Chương 15: Thách thức
Từ việc là một hành giả sống trong hang động, Tenzin Palmo đã trở thành một người chuyên di chuyển bằng máy bay. Từ việc hoàn toàn sống ẩn cư một chỗ, cô đã bắt đầu di chuyển khắp thế giới với tốc độ chóng mặt. Từ việc hoàn toàn giữ thinh lặng, giờ đây cô thuyết giảng hàng tiếng đồng hồ không nghỉ. Từ việc sống một cách đơn giản nhất, giờ đây cô được đưa vào toàn cảnh của đời sống hiện đại cuối thể kỷ 20. Thế giới mà cô tái gia nhập đã rất khác biệt so với chính nó khi cô rời đi vào năm 1963 trên con tàu đến Ấn Độ. Cô tự mình chứng kiến sự căng thẳng và bất an, nạn thất nghiệp và đặc biệt là tình trạng vô gia cư. Cô đọc về nạn tội phạm đang gia tăng, bạo lực leo thang và vấn đề ma túy. Cô chứng kiến bạn bè mình quay cuồng với tốc độ càng ngày càng cao trong nỗ lực theo kịp vòng quay của xã hội. Cô thấy những chính phủ ở mọi nơi đánh đổi nguyên tắc của dịch vụ công để theo đuổi mục tiêu kinh tế, và giờ đây sự xa xỉ mới chính là sự tĩnh lặng, không gian, thời gian và môi trường sinh thái còn nguyên vẹn. Và cô kinh nghiệm trước nhất là nhu cầu vĩ đại đối với các giá trị tâm linh trong một xã hội đang ngày càng hướng về vật chất.
Cô nói: “Con người đang bị lòng tham thiêu đốt. Ở Lahoul vẫn có sự phong phú đối với cuộc đời, mặc dù những khó khăn vẫn còn tồn tại. Ở đây, con người đói khát những ý nghĩa đích thực và sâu xa đối với đời sống của họ. Khi một người dừng việc thỏa mãn các giác quan, anh ta lại ham muốn tiếp. Đó là lý do vì sao con người hung hăng và thất vọng. Họ cảm thấy mọi thứ thật phù phiếm. Bạn có mọi thứ bạn muốn, và sau đó thì sao? Câu trả lời của xã hội là hãy có nhiều hơn, nhiều hơn nữa; nhưng điều đó sẽ dẫn bạn tới đâu? Tôi thấy sự cô đơn ở mọi nơi và không có gì để làm khi sống cô đơn cả. Đó là một tinh thần thờ ơ và xa lánh [phóng thể].”
Đặc biệt hơn đối với câu chuyện của cá nhân cô, vào giữa những năm 1990, thế giới phương Tây đã vượt qua cơn phấn khích ban đầu của tình yêu mà nó dành cho đạo Phật và bắt đầu bình tĩnh, cũng như có cái nhìn chín chắn hơn đối với tôn giáo phức tạp, ngoại lai đang đi vào giữa họ này. Nó tràn vào châu Âu như một trận bão và cũng không thể kéo dài. Những con người biết suy nghĩ ở mọi lứa tuổi và mọi tầng lớp xã hội tại khắp châu Âu, Mỹ, Canada, Australia, New Zealand đã kinh sợ sự sâu sắc trong thông điệp của nó và bị thu hút bởi tính cách của các lạt ma - những người truyền bá nó. Kết quả là các trung tâm Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Tây Tạng, đã mọc lên như nấm trên khắp thế giới. Nhưng giờ đây tuần trăng mật đã qua. Những đệ tử ban đầu, sau 30 năm nghiên cứu và thực hành, bắt đầu nhìn lại một cách thực tiễn – và con người – hơn bộ mặt của tôn giáo đã được gieo trồng vào mảnh đất quê hương họ. Những thiếu sót, sai lầm hiện ra, những mâu thuẫn phát sinh và trong khi tập tục phương Đông có thể ngăn cấm những lời phê phán công khai về tôn giáo nổi tiếng cũng như các bậc thầy lãnh đạo tâm linh của họ, thì phương Tây với quyền tự do ngôn luận, lại không có những sự thận trọng hay ngại ngùng đó. Vào thời điểm Tenzin Palmo đi vòng quanh thế giới, những khía cạnh chính xác đang được thử thách rộng rãi và công khai – và cùng với chúng, là lối sống đã được Tenzin Palmo lựa chọn.
Đối tượng đầu tiên bị xem xét lại chính là các guru (đạo sư) – những Người Bảo vệ Chân lý, Những Người Hướng dẫn không thể sai lầm, và trong Phật giáo Tây Tạng thì các guru là một với chính đức Phật. “Guru là Phật, Guru là Pháp, Guru là Tăng.” vẫn là câu nói được tụng niệm hàng ngày. Lý do rất logic. Tâm của đức Phật là hoàn toàn vô hình và tồn tại khắp nơi nơi nhưng bậc đạo sư đang ở đây trên trái đất này bằng xương bằng thịt. Người Tây Tạng có một lập luận. Đức Phật giống như mặt trời, đầy năng lượng và tỏa chiếu ánh sáng lên tất cả mọi thứ, nhưng vẫn không có khả năng làm một tờ giấy bốc cháy thành lửa. Do đó bạn cần một chiếc kính lúp, một đường dẫn cho kênh năng lượng này. Đó chính là bậc đạo sư. Tuy nhiên, đó là một vị trí rất bấp bênh cho bất kỳ ai nắm giữ chúng, nhất là khi đối với một người đến một vùng đất xa lạ giữa những người nước ngoài và những cách sống khác biệt. Chắc chắn có một vài bậc đạo sư đã nhanh chóng hạ thấp lòng tự hào của mình giữa đám đông phản đối ồn ào.
