Chương 8: Hang động
Tenzin Palmo cùng một nhóm nhỏ những người đồng hành bắt đầu trèo lên đỉnh núi đứng sau tu viện Tayul Gompa để tìm cái hang động mà họ đã nghe nói tới. Họ lê từng bước một trên con đường lên dốc, ngày càng đi xa nơi cư trú của con người hơn. Càng lên cao, vượt qua những thảm cỏ ngát hương tỏa ra mùi hương ngan ngát mỗi khi chạm vào chúng, trèo lên cao hơn khoảng 350 mét so với Gompa, lồng ngực của họ như nổ tung vì cố gắng và vì độ cao. Đây không phải là một chuyến đi vất vả của những người nhút nhát hay dễ hụt hơi. Con đường nguy hiểm và không an toàn trên mỗi bước chân. Không có lối nào để đi theo và ngay bên dưới là vách đá dựng đứng. Ở nhiều nơi, con đường còn trở nên nguy hiểm hơn vì những luồng rộng đầy đá răm – đá cuội và đá nhỏ nhiều hình dạng mà ngọn núi vươn lên trên chúng đều đặn giũ sạch như thể khó chịu vì sự hiện diện của chúng.
Không nản lòng, họ tiếp tục tiến bước. Sau hai giờ leo trèo, họ bất ngờ vượt qua nó. Nó nằm chen lẫn hài hòa với ngọn núi như thể được “ngụy trang” đến mức họ vẫn không nhận ra nó đang ở đó ngay khi họ gần như ở trên nó. Đó rõ ràng không phải một cái động giống như trong trí tưởng tượng của ai đó, hay trong những bộ phim của Hollywood. Ở đây không có chỗ trũng sâu bên sườn núi, với một lối vào khá lớn, gọn gàng và một cái sàn bẩn thỉu, bằng phẳng, tạo ra một không gian sống ấm cúng và độc lập kiểu thời nguyên thủy. Nó ít ỏi, ít ỏi hơn thế nhiều. “Hang động” này không hơn gì một phần nhô ra trên một mép rìa tự nhiên của ngọn núi với ba mặt mở cửa ra môi trường bên ngoài. Nó có một cái nóc dốc đứng khiến cho bạn phải khom mình khi đứng dưới, một cái tường lởm chởm, nghiêng về phía sau và xa hơn ngoài rìa núi chính là cái dốc dựng đứng xuống dưới thung lũng Lahoul. Nói cho văn hoa thì nó là một nơi ẩn náu. Nói phũ phàng thì nó chỉ là một chỗ hõm vào trong đá. Nó cũng nhỏ không thể tưởng tượng được: một không gian chỉ chừng ba mét rưỡi chiều ngang và hơn hai mét chiều sâu. Nó trông như một cái hộp diêm. Một ngăn nhỏ cho sự giam hãm trong cô độc.
Tenzin Palmo đứng trên một gờ đá nhỏ và xem xét mọi thứ xung quanh. Quang cảnh khá tuyệt vời. Không gì có thể đẹp hơn được nữa? Trước mắt cô, trải dài trong đường cung 180 độ, là một dãy khổng lồ các ngọn núi. Cô như ngợp mắt trước những đỉnh núi này. Bây giờ là mùa hè nên chỉ có những đỉnh núi là bị phủ tuyết. Nhưng trong tám tháng mùa đông, chúng sẽ tạo thành một bức tường trắng vĩ đại vươn tới tận bầu trời xanh trong, tinh khôi, không chút vẩn đục. Ánh sáng trong suốt như pha lê, nhuộm mọi thứ trong một thứ ánh sáng mờ ảo. Không khí rạng rỡ, khô và lạnh. Sự yên tĩnh sâu thẳm. Chỉ có những dòng nước xanh xám đang chảy của sông Bhaga phía dưới, tiếng xì xào của ngọn gió và đôi lúc là tiếng vỗ cánh của những con chim là phá tan sự yên tĩnh nơi đây. Ở bên phải cô là một rừng bách nhỏ - nơi có thể cung cấp nhiên liệu. Bên trái cô, cách xa khoảng 400 mét là một con suối, róc rách chảy giữa những tảng đá - một nguồn nước sạch cần thiết cho sự sống. Và phía sau cô lại là những ngọn núi xếp hàng như những người lính gác. Đối ngược với tất cả những năng lực đáng sợ xung quanh cô, cùng sự cô đơn tuyệt đối, hang động và những gì quanh nó cho cảm giác hòa bình và nhân từ, cũng như những ngọn núi dường như tạo cảm giác an toàn với kích thước khổng lồ và sự vững chãi của chúng. Nhưng tất nhiên, đấy chỉ là sự tưởng tượng, bởi vì những ngọn núi cũng vô thường như tất cả mọi thứ “do duyên sinh” khác.
Cô đang ở độ cao hơn 4.000 mét so với mặt biển – một độ cao chóng mặt. Ở độ cao này giống như sống dưới đỉnh Mount Whitney trong ngọn Rockies hay không xa với đỉnh Mont
Blanc. So sánh với độ cao này thì ngọn núi cao nhất của Anh, Ben Nevis, ở độ cao 1.340 mét, chỉ là một chàng lùn. Nó sẽ phải chồng liên tiếp ba lần mới đạt tới độ cao mà Tenzin Palmo đang đứng. Ở đây cặp mắt được vươn cao và vươn xa, mang lại cho tâm hồn sự tự do, vượt ra khỏi những ranh giới hạn hẹp của tầm nhìn dưới mặt đất. Người ta không bao giờ thắc mắc rằng những đỉnh núi cao nhất luôn là nơi lý tưởng cho các thiền giả ẩn tu.
Tenzin Palmo chấp nhận ngay hang động này mặc dù kích cỡ nhỏ hẹp của nó và việc ở nhô ra trên ngọn núi là đáng thất vọng. Cô nói “Ngay lập tức tôi biết đấy chính là nó [hang động mà tôi tìm]”. Nó có tất cả mọi thứ cô cần. Ở đây, ở trên cao như một con chim đại bàng trên đỉnh của thế giới, cô sẽ gần như hoàn toàn không bị quấy rầy bởi sự ồn ào huyên náo của quan hệ con người. Cô sẽ có sự tĩnh lặng hoàn toàn mà cô đang tìm kiếm. Cô biết sự tĩnh lặng là cần thiết như thế nào cho việc nội quán của mình, cũng như các tất cả các thiền giả khác, vì chỉ trong chiều sâu của sự thinh lặng, [thiền giả] mới có thể nghe được tiếng nói của Tuyệt đối. Cô có thể ẩn dật trong hang động nhỏ bé này để theo đuổi việc thực hành tâm linh mà không bị ai làm gián đoạn. Cô có thể đi ra ngoài nhìn những ngọn núi và bầu trời vô tận. Cô sẽ không gặp ai cả. Cũng sẽ không có ai gặp cô.
