Chương 10: Nữ hành giả
Phong cảnh bên ngoài động có thể thật đáng sợ, nhưng thế giới nội tâm của Tenzin Palmo thì như thế nào? Sau hết, cô phải nhập thất trong động để khám phá ra điều gì. Liệu cô đã nhìn thấy gì trên hành trình dài hướng vào nội tâm đó? Khi ngồi đó, cô có được xem những linh ảnh giống như chúng ta xem vô tuyến không? Cô có được tắm mình trong hào quang rực rỡ không? Nghe thấy những giọng nói thiêng liêng? Kinh nghiệm những đợt sóng của niềm hạnh phúc siêu việt hay không? Hay có lẽ cô bị ma quỷ trong tâm thức chòng ghẹo, bị rối loạn vì những điều vốn nằm sâu trong tiềm thức mà những phương pháp thiền đã khơi dậy lên?
Theo truyền thuyết kể về những hành giả đơn độc, thì đây là những điều mà người sống trong hang động thực sự đã trải qua. Trên hang động băng giá và cằn cỗi của mình, đại hành giả Milarepa, người sáng lập ra tông phái của Tenzin Palmo, sau nhiều năm sống kham khổ và nỗ lực không ngừng, đã thấy mình lạc vào thế giới huy hoàng đầy huyền bí. Những bức tường và sàn hang động tan chảy với vết hằn của tay, chân, mông: những nơi ông ấn chúng vào trong đá. Các nữ thần xuất hiện, mang cho ông những món ăn thơm ngon để làm dịu cơn đói của ông. Thân thể gầy mòn của ông (đã chuyển sang màu xanh do ông chỉ ăn có súp tầm ma) ngập trong niềm hạnh phúc sâu xa. Trong những giấc mơ của mình, ông có thể biến thân thể mình thành bất kỳ dạng hình nào mà ông muốn, vượt qua vũ trụ theo bất kỳ hướng nào mà không bị trở ngại. Khi thức giấc, ông học bay trên những thung lũng quê nhà với tốc độ cao. Điều đó làm kinh hoàng những người nông dân đang cày ruộng ở dưới thung lũng.
Liệu cô con gái của người bán cá tại Bethnal Green có kinh nghiệm được điều gì giống như vậy không?
Sẽ không có ai biết chính xác những gì Tenzin Palmo trải qua sau nhiều năm độc cư: những giây phút trí tuệ ngời sáng mà cô có thể có, những giờ phút đen tối mà cô có thể đã trải qua. Cô đã học được từ các vị Todgen (những hành giả khiêm tốn mà những phẩm tính của họ đã ảnh hưởng sâu đậm lên cô) rằng một người không bao giờ tiết lộ, khoe khoang về những khả năng tâm linh của mình. Giải thoát khỏi cái tôi, không phát triển nó chính là tên của trò chơi. Ngoài ra, lời nguyện tâm linh cấm cô không được tiết lộ bất kỳ thành tựu nào mà cô đã đạt được. Đây là một truyền thống lâu đời. Ngay từ thời đức Phật, người đã bắt một tu sĩ phải hoàn tục khi ông này biểu diễn thần thông trước công chúng, và tuyên bố rằng sự chuyển hóa trái tim con người là thứ thần thông duy nhất thực sự có ý nghĩa.
Cô nói: “Thực sự là tôi không thích bàn luận về nó. Nó giống như những kinh nghiệm tình dục của bạn. Một số người thích nói về chúng, những người khác thì không. Cá nhân tôi thấy đó là điều quá riêng tư.”
Khi bị thúc ép, cô thừa nhận những điều hiển nhiên nhất: “Tất nhiên khi bạn nhập thất lâu dài bạn sẽ có những kinh nghiệm mãnh liệt – những khi thân thể bạn hoàn toàn tan ra, hay khi bạn thấy mình đang bay bổng. Bạn đạt tới những trạng thái nhận thức khó tin và rõ ràng khi mọi thứ trở nên đầy sống động.”
Cũng có những linh ảnh nữa – đôi khi vị thầy Khamtrul Rinpoche của cô xuất hiện và cho cô những lời khuyên trong khi cô hành thiền. Những chúng sinh linh thiêng khác cũng hiện lên trong hang động của cô. Nhưng những dấu hiệu đó (thường được coi như những dấu hiệu của thành tựu tâm linh cao cấp nhất) đã bị cô bỏ qua và xem như những sự kiện thực sự không quan trọng.
Cô nhấn mạnh: “Toàn bộ vấn đề không phải là việc có được những linh ảnh mà là có được sự nhận thức rõ ràng, hay giai đoạn mà chân lý không còn là những gì được xây dựng nên bằng tinh thần hay trí thức nữa mà là một sự thực. Chỉ khi việc hành thiền chuyển từ bộ não xuống trái tim, và được kinh nghiệm trực tiếp thì sự chuyển hóa mới bắt đầu diễn ra. Cô nói tiếp: “Và sự nhận thức là hoàn toàn trần trụi. Chúng không đi kèm với ánh sáng và âm nhạc. Chúng ta cố gắng nhìn mọi thứ như chúng thật sự là. Một nhận thức không dựa trên khái niệm. Đó không phải là sản phẩm của một quá trình tư duy hay cảm xúc – không giống như các linh ảnh đến từ cấp độ này. Nhận thức là ánh sáng trắng trong suốt ở tâm của lăng kính, chứ không phải những giọt nước mưa đầy màu sắc bao quanh nó.”
Đối với niềm an lạc thì sao? Liệu Tenzin Palmo có đạt được điều hấp dẫn nhất trong các trạng thái thiền này không? Đối với những người ở mức độ trung bình đang ngồi tại nhà và đọc sách về các thiền giả vĩ đại thì niềm hạnh phúc là điều đáng để đạt tới dù phải vượt qua mọi trở ngại: tất cả những khó khăn, thiến thốn ghê gớm, sự thiếu vắng các tiện nghi và mối quan hệ bạn bè. Nói tóm lại, sự an lạc chính là phần thưởng. Rõ ràng, Tenzin Palmo, trong một hoặc hai bức ảnh chụp vào thời điểm này, đều có khuôn mặt tràn đầy hạnh phúc.