Người bạn và người hướng dẫn cũ của Tenzin Palmo -
Chogyam Trungpa, người mà cô đã gặp ông lần đầu tiên đến Anh từ Tây Tạng, đã trượt chân trên con đường này, với một loạt những xì căng đan được đưa ra ánh sáng sau cái chết của ông năm 1987. Người ta khám phá ra rằng Trungpa không chỉ thường xuyên nồng nặc mùi rượu khi ngồi trên ngai của mình, mà ông còn có liên quan đến vài mối quan hệ tình dục với những nữ đệ tử của mình nữa. Mặc dù ông thuộc dòng truyền thừa không đòi hỏi sự độc thân, nhưng sự lộn xộn từ đó vẫn lan rộng. Rất nhiều đệ tử cố gắng đua đòi theo ông bằng việc cũng cạn chén và một vài các bạn tình nữ của ông cáo buộc rằng cuộc đời họ đã bị thói trăng hoa của ông phá hủy. Sự tai tiếng này nhanh chóng được tiếp nối với những tin tức về đệ tử nối pháp của ông - Thomas Rich (một người Mỹ, đã trở thành Osel Tendzin) không chỉ nhiễm AIDS (điều mà ông ta vẫn cố giữ kín) mà còn truyền căn bệnh này cho một trong những đệ tử - người tình chưa rõ danh tính của ông ta.
Với những tiết lộ này, những bên “sai trái” còn lại đi tới “huýt còi” vào các đạo sư của mình. Một phụ nữ bỏ ra 10 triệu
USD để theo đuổi việc kiện tụng chống lại một vị thầy Tây Tạng rất nổi danh vì đã có hành vi tình dục sai trái. Vụ việc đã được giải quyết tại tòa án, nhưng trước đó thì câu chuyện về thói trăng hoa của vị này đã lan tràn trong toàn thể thế giới Phật giáo. (Tuy nhiên, ở Dharamsala, người Tây Tạng trung thực không tin một người phụ nữ dám tố giác một vị lạt ma và làm cho toàn bộ tình tiết câu chuyện trở thành một mưu đồ chính trị). Các vị thiền sư biết rằng “hành vi tình dục sai trái” đã lan tràn trong những thành viên của họ. Trong cuốn sách Traveller in Space (Nhà du hành trong Không gian), tác giả người Anh June Campbell nói hùng hồn về câu chuyện bí mật của cô với một lạt ma đáng kính - Kalu Rinpoche, miêu tả những câu chuyện bí mật của cô đã gây bối rối và gây hủy hoại như thế nào. Một trong những vị thầy và tác giả nổi tiếng của đạo Phật - Jack Kornfi eld thêm vào cuộc tranh luận bởi tuyên bố (gần như thiếu cẩn trọng) rằng ông đã phỏng vấn 53 vị thiền sư, lạt ma, pháp sư và/ hoặc những đệ tử lớn của họ về đời sống tình dục của chính họ và khám phá ra rằng “những con chim làm điều đó, những con ong làm điều đó, và phần lớn các đạo sư làm điều đó”. Ông tiếp tục nói: “Giống như bất kỳ nhóm người nào trong nền văn hóa của chúng ta, việc thực hành tình dục của họ cũng rất đa dạng. Có những người tình dục khác giới, ái nam ái nữ, đồng tính luyến ái, người thích sùng bái, người thích phô bày bộ phận sinh dục của mình trước người khác, người có một vợ một chồng và người có nhiều vợ/ chồng”. Lý do mà ông nêu ra là những người lãnh đạo tâm linh châu Á không đặc biệt gì hơn so với bất kỳ ai, nhưng lập luận này chẳng giúp ích gì cả. Vấn đề chính yếu là người ta cho là các bậc đạo sư không thể sai lầm, cũng như không được lạm dùng quyền lực và năng lực tâm linh.
Đương đầu với những sự phơi bày này, đức Đạt lai Lạt ma thẳng thắn nói rằng bản thân ông cũng thấy sốc. “Điều đó rất rất có hại đối với Phật Pháp. Đạo Phật nghĩa là đem lợi ích đến cho mọi người – đó là mục đích, mục đích duy nhất của nó.
Khi bạn thực sự phát hiện ra những hành vi đáng xấu hổ đó, thì đó là do sự thiếu sức mạnh nội tâm bên trong và cho thấy rằng trên thực tế có một sự khác biệt giữa đạo Phật và đời sống của họ, thì đó là Pháp đã không được tiếp thu chính xác.” Ông nói trước khi loan báo rằng giải pháp duy nhất cho một tình trạng kinh khủng như vậy là tất cả những kẻ thủ phạm phải bị “tống cổ đi”. Ông thú nhận: “Bạn phải nói rõ tên tuổi họ, phổ biến chúng, và không xem họ như một vị thầy nữa.”
Thế giới Phật giáo phương Tây, với những người cải đạo mới duy tâm của nó, xôn xao trước những sự vạch trần nối tiếp nhau xuất hiện. Sự thực là hàng trăm tín đồ đang hoàn toàn hạnh phúc với những vị thầy Tây Tạng của họ, tìm thấy ở đó những hình mẫu lý tưởng về đạo đức, trí tuệ và tình thương. Một số đệ tử của Trungpa thậm chí còn lên tiếng bảo vệ ông.
