Chương 11: Con đường của người phụ nữ
Tenzin Palmo đã chứng minh họ sai lầm. Bất chấp tất cả, người phụ nữ yếu đuối có đôi mắt xanh đến từ Bethnal Green đã sống sót trong hang động với những điều kiện sống khắc nghiệt nhất, hành thiền một cách anh dũng về con đường dẫn tới Giác ngộ trong thân tướng người nữ. Trái tim cô có thể mạnh mẽ, ý chí của cô có thể sắt đá, nhưng trên thực tế có quá ít điều có thể khích lệ cô thực hiện mong ước của mình. Vấn đề ở chỗ cô chỉ có một mình, bước chân vào lĩnh vực chưa từng được khai phá. Không có những ví dụ sống động nào về nữ hành giả tâm linh xuất sắc để noi theo, không có nữ đạo sư nào từng đặt chân trên con đường này trước cô, người mà cô có thể cậy nhờ sự tư vấn và hỗ trợ. Không có bản đồ nào chỉ ra cụ thể con đường dẫn tới sự Giác ngộ của nữ giới với tất cả những cạm bẫy cũng như niềm vui mà nó có thể chứa đựng. Không có một nữ Đạt lai Lạt ma xuất chúng nào dù chỉ để gợi cho cô thậm chí một ý tưởng về một hình tượng tâm linh nữ tính tối cao trông như thế nào.
Cô sẽ phải làm gì tiếp theo đây? Rõ ràng có nhiều hình tượng Phật trong thân tướng người nữ, tất cả đều bày tỏ lòng kính trọng đối với khái niệm Giác ngộ của nữ giới. Nữ thần Tara được yêu mến, với nụ cười thanh thản, với một chân duỗi thể hiện sự sẵn sàng đi giúp đỡ những ai đang cần đến. Tenzin Palmo đã hát bài cầu nguyện nữ thần nhiều lần cho dân làng ở Lahoul, trong khi cô đi khất thực để lấy bột lúa mạch. Mọi người yêu quý bà làm sao! Đó là đức Tara, nữ thần mà họ luôn quay về nương tựa trong mọi thời khắc khó khăn nhất bởi vì đức Tara là một người phụ nữ, luôn lắng nghe và hành động nhanh chóng. Bà là sự từ bi trong hành động, truyền rằng bà sinh ra từ giọt nước mắt của Phật Quan Thế Âm (nam giới), khi Người nhìn thấy sự đau khổ của mọi chúng sinh nhưng đã không thể làm gì để thay đổi điều đó. Truyền rằng, đức Tara đã tạo ra sự khác biệt khi là người phụ nữ đầu tiên đạt Giác ngộ. Giống như Tenzin Palmo, bà đã được khích lệ bởi sự hiếm hoi phụ nữ trong tập hợp biết bao các vị Phật nam. “Khi có nhiều người đạt Phật quả trong hình dạng nam giới, nhưng có quá ít người làm được điều đó trong thân tướng người nữ, và vì tôi đã phát Bồ đề tâm nguyện, có thể tôi sẽ tiếp tục đi trên con đường tới Giác ngộ trong thân thể nữ giới và trở thành một vị Phật trong thân tướng người nữ.” Cô tuyên bố long trọng – có phần bướng bỉnh.
Đó còn là đức Kim cương Du già thánh nữ (Vajrayogini) đầy quyền lực, với làn da đỏ tươi và đứng khỏa thân đầy tự tin trong vòng tròn lửa, hai bầu vú rắn chắc nhô ra ngoài, đôi chân tách ra trong điệu nhảy huyền bí. Đây là một phụ nữ nóng nảy, người mà tất cả những người phụ nữ hiện đại đều liên hệ tới. Vajrayogini là nữ hoàng trong cõi giới của riêng mình và không là trung gian cho bất kỳ ai – một sự tấn phong khác thường dành cho người phụ nữ ở vị trí của bà. (Nữ hoàng Thiên đường, đức Mẹ Đồng Trinh Maria thuộc Thiên Chúa giáo - được ca ngợi là vai trò trung gian chính yếu). Một mình trong số tất cả những vị bổn tôn Mật Tông, Vajrayogini độc lập đến mức mà bà được miêu tả không có một phối ngẫu nào. Thay vào đó, bà mang theo bên mình người tình huyền bí là một sợi dây _ khí cụ sử dụng trong các nghi lễ, choàng qua vai, như một cái túi, biến nó thành một người đàn ông sống vào bất cứ khi nào các nghi lễ thiêng liêng yêu cầu.
Đó còn là Kwan Yin (Quan Âm Bồ tát) tinh tế, còn được gọi tên là Người quán những nỗi thống khổ của thế gian, vì trái tim từ bi rộng khắp của bà. Đó còn là đấng Prajnaparamita đầy quyền năng (Bát Nhã Ba la mật), bà mẹ của tất cả chư Phật, ngồi mạnh mẽ và vững chãi trên đài sen của bà, biểu trưng cho trí huệ tuyệt đối, nơi mà từ đó mọi thứ sinh ra. Những hình tượng giác ngộ nữ giới như vậy còn nhiều nhiều nữa.
Mặc dù những vị Phật nữ như vậy rất đáng yêu quí và tôn sùng, tuy nhiên, không có bằng chứng nào chứng tỏ rằng họ đã từng tồn tại trong hình dạng con người. Kết quả là, họ ở tầng lớp của những hình mẫu [để tôn thờ mà không có thật]. Những nhân vật lý tưởng, những nữ thần với sự hoàn hảo vĩnh cửu và không bao giờ đạt đến được.