Cô xác nhận với giọng nói bình thản: “Có những trạng thái an lạc không thể tin được. An lạc là năng lượng cho việc nhập thất. Bạn không thể thực hành nghiêm túc trong thời gian dài nếu như không có niềm vui trong nội tâm, bởi vì niềm vui và sự nhiệt tình là những gì giúp bạn tiến bước. Giống như bất kỳ điều gì khác, nếu bạn không thực sự thích nó thì bạn sẽ có sự chống đối trong nội tâm và mọi thứ sẽ diễn ra rất chậm chạp. Đó là lý do vì sao đức Phật nói Hỷ [vui vẻ] là một yếu tố chính trên con đường Đạo.
“Vấn đề duy nhất đối với an lạc là nó gợi lên sự thỏa mãn lớn lao, sâu xa hơn bất kỳ điều gì trong thế giới trần tục này, kể cả các khoái cảm tình dục. Vì vậy, người ta có thể bị bám víu vào nó, thực sự ham muốn nó và rồi nó lại trở thành một chướng ngại khác.” Cô nói thêm, trước khi kể một câu chuyện để làm rõ thêm quan điểm này.
“Một lần, khi tôi còn ở Dalhousie với các vị Todgen, có hai vị tăng đang được đào tạo để trở thành hành giả yogi. Một ngày họ đang đứng bên ngoài giũ một tấm chăn và niềm hạnh phúc dâng trào làm họ khó khăn lắm mới đứng vững. Bạn có thể thực sự cảm thấy làn sóng hạnh phúc này tấn công bạn. Những vị Todgen quay sang tôi và nói: “Con biết không, khi con bắt đầu, điều đó sẽ xảy ra. Con thấy mình tràn ngập hạnh phúc và con không biết phải làm gì. Sau một thời gian, con học cách kiểm soát nó và đưa nó về mức có thể kiểm soát được.” Đó là sự thực. Khi bạn gặp những hành giả chín chắn hơn, không phải là họ hoàn toàn không có khả năng diễn tả về những trạng thái hạnh phúc lớn lao này, bởi vì họ đã học cách đối diện với nó [Bạn ít thấy họ nói về nó không phải vì họ không diễn tả được mà là vì họ đã biết cách đối diện với nó]. Và tất nhiên là họ nhìn vào bên trong tự tính trống rỗng của nó.”
Cô nói tiếp: “Bạn thấy đấy, hạnh phúc tự nó là vô dụng. Nó chỉ hữu ích khi được dùng như một trạng thái của tâm để hiểu được Tính Không – khi tâm hồn đầy an lạc [thì hành giả] có thể nhìn vào bản chất riêng của nó. Còn không thì nó chỉ là dạng khác của Samsara (cõi luân hồi). Bạn có thể hiểu về Tính Không ở mức độ sơ đẳng, nhưng để hiểu nó ở mức độ tinh vi thì tâm bạn cần có sự an lạc. Một tâm an lạc là rất tinh tế và nó nhìn vào Tính Không rất khác so với một tâm thô thiển nhìn vào Tính Không. Và đó là lý do tại sao hành giả cần nuôi dưỡng sự an lạc.”
“Bạn phải vượt qua sự an lạc. Đó chỉ là một giai đoạn trên con đường. Mục đích tối hậu là nhận thức được bản chất của tâm.” Cô nhấn mạnh. Bản chất của tâm là sự tỉnh giác không có điều kiện, không nhị nguyên. Nó là Sự trống rỗng và An lạc. Đó
là trạng thái Biết mà không có Người Biết. Và khi trở thành sự thực thì nó không hề kịch tính một chút nào. Không có pháo nổ hoa đăng, không kèn không trống. “Nó giống như lần đầu tiên bạn thức dậy – thoát ra khỏi giấc mơ và nhận ra rằng trước đây mình toàn nằm mộng. Đó là lý do vì sao các hiền giả nói rằng tất cả mọi thứ đều là ảo ảnh. Thông thường chúng ta sống trong sự kìm cặp, thiếu sinh động. Nó giống như thở trong không khí cũ rích. Nhưng sự thực đúng là như vậy.”
Sự thực hình như cũng không diễn ra trong một vụ Big Bang. “Ban đầu bạn chỉ có ý niệm lờ mờ về nó. Đó thực sự chỉ là phần đầu tiên của con đường. Mọi người thường nghĩ là họ đã nhìn thấy toàn thể mọi sự, khi họ mới nhìn thấy thoáng qua vấn đề. Một khi bạn bắt đầu nhìn thấy bản chất của tâm, thì sau đó bạn có thể bắt đầu hành thiền. Tiếp đó, bạn phải ổn định nó cho đến khi bản chất của tâm ngày càng trở nên quen thuộc hơn. Và mọi thứ được hoàn tất khi bạn hòa nhập được nó vào trong cuộc sống hàng ngày.”
Vào các thời điểm khác thì những biểu hiện của Tenzin Palmo rõ ràng là bình thường hơn, mặc dù sự an bình luôn có trong đôi mắt của cô. Một lần, vào mùa xuân khi tuyết bắt đầu tan và động của cô đang hoàn toàn bị ngập trong nước. Cô kể lại: “Các bức tường và sàn càng ngày càng ẩm ướt hơn và vì một lý do nào đó, tôi thấy không được khỏe. Tôi bắt đầu nghĩ: “Ồ, những gì họ nói về các hang động quả là đúng” và bắt đầu cảm thấy xuống tinh thần.”