Ni sư người Mỹ nổi tiếng - Pema Chodron (giám đốc Gampo Abbey, Nova Scotia) phát biểu trên tạp chí Phật giáo Tricycle: “Thầy tôi đã không tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức và sự thành tâm mà tôi dành cho ông không hề lay chuyển. Ông cho tôi thấy bản chất tự nhiên của tâm tôi và vì thế tôi luôn luôn biết ơn ông. Bằng mọi cách có thể, Trungpa Rinpoche dạy tôi rằng tôi có thể không bao giờ làm cho mọi thứ đúng hay sai. Toàn bộ lời dạy của ông là để dẫn con người thoát khỏi sự chấp thủ, để vứt bỏ thói bè phái. Tuy nhiên, chúng ta luôn luôn gắn bó với cá nhân người thầy. Bậc thầy nói một vài điều và mọi người thực hiện nó. Có một lần ông hút thuốc lá và mọi người bắt đầu hút theo. Khi ông dừng và họ cũng dừng. Điều đó thật lố bịch.”
Nhưng những người bảo vệ niềm tin đa phần giữ im lặng. Những người bất mãn đang làm ầm ĩ và gây ra những vụ xì căng đan làm nhơ nhuốc hình ảnh trong sạch hoàn hảo trước kia của đạo Phật. Những người mà cuộc đời họ đã bị các đạo sư sa ngã lợi dụng và bị ảnh hưởng nặng nề đã đến gặp các bác sĩ tâm thần (và cánh báo chí) để kể về nỗi đau đớn và sự nghi ngờ của họ. Đặc biệt những người phụ nữ được giải phóng mới xuất hiện cực kỳ to tiếng, phàn nàn rằng đó là những bằng chứng rõ ràng về việc quyền hành của nam giới đã phụ bạc và bóc lột người phụ nữ như thế nào.
Họ có lý. Trong khi hoạt động tình dục của những vị thầy tôn giáo của bất kỳ truyền thống nào với những đệ tử của họ cũng là vấn đề về đạo đức và giới luật, thì trong bối cảnh của Phật giáo Tây Tạng, vấn đề này lại đáng tranh cãi hơn. Phật giáo Tây Tạng có tantra (pháp tu Mật Tông), trong đó hành động tình dục được công nhận giữa những phối ngẫu tâm linh được cho rằng sẽ truyền cảm hứng cho cả hai bên để đạt tới những quả vị cao hơn. Do đó, việc được đạo sư chọn lựa như là phối ngẫu cho hoạt động huyền bí đó biến bạn trở thành một người phụ nữ đặc biệt. Trong nhiều trường hợp đó là một điều hấp dẫn không cưỡng lại được. Với một đạo sư được xem như là đức Phật, người phụ nữ nào có thể từ chối được?
Tenzin Palmo ở giữa cuộc tranh luận gay gắt này. Các bậc đạo sư bị lên án, bị một nhà bình luận người Mỹ mô tả là “một hình mẫu hoàn toàn sai lệch”. Đó là cột trụ mà Tenzin Palmo đã tin tưởng đặt trọn toàn bộ cuộc đời tinh thần của mình. Đối với cô, vị đạo sư là trái tim của mọi vấn đề. Đơn giản, Khamtrul Rinpoche đã là người quan trọng nhất trong cuộc đời cô, là điều duy nhất mà cô nhớ đến trong suốt những năm dài sống trong hang động, là người mà ký ức về ông vẫn còn sống động rất lâu nhiều năm sau cái chết của ông. Cô quan sát toàn cảnh với cặp mắt bình thản, khách quan của mình.
Cô nói: “Tất nhiên nơi nào có vị lạt ma có hành vi không trung thực, thì nơi đó hoàn toàn chịu ảnh hưởng nặng nề. Nó tạo ra một bầu không khí kình địch, ghen ghét, bí ẩn và hỗn loạn. Tôi có nghe về một số lạt ma tạo nên một hậu cung, hay có một hoặc hai nhân tình bí mật. Trong những trường hợp như vậy, những người phụ nữ có quyền cảm thấy bị làm nhục và bị lợi dụng. Đó cũng là đạo đức giả. Vị lạt ma ở tư thế một người xuất gia, nhưng ông ta đã không thực hiện điều đó. Tôi không thấy điều đó có lợi gì cho Phật Pháp hay cho các chúng sinh. Điều này hoàn toàn rất khác với trường hợp của một vị lạt-ma không phát nguyện sống cuộc đời độc thân có một người vợ (hay chồng) công khai, và một mối quan hệ đúng đắn lâu dài.”
Tuy nhiên, người phụ nữ từng cười trước hành vi tình dục trước đây của Trungpa khi cô mới 19 tuổi và vẫn duy trì quan hệ bàn bè với ông, cũng đã hầu như không đưa ra chuẩn mực đạo đức cho mọi người áp dụng. “Một số phụ nữ đã lấy làm hãnh diện được trở thành “nhân tình”, trong trường hợp đó họ sẽ nhận lấy hậu quả. Và một số phụ nữ khác chỉ biết liên hệ với đàn ông theo cách này. Đôi khi tôi cảm thấy phụ nữ chúng tôi phải né tránh cả những nạn nhân này.” Cô nói quả quyết. “Điều đó cũng cần thiết để hiểu hoàn cảnh khác biệt mà các lạt ma đã nhìn thấy mình trong đó. Họ đã lớn lên trong những tu viện được vây quanh bởi hàng trăm người cùng quan điểm và giờ đây thấy mình ở một vùng đất xa lạ, là một lạt ma duy nhất trong cộng đồng những người phương Tây. Họ chẳng có ai để bầu bạn và nhắc nhở nhau, và họ được bao quanh bởi những đệ tử nhiệt thành, những người luôn sẵn sàng chiều lòng họ. Với lối sống thoải mái về tình dục ở Phương Tây, tôi tin rằng nhiều lạt ma đã hiểu nhầm các dấu hiệu và ngạc nhiên khi thấy những người phụ nữ chủ động dẫn dắt họ một cách mạnh mẽ. Đó là một loạt những thông điệp bị hiểu nhầm dẫn tới tất cả sự lộn xộn này.” Cô suy luận rằng phần lớn các vấn đề hiện nay là do sự thực rằng người phương Tây có quá ít kinh nghiệm, không biết cách tìm kiếm và nhận ra bậc đạo sư thực sự của họ như thế nào. Họ cũng không hiểu vai trò của một bậc đạo sư thực sự là gì. Các vị thầy Đông phương chỉ là một nhu cầu thời thượng. Cơn khát của người phương Tây cho sự lãnh đạo tinh thần, hay bất kỳ sự lãnh đạo nào là rất lớn. Do đó, sự ngây thơ và dễ cảm động của họ làm cho họ dễ dàng trở thành nạn nhân của việc hiểu nhầm và trong nhiều trường hợp là sự lợi dụng về tinh thần và tình dục. Theo kinh nghiệm của Tenzin Palmo, việc nhận ra bậc đạo sư trên thực tế là một việc đòi hỏi rất nhiều công phu.