Còn có những điều hấp dẫn khác. Liên quan đến câu hỏi của cô về việc đạt được Giác ngộ trong thân nữ, cô đã tình cờ đi vào trung tâm của năng lượng tâm linh nữ giới. Trên đỉnh ngọn núi đối diện là một tảng đá đen kỳ lạ được người dân địa phương gọi là “Nữ hoàng của Keylong”. Ngay giữa mùa đông, nhưng không hiểu sao nó vẫn không có tuyết phủ. Khi đến gần hơn để kiểm tra, người ta có thể nhìn thấy cái bóng của một người phụ nữ đang quỳ, quấn một cái áo choàng với một đứa trẻ đang bú và một cánh tay đưa ra cho một con chim nhỏ ăn. Trong cặp mắt của người phương Tây, nó giống kỳ lạ với Madonna và đứa trẻ, nhưng đối với người Lahoul đó chính là Tara - vị Phật nữ của Lòng Từ Bi. Ở phía trên, tại một vách núi gần đó, bạn có thể tìm thấy một bức tranh phủ mầu vàng xanh cũng của nữ thần này. Nó dường như đã tình cờ xuất hiện ở đây từ vài thế kỷ trước, tự di chuyển mình từ bờ đối diện bên kia thung lũng, và hình dáng của nó vẫn có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Người ta nói rằng ở phía dưới con đường, cách không xa hang động, là nơi mà Palden Lhamo - vị thần hộ pháp đầy sức mạnh của đạo Phật - sinh sống. Theo truyền thống, vị này cưỡi một con la. Vài năm sau, có lần Tenzin Palmo đã nhìn thấy những dấu chân của một con la in trên tuyết ở địa điểm đặc biệt này. Điều kỳ lạ là không có dấu chân nào khác dẫn đi hay dẫn đến nơi đó.
Tất cả mọi thứ đều hoàn hảo. Cuối cùng, cô có thể hiến dâng toàn bộ năng lực và thời gian của mình cho việc thiền quán thâm sâu và kéo dài ở đây. Cô có thể bắt đầu thám hiểm những bí mật của thế giới nội tâm – thế giới mà người ta nói rằng nó chứa đựng sự bao la và kỳ diệu của toàn thể vũ trụ.
Nếu như cô hạnh phúc với việc khám phá ra hang động của mình thì những người đồng hành với cô lại không nghĩ như vậy. Họ nêu ra cho cô thấy tất cả những sự phản đối và nản lòng của mình. Chính những điều này đã từng ngăn cản những người phụ nữ muốn tham gia vào việc hành thiền nghiêm túc ở một nơi hoàn toàn cô lập trong suốt thời gian qua. Tenzin Palmo khéo léo chặn đứng từng thứ một.
Họ cùng nói: “Nó cao quá. Không ai có thể sống sót ở trên độ cao đó, nhất là một người phụ nữ đơn độc. Cô sẽ chết mất.”
Cô trả lời: “Nhưng hang động ấm hơn trong nhà. Chúng tự điều hòa nhiệt độ. Nhà tôi ở Tayul khá lạnh trong mùa đông, nhưng tôi vẫn sống được. Cái hang này sẽ còn ấm hơn.”
Họ vặn lại: “Ồ, ở đây sống quá xa mọi người, cô sẽ chỉ là một con vịt đang ấp trứng [ngồi yên một chỗ] để cho bọn trộm đột nhập vào và cưỡng bức cô.”
Cô tranh luận lại: “Làm gì có trộm ở Lahoul. Bản thân mọi người cũng thấy những người phụ nữ Lahoul đi bộ với những món nữ trang của họ một cách rất thoải mái và không có ai tìm cách cưỡng bức họ cả.”
Họ cố thuyết phục thêm: “Những tên đàn ông từ trại lính sẽ trèo lên và cướp đoạt cô.”
Cô đáp trả: “Khi chúng trèo lên được tới độ cao này thì chúng cũng đã quá mệt rồi và tất cả những gì chúng muốn chỉ là một tách trà mà thôi.”
Họ tiếp tục: “Thế còn ma thì sao? Cô không biết nơi này vẫn bị ma ám hay sao? Cô sẽ bị nguy hiểm.”
Lần này thì tiếng Tây Tạng [còn kém] của cô đã làm cô hiểu nhầm. Tin rằng mọi người đang nói về rắn chứ không phải ma (hai từ này trong tiếng Tây Tạng phát âm gần giống nhau), cô vô tình trả lời: “Ồ, tôi sẽ không phiền lòng về chúng đâu.” Lời tuyên bố lãnh đạm này khiến những người phản đối cô im lặng, nhưng trong thâm tâm họ vẫn không thấy thuyết phục.
Họ kiên quyết: “Ồ, chúng tôi sẽ không thể giúp cô chuyển lên đây đâu, vì nếu làm như vậy thì chúng tôi sẽ chỉ giúp cô đi đến cái chết mà thôi. Và chúng tôi không muốn góp phần vào điều đó.”
Cô hỏi: “Nếu tôi được sư phụ tôi, ngài Khamtrul Rinpoche cho phép, thì mọi người có đồng ý giúp tôi hay không?” Cuối cùng, họ gật đầu. Một bức thư nhanh chóng được gửi đến Tashi Jong, và sau khi hỏi cô vài câu hỏi về vị trí và điều kiện của hang động, ngài Khamtrul Rinpoche đã đồng ý. Sự phản đối cuối cùng đã bị dẹp tan.
Tenzin Palmo đã vượt qua một vấn đề tranh luận diễn ra suốt nhiều thế kỷ qua khẳng định rằng phụ nữ không có khả năng nhập thất lâu dài tại những địa điểm hoàn toàn cô lập để phát triển lên những trình độ tâm linh cao hơn. Với việc nhập thất để tìm kiếm Giác ngộ này, cô cũng trở thành người phụ nữ phương Tây đầu tiên theo sau bước chân của những hành giả yogi phương Đông xa xưa.
Tuy nhiên, trước khi cô có thể bắt đầu công việc vĩ đại của mình, cần phải sửa chữa hang động để nó có thể ở được. Với sự giúp đỡ của những bạn bè tại Lahoul, cô thuê nhân công xây đằng trước và bên sườn động những bức tường rất dày để chống lại cái lạnh khắc nghiệt. Một khu nhỏ bên trong được ngăn ra để dùng làm kho chứa thức ăn. Điều đó là cần thiết nhưng nó sẽ làm không gian sống vốn chật hẹp của cô giảm xuống còn một khoảng nhỏ xíu rộng hai mét và sâu hai mét. Sàn động cũng được khoét để giúp cho căn phòng của cô đứng vững. Sau đó cho một ít đất nung lên trên, rồi các phiến đá, rồi lại một lớp đất nung nữa. Họ làm một cái cửa sổ và một cái cửa ra vào. Tshering Dorje kiên quyết để cửa mở vào trong – dấu hiệu chứng minh sự vô giá của Pháp mà ta đang thực hành. Sau đó, họ trát bùn và phân bò lên tường và sàn. Tiếp theo họ dựng lại gờ tường bên ngoài, bao ngoài một cái sân trong - nơi Tenzin Palmo có thể ngồi và tắm nắng trong một quang cảnh ngoạn mục. Cuối cùng, họ xây dựng một bức tường đá xung quanh như vành đai của hang động để giữ cho các con thú hoang ở ngoài và tạo một ranh giới cho khu vực nhập thất của cô.
