Chương 13: Tầm nhìn
Đó là tháng Ba năm 1993. Tại Dharamsala - nơi trước đây là nơi nghỉ ngơi an dưỡng của người Anh tại Himachal Pradesh, bắc Ấn Độ, và giờ đây là trú xứ của Đạt lai Lạt ma và chính phủ lưu vong của người. Là một ni sư lâu năm và một đạo sư mới nổi, Tenzin Palmo được mời đến tham gia hội nghị Phật giáo Phương Tây lần đầu tiên, với mục đích trao đổi về những đề tài liên quan đến việc truyền bá Phật Pháp vào phương Tây. Cùng tham dự với cô là 21 đại diện lãnh đạo của các truyền thống đạo Phật khác ở Mỹ và châu Âu, cũng như các lạt ma lỗi lạc từ các tông phái khác của Tây Tạng. Cuộc thảo luận xoay quanh các vấn đề như vai trò của vị đạo sư, sự khác nhau giữa tinh thần phương Đông và phương Tây, các nguyên tắc đạo đức [giới luật] – rồi bỗng chuyển sang “vai trò của người phụ nữ trong đạo Phật”.
Sylvia Wetzel, một phụ nữ Đức khá thú vị, lên phát biểu. Với một động tác nhỏ nhưng rõ ràng, cô mời đức Đạt lai Lạt ma và những bậc thầy danh tiếng cùng cô tưởng tượng như sau. Cô bắt đầu: “Xin hãy tưởng tượng rằng bạn là một người đàn ông đang đi vào một trung tâm Phật giáo. Bạn nhìn thấy những bức tranh đẹp đẽ vẽ [nữ Bồ tát] Tara bao quanh bởi 16 nữ thánh A la hán và bạn cũng nhìn thấy 14 đức Đạt lai Lạt ma và cả 14 vị này đều chọn thân nữ để tái sinh. Bạn bị bao quanh bởi những rinpoche cao cấp cũng là nữ giới – những phụ nữ đẹp đẽ, khỏe mạnh và có học thức. Sau đó bạn nhìn thấy các Tỳ kheo ni đi vào, tự tin, nghiêm trang. Sau đó bạn nhìn thấy các vị Tỳ kheo đi vào sau – rất tự ti và nhút nhát. Bạn nghe về những dòng lạt ma truyền thừa từ vị Tara nữ trong bức tranh, tất cả đều là phụ nữ.
Cô nhắc nhở họ: “Hãy nhớ rằng bạn là nam giới và bạn tiến lại gần một tu sĩ [dòng nguyên thủy], cảm thấy đôi chút bất an và đôi chút kích động rồi hỏi: “Tại sao tất cả các biểu tượng ở đây đều là nữ, tất cả các vị Phật đều là nữ giới?” và cô trả lời: “Đừng lo. Nam giới và phụ nữ đều bình đẳng. Ồ, gần như vậy. Chúng ta có một số kinh điển nói rằng tái sinh làm nam giới thì thấp kém hơn, nhưng trường hợp này không phải như vậy đúng không? Đàn ông gặp nhiều khó khăn hơn khi tất cả những người lãnh đạo, tinh thần, triết học và chính trị đều là phụ nữ.”
“Và sau đó, người đệ tử nam giới, một người rất chân thành, đi tới một lạt ma khác, một người theo truyền thống đại thừa và nói: “Con là một người đàn ông, làm sao con có thể đồng nhất với tất cả những hình tượng nữ giới này?” và cô trả lời: “Con chỉ cần thiền quán về Tính Không (Shunyata). Trong Tính Không không có đàn ông, đàn bà, không có thân thể, không có gì cả. Khi đó sẽ không còn vấn đề gì nữa.”
“Do đó, bạn đi tới gặp một vị thầy Mật Tông và nói: “Tất cả những vị đó đều là nữ giới, còn con lại là đàn ông. Con không biết cách giao tiếp như thế nào.” Và cô nói: “Con thật tuyệt vời làm sao, một người thật đẹp. Con có ích cho những hành giả chúng ta để phát triển luồng năng lượng kundalini. Thật có phúc khi con là đàn ông, làm lợi ích cho các hành giả nữ giới trên con đường tới giác ngộ của họ.”