Cô giải thích: “Ở Tây Tạng, mọi người đều hiểu là khi bạn gặp một bậc đạo sư gắn bó sâu xa thì có một sự công nhận ngay lập tức trong giây lát – và một niềm tin cũng xuất hiện ngay lúc đó. Bạn biết điều đó trong thâm tâm mình. Vấn đề với phương Tây là một người có thể gặp một lạt ma có sức lôi cuốn, thấy dấy lên trong lòng sự hiến dâng và nghĩ đó chính là bậc đạo sư của mình! Thậm chí ngay cả khi họ có một mối liên hệ với Tây Tạng trong những tiền kiếp, thì cơ hội được gặp lại vị thầy cũ của họ cũng thực sự rất hiếm hoi. Bậc đạo sư gắn bó của họ có thể đang ở đâu đó, hoặc có thể đã chết như phần lớn các lạt ma cao cấp đã bỏ mạng sau sự can thiệp của người Trung Quốc vào Tây Tạng. Trước đây, mọi thứ dễ dàng hơn nhiều. Các lạt ma được tái sinh trong khu vực riêng của họ và do đó bạn có nhiều khả năng tìm thấy vị thầy của mình.”
Cô nói tiếp: “Nhiều người phương Tây có những quan điểm sai lầm về một đạo sư. Họ nghĩ rằng nếu họ tìm thấy một vị thầy hoàn hảo với những lời dạy hoàn hảo thì họ sẽ nhanh chóng đạt đạo. Họ tin rằng bậc đạo sư sẽ dẫn họ đi từng bước một trên con đường. Nó giống như việc tìm một bà mẹ vậy. Nhưng thực tế không phải như vậy. Một bậc đạo sư thực thụ ở đó để giúp mọi người trưởng thành cũng như thức tỉnh. Một đạo sư thực sự là người giới thiệu bạn với bản chất chưa được hiển lộ trong tâm bạn và mối quan hệ là một cam kết giữa hai bên.Về phía người đệ tử, anh ta/cô ta phải thấy bất kỳ hành động nào của bậc đạo sư cũng như là của một vị Phật hoàn hảo, tuân thủ những gì mà vị lạt ma nói và dấn mình vào thực hành những gì mà vị lạt ma hướng dẫn. Về phần mình, vị lạt ma cam kết đưa người đệ tử trên con đường dẫn tới Giác ngộ, dù cho điều đó có thể đòi hỏi phải diễn ra trong nhiều kiếp sống. Con đường này đầy thăng trầm chứ không hề phẳng lặng. Nếu như đó là một vị lạt ma thực thụ, thì chắc chắn bạn sẽ không bao giờ bị bỏ rơi. Nếu như đó không phải là một lạt ma thực thụ, thì bạn đang đưa mình vào tất cả mọi hình thức lợi dụng.”
Đức Đạt lai Lạt ma có cách riêng của mình trong việc phân biệt giữa một bậc đạo sư đích thực hay giả mạo. Ông nói: “Bạn nên “xem xét kỹ lưỡng” ông ấy/ bà ấy trong ít nhất là 10 năm. Bạn nên nghe, kiểm tra, nhìn, cho đến khi bạn thấy thuyết phục rằng người đó là chân thành. Trong thời gian đó, bạn nên đối xử với ông ấy/ bà ấy như một con người bình thường và nhận những lời dạy của họ như “thông tin đơn thuần”. Cuối cùng, người đệ tử dành cho họ thẩm quyền của một vị đạo sư. Bậc đạo sư không đi ra ngoài tìm kiếm đệ tử. Mà là người đệ tử phải thỉnh bậc đạo sư giảng dạy và hướng dẫn.”
Tenzin Palmo có ý kiến khác, đặc biệt khi gặp trường hợp các vị lạt ma đưa ra đề nghị về quan hệ tình dục. Cô gợi ý: “Một cách để đánh giá liệu ông ta có phải là người trung thực hay không là nhìn xem liệu ông ấy có theo đuổi những người phụ nữ già, không hấp dẫn cũng như những phụ nữ trẻ, đẹp hay không! Nếu ông ấy là một lạt ma thực sự thì ông ta sẽ nhìn mọi phụ nữ như các Dakini, dù già hay trẻ, béo hay gầy, xấu hay đẹp, bởi vì ông ấy sẽ có cái nhìn thanh tịnh! Và nếu như đó là một đạo sư thực thụ thì bạn luôn có thể nói không mà không hề có cảm giác ngại ngùng. Thậm chí, nếu một đạo sư thực thụ cảm thấy rằng một mối quan hệ tantra là có lợi cho đệ tử, thì ông ấy cũng sẽ đưa ra đề nghị mà luôn hiểu rằng điều đó sẽ không phá vỡ quan hệ của họ nếu như cô ấy từ chối. Không có người phụ nữ nào bị buộc phải đồng ý quyền lực của ông ta. Việc đó nên là “nếu như cô ấy muốn thì tốt, nếu không thì cũng tốt”, đưa cho cô ấy một lựa chọn và ý thức tôn trọng. Khi đó sẽ không có sự lợi dụng.