Bên trong động, Tenzin Palmo bày biện các đồ nội thất của mình: một lò sưởi đốt củi, di sản của hội truyền giáo Moravian (những người đã cố gắng cải đạo người Lahoul) với một cái ống khói thọc ra ngoài bức tường phía trước; một hộp gỗ để làm bàn phủ bằng khăn trải bàn hoa, một cái xô múc nước. Trên các bức tường, cô treo những bức tranh các vị Phật, Bồ tát trong rất nhiều hình dạng khác nhau. Một chỗ hõm thuận tiện trên tường trở thành tủ sách để cho cô đặt những cuốn kinh quý báu, được gói cẩn thận trong vải màu vàng để giữ các trang sách lại với nhau (vì nghệ thuật đóng sách chưa bao giờ xuất hiện tại Tây Tạng). Trên một gờ tường tự nhiên, cô đặt nhưng vật dụng tôn giáo như chày kim cương (dorje) và chuông: tiếng sét thần bí báo hiệu lòng từ bi và tiếng chuông Tính không hay tuệ giác. Đó là hai “cánh” của Phật giáo Tây Tạng [từ bi và trí tuệ] mà khi được nhận ra, chúng sẽ giúp bạn bay trên con đường Giác ngộ. Dựa vào tường là bàn thờ của cô, trên đó là hình ảnh các vị Phật, Bồ tát mà cô sẽ thiền quán, một bức họa thu nhỏ tháp chứa hài cốt (đại diện cho Tâm Phật) và một bản kinh (tượng trưng cho Pháp). Phía trước đó, cô để bảy cái bát nhỏ để cúng nước. Chúng đại diện cho bảy món quà dâng lên bất kỳ vị khách quý nào ban vinh dự cho căn nhà của bạn với sự hiện diện của họ: nước uống, nước rửa chân, hoa, thức ăn, mùi hương, ánh sáng và âm nhạc.
Và sau đó là một vật kỳ lạ nhất: một chiếc hộp để ngồi thiền. Đó là một chiếc hộp gỗ vuông vắn mỗi bề 80 phân và cao hơn mặt đất một chút để giúp cho thiền giả tránh khỏi hơi ẩm bốc lên. Đây là nơi cô sẽ sử dụng phần lớn cuộc đời của mình. Trải qua nhiều năm, cô phát triển một sự quyến luyến, gắn bó đáng kể đối với nó. Cô nói nhiệt tình: “Tôi yêu cái hộp ngồi thiền của tôi. Tôi quấn mình trong áo choàng và hoàn toàn thoải mái ở đây, không bị gió lùa.”
Khi kết thúc, cái lỗ hở, lởm chởm trên núi này được chuyển thành một cái nhà nhỏ xinh đẹp với trần đá cong, khác thường như đang mở ra những trang sách của một câu chuyện thần tiên. Ngay lập tức, nó xua đi bất kỳ ý niệm sáo rỗng nào về cuộc sống trong hang động.
Tenzin Palmo thừa nhận: “Đó là một cái động rất tốt.
Những người ít ỏi đến được đây đều rất ngạc nhiên khi thấy nó ngăn nắp và ấm cúng như thế nào. Tất nhiên là nó nhỏ. Không có phòng để nhảy! Mặc dù vậy tôi vẫn tập các bài Hatha Yoga ở đây trong thời gian nhập thất. Yoga là tuyệt vời trong việc quân bình lại cơ thể sau khi tôi ngồi thiền và giúp tôi giải quyết các vấn đề với xương sống của mình”, cô nhắc tới những bệnh tật ngày trước đã hành hạ cô từ khi cô sinh ra. “Nhưng hang động quá nhỏ nên tôi phải thực hiện các động tác khác nhau trong những phần khác nhau của hang, tùy vào việc ở đâu có đủ khoảng trống.”
Didi Contractor là một người đã tận mắt nhìn thấy hang động. Cô là một phụ nữ to lớn với mái tóc xám, giờ đây đang ở độ tuổi cuối 60. Cô đã đi từ Ấn Độ tới California từ nhiều thập kỷ trước và có một cuộc đời đầy mầu sắc trong một đại gia đình với người chồng Ấn Độ của mình. Cô gặp Tenzin Palmo trong một chuyến thăm Khamtrul Rinpoche và hai người vẫn giữ liên lạc với nhau. Là một nhà thiết kế nội thất (chịu trách nhiệm cho những khu vực nổi tiếng như Lake Palace ở Udaipur), cô muốn dùng con mắt chuyên nghiệp của mình xem xét sự thu xếp chỗ ở không chính thống của Tenzin Palmo để chắc rằng cô được an toàn. “Việc leo trèo là rất nguy hiểm, đặc biệt khi đi trên những vụn đá nhỏ rất dễ rơi xuống. Tôi nhìn xuống những căn nhà bé tí xíu ở dưới thung lũng và nghĩ “Nếu bị rơi xuống đây thì mình sẽ nát như tương.” Tuy nhiên, Tenzin Palmo - người đi hộ tống tôi - nhảy trên núi như con sơn dương. Cuối cùng, tôi đến nơi an toàn. Hang động rất an toàn và chắc chắn. Những bức tường khá dày. Mặc dù vậy, tôi đã lắp thêm kính đôi cho cô ở chỗ cửa sổ. Quan trọng nhất là nó có hướng nam. Điều đó có nghĩa là nó sẽ có ánh nắng mặt trời suốt ngày - một điều cần thiết trong mùa đông. Nhưng lạy Chúa, nó quá nhỏ. Chỉ có một phòng cho tôi trải cái túi ngủ xuống bên cạnh cái hộp ngồi thiền của cô.
Sau khi thu xếp xong hang động, Tenzin Palmo chuyển vào và bắt đầu lối sống phi thường của mình. Cô đã 33 tuổi. Đây sẽ là căn nhà của cô cho đến khi cô 45 tuổi.
Những câu hỏi mà cô thắc mắc hoàn toàn là về vấn đề tâm linh nhưng trước khi cô có thể tập trung đào sâu vào lĩnh vực phi vật chất này thì trước hết cô phải thu xếp được những công việc hết sức trần tục để đảm bảo sự sống sót dù rất giản dị mà thôi. Đối với một phụ nữ quen với sách vở, sống trong một thế giới khác và rõ ràng là không khỏe mạnh thì đó quả thật là một thách thức to lớn.
Cô thú nhận: “Tôi chưa có chút kinh nghiệm thực tế nào. Giờ đây tôi phải học làm vô số công việc chân tay cho bản thân mình. Cuối cùng tôi phải tự ngạc nhiên rằng tại sao tôi lại có thể quản lý tốt và trở nên tự tin đến như vậy.” Thứ cần ưu tiên nhất là nước.
Cô giải thích: “Ban đầu tôi lấy nước từ suối, nằm cách đó khoảng 400 mét. Vào mùa hè, tôi phải đi vài chuyến, mang nước về động bằng chiếc xô trên lưng. Vào mùa đông, khi tôi không thể đi ra ngoài, tôi làm tan tuyết. Nếu như bạn đã từng cố làm tan tuyết, thì bạn sẽ biết điều đó khó khăn như thế nào. Một khối tuyết lớn chỉ cho bạn một chút nước. May mắn là trong mùa đông, bạn không cần nhiều nước bởi vì bạn không thực sự cần giặt giũ hay tắm rửa, nên bạn có thể sử dụng nước rất tiết kiệm. Sau đó, khi tôi đã nhập thất được ba năm, và không thể đi ra ngoài ranh giới của mình, có ai đó đã chi tiền để làm một đường ống dẫn nước vào tận trong động. Đó là một sự giúp đỡ vô cùng ý nghĩa.”
Điều ưu tiên thứ hai là thức ăn.