Tiếp đến là những câu chuyện kể – những câu chuyện thần thoại về sự gan dạ và về những thành tựu tâm linh đáng ghi nhận của một số ít những phụ nữ đã từng sống ở vùng núi Tuyết này, những người đã đạt tới vị trí cao trọng trong nền văn hóa gia trưởng một cách công khai này. Có những nữ anh hùng có đủ tất cả những điều kiện tiên quyết cần thiết cho vai trò của họ. Họ có động lực cao, rất độc lập, cực kỳ gan dạ trong việc chiến đấu với những lề thói xã hội trong nền văn hóa của họ, và đặc biệt trên hết, sự tập trung theo đuổi mục tiêu duy nhất là đạt tới Giác ngộ của mình. Những chiến công của họ dệt nên văn hóa quốc gia, đứng sừng sững như một ngọn hải đăng của tinh thần, nói về điều có thể xảy ra.
Người nổi tiếng nhất cho đến nay là đức Yeshe Tsogyel, còn được biết đến với tên gọi Vũ công trong Không gian. Sinh năm 757, trong một gia đình cao quý, đức Yeshe Tsogyel ngay từ thời niên thiếu đã bộc lộ mọi dấu hiệu của sự phát triển tâm linh sớm. Bà công khai tuyên bố dự định của mình là thành Phật ngay trong kiếp này. Với dự định đó trong tâm trí, bà từ chối cuộc hôn nhân được sắp đặt trước dành cho bà, với lý do rằng bà có nhiều điều tốt hơn để làm với “thân người quý báu” của mình, hơn là vui vẻ trên chiếc giường vợ chồng; khiến sự tức giận của người hôn phối bị từ chối và của cha mẹ đang hổ thẹn [vì bội tín] trút xuống bà. Sau nhiều thăng trầm ngang trái, cuối cùng bà gặp người đã cứu vớt cuộc đời bà, Đại sư Liên Hoa Sinh (Padma Sambhava), người được tin rằng đã mang Phật giáo vào Tây Tạng từ Ấn Độ và được các đệ tử gọi Ngài là một vị Phật. Liên Hoa Sinh không chỉ là người hướng dẫn thông thái và là đạo sư của Yeshe Tsogyel, mà còn là người tình huyền bí của bà. Yeshe Tsogyel yêu Liên Hoa Sinh một cách say mê, tôn kính, và không hề che giấu. Chi tiết của sự hợp nhất thiêng liêng này được thi vị hóa và ẩn khuất trong phép ẩn dụ tantra:
Khi đó, với sự không chút ngượng ngùng và trong phương cách của thế gian, một cách hoan hỉ và tận tuỵ, tôi, Tsogyel, chuẩn bị một mạn đà la huyền bí và dâng cho Guru của tôi. Ánh sáng chói lọi của lòng từ bi từ nụ cười của Ngài tỏa ra tia sáng ngũ sắc khiến các cõi giới vi mô tràn ngập ánh sáng trong suốt, trước khi những luồng ánh sáng đó tập trung trên khuôn mặt Ngài một lần nữa. Khi triệu thỉnh bổn tôn với hai từ Dza! và Hung! được thốt lên, ánh sáng xuyên xuống thân thể Ngài và vị bổn tôn huyền bí của Ngài hiện lên trong thân tướng phẫn nộ và khi vị Vajra Krodha mà Ngài triệu thỉnh xuất hiện trên bông sen thanh khiết trong sự hài hoà tuyệt đối.
Thậm chí, ngay trong giữa trạng thái hỉ lạc ngây ngất của mình, Yeshe Tsogyel không bao giờ lãng quên mục tiêu chính của đời bà, đã cầu khẩn vị phối ngẫu của mình dạy “ngôn từ thiêng liêng vượt trên nhân và quả”. Padmasambhava chấp thuận, nhưng khi vị Không hành nữ này phải tự mình khám phá, thử thách dành một người phụ nữ với tham vọng tuyệt đối cũng khắc nghiệt như đối với bất cứ người đàn ông nào. Đi tới một loạt hang động để thực hành các bài tập của mình, bà chịu đựng những pháp tu khổ hạnh cực điểm; bà ngồi trần truồng trong bão tuyết cho đến khi làn da của bà phồng lên vì lạnh, trong nỗ lực nâng luồng nội nhiệt bí ẩn; bà từ bỏ mọi loại thức ăn thô thông thường cho đến khi bà học được cách “ăn không khí”, bà tu tập đến kiệt sức cho đến khi xương trán của bà đâm ra ngoài da. Bà thường tiến sát bờ vực của cái chết, nhưng bà vẫn kiên nhẫn và bền chí. Cuối cùng, sự ngoan cường của bà đã được đền đáp.
Những lời dạy khẩu truyền của bà, ghi lại bởi người viết tiểu sử Taksham Nuden Dorje, và được KeiThDowman dịch trong cuốn sách đầy cảm hứng mang tên Vũ công trong Không gian (Sky Dancer), thể hiện trạng thái tuyệt vời mà những khổ hạnh của bà đã đem lại: “Tôi được chuyển hóa thành một Chúng sinh Hoàn Hảo với những chức năng thấm nhuần tất cả sự sáng tạo của vô số thế giới, với những giá trị và ý nghĩa của sự tồn tại, và tôi đạt được khả năng thiên bẩm để hiểu và thực hành bất kỳ phẩm chất nào của chư Phật tùy ý.”
