Chương 16: Ẩn tu có cần thiết không?
Trong khi Tenzin Palmo lánh mình kín đáo vào trong hang động kiên trì theo đuổi con đường vươn tới sự hoàn thiện, thì những người phụ nữ phương Tây vẫn bận rộn trong thế giới này để tổ chức một cuộc cách mạng của riêng họ. Khi cô xuất động, họ đã tiến được những bước quan trọng vào thành trì của nam giới trong cả những vấn đề xã hội và riêng tư; và đang chuyển cặp mắt quả quyết và ngày càng tự tin của mình vào thành lũy cuối cùng mà nam giới thống trị: tôn giáo. Đạo Phật không phải là ngoại lệ. Nó có thể không có “Đức Chúa Cha” [nam giới] để tranh luận, tin rằng cái tuyệt đối không phân biệt giới tính, nhưng giống như tất cả những tôn giáo lớn trên thế giới, nó được thiết lập bởi những người đàn ông, theo nguyên tắc của những người đàn ông trong giai đoạn mà những người đàn ông đương nhiên là những người lãnh đạo không phải bàn cãi. Nhưng thời gian đang thay đổi nhanh chóng và trật tự cũ đang nhường chỗ cho trật tự mới. Sự nổi lên của những Phật tử đòi quyền bình đẳng giới bắt đầu đưa ra những yêu cầu rất cơ bản với những vấn đề cốt tử trong truyền thống cổ xưa - truyền thống mà Tenzin Palmo đã đi theo trung thành, và bắt đầu yêu cầu một diện mạo mới đề cao bình đẳng giới hơn cho đức Phật.
Những câu hỏi của họ sắc sảo và bao hàm nhiều lĩnh vực. Thay cho cấu trúc cấp bậc nam tính đã tồn tại hàng ngàn năm đặt vị trí lãnh đạo lên đỉnh và phần còn lại của cộng đồng được rải ra bên dưới thành hình chiếc quạt, tại sao không đặt vị trí lãnh đạo vào trung tâm của vòng tròn với những người khác nằm xung quanh thành vòng tròn? Tại sao vị trí của lòng sùng kính luôn được xây dựng theo đường thẳng? Tại sao nó không được xếp theo đường tròn, theo những nguyên tắc bình đẳng hơn của hình tròn và hình xoắn ốc? Tại sao các đặc tính của tình mẹ con không có trong sự thực tập? Tại sao không có nhiều sự nhấn mạnh hơn vào các tính chất quan trọng, linh thiêng của cơ thể và hóa thân, hơn là các ý tưởng vẫn luôn được miêu tả như một thứ gì đó siêu việt? Tại sao tính trần tục không linh thiêng như tinh thần? Tại sao các mối quan hệ nam-nữ không được tôn trọng hơn? Và tại sao những bạn tình nữ của thiên thần nghệ thuật luôn được mô tả với cái lưng quay về phía người nhìn, do đó vai trò của họ được xem như thứ cấp so với vai trò của nam giới, mặc dù trên thực tế họ cũng cần thiết cho quá trình khai mở tâm linh như người phối ngẫu của mình?
Họ đặt ra một câu quan trọng hơn với Tenzin Palmo là một hang động có phải là cần thiết hay không? Họ nói một hang động là đặc quyền của nam giới, bởi vì nó rất không thuận tiện cho nữ giới, khi họ phải chăm sóc con cái, chồng và nhà cửa. Trong khi đàn ông có thể (và vẫn) đi khỏi gia đình của họ (như bản thân đức Phật đã làm) để tham gia vào việc hành thiền cam go và lâu dài trong đơn độc để phát triển khả năng tâm linh của mình, thì phụ nữ không thể, hoặc không muốn làm điều đó. Tại sao bản năng người mẹ - điều suy cho cùng đã chịu trách nhiệm sinh ra tất cả mọi chúng sinh trên thế giới này kể cả đức Phật, Chúa và tất cả những vị thánh khác, lại bị coi như là một điều bất lợi? Họ nói hang động (hay túp lều trong rừng) với lời kêu gọi của nó cho sự xả bỏ toàn diện thế giới này là một ý tưởng gia trưởng đã thống trị quá lâu dài.
Như những gì đã xảy ra trên những lĩnh vực khác của việc đấu tranh vì sự bình đẳng cho nữ giới, những người phụ nữ có khuynh hướng tâm linh giờ đây tuyên bố họ muốn tất cả. Tâm linh và gia đình. Hang động và tổ ấm. Về việc này họ bắt đầu đề xướng những thực hành với trẻ em và gia đình. Họ giới thiệu việc chữa trị các vấn đề tình cảm như một phương pháp hành thiền, hơn là một chướng ngại. Họ tiến hành các động thái làm thay đổi nghi thức tế lễ và ngôn ngữ phân biệt giới tính trong những lời cầu nguyện và sách dạy nghi lễ. Và họ về nhà với quan điểm những bồn rửa bát trong bếp là một nơi tốt đẹp để đạt tới giác ngộ, giống như ở thiền đường hay trong hang động xa xôi tại Himalaya. Đó là những điều thật sáng tạo, hứa hẹn sẽ thay đổi mãi mãi bộ mặt của đạo Phật.