Tất nhiên là chẳng có gì ăn được trên vùng núi hoang vu này. Không có bụi cây có quả nào. Không cây ăn quả. Không có cánh đồng lúa mì nào. Thay vào đó, cô thu xếp nguồn cung thực phẩm được mang từ làng lên vào mùa hè, nhưng đa phần chúng không được chuyển đến tận nơi và Tenzin Palmo phải chạy lên chạy xuống để tự mang vác chúng. Cô nói: “Điều đó mất rất nhiều thời gian và công sức.” Ngoài ra, Tshering Dorje chịu trách nhiệm với một công việc nặng nề hơn là cung cấp thức ăn cho ba năm nhập thất của cô:
Ông kể lại: “Tôi thuê người và lừa để chở lên tất cả những gì mà cô ấy cần. Chúng bao gồm dầu lửa, tsampa, gạo, bột đậu lăng, rau khô, bơ sữa trâu, dầu ăn, muối, xà phòng, sữa bột, chè, đường, táo và các thứ khác cho nghi thức cúng dường như là bánh kẹo và hương. Ngoài ra, tôi còn thuê cả những người tiều phu đốn và mang củi lên.”
Để đảm bảo nguồn thức ăn tươi, Tenzin Palmo trồng một khu vườn. Ngay dưới gờ tường bên ngoài động, cô đã tạo nên hai khu vườn nhỏ để trồng rau và hoa. Thức ăn để nuôi sống thân thể, còn hoa để nuôi dưỡng tâm hồn. Trải qua nhiều năm, cô đã kinh nghiệm được về những gì có thể sống sót được trên mảnh đất đầy sỏi đá này. Cô khen ngợi: “Tôi đã cố gắng trồng tất cả các loại rau như bắp cải và đậu Hà Lan nhưng những con thú đã ăn chúng. Thứ duy nhất chúng không chạm tới là củ cải và khoai tây. Qua nhiều năm, tôi thực sự khám phá ra những ưu điểm của củ cải. Bây giờ tôi sẵn sàng hơn bao giờ hết để quảng cáo cho củ cải. Tôi phát hiện ra củ cải là một loại rau có hai mục đích. Bạn có những cây củ cải xanh đẹp đẽ, trên thực tế là loại rau xanh nhiều dinh dưỡng nhất, và hai là chúng rất ngon, đặc biệt khi còn non. Không có bữa ăn sành điệu nào trên thế giới có thể so sánh với miếng củ cải xanh đầu tiên bạn ăn sau một mùa đông dài. Và nếu bạn có thêm hành, thì điều đó cũng rất tuyệt. Cả hai thứ đều có thể được cắt nhỏ và phơi khô, nhờ đó bạn có thể có những loại rau tuyệt vời này trong mùa đông. Thực sự tôi đang chờ đợi cuốn sách 108 cách nấu củ cải nhưng nó chưa bao giờ xuất hiện”. Cô vui vẻ nói.
Cô ăn một lần trong ngày vào giữa trưa, như các tăng ni đạo Phật khác. Thực đơn của cô khá đơn giản, tốt cho sức khỏe và khẩu vị đơn điệu đến mức khó chịu. Mỗi ngày cô ăn cùng một loại thức ăn: gạo, đậu lăng và rau; trộn cùng với nhau trong nồi áp suất. Cô nói: “Chiếc nồi áp suất là vật dụng xa xỉ của tôi. Nếu không có nó, chắc hẳn tôi đã mất nhiều giờ đồng hồ để ninh đậu lăng.” Đồ ăn đạm bạc này được ăn cùng với bánh mì chua (mà cô tự làm) và tsampa. Nước uống duy nhất của cô là chè với sữa bột. (Một điều thú vị là cô không thích uống chè bơ với muối như truyền thống của người Tây tạng). Món tráng miệng của cô là một miếng hoa quả nhỏ. Manali nổi tiếng về táo và Tshering Dorje cung cấp cả một hộp táo này. “Tôi ăn nửa quả mỗi ngày và đôi khi là vài quả mơ khô.”
Điều đó đã diễn ra trong suốt 12 năm. Không có một sự thay đổi nào, không có những món ăn trong các bữa tiệc như bánh ngọt, sô cô la, kem – những món ăn mà con người thường thay đổi để tránh sự đơn điệu, nhàm chán hay căng thẳng trong công việc. Cô tuyên bố là cô không hề thấy phiền lòng. Cô giải thích: “Tôi không thể đi xuống Sainbury mỗi khi tôi cần một thứ gì đó. Thực sự, tôi đã quen với việc ăn một lượng nhỏ đến mức khi tôi rời động, mọi người thường cười khi nhìn thấy tôi chỉ ăn nửa quả táo, nửa lát bánh mì nướng, và nửa lượng mứt. Nhiều hơn một chút dường như là lãng phí và thái quá.”
Và sau đó là đến cái lạnh. Cái lạnh khủng khiếp, thấu xương diễn ra liên tục từ tháng này qua tháng khác. Trong thung lũng bên dưới, nhiệt độ thường giảm xuống -35 độ C trong mùa đông. Trên đỉnh núi này thì thời tiết còn lạnh lẽo hơn. Những đống tuyết lớn đâm sầm vào động của cô và kèm theo là gió gào thét. Một lần nữa, Tenzin Palmo nhìn mọi thứ một cách lạc quan. “Đúng như tôi đoán, hang động ấm áp hơn trong nhà. Nước cúng trong chén trước bàn thờ của tôi không bao giờ bị đóng băng như ở nhà tôi tại Tayul Gompa. Ngay cả trong nhà kho, nơi không bao giờ có hơi ấm, nước cũng không bị đóng băng. Sự thật là trong hang động, nếu trời bên ngoài càng lạnh, thì bên trong càng ấm hơn và nếu trời bên ngoài càng nóng, thì bên trong càng mát hơn. Không ai tin điều này khi tôi bảo với họ, nhưng những hành giả yogi đã nói với tôi và tôi tin họ.” Cô khẳng định.
Đối với tất cả những sự khác biệt mà cô tuyên bố, cái lạnh chắc hẳn là khắc nghiệt. Cô chiếu sáng hang động của mình chỉ một lần mỗi ngày vào buổi trưa và sau đó chỉ nấu bữa ăn trưa. Điều đó nghĩa là khi mặt trời lặn cô bị bỏ lại trong hang động mà không còn chút nguồn hơi ấm nào. Làm sao cô có thể sống sót được. “Chắc chắn là tôi lạnh, nhưng điều đó có làm sao?” Cô nói bướng bỉnh, trước khi dịu giọng xuống: “Khi bạn đang thực hành, bạn không thể nhảy lên để đốt lò sưởi (hay bếp). Ngoài ra, nếu bạn thực sự tập trung thì bạn sẽ thấy ấm áp.” Lời giải thích của cô gợi ra câu hỏi về việc cô đã mất bao nhiêu thời gian để phát triển ngọn lửa tâm linh - tumo [tam muội chân hỏa], giống như Milarepa đã từng làm trong hang động đóng băng của ông nhiều thế kỷ trước và các vị Todgen, những người đã làm khô những tấm khăn ướt vắt trên thân thể cởi trần của họ trong những buổi tối mùa đông lạnh lẽo ở Dalhousie. Cô chỉ nói: “Tumo thực ra không phải là pháp môn tu hành của tôi.”
Tuy nhiên, khả năng chịu đựng là điều an ủi cho những điều khác. Sự dễ chịu của vòi tắm nước nóng, khăn tắm mịn màng, xà phòng thơm, cái giường ngủ êm ái, khăn trải giường khô ráo, cái ghế ngả lưng, phòng vệ sinh sạch sẽ là những thứ xúc chạm mềm mại mà đa phần phụ nữ đề cao và yêu cầu, nhưng cô chẳng có điều gì trong những thứ đó cả. Những người đàn ông nói rằng niềm mong ước có sự dễ chịu vật lý là một trong những chướng ngại to lớn nhất ngăn cản người phụ nữ tiến tới Giác ngộ. Những người đàn ông lập luận rằng làm sao họ [những người phụ nữ] có thể chịu đựng sự khắc nghiệt của những địa điểm hẻo lánh, những nơi cần thiết để có sự tiến bộ tâm linh, trong khi bản chất tự nhiên của họ thích cuộn lại như con mèo trước ngọn lửa ấm áp? Về điều này, cũng như nhiều điều khác, Tenzin Palmo chứng tỏ rằng những người đàn ông đã sai lầm.