Kể từ đó, danh tiếng về những thành tựu của đức Yeshe Tsogyel được truyền tụng và thêu dệt thêm. Ở bất kỳ nơi đâu bà đến (và những ghi chép lại cho thấy bà đã đi khắp Tây Tạng và Nepal), mọi người đều choáng ngợp bởi trí tuệ, lòng từ bi và những năng lực siêu nhiên của bà. Có năng lực có thể đi xuyên qua những vật thể rắn, đi trên tia nắng, bay, một lần bà đã làm sống lại con trai của một thương gia Nepal bằng cách chỉ ngón trỏ vào trái tim anh ta đến khi nó bắt đầu nóng lên và máu lại bắt đầu chảy trong huyết quản lần nữa. Nhưng đó chỉ là sự trình diễn tâm linh trước những người theo đạo Bon, tôn giáo cổ của Tây Tạng, những người mà Yeshe Tsogyel thực sự thể hiện khả năng của bà. Bay trong tư thế hoa sen [tư thế ngồi kiết già] trước đám đông, bà quay vòng lửa bằng đầu của mỗi ngón tay, đập vỡ một tảng đá lớn gần đó và sau đó nhào nặn nó thành nhiều hình dạng khác nhau giống như một “thỏi bơ” vậy. Cuối cùng bà đánh tia sét vào những phù thủy hắc đạo, thu phục họ một lần và vĩnh viễn. Những người không có tín tâm thay đổi quan điểm của mình, lý luận rằng nếu một người đàn bà có thể thực hiện những chiến tích siêu phàm như vậy thì năng lực của chư Phật chắc hẳn còn vĩ đại nhường nào.
Không chỉ là một nữ chủ nhân của sự phô diễn tâm linh hào nhoáng, huyền thuật, Yeshe Tsogyel còn là một phụ nữ của trí tuệ. Người ta tin rằng bà là người tổ chức việc ghi chép lại tất cả những giáo huấn của đức Padma Sambhava, phần lớn trong số chúng được cất giấu để cho hậu thế tìm và nhận được lợi lạc từ chúng. Đó là một công việc khổng lồ, bao gồm hàng ngàn cuốn sách, và là một thành tựu phi thường đối với một phụ nữ vào thời của bà, thời mà nạn mù chữ ở nữ giới còn là một hiện tượng phổ biến.
Ở mức độ cá nhân, ảnh hưởng của bà cũng lớn như vậy, vẻ đẹp và sức mạnh trong những lời giáo huấn của bà thu hút không chỉ các vị vua, các bà hoàng và các quan chức, cũng như đám đông vân tập xung quanh để lắng nghe bà, mà còn thu hút cả những kẻ muốn làm hại bà. Một lần đối diện trước bẩy kẻ định cưỡng bức bà, bà đã hát cho chúng bài ca sau:
Các con trai của ta, các con đã gặp một người tình siêu phàm, người Mẹ vĩ đại, và nhờ đức hạnh từ những công đức mà các con đã tích lũy được, tình cờ thay, các con đã nhận được bốn sự gia trì, tập trung vào sự phát triển của bốn mức độ hỉ lạc.
Không cần nói, những kẻ tấn công đã hoàn toàn bị tước vũ khí bởi phản ứng của bà trước bạo lực của họ và ngay lập tức, họ trở thành các đệ tử của bà.
Yeshe Tsogyel trao thức ăn cho người đói, quần áo cho người nghèo, thuốc thang cho người ốm và thân thể bà cho bất kỳ ai có thể cần đến nó. Một lần, bà đã cưới một người hủi vì tình thương đối với tình cảnh cô đơn và tuyệt vọng của anh ta. Nhưng chính sự mô tả về sự thành tựu Phật quả mới làm nên sức mạnh thực sự và tính thuyết phục trong những chuyện kể về Yeshe Tsogyel. Nhờ đó, mọi thành kiến về giới tính đã được chấm dứt và người phụ nữ cũng có địa vị tâm linh giống như nam giới. Đó là một thời khắc vinh quang. Điều đáng thú vị là câu chuyện này chứa đựng những điểm tương đồng đáng lưu ý như chuỗi sự kiện liên quan đến sự Giác ngộ của đức Phật Thích ca Mâu ni. Giống như đức Phật đã ngồi dưới cây Bồ đề tại Bồ đề đạo tràng trong khi Mara (Ma vương), kẻ ảo tưởng lớn, đã ném đủ loại chướng ngại vào Ngài trong nỗ lực cuối cùng ngăn cản sự thức tỉnh của Ngài, vị Không hành nữ này đã ngồi trong một hang động tại Tây Tạng tập trung hết tâm trí vào thực hành cân bằng thiền quán trong khi ma quỷ tìm mọi cách lung lạc bà. Tuy nhiên, trong câu chuyện của Yeshe Tsogyel, có một sự khác biệt rõ ràng về giới tính. Trong khi đức Phật bị các thiếu nữ khêu gợi hiện lên dụ dỗ, thì Yeshe Tsogyel bị nhử mồi bởi những thanh niên đẹp trai, duyên dáng, với nước da đẹp, sôi nổi đầy đam mê, khỏe mạnh và thành thạo, những người đàn ông trẻ mà mỗi cô gái chỉ cần nhìn qua đã cảm thấy thích thú.” Tất nhiên, bà kiên quyết từ chối tất cả bọn họ, cũng như đức Phật đã từng làm với những người đàn bà quyến rũ mình. Cuối cùng, bà đã đạt được mục đích của mình.
Vào lúc này, đại sư Liên Hoa Sinh ca ngợi bà. Lời nói của ông không chỉ phản ánh sự vẻ vang trong thành tựu của Yeshe Tsogyel, mà còn thể hiện sự ngạc nhiên trước khả năng phi thường của nữ giới trong việc đạt tới một trạng thái cao quý như vậy:
Ồ, nữ hành giả, người đã thành bậc thầy về tantra,
Thân thể người nam và người nữ đều bình đẳng,
Nhưng nếu một phụ nữ có lòng đam mê khát khao mạnh mẽ, cô ta có nhiều tiềm năng hơn.