Bỗng nhiên, Chân lý đầu tiên của đức Phật mà cô đã được học, khi mới lần đầu tiên tiếp xúc với đạo Phật, đã tiếp thêm năng lượng hồi sinh cho cô. “Tôi nghĩ “Tại sao mình vẫn còn tìm kiếm hạnh phúc trong cõi luân hồi? và tâm tôi ngay lập tức thay đổi. Nó giống như: Đúng thôi. Luân hồi (Samsara) là đau khổ (bản chất bất mãn căn bản của cuộc sống). Tuyết đang tan cũng tốt thôi. Tôi bị ốm cũng tốt thôi, bởi vì đó là bản chất của Samsara. Không có gì phải lo lắng về nó. Nếu mọi thứ suôn sẻ thì thật là tuyệt. Nếu không suôn sẻ thì cũng vẫn tuyệt. Không có gì khác biệt cả. Mặc dù điều đó nghe rất đơn giản, nhưng vào lúc đó thì đấy là một bước đột phá lớn. Kể từ đó, tôi không bao giờ bận tâm về những hoàn cảnh bên ngoài. Nhờ cách này mà hang động là một bài học lớn, bởi vì nó không hoàn hảo chút nào.” Cô nói.
Nếu những kết quả của việc hành thiền có thể là kỳ lạ, thì con đường tới Giác ngộ lại cực kỳ vất vả và đòi hỏi sự cần cù. Có quá nhiều thứ để làm và một con đường dài vô tận để đi. Các lạt ma nói rằng nếu như bạn có thể đạt Giác ngộ trong ba kiếp, thì bạn sẽ phải chuyển hóa rất nhanh đến mức không thể tin được, đối với nhiệm vụ sắp tới là chuyển hóa thân, khẩu, ý trở thành thân, khẩu, ý của một vị Phật. Không kém hơn. Hiểu được điều đó, người Tây Tạng đã phát triển Đạo thành một khoa học. Bất kỳ ai cũng có thể thực hành theo những văn bản hướng dẫn các pháp tu nhập môn cho phép những người tham dự được thực hành và có động lực đúng đắn để đảm bảo cho người tìm đạo không sa ngã vào vực thẳm của thói vị kỷ. Có những con đường rõ ràng để đi, những chỉ dẫn chi tiết để tuân theo, những cấp bậc được mô tả rõ để đạt tới, mỗi cấp bậc được đánh dấu bằng những đặc tính riêng của chúng. Do đó, bạn có thể biết chính xác mình đang ở đâu. Có một số bước ngoặt đặc biệt cần chú ý, những bài thực hành yoga đặc biệt, và một sự hỗ trợ vô biên nhằm khai thác mọi giác quan để thúc đẩy người tìm đạo đi tới trước. Đó là tâm làm việc trong tâm, thức làm việc trong thức. Nhiệm vụ mở ra bí mật của thế giới là trong tầm tay và nằm trong đầu chúng ta. Nói tóm lại, điều mà Tenzin Palmo đang tham dự là cuộc phiêu lưu được xem là quan trọng và nhiều ý nghĩa nhất của mọi thời đại – sự khai phá nội tâm.
Tiến sĩ Robert Thurman - giáo sư về Ấn Độ - Tây Tạng học tại đại học Columbia, New York và là một trong những diễn giả đạo Phật trình bày rõ ràng và thú vị nhất trên thế giới - nói về điều này: “Điều mà các thiền giả đang làm trong những kỳ nhập thất lâu dài là hết sức chuyên tâm. Anh ta/ Cô ta không chỉ ngồi đó nói chuyện với Đại Ngã (Great Oneness). Anh ta làm dịu, chia tách hệ thần kinh của mình một cách khéo léo để trở nên tự nhận thức được từ ngoài cá thể của mình. Nó giống như bạn đang sử dụng Word Perfect và bạn đang trong một con chip. Và bạn tự nhận thức việc bạn là một con chip. Bạn làm điều đó bằng cách cân bằng tâm trí bạn, nơi mà bạn có thể dịu xuống mức chi tiết nhất (dots and dashes) và bạn càng ngày càng chìm xuống rồi thậm chí đi vào trong nó.”
Ông nói tiếp: “Nói một cách khác, người Phật tử Đại thừa cùng với hiểu biết chuyên môn về tantra trở thành một nhà vật lý lượng tử của thực tại nội tâm. Điều anh ta làm (là) khác biệt hóa từ tiến trình nhận thức và khái niệm thô thiển. Anh ta đi xuống mức neuron và từ bên trong mức neuron anh ta đi xuống mức neuron tinh vi nhất, hay mức siêu neuron và anh ta trở thành nơi giống như chiếc máy tính có thể tự nhận thức được bản thân mình. Hành giả yoga thực hành đúng sẽ đi xuống mức dưới ngôn ngữ máy móc – dưới mức hạ nguyên tử.”
“Khi bạn làm điều đó, điều mà bạn đạt được không phải là những thứ huyền bí mà là một vài điều tiến hóa, cụ thể. Đó là mức cao nhất của tiến hóa. Đó là điều mà người ta định nghĩa về đức Phật. Mức tiến hóa cao nhất.”
Cá nhân Tenzin Palmo không bao giờ nghi ngờ hiệu quả của những phương pháp mà cô đang thực hành: “Người Tây Tạng đã sản sinh ra hàng loạt các bậc Giác ngộ như một dây chuyền lắp ráp trong nhiều thế kỷ. Đây là một điều phi thường đối với một dân tộc ít người như vậy.”