Bồn tắm của cô chỉ là chiếc xô múc nước. Cô tắm rất tiết kiệm nước, đặc biệt trong mùa đông khi nước khan hiếm và nhiệt độ lạnh làm cơ thể không toát mồ hôi. Phòng vệ sinh của cô trong mùa hè chính là khoảng không gian rộng lớn ngoài cửa – vì sự riêng tư của cô đã được bảo đảm. Trong mùa đông, tôi dùng một chiếc hộp và sau đó chôn nó đi.” Không có điều gì làm cô phiền lòng. Cô nói: “Nói thật, tôi không nhớ tới một chiếc toilet có nước xả hay một vòi hoa sen nước nóng, bởi vì thực sự tôi đã trải qua một thời gian dài không dùng đến chúng.”
Cùng với lối sống khổ hạnh của cô là sự vắng mặt hoàn toàn các hình thức giải trí. Trong động cô không có ti vi, đài radio, không ca nhạc, không tiểu thuyết và trên thực tế là không có cuốn sách nào ngoại trừ các sách viết về tôn giáo. Cô lặp lại: “Không có một thứ “xa xỉ” nào cả. Cuộc sống ở Dalhousie đã chuẩn bị tốt cho tôi. Tôi có đủ mọi thứ mà mình cần.”
Người ta có thể cho rằng, điều cực đoan nhất trong tất cả những nỗ lực cố gắng của cô là việc thiếu vắng một chiếc giường. Điều đó không phải vì động quá nhỏ, mà chỉ đơn giản là vì Tenzin Palmo không muốn có nó. Cô dự định theo truyền thống của các thiền giả nghiêm túc và huấn luyện bản thân mình không ngủ. Theo những hiền giả này, ngủ chẳng có ý nghĩa gì và là một sự lãng phí thê thảm lượng thời gian quý báu. Nếu chúng ta dành ra tám tiếng mỗi ngày để ngủ, thì tổng cộng chúng ta sẽ mất đi một phần ba cuộc đời, do đó nếu chúng ta sống đến 70 tuổi thì chúng ta đã mất đi khoảng 24 năm tự nguyện sống trong cơn mê. Thời gian đó có thể được sử dụng để nỗ lực cho tiến bộ tâm linh nhằm giúp đỡ tất cả chúng sinh. Hiểu rõ điều đó, các hành giả tự khép bản thân mình vào kỷ luật không ngủ mà [thay vào đó họ] sử dụng các mức nhận thức đã được tu luyện qua thiền tập để hồi phục cả tâm thức và thân thể. Người ta đồng ý rằng sự tĩnh lặng và cô độc của hang động là nơi hoàn hảo để thực hành kỳ công trên, và thậm chí những hành giả xuất sắc nhất có thể chịu đựng sự thiếu ngủ ngay khi họ sống giữa một thị trấn bận rộn. Ngồi tất cả các đêm trong nơi ẩn cư hẻo lánh của mình, họ học cách nhìn bất kỳ hình ảnh nào nổi lên từ tiềm thức, khi họ đang đi bộ, nửa đi bộ, hay ngủ (họ nên ngủ), chẳng là gì ngoài sự phóng chiếu, “sự biểu hiện thuần túy” từ chính tâm họ. Họ nói đó chính là một bài tập vô giá.
Thực tế điều đó nghĩa là trong suốt thời gian dài sống tại hang động, Tenzin Palmo không hề ngả lưng. Thay vào đó cô dành cả đêm, tất cả các đêm, để ngồi trên cái hộp ngồi thiền của cô. Tất cả những gì cô nói về vấn đề này là: “Nguyên tắc là bạn phải tiếp tục ngồi thiền. Điều đó tốt cho sự giác ngộ. Nếu tôi thực sự cảm thấy tôi phải ngủ, thì tôi sẽ cuộn người lại bên trong cái hộp ngồi thiền hay thõng chân ra bên ngoài. “
Vào những giây phút như vậy, bạn sẽ tự hỏi khả năng chịu đựng của Tenzin Palmo đến đâu khi tính đến thời niên thiếu [ốm yếu] của cô tại Cực Đông Luân Đôn: gen chịu đựng của người mẹ, hay một vài thiên hướng bẩm sinh sống trong hang động ở độ cao – mà các lạt ma tại Tashi Jong đã nhận ra.
Điều khổ hạnh lớn nhất của cô chính là sự cô độc. Như cô đã tiên đoán trước, dù cô mong mỏi nó: cô hoàn toàn đơn độc. Thỉnh thoảng trong mùa hè, cô mới nhìn thấy một vài quả cầu hay đàn yak (trâu Tây Tạng). Đôi khi các ni sư từ Tayul Gompa hay một người bạn đến thăm cô một hay hai ngày.
Theo nếp trước kia mà cô đã xây dựng, thì hàng năm cô sẽ gặp Khamtrul Rinpoche để nhận được các hướng dẫn tiếp theo về sự ẩn tu của mình. Đôi lần cô cũng rời đi một vài tuần để tham dự một số bài giảng. Nhưng đa phần thời gian, cô sống hoàn toàn một mình nhiều tháng mỗi năm vì bị tách biệt bởi tuyết và trong ba năm cuối cùng thì đúng là cô không nhìn và nói chuyện với bất cứ ai.
Tenzin Palmo đương đầu với điều đó khá tốt. Cô nói: “Tôi không bao giờ thấy cô đơn, dù chỉ trong giây lát. Thật tuyệt vời nếu có ai đó đến thăm, nhưng tôi hoàn toàn hạnh phúc khi không gặp ai cả. Trong động, tôi cảm thấy tuyệt đối an toàn. Và đó là một cảm xúc tuyệt vời mà một người phụ nữ có. Tôi không bao giờ phải khóa cửa sổ và cửa ra vào. Không cần phải làm điều đó. Động không nằm trên đường dẫn tới đâu cả.” Tuy nhiên, điều thú vị là, một người bạn trai được cô cho ở nhờ trong động khi cô đi vắng vào mùa hè lại không hề kinh nghiệm thấy điều gì dễ dàng trong động này. Anh ta phải rời đi sau hai ngày, kinh hãi vì sự cô độc. Cô nói: “Bản thân tôi thấy đó là điều dễ nhất trên quả đất này.”
Chỗ nào thiếu vắng bóng người thì ở chỗ đó, động vật lại xuất hiện ở khắp mọi nơi.
Bấy kỳ người phụ nữ có trái tim nhút nhát hay nghị lực yếu đuối hơn có thể sẽ cảm thấy khó chịu bởi sự bày binh bố trận của đàn súc vật. Chúng thường lảng vảng đi săn xung quanh và thậm chí còn mò vào tận trong động. Nhưng Tenzin Palmo không bao giờ hù dọa chúng và đối lại, chúng cũng không bao giờ e sợ cô. Đó cũng là một khía cạnh khác thường khác của một người phụ nữ vốn đã khác người. Didi Contractor, người bạn đã đến thăm động của cô khi cô mới chuyển đến đây nhận xét: “Các con vật cũng bị cô hấp dẫn – nhưng điều thú vị là đó là những cảm xúc hai chiều, vì Tenzin Palmo cũng hoàn toàn thích thú với chúng.”