Từ vô thủy con đã tích tập những phẩm hạnh đạo đức và trí tuệ,
Và giờ đây, không có lỗi lầm, được phú cho những phẩm chất của một vị Phật,
Người phụ nữ xuất sắc, con là một vị Bồ tát.
Đó là con, người mà ta đang nói tới, cô gái hạnh phúc, có phải không?
Bây giờ con đã đạt được giác ngộ của riêng mình,
Hãy hành động vì người khác, vì lợi ích của những chúng sinh khác.
Một phụ nữ kỳ diệu như con
Chưa từng có trên thế giới này trước đó,
Trong quá khứ, trong hiện tại
Cũng như trong tương lai – đó là điều ta có thể khẳng định.
Yeshe Tsogyel rời bỏ Trái đất này tại đỉnh Zapu ở trung tâm Tây Tạng trong một chiếc kiệu bằng ánh sáng có hình dạng giống như một bông hoa sen tám cánh. Khi bà tan đi thành ánh sáng rực rỡ, người ta vẫn nghe thấy giọng nói của bà đang tuôn ra những lời cuối cùng về trí tuệ và ngợi ca hạnh phúc.
Với tất cả nguồn cảm hứng và chất thơ bay bổng, câu chuyện về Yeshe Tsogyel đã diễn ra từ 1300 năm trước đây. Liệu chúng có đáng tin hay không? Trải qua nhiều thế kỷ, nó chắc chắn đã được tô điểm thêm với những sự tượng trưng và lối nói phóng đại, do đó đối với đa số người phương Tây thì Vũ công trong Không gian đại diện cho một phép ẩn dụ hơn là cho một phụ nữ có thật. Đương nhiên đối với Tenzin Palmo, Yeshe Tsogyel cũng không giúp ích gì cho cô. Cô bày tỏ: “Bà ấy chưa bao giờ ảnh hưởng được đến tôi.”
Hợp lý hơn là một vị nữ anh hùng vĩ đại khác của Phật giáo Tây Tạng, Machig Lapdron. Mặc dù bà thuộc về một thời đại hoàn toàn khác biệt, từ năm 1055 đến 1145, bà là người sáng tạo ra một nghi lễ thực hành tâm linh quan trọng và được phổ biến rộng rãi nhất cho đến ngày nay. Ở mức độ hoàn toàn bên ngoài [theo nghĩa đen], Chod nghĩa là máu đông đặc. Thực chất, nó liên quan đến việc hành giả đi tới nhà xác hay nghĩa trang vào ban đêm và tại đó, bao quanh bởi những xác chết đang phân hủy và mùi hôi thối của tử khí, quán tưởng việc thân xác của chính mình bị chặt ra một cách có hệ thống cho đến mắt, não và gan ruột. Sau đó, tất cả các bộ phận đã chặt đó được cho vào một cái bình, đun sôi lên và dâng cho mọi chúng sinh để thỏa mãn mọi sự khát khao thèm muốn của họ. Trong khi những người Tây Tạng có thể đã hoang dã, ngỗ ngược với niềm yêu thích những câu chuyện bạo lực, Chod chứa đựng ý nghĩa sâu xa. Bằng sự quán tưởng dường như khủng khiếp này, những gì hành giả đang thực sự làm chính là sự từ bỏ đối tượng bám luyến lớn nhất – thân xác của chính mình. Chặt chẻ nó ra và cho vào một cái vạc thiêng liêng để chuyển hóa thành cam lồ trước khi dâng cúng cho mọi chúng sinh; nhờ đó trở thành bài thực tập tối hậu trong việc buông bỏ cái ngã – hành động cao thượng của sự vô ngã.
Trong thời đại của mình, tài năng phi thường của Machig Lapdron không tránh khỏi việc thu hút sự chú ý của những kẻ gia trưởng [là nam giới], bị thôi thúc bởi lòng ganh tỵ và sự sợ hãi, nghĩ cách làm mất uy tín của bà một lần và mãi mãi bằng cách thách thức bà trong một cuộc tranh luận về tâm linh trước đám đông. Đó là một điều đặc biệt của Phật giáo Tây Tạng, nơi diễn thuyết, tranh luận chính là nơi mà tất cả các vị thánh giả phải chứng tỏ bản thân mình. Kế hoạch của họ đã thất bại thảm hại. Chuyện kể rằng Machig Lapdron đã chiến thắng giòn giã cả về mặt trí tuệ lẫn tâm linh trước những đối thủ nam giới của mình, do đó khiến bà vĩnh viễn trở thành một trong những vị thánh tâm linh quan trọng nhất của Tây Tạng.
Tuy nhiên, đối với người phụ nữ hiện đại, Machig Lapdron đặc biệt thú vị vì thực tế là bà kết hợp được sự nghiệp tâm linh của mình với hôn nhân và con cái. Nhưng không như phần đông phụ nữ gắn bó với những sự phụ thuộc này, bà không bị ràng buộc vào chúng, cũng như không biểu lộ bất kỳ trách nhiệm nào đối với sự nuôi dưỡng chúng. Bà vui vẻ bỏ đi thiền quán trong hang động, mỗi khi ý chí phát triển tâm linh thúc giục bà, bỏ lại con cái cho cha của chúng hàng tháng trời. Trong số những tuyên bố đã trở nên nổi tiếng của bà có tuyên bố về việc bà bắt đầu xây dựng dòng truyền thừa riêng mình, và những đứa con là những người nắm giữ dòng truyền thừa. Bà viên tịch năm 99 tuổi, và theo như truyền thuyết kể lại, bà đã tới vùng đất của các nữ thần Dakini.