Một phụ nữ Mỹ là Tsultrim Allione đang đi đầu trong sự thay đổi này. Cô xuất gia năm 1970, nhưng đã hoàn tục bốn năm sau để kết hôn và có con. Cô đã viết Những người phụ nữ của Trí tuệ (Women of Wisdom) - một trong những cuốn sách đầu tiên ca ngợi sự bình đẳng giới tính trong đạo Phật, và sau đó xây dựng Trung tâm Tara Mandala Retreat tại Pagosa Springs, Colorado - nơi cô xây dựng những quan điểm bình đẳng nam nữ mới. Cô ở vị trí thuận tiện để biết cả hai phía của câu chuyện.
“Tôi hoàn tục vì tôi là ni sư Phật giáo Tây Tạng duy nhất tại Mỹ vào thời điểm đó và cảm thấy rất cô đơn và không được giúp đỡ.”, cô nói từ một gác xép tại Seattle - nơi cô đang thuyết giảng qua slide trình bày chuyến thăm mới đây của cô tới địa điểm linh thiêng liên quan tới các nữ thần, nữ đạo sư tại Ấn Độ và Nepal. Cô nói: “Tôi mới 25 tuổi, mong muốn tình dục của tôi vẫn còn đó và cuộc sống độc thân bắt đầu trở thành một sự ngăn cấm, đè nén nó. Và tôi đã thôi là một ni sư để trở thành một người mẹ và người viết sách trong một năm sau. Đó là một kinh nghiệm rất mãnh liệt – và thực sự là một quyết định tốt nhất đối với tôi. Từ việc có toàn bộ thời gian chuyển sang không có chút thời gian nào cho bản thân mình. Từ suy nghĩ tôi đã vượt qua giận dữ, ganh tỵ và tất cả những cảm xúc tiêu cực, giờ đây tất cả chúng đều quay lại xuất hiện trong tôi. Nó làm cho tôi nhận ra rằng là một ni sư, tôi được bảo vệ để không cảm nhận được chúng. Tôi phải mài giũa sâu hơn vào các tầng lớp của năm độc để thấy chúng là cái gì, học cách làm việc trực tiếp với chúng và không giấu giếm hay che đậy chúng đi. Nếu như tôi vẫn còn là một ni sư, thì có thể tôi đã trở nên rất kiêu ngạo, nghĩ rằng mình đã diệt trừ được tất cả chúng.”
Tsultrim Allione tiếp tục có bốn đứa con trong vòng năm năm (một trong số chúng đã chết ngay khi còn bé), một kinh nghiệm làm cho cô nghi ngờ quan điểm “chính thống” cứng nhắc rằng tình mẫu tử là một trở ngại cho tiến trình tâm linh. “Chúng ta phải tự hỏi bản thân mình sự hiện thực hóa tâm linh là gì. Toàn thể sự thôi thúc của tình mẫu tử cũng giống như sự thúc giục của tình thương và hi sinh bản thân. Sự giác ngộ đã được những người đàn ông định nghĩa và do đó chúng là những sự kiện “sinh ra ở đây và thoát ra khỏi đây”. Chúng không phải là kinh nghiệm của hiện thực. Bản năng trời phú của người mẹ là sự buông xả. Và nhờ việc là một bà mẹ và một người vợ mà bạn sẽ hiểu thực sự về thân phận con người, những điều mà bạn sẽ không thực sự hiểu được nếu bạn xuất gia. Là một người mẹ, tôi không ảo tưởng về chính bản thân mình. Tôi chọn mình sẽ thất bại như thế nào, chứ không phải liệu tôi có thất bại hay không.”
Cô không nghi ngờ rằng hang động là một điều không cần thiết. Cô nói: “Tôi tin rằng phụ nữ có thể Giác ngộ ngay ở nhà. Đó là điều đặc biệt của Mật Tông. Có một câu chuyện kể về một phụ nữ, người luôn thực hành trong khi đang xách nước. Một ngày cô đánh đổ nước và cùng lúc đó tuệ giác cô bừng nở và cô kinh nghiệm được Giác ngộ. Những giáo lý Mật Tông thực sự vượt khỏi làn sóng chống đối của cộng đồng thế tục đối với giới tu sĩ - điều tạo ra hai hệ thống với hai nhóm quan điểm khác nhau. Có cả hai mô hình tantra và tu viện mà một người có thể đi theo.”
