoche thứ VIII có thể để lại, đánh dấu phương hướng mà ông dự định sẽ xâm nhập lại vào thế giới này. Họ tìm thấy một bài thơ ông viết ngay trước khi chết, nghiên cứu nó kỹ lưỡng và nhận ra tên cha mẹ tương lai của ông được che giấu bởi phép đảo chữ cái ở cuối mỗi dòng. Cùng lúc đó, hai lạt ma kiệt xuất là Dilgo Khyentse Rinpoche và Karmapa (những người có mối quan hệ rất gắn bó với Khamtrul Rinpoche) đều có những giấc mơ quan trọng.
Tenzin Palmo tiếp tục câu chuyện: “Dilgo Khyentse Rinpoche mơ thấy ông đang định lên một ngọn đồi khi ông ngang qua một ngôi đền thì nghe thấy giọng nói của Khamtrul Rinpoche. Ông đi vào và nhìn thấy tất cả các vị sư bên trong và Khamtrul Rinpoche đang ngồi trên pháp tòa. Dilgo Kheyntse Rinpoche đi đến chỗ ông và nói: “Ông đang làm gì ở đây, tôi tưởng ông đã chết rồi cơ mà?” Và Khamtrul Rinpoche trả lời: “Tôi vượt qua sự sống và cái chết.” Sau đó, Dilgo Kheyntse Rinpoche hỏi: “Với lòng từ bi dành cho chúng sinh, ông đã chọn nơi nào để tái sinh?” và Khamtrul Rinpoche nói cho ông tên bố mẹ của mình. Ngài Karmapa cũng nhận được tên bố mẹ mới của Khamtrul Rinpoche trong một giấc mơ. Họ cũng nhận ta rằng việc tái sinh xảy ra ở nơi “khởi nguồn của đạo Phật”, nghĩa là Ấn Độ. Đó là một điều may mắn – ít nhất đó cũng không phải là Tây Tạng - nơi sẽ không thể vào tìm kiếm được.
Tuy nhiên, Ấn Độ là một đất nước rộng mênh mông để có thể tìm một con người nhỏ bé, nhất là một đứa trẻ. Cần phải có thêm những đầu mối khác. Cuối cùng, ngài Karmapa, trên tử sàng của mình tại Chicago, đưa ra một thông tin quan trọng còn thiếu: tên của địa điểm nơi Khamtrul Rinpoche sẽ tái sinh. Đó là Bomdila, ở Arunachal Pradesh, một thị trấn ở vùng Himalay gần Bhutan. Mặc dù nó ở phần bên kia của Ấn Độ kể từ Tashi Jong và thung lũng Kangra, nhưng cuộc tìm kiếm Khamtrul Rinpoche IX chắc chắn vẫn sẽ được tiến hành. Đứa trẻ được tìm thấy, xác nhận và phục chức tại Tashi Jong để tiếp tục trách nhiệm tâm linh của mình mà các bậc tiền bối kiếp trước của cậu đã để lại.
Khamtrul Rinpoche IX là một cậu bé ít nói, hướng nội và nhỏ con so với Khamtrul Rinpoche, vốn là một người cao to và thân mật. Trong tâm trí của Tenzin Palmo, cậu vẫn là thầy của cô – tái sinh của người mà cô có tình thương sâu đậm. Cậu mới ba tuổi, khi cô gặp cậu lần đầu tiên. Cô đến cuộc gặp với đôi chút hồi hộp, lo lắng liệu mối quan hệ của cô với tiền thân của cậu có tiếp diễn như cũ hay không.
Cô thừa nhận: “Tôi thấy lo sợ. Tôi tự hỏi cậu bé sẽ nghĩ gì về “người phương Tây trông xa lạ này”. Tôi nghĩ có thể cậu ấy sẽ òa lên khóc.” Nhưng mọi thứ lại diễn ra không như cô dự đoán. “Tôi đi vào, bắt đầu quỳ xuống và cậu bé bắt đầu cười. Cậu ta nói: “Ồ, nhìn kìa, đó là ni sư của tôi, đó là ni sư của tôi.” Cậu khá thú vị. Vị thị giả quay sang cậu và nói: “Đúng rồi, đó là ni sư của cậu, cô ấy đã là đệ tử của cậu trong thời gian dài.” Khamtrul Rinpoche bé nhỏ lại cười với tôi và đưa cho tôi đồ chơi của cậu. Chúng tôi dành cả buổi sáng để chơi và chạy vòng vòng với nhau. Vị thị giả nói rằng hành vi như vậy là rất khác thường, vì nhìn chung cậu rất xấu hổ và lãnh đạm đối với người lạ.”
Nếu như vị tái sinh trẻ ngay lập tức nhận ra “ni sư của cậu”, thì Tenzin Palmo phải mất nhiều thời gian hơn mới tìm thấy những điểm tương đồng với Khamtrul Rinpoche trước đây. “Cậu ấy giống và không giống với Khamtrul Rinpoche trong quá khứ. Trước hết, cậu ta còn quá ít tuổi so với tôi, trong khi người kia giống như cha của tôi vậy, do đó có một sự khác biệt rất lớn. Tôi cũng được bảo rằng Khamtrul Rinpoche trước kia khi còn nhỏ là một người khiến mọi người khiếp sợ, trong khi cậu bé này rất ngọt ngào, hòa nhã và tinh tế. Nhưng cách cậu ta nhìn tôi – nhìn thẳng vào mắt tôi – hoàn toàn đúng với cách mà Rinpoche đã làm, nhìn hàng phút đồng hồ mỗi lần. Và đôi khi, lúc tôi đang ở bên cậu, không suy nghĩ về một điều gì đặc biệt, lòng sùng kính khó tin lại trào lên trong trái tim tôi. Nó mạnh và tự nhiên đến mức làm tôi òa khóc.
Những ký ức về vị Khamtrul Rinpoche VIII đáng quý vẫn còn sống động trong tâm trí cô. Cô nhanh chóng quay về động với quyết tâm cao hơn về việc tiếp tục hành trình tìm đạo của mình. Cô nói: “Tôi cảm thấy rằng điều duy nhất mà tôi thực sự có thể làm được để đền ơn vị thầy của mình là thực hành, thực hành và thực hành.”