Cô nói tiếp: “Thực sự thì mối quan hệ tình dục tantra là cực kỳ hiếm hoi. Một lần tôi hỏi Khamtrul Rinpoche: “Nếu coi phép tình dục yoga là một con đường nhanh chóng đạt tới Giác ngộ, thì tại sao thầy lại xuất gia?” Và ông trả lời: “Đúng là đó là một con đường nhanh, nhưng con phải đạt tới mức gần như đức Phật thì mới nên thực hành nó.” Để có một quan hệ tantra thực sự thì ban đầu bạn phải không có cảm giác ham muốn tình dục. Sau đó, phải không có sự xuất tinh. Thay vào đó, bạn phải học cách chuyển dòng tinh dịch lên kênh trung tâm tới đỉnh đầu trong lúc thực hiện những sự quán tưởng và thực hành hơi thở rất phức tạp. Tất cả những điều này đòi hỏi sự kiểm soát cao độ thân, khẩu, ý (hành động, lời nói và ý nghĩ). Ngay cả những hành giả yoga đã thực hành tumo nhiều năm cũng nói rằng họ cần một hay hai kiếp tu hành nữa mới có thể thực hiện tình dục yoga. Do đó, những phương pháp tantra này nếu đưa ra cho người phương Tây trong thời buổi hiện nay chỉ có thể giúp bạn có những giây phút thoải mái để tán tỉnh mà thôi!”.
Với tất cả những sự buộc tội, không tin tưởng và thờ ơ chung, cảm giác riêng của Tenzin Palmo đối với Khamtrul Rinpoche không bao giờ dao động dù chỉ trong giây lát. Cô nói mạnh mẽ: “Tôi có thể nói rằng Khamtrul Rinpoche là người mà tôi cảm thấy mình có thể hoàn toàn tin tưởng. Một trong những hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời tôi là không có một giây phút nào tôi nghi ngờ ông trong tư cách một vị đạo sư, hay ông có phải đạo sư của tôi hay không. Ông luôn luôn hướng dẫn tôi. Tôi không bao giờ thấy bất kỳ điều gì khiến tôi phải nghi ngờ. Ông luôn luôn hoàn toàn vô ngã và thông minh.”
Tuy nhiên, đối với nhiều Phật tử phương Tây, hình tượng vị đạo sư đã bị tổn thương nghiêm trọng. Không chỉ vì những vụ xì căng đan đã làm xói mòn vị trí bậc đạo sư, mà còn là thời điểm của chính chúng. Trong những giờ phút cuối của thế kỷ XX, người ta nói rằng mối quan hệ thầy - trò (đạo sư - đệ tử) đã đi hết thời kỳ của mình. Họ nói nhân vật vị đạo sư là một sản phẩm của chế độ gia trưởng với sự nhấn mạnh của nó đến cấu trúc và cấp bậc, và với sự phát triển của quyền lực tâm linh của nữ giới, thì những ngày cuối của chế độ gia trưởng này sắp đi tới kết thúc.
Andrew Harvey (nguyên là một nhà thơ và học giả tại Oxford) đã dành nhiều năm tìm kiếm chân lý dưới chân một loạt các bậc thầy kiệt xuất của nhiều trường phái, bao gồm một số lạt ma lỗi lạc, tu sĩ Thiên Chúa giáo - Cha Bede Griffi ths: người xây dựng một nhà thờ tại Ấn Độ, và nữ đạo sư Ấn Độ - Mẹ Meera. Ông hùng hồn tổng kết cảm giác mới: “Tôi rất hạnh phúc vì mối quan hệ với những vị thầy của tôi, nhưng tôi đi tới hiểu biết rằng bạn có thể bị đóng băng bởi mối quan hệ đó và đi vào một vị trí của một đứa trẻ. Nó có thể buộc bạn vào những trạng thái khác nhau của sự bất lực trong việc giao tiếp với thế giới. Nó cũng có thể làm đồi bại vị thầy. Chúng ta đang được thấy rằng nhiều người mà chúng ta từng kính trọng trên thực tế lại rất xấu xa.” Ông nói trong một chương trình phỏng vấn trên đài phát thanh gần đây. “Chúng ta đang cố gắng tiến tới một hiểu biết mới, một hình mẫu mới cho mối quan hệ giữa thầy và trò. Tôi nghĩ nó sẽ thay đổi rất sâu sắc trong vòng 10 hay 15 năm tới. Chúng ta sẽ không giữ hình ảnh tưởng tượng Đông phương về thiên thần giáng thế và các bậc thầy nữa. Giờ đây nó không còn là một hình ảnh thực tế. Chúng ta cần một điều gì đó trao quyền trực tiếp cho tất cả chúng ta.”
Những nhà tư tưởng mới đề nghị vị đạo sư nên đóng vai trò là một người bạn tâm linh. Một nhân vật không cần phải là bậc Giác ngộ, không phải là một người không thể sai lầm và không cần sự phục tùng toàn diện, nhưng là người sẽ đi cùng con đường với người tìm đạo, ngay bên cạnh anh ta. Đó là một giải pháp dân chủ, phù hợp với văn hóa phương Tây. Tenzin Palmo đồng ý. Cô có thể đã có những kinh nghiệm vô giá từ mối quan hệ của mình với vị đạo sư, nhưng cô là người cực kỳ may mắn – và khác thường nhất.