Một ví dụ điển hình hơn về số phận của những người phụ nữ huyền thoại là cuộc đời của Jomo Menmo, một cô gái trẻ giản dị trong thế kỷ thứ XIII. Truyền thuyết nói rằng cô tình cờ nhận được trí tuệ nguyên ủy từ Yeshe Tsogyel, Vũ công trong Không gian, trong một giấc mơ, và sau đó cô truyền đạt lại nó cho tất cả những ai học hỏi cô. Như thường lệ, điều đó làm cho các lạt ma nổi giận, và họ cho rằng cô bị mất trí. Quá thất vọng, Jomo rời bỏ quê hương, từ chối thuyết giảng, nhưng vẫn làm lợi ích cho vô số người theo “cách thức bí mật”, ví dụ như hoàn toàn bằng sức mạnh từ sự hiện diện vật lý của cô. Đó là một sự thành công bí mật, một cách thức thường được dùng bởi những phụ nữ thuộc mọi nền văn hóa.
Mặc dù những nhân vật như Machig Lapdron và Jomo Menmo là khá thuyết phục, nhưng họ quá xa vời để có thể có một ảnh hưởng thực tế đối với cuộc đời của Tenzin Palmo, hay giúp cô trong việc thực hiện sứ mệnh của riêng mình là đạt Giác ngộ trong thân tướng người nữ. Tuy nhiên, có một người phụ nữ đã thực sự gợi cảm hứng đối với cô. A-Yu Khadro là một phụ nữ trong thời đại của cô. Những chi tiết chính trong cuộc đời phi thường của A-Yu Khadro do chính cô kể và được viết ra bởi một lạt ma, ngài Namkhai Norbu, hiện đang ở Italia. Sau đó, ông đưa những chi tiết này cho Tsultrim Allione, người đưa câu chuyện của A-Yu Khadro vào nội dung cuốn sách nổi tiếng Những phụ nữ trí tuệ (Women of Wisdom) của bà. Bà A-Yu
Khadro hiện đã 113 tuổi nhưng trông vẫn còn trẻ khi Namkhai Norbu gặp bà, với mái tóc dài, vẫn còn đen tới ngọn. Bà cũng vẫn còn giảng pháp và ban các lễ quán đảnh bí mật.
Bên cạnh sự hiến dâng cuộc đời mình cho tâm linh (và thực tế là cuộc sống hôn nhân đã làm bà phát ốm), câu chuyện của A-Yu Khadro còn đáng lưu tâm bởi “tảng đá hình quả trứng” của bà. Rõ ràng là, vật này ban đầu được bà khám phá trong giấc mơ, nhưng khi bà nhìn thấy nó, sau nhiều tháng trời tìm kiếm, đường vào đã bị chặn bởi một dòng sông hung dữ trong một trận lũ. Cắm trại bên bờ và nhìn tảng đá ở bờ bên kia, A-Yu Khadro quyết định chờ cho đến khi dòng sông trở lại hiền hòa.
Vào đêm thứ ba, bà mơ thấy một chiếc cầu được hình thành trên dòng nước hung dữ giúp bà vượt qua. Khi tỉnh dậy, bà rất đỗi ngạc nhiên khi thấy mình đã ở bờ bên kia.
Tuy nhiên, sự kiện huyền bí nhất này bị lu mờ bởi những gì xảy ra sau đó. Sau khi đã tìm thấy “tảng đá hình quả trứng”, A-Yu Khadro bắt đầu đi vào, qua một cái hang và tại đó, trong bóng tối hoàn toàn, bà sống và thực hành thiền trong bảy năm liền. Nghịch lý là hoàn cảnh hoàn toàn tối đen lại là điều kiện cần thiết để bà thực hành và thành tựu trạng thái “thân thể ánh sáng” nổi tiếng.
Những nỗ lực của bà chắc hẳn đã được đền đáp bởi khi bà mất năm 1954, thọ 115 tuổi (mà không hề có bất kỳ dấu hiệu đau ốm nào), người ta kể rằng, bà đã ở tư thế thiền định trong suốt hai tuần liền sau khi ngừng thở. Thân thể bà không bị phân hủy mà chỉ trở nên vô cùng nhỏ bé. Bà đã chứng minh rằng, vào lúc chết, bà đã đạt tới trình độ phát triển tâm linh cao khác thường, giống như thầy của Tenzin Palmo, ngài Khamtrul Rinpoche.
Nhưng số ít những người phụ nữ nói trên, dù có thể gợi nên cảm hứng, cũng giúp đỡ rất ít cho Tenzin Palmo. Họ sống quá xa thời đại ngày nay. Khi cần tìm hiểu về những phẩm chất tâm linh của người phụ nữ, cô phải tự cất bước trên hành trình khám phá riêng của mình. Trải qua nhiều năm trong hang động, cô đã đi tới một vài kết luận về điểm mạnh và điểm yếu của người phụ nữ như sau:
Cô nói: “Đối với tôi, phẩm chất đặc biệt của người phụ nữ (tất nhiên là nhiều người nam cũng có) trước tiên là sự nhạy bén và rõ ràng. Nó cắt xuyên qua – đặc biệt là sự cứng nhắc của tâm trí. Nó thực sự sắc bén và trực diện. Đối với tôi, đặc trưng của các vị Dakini chính là sức mạnh trực giác. Phụ nữ có được sức mạnh này rất nhanh– họ không thích những cuộc tranh luận tri thức, thứ mà họ thường thấy là khô khan, lạnh lẽo và không nhiều cảm hứng. Đối với họ, đó là một con đường quá dài. Họ muốn đi qua cửa sau. Điều này thể hiện rằng phụ nữ thích thực hành nhiều hơn (là lý thuyết) trong cách tiếp cận của họ, không trừu tượng và lý tưởng hóa như đàn ông. Họ muốn biết: “Chúng tôi có thể làm gì?” Họ không bị mê hoặc bởi các lý thuyết và ý tưởng – họ muốn có thể sờ nắn nó bằng chính đôi bàn tay của mình. Tất nhiên Prajnaparamita là phụ nữ, là Mẹ của tất cả các đức Phật. Bà là Trí tuệ hoàn hảo, có thể phá vỡ mọi khái niệm và mong ước của chúng ta để tạo nên một thứ rất ổn định và bền vững. Chúng ta tạo nên các ý tưởng của mình. Chúng ta cố gắng biến chúng thành cụ thể. Nhưng bà thì cắt bỏ và cắt bỏ. Bà chia tách mọi thứ thành những điểm thiết yếu đơn thuần.”