Tenzin Palmo nói quả quyết: “Tôi thích các con vật và tôi tôn trọng chúng, nhưng tôi không phải là thánh Francis”. Nhưng sự chạm trán của cô với các con vật quanh động tương đồng khá nhiều với truyền thuyết kể về ông thầy dòng áo choàng nâu [thánh Francis] trong động của ông ta tại Asisi.
Giống như thánh Francis, cô cũng có “những anh em sói” của mình.
Vào buổi tối, cô có thể nghe thấy chúng trên mái nhà phía trên đầu cô qua tiếng tru dài và buồn rầu của chúng. Chúng đi lang thang quanh các ngọn núi, tìm kiếm thức ăn, tìm kiếm bạn tình, sủa trăng. Ngồi trong động, Tenzin Palmo biết chúng đang rất gần và không lay động một li nào.
Cô nói đơn giản: “Tôi yêu chó sói. Trong một thời gian dài tôi nghe chúng hú, một âm thanh tuyệt vời. Vào buổi sáng, sau khi tuyết rơi, tôi thường nhìn thấy những dấu chân của chúng quanh động, nhưng tôi không bao giờ nhìn thấy chúng. Rồi một ngày, khi tôi đang ngồi bên ngoài trong sân trong để tắm nắng, thì có năm con sói đi qua. Chúng đứng rất gần, chỉ cách vài chục mét. Chúng khá đẹp, không bẩn thỉu hay nhếch nhác như tôi tưởng. Tôi nghĩ chúng sẽ trông như chó hoang, nhưng chúng thực sự rất đẹp với những cặp mắt màu vàng khác lạ và bộ lông nâu bóng mượt. Trông chúng có vẻ như được ăn uống đầy đủ, mặc dù chỉ có trời mới biết được chúng tìm kiếm được gì ở đây để sống. Chúng chỉ ở yên đó và nhìn chằm chằm vào tôi rất hòa bình. Tôi thấy hạnh phúc khi được nhìn thấy chúng. Tôi mỉm cười đáp lại và gửi cho chúng thật nhiều tình thương. Chúng đứng yên đó trong vài phút nữa rồi rời đi.” Cô kể lại.
Cô cũng suýt chạm trán với những con mèo hoang đẹp đẽ và quý hiếm nhất - loài báo tuyết. Khi Peter Mathiessen viết cuốn sách gây ám ảnh của ông: “Báo tuyết” về loài thú gần như hoang đường này, thì chỉ có hai người phương Tây từng nghĩ rằng họ đã nhìn thấy một con trong số chúng.
Tenzin Palmo nói, giọng nói của cô lên cao theo niềm hứng khởi của sự hồi tưởng:”Một lần tôi nhìn thấy dấu vết của nó bên ngoài động và trên bậu cửa sổ. Đó là những vết chân lớn, rất lạ với một cái hố ở giữa. Tôi vẽ nó và sau đó đưa cho hai nhà động vật học xem và ngay lập tức họ cùng nói rằng đó là báo tuyết - loài vật hình như có một dấu chân đặc biệt.” Trong khi con báo tuyết hay lảng tránh này có thể đã nhìn thấy Tenzin Palmo, thì đáng buồn cho cô là cô lại không bao giờ nhìn thấy nó.
Một điều còn kỳ lạ và thú vị hơn là một loạt những vết chân hoàn toàn kỳ lạ mà cô nhìn thấy vào một buổi sáng trên tuyết chạy xung quanh bức tường bao. Cô nhìn chúng bối rối:
“Mọi người nói rằng không có gấu ở Lahoul; nhưng trong năm đầu tiên ở đây, tôi đã thấy những dấu chân khổng lồ bên ngoài hàng rào. Chúng to hơn dấu chân người nhưng trông giống như vậy vì cũng có mu bàn chân. Bạn có thể nhìn thấy các ngón chân nhưng chúng có móng vuốt. Nó giống như một dấu chân người với móng vuốt. Những dấu vết này đến từ mọi con đường từ trên núi xuống và đi tới hàng rào; và con vật này rõ ràng là rất bối rối. Tôi nghĩ đây chắc hẳn là hang động của nó. Bạn có thể nhìn thấy từ những dấu vết mà bàn chân để lại, nó đã đi lòng vòng xung quanh, rồi đi lên và sau đó lại quay lại.
Liệu đó có phải là người Tuyết huyền thoại không? Có phải Tenzin Palmo đã vô tình chuyển tới hang ổ của người Tuyết không?
Cô nói: “Tôi không biết. Tôi không bao giờ nhìn thấy những dấu chân đó một lần nữa. Nhưng những người Tây
Tạng đã quá quen với sinh vật đó, dù cho nó là gì đi nữa, đặt tên cho nó và kể những câu chuyện về nó. Các lạt ma cũng nói về nó, nên tôi không thấy lý do tại sao đó không phải là nó.” Một căn cứ khác ủng hộ cho sự tồn tại thực sự của người Tuyết đến từ năm 1997 khi Agence France Press báo cáo rằng những “dấu chân lớn” được tìm thấy ở Shennonija Nation Nature Reserve (Khu Bảo tồn Quốc gia Shennonija) thuộc tỉnh Hồ Bắc, bởi các nhà nghiên cứu Trung Quốc là của một loài sinh lạ và quý hiếm: “Ông chủ tịch ủy ban nói một nhóm nghiên cứu rằng đã tìm thấy hàng trăm dấu chân ở độ cao 2600 mét so với mặt biển. Dấu chân lớn nhất dài 37 centimét, rất giống với dấu chân của con người nhưng lớn hơn, và nó khác với dấu chân của con gấu hay bất cứ loài sinh vật đã được nhận dạng nào khác.”
Những loài quen thuộc hơn là các loài gặm nhấm – chính những con vật đã ăn bắp cải và đậu Hà Lan mà Tenzin Palmo đã cố gắng trồng trong khu vườn của mình. Chúng vào tận trong kho của cô để lấy ngũ cốc và rau khô của cô và một lần nữa, Tenzin Palmo lại chọn một thái độ thân thiện kỳ lạ đối với những vị khách không mời này.
“Chúng đa phần là chuột nhắt, chuột đồng và vào mùa thu ở đây có nhiều chuột khủng khiếp. Chúng dễ thương không chịu được. Đôi khi tôi bẫy chúng trong một cái chuồng và sau đó thả chúng ra ngoài và để cho chúng đi. Ngắm nhìn chúng rất thú vị, bởi vì mỗi con chuột mà bạn bẫy được có một phản ứng khác nhau.” Cô nói, ngụ ý đến niềm tin của đạo Phật rằng các con vật, do chúng đều có tâm thức, nên cũng là chủ thể của việc tái sinh giống như tất cả chúng ta. Trong sự tôn trọng này, một điều hoàn toàn hợp lý là những con vật có thể là người trong kiếp trước hoặc kiếp sau trong dòng luân hồi vô tận của sinh và diệt.
“Một số trong chúng sẽ sợ hãi và co mình lại trong góc chuồng. Những con khác sẽ rất giận dữ, kêu gào và cố gắng phá cái chuồng để thoát ra ngoài. Những con khác sẽ đưa bàn chân bé nhỏ của chúng lên chấn song và để mũi của chúng qua đó và nhìn bạn để bạn vuốt ve chúng. Chúng khá thân thiện.