Là một người chu đáo và ngăn nắp, cô đã bắt đầu với những thực hành đơn giản, khi cô khởi sự tại Dalhousie và Lahoul, rất lâu trước khi cô vào sống trong hang động. Chúng bao gồm những nghi thức đơn giản như dâng cúng mandala (hành giả xây dựng một thế giới biểu tượng trong những cái khay bạc trang hoàng bằng những phẩm vật “quý báu” và cúng dường chúng cho tất cả các vị Phật), hay thực hành lễ Phật (lạy phủ phục), hay tụng mantra. Những nghi thức này được thực hành chính xác hàng trăm hàng ngàn lần nhằm chuẩn bị và làm mềm dịu tâm cho các thực hành tantra bí mật về sau. Trong động, Tenzin Palmo thực hành lại tất cả các pháp môn này. Có lúc cô đã nhịn ăn hoàn toàn (mặc dù cô không nói là trong bao lâu). Một lần khác, cô nhịn ăn một phần trong khi thực hành lễ lạy và cầu nguyện Quan Thế Âm Bồ tát (Chenrezig) - vị Phật ngàn tay ngàn mắt của lòng Từ Bi. Một thực hành đầy khắc nghiệt cả về tâm lý và thể chất, và còn trở nên khó khăn hơn vì những điều kiện sống thiếu thốn mà cô đang trải qua.
“Lúc đó là mùa đông và tôi không có thức ăn phù hợp. Tôi ăn những thức ăn quá nặng. Khi bạn nhịn ăn (một phần) sẽ tốt hơn là bạn có thức ăn nhẹ và nhiều dinh dưỡng. Do đó, các điều kiện vật chất là quá khắc nghiệt. Tôi có vấn đề về tiêu hóa và rất yếu.” Cô nói và từ chối chia sẻ kỹ hơn về vấn đề này.
Tuy nhiên, mặt tinh thần lại phát triển tốt. Cô xác nhận: “Tâm trở nên thanh tịnh. Những lời cầu nguyện rất hay và tâm trở nên hoàn toàn trong sáng, rất rộng mở và nhiệt tình.”
Sau khi thực hành tịnh hóa trong sáu tháng, Tenzin Palmo có một giấc mơ. Có thể xem giấc mơ đó giải thích nhiều hơn điều cô nói, về mức độ phát triển tâm linh mà cô đã đạt được.
Cô bắt đầu: “Tôi đang ở trong tù. Đó là một nhà tù khổng lồ có rất nhiều cấp bậc. Ở tầng trên mọi người sống trong xa xỉ, tráng lệ và huy hoàng, trong khi ở tầng dưới những người khác đang sống trong sự tra tấn kinh khủng. Ở những tầng giữa, những công dân còn lại đang bị ràng buộc vào những hoạt động trong những điều kiện đa dạng khác nhau. Đột nhiên, tôi nhận ra, dù con người có đang ở cấp bậc nào, tất cả chúng ta đều đang ở trong tù. Tôi tìm được một chiếc thuyền và quyết định giải phóng cho càng nhiều người càng tốt cùng đi với tôi. Tôi đi khắp nhà tù nói với họ về tình trạng tù tội của họ và giục họ đi với tôi. Nhưng dù cho tôi có cố gắng đến đâu, họ dường như bị khóa chặt vào trong một thói quen trì trệ kỳ lạ; và cuối cùng, chỉ có hai người có ý chí và can đảm đi cùng với tôi.
“Chúng tôi vào trong thuyền, và thậm chí không có nhân viên bảo vệ nhà tù nào, không có một ai ngăn cản khi chúng tôi chèo thuyền thoát khỏi nhà tù ra thế giới bên ngoài. Khi đã thoát ra ngoài, chúng tôi bắt đầu đi dọc theo nhà tù. Nhìn quanh, tôi có thể thấy tất cả mọi người trong những cửa số đang miệt mài bận rộn với những hoạt động khác nhau của mình, không có một chút lưu tâm nào về sự thật của hoàn cảnh mà mình đang sống. Chúng tôi chạy hàng dặm đường song song với nhà tù dường như dài vô tận này. Tôi càng trở nên mệt mỏi và chán nản. Tôi cảm thấy rằng mình sẽ không bao giờ đi xa hơn nhà tù và rằng có thể chúng tôi sẽ phải quay trở lại và sống trong đó. Tôi định từ bỏ thì nhận ra rằng hai người đã theo tôi đã đặt hy vọng vào tôi; và nếu như tôi từ bỏ, thì họ cũng sẽ sụp đổ theo. Tôi không thể để họ sa ngã, vì vậy tôi tiếp tục tiến bước.
Ngay sau đó, chúng tôi đến một ống nối chữ T, một vùng đất hoàn toàn khác biệt. Nó giống như một vùng ngoại ô. Ở đó có những căn nhà sạch sẽ, ngăn nắp với hàng rào hoa và cây cối. Chúng tôi bước vào ngôi nhà đầu tiên và gõ cửa. Một người phụ nữ trung niên đẹp đẽ mở cửa, nhìn chúng tôi và nói: “Ồ, các con vừa từ trong đó thoát ra à. Không có nhiều người ra được đến đây. Bây giờ các con đã ổn rồi, nhưng các con phải thay quần áo. Quay trở lại sẽ khá nguy hiểm, nhưng các con phải cố gắng giúp những người khác cũng được thoát ngoài.” Về điểm này tôi có một khát vọng to lớn. Tôi nói với bà ấy: “Con đã cố nhưng không ai muốn đi cả.” Bà trả lời: “Những người có năng lực sẽ giúp đỡ con.” Và tôi nói: “Con nguyện hiến dâng bản thân mình để làm việc cùng với họ, nhờ đó con có thể giúp giải thoát tất cả mọi chúng sinh.”
Cô nói: “Đúng lúc đó tôi tỉnh dậy – và mỉm cười với hình ảnh người phụ nữ trung niên ở vùng ngoại ô đó.”
Giấc mộng là rõ ràng. Trong tiềm thức của mình, Tenzin Palmo đã nguyện dành chính bản thân mình để dẫn dắt một cuộc giải thoát lớn thoát khỏi nhà tù của Samsara (cõi luân hồi) - vương quốc của những đau khổ mà chúng ta còn bị ràng buộc vào cho đến khi nào đạt tới tự do vĩnh cửu của Giác ngộ. Dường như cô cũng đồng nhất với lý tưởng Bồ tát về lòng vị tha vô điều kiện [vô duyên từ].