“Cùng lúc đó, người phụ nữ phải nuôi dưỡng, mềm mại và dịu dàng. Phụ nữ có xu hướng dính mắc vào cảm xúc nhiều hơn nam giới, điều này sẽ làm cho họ dễ phát triển tâm Bồ đề hơn. Tình thương là đặc tính bẩm sinh của phụ nữ, vì họ có tiềm năng làm mẹ. Một người mẹ sẵn sàng hi sinh vì con mình. Động lực đó có thể được phát triển thành tình thương cho mọi chúng sinh. Một lần nữa, đó lại là vấn đề của cảm xúc, chứ không phải trí tuệ. Đó không chỉ là những đức tính hữu dụng – mà là những đức tính cốt yếu.”
Năng lượng tâm linh của người phụ nữ cũng rất nhanh. Giống như Tara. Bạn không cần phải trở thành một hành giả yoga vĩ đại mới có thể giao tiếp được với Tara. Bà luôn ở đó! Giống như người mẹ, bà phải rất nhanh chóng bởi vì bà không thể chờ đứa con của mình đạt đến một trình độ nào đó rồi mới trao cho nó sự quan tâm và tình yêu thương. Bà phải có mặt ở đó với nó – ngay từ giây phút nó được sinh ra – một con sâu nhỏ đang quằn quại. Dù nó là một đứa trẻ tốt hay xấu, thì bà vẫn ở đó để giúp đỡ nó.
“Và sau đó, những người phụ nữ có thể thường kinh nghiệm được tumo [nội nhiệt] nhanh chóng hơn nam giới.” Cô nói khi kể về luồng “nội nhiệt” huyền bí nổi tiếng, được phát sinh thông qua thiền quán. “Đó là điều gắn với chức năng sinh lý của chúng ta. Milarepa gặp rất nhiều vấn đề trong việc làm nóng và an lạc, trong khi đệ tử nữ của ông Rechungma đã thu nhận được rất nhiều kinh nghiệm chỉ trong ba ngày. Nhiều lạt ma nói rằng phụ nữ rất có khả năng trong việc luyện tumo. Họ không chỉ có thể tạo nên niềm an lạc, họ còn có thể làm cho nó tốt lên. Tuy nhiên, đối với tôi, tôi không nghĩ mình là một nữ hành giả đạt tumo. Nó không phải là pháp môn thực hành chính của tôi.”
Nếu như phụ nữ có những điểm mạnh, thì kèm theo đó họ cũng có những điểm yếu. Vết nhơ lớn nhất và âm ỉ, xảo quyệt nhất đối với phụ nữ trên con đường tâm linh là chu kỳ kinh nguyệt. Thật đáng nguyền rủa! Điều này, trong con mắt của những tu sĩ của hầu hết các tôn giáo trên thế giới, là thứ khiến cho phụ nữ không trong sạch [bất tịnh] và do đó, là những ứng cử viên không thích hợp cho việc nắm giữ những trọng trách tâm linh lớn lao hơn. Kết quả là, tại nhiều nơi trên thế giới, người ta ra quyết định rằng trong thời gian có kinh nguyệt, thì người phụ nữ không được đi vào những khu vực thiêng liêng của các ngôi đền. Thậm chí không một tu sĩ nào được phép chạm vào cô ta! Điều nhục nhã này rõ ràng là một chướng ngại khó vượt qua, nếu như thân thể cô là hiện thân của thần thánh. Ở mức độ sâu sắc và nghiêm trọng hơn, đối với những nữ hành giả nghiêm túc, thời kỳ kinh nguyệt của cô còn bị coi là tạo ra sự tàn phá đối với việc hành thiền – mang đến “tính dễ cáu kỉnh”, “vô lý”, “đau đớn” và tình trạng căng thẳng trước kỳ nguyệt san – tất cả chúng được cho là ngăn cản sự tập trung và bình an trong tâm cô. Do đó, thời kỳ này trở thành một trong những trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển tâm linh lên mức độ cao nhất.
Tenzin Palmo, đang bước đi trên con đường Đạo, không gặp phải trở ngại gì trong vấn đề trên. “Hormone không phải là trở ngại đối với tôi! Cá nhân mà nói, tôi không bao giờ bị ảnh hưởng bởi kỳ kinh nguyệt và tôi nghĩ rằng tất cả những điều nói về kỳ kinh nguyệt và sự mãn kinh chỉ là việc dựng lên vấn đề về nó. Bên cạnh đó, tôi đã lưu ý rằng đàn ông thường hay buồn rầu ủ rũ hơn là phụ nữ. Tất cả loài người đều bị dao động vì nỗi buồn của họ, nhưng nó không có nghĩa rằng chúng ta bị dính chặt vào nó.” Cô nói với theo phong cách thực dụng thường có của mình.