Mỗi con có một phản ứng hoàn toàn khác nhau.” Cô tiếp tục.
“Sau đó, có những con chồn mactet, trông giống như chồn thường nhưng đẹp hơn. Chúng có bộ lông màu xám với cái trán trắng, cặp mắt lớn và cái đuôi to xù. Có một con thường mở cái cửa sổ đi vào trong nhà kho của tôi và đánh hơi tìm chiếc đĩa chứa bánh mì của tôi được gói trong một chiếc áo. Con chồn mactet này sẽ lật cái đĩa, mở cái áo bọc và sau đó ăn bánh mì. Nó không giống con chuột, vốn sẽ gặm cả chiếc áo. Sau đó nó sẽ tiếp tục tháo cái nắp plastic của hộp chứa mỡ, bỏ lớp kẽm phủ ở trên và ăn mỡ. Rất là buồn cười. Mọi thứ tôi làm đều không có tác dụng. Tôi cố để thức ăn bên ngoài cho nó, nhưng chúng thường đóng băng và con chồn mactet lại tìm kiếm như trước. Tôi đọc ở đâu đó rằng nếu bạn có thể bắt được một con khi chúng còn bé, thì chúng sẽ là những con thú cưng tuyệt vời, bởi vì chúng rất thông minh.”
Một người khách khác là một con chồn ecmin nhỏ mà cô nhìn thấy trong vườn. Nó có thể chạy đi nếu nó thích, nhưng nó lại dũng cảm quyết định tiến tới gần cô.
“Nó chạy lon ton về phía tôi, đứng đó và nhìn lên. Nó khá nhỏ và tôi chắc là khổng lồ đối với nó. Nó chỉ đứng đó và nhìn tôi. Sau đó, nó đột nhiên trở nên thú vị. Nó chạy lại hàng rào và bắt đầu nhún nhảy trên đó, leo lên leo xuống và luôn nhìn tôi để xem tôi có đang ngắm nhìn nó biểu diễn hay không – giống như một đứa trẻ vậy.”
Nếu như các con vật không bao giờ làm cô sợ hãi, thì một lần, chỉ một lần thôi, con người đã khiến cô thấy sợ hãi. Dường như cô đã sai lầm khi lạc quan cho rằng không có người đàn ông nào lại trèo lên đến độ cao này để làm hại cô.
Cô kể lại: “Khi đó đang trong mùa hè, một đứa trẻ khoảng 15 – 16 tuổi đến cùng với đàn cừu của mình. Nó rất kỳ cục. Nó ngồi trên tảng đá lớn ngoài động này và nhìn xuống tôi. Nếu tôi cười với nó, thì nó chỉ nhìn trừng trừng đáp lại. Một buổi sáng, tôi phát hiện ra chiếc cột cùng với lá cờ cầu nguyện của tôi ở trên đó đã bị ném xuống. Một lần khác, đập đá ở dòng suối của tôi đã bị dời đi, do đó nước không chảy được nữa. Sau đó, cánh cửa sổ vào nhà kho của tôi bị đập vỡ, mặc dù không có cái gì bị lấy đi. Tôi chắc rằng đó là do cậu bé đó và lo lắng bởi vì cậu ta có vô số thời gian để ngồi và suy tính về những trò tinh quái của mình. Cậu ta có thể làm bất cứ điều gì cậu ta muốn! Tôi cảm thấy rất nguy hiểm.”
Thực tế cô khá lo lắng, nên cô kêu gọi các Dakini (những người bạn cũ của cô), cầu nguyện họ giúp đỡ như thường lệ:
Cô cầu nguyện: “Xin hãy nhìn này, đứa trẻ này rõ ràng có vấn đề về tâm lý, do đó xin hãy làm điều gì đó để thay đổi tâm hồn và giúp đỡ cậu ta.”
Và như thường lệ, các nữ thần Dakini đã xóa đi thử thách này của cô.
Cô nói thêm: “Một vài ngày sau, tôi thấy trước cánh cổng có một bó hoa dại. Sau đó, khi tôi đi ra suối, mọi thứ không những đã đươc sửa lại mà còn được làm cho đẹp đẽ hơn. Và khi tôi nhìn thấy đứa trẻ, thì nó đã mỉm cười với tôi. Cậu ta đã được thay đổi hoàn toàn. Các nữ thần Dakini quả là có năng lực.”
Và cứ thế, Tenzin Palmo, người con gái sinh ra từ Bethnal Green, học cách sống trong hang động của mình, nhìn các mùa đến và trôi qua. Nhiều năm của cuộc đời đã trôi qua với nhịp điệu riêng của nó.
“Mùa đông kéo dài từ tháng Mười Một đến tháng Năm và đặc biệt khó khăn với những trận bão tuyết. Tôi phải dọn bằng xẻng những đống tuyết lớn ở trên động. Điều đó có nghĩa là tôi phải đi bộ qua nó. Đó là một công việc chân tay nặng nề và không tốt cho lưng. Tôi phải hất tuyết qua đỉnh của động. Đôi khi việc đó kéo dài vài ngày. Tôi chỉ vừa dọn xong, thì trời lại tiếp tục có tuyết. Và tôi sẽ phải tiếp tục dọn tuyết nữa. Tôi phải dọn để có thể tìm được cái cọc gỗ của mình. Trận tuyết đầu tiên khá đẹp nhưng sau khi dọn tuyết tháng này qua tháng khác tôi chỉ còn biết nói: “Ồ, không, xin đừng có bão tuyết nữa.””
“Dấu hiệu đầu tiên báo hiệu mùa xuân đang đến là có ít mưa đá hơn, những hòn đá nhỏ thường xuất hiện khi trời vẫn còn bão tuyết. Tôi có thể dành nhiều giờ để ngắm nhìn chúng. Thực sự, mùa xuân chính là thời điểm khó khăn nhất đối với tôi. Tuyết sẽ tan và thấm qua các khe hở của động, làm ngập nó. Tôi thực sự có thể nhìn thấy những dòng nước chảy xuống các bức tường và làm mọi thứ bị ngấm nước. Tôi thu dọn và bỏ mọi thứ vào bao, những gì sau đó tôi phải phơi khô và sử dụng lại. Tôi thường phải phơi nắng mọi thứ. Ngay cả cái hộp ngồi thiền của tôi, vốn đã cao hơn mặt đất và được phủ các tấm vải lên trên cũng bị ẩm ướt. Đó quả thực là một điều phiền toái. Bạn phơi khô mọi thứ, đem chúng vào và sau đó lại bị nước lụt một lần nữa. Bên ngoài, mọi thứ đều lấm bùn. Một trong những câu hỏi mà Khamtrul Rinpoche đã đặt ra với tôi khi ông thăm hỏi về hang động của tôi là nó có ẩm ướt hay không. Tôi trả lời “Không” bởi vì tôi thành thật nghĩ rằng nó không ẩm ướt. Nếu ông biết trước nó ẩm thấp và mốc meo như thế, chắc ông đã không bao giờ đồng ý cho tôi sống ở đó.” Cô thừa nhận.
Vào cuối tháng Năm, Tenzin Palmo có bắt đầu làm vườn, trồng hoa và rau của cô – hoa ngô, cúc vạn thọ, cúc susi. Cô thích làm vườn, dù cho công việc đó đòi hỏi cô phải tìm và đem nước về. Trong ba năm cuối của thời gian nhập thất, có người đã gửi cho cô một gói nhỏ các hạt giống hoa từ Anh và cô rất ngạc nhiên khi thấy chúng nở hoa trên vùng đất đầy sỏi đá tại nước ngoài này. Chúng đã biến hang động tại Lahoul của cô thành một khu vườn nông thôn.