Khi cô không thực hành các bài thực hành cơ bản của mình, thì cô làm việc với bài Tập trung vào Một điểm duy nhất của mình – kỷ luật thiền huấn luyện tâm tập trung vào một đối tượng duy nhất không hề xao lãng. Người ta nói rằng các hành giả yoga có thể ở trong trạng thái định đó hàng ngày, hàng tuần và thậm chí là hàng tháng, không chút cử động. Tâm của họ hoàn toàn chăm chú vào những kỳ quan của thế giới nội tâm. Tập trung vào một điểm duy nhất hay Định (Samadhi), là cần thiết cho việc xâm nhập vào bản chất của thực tại và khám phá ra chân lý tối hậu. Đó cũng là một bài thực hành rất khó, vì tâm luôn muốn nhảy nhót ở tất cả mọi hoàn cảnh, di chuyển từ xao động này tới xao động khác, từ hình ảnh này đến hình ảnh khác, liên tục phóng ra ngoài chính nó, tiêu hao một lượng năng lượng khổng lồ vào dòng chảy bất tận những chuyện không đâu. Họ nói tâm như một con ngựa hoang, cần được kiểm soát và huấn luyện. Người ta nói rằng khi năng lượng của tâm được chế ngự và điều khiển như chùm tia laser được tập trung vào một điểm duy nhất, thì năng lượng của nó sẽ khổng lồ. Cuối cùng thì đó là sức mạnh cao thế cần thiết để đào sâu vào những khía cạnh sâu xa nhất của tâm, mở khóa những kho báu vĩ đại nhất được chôn dấu tại đây.
Tenzin Palmo nói: “Dù bạn đang thực hành bài tập gì, tâm (chủ thể của thiền) và đối tượng của thiền phải được hòa nhập với nhau. Thường thì chúng đối lập với nhau. Hành giả phải trở nên hoàn toàn tập trung thì sau đó việc chuyển hóa mới diễn ra. Nhận thức sẽ tự nhiên chuyển từ đầu tới trái tim – và khi điều đó xảy ra thì trái tim sẽ mở ta và không còn “cái tôi” nào. Và đó chính là sự giải thoát. Khi một người có thể học sống từ trái tim chứ không phải từ trí óc, thì bất cứ điều gì người đó làm đều tự nhiên và phù hợp. Điều đó cũng sẽ giải phóng ngay lập tức một dòng năng lượng lớn, bởi vì nó không còn bị ngăn trở một chút nào bởi những sự can thiệp thường xuyên của chính chúng ta. Hành giả trở nên vui vẻ và nhẹ nhàng, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng bởi vì anh ta trở về với cội nguồn, với trái tim hơn là sống tha hương trong bộ não của chính mình. Khoa học thực nghiệm của chúng ta đã hướng sự tập trung vào bộ não, nên tất cả chúng ta đều bị phóng thể (tách rời khỏi cội nguồn đích thực). Đó là lý do vì sao nhiều người cảm thấy cuộc đời khô khan và vô nghĩa.”
Khi cô kết thúc tất cả những bài thực hành chuẩn bị của mình, cô hạ thủ công phu vào phần chính của sự thực tập, các nghi thức tantra – quá trình “luyện đá hóa vàng” hứa hẹn sự chuyển hóa tới giác ngộ hoàn toàn. Nếu như kết quả cuối cùng là một điều kỳ diệu, thì việc làm tới đây lại rất tầm thường và có thể nói là buồn tẻ kinh khủng. Hàng tháng và hàng năm trời, cô nhập thất nghiêm chỉnh trong hang động mỗi ngày, ngồi trên chiếc hộp thiền định của mình và tuân theo cùng một bài tập mệt mỏi, theo một thời gian biểu cứng nhắc lặp đi lặp lại: dậy từ 3 giờ sáng và bắt đầu thời thiền đầu tiên kéo dài 3 giờ đồng hồ; 6 giờ sáng: ăn sáng (chè và tsampa); 8 giờ sáng quay trở lại hộp thiền định để thực hành khóa thiền thứ hai; 11 giờ sáng: nghỉ và ăn trưa; 3 giờ chiều quay trở lại hộp thiền định để thực hành khóa thiền thứ ba; 6 giờ chiều: uống chè, 7 giờ tối lại là 3 giờ đồng hồ với khóa thiền thứ 4; 10 giờ tối “đi ngủ” trên chiếc hộp thiền định! Tính tất cả là 12 giờ ngồi thiền mỗi ngày – hết ngày này đến ngày khác, trải qua hàng tuần lễ, hàng tháng, và hàng năm trời cho đến khi kết thúc kỳ nhập thất. Trớ trêu thay cho người phụ nữ đã rời bỏ thế giới là cô lại phải lên thời gian biểu cho mọi hoạt động của mình và sống một cuộc đời với kỷ luật và nguyên tắc giống như bất kỳ công nhân nào làm việc trong nhà máy.
Đối với tất cả những đơn điệu đến cùng cực này, cô không bao giờ tỏ ra nhàm chán. Cô nói thẳng thắn: “Đôi khi tôi nghĩ nếu như tôi phải xem cùng một chương trình truyền hình bốn lần mỗi ngày, thì chắc tôi sẽ phải đập đầu vào tường mất. Nhưng khi nhập thất, có một mô hình nổi lên. Ban đầu nó rất thú vị. Sau đó, bạn sẽ vấp phải một giai đoạn nhàm chán kinh khủng. Và sau đó, khi bạn có một làn gió thứ hai thì mọi thứ càng ngày càng trở nên hấp dẫn hơn cho đến khi vào giai đoạn cuối nó trở nên hấp dẫn và thú vị hơn cả lúc ban đầu. Đó là lý do tại sao bạn có thể làm được cùng một điều bốn lần mỗi ngày trong ba năm liền. Đó là vì mọi thứ bắt đầu mở ra ý nghĩa đích thực của nó và bạn khám phá ra hết lớp này đến lớp khác sự quan trọng nội tâm. Do đó, vào lúc cuối, bạn gắn bó nhiều hơn vào nó và hoàn toàn đồng nhất với nó hơn là trong giai đoạn bắt đầu.”