“Tuy nhiên, một lạt ma đã nói với tôi rằng vấn đề lớn nhất của người phụ nữ là họ có một trái tim nhẹ dạ, hay thay đổi. Nó trồi lên trụt xuống, làm cho bạn khó đạt được sự bình an trong thiền quán hơn. Nhưng ông cũng nói thêm rằng khi một người phụ nữ học được cách kiểm soát năng lượng, cô ta có thể tiến rất nhanh trong sự thực tập của mình – nhanh hơn nhiều so với đàn ông bởi vì có nguồn năng lượng này khi nó không bị lãng phí. Trên thực tế, rất nhiều lạt ma đã nói rằng một khi người phụ nữ tiếp tục kiên nhẫn hành thiền, những kinh nghiệm họ đạt được sẽ nhanh hơn và cao hơn đa số đàn ông. Nhưng một lần nữa, bởi vì phụ nữ không viết sách hay thuyết giảng, nên bạn không được nghe nói về những kinh nghiệm đó.”
Một điều trở ngại lớn khác nữa, đó là sự khao khát tiện nghi vật chất của nữ giới, cũng không đúng trong trường hợp của Tenzin Palmo. Nhưng cô là một phụ nữ khác thường. Điều kiện sống khắc nghiệt dường như là một phần không thể tránh khỏi trong mọi sự huấn luyện tâm linh ở mức độ cao cấp đã ảnh hưởng xấu đến nhiều nữ tầm đạo. Irina Tweedie, một bậc thầy Sufi vĩ đại, tác giả cuốn sách Chasm of Fire (nhật ký về con đường tìm đạo của cá nhân bà), thừa nhận mình liên tục bị tác động mạnh bởi sự nóng bức, tiếng ồn, và bụi bặm của ngôi làng Ấn Độ - nơi bậc thầy của bà sinh sống. Ông khiến cho bà từ bỏ mọi thứ bà đang sở hữu, kể cả tiền bạc, những thứ chỉ làm gia tăng sự đau khổ và buồn phiền của bà hơn.
“Những người phụ nữ chúng tôi cần tiện nghi, cần an ninh, cần tình thương, chúng tôi cần cái này và cần cái nọ. Những người phụ nữ chúng tôi cần, cần và cần. Trong xã hội phương Tây, việc từ bỏ mọi thứ đối với một người đàn ông dễ hơn nhiều đối với một người phụ nữ. Tôi biết điều đó bởi vì chính tôi đã từng thực hiện, do đó tôi có thể nói.” Bà nói trong căn hộ của mình tại Bắc Luân Đôn ngay trước khi chết. “Bạn biết đấy, người phụ nữ được rèn luyện theo cách khác. Người đàn ông học cách kiểm soát bản năng tình dục của mình. Người phụ nữ phải vượt qua sự dính mắc vào các điều trần tục. Con đường của chúng tôi là sự tháo gỡ dính mắc. Tất nhiên, một trong những lý do khiến chúng tôi dính mắc là vì thân thể chúng tôi được cấu tạo để sinh sản và vì thế chúng tôi cần tiện nghi, an ninh và tình thương. Có con là một điều vĩ đại, nhưng nếu bạn đến giai đoạn mà bạn yêu cả thế giới này giống như con bạn, thì điều đó còn vĩ đại hơn. Bạn không bớt thương yêu con mình. Nhưng bạn sẽ yêu cả thế giới này hơn.”
Nhưng Tenzin Palmo không bao giờ muốn có con và có khả năng chịu đựng cái lạnh, việc thiếu thốn một chiếc giường, không có bình nước nóng, và mọi thứ tiện nghi khác với sự thanh thản tự nhiên không cần cố gắng. Cô cũng chiến thắng khó khăn khó vượt qua nhất – sống trong một nơi hoàn toàn cách biệt trong sự tĩnh mịch tuyệt đối. Liệu cô có cơ hội, hay một phụ nữ nào đó có cơ hội trở thành một Yeshe Tsogyel thứ hai không? Liệu sự khác thường của cô có giúp cô đạt được mục tiêu của mình hay không? Về vấn đề này, liệu có cơ hội cho bất kỳ ai, dù nam hay nữ, đạt đến giai đoạn của Giác ngộ tối thượng, trong những giới hạn vốn có của thân xác con người?
Tenzin Palmo không có nghi ngờ nào trong những vấn đề trên. Cô nói: “Đức Phật đã chứng minh rằng Giác ngộ là điều hoàn toàn có thể. Cuối cùng, khi ngài phá vỡ tất cả bức màn vô minh, tâm ngài trở nên rộng lớn không giới hạn – ngài nhớ lại tất cả những kiếp trước tiếp nối nhau trong khoảng thời gian vô tận, và kể lại chúng cho các đệ tử của mình. Một lần, Ngài đã cầm trên tay một nắm lá từng và hỏi những người xung quanh: “Lá trong tay ta hay lá trong rừng, cái nào nhiều hơn?” Khi các đệ tử trả lời: “Lá trong rừng nhiều hơn.” Đức Phật nói: “Những chiếc lá trong tay ta tượng trưng cho khối lượng kiến thức mà ta có thể trao cho các con.” Nhưng điều đó không có nghĩa rằng ngài không bị đau răng. Ngài cũng có thân thể vật lý cá nhân và cũng có những lúc ngài bị ốm.”