Cô nói: “Thành thực mà nói, về điều này tôi nghĩ điều quan trọng đối với phương Tây là thực hành đạo Phật và dựa vào việc có những vị thầy tốt, hơn là có những bậc đạo sư. Họ không nhất thiết phải giống nhau. Một bậc đạo sư là một mối quan hệ rất đặc biệt nhưng bạn có thể có nhiều, nhiều vị thầy. Ví dụ như Atisha - nhà sáng lập, phục hưng Phật giáo Tây Tạng vào thế kỷ thứ X). Ông có tới 50 vị thầy. Phần lớn các vị thầy có khả năng hướng dẫn chúng ta. Chúng ta có trí tuệ bẩm sinh của mình. Con người có thể trì hoãn việc thực tập mãi mãi, chờ đợi có một điều kỳ diệu nào đó xảy ra và chuyển hóa họ - hay phó mặc họ cho một người nào đó có khả năng thiên bẩm mà không cần phân biệt liệu họ có phù hợp hay không với vị thầy đó. Chúng ta chỉ nên sống hòa thuận, gắn bó với người đó. Nếu bạn gặp một ai đó mà bạn có một mối quan hệ nội tâm sâu sắc, thì điều đó thật tuyệt; còn nếu không thì Pháp vẫn luôn ở đó. Không có ích gì nếu như bạn từ bỏ mọi thứ chỉ vì vị thầy. Tốt hơn là nên hiểu Phật, Pháp và Tăng.”
Điều tương tự đã xảy ra với những tu sĩ Thiên Chúa giáo, toàn bộ làn sóng những vụ xì căng đan tình dục quanh những vị lạt ma đã đưa tới một lĩnh vực khác của vấn đề cơ bản – việc sống độc thân. Đó là một vấn đề rất gần gũi với trái tim của Tenzin Palmo và quyết định khó khăn của cô trước đây. Điều gì có liên quan vào những năm 1990 này? Điều gì là có thể? Điều gì là mơ ước? Tenzin Palmo chẳng có chút nghi ngờ nào.
Cô khăng khăng: “Sống độc thân vẫn còn hoàn toàn phù hợp. Nó có giá trị. Nó không chỉ giải phóng thân thể mà còn làm trong sạch tâm hồn. Do không ràng buộc vào một mối quan hệ tình dục, nên năng lượng của bạn có thể được dành cho việc khác theo hướng thánh thiện hơn. Nó cũng giải phóng cả các cảm xúc của bạn nữa. Nó cho phép bạn phát triển tình thương bao la cho tất cả mọi người, không chỉ cho gia đình bạn và một nhóm nhỏ những người bạn thân. Tất nhiên điều đó không đúng với tất cả mọi người và đó chính là nơi nảy sinh ra vấn đề. Có quá nhiều người trở thành tu sĩ Phật giáo bởi vì đó là một cuộc sống tốt đẹp và họ nhận được sự cúng dường. Đức Đạt lai Lạt ma đã tuyên bố công khai rằng trong số 100 vị tăng thì chỉ có 10 vị là những vị tăng thực sự.”
“Tôi thấy các tu sĩ Thiên Chúa giáo ở vị thế rất khó khăn. Tôi nghĩ họ nên có lựa chọn là có nên kết hôn hay không. Đối với một số người, sẽ rất có ích nếu như có một mối quan hệ gần gũi, gắn bó để cho họ học các quy tắc của việc kết hôn trước khi đưa ra những lời khuyên cho người khác. Ở Tây Tạng, khá nhiều các lạt ma lập gia đình là những người phi thường. Lạt ma nghĩa là bậc đạo sư, nhưng không nhất thiết phải là tăng sĩ. Thậm chí ngày nay cũng có nhiều lạt ma lập gia đình như Sakya Trizin và Dilgo Kheyntse Rinpoche. Họ bắt đầu tu luyện từ khi còn rất trẻ và thực hành nhập thất vài năm trước khi kết hôn. Thường họ chỉ làm điều đó theo hướng dẫn của các đạo sư và sống trong tu viện cùng với vợ và con của mình, ngay bên cạnh họ. Điều đó có thể rất tốt bởi vì qua vợ và con gái họ sẽ hiểu phụ nữ, và có quan điểm tôn trọng nữ giới. Bạn không phải trở thành người độc thân, bởi vì điều đó sẽ có lợi ích cho nhiều người.
Cô nhận thấy rằng cuộc cách mạng tình dục đã diễn ra trong thời gian cô ở trong hang động. Làm sao cô có thể bỏ lỡ nó? Thế giới mà cô xâm nhập vào đang bừng bừng với những thân thể trần truồng, ôm lấy nhau trên các bảng quảng cáo, trên vô tuyến, trong phim ảnh, trên các tờ báo hàng ngày và trong các tạp chí của mỗi người bán báo dọc theo các tuyến phố chính. Điều cấm kỵ đã thực sự bị phá vỡ và do đó tình dục được bàn tán, trưng bày và phổ biến khắp nơi. Hình ảnh bao cao su được trưng trên áo phông. Ngành kinh doanh tình dục thay thế nạn mại dâm. Con người không còn “yêu” nữa, mà họ “có tình dục”. Đó là một điều rất khác so với những ngày mà chỉ những bản nhạc của Elvis Presley đã làm cho thanh thiếu niên thấy rùng mình.
Cô nói tiếp: “Không nghi ngờ rằng phương Tây bị ám ảnh bởi tình dục, nghĩ rằng bạn không thể nào sống thiếu nó và rằng nếu bạn làm thế [sống không có tình dục] thì điều đó sẽ làm bạn bị biến dạng và ngang trái. Thật là vô lý và quái dị. Một số những người hăng hái và mãn nguyện nhất mà tôi đã gặp là những người vẫn chưa hề có quan hệ tình dục với ai. Khi tôi nhìn các vị sư ở Tashi Jong và những người dân thường trong cộng đồng ở đó thì sự khác nhau giữa các đặc tính thể chất và tinh thần là rất ấn tượng. Các vị sư trông khỏe mạnh, trong sáng, hạnh phúc còn những người dân thường thì trông ốm yếu và tăm tối hơn. Tất nhiên, đó là một sự khái quát hóa nhưng nó rất thích hợp. Bạn có thể nhìn thấy sự khác nhau đó trong ánh mắt của họ.”