Đó có thể là một sự xúc phạm, nhưng nó được trình bày một cách khôi hài khiến cho tất cả mọi người, kể cả đức Đạt lai Lạt ma, đều bật cười. Ngài nói: “Bây giờ con có thể cho ta một quan điểm khác về vấn đề này.” Thực tế là Sylvia Wetzel đã nói lên điều mà hàng triệu phụ nữ trong nhiều thế kỷ qua đã cảm thấy. Mặc dù bông đùa, nhưng con đập ngăn cách tồn tại hơn 2500 năm qua về vấn đề giới tính trong tâm linh và sự oán giận bị đè nén của nữ giới đã bắt đầu bị phá vỡ.
Những người khác bắt đầu tham gia ý kiến. Một đạo sư và tác giả Phật giáo hàng đầu - ni sư người Mỹ Thubten Chodron - nói thành kiến tinh vi mà cô đã gặp trong các tu viện này đã làm giảm sự tự tin của cô đến mức nó trở thành một chướng ngại lớn trên con đường. Cô tuyên bố: “Chỉ cần những nỗi đau của chúng ta được công nhận, thì điều đó sẽ giúp chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn.”
Các vị thầy nam giới thông cảm phát biểu. Một thiền sư nói: “Đó là một thách thức tuyệt vời cho nam giới: nhìn thấy và chấp nhận điều đó.”
Thubten Pende (một tu sĩ người Mỹ theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng) đưa ra quan điểm của mình: “Khi tôi dịch những bản văn có liên quan đến nghi lễ sắp xếp thứ bậc, tôi thấy sốc. Nó nói rằng ngay cả một vị ni sư tuổi cao đức trọng nhất cũng phải bị xếp sau một vị tăng sĩ còn đang tập sự, bởi vì mặc dù bà có phẩm cấp cao hơn, nhưng nền tảng của sự phân loại, thân thể của bà, lại thấp kém hơn. Tôi nghĩ: “Nó đây rồi.” Tôi đã nghe nói về niềm tin này, nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy bằng chứng về nó. Tôi phải giảng bản văn này tại hội nghị. Tôi thấy lúng túng khi nói nó và xấu hổ về thể chế mà mình đang đại diện. Tôi tự hỏi: “Tại sao bà ấy không đứng dậy và bỏ đi? [khi bị đối xử như thế]. Nếu là tôi thì tôi sẽ làm như vậy.”
Một vị tăng người Anh theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) cũng phát biểu: “Nhìn thấy các vị ni sư không nhận được sự tôn trọng vốn vẫn được dành cho các vị tăng là một điều vô cùng đau đớn. Nó giống như có một cái dằm trong trái tim của bạn vậy.”
Sau đó đến lượt Tenzin Palmo. Với tất cả tài hùng biện của mình, cô kể lại câu chuyện của mình: “Khi lần đầu tiên tôi tới Ấn Độ, tôi sống trong một tu viện với 100 vị tăng. Tôi là ni sư duy nhất ở đó.” Cô nói và chờ vài giây cho lời nói của mình được mọi người đón nhận. “Tôi nghĩ đó là lý do vì sao cuối cùng tôi tự mình sống trong hang động.” Mọi người bắt đầu hiểu được vấn đề [và cô nói tiếp]. “Các vị tăng rất tốt bụng, và tôi không gặp chút rắc rối nào về quấy rối tình dục hay các vấn đề tương tự, nhưng tất nhiên tôi không may mắn là có thân thể phụ nữ. Họ thành thực bảo tôi rằng họ cầu nguyện cho tôi sẽ có may mắn được tái sinh thành nam giới trong kiếp sau để tôi có thể tham dự vào tất cả các hoạt động của tu viện. Họ nói trong thời gian chờ đợi họ không chống lại tôi quá nhiều vì tôi đã phải tái sinh trong thân thể nữ giới thấp kém. Đó không phải là lỗi của tôi.”