“Đối với cuộc tranh luận đang tiếp tục về việc liệu người nữ có thể đạt Giác ngộ hay không, phần lớn vấn đề chỉ là sự phân biệt đối xử về văn hóa và chủ nghĩa trọng nam khinh nữ còn đang tồn tại. Cá nhân tôi không có chút nghi ngờ nào. Và lợi ích của việc có phụ nữ giữa những người đàn ông đã rõ ràng. Phụ nữ chiếm một nửa loài người. Do đó, những người phụ nữ, những người đã có nhiều thực hành và hiểu biết thực sự, cần phải làm tăng trưởng lòng từ bi bởi vì họ rất đông.” Tenzin Palmo tuyên bố.
Irina Tweedie đồng ý: “Cá nhân tôi cảm thấy rằng những người phụ nữ chúng ta có thể đạt tới đúng tầm cao như những người đàn ông – miễn là chúng ta giữ giới tính của mình. Tất cả chúng ta đều được tạo ra trong ý tưởng của Thượng đế - Thượng đế vừa là đàn ông vừa là đàn bà, do đó chúng ta có tất cả khả năng và năng lực trong mình. Bản chất nữ tính là mạnh mẽ. Vấn đề là người đàn ông sợ những người phụ nữ mạnh mẽ, đó là cuộc cạnh tranh. Nhưng tôi không nghĩ người phụ nữ như vậy! Hàng nghìn năm trước đã có xã hội mẫu hệ và rồi con lắc đã di chuyển [tình thế đã thay đổi theo chiều hướng ngược lại]– và giờ đây phụ nữ lại đang được đề cao. Kết quả là sẽ có một thế giới cân bằng hơn và nhiều tình thương hơn. Sẽ không có nhiều sự khắc nghiệt trong nó.”
Các cao tăng đương thời cũng đang bắt đầu thay đổi ý kiến của mình: “Tất nhiên là phụ nữ có thể thành Phật”, đức Đạt lai Lạt ma thường tuyên bố, trước khi chứng minh phát biểu của mình với bằng chứng từ các kinh điển. “Trong các bản văn của Phương tiện của Sự hoàn hảo : tác phẩm này không có bản gốc bằng tiếng Anhvà những bản văn của ba tầng lớp đầu của tantra, người ta nói rằng Phật tính thường đạt được trong hình dạng đàn ông. Nhưng theo lớp thứ tư của tantra thì không có sự phân biệt nào giữa nam và nữ; Giác ngộ có thể đến với thân thể người nam hay thân thể người nữ”
Một lạt ma kiệt xuất và được nhiều người yêu mến khác,
Kalu Rinpoche, người xây dựng một trung tâm tại Pháp sau khi người Tây Tạng sống lưu vong ở nước ngoài, lặp lại ý kiến của Đạt lai Lạt ma: “Không kể bạn là nam hay nữ, nếu bạn có niềm tin, sự quả quyết và cần cù, nếu bạn có trí tuệ và tình thương, thì bạn có thể giác ngộ. Lý do cho sự bình đẳng về cơ hội giác ngộ này chính là bản chất của tâm, thứ không phải là nam giới hay nữ giới. Không thể nào có việc bản chất nội tại của tâm của một người lại tốt hơn của một người khác, ở mức độ tối hậu, bản chất rỗng lặng, trong sáng và không ngăn ngại của Tâm không biểu lộ những đặc tính hữu hạn như nam tính hay nữ tính, cao siêu hay thấp kém.”
“Tuy nhiên, ở mức độ tương đối thì có những khác biệt, bao gồm cách thức mà tại đó thân thể vật lý được cấu tạo thành mức độ vi tế của các kênh và các trung tâm năng lượng. Theo giáo lý tantra [Mật điển], cách thức mà tâm thức hiển hiện thành thân thể nam giới khác biệt vi tế với cách thức mà tâm thức hiển hiện thành thân thể nữ giới. Trong cấu trúc tâm vật lý của một người đàn ông, có nhiều sức mạnh hơn, nhiều năng lượng tập trung và trực tiếp hơn; trong khi ở người phụ nữ, có nhiều không gian hơn, biểu hiện cho Trí tuệ. Sự khác biệt tương đối này luôn nên được hiểu trong bối cảnh bản chất tối hậu của tâm.” Những lời nói của ông diễn tả mang tính khoa học cao và phức tạp của sự
Giác ngộ, theo phong cách Tây Tạng.”
Có lẽ sự xác nhận đơn giản và khích lệ nhất là của một vị lạt ma già tên là Kangyur, người sống không xa hang động của Tenzin Palmo ở Lahoul và biết khá rõ vị ni sư này. Kangyur, một nhân vật tráng kiện với râu dài trắng và phong cách vui vẻ, được biết đến khắp vùng vì sự thần bí và thói quen sống lâu ngày ngoài trời tại nhiệt độ - 35 độ C, mà không cần giầy tất gì cả. Khi được hỏi rằng liệu một phụ nữ có thể đạt tới Giác ngộ được hay không ông đã quả quyết: “Bên ngoài thì có khác biệt nhưng trái tim thì giống nhau.”, ông nói, vỗ nhẹ vào giữa ngực mình. “Giác ngộ là gì ngoài việc trái tim tự biết chính nó? Đó là một việc khó khăn. Con mắt có thể nhìn thấy cả thế giới nhưng không nhìn thấy được chính nó, do đó trái tim có thể biết mọi thứ nhưng lại gặp vô số khó khăn trong việc hiểu chính nó. Tuy vậy, Tenzin Palmo là một hành giả vĩ đại. Mọi người ở đây đều rất ngạc nhiên trước việc cô ấy đã tu tập tốt như thế nào.”
Nhưng đối với bản thân Tenzin Palmo, những nỗ lực của cô không có gì là đặc biệt. Cô nói: “Tôi thích ngồi và thiền. Tôi không thích làm điều gì khác cả.”