Cô nói thêm: “Tôi nhớ một lần một viên chức cao cấp Ấn Độ đến Dalhousie một thời gian ngắn sau khi tôi đến đây nói với tôi: “Cô là một phụ nữ duy nhất của cả thế giới đó, thế thì những vị sư phải đi đâu để có nó?” “Có cái gì cơ?” Tôi ngây thơ hỏi lại. Ông trả lời: “Ồ, tôi có tám đứa con và tôi vẫn không thể sống thiếu nó [tình dục], vậy thì tại sao trông các vị tăng lại hạnh phúc như vậy?” Ông ấy thấy rất khó tin rằng một vị sư sống độc thân lại có thể trông ổn như vậy. Và bạn nên nhìn ông ta, ông ấy hoàn toàn suy nhược! Tôi cũng đã gặp nhiều tu sĩ Thiên Chúa giáo - những người giữ lời nguyện trong sạch của mình và những người hiện không còn bị ràng buộc hay có chút vấn đề nào. Các tu sĩ dòng Luyện tâm (Trappist) sống rất thọ - và họ chỉ ăn rau và phó mát.”
Vào năm 1997, Tenzin Palmo đã sống độc thân được 33 năm. Vào lứa tuổi 21, cô đã có một quyết định quan trọng là sống mà không có bất kỳ hình thức liên hệ tình dục nào hay thực hiện tình dục, không có bất kỳ sự thỏa mãn đụng chạm thể xác nào – tất cả đều dành cho tôn giáo của cô. Giờ cô đã 54 tuổi và vẫn còn sống độc thân. Nếu nhìn lạc quan thì điều đó dường như là anh hùng, nếu phê phán thì đó là sự phản tự nhiên nhất. Điều gì đã xảy ra đối với cô gái đi giày cao gót và có hàng đống bạn trai bao quanh này? Cô nói: “Tôi nghĩ cô ấy hòa nhập với bên ngoài. Tôi yêu nhạc, thích nhìn các tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ, cảnh vật hữu tình. Tôi thích ở bên cạnh bạn bè và cười nói – những điều biểu hiện phần ưa thích vui vẻ của tôi. Tôi gần như không nghiêm trọng như tôi trước đây vẫn là và không lâu sau thì nhìn “các cô gái khác” như một mối đe dọa.”
Về tcuộc sống độc thân của riêng mình, cô không có chút hối tiếc nào cả: “Tôi cảm thấy hoàn toàn tốt đẹp! Giờ đây tôi chỉ không nghĩ đến đàn ông [về khía cạnh tình dục]. Họ biết điều đó và nói tôi là người phụ nữ duy nhất họ từng gặp mà không có sự rung động tình dục. Không tốt hơn cũng không tồi hơn điều tôi là. Tôi có nhiều bạn trai mới và thích có bạn trai. Thực sự tôi thấy quý mến đàn ông – tôi nghĩ đàn ông rất thú vị. (Tôi cũng thương yêu phụ nữ và thấy họ cũng rất thú vị.) Một trong những niềm vui của việc trở thành một ni sư là điều đó làm cho quan hệ của bạn với những người đàn ông được sâu sắc hơn, bởi vì họ không cảm thấy bị đe dọa. Họ có thể nói chuyện với tôi và kể với tôi những điều mà có lẽ họ sẽ không thể kể cho nhiều người khác. Thực sự, tôi có xu hướng không nghĩ về vấn đề nam nữ nữa. Tôi đã quên những khác biệt trên cơ thể vật lý suốt những năm tôi sống trong tu viện. Giờ đây nhu cầu đã qua đi. Nếu ai đó muốn ôm tôi (điều mà họ thường làm ở Mỹ), thì cũng tốt thôi. Nhưng nó cũng hoàn toàn tốt đẹp nếu như họ không làm vậy. Như hai nhà khoa học Masters và Johnson đã nói trong kết luận của họ, tình dục là một trong những trò vui của cuộc đời, nhưng nó không phải là trò chơi duy nhất và cũng không phải là trò chơi quan trọng nhất. Theo quan điểm của tôi thì có rất nhiều điều quan trọng đối với cuộc đời hơn là các mối quan hệ.”
Ngoài tình dục, cuộc sống độc thân và các bậc đạo sư, Tenzin Palmo vẫn còn phải đối mặt với những thách thức khác. Vào lúc Tenzin Palmo đi vòng quanh thế giới trong những chuyến thuyết pháp của cô, các đệ tử mới bắt đầu thăm dò việc hình thành “Đạo Phật phương Tây”, tìm cách khai thác tiềm năng quý báu của trí tuệ đạo Phật ra khỏi lớp vỏ Đông phương của nó, để điều chỉnh cho thích hợp với văn hóa riêng của họ. Đó là một cuộc cách mạng thầm lặng hơn, quan trọng hơn những sự kiện bề nổi thu hút sự chú ý của các phương tiện thông tin đại chúng. Đó cũng là một điều vẫn luôn diễn ra trong lịch sử đạo Phật. Trải qua nhiều thời kỳ, đạo Phật đã di chuyển từ quốc gia châu Á này đến quốc gia khác và nhờ có sự linh hoạt trong tư tưởng, mà nó đã thay đổi mầu sắc, cách thức sinh hoạt để phù hợp với bất kỳ môi trường mới nào mà nó thâm nhập vào. Kết quả là đạo Phật tại Nhật Bản rất khác biệt so với Đạo Phật tại Sri Lanka, cũng như rất khác so với đạo Phật tại Thái Lan, Bruney, Việt Nam hay Tây Tạng. Tuy nhiên, ẩn sâu bên trong thì những chân lý căn bản vẫn giống nhau – sự đau khổ của vòng luân hồi và nhu cầu tìm kiếm con đường giải thoát. Giờ đây, lần đầu tiên trong vòng hơn 2500 năm, làn sóng Phật giáo bỗng tiến bước không thể ngăn chặn được sang phương Tây và xâm nhập vào bến bờ mới tại châu Âu, Mỹ và Australia, những nơi có nền văn hóa và tinh thần riêng của mình. Mỗi nơi sẽ cung cấp thêm cho đạo Phật những đặc tính riêng biệt của mình.