Nắm lấy cơ hội, cô tiếp tục đưa ra luận điểm lớn nhất của mình. Một sự phơi bày hiện trạng của Tăng đoàn phương Tây, đặc biệt là những ni sư mà cô đã kết bạn tại Italia. “Các lạt ma thu nhận đệ tử và sau đó họ bị ném ra ngoài với thế giới mà không được đào tạo, chuẩn bị, khuyến khích, hỗ trợ và hướng dẫn – và họ được trông đợi là sẽ giữ lời nguyện của mình, thực hành các hạnh tu và điều hành các trung tâm Phật Pháp. Điều đó quá khó khăn và tôi ngạc nhiên rằng có quá nhiều các tu sĩ phương Tây vẫn làm như vậy suốt thời gian qua. Tôi không ngạc nhiên khi họ cởi bỏ quần áo tu hành [hoàn tục]. Họ bắt đầu đầy nhiệt huyết, với niềm tin và sự dâng hiến trong sáng và dần dần thì nguồn cảm hứng của họ giảm xuống. Họ thấy thất vọng và nản chí mà không có ai giúp đỡ họ. Đó là sự thực, thưa các ngài. Đây là một tình hình rất khó khăn và nó chưa từng xảy ra trước đây trong lịch sử Phật giáo.”
“Trong quá khứ, Tăng đoàn được tổ chức chặt chẽ, được nuôi dưỡng và chăm sóc. Điều này không xảy ra tại phương Tây. Tôi thực sự không biết lý do tại sao. Có một số tu viện, phần lớn theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy (Theravada), đang làm tốt mọi thứ, nhưng không có chỗ cho các vị ni sư? Thành thực mà nói, có vấn đề gì ở đây. Tận trong thâm tâm, tôi cầu nguyện rằng cuộc sống trong sạch và xả bỏ này, vốn là điều hiếm hoi và trân kỳ trên thế giới này, là đồ trang sức quý báu của tăng đoàn, sẽ không bị vứt bỏ vào vũng bùn của sự thờ ơ và khinh rẻ của chúng ta.”
Đó là một lời kêu gọi ghê gớm, đầy xúc động từ trái tim.
Khi cô kết thúc, một sự im lặng vĩ đại bao trùm toàn bộ hội nghị. Bây giờ không có ai cười nữa. Tenzin Gyatso (Đại Dương của Trí Tuệ , người được những đệ tử của mình ngưỡng mộ và coi như hóa thân của Quan Thế Âm Bồ tát - vị Phật của lòng Từ Bi) đang ngồi đó, hai bàn tay ôm đầu và khóc thầm lặng. Sau vài phút, ngài nhìn lên, mở mắt ra và nói êm dịu: “Con thật dũng cảm.” Sau đó các lạt ma cao cấp bình luận rằng sự thẳng thắn như vậy là hiếm hoi và so sánh hội nghị này giống như một gia đình nơi mà mọi người có thể trung thực nói lên những suy nghĩ của mình.
Bài diễn văn đánh dấu một bước thay đổi quan trọng khác trong cuộc đời vốn đã đầy biến cố của Tenzin Palmo. Cô đã đứng dậy và phát biểu (đối với người nam giới lãnh đạo cao nhất, chứ không phải ai khác), nhưng cô cũng biết rằng chỉ có lời nói không thì không đủ. Phàn nàn về một hệ thống là một việc, còn làm điều gì đó để thay đổi nó lại là một việc khác. Và nếu những người phụ nữ nhận thấy sự sai lầm mà không hành động, thì liệu còn ai khác hành động hay không? Giờ đây quá khứ về sự bất hạnh của cá nhân cô khi còn là một ni sư ở Dalhousie hiện về trước mắt và trở thành nguyên nhân cho những kết thúc có hậu. Cô đã chờ đợi gần 30 năm, nhưng đó cũng không phải là quá muộn. Thời kỳ cho sự dân chủ trong tâm linh của người phụ nữ đã bắt đầu. Và Tenzin Palmo đã đảm nhiệm vai trò lãnh đạo đầy năng động. Nó khác xa với cuộc đời hạnh phúc của cô khi còn là một ẩn sĩ, nhưng dường như vẫn là một nếp sống khác biệt [so với những người bình thường]. Cô trực tiếp biết những khó khăn mà người phụ nữ gặp phải trên con đường tâm linh. Cô đã đau khổ, đã biết sự hắt hủi tinh thần và gánh nặng của sự chán nản, nhưng giờ đây dường như tất cả những điều đó đều vì một mục đích.