Cô vẫn còn mơ hồ về bản chất chính xác của tài liệu mà cô đang làm việc với nó. “Tôi đã thực hành những pháp môn cổ xưa nhất theo truyền thống được quy cho chính đức Phật. Ngài giảng nó cho nhiều bậc thầy vĩ đại - những người sau đó đã viết chúng ra sau khi đã tự mình thực chứng chúng. Chúng liên quan đến rất nhiều các thực hành quán tưởng và yoga nội tại.” Cô ngụ ý. “Về cơ bản, bạn sử dụng khả năng tưởng tượng sáng tạo của tâm trí để biến đổi mọi thứ, cả bên trong lẫn bên ngoài. Sự tưởng tượng sáng tạo này tự nó là một sức mạnh vô song không thể nghĩ bàn. Nếu bạn điều khiển nó theo một cách thức đúng đắn, thì nó có thể đạt tới những tầng mức rất sâu của tâm trí - những tầng mức vốn không thể đạt được thông qua những phương pháp thông thường (của ngôn từ) hay phân tích thuần túy. Đó là vì ở những mức độ thâm sâu, chúng ta suy nghĩ trên những bức tranh. Nếu bạn sử dụng những bức tranh đã phát sinh ra trong một tâm thức giác ngộ, thì nó sẽ mở ra những tầng mức sâu kín trong tâm trí của chính bạn.
Cô nói tiếp: “Điều mà bạn giải quyết với những hình ảnh vốn là phản ánh những đặc tính sâu kín nhất trong chính mỗi con người. Chúng là những phản ánh của tâm thức một vị Phật, do đó chúng là một phương tiện thiện xảo để dẫn bạn quay trở về với con người mà bạn thực sự là. Đó là lý do tại sao khi bạn thực hành thì các sự kiện và kinh nghiệm lại diễn ra.”
Có thể đó là đặc tính giáo dục người khu Đông Luân Đôn của cô. Nó đã dạy cô giữ lòng vui vẻ trong nghịch cảnh và tạo ra khả năng hồi phục của cô. Hoặc có thể đó là sự hóa trang tâm lý bề ngoài của cô - điều thường giúp cân bằng và ổn định hệ thần kinh. Hoặc có lẽ đó là vì một vài lý do nào đó đã dẫn dắt cô lên núi thiền quán trong cô tịch. Nhưng Tenzin Palmo quả quyết khẳng định rằng cô không hề có những đêm tối của tâm hồn. Không bao giờ có khoảng khắc nào, khi những yêu ma trong truyền thuyết (mà những người ẩn dật thường nói tới) phát sinh thành sự đau khổ dằn vặt và lời chửi bới. Cô không chịu đựng những khoảnh khắc của sự điên loạn, bệnh hoang tưởng, hay những giai đoạn đau đớn của nghi ngờ và thất vọng. Và cũng không có giây phút nào, cô cầu xin những gai độc của lòng tham dục - điều dường như cuốn hút nhất đối với những hành giả nam giới mộ đạo. Thánh Jerome - khóc và nói trước khi bắt đầu tự hành xác để sám hối: “Tôi thấy bản thân mình bị bao quanh bởi những nhóm gái nhảy. Khuôn mặt tôi nhanh chóng tái nhợt đi; mặc dù chân tay tôi lạnh giá như băng, nhưng trái tim tôi bùng cháy những ham muốn; và sức mạnh của lòng tham dục vẫn sôi sục trong tôi khi da thịt tôi như đã chết rồi.”
Không có điều nào như trên xảy ra đối với Tenzin Palmo. Cô gợi ý: “Tôi không gặp bất kỳ điều gì đáng sợ. Có thể là bởi vì tôi không có một tuổi thơ với nhiều kỷ niệm khủng khiếp. Về khía cạnh này thì tôi thật may mắn.”
Trong khi cô có thể không vấp phải bất kỳ bức tường tâm linh nghiêm trọng nào, thì cô vẫn nói rằng không phải là cô không bị thử thách. Những cạm bẫy vẫn có đó, cũng nguy hiểm chết người như vậy. Đó là điều không thể tránh khỏi. Khi không có đời sống xã hội làm xao lãng, không có trách nhiệm phải gánh vác, không có người nào làm lệch lạc cảm xúc của cô, tất cả những mặt nạ bị gỡ bỏ. Bây giờ, tấm gương được dựng thẳng ngay trước mặt cô. Nhưng không phải lúc nào nó cũng phản chiếu một hình ảnh dễ chịu. Cô nói: “Khi nhập thất, bạn nhìn thấy bản chất của mình trong đúng trạng thái thô sơ của nó, và bạn phải sửa đổi những điều thô ráp đó.”
Cô nói: “Có thể tôi không có những nghiệp ác lớn, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không có vấn đề. Chúng chỉ không rõ ràng và do đó khó nắm bắt hơn thôi.” Cô nói thêm: “Khi thực hành, bạn bắt đầu nhìn thấy điều đó nên được làm như thế nào, và khi mọi thứ không xảy ra, bạn bắt đầu tự hỏi bản thân mình: “Tại sao?”. Trong trường hợp của tôi, đó là sự lười biếng - một sự trì trệ cơ bản. Đó là vấn đề chính của tôi. Nó khá gian xảo. Nó không giống như việc đối đầu với lũ hổ báo của giận dữ và ham muốn (sân hận và tham dục). Bạn có thể thấy rõ những vấn đề đó. Nhưng khiếm khuyết của tôi âm thầm hơn nhiều – chúng ẩn sâu bên dưới nên khó nhận thấy hơn.” Cô thú nhận.