Giờ đây, những đệ tử dầy dặn kinh nghiệm đã bắt đầu viết lại các nghi thức, cố gắng thấm đẫm chủ nghĩa tượng trưng đầy năng lượng của các hình tượng và ngôn ngữ Tây Tạng bằng những từ ngữ dễ hiểu hơn đối với người phương Tây. Họ bắt đầu giảng dạy, tìm ra những con đường đưa những chân lý cổ vào trong hoàn cảnh hiện đại. Đó là một công việc tinh tế và nhạy cảm, đòi hỏi chọn lọc kỹ lưỡng xem “liệu đứa trẻ có bị ném ra ngoài cùng với nước tắm hay không”. Cùng lúc đó, những ảnh hưởng lớn lao nhất của tư tưởng phương Tây bắt đầu thâm nhập vào tôn giáo phương Đông này một cách hệ thống. Đó không chỉ là phương Đông gặp gỡ phương Tây và phương Tây gặp gỡ phương Đông. Đặc trưng của dịch vụ xã hội, của tình thương trong hành động (hơn là chỉ ngồi thiền trên tọa cụ) được giới thiệu. Nhà tế bần và dịch vụ chăm sóc tại nhà (chăm sóc người sắp chết) của đạo Phật cho những người chết được dựng lên ở mọi nơi, những phòng khám cho người hủi và nơi trú ẩn cho người vô gia cư. Các trung tâm đạo Phật mở các khóa thiền để giải tỏa stress, làm dịch vụ tư vấn và các chương trình cai nghiện rượu và thuốc lá. Và tuệ giác của các bậc thầy trí tuệ của phương Tây như Jung và Freud và các nhà phân tâm học khác, đã thêm một ý nghĩa tươi mới hơn vào trong Phật Pháp. Tiến trình đã bắt đầu - một hình thức mới của tôn giáo đang được thiết lập. Đó là một giai đoạn thú vị.
Tenzin Palmo - người không tự nhiên lựa chọn mà đã gắn bó bản thân mình với Phật giáo Tây Tạng trong hình thức tinh khiết nhất của nó - say mê ngắm nhìn những sự thay đổi đang diễn ra. Cô nói: “Tôi tin phương Tây sẽ có những đóng góp thực sự quan trọng đối với đạo Phật. Tây Tạng là một xứ sở rất đặc biệt và độc đáo vô song; và họ sáng tạo ra một đạo Phật hoàn hảo cho họ. Nhưng hoàn cảnh của đạo Phật ở châu Âu hiện nay rất khác biệt và Pháp phải thay đổi. Tất nhiên điều cần thay đổi đó không phải là bản chất, mà là cách thức thể hiện và những điểm cần nhấn mạnh của nó.”
“Tôi nghĩ sự hợp nhất khéo léo, thiện xảo của các nguyên tắc tâm lý học sẽ đóng vai trò quan trọng. Tôi cũng thích ý tưởng về sự dấn thân vào cuộc sống xã hội, của việc thành tâm giúp đỡ người khác thay vì chỉ ngồi yên hành thiền trên tọa cụ và suy nghĩ về nó. Đó là một tiến trình mở rộng trái tim thông qua thực tế cuộc sống và nó phù hợp với người phương Tây. Thực sự, nó không hề có hại hay trái ngược với Pháp. Nó vẫn luôn có trong Pháp, nhưng chỉ không được áp dụng nhiều mà thôi. Các khía cạnh khác của Pháp nổi lên khi chúng cộng hưởng với những đặc tính hiện có trong tinh thần của dân tộc mà nó tiếp xúc. Đó là một quá trình hoàn toàn cần thiết để đạo Phật trở nên phù hợp với một quốc gia riêng.
“Nhưng tiến trình này mới chỉ bắt đầu. Pháp phải mất hàng trăm năm mới bắt rễ vững chắc tại Tây Tạng. Hiện nay cũng chưa có đạo Phật phương Tây. Đạo Phật sẽ không cắm rễ được ở phương Tây cho đến khi một số người phương Tây ra đi và thỉnh Pháp, tiếp thu và lĩnh hội nó rồi sau đó đưa lại cho nó một hình thức phù hợp với người phương Tây. Thời điểm này mới như giai đoạn ở Tây Tạng khi người Tây Tạng tới Ấn Độ mang các kinh điển về và các bậc thầy Ấn Độ viếng thăm Tây Tạng. Người Tây Tạng cũng phải dần dần mới phát triển nó thành một hình thức phù hợp với họ, cũng như người Thái và Bruney đã làm. Người phương Tây cuối cùng cũng sẽ làm như vậy, nhưng điều đó phải đến hết sức tự nhiên.”
Tuy nhiên, trong câu chuyện của Tenzin Palmo, phong trào đòi quyền bình đẳng cho nữ giới ở phương Tây lên cao sẽ mang đến những phần thưởng thú vị nhất và cũng là những thách thức khắc nghiệt nhất.