Cô nói: “Tôi nghĩ rằng đó là lý do vì sao lần này tôi lại sinh ra trong thân nữ.”
Cô bắt đầu bằng cách giúp đỡ tổ chức các hội nghị cho ni sư phương Tây tại Bồ đề Đạo tràng. Tại đó, họ có thể nói ra những vấn đề của mình, trao đổi quan điểm và xây dựng một ý thức cần thiết về cộng đồng và hỗ trợ nhau. Sau đó, cô tham dự vào một nhóm nhỏ những phụ nữ tận tụy vận động cho việc truyền thụ đại giới [cụ túc giới: giới đầy đủ] cho các ni sư. Cô biết điều đó cần thiết như thế nào trong việc nâng cao phẩm giá của họ trong con mắt của xã hội và tăng cường lòng tự trọng của họ. Tuy nhiên, đó là một vấn đề phức tạp và tế nhị, đã bị ràng buộc trong nhiều thế kỷ của nạn quan liêu trong giáo hội, của những lý luận thần học và lớp lớp những thành kiến trong vấn đề giới tính. Sẽ phải mất hàng năm trời bền bỉ và nhẫn nại thuyết phục để vượt qua những luật lệ đang tồn tại và để thuyết phục các lạt ma dỡ bỏ những ngai vàng trên cao của mình. Nhưng ít nhất thì sự thay đổi đã bắt đầu.
Khi những dự án đã đã được tiến hành và Tenzin Palmo lại bắt đầu nghĩ đến việc quay trở lại đời sống nhập thất nghiêm túc, thì cô lại nảy ra một kế hoạch khác – một điều gần gũi hơn với trái tim cô. Một điều thực sự khó thành hơn. Xây dựng một ni viện cho các phụ nữ thuộc dòng tu của cô - dòng Drukpa Kargyu. Ý tưởng này sư phụ Khamtrul Rinpoche đã nói với cô từ những năm 1970. Ông đã chỉ vào về phía thung lũng Kangra tươi tốt (nơi mà tu viện Tashi Jong của ông đã được xây dựng) và nói: “Con có thể xây một ni viện tại đây.” Vào lúc đó, cô nghĩ rằng đó là một ý tưởng thông minh nhưng bất khả thi. Giờ đây cô đã già dặn hơn, đã trải qua 12 năm hành thiền trong hang động, và đã quay trở lại với thế giới. Đây có thể chính là thời điểm hợp lý.
Kế hoạch giúp đỡ các ni sư Phật giáo phương Tây xây dựng ni viện của cô đã thất bại, và Tenzin Palmo biết các ni sư Tây Tạng cần giúp đỡ nhanh chóng như thế nào. Giống như các ni sư phương Tây, họ không có nơi nào để đi. Họ đã bị bỏ quên vì người ta phải vội vã xây dựng các tu viện cho những tăng sĩ. Kết quả là họ bị hạ thấp xuống đi nấu ăn trong các nhà bếp của các tu viện cho tăng sĩ, hay quay trở về nhà để đảm nhiệm đời sống gia đình để có thể nuôi sống bản thân. Đó là một tình trạng đáng thương xót và Tenzin Palmo rất buồn về điều này.
“Các ni sư đó còn trẻ và tươi tắn, có rất nhiều nhiệt tình và lòng mộ đạo, nhưng họ nhận được rất ít sự khuyến khích, hỗ trợ. Họ cởi mở và tinh tấn một cách khó tin. Chúng ta đang nói về những cô gái đã vừa đi vừa lạy (làm lễ) trên tất cả những con đường từ Kham đến Kailash, dài hàng trăm dặm, và sau đó lại làm lễ quanh ngọn núi Kailash. Họ thậm chí không nghĩ về điều đó! Đó là một sự dâng hiến toàn bộ cho con đường Đạo.”, cô nói. “Thậm chí một số vị ni còn có kế hoạch theo học một số chương trình dạy triết học, bất chấp sự thật rằng cô ấy chỉ là một phụ nữ. Tôi biết một vị ni sư đang chuẩn bị nhận được một suất học trong một trường đại học uy tín tại Sarnath, Ấn Độ, và mặc dù cô đứng đầu danh sách nhưng cô vẫn bị gạt ra ngoài sau hai năm học với lý do là cô đã học quá đủ cho một người phụ nữ và việc học tập cao hơn sẽ là lãng phí thời gian và tiền bạc.”
Cô vẫn thấy rùng mình. Khởi công một tu viện là một công việc khổng lồ. Sẽ mất hàng năm trời để lên kế hoạch, tổ chức, những nỗ lực đầy trần tục, và hơn nữa là sự đầu tư cá nhân. Nhập thất là điều cô quen thuộc và giỏi giang. Nhập thất đối với cô là dễ dàng. [Nhưng xây tu viện là một điều khác hoàn toàn]. Khi còn đang lưỡng lự thì cô gặp một vị tu sĩ Thiên Chúa giáo, một người thông minh và ông ta nói rằng quyết định khó khăn luôn luôn là là một quyết định đòi hỏi sự phát triển hơn nữa.
Cô quay trở về Assisi và trải qua nhiều tháng đưa ra kế hoạch rõ ràng cho mô hình tu viện mà cô muốn tạo ra. Trước hết, đó phải là một nơi mà những người phụ nữ có thể đến để phát triển tiềm năng tâm linh của mình đến mức độ tối đa. Sự Giác Ngộ của nữ giới vẫn luôn là mục đích. Đó sẽ là một nơi cho sự hoàn hảo tâm linh của phụ nữ. Một nơi không chỉ giáo dục phụ nữ với những tín điều tôn giáo mà là biến họ thành những nữ hành giả yoga (yogini), những người phụ nữ đã thực sự nhận ra chân lý. Chỉ có những người phụ nữ của trí tuệ, chứ không phải những người phụ nữ của kiến thức, sẽ nắm giữ sức mạnh tâm linh thực sự và do đó có thể tiếp xúc và chuyển hóa cuộc sống của những người khác.
Và cô biết chỉ có những người phụ nữ có thể đạt được như vậy là các Togdenma - những đối tác tương xứng với những hành giả vĩ đại Togden tại Tashi Jong. Các Togdenma tuân theo những kỹ thuật tâm linh đặc biệt dành cho những nữ hành giả được truyền từ một trong những đệ tử hàng đầu của Milarepa là Rechungpa trong thế kỷ XII. Người ta nói rằng những phương pháp này sẽ giúp chuyển hóa người nữ thành Phật một cách nhanh chóng! Ngay ở Tây Tạng - nơi có rất nhiều các hệ thống để đạt tới Giác ngộ, thì phương pháp của Rechungpa vẫn được coi như độc nhất vô nhị. Tenzin Palmo biết các vị Togden cũ hiện đang sống tại Tashi Jong, Ấn Độ có chìa khóa để mở vào kho tàng những lời hướng dẫn quý báu cổ xưa này. Nếu như cô có thể tìm ra những ni sư phù hợp cho việc huấn luyện, thì dòng Togdenma quý báu có thể tiếp tục phát triển.
Cô giải thích: “Những lời dạy này đáng quý đến mức không thể tin được. Chúng là một ngọn lửa sống động, phải được trao truyền trực tiếp từ thầy qua trò. Nếu như điều đó không được thực hiện trước khi các vị Togden chết, thì chúng có thể vĩnh viễn bị mất đi. Một khi dòng tu này không được thực hành nữa, thì nó sẽ chấm dứt – không thể khôi phục lại được nữa. Nếu tôi có thể mang sự thực hành và các vị ni sư lại với nhau, thì điều đó sẽ là một ân sủng lớn lao cho rất nhiều, rất nhiều chúng sinh trong tương lai.”
Cô bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình. Ni viện, sẽ được đặt tên là Dongyu Gatsal Ling (Khu rừng nhỏ thú vị của Dòng truyền thừa thực sự), sẽ tập hợp các phụ nữ trong độ tuổi từ 17 đến 30 - những người đã hoàn thành chương trình giáo dục cơ bản của mình. Cô không có ý định tổ chức một trại trẻ mồ côi hay một trường tiểu học. Ban đầu số lượng những người mới vào sẽ bị giới hạn trong khoảng từ 10 đến 15 người để đảm bảo rằng sẽ có những ni sư được đào tạo tốt làm nòng cốt và họ có thể dạy lại những người khác. Sau giai đoạn này, số lượng ni sư có thể tăng lên đến từ 100 đến 200 người. Do đó, một điều thực sự sống còn là phải tìm ra được hai hay ba người trong số các vị ni sư ban đầu để đóng vai trò mô phạm và dạy dỗ những người trẻ hơn.
Chương trình đào tạo trong năm năm đầu sẽ bao gồm việc nghiên cứu các bản văn và logic cổ cũng như trở nên quen thuộc với các thực hành nghi thức đặc biệt và các hoạt động tôn giáo. Các ni sư cũng sẽ học tiếng Anh như một phần cơ bản trong kiến thức của họ. Khi điều này được hoàn tất, các ni sư với những khả năng đạt yêu cầu và những người muốn tiếp tục sẽ được lựa chọn để thực hành chương trình huấn luyện Togdenma – lý do tồn tại chính của ni viện.
Cô cũng không quên những người phương Tây. Bên cạnh ni viện trên, cô sẽ xây dựng một trung tâm nhập thất quốc tế - nơi những người phụ nữ từ khắp nơi trên thế giới có thể đến thực hành trong một bầu không khí thuận lợi bên cạnh những người phụ nữ cùng chí hướng khác. Họ sẽ nhận được những hướng dẫn hành thiền và Phật học cơ bản từ các vị ni sư ở Dongyu Gatsal Ling. Tuy nhiên, nếu họ muốn được đào tạo thành Togdenma, thì họ sẽ phải trải qua tất cả những sự giáo dục tiên quyết ban đầu, phù hợp về tâm lý và có thể nói được tiếng Tây Tạng - ngôn ngữ chung của ni viện. Vào giai đoạn này, không có sự lựa chọn nào khác khi những nhận thức cơ bản vẫn còn nằm trong những thực hành truyền thống của Tây Tạng cổ.
Ngoài trường đại học tôn giáo và trung tâm quốc tế, sẽ có một tháp, những gian nhà nhập thất cho cá nhân và một nhà khách cho các du khách cả nam và nữ đến ở ngắn ngày.
Bản thiết kế cho ni viện của Tenzin Palmo lớn dần trong tâm trí. Những ý tưởng sáng tạo rõ ràng bắt đầu được giới thiệu – những ý tưởng cô đã lượm lặt được từ các cộng đồng Thiên Chúa giáo mà cô đã giảng dạy tại châu Âu. Cô sẽ không theo cách truyền thống là đi quyên góp sự ủng hộ của các cá nhân - cách thức đã từng tồn tại hàng thế kỷ qua tại Tây Tạng (nơi mà các tăng ni có được số tiền cần thiết để nuôi thân từ các thành viên trong gia đình hay những người bảo trợ giàu có). Cô nhấn mạnh đó là một thực hành gây ác cảm vì nó không chỉ tạo ra cạnh tranh và sự xảo quyệt (do các tu viện ganh đua với nhau xem tu viện nào có được nhiều hơn), mà còn tạo ra một tâm thức trần tục làm mất sự tập trung vào cuộc sống tâm linh.Thay vào đó, cô đề xuất rằng các vị ni sư của Dongyu Gatsal Ling sẽ cố gắng để độc lập về kinh tế. Sẽ có những thời gian làm việc. Qua đó, họ học cách kiếm sống thông qua những công việc như làm khăn. (Tu viện anh em của họ tại Tashi Jong có thể hướng dẫn). Điều này sẽ tạo cho họ sự ổn định kinh tế, tự do về mặt tài chính và giải phóng họ khỏi những lo lắng của việc phải thường xuyên tìm kiếm các quỹ ủng hộ. Làm việc hợp tác cùng với nhau cũng tạo nên sự hòa hợp. Tất cả tiền bạc thu được sẽ được để vào một quỹ chung và mỗi vị ni sư sẽ được cấp quần áo, thức ăn và một lượng thức ăn nhỏ hàng tuần cho cá nhân. Điều đó sẽ dẹp bỏ sự ganh tị.
Còn có những điều khác nữa. Cô nói: “Mặc dù có một hệ thống cấp bậc, nhưng nó sẽ không được thể hiện rõ. Các vị ni sư cao cấp sẽ là những thầy giáo, nhưng tất cả các công việc sẽ được mọi người luân phiên thực hiện. Mỗi người phải là một người nấu ăn, rửa bát và cũng được tôn trọng như khi là một người thầy vậy. Tôi sẽ hướng dẫn họ rằng quét sân với sự tỉnh thức là một thực hành tâm linh. Và người nấu bếp có khi còn cần thiết hơn cả người thầy giáo! Với cách này, mỗi người có thể hiểu được vấn đề của mỗi người khác. Tôi muốn ni viện là một nơi hòa hợp, một môi trường trong đó mỗi người đều có thể phát triển được.”
Một trong những lời phê bình đối với những người phụ nữ cầu đạo không kể lứa tuổi nào là họ có tật xấu: không thể sống hòa hợp cùng với nhau. Những người đàn ông nói rằng họ phụ nữ hay cãi nhau, có ác ý, không thể sống gắn bó cùng nhau và do đó sự tập trung tinh thần của họ bị suy giảm nghiêm trọng. Đàn ông viện dẫn đó là một trong những lý do tại sao các ni viện lại không được phát triển mạnh tại Tây Tạng, không như các tu viện vĩ đại khác cho nam giới.
Tenzin Palmo không đồng ý: “Điều đó hoàn toàn không đúng. Những người phụ nữ đã gắn bó với nhau hàng ngàn năm qua. Tôi đã nhận thấy rằng khi những người phụ nữ làm việc cùng với nhau trong một dự án thì có một năng lượng khổng lồ - một năng lượng rất đặc biệt. Những người phụ nữ thích ý tưởng về một nơi tu tập toàn phụ nữ. Khi chúng tôi cảm thấy mãn nguyện, thực hiện một số công việc tâm linh, chúng tôi sẽ sống hòa thuận với nhau. Và phụ nữ thích sống có bầu có bạn cùng với những người khác. Cô của tôi đã rời Paris cùng những người bạn phụ nữ của mình, bỏ chồng cô ở lại, và tất cả bọn họ đều có một khoảng thời gian tuyệt vời. Theo quan điểm của tôi, sự ác ý không phải là một bản chất của nữ giới. Đôi khi những người đàn ông cũng không sống hòa thuận được với nhau.”
Cô tiếp tục với những kế hoạch quyết liệt của mình. Cô sẽ hướng dẫn Hatha Yoga (điều đã giúp ích rất nhiều cho cô trong thời gian nhập thất lâu dài của mình) nhằm làm cân bằng lại cơ thể sau một thời gian ngồi thiền lâu dài và giúp nó giữ được sự thẳng thắn trong khi ngồi thiền. Các bài tập thể chất dù theo cách thức nào là một ý tưởng mới lạ đối với các ni sư Tây Tạng. Cô nói: “Yoga rất phù hợp. Bạn không cần dụng cụ hay một khoảng không gian rộng, và nó rất có giá trị. Có thể có một vài sự phản đối nhỏ, nhưng nếu như nó được giới thiệu chính xác ngay từ đầu thì mọi thứ sẽ tốt cả. Tôi tin điều đó thực sự quan trọng.”
Cô càng suy nghĩ về ni viện thì nó càng hiện lên rõ nét hơn trong tâm trí cô. Khi cô quyết định chính xác điều gì cô muốn, cô đưa kế hoạch của mình cho những người lãnh đạo cộng đồng tâm linh của tu viện Tashi Jong (bao gồm cả lạt ma trẻ Khamtrul Rinpoche) và trình bày chính xác trước họ những gì cô có trong tâm trí mình. Khi đã hoàn thành xong, cô nói: “Cho đến nay các vị tăng đã nhận được nhiều sự giúp đỡ, nhưng các ni sư cũng cần được hỗ trợ nhiều như vậy. Điều quan trọng là những người phụ nữ có thể tự giúp đỡ chính mình. Những người phụ nữ cần tự tin rằng họ có thể trở thành các đạo sư, để họ trở nên độc lập và không phải dựa vào nam giới. Và phụ nữ cần những nữ đạo sư: những người phụ nữ mà họ có thể nói chuyện, những người có thể hiểu những vấn đề riêng của nữ giới. Tôi thực sự tin rằng nữ giới có thể Giác ngộ - đó chỉ là một cơ hội đã từng bị bỏ qua. Do đó, đây chính là điều mà tôi muốn làm. Bằng cách xây dựng nên ni viện, tôi sẽ đền đáp lại không chỉ bậc thầy của mình - người đã gợi ý cho tôi làm việc này, mà còn làm lợi ích cho dòng truyền thừa và cả những người phụ nữ nữa. Đó là ba điều quan trọng mà tôi có thể làm trong kiếp sống này.”
Có một điều khoản quan trọng. Cô không hề có ý định trở thành Ni viện trưởng. Cô tuyên bố mình sẽ xây dựng lên ni viện, để cho nó đi vào hoạt động, và sau đó cô sẽ quay trở về với con đường mà cô đã chọn trong cuộc đời này – con đường của sự hành thiền trong cô tịch.
Ban lãnh đạo tại Tashi Jong lắng nghe chăm chú và cô khá ngạc nhiên là họ đã đồng ý với tất cả những đề xuất của mình. Họ trao cho cô tất cả sự ban phước của mình để tiến hành công việc. Họ nói chỉ có một vấn đề là vì họ là tăng sĩ và cũng đang cố xây dựng những tu viện cho cộng đồng của mình, nên họ còn rất ít tiền dự trữ và vì vậy cô sẽ phải có trách nhiệm tự mình tìm kiếm kinh phí cho dự án. Họ nói đó là một nhiệm vụ nặng nề nhưng cô không hề thất vọng. Họ đã xem xét cẩn thận và tiên đoán rằng ni viện Dongyu Gatsal Ling sẽ hoàn thành và là một thành công vĩ đại.
Nhưng, ít nhất cũng có thể nói rằng đó là một kế hoạch đầy tham vọng. Để thực hiện được kế hoạch và đưa ni viện vào hoạt động cần có được một loạt các yếu tố - toàn là những điều dường như là bất khả thi: đất, giấy phép xây dựng, thiết kế kiến trúc, gạch, hồ, các chuyên gia trong một loạt lĩnh vực và tiền. Rất nhiều tiền. Chỉ riêng mỗi việc tìm ra những người sẽ cùng ở trong ni viện là khá dễ dàng. Tenzin Palmo không có nhà, không một xu dính túi và đã từ lâu không tham gia vào môi trường lao động cũng như đời sống thế gian trong 30 năm liền. Nhưng không có lý do gì để không cố gắng. Với lòng dũng cảm và niềm tin vào Phật, Pháp, Tăng - Tam Bảo mà cô đã gắn bó cả cuộc đời, giờ đây cô tự mỉm cười bước đi trên con đường sự nghiệp không hề được dự đoán trước, trong vai trò của một nhà gây quỹ quốc tế. Kế hoạch của cô là thực hiện những buổi giảng Pháp ở bất cứ nơi nào cô được mời và hi vọng rằng ai đó sẽ lắng nghe và quyên góp vài đồng vào chiếc bát khất thực của cô.