Tại Tara Mandala, cô đưa ra khái niệm về vòng tròn của sự tôn sùng bằng cách đặt điện thờ có 21 hình tượng của nữ thánh Tara trong trung tâm. “Bạn đi vào một không gian của sự trọn vẹn. Rất khó để miêu tả, nhưng mọi người đều thấy sự khác biệt của nó. Không ai biết phụ nữ sẽ thay đổi đạo Phật như thế nào, bởi vì đây chỉ mới là giai đoạn mở đầu và chúng ta chưa bao giờ sống trong một xã hội mà sự bình đẳng giới được tôn trọng và thực hiện đúng, do đó chúng ta không biết nó sẽ diễn ra như thế nào. Phụ nữ chỉ mới bắt đầu tiến những bước nhỏ ra khỏi cái bóng khổng lồ của chế độ gia trưởng. Đây là một giai đoạn rất thú vị.”
Yvonne Rand (một trong những thiền sư hàng đầu tại Mỹ, người đã mời Tenzin Palmo tới hướng dẫn một buổi hội thảo cuối tuần tại trung tâm của cô tại Muir Beach, California) cũng đang tìm kiếm con đường của mình. Cô trực tiếp trải nghiệm những khó khăn mà người phụ nữ phải đối diện khi có khát vọng tâm linh. Trước khi xây dựng trung tâm độc lập riêng của bản thân mình, cô là chủ tịch của Hiệp Hội các Trung tâm Thiền tại San Francisco. Đó là một vị trí khiến cô thấy mâu thuẫn với vai trò làm mẹ của mình.
Cô nói: “Là một phụ nữ, tôi được trông đợi sẽ thực hiện rất nhiều nghĩa vụ, nhưng tôi cảm thấy mình như một công dân hạng hai. Tôi thiếu rất nhiều hiểu biết về các vấn đề đối với một bà mẹ độc thân. Tôi luôn luôn phải gạt bỏ suy nghĩ rằng không nên quá căng thẳng về thực hành. Ví dụ như, có quá nhiều sức ép về việc dậy sớm vào buổi sáng và ngồi thiền trên tọa cụ, nhưng nếu làm điều đó sẽ có nghĩa là bạn phải bỏ lại đứa con bé bỏng một mình trong phòng.” Cuối cùng, cô suy luận ra rằng các nguyên tắc mà cô đang cố gắng tuân theo xuất phát từ tinh thần Nhật Bản hơn là từ bản thân đạo Phật, và rằng ngôi nhà là địa điểm tốt để thực hành giống như những dịp tập trung nhóm trang trọng. “Cuối cùng tôi nhận ra rằng tôi là một người vợ, một cư sĩ tại gia, một người chăm sóc gia đình, người thỉnh thoảng thực hành như một tu sĩ. Đây là lần đầu tiên tôi thấy mình phù hợp với nó và đó là một sự thanh thản lớn lao.”
Cô suy nghĩ về câu hỏi người phụ nữ có thể thực hành thâm sâu đến đâu tại gia đình. Cô nói: “Tôi chưa Giác ngộ, nhưng tôi chắc rằng phụ nữ có thể tiến rất xa. Sự giải thoát sẽ là điều khả thi khi tôi bắt đầu kinh nghiệm khả năng của việc sống trong hiện tại, khi tôi không còn mang vác những gánh nặng của ngày hôm qua [quá khứ] hay khi tôi phân tâm. Điều quan trọng nhất là sự kiên trì. Nếu bạn thực hành một phương pháp, ví dụ như thực hành chánh niệm, thì bạn phải thực hành nó thường xuyên. 12 lần một ngày có thể sẽ rất hiệu quả. Ví dụ như, có một thực hành nhỏ nhưng lại cho kết quả lớn là cười hàm tiếu. Khi mà bạn nhẹ nhàng mỉm cười và giữ nó trong ba hơi thở. Nếu trong ba ngày liền, tôi làm như vậy sáu lần hay nhiều hơn mỗi ngày, thì nó sẽ tạo nên một sự khác biệt đáng ngạc nhiên đối với thân thể và tâm trí. Bạn có thể thực hiện điều đó trong bất cứ thời gian chờ đợi nào: khi bạn chờ điện thoại, tại cửa hàng tạp hóa, ở sân bay, khi chờ đèn đỏ”, cô nói ấn tượng như Tenzin Palmo vậy.
Cô nói tiếp: “Có rất nhiều thứ bạn có thể làm ở nhà. Bạn có thể thực hành phát triển hạnh nhẫn nhục hay sử dụng các chướng ngại như những vị thầy. Tôi thường ngồi với những người đang hấp hối và sau đó với xác chết. Đó là những lời dạy lạ thường. Tôi học không chỉ về sự vô thường, mà cả những mối liên hệ giữa hơi thở và tâm thức. Cách mà chúng ta chết chính là cách mà chúng ta đã sống. Những vấn đề trong cuộc sống của chúng ta sẽ phát sinh trong quá trình chúng ta chết. Khi bạn đã chọn phương pháp thực hành của mình và thực hiện chúng trong vài năm bạn có thể quay lại và cải tiến hoàn toàn. Bạn không phải thêm vào các phương pháp mới cho đến khi bạn hoàn tất phương pháp mà bạn đã có. Một trong những mối nguy hiểm của người Mỹ là chúng ta rất không khiêm tốn. Chúng ta luôn vội vã và muốn có tất cả mọi thứ cùng một lúc.”
Kitchen Sink PaTh(Con đường tu trong nhà bếp) vẫn có cạm bẫy của nó, như Yvonne Rand - hành giả và người chăm sóc gia đình trong hơn 30 năm qua khám phá ra. Cô bày tỏ rằng mặc dù chúng không gây xúc động như việc đương đầu với nạn đói hay các động vật hoang dã, nhưng chúng cũng thực tế và đòi hỏi bạn phải làm việc thực sự với cùng một mức độ chăm chỉ và kiên trì. “Có hai điều chính: sự bối rối với những điều cần ưu tiên, và không sẵn sàng xả bỏ. Vì thế, bạn bị áp lực bởi việc cố gắng làm tất cả mọi thứ. Để thực hành, nghiên cứu và giảng dạy, cũng như có thể chăm sóc chồng và gia đình, tôi đã phải từ bỏ nhiều việc bên ngoài. Trên thực tế, tôi đã trở thành một “con gà”. Tôi dậy từ 5 giờ 30 sáng, và thường đi ngủ vào lúc 7h30 tối. Mọi thứ khá dễ dàng với tôi, bởi vì con tôi giờ đây đã lớn và chồng tôi cũng là một cư sĩ. Đối với bản thân tôi, những giờ buổi sáng sớm tạo nên một sự khác biệt to lớn. Tôi ngồi thiền và đi thiền hành, và tôi giữ những giới luật như không nói dối, không lấy của không cho, và không giết hay làm hại các chúng sinh. Tôi thực hành những điều đó khá lâu đến mức chúng trở thành một phần của cuộc sống của mình.”
Không chỉ những người đấu tranh cho bình đẳng giới mới đang đưa ra những câu hỏi hóc búa. Nhiều phật tử nam cũng đang băn khoăn về giá trị của hang động. Thiền sư Vipassana, Jack Kornfi eld, một trong những thiền sư nổi tiếng nhất tại Mỹ, giới thiệu khái niệm “một vài tháng nhập thất” và “một vài tháng nhập thế” như một giải pháp thay thế cho việc nhập thất không gián đoạn hàng năm trời tại những địa điểm biệt lập. Ông cũng đang ủng hộ cho những “gia đình nửa chừng” khi đợt nhập thất kết thúc. Lập luận của ông là những thời gian hành thiền kéo dài tách khỏi cuộc sống thường nhật sẽ làm cho hành giả vô cùng khó khăn trong việc tái hòa nhập vào xã hội. Ông nói: văn hóa Tây phương không phù hợp cho những thực hành khắc khổ như thế. Nhiều người đang bắt đầu cố gắng trải nghiệm kiểu thực hành này tại quê hương mình cũng phát hiện ra điều đó. Nhập thất đơn độc kéo dài đang gây ra chứng rối loạn tâm thần và sự xa lánh.
Tại Anh một vị thầy đạo Phật nổi tiếng khác - Stephen
Bachelor (Giám đốc nghiên cứu tại Sharpham College for Buddhist Studies and Contemporary Enquiry) cũng có khuynh hướng đồng ý [với nhận định đó]. Ông đã là một nhà sư trong vòng 10 năm cả trong Thiền Tông và các truyền thống Phật giáo khác, trước khi trở thành một trong những người hoài nghi nổi tiếng nhất, với những câu hỏi mở về các nguyên tắc học thuyết cơ bản như sự tái sinh. Là một người bạn của Tenzin Palmo, ông cũng là một người lý tưởng để bình luận về việc một hang động có phải là điều kiện cần thiết, bắt buộc cho các thực hành tâm linh cao cấp hay không.
Ông nói: “Không nên khái quát hóa việc thực hành nhập thất. Người sẽ sống trong hang động cần phải chuẩn bị rất nhiều về mặt thể chất và tinh thần. Trường hợp của Tenzin Palmo rõ ràng là một kinh nghiệm nhiều giá trị, một điều có hậu quả lan tỏa sau đó. Cô ấy rõ ràng là nồng ấm, thân mật, thoải mái và hấp dẫn trong cuộc đời. Nhưng Tenzin Palmo không tuân theo các quy tắc chuẩn mực của người sống ẩn dật, người thường xuyên hướng nội và chối bỏ thế giới. Tôi có thể nghĩ về các ví dụ khác mà hành giả không có tâm lý vững chãi và những giai đoạn hành thiền kéo dài hoàn toàn cô độc có thể dẫn tới những trạng thái rối loạn tâm thần. Hành giả sa vào việc tìm kiếm những câu trả lời cho sự an toàn và xa lánh [thế tục] của họ và có thể bị kẹt vào những nhận thức thần kinh của họ hơn là vượt ra khỏi chúng. Bạn phải cố hết sức để có thể giải quyết vấn đề này của sự cô độc.”
Là một tu sĩ, Stephen Bachelor đã tổ chức những kỳ nhập thất cho riêng mình, một lần trong ba tháng, sau đó là ba tháng hòa nhập vào xã hội trong ba năm liền. Ông hiểu rõ các kiểu rối loạn tâm lý mà một bài hành thiền có thể gây ra. Ông thừa nhận: “Bạn đương đầu với những ma quỷ riêng của bạn (nếu bạn có) - những thứ có sức mạnh to lớn. Bạn phải chiến đấu với chính bản thân mình và bạn phải phản ứng lại với hiện thực của bạn bằng những phương pháp mà bạn được trao. Kỳ nhập thất kéo dài bào mòn hệ thống niềm tin của tôi. Tôi theo trường phái Thiền Tông - nơi mà chúng tôi phải đặt câu hỏi nghi ngờ vào tất cả mọi thứ: “Nó là cái gì?” Việc nhập thất của tôi là về vô học. Đó là một cách tiếp cận rất khác biệt so với con đường của Tenzin Palmo. Một trong những sức mạnh to lớn nhất của Tenzin Palmo là cô ấy có niềm tin vĩ đại vào vị đạo sư của cô và của truyền thống mà cô là một phần trong đó. Thành thực thì đó là niềm tin mà tôi thấy không thể tưởng tượng được.”
Tất cả những điều này đưa 12 năm nỗ lực phi thường và đầy quyết tâm của Tenzin Palmo trong hang động lên bàn xem xét. Có phải cô đã lãng phí thời gian của mình hay không? Liệu cô có thể hoàn thành việc nhập thất vĩ đại của mình tại Luân Đôn hay Assisi được không? Liệu cô đã trở nên lỗi thời chưa? Nếu như cô không biến mất về phương Đông khi cô mới 20 tuổi, thì cô có làm điều gì khác biệt không? Cô có luôn luôn đứng trên quan điểm của mình và giương cao cương lĩnh hấp dẫn cho hang động không?
Cô nói: “Một điều đáng buồn của thời đại chúng ta là nhiều người không thể nhìn xa hơn vật chất. Trong thời đại đen tối này với lòng tham, bạo lực và vô minh, điều quan trọng là vẫn có một vài khu vực sáng sủa trong toàn thể quang cảnh ảm đạm, một vài điều tốt đẹp để cân bằng lại tất cả những gì nặng nề và đen tối. Trong tâm thức tôi, những thiền giả trầm tư trong cô độc giống như những căn nhà sáng sủa tỏa ra tình thương và lòng trắc ẩn lên thế giới này. Bởi vì sự tỏa chiếu của họ được tập trung nên họ rất có năng lực. Họ giống như những chiếc máy phát điện – và họ cực kỳ cần thiết.”
Tenzin Palmo nói tiếp: “Thậm chí khi tôi đi vòng quanh thế giới, tôi gặp nhiều người nói rằng họ đã nhận được nguồn cảm hứng như thế nào từ việc sống trong hang động của tôi. Tôi nhận được một bức thư từ một phụ nữ nói rằng con của bà ấy đang chết vì bệnh AIDS và rằng trong những giờ phút thất vọng nhất của bà, bà đã nghĩ về việc tôi đang sống trong hang động của mình và rằng điều đó đã làm bà thấy được an ủi. Điều đó đúng cho nhiều người đang làm chủ cuộc sống của mình. Tôi biết nhiều người theo đạo Thiên Chúa thấy cảm hứng từ việc những tu sĩ Thiên Chúa giáo đang cầu nguyện cho những kẻ có tội trên thế giới này. Điều con người phải nhớ là các thiền giả trong các hang động đang không tu luyện cho chính mình – họ đang hành thiền nhân danh tất cả mọi chúng sinh.” Và lời nói của cô gợi lại câu danh ngôn cổ phương Đông nói rằng: “Nếu như các hành giả không trực tiếp hướng lời cầu nguyện của mình cho hạnh phúc của tất cả nhân loại, thì mặt trời đã không mọc lên vào mỗi buổi sáng từ phía Đông”. Và Pascal chẳng đã không nói rằng toàn thể các vấn đề của thế giới là bởi vì con người không thể ngồi yên trong căn phòng của mình?”
Nhưng đối với một người phụ nữ như Tenzin Palmo thì sự lựa chọn diễn ra dễ dàng. Cô không bao giờ mong ước có con, dù chỉ trong giây lát. Cô không bao giờ biết về sự đau đớn của việc không thực hiện thiên chức làm mẹ. Cô cũng không bao giờ phải cân bằng giữa nhu cầu của tình mẹ con và trách nhiệm nội tâm với tiếng gọi phát triển tâm linh, giống như nhiều người phụ nữ khác đang cố gắng làm. Các bà mẹ phương Tây như Tsultrim Allione cố gắng lẩn tránh vấn đề bằng cách cho phép con cái mình tham gia vào các thời thiền của mình (và chúng trèo lên cả người bà). Những phụ nữ khác chuyển sang việc dậy sớm để thực hiện hàng tiếng đồng hồ thực hành theo quy định, trước khi đưa lũ trẻ đến trường học. Sau đó, họ cố gắng thu xếp các thời khóa khác giữa thời gian nấu ăn, giặt là quần áo và sẽ kết thúc vào ban đêm với thời khóa cuối cùng, sau khi những đứa trẻ đã đi ngủ. Những bà mẹ Tây Tạng như Machig Lobdron (một nữ hành giả nổi tiếng của Tây Tạng) giải quyết vấn đề bằng cách đơn giản là để bọn trẻ cho chồng của mình chăm sóc hàng tháng trời để đi thực hành. Do đó, trên thực tế tình mẹ con có phải là điều gây cản trở cho tiến trình phát triển tâm linh hay không?
Tenzin Palmo trả lời: “Chúng ta làm những điều khác nhau trong những cuộc đời khác nhau. Chúng ta nên nhìn và quan sát điều gì trong cuộc đời này mà chúng ta được giao phó. Sẽ là buồn cười và lố bịch khi trở thành một ni sư hay một ẩn sĩ chỉ bởi vì đó là lý tưởng trong mọi thời đại, trong khi chúng ta có thể học hỏi nhiều hơn trong một mối quan hệ gắn bó hay trong cuộc sống gia đình. Bạn có thể phát triển tất cả các loại đức tính thông qua tình mẹ con, điều mà bạn không có nếu theo đuổi cuộc sống trong tu viện. Đảm đương vai trò một người mẹ không phá bỏ con đường tu hành. Không phải như vậy! Có nhiều cách tiếp cận, rất nhiều phương pháp. Tuy nhiên, sẽ là phi thực tế nếu bạn vừa muốn trở thành một bà mẹ hay một nữ doanh nhân vừa mong đợi có thể thực hiện cùng những kiểu thực hành dành cho những ẩn sĩ. Nếu những người phụ nữ đã lựa chọn có con, thì sau đó họ nên phát triển một bài thực hành làm cho gia đình trở thành đạo pháp. Nếu không họ sẽ kết thúc với sự thất vọng to lớn.”
Cô nói tiếp: “Thực sự, tất cả mọi thứ phụ thuộc vào phương tiện thiện xảo của người đó, sự quyết tâm và nỗ lực mà người đó đặt vào nó như thế nào. Dù cho người đó là một tu sĩ, một ni sư, một ẩn sĩ, một người nội trợ trong gia đình hay một doanh nhân, thì việc nhập thất không phải bao giờ cũng thích hợp. Thực hành sống trong hiện tại, mở rộng trái tim, có thể thực hành ở bất kỳ nơi nào mà chúng ta đang có mặt. Nếu một người có thể đem sự tỉnh giác của mình vào trong cuộc sống hàng ngày và các mối quan hệ, nơi làm việc, gia đình của mình; thì sẽ chẳng có sự khác biệt nào về nơi mà anh ta đang sống. Thậm chí ở Tây Tạng, những người đạt được thân cầu vồng cũng thường là những người rất “bình thường” mà không ai biết đó là những hành giả. Sự thật là việc thực hành chân thật có thể được thực hiện trong mọi hoàn cảnh.” Cô dừng lại giây lát, và nói thêm: “Tất nhiên, việc thực hiện các bài thực hành nâng cao trong một môi trường thuận tiện cách xa khỏi các sự xao lãng bên trong và bên ngoài sẽ dễ dàng hơn. Đó là lý do mà đức Phật đã lập ra Tăng đoàn. Phải thừa nhận rằng những mối quan hệ quá thân thiết có thể sẽ gây nhiều xao lãng.”
Đó là một bổ sung cần thiết. Trên thực tế, Tenzin Palmo nói rằng trong lúc đa số sự phát triển tâm linh có thể đạt được trong nhà hay ở nơi công sở, nhưng hang động vẫn là nơi lý tưởng cho Giác Ngộ. Đó là những gì mà các bậc thầy đã luôn luôn nói.
Cô nói: “Lợi thế của việc tu tập trong hang động là nó cho bạn thời gian và không gian để có thể hoàn toàn tập trung. Những thực hành phức tạp và các mantra cũng đòi hỏi nhiều thời gian và sự cô độc. Chúng không thể được thực hiện ở giữa thị trấn. Việc nhập thất cho bạn cơ hội để nấu chín thức ăn.” Cô nói, đột nhiên dùng ngôn ngữ trong nhà bếp để diễn tả ý kiến của mình. “Bạn phải cho mọi thành phần nguyên liệu vào trong một cái nồi và ninh nó lên. Và bạn phải giữ độ nóng liên tục. Nếu bạn cứ bật tắt bếp liên tục thì thức ăn sẽ không bao giờ chín được. Việc nhập thất giống như sống trong một cái nồi áp suất. Mọi thứ sẽ được nấu chín nhanh hơn nhiều. Đó là lý do vì sao người ta lại đề cao nó.”
“Dù chỉ trong những giai đoạn ngắn, thì nó cũng có thể có ích. Bạn không phải thực hành nó trong suốt cuộc đời mình. Việc có một khoảng thời gian im lặng và sống cô độc một mình sẽ rất có ích cho nhiều người, giúp họ nhìn vào bên trong và khám phá ra họ thực sự là ai, khi họ không phải bận rộn đóng các vai trò – làm vợ, làm mẹ, làm chồng, là một con người của công việc hay sự nghiệp, là người bạn tốt của mọi người, hay bất cứ vẻ bề ngoài nào mà chúng ta tạo ra cho mình trước thế giới này. Nếu có một cơ hội sống cô độc với chính bản thân mình và nhìn xem ai đang thực sự ẩn chứa đằng sau tất cả những cái mặt nạ thì đó là điều rất tốt.”
Cô tuyên bố dưới ánh sáng trí tuệ này thì nơi ẩn dật hay hang động sẽ không bao giờ là một địa điểm lý tưởng đã lỗi thời như một số người đã phê phán. Và chừng nào còn có những hành giả đang sống, như bản thân cô, còn khao khát theo đuổi con đường sống cô độc, thoát khỏi sự hối hả, náo nhiệt của cuộc sống bình thường, thì hang động sẽ vẫn còn tồn tại, theo hình thức này hay hình thức khác. Cô khẳng định điều này bằng một câu hỏi: “Liệu việc tìm kiếm chân lý có phải đã lỗi thời hay không? Chừng nào việc tìm hiểu tâm linh còn ý nghĩa, thì hang động vẫn còn giá trị của nó.”
Khi ra ngoài thế giới, Tenzin Palmo đã liên hệ với nhiều phụ nữ mới - những người đang khao khát một hình tượng đức Phật mang nhiều tính bình đẳng cho nữ giới hơn nữa, và tán thành những nỗ lực của họ. Cô nói: “Những nỗ lực của người phụ nữ trong việc giới thiệu những sự thay đổi này sẽ trở thành một trong những đóng góp lớn nhất của phương Tây đối với Phật Pháp.” Trải qua nhiều năm, cô đã có một quan hệ thú vị với những người đề xuất mạnh mẽ nhất. Giống như họ, mục đích của cô là sự bình đẳng về cơ hội cho tất cả phụ nữ trong lĩnh vực tâm linh. Giống như họ, cô cực kỳ độc lập, dốc lòng theo đuổi con đường phía trước của riêng mình, bất chấp các chướng ngại. Giống như họ, cô phản đối bằng lời sự phân biệt đối xử và bất công ở bất cứ nơi nào cô phát hiện ra chúng. Nhưng, không giống như họ, cô không nghĩ đến việc tấn công đối đầu như những người đòi bình đẳng giới thường làm. Và cô nói với họ rằng đó là một cách thức độc hại.
“Đó là những người đấu tranh cho bình đẳng giới với sự giận dữ! Tôi không đồng tình với họ chút nào. Họ có ý tưởng rằng đó là sự phẫn nộ chính đáng và dùng nó làm động lực để chống đối lại bất cứ điều gì mà họ nghĩ là không công bằng. Họ hướng một khối giận dữ khổng lồ vào những người đàn ông, như thể những người đó là thủ phạm của mọi tội ác. Thành thực mà nói, tôi nghĩ tất cả sự giận dữ đó không giúp ích được gì. Và tôi đã nói với họ như vậy. Giận dữ đơn giản chỉ là giận dữ, chúng ta dùng nó để bào chữa cho những trạng thái tiêu cực của riêng mình. Tất cả chúng ta đều có một suối nguồn của giận hờn trong mình và bất cứ khi nào chúng ta hướng đến nó thì chỉ như thêm dầu vào lửa mà thôi. Nếu chúng ta tiếp cận với điều gì đó bằng tâm hồn giận dữ, thì những gì diễn ra sẽ tạo ra sự phản đối và phòng thủ từ phía bên kia. Đức Phật nói rằng hận thù không thể được xóa bỏ bằng hận thù, chỉ có tình thương mới làm được điều đó.
“Phải thừa nhận là những người đàn ông đã làm một số điều rất tồi tệ, nhưng họ thường được sự ủng hộ, xúi giục và tiếp tay bởi chính những người phụ nữ. Nếu nhìn mọi thứ một cách tỉnh táo, khách quan, thì người giữ người phụ nữ ở dưới thấp lại chính là những người phụ nữ khác! Không phải đàn ông chống lại phụ nữ, mà chính là phụ nữ chống lại phụ nữ. Sau hết, kẻ thù lớn nhất của những người phụ nữ đòi quyền bầu cử cho nữ giới chính là nữ hoàng Victoria! Nếu những người phụ nữ đứng sát cánh cùng nhau thì những người đàn ông có thể làm được điều gì để chống lại phụ nữ? Toàn bộ vấn đề không phải là phân chia loài người [thành nam và nữ]. Nó tế nhị hơn nhiều.”
Những lời nói của cô chứa đựng trí tuệ sâu sắc. Nếu như vài ngàn năm qua của chế độ phụ hệ là sự phản đối lại hàng ngìn năm trước của chế độ mẫu hệ khi Nữ thần Đất trị vì tối cao (như nhiều nhà học giả đã nói), thì tại sao lại phải có một sự thay đổi lại một lần nữa? Nếu một trật tự mới nổi lên để cân bằng giữa nam và nữ (như giữa phương Đông và phương Tây) thì đó rõ ràng là giải pháp tốt nhất. Và bởi vì cô nói có lý, nên những người phụ nữ lắng nghe và nói với cô rằng trước đây họ chưa bao giờ nghĩ về điều này.
Tenzin Palmo đã nghĩ về con đường riêng của mình để mang lại cuộc cách mạng. Một phương pháp có phần lặng lẽ hơn. “Nó sẽ được dựa trên những cuộc thảo luận cởi mở, kiên nhẫn, thỏa hiệp, trầm tĩnh và một trái tim dịu dàng, nồng ấm.” Đó là những giá trị kinh điển của đạo Phật. “Đức Phật nói rằng chúng ta phải thương yêu tất cả chúng sinh. Làm sao chúng ta có thể coi các chúng sinh như kẻ thù được?” Đặc biệt nhất, cô ủng hộ một sự phản đối điềm tĩnh, không ồn ào. Cô lặp lại: “Tất nhiên bạn có thể đấu tranh, nhưng trước hết bạn phải kiểm tra lại động cơ của mình. Đó có phải là tình thương dành cho những người phụ nữ khác và các nhu cầu của họ hay chỉ là sự giận dữ? Nếu chúng ta đang nói ra những cảm xúc tiêu cực, thì kết quả sẽ chỉ tồi tệ hơn mà thôi. Mặt khác, chúng ta không phải giả bộ mỉm cười để lấy lòng người khác.”
Trong thâm tâm, cô biết những người phụ nữ có sức mạnh tâm linh sẽ như thế nào. Trong bức tranh cô ưa thích, họa sĩ Piero della Francesca vẽ Đức Mẹ Đồng Trinh đang đứng với chiếc áo choàng mở rộng đang trao nơi trú ẩn cho rất nhiều người ở phía dưới. Cô nói: “Cô ấy nhìn thẳng về phía thính giả. Cô ấy mạnh mẽ, tự tin, và không giả bộ vui vẻ cũng như không giận dữ ai cả. Chỉ có tình thương, lòng trắc ẩn và sự trang trọng.
Cô ấy là một quý bà đầy sức mạnh.”
Cũng có một phụ nữ Tây Tạng trẻ tuổi người đang bắt đầu giảng dạy trên thế giới này tên là Khandro Rinpoche - người mà Tenzin Palmo rất quý trọng. “Cô ấy sâu sắc, hoàn toàn trong sáng và cùng lúc đó lại cực kỳ dịu dàng, nữ tính. Tôi chưa bao giờ thấy cô ấy giận dữ và mọi người rất kính trọng, ngưỡng mộ cô. Cô ấy có sức mạnh nội tâm và khi cô ngồi trên pháp tòa cô ngồi đó hoàn toàn tự tin, một sự tự tin vắng bóng bản ngã. Không có sự tự kiêu ở đây. Bên cạnh trí tuệ sâu sắc, cô cũng tràn đầy sự nồng ấm tự nhiên. Cô hoàn toàn kiểm soát, không yếu đuối hay đa cảm.”
Cô dừng lại suy nghĩ rồi nói thêm: “Hình ảnh của chúng ta về người phụ nữ là gì? Đối với tôi, nó đưa tới sức mạnh nội tâm và sự đĩnh đạc. Khi bạn có chúng, bạn sẽ có quyền lực tự nhiên, và mọi người tự nhiên sẽ muốn đi theo bạn. Đó là những đức tính mà tôi sẽ cố gắng khuyến khích những người phụ nữ ở tu viện Dongyu Gatsal Ling phát triển.”
Và với điều đó, Tenzin Palmo tiếp tục con đường của mình, đi khắp nơi trên thế giới một cách thầm lặng, thu nhặt những đồng tiền cúng dường để xây dựng và phát triển ni viện.