Chương 4: Bước đầu tiên
Khi đoàn tàu hỏa rời ga để lại phía sau mẹ, đất nước của mình, mà cô không biết bao giờ mình mới có dịp gặp lại, Tenzin Palmo vẫn không khóc. Nhưng những người bạn đường của cô, RuThTarling và Christine Morris, những người cũng đến ngôi trường của Freda Bedi, thì lại khóc sướt mướt. Tenzin Palmo nói: “Tôi không hiểu điều đó [vì sao họ lại khóc]. Tôi thấy rất hạnh phúc. Cuối cùng tôi đã ra đi. Đó là giờ phút tôi trông đợi hàng năm nay rồi.”
Cô mang theo hai chiếc túi lớn chứa một số đồ cũ – sáu cái áo ngủ, nhiều bánh xà phòng và một cái áo len dài tay lớn mà một lạt ma ở Luân Đôn nhờ cô mang đến cho anh của ông ta ở Ấn Độ. Cô cười: “Tôi đã mang những thứ không cần thiết. Tôi không bao giờ biết tại sao mình lại cần tới sáu cái áo ngủ, và Ấn Độ là nơi làm ra những bánh xà phòng rất tốt.”
Le Viet Nam là con tàu nhỏ bé với thủy thủ đoàn người
Ethiopia, Việt Nam, Sudan và Algeri, những thuộc địa cũ của Pháp. Nó chạy tới Ấn Độ với giá rẻ. Không có trò chơi ném vòng trên bong tàu, không có những bữa tiệc cocktail, không có bể bơi sang trọng, ở đây chỉ có đầy những hành khách. Tất cả đang trên con đường của họ chậm chạp tiến về phía Đông, tới Ấn Độ và xa hơn. Chuyến đi kéo dài hai tuần, dừng chân tại Barcelona, Port Said, Aden và Bombay trước khi đi xa nữa về phía đông. Tenzin Palmo biết một cô gái sống tại Bombay và đã viết thư cho cô ta hỏi xem liệu mình có thể ở tạm vài ngày tại đó trước khi định hướng cho mình được hay không.
Tốc độ chậm chạp của chuyến đi hoàn toàn phù hợp với tính khí của Tenzin Palmo. “Nó giống như đang ở trong trạng thái bardo [thân trung ấm] - thế giới trung gian sau khi chết và trước khi tái sinh. Bạn không phải là một phần của quá khứ cũng như tương lai. Tôi có khoảng thời gian giới hạn này, nơi tôi chỉ có thể ở trên thuyền, trước khi giai đoạn sau xảy tới. Đó là một cách di chuyển thú vị.”
Chuyến đi quả thật là đáng nhớ. Trong tất cả các câu chuyện thú vị về những chuyến đi biển, bao giờ cũng có một chuyện tình lãng mạn trên tàu. Cùng đi với Tenzin Palmo có một chàng trai người Nhật mà cô chỉ vừa mới gặp trên tàu. Giống như những người từng theo đuổi cô trước đây, anh ta yêu say đắm cô gái thông minh và hoạt bát này. Về phía mình, Tenzin Palmo cũng thực sự bị hấp dẫn bởi chàng trai châu Á cao ráo này. Anh là một người xuất thân từ gia đình gia giáo và cũng là một Phật tử. Họ đã quyết định đi cùng với nhau, người thanh niên Nhật dự định lên thuyền đi Tokyo. Chắc chắn là một khi câu chuyện tình lãng mạn này đã nảy nở và một tối dưới trời sao anh chàng này đã ngỏ lời, dù có theo một cách khác thường nhất.
“Anh ấy bảo tôi rằng sẽ nói một vài điều và rằng cuối cùng tôi phải nói “Hei” (đồng ý). Tôi nói OK, nghĩ rằng đó là một trò chơi. Anh đi tới đi lui trong khoảng năm phút, dừng lại, nhìