Chương 12: Xuất động
Tenzin Palmo có thể vẫn còn ở trong động và hành thiền mãi, nhưng thế giới bên ngoài đã tới gõ cửa. Một ngày mùa hè năm 1988, sự tĩnh mịch của cô bị đánh động bởi sự xuất hiện của một viên cảnh sát. Không thèm để ý đến hàng rào bảo vệ được dựng lên để giữ chân tất cả các vị khách ở ngoài, cũng như quy ước vẫn được chấp nhận ở đây là không quấy rầy những hành giả ẩn cư, viên cảnh sát đột nhập vào khu vực của cô, gõ mạnh lên cánh cửa và yêu cầu cho biết tại sao cô không có thị thực hợp pháp. Ông ta tiếp tục tuyên bố dứt khoát rằng nếu như cô không trình diện tại sở cảnh sát địa phương vào ngày hôm sau thì cô sẽ bị bắt. Đó là giọng nói đầu tiên Tenzin Palmo nghe, nhân vật đầu tiên mà cô gặp trong vòng ba năm. Dù nói bằng cách nào, thì đó cũng là một sự đánh thức thô lỗ. Sau sự tấn công quan liêu này, cô ngoan ngoãn xuống núi đến trình diện viên Cảnh sát trưởng mới, người nói với cô rằng ông rất tiếc về trường hợp này nhưng ông không có lựa chọn nào khác và đưa cho cô một thông báo “Rời khỏi Ấn Độ”. Cô phải rời khỏi đất nước này trong vòng 10 ngày.
Tenzin Palmo kiên nhẫn giải thích với Cảnh sát trưởng rằng cô đã ở Ấn Độ 24 năm và không chuẩn bị rời khỏi đây trong vòng 10 ngày. Hơn nữa, việc để cho thị thực quá hạn không phải là lỗi của cô, bởi vì cô đã ủy quyền cho người khác đại diện cho cô gia hạn nó. Trước sự thành thật và hợp tình hợp lý của cô, Cảnh sát trưởng mềm lòng và nói rằng vì ông sẽ đi nghỉ khoảng một tháng, nên ông không phải trao cho cô thông báo ngay lập tức như ông đã nghĩ, nhưng cuối cùng thì cô cũng phải ra đi – đoạn này quá rõ ràng, đề nghị đọc kỹ hơn. Cho đến khi vấn đề được giải quyết xong, ông sẽ vui lòng cho phép cô quay trở lại hang động và tiếp tục những gì cô đang làm.
Tenzin Palmo lên núi một lần nữa. Nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì nữa. Cô đã bị người khác nhìn thấy, cô đã phải nói chuyện, và theo các giới luật của việc tu hành, thì việc nhập thất của cô đã chấm dứt. Cô không thể tiếp tục được. Đúng ra cô có thể nổi giận hay ít nhất là thấy thất vọng một chút. Cô đã nhập thất ba năm, nhưng có thể nói rằng kết quả cuối cùng không thể hoàn toàn thành hiện thực, cho đến ba tháng, ba tuần và ba ngày cuối cùng của công việc khó khăn này. Sau sự cống hiến và chăm chỉ bền bỉ như vậy cô có thể khoe khoang với viên Cảnh sát trưởng, hay lẳng lặng về than khóc trong hang động của mình. Những điều đó hoàn toàn hợp lý. Nhưng thay vào đó, cô cười và nói: “Dĩ nhiên, đó không phải là cách mà bạn muốn để kết thúc kỳ nhập thất. Nhưng nó sẽ có ý nghĩa vì bạn sẽ được ở đây thêm vài ngày và từ từ làm quen với việc gặp gỡ mọi người.”
Tin đồn dần lan ra xa rằng kỳ nhập thất của Tenzin Palmo đã kết thúc và giờ đây bạn bè có thể đến thăm hỏi cô, nóng lòng muốn chính mình nhìn thấy kết quả của giai đoạn sống độc cư hành thiền lâu dài đó. Liệu cô có ổn không? Liệu việc sống cô độc nội quán lâu dài như vậy có làm cho cô bị điên, hay hơi bị loạn trí hay không? Có thể cô đã chuyển hóa thành một dạng ánh sáng vinh quang, bao quanh bởi hào quang, như trong các câu chuyện thần thoại cổ tích vẫn kể? Tuy nhiên, nếu như ai đó đến với hi vọng nhìn thấy một sự thay đổi lớn lao về vẻ bề ngoài, thì họ sẽ thất vọng.
“Điều đó không có nghĩa là Tenzin Palmo không thay đổi gì nhiều. Thực tế là các đức tính của cô được phát triển mạnh thêm. Sự nồng hậu, tinh thần sâu sắc, tính hài hước vẫn còn đó, nhưng mạnh hơn. Có một sự tăng trưởng. Đó là vì cô đã có sẵn tài năng, khả năng và sau đó nỗ lực phát triển chúng. Cô là một người rất chuyên tâm.” Didi Contractor nói. Cô là người đã đến quan sát hang động để chắc chắn rằng đó là một nơi có thể sinh sống được, khi Tenzin Palmo lần đầu tiên đến sống ở đây. Cô cũng là người biết nhiều bậc thầy tâm linh vĩ đại và những đệ tử của họ trong suốt những năm tháng sống ở Ấn Độ.
“Tôi không nghĩ ai đó có thể nhìn thấy ở bề ngoài những kết quả mà cô đạt được trong hang động. Những gì mà cô hoàn thành là việc giữa cô và Bổn tôn [Nếu như tôi không muốn nói là cõi Hư vô ]. Mọi người chỉ có thể nhìn thấy các triệu chứng. Rõ ràng là cô đã đạt đến một tầm cỡ nào đó và có một loạt các đặc tính đã rất phát triển. Cô cũng đạt được một sự hoàn hảo. Tenzin Palmo luôn luôn kiên định và tốt bụng. Nhưng tôi không biết liệu đó là một nền tảng [có sẵn] hay là hoa trái của sự nghiên cứu tâm linh của cô. Nó có thể là một phần của con người cô, nhờ đó cô có thể tiến hành việc nghiên cứu tâm linh. Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng Tenzin Palmo đã tiến xa hơn bất kỳ người cầu đạo phương Tây nào mà tôi đã từng gặp.”, cô nhận xét.
Một vị khách khác là Lia Frede, một phụ nữ Đức sống trong một căn nhà đẹp trên các ngọn đồi của Dharamsala, và đã biết Tenzin Palmo được vài năm. Cô cũng quan tâm đến vấn đề tâm linh từ khá lâu, cụ thể là với thiền quán Vipassana, và bản thân cũng đã nhập thất vài lần. Tình cờ cô cũng ghé qua Lahoul, nghiên cứu sinh thái học của khu vực này, khi cô nghe tin rằng Tenzin Palmo đã “bể thất”.
“Tôi hạnh phúc khi có cơ hội nói chuyện với cô, bởi vì tôi muốn biết cô đã đạt được những gì.” Cô thành thực nói. “Ngày đó vẫn còn in sâu trong tâm trí tôi. Khó khăn lắm tôi mới tìm thấy cái hang, nó được giấu kín trong phần còn lại của ngọn núi – nhưng cuối cùng thì chúng tôi cũng tìm được đến nơi. Tôi hơi xấu hổ với việc không mời mà đến, nên tôi để hai người bạn đi cùng ở ngoài cửa và đi vào bên trong rồi gọi cửa. Ngay lập tức, Tenzin Palmo đi ra, mỉm cười hạnh phúc và nói: “Vào đi, vào đi, bảo cả các bạn của bạn nữa, tôi chỉ mới nướng bánh. Các bạn có muốn dùng trà không?” Cứ như thể là cô ấy đã gặp tôi ngày hôm qua vậy. Cô hoàn toàn bình thường. Tôi nhớ mình ngồi đó và nghĩ tất cả mọi thứ thật phi lý. Chúng tôi đang ngồi đây trong hang động ăn bánh mì thơm ngon rắc hạt vừng nướng và nói chuyện. Cứ như thể chúng tôi đang uống trà buổi chiều ở giữa nước Anh vậy.”
“Khi cô đưa tiễn chúng tôi quay trở lại con đường, tôi hỏi cô ấy về những kết quả mà cô ấy thu được từ kỳ nhập thất. Tôi không muốn hỏi thẳng cô là liệu cô có Giác ngộ hay không nhưng tôi chờ cô nói với tôi một vài kinh nghiệm siêu việt mà cô đã có. Rõ ràng đó chính là những gì tôi trông đợi. Thay vào đó, cô nhìn thẳng vào tôi và nói: “Một điều tôi có thể nói với bạn – tôi không bao giờ thấy buồn chán.” Đấy chính là nó. Tôi chờ đợi nhiều hơn thế, nhưng cô không nói thêm điều gì nữa. Tôi luôn cảm thấy khó hiểu bởi vì đó là điều duy nhất cô tuyên bố. Rõ ràng Tenzin Palmo vẫn là một người kín tiếng như mọi khi.”
Nếu Tenzin Palmo không tiết lộ điều gì, thì Lia, cũng như Didi, có thể tự mình nhìn thấy rõ ràng những đức tính khác thường của bạn mình. “Tenzin Palmo có sự trong sáng sâu kín và tôi có thể nói đó là sự ngây thơ trong trắng. Một điều nữa là cô thực sự thanh thản. Mọi thứ xảy đến với cô thì cô không chống đối hay ủng hộ - không thúc đẩy hay cản trở. Cô có tính trung lập [xả]. Cô giải quyết với sự việc đang xảy ra mà không có sự dính mắc vào một cái ngã nào có liên quan đến nó. Điều đó không có nghĩa là cô đang cố gắng [làm như vậy, mà chỉ là], không có cái ngã nào ở đây. Tôi kinh ngạc với phản ứng của cô khi cô bị mắc kẹt trong hang động và nghĩ rằng mình sẽ chết. Tôi biết nếu tôi ở vào hoàn cảnh đó thì tôi sẽ sợ hết hồn. Thay vào đó, cô bình tĩnh thiền quán về cái chết của mình. Và khi tôi nghe về chuyện các đồ cung cấp cho cô đã không đến nơi và cô suýt chết đói, tôi thấy giận điên người! Tôi sẽ muốn biết lý do tại sao việc đó lại xảy ra. Cô không hề bận tâm đến việc tìm ra nguyên nhân đó. Cô cũng không đổ lỗi cho viên Cảnh sát trưởng đã phá vỡ kỳ nhập thất của cô. Cô biết mỗi người đều có nghiệp của họ. Cho đến nay, đối với tôi sự thanh thản như vậy chứng tỏ một mức độ phát triển tâm linh cao cấp.”
Những phản ứng của Tenzin Palmo đối với mọi người còn đáng quan tâm hơn những ấn tượng của họ về cô. Sống cách biệt khỏi con người và lề lối của thế giới đã khá lâu, việc bất ngờ quay lại giao tiếp với mọi người, phải đối thoại, đối diện với sự ồn ào, trần tục của cuộc sống hàng ngày sẽ diễn ra như thế nào? Theo sự trải nghiệm của những hành giả nhập thất phương Tây khác, những người đã trải qua những kỳ sống im lặng và ẩn dật ngắn ngày hơn, thì việc tái gia nhập vào thế giới là một kinh nghiệm khá sốc, là một cuộc đột kích vào các giác quan và tinh thần khiến cho họ quay cuồng. Họ nói lại rằng mình phải mất vài tuần mới phục hồi và tái hòa nhập vào xã hội. Tenzin Palmo đã tách khỏi loài người trong một thời gian dài hơn và như cô tự thú nhận đã chuyển đến mức cao hơn so với mức bình thường bên ngoài. Sự nhạy cảm của cô chắc chắn phải được mài dũa để trở nên nhạy bén hơn trước kia. Cô thừa nhận: “Ban đầu nói chuyện với người khác khá tốn sức, chứ không chỉ mất thời gian, và sau đó tôi thấy bản thân mình rất mệt mỏi. Nhưng sau một thời gian thì mọi thứ đều ổn.”
Điều đáng tò mò là, hang động không những không làm giảm khả năng ứng phó với con người, thiếu nhiệt tình tham gia vào các mối quan hệ với thế giới của cô như mọi người nghĩ; mà nó dường như còn có những hiệu quả ngược lại. Tenzin Palmo không bị chấn thương vì việc giao tiếp lại với thế giới, tỏ ra hòa đồng khác thường, rất dễ nói chuyện, và đặc biệt nhạy cảm với những nhu cầu và đau khổ của con người. Đó là một dấu hiệu cho thấy việc hành thiền trong hang động của cô đã đem lại kết quả tốt.
Lila Frede nhận xét: “Tenzin Palmo có tình thương rộng lớn – một tình thương điềm tĩnh. Cô thực sự không phán xét, lắng nghe và trao lời khuyên cho bất kỳ ai, dù đó là người đầy tội lỗi hay một vị thánh. Cô trung tính [không thiên vị, không phân biệt, xả] – cô không bận tâm nếu ai đó sỉ nhục hay đối xử tốt với cô. Đó là một số điều mà tôi nhận thấy trong những người có mức độ tâm linh cao. Những ai đến với cô cùng với khó khăn và vấn đề của mình đều được cô sẵn sàng giúp đỡ. Đó là lý do tại sao mọi người muốn đi cùng với cô, bởi vì có một bạn sẽ được thanh lọc khi ở cùng những người như vậy.”
“Tôi có quan điểm rằng dù tôi đang ở đâu thì tôi đang sống ở đó.” Tenzin Palmo bày tỏ: “Tôi nghĩ tôi có hai phần đối với bản chất của mình – một là nhu cầu cơ bản muốn sống cô độc một mình, tình yêu với sự ẩn dật, phần kia là tình bạn và sự hòa đồng. Tôi không biết liệu tôi có phần nào nồng ấm đối với người khác hay không, nhưng tôi biết mỗi khi mình đang tiếp xúc với ai thì tôi thấy đó là người quan trọng nhất trên thế giới vào thời điểm đó. Bên trong tôi luôn có cảm giác mong ước cho họ được an lành. Do đó, dù tôi muốn sống một mình, tôi vẫn thấy vui khi gặp gỡ người khác.”
Giờ đây bị ấn mình vào dòng chảy của thế gian một lần nữa, Tenzin Palmo có thể tự thấy mình có thay đổi hay không. Liệu có một sự chuyển hóa ở đây không? Cuối cùng, đó là bài kiểm tra duy nhất có giá trị về những thực hành tâm linh của cô. Không có việc nhập thất nào được cho là đã có hiệu quả trừ khi có một sự thay đổi căn bản, chuyển biến những cách thức, thói quen xưa cũ của bạn trong việc bạn nhận thức như thế nào và bạn là ai. Ở trên núi, trong sự cô độc tuyệt vời, cô có thể chăm chú nhìn vào những chân lý trong nội tâm; nhưng liệu những kinh nghiệm ấy có còn đứng vững trong những thách thức của cuộc sống thường nhật?”
Cô nói: “Có một hình thức tự do nội tâm mà tôi không nghĩ là mình có khi tôi bắt đầu – một sự bình an và trong sáng bên trong. Tôi nghĩ nó đến từ sự tự lập, không có điều gì hay không có ai để đổ lỗi cho những gì đã xảy ra. Trong khi tôi đang nhập thất, mọi thứ cũng trở thành như trong giấc mộng, đúng như đức Phật đã mô tả. Một người có thể nhìn thấy bản chất hư huyễn của mọi thứ đang diễn ra quanh mình – bởi vì người đó không phải ở giữa nó”, cô nói tiếp, sử dụng đại từ không ngôi (one: một người) nhằm làm lệch sự chú ý khỏi bất kỳ sự hiện thực hóa nào mà cô có thể mắc phải! “Và sau đó khi bạn đi ra ngoài, bạn thấy mọi người đang bị dính mắc trong cuộc đời của họ - chúng ta đồng nhất hoàn toàn với điều mà chúng ta tạo ra. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào nó. Đó là lý do tại sao chúng ta đau khổ - bởi vì không có khoảng không gian nào cho chúng ta.”
“Giờ đây, tôi lưu ý rằng có một khoảng cách bên trong đối với bất cứ điều gì xảy ra, dù cho điều đang xảy ra đó là ở nội tâm hay ngoại cảnh. Đôi khi, có cảm giác nó giống như là đang ở trong một ngôi nhà trống với tất cả cửa ra vào và cửa sổ đều mở rộng và gió chỉ thổi qua nó mà không gặp bất kỳ một chướng ngại nào. Không luôn luôn như vậy. Đôi khi một người có thể bị dính mắc lại, nhưng giờ đây người đó biết rằng anh ta/ cô ta lại bị dính mắc một lần nữa.”
Trong khi việc giống như “một căn nhà trống” dường như là mơ ước đối với một thiền giả, thì đối với một người bình thường, vốn mang theo quan niệm rằng niềm say mê và sự dính mắc vào các cảm xúc là những gì tạo nên màu sắc và sức sống cho cuộc đời, tuyên bố như vậy dường như là xa lạ và buồn tẻ.
Là “một căn nhà trống” có giống với là một “cái vỏ” của một con người – lạnh lùng và vô cảm không? Và điều gì là sự khác nhau giữa buông xả và thờ ơ? Một nghiên cứu tiến hành tại một bệnh viện ở Luân Đôn trên những đứa trẻ bị bỏ hàng tuần mà không có ai đến thăm nom cho thấy rằng thời điểm mà chúng ngừng khóc và trở nên “tốt” trong con mắt của nhân viên, chính là lúc mà sự tổn thương đã thành hình. Những nghiên cứu tiếp theo cho thấy rằng những đứa trẻ này sẽ rất dễ bị loạn thần kinh. Vào giai đoạn này, chúng ngừng khóc khi một số phần cảm giác quan trọng của chúng đã “chết”. Thoát khỏi [cảm xúc] có phải là thờ ơ không?
Đúng như mong đợi, Tenzin Palmo đã bác bẻ lại tất cả những lời ám chỉ đó. Cô phát biểu mạnh mẽ: “Đó không phải là sự trống rỗng lạnh lùng. Đó là sự rộng rãi nồng ấm. Nó có nghĩa là một người sẽ không dính mắc lâu hơn vào cảm xúc phù du hay thay đổi của mình nữa. Người đó thấy con người tự gây ra đau khổ cho mình nhiều như thế nào chỉ bởi vì họ nghĩ rằng nếu không có những cảm xúc mạnh mẽ này thì họ không phải là những con người thực sự.”
Cô tiếp tục: “Tại sao một người nhập thất? Họ nhập thất để hiểu mình thực sự là ai và hoàn cảnh bên ngoài thực sự là cái
gì. Khi một người bắt đầu hiểu về chính bản thân mình, thì sau đó anh ta thực sự có thể hiểu người khác, bởi vì tất cả chúng ta đều có quan hệ với nhau. Rất khó cho một người hiểu được những người khác nếu như người đó vẫn còn bị trói buộc trong sự hỗn độn của việc dính mắc vào cảm xúc của mình – bởi vì chúng ta luôn diễn giải người khác từ trên quan điểm của nhu cầu riêng của chính chúng ta. Đó là lý do tại sao, khi bạn gặp những ẩn sĩ - những người đã thực sự nhập thất ẩn cư lâu dài - ví dụ như 25 năm chẳng hạn, bạn sẽ thấy họ không lạnh lùng và xa cách. Hoàn toàn ngược lại. Họ là những người thực sự dễ thương. Bạn biết rằng tình thương của họ dành cho bạn hoàn toàn không có sự đánh giá, phán xét bởi vì nó không dựa trên việc bạn là ai hay bạn đang làm gì, hay việc bạn sẽ đối xử với họ như thế nào. Nó hoàn toàn vô tư, không thiên vị. Đó chỉ đơn giản là tình thương. Nó giống như mặt trời – chiếu sáng lên tất cả mọi người. Dù cho bạn có làm gì thì họ vẫn thương yêu bạn, bởi vì họ hiểu những vấn đề khó khăn của bạn và trong sự hiểu biết đó tự nhiên phát sinh ra tình thương yêu và sự cảm thông. Nó không dựa trên tình cảm bên ngoài. Tình thương yêu bên ngoài dựa trên cảm xúc rất không bền vững, bởi vì nó dựa trên những tình cảm đền đáp lại và việc nó làm cho bạn cảm thấy tốt đẹp như thế nào. Đó không phải là tình yêu thương thực sự.”
Có thể đó không phải là vấn đề của tâm lý học, nhưng có một sự đứt gãy giống hệt diễn ra trong cuộc đời của Tenzin Palmo. Trở lại câu chuyện, sắc lệnh của viên Cảnh sát trưởng đã có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn là chỉ kết thúc kỳ nhập thất của cô. Nó mang đến một sự kết thúc của một thời kỳ toàn vẹn. Giờ đây, điều không mong đợi nhất đã xảy ra. Sau thời gian say mê với phương Đông nói chung và Phật giáo Tây Tạng nói riêng, cô bắt đầu cảm thấy sức thu hút của nền văn hóa quê hương mình. Lần đầu tiên trong vòng 24 năm sống ở Tây Tạng, cô thấy phương Tây vẫy gọi mình.
Cô giải thích: “Tôi thấy thời gian của mình ở Ấn Độ đã đi đến hồi kết, rằng tôi cần quay trở về phương Tây và khám phá lại gốc rễ của mình. Sau hết, tôi không phải là người Tây Tạng. Khi tôi làm việc trong thư viện tại Hackney, tôi có một người bạn trai thích nhạc cổ điển, kiến trúc, nghệ thuật, những nhà thờ cổ và những thứ kiểu như vậy. Anh ta thích nói về chúng và đi tới các buổi hòa nhạc, các phòng trưng bày nghệ thuật. Tôi thấy những điều đó thật tuyệt. Sau đó, tôi trở thành Phật tử khi tôi 18 tuổi và từ bỏ tất cả chúng! Sự tập trung của tôi đã chuyển sang hướng khác. Tuy nhiên, sau 24 năm ở Ấn Độ và không đọc gì ngoài các sách vở của đạo Phật, tôi cảm thấy có một khoảng trống khổng lồ trong cuộc đời mình và thấy rằng tôi đã không hoàn thành điều mà tôi có nhiệm vụ hoàn tất.”
Không có ý tưởng nào về nơi mà mình muốn đi, Tenzin Palmo lại làm theo cách mà cô luôn sử dụng trong những trường hợp tương tự - duy trì sự tĩnh lặng và chờ “giọng nói bên trong” mách bảo mình. Trong thời gian đó, nhiều bạn bè cô ở rải rác khắp nơi trên thế giới bắt đầu viết thư mời cô đến đất nước của họ. Cô thấy các địa điểm ở Mỹ, Úc, Anh nhưng không có nơi nào có vẻ hợp lý cả. Sau đó, một người bạn Mỹ là Ram (người cô đã gặp ở Ấn Độ) viết thư nói rằng anh ta đã tìm được một địa điểm lý tưởng – Assisi. Tại sao cô không đến ở cùng với hai vợ chồng anh ta tại đây? Cô chưa bao giờ tới Assisi, nhưng khi cô đọc cái tên đó lần đầu tiên thì giọng nói đã vang lên to và rõ ràng.
“Nó đấy.” Cô nói và chỉ ngón tay vào đó.
Không một chút lưu luyến hay buồn rầu nào, Tenzin Palmo chuẩn bị rời Hang động của Đại Lạc. Nơi đây cô đã sống những thời khắc đáng nhớ nhất của cuộc đời, “những năm tháng quan trọng nhất” của cô từ độ tuổi 33 đến 45, nhưng nó dường như không là gì cả đối với cô. “Điều gây ấn tượng cho tôi nhiều nhất là tất cả thời gian đã đi về đâu? Thời gian chỉ ngưng tụ lại. Ba năm cuối nói riêng chỉ trôi về quá khứ. Nó dường như giống với bốn tháng vậy”, cô bình luận.
Không hề vội vã, cô đóng gói những món đồ cá nhân ít ỏi của mình, nói lời chào tạm biệt những người bạn Lahoul của mình và lên đường quay về phương Tây và cái nôi phát triển rực rỡ nhất của văn hóa phương Tây – Italia (nơi khởi nguồn của thời kỳ Phục Hưng). Cô đã đi trọn một vòng. Sinh ra trên thế giới, từ bỏ nó và sau đó quay trở lại. Cô đến thị trấn xinh đẹp cổ kính Assisi, được xây dựng trên sườn núi Subasio ở Umbria, vào lúc nửa đêm nhưng ngay lập tức, cô biết rằng mình đã có lựa chọn đúng. Ở đây có các cụm nhỏ những căn nhà tuyệt đẹp xây trên đỉnh núi gợi lại hình ảnh của Lahoul, hay phảng phất sự linh thiêng mà thánh Francis đã để lại như vẫn còn lơ lửng trong không khí, hay thậm chí sự thật rằng có một vài thánh nhân Ấn Độ trong khu vực, nhưng vào lúc mà Tenzin Palmo tới đây cô có cảm giác như đang ở nhà mình.
Cô nói: “Tôi cảm thấy một mối liên hệ mạnh mẽ với Assisi. Cho đến nay đó là địa điểm duy nhất mà tôi nhớ ngoài hang động của tôi. Nó có một phẩm chất đặc biệt, không thể diễn tả nhưng có thể cảm nhận được, mặc dù hàng triệu du khách lũ luợt kéo đến đây mỗi năm. Đó không phải là một địa điểm bình thường mà là trung tâm của hòa bình thế giới và là nơi tổ chức rất nhiều hội nghị giữa những người theo các tín ngưỡng khác nhau. Và nhiều người nói lại là họ đã có những kinh nghiệm tâm linh tại đây - những kinh nghiệm chuyển hóa mạnh mẽ.”
Cô chuyển đến tầng dưới cùng trong căn nhà một người bạn của Ram và bắt đầu tái khám phá lại gốc rễ phương Tây của mình. Cô đi lang thang trên những con phố nhỏ, tuyệt đẹp của thị trấn, thông thường là vào ban đêm và đi một mình, và cảm thấy rất an toàn. Cô ghé thăm ngôi nhà với hai dãy cột nổi tiếng bên trong có mộ của thánh Francis, ngạc nhiên trước những bức vẽ trên tường cực kỳ tinh tế, đặc biệt là các bức vẽ của Giotto. Và cô trèo lên núi, tò mò nhìn thấy một hang động khác, nơi thánh Francis đã từng ở và cầu nguyện miệt mài trước Thượng đế hãy cho ông thấy nỗi đau khổ của chúa Giê-su đến mức mà không chỉ năm dấu thánh xuất hiện trên tay và chân ông mà còn thực sự thấy mình bị đóng đinh. Trải qua năm năm sống ở Assisi, Tenzin Palmo phát triển một lòng kính ngưỡng mạnh mẽ đối với thánh Francis và dành nhiều giờ đồng hồ ngồi thiền trong hang động của ngài những khi không có khách du lịch ở đó.
“Hang động đó rất khác so với hang động của tôi bởi vì nó có nhà thờ xây trên đó. Nhưng nó thật tuyệt vời! Còn có cả những con chim bồ câu đậu trên cây cối bên ngoài. Chúng là hậu duệ của những con chim mà thánh Francis đã mua và làm cho chúng sinh sôi phát triển ở đây. Tôi yêu những câu chuyện về các con vật của ông. Bạn có biết rằng ông có một con ve sầu và họ [thánh Francis và con ve] đã hát cho nhau nghe? Ông là một vị thánh rất hồn nhiên.
Một lần, Tenzin Palmo khám phá ra rằng cô cảm thấy mình đã từng là một tu sĩ Thiên Chúa giáo trong một tiền kiếp. Cô tiết lộ: “Khi tôi đi vào trong tu viện thì cảm giác đó rất mạnh. Nó gần như là một sự ngờ ngợ. Và tôi luôn luôn có sự hấp dẫn, đồng cảm với các dòng tu kín. Tôi nghĩ có thể tôi đã quyết định đi sang phương Đông khi truyền thống Thiên Chúa giáo ngừng phát triển ở đâu đó. Điều đó hoàn toàn có thể.”
Sau khi đã tự mình trải qua một thời gian khổ hạnh lâu dài, giờ đây cô cho phép mình được thỏa mãn một số đam mê nhỏ. Cô học cách ăn mì ống và trở nên ưa thích cappuccino và tiramisu (mặc dù cô nói đĩa ăn của cô chỉ có gạo, rau và dhal). Cô xem video, đặc biệt là các đĩa phim đen trắng của những năm 1940. Ngoài ra, cô vùi đầu vào bộ sưu tập nhạc và thư viện của các bạn mình, trầm mình vào di sản văn hóa phương Tây như bọt biển khô nhúng vào nước. “Như thể là phần phương Tây trong tôi đã bị đứt đoạn và giờ đây cần được hàn gắn lại vào toàn thể con người.” Giờ đây, cô cho phép mình đọc tiểu thuyết, thay đổi thái độ đối với các tác giả người Pháp và các câu chuyện về tôn giáo như cuốn The name of the Rose (Tên của Hoa hồng) của Umberto Eto. Và cô đọc ngấu nghiến bất cứ thứ gì cô có thể tìm thấy về lịch sử thời Trung cổ, dành hết bản thân mình cho việc học tập mới mẻ này với sự cẩn thận tỉ mỉ mà trước đây cô đã dành cho đạo Phật. Cô đặc biệt chú ý tới giai đoạn quanh thế kỷ thứ 12 và 13 - thời gian mà thánh Francis sống. Cô giải thích: “Hoạt động trí tuệ diễn ra sôi sục, và các cuộc tranh luận học thuật tiếp diễn sau đó – rất nhiều vấn đề phát sinh từ người Ả rập và người Do Thái và dần dần người ta bắt đầu khám phá người Hy Lạp. Đó cũng là thời gian của sự phát triển các dòng tu khất sĩ khi các vĩ thánh và các nhà nghệ sĩ vĩ đại xuất hiện.”
Cô cũng lao đầu vào tiểu sử và các bản văn của các vị thánh và triết gia Thiên Chúa giáo: Thánh Teresa của xứ Avila, Thánh John, Thomas Aquina, các vị ẩn tu sa mạc (Desert Fathers), Thomas Merton, kinh Thánh từ Giáo Hội Chính Thống và nhiều nhiều nữa. Cùng với việc đọc, sự ngưỡng mộ của cô dành cho tôn giáo mà cô đã từng gạt bỏ tăng lên và kèm theo đó là một sự hiểu biết mới và tự hào về nguồn gốc phương Tây của cô.
“Người Tây Tạng thường coi người phương Tây như những người thô lỗ, dã man. Họ nghĩ chúng ta giỏi về việc chế tạo ra những chiếc ô tô, xe máy nhưng không có gì sâu sắc bên trong, và về khía cạnh văn hóa thì thực sự là khô khan và hoang dã. Ở một khía cạnh nào đó, điều này rất độc đoán. Nó giống như khi các nhà truyền giáo Thiên Chúa đi ra nước ngoài và chê bai bất cứ nền văn hóa nào mà họ nhìn thấy. Họ nghĩ rằng chỉ có nền văn hóa của họ là đúng đắn.” Cô nói. “Tôi bắt đầu nghĩ điều đó không đúng. Chúng ta không chỉ có McDonalds và Coca Cola. Chúng ta có triết học và nghệ thuật cũng như truyền thống tâm linh riêng. Tư tưởng phương Tây rất phức tạp và tôi khám phá ra rằng trong truyền thống tâm linh thì mọi thứ cũng như vậy. Cá nhân tôi vẫn thấy phân tích của đạo Phật về con đường Đạo là rõ ràng và đầy đủ nhất cho những người như tôi, nhưng dù sao việc nhìn những hiểu biết như vậy được phát biểu theo cách khác cũng là điều tốt. Biết được những điều đó là khá quan trọng.” Sau đó cô nói thêm với một nụ cười châm biếm: “Điều thú vị là khi đạo Phật tới Tây Tạng lần đầu tiên thì những người Ấn Độ cũng nghĩ những người Tây Tạng là “dã man”. Họ không muốn truyền Phật Pháp quý báu cho người Tây Tạng, vì sợ rằng người Tây Tạng sẽ làm hỏng chúng.”
Tenzin Palmo khám phá ra niềm vui thích đối với âm nhạc. Nó đã nuôi dưỡng phần bị bỏ quên lâu ngày trong con người cô. Cô tiếp xúc với các nhà soạn nhạc cổ điển – Bach, Handel, Haydn, và tác giả mà cô yêu thích nhất - Mozart. Cô tuyên bố: “Thật là tuyệt vời khi tìm thấy Mozart. Tôi hoàn toàn yêu thích ông. Âm nhạc của ông giống như một điều gì đó rất cơ bản ở mức độ nào đó. Nó rất ẩm ướt. Tôi nghĩ tôi đã trở nên hoàn toàn khô khan ở đâu đó.” Cô nói thành thật.
Dù có ý thức được hay không, Tenzin Palmo đang cân bằng phương Đông với phương Tây, chủ nghĩa khổ hạnh với sự hưởng thụ, sự cô độc và tính hòa đồng – tạo cho bản thân mình một nhân cách phát triển toàn diện hơn. Cô đang đi theo chính xác lời khuyên của một trong những người thầy Thiên Chúa giáo thông thái mà cô mới tìm ra, nhà thần học người Đức vĩ đại của thế kỷ XIII, Meister Eckhart, người đã viết: “Tôi nói rằng hành giả ẩn tu nên tránh tư tưởng về những kỳ tích sẽ được thực hiện trong giai đoạn nhập thất của mình. Nhưng sau đó anh ta nên bận rộn để không ai có thể hay nên tham gia vào sự ẩn dật trong suốt cả thời gian, để cho đời sống hoạt động là một sự nghỉ ngơi sau giai đoạn nhập thất.”
Vào lúc này một khía cạnh khác bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc đời của Tenzin Palmo – một điều sẽ phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai. Những người Thiên Chúa giáo nhanh chóng biết đến sự hiện diện của cô tại Assisi. Họ muốn tự mình nhìn và nghe người phụ nữ đã từng dành nhiều thời gian độc cư này. Nỗ lực của cô vượt xa bất kỳ những gì mà dòng tu của họ đã từng thử cố gắng. Cô được đề nghị đến nói chuyện tại các hội nghị chuyên đề và một lần còn nhận được lời mời trang trọng từ Cộng đồng Vatican đề nghị cô nói chuyện tại một hội nghị những người theo các tín ngưỡng khác nhau tại Đài Loan. Cô cũng được mời tới hướng dẫn các hội thảo ở các trường dòng và nhà tu kín để nói với họ chính xác những gì cô đã làm, và cô đã làm điều đó như thế nào. Tenzin Palmo vui vẻ nhận lời, vì giờ đây cô dễ dàng đón nhận những cuộc trao đổi với những người có tín ngưỡng khác và nhiệt tình trao đổi các kiến thức mà cô có với những phương pháp nhập thất của Thiên Chúa giáo. Nhưng mọi thứ không diễn ra hoàn toàn như vậy.
“Tại một tu viện thuộc dòng Benedict, tôi được thông báo rằng đám đông sẽ tập trung vào lúc năm giờ sáng, và do đó tôi nghĩ tôi sẽ tham dự. Nhưng khi tôi đến nơi, thì chỉ có một vài người bên trong. Tôi hỏi mọi người đang ở đâu và được biết rằng họ đang ở trong một phòng nhỏ được sắp đặt cho khóa thiền của tôi. Khi đi vào, tôi thấy tất cả các đôi giầy được xếp ngăn nắp bên ngoài cửa và tất cả các tu sĩ bên trong đang ngồi bắt chéo chân trên sàn nhà. Họ đã lập một bàn thờ với tượng Phật ở trên, hoa và những bát nước sạch và hỏi tôi làm như vậy có đúng không. Tôi bảo họ: “Thật đáng yêu, cảm ơn các bạn.”
“Họ chỉ hứng thú với việc học đạo Phật. Họ đã nghiên cứu nó, đã gặp đức Đạt lai Lạt ma và nóng lòng muốn biết thêm nữa. Tôi muốn khuyến khích việc thiền quán Thiên Chúa giáo, nhưng họ không có chút kinh nghiệm nào. Họ nói với tôi rằng đạo Thiên Chúa có quá ít các vị thầy về đời sống nội tâm và đó là lý do khiến các tu sĩ trẻ cảm thấy hụt hẫng. Họ nói những người trẻ đang muốn biết những phương pháp để có được sự bình an nội tâm và con đường tâm linh để mang ý nghĩa đó vào trong cuộc sống của họ. Các nữ và nam tu sĩ cảm thấy rằng nếu họ có thể cùng nhau làm được việc đó, thì họ có thể trở thành những người hướng dẫn và mang đến cho những người trẻ những gì họ cần.
“Họ muốn các phương pháp, bởi vì họ đã mất phương pháp của truyền thống mình. Họ muốn những lời chỉ dẫn: cái gì cần làm, cái gì không nên làm, sự mô tả những vấn đề có thể nảy sinh trong thiền quán và cách xử lý chúng. Các phương pháp Tây Tạng là tuyệt vời bởi vì chúng không yêu cầu bất kỳ một cấu trúc đức tin riêng biệt nào. Bất kỳ ai cũng có thể sử dụng chúng – kể cả các nhà tâm lý học. Do đó tôi nói với họ những gì cần làm và họ sẽ ngồi đó gật đầu đồng ý. Sau đó, một nữ tu Carmelite lớn tuổi nói: “Giá như có ai nói với tôi về thiền vài năm trước. Nó thật đơn giản.”
Về phía mình, Tenzin Palmo rất hứng thú với việc ở bên cạnh các ni sư. Họ trao đổi các con đường dẫn tới việc xuất gia tu hành: cô nói với họ về cuộc đời mình, họ giải thích cuộc đời của họ. Mặc dù có những sự khác biệt, họ cùng chấp nhận sự tương đồng trong các thói quen. Cô cũng thu nhận được một vài phương pháp khác từ các vị nữ tu Thiên Chúa giáo, những phương pháp sẽ cực kỳ hữu dụng trong vài năm tới. Cộng đồng Thiên Chúa giáo cũng ngưỡng mộ Tenzin Palmo đến mức họ mời cô đến các tu viện của họ nhập thất dài ngày bất cứ khi nào cô muốn. Cô lịch sự cảm ơn họ và từ chối.
Thời gian trôi qua, tên tuổi cô trở nên nổi tiếng và ảnh hưởng của cô bắt đầu lan rộng. Cô được mời đến nói chuyện tại Rome, bắc Italia, Umbria, Devon, Ba Lan. Trong khi ở Ba Lan, cô đến thăm Auschwitz và tận mắt nhìn nơi đã diễn ra bao đau khổ của loài người. Cô nói: “Một trong những điều ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất là những bức ảnh chụp những người đi tới phòng hơi ngạt. Nhiều người trong số họ khá đẹp và có cặp mắt trong sáng. Một số thậm chí còn đang mỉm cười. Tôi thấy đó là một nỗi đau khó tin.”
Dù rất ngưỡng mộ văn hóa phương Tây, nhưng cô không bao giờ từ bỏ đạo Phật hay việc hành thiền của mình. Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Cô tiếp tục thực hiện các bài thực hành hàng ngày và tổ chức vài lần nhập thất ngắn ngày. Trước đó, cô cũng tham gia vào một dự án xây dựng một ni viện cho các ni sư Phật giáo phương Tây ở Pormaia, gần Pisa. Cô đã gặp các phụ nữ tại một kỳ an cư kết hạ và nhận ra rằng họ cũng có những kinh nghiệm kinh khủng giống như cô trong thời gian ban đầu khi chỉ được tiếp xúc với việc quy y mà không được học giáo lý hay các phương pháp thực hành. Cô nói: “Các ni sư không có địa điểm riêng và không có ai chăm sóc cho họ. Các tăng sĩ thì khá ổn – họ có tu viện của họ; nhưng các ni sư thì bị chuyển từ trung tâm này đến trung tâm khác. Điều đó không tốt cho sự phát triển tâm linh của họ.”
Sau đó, cô tranh thủ cơ hội cùng với Ram - bạn cô - tham gia chuyến hành hương đến núi Kailash ở Tây Tạng. Cô chưa bao giờ tới vùng đất đã từng nuôi dưỡng sự thúc đẩy mạnh mẽ nhất trong cuộc sống hiện tại của cô, và Kailash được xem như nơi hành hương thiêng liêng nhất. Nằm trong một vùng hẻo lánh ở phía tây Tây Tạng (một trong những địa điểm hoang vu nhất trên thế giới), Kailash được Phật tử và tín đồ Ấn Độ giáo ngợi ca như trung tâm của thế giới huyền bí. Tại đỉnh của nó, trong bầu không khí loãng ở độ cao hơn 6.400 mét so với mực nước biển, các vị thần như Tara vẫn đang sống. Tenzin Palmo muốn tới Kailash mặc dù cô mới chỉ đọc về ngọn núi huyền bí này trong cuốn sách đầy cảm hứng Con đường mây trắng của Lạt ma Govinda, nhưng chưa bao giờ suy nghĩ nghiêm túc rằng cô sẽ làm điều đó ngay trong kiếp sống này.
Cô nói: “Thật không thể tin được là cuối cùng tôi lại đến được Tây Tạng – phần lớn cuộc đời tôi đã suy nghĩ và đọc về nó. Mọi thứ xung quanh hoàn toàn giống như những gì tôi mong đợi – nhưng cũng có phần xót xa khi nhìn thấy tất cả những gì mà người Trung quốc đã tàn phá. Có những tu viên
lớn bị phá hủy nghiêm trọng. Thật là một nỗi buồn sâu sắc.” Họ thuê bốn con trâu yak để chở lều và đồ nấu ăn trong khi di chuyển bằng một phương tiện hiện đại hơn nhiều là chiếc Land Cruiser. Chuyến đi kéo dài 10 ngày, vì không có con đường nào và việc đi lại vô cùng khó khăn. Cuối cùng, khi cô tới đến nơi thì cảnh tượng thật xứng đáng với công sức bỏ ra. “Bản thân Kailash rất đẹp. Chúng tôi phải đi qua đèo Dolma cao hơn 5.400 mét trong bão tuyết để tới đó và cả tôi lẫn Ram đều kiệt sức và mất phương hướng. Sau đó, một con chó đen to xuất hiện. Chúng tôi cho nó một ít bánh quy đẫm nước và nó chỉ cho chúng tôi con đường đi xuống. Chúng tôi thấy hạnh phúc khó tả. Đó là một điều rất đặc biệt và là một ân phước to lớn. Chúng tôi mất hai ngày rưỡi để đi một vòng xung quanh núi Kailash, quỳ lạy trước những địa điểm linh thiêng. Một vài người Tây Tạng chỉ cần một ngày để làm điều đó. Họ dậy từ ba giờ sáng và kết thúc vào lúc mười giờ tối. Một số đi 20 đến 30 vòng trong một tháng! Một số đi 108 vòng, tương đương với số tràng hạt. Một số quỳ lạy trên suốt đường đi, và đi mất khoảng hai tuần lễ. Điều đó rất khắc nghiệt chứ không hề dễ dàng.”
“Hồ Manasarovar gần đó cũng rất đặc biệt. Chúng tôi ở đó vào đúng sinh nhật lần thứ 50 của tôi. Ram khăng khăng đòi tắm ở đó và tôi cũng làm theo. Điều đó thiếu chút nữa đã giết chết tôi. Trời lạnh giá với làn gió rét như cắt. Bạn cũng phải uống nước nữa.”
Cô gặp những người dân du cư - những người tốt bụng vẫn sống theo phương thức của hàng ngàn năm qua. Cô nghe lòng ngưỡng mộ của họ đối với Đạt lai Lạt ma, nhìn thấy sự nghèo khổ của họ, nhưng nghĩ dù sao họ cũng còn hơn những người Tây Tạng sống trong những thị trấn. Cô nói: “Đối với tất cả những đau khổ của họ, tôi thấy ngạc nhiên với tinh thần bất khuất của người Tây Tạng và cách họ duy trì được niềm vui của mình trong những hoàn cảnh tồi tệ như vậy. Thật hạnh phúc được có mặt ở đây, một trong những kinh nghiệm mãnh liệt nhất của tôi mặc dù tôi thấy rất khó chịu với chứng nhức đầu kinh khủng và mệt mỏi vì độ cao! Tôi có cảm giác mãn nguyện – tôi đã mơ ước về nó từ lâu rồi.”
Tuy nhiên, không có nhiều thời gian để ở lại lâu. Tenzin Palmo có thể đã có những mối liên hệ mạnh mẽ nhất đối với Tây Tạng và tôn giáo của nó, nhưng giờ đây cô là một người phương Tây, hơn nữa là người đã khám phá âm nhạc phương Tây. Giữa những vùng núi đá hoang vu của miền Tây Tây Tạng, dưới bóng của sự hùng vĩ và thiêng liêng của ngọn núi Kailash, Tenzin Palmo nghe nhạc của Mozart. Cô tán dương: “Bạn có thể nghe nhạc của Mozart ở mọi nơi. Đối với tôi đó là một thứ âm nhạc hoàn hảo. Nó khiến bạn thay đổi một cách khó tin và tạo ra những niềm vui lớn! Đĩa Desert Island của tôi chứa gần như hầu hết các bản nhạc của Mozart. Nếu bạn có thể nghĩ về thiên đường với âm nhạc, thì đó chính là âm nhạc của Mozart.”
Cô cũng thích một số thức ăn tốt. Cô nói: “Tôi bị ốm gần chết vì mì nhiều mỡ. Tôi cần gạo và dhal.” Quê hương của cô giờ đây không còn là Tây Tạng nữa.
Tenzin Palmo vẫn chân thành tin tưởng rằng Assisi sẽ là nơi chủ yếu để cô sống phần còn lại của cuộc đời. Với ý nghĩ này trong đầu, cô bắt đầu xây dựng một căn nhà gỗ nhỏ hai phòng trong khu đất của bạn cô bằng số tiền mà mọi người cúng dường cho cô. Cô muốn nhập thất trở lại bởi vì cô cũng chưa bao giờ quên việc theo đuổi sự hoàn thiện của mình. Cô thực sự đã bắt đầu thì giấy phép xây dựng của cô đột nhiên bị thu hồi. Một lần nữa dường như đó lại là định mệnh, hay “nghiệp” (karma) đã can thiệp vào cuộc đời Tenzin Palmo. Cô có thể đã sẵn sàng để an cư nhưng những ngày “xuất gia” (như qui định của đức Phật về điều kiện lý tưởng cho các tăng ni của người) còn xa mới trở thành hiện thực. Cô còn nhiều việc phải làm. Rất nhiều việc.