“Có cây thược dược và cây tỏa hương về đêm. Chúng thật là đẹp. Nhưng tôi chỉ là người nhìn ngắm chúng.”, Cô nói. Vào mùa hè, toàn bộ khu đất trở thành màu xanh – những cánh đồng, những thung lũng và những cây liễu trồng trong các tu viện ở vùng Moravian để ngăn chặn sự xói mòn đất. Cô nói: “Bây giờ bạn có thể bị bỏng dưới ánh mặt trời, trong khi phần cơ thể bạn ở trong bóng râm vẫn bị lạnh.”
Vào mùa hè, những con chim bắt đầu quay trở lại: những con quạ chân dò, một con quạ chân đỏ, là những vị khách thường xuyên. Cô ngắm nhìn chúng thực hiện những điệu vũ trên không tuyệt đẹp (những điệu vũ đã làm chúng nổi tiếng), và đôi khi cắt nhỏ một chiếc chiếu để cho chúng làm tổ. Một lần vào một buổi chiều, khi cô vừa trở về từ một chuyến thăm hiếm hoi tới ngôi làng, cô đã đi ngang qua một hiện tượng phi thường.
Cô kể lại: “Khi tôi đi đến một góc đường, tôi nhìn thấy hàng trăm con chim kền kền ngồi thành những vòng tròn. Chúng tập trung trên các tảng đá, trên mặt đất xung quanh.
Chắc là chúng đến để cùng nhau tham dự một cuộc họp. Tôi phải đi qua giữa chúng! Không còn con đường nào khác cho tôi đi qua. Những con chim này khá lớn, cao khoảng 90 centimét, với cặp mắt sùm sụp, và những cái mỏ cong, khỏe mạnh. Tôi hít một hơi thở sâu, bắt đầu niệm thần chú “Om Mani Padme Hung” và đi thẳng vào giữa chúng. Chúng thậm chí không cử động. Chúng chỉ nhìn tôi ra khỏi góc đường với cặp mắt của mình. Sau đó, tôi nhớ rằng Milarepa đã có một giấc mơ trong đó ông là một con chim kền kền và loài chim này được người Tây Tạng coi như một điềm báo tốt lành.”
Vào mùa thu, thế giới quanh cô như đang chuyển sang rực rỡ đầy màu sắc. Nó long lanh như gương. “Những ngọn núi trước mặt tôi chuyển sang màu đỏ máu với những đường ngang màu vàng chói – những cây liễu với những chiếc lá đã đổi màu. Cao hơn là những ngọn núi tuyết vút lên bầu trời xanh sáng. Đó là thời điểm mà những người dân làng thu hoạch vụ mùa của mình. Tôi có thể nghe thấy tiếng họ từ hang động của mình. Họ đang ca hát trong thung lũng bên dưới khi đang làm việc với những con trâu yak của mình.”
Một bức thư gửi cho mẹ cô ngày 08 tháng 5 năm 1985, khi cô bắt đầu thời gian nhập thất hơn ba năm của mình, đã thể hiện việc cô có thể xử lý dễ dàng các tình huống khó khăn và không lãng quên những người khác như thế nào, mặc dù cô có một cuộc sống hoàn toàn cách biệt và đơn điệu.
Amala yêu quý,
Mẹ có khỏe không? Con mong là mẹ rất khỏe. Mẹ ở Saudi có ổn không?
Con không nghi ngờ liệu có phải mẹ không viết thư cho con hay không, nhưng vì Tshering Dorje không lên đây nên con chẳng có bức thư nào cả. Ông ấy thường hay chậm trễ và con hy vọng đó chỉ là do ông ấy bận rộn cày cấy và các công việc đồng áng khác. Ông ấy đã lên đây vào đầu tháng Ba như một người giám sát của cảnh sát và mang lên một số bảng mẫu mới cần điền để lấy thị thực (visa). May mắn là năm nay không có quá nhiều tuyết tan vào lúc đó (tất nhiên là sau đó trời lại có tuyết nữa). Tuy nhiên, Tshering Dorje nghèo khó giờ đây đã bị đau khớp nặng ở cả hai chân và chỉ có thể đi tập tễnh xung quanh một cách đau đớn với một cây gậy – do đó [mẹ có thể] tưởng tượng ra cảnh ông phải đi hết con đường lên tới hang động qua trời mưa tuyết chỉ để xin chữ ký của con vào vài tờ giấy [là vất vả thế nào]! Ông ấy có thể giả mạo chữ ký của con. Dù sao con hy vọng rằng những chiếc đầu gối tồi tệ của ông không phải là lý do khiến cho ông ấy không lên đây. Lahoul đầy đồi núi lên xuống và vì Tshering Dorje kiếm sống bằng cách đưa đường cho những đoàn người di chuyển tại Ladakh và Zanskar, nên đây thực sự là một vấn đề lớn đối với ông.
Ở đây mọi thứ đều tốt. Sáng nay, con trồng khoai tây và củ cải. Trời vẫn còn khá lạnh và mưa tuyết liên tục hết trận này đến trận khác nhưng động của con không ẩm ướt như mọi khi, bởi vì chẳng có những trận mưa tuyết thực sự lớn vào lúc này. May mắn là nguồn nước của con vẫn tiếp tục chảy đều trong mùa đông, mặc dù nó đã bị phủ một lớp màng băng mỏng mỗi đêm. Thật là thú vị khi có nước ở gần và không phải nhọc công với việc làm tan tuyết [để lấy nước]. Điều đó cũng tiết kiệm củi nữa.
Do đó, mùa đông khá yên tĩnh, dễ chịu và tháng Hai thì khí hậu ôn hòa và đẹp lộng lẫy đến mức sẽ có mưa ở Keylong. (Thời tiết [mưa] như vậy sẽ diễn ra trong tháng Ba và thángTư). Tóc con mọc dài ra và xõa xuống chỗ ngồi. Một sự phiền toái lớn – không ngạc nhiên vì sao các yogi chỉ bện nó lại. Bởi vì đang nhập thất và Tshering Dorje chỉ lên đây hai lần mỗi năm, nên mẹ đừng lo nếu như mẹ không nhận được thư của con. Con không thể xuống Keylong sớm để gửi thư cho mẹ. Mẹ hãy nói với May rằng con được sưởi ấm bởi sự ngọt ngào của cô ấy (và cả của mẹ nữa) suốt cả mùa đông và đến tận hôm nay nữa. Con cảm ơn vì chúng rất có ích. Mẹ hãy sống hạnh phúc.
Gửi mẹ tất cả tình yêu của con, Tenzin Palmo.
Trái với tất cả những khó khăn vật chất mà cô đã chịu đựng, những nghi ngờ và thành kiến của người khác đối với nỗ lực của cô, sự thực là việc Tenzin Palmo sống trong hang động là một hạnh phúc tuyệt vời [đối với cô].
“Không có nơi nào khác mà tôi muốn sống, không còn việc gì khác mà tôi muốn làm. Đôi khi tôi đứng ở rìa núi nhìn quanh và nghĩ: “Nếu như tôi có thể sống ở bất kỳ nơi nào trên thế giới này, thì tôi sẽ muốn sống ở đâu?” Và chẳng có nơi nào khác cả. Sống trong hang động này hoàn toàn thoải mái. Tôi có tất cả những điều kiện cần thiết để thực hành. Đây là cơ hội duy nhất và tôi rất, rất biết ơn nó.”