Sự lười biếng mà cô nói tới không phải là sự biếng nhác chỉ ngồi một chỗ và không làm gì cả hay thấy uể oải, hay vướng mắc vào những hoạt động tầm phào. Có thể nói Tenzin Palmo không bao giờ mắc phải những điều đó. Thay vào đó là sự lười biếng ở một hình thức tinh vi hơn. “Một người biết cách thực hành như thế nào - một điều mà người đó hoàn toàn có khả năng. Nhưng người đó không cố gắng ở mức tối đa. Nó giống như việc thi đỗ ở trường học vậy – một người không thực hiện hết khả năng tốt nhất của mình. Đó là sự cố gắng ở mức độ thấp và điều đó nghiêm trọng hơn là có một tâm tính xấu. Những lúc mà tôi thực sự dốc hết sức mình vào một điều gì đó, thì kết quả đạt được làm ngay chính tôi cũng phải ngạc nhiên.”
Bên trong hang động, cô làm nhiều việc khác hơn là chỉ ngồi yên trên hộp thiền định của mình. Trong những giờ nghỉ cô vẽ tranh – những bức tranh rất đẹp về các đức Phật và các vị Bồ tát. Cô nắn nót chép lại những văn bản ở tu viện của mình (những đoạn kinh văn mà cô đang dùng để hướng dẫn chính bản thân mình). Và như cô đã từng làm suốt cuộc đời mình, cô đọc nhiều và sâu sắc tẩt cả những tác phẩm mà cô có về đức Phật và những bài giảng, bao gồm cả những tác phẩm của các truyền thống khác. Đó là một điều rất khác thường – đa số các Phật tử Tây Tạng không bao giờ quan tâm đến các tác phẩm ngoài truyền thống của mình. Việc học hỏi này giúp cho cô về sau (theo một cách mà cô khó có thể tưởng tượng được), khi hết lần này đến lần khác cô tìm thấy ở nó những điều ủng hộ cho quan điểm mà cô đang xây dựng.
Cô giải thích: “Tôi nghĩ điều quan trọng đối với người Tây phương (những người đến từ nền văn hóa hoàn toàn khác biệt) là thực sự nghiên cứu nền tảng của đạo Phật – điều mà đức Phật đã dạy. Nếu bạn đọc các kinh nguyên thủy (theo truyền thống Thượng tọa bộ (Theravada)) vốn là nền tảng cho tất cả các truyền thống về sau. Thiếu sự hiểu biết thực sự về nền tảng, bạn sẽ không thể nào đánh giá hết giá trị của các truyền thống sau này. Là một người Phật tử phương Tây, tôi nghĩ chúng ta phải có trách nhiệm đối với Phật Pháp.”
Đáng kỳ lạ là trong sự bão hòa về đạo Phật, ở đây lại có một vị thánh của Thiên Chúa giáo được nói tới – cuốn tự truyện của Thánh Teresa của xứ Lisieux. Mặc dù nhìn chung Tenzin Palmo không có thiện cảm với Thiên Chúa giáo, nhưng cô vẫn thấy hấp dẫn đối với một vị thánh người Pháp - người đã gia nhập dòng tu nữ Carmelite khi bà mới 15 tuổi và mất ở độ tuổi 24. Cô đọc tự truyện của bà vài lần và có thể trích dẫn nó khi cần thiết.
“Điều trớ trên là “con đường nhỏ” mà bà viết lại chẳng liên quan mấy với con đường Đạo mà tôi đang thực hành. Tuy nhiên, điều mà tôi thích ở bà là bà rất biết suy xét. Đôi khi bà ngủ trong các khóa lễ của nhà thờ và không dằn vặt rằng mình đã ngủ. Chúa sẽ phải chấp nhận bà như bà là! Bà không bao giờ lo lắng về những tội lỗi của mình, chừng nào mà lòng khát vọng của bà còn đúng đắn! Bà có quan điểm rằng bà như một con chim nhỏ bới tìm hạt thóc xung quanh, nhìn lướt qua mặt trời nhưng không bay lại gần nó. Bà giải thích rằng lý do bà không phải làm như vậy là bởi vì mặt trời luôn chiếu sáng đến với mọi chúng sinh, dù chỉ là một con chim bé nhỏ. Toàn bộ thái độ của bà rất tốt đẹp. Và đối với tôi đó là thông điệp cơ bản của bà – rằng dù trong những con đường nhỏ bé, chúng ta có thể thực hiện mục tiêu của mình; và rằng trong những sự vật nhỏ bé, chúng ta có thể hoàn thiện nhiều.”
Cô nói tiếp: “Thánh Teresa khá thú vị bởi vì nhìn bên ngoài thì bà không làm gì cả. Bà không thực hành điều gì huyền bí, không nhìn thấy các linh ảnh nào, nhưng bà hoàn toàn chân thành sùng đạo. Tuy nhiên, bà chắc hẳn là người đặc biệt bởi vì Mẹ Bề trên đã khiến bà viết câu chuyện của mình - một câu chuyện hoàn toàn khác thường. Một bức ảnh chụp bà khi chết cho thấy bà trông đẹp như thế nào. Bà nói rằng bà muốn sử dụng thiên đường của mình để làm cho trái đất tốt lên. Đó chính là thái độ của Bồ tát – bạn không đi thơ thẩn trên thiên đường và hát những bài tán dương Chúa trời [thánh ca], mà bạn vào đó và làm những điều tốt đẹp.” Cô nói.
Có thể Tenzin Palmo đã rời bỏ khỏi thế giới, nhưng cô thực sự không quên những người khác. Trải qua nhiều năm, cô đã phát triển một mối liên hệ lâu dài với rất nhiều người - một vài trong số họ là những người cô đã không gặp trong nhiều năm. Khi cô không trong thời kỳ nhập thất nghiêm khắc, thì cô có thể trả lời tất cả các bức thư của họ (được giao đi bởi Tshering Dorje cùng với việc vận chuyển thức ăn cho cô). Đôi khi có tới 60 bức thư. Cô coi những tình bạn đó như những “báu vật” trong cuộc đời mình. Cô nói: “Tôi đã gặp một vài người thực sự tuyệt vời – và tôi luôn biết ơn về điều đó.”
Bạn bè, gia đình cô và rất nhiều những người khác mà cô chưa được biết tới đều có trong lời cầu nguyện và thời thiền của cô. “Bạn tự động tưởng tượng mọi chúng sinh quanh bạn. Bằng cách đó, họ cùng tham dự và chia sẻ những lợi lạc xuất hiện.” Cô nói. Đó là một phần trong lời nguyện Bồ đề tâm của cô rằng không thể thực sự đạt tới Giác ngộ nếu như không mang tất cả chúng sinh tới trạng thái đó. Làm sao một cá nhân có thể thực sự hạnh phúc nếu như không đếm xỉa gì tới những chúng sinh khác trong mọi hình dạng của sự tồn tại đang chịu đựng vô vàn đau khổ?”
Albert Einstein (người được cho là bậc thầy vĩ đại nhất của phương Tây) cũng biết điều đó: “Mỗi con người là một phần của toàn thể (thứ mà chúng ta gọi là vũ trụ), một phần giới hạn trong thời gian và không gian. Anh ta/ Cô ta kinh nghiệm bản thân mình, tư tưởng và cảm giác của mình như một thứ gì đó tách rời khỏi phần còn lại [của vũ trụ], một hình thức hoang tưởng thị giác trong sự nhận thức của anh ta. Sự hoang tưởng này là một kiểu nhà tù cho chúng ta, hạn chế chúng ta vào các mong ước cá nhân và một vài người thân thuộc, gần gũi chúng ta nhất. Nhiệm vụ của chúng ta là phải giải phóng bản thân mình khỏi nhà tù này bằng cách mở rộng tình thương của chúng ta ra ôm trọn tất cả các sinh vật đang sống và toàn thể tự nhiên trong vẻ đẹp của nó.” Ông nói và sử dụng cùng một phép ẩn dụ về nhà tù giống như trong giấc mơ của Tenzin Palmo.
Tenzin Palmo tin tưởng chắc chắn vào hiệu quả của cầu nguyện. Cô bình luận: “Thực sự một cá nhân không cần phải trở thành một hành giả yoga vĩ đại mới có thể giúp đỡ được những người khác – những thực hành trong chính họ có năng lực và phúc lành rất lớn. Tôi tin có vô số những chúng sinh tiêu biểu cho trí tuệ và tình thương, luôn luôn tươi cười, luôn luôn cố gắng giúp đỡ. Chúng ta chỉ phải mở rộng tâm hồn mình.
Do đó, chắc chắn bạn có thể cầu nguyện các vị Phật và Bồ tát, nhưng tốt hơn là không nên cầu nguyện cho một chiếc xe đạp trong lễ Giáng sinh. Bạn nên cầu nguyện cho sự tiến bộ tâm linh - điều có thể giúp tâm hồn bạn nở hoa. Hãy cầu xin những người khác để có một chiếc xe đạp. Nếu như bạn muốn có một khoản hoàn thuế thì đừng viết thư cho Thủ tướng, mà hãy viết cho một công chức bậc thấp. Nếu bạn muốn chấm dứt chiến tranh, thì hãy viết cho Thủ tướng.”
Sau tất cả những giờ thiền quán, trong 12 năm liền ngồi trên chiếc hộp thiền của mình trong hang động để nhìn vào nội tâm, cô đã tiến bộ như thế nào?
Cô nói khiêm tốn như thường lệ: “Giống như bất kỳ điều gì khác, nếu bạn thực hành đủ lâu thì nó sẽ trở nên dễ dàng hơn. Ví dụ như nếu bạn học chơi piano, ban đầu các ngón tay của bạn rất cứng, bạn đánh sai khá nhiều nốt, và nó rất ngượng ngập. Nhưng nếu bạn cứ tiếp tục thực hành thì mọi thứ càng ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Nhưng dù sao, mặc dù một nghệ sĩ piano rất thành thạo với việc đánh đàn, nhưng những khó khăn của anh ta vẫn còn đó. Chúng có thể ở mức độ cao hơn và người khác khó nhận ra, nhưng anh ta vẫn nhìn thấy những vấn đề của mình.”
Cuối cùng, liệu tất cả những điều đó có đáng giá không?
Cô đã đạt được điều gì sau những nỗ lực phi thường và bền bỉ, sau những thử thách cam go, sự tự kỷ luật, sự xả bỏ đó? Câu trả lời sẽ đến ngay sau đây.
“Không phải là bạn đạt được điều gì, mà là bạn đánh mất điều gì. Điều bạn phải làm giống như việc lột bỏ từng lớp của một củ hành vậy. Câu hỏi mà tôi đặt ra là hiểu được sự hoàn hảo nghĩa là gì. Giờ đây, tôi nhận ra rằng trong một cấp độ, chúng ta không bao giờ cách xa khỏi nó. Đó chỉ là nhận thức sai lạc của chúng ta ngăn cản chính chúng ta nhìn thấy rằng chúng ta đang thực sự có cái gì. Bạn càng nhận thức ra sự thực nhiều hơn, bạn càng nhận thức rằng không có gì để nhận thức cả. Ý tưởng cho rằng có một nơi nào đó để đi tới, một cái gì đó để đạt được là sai lầm cơ bản của chúng ta. Làm gì có ai để đạt được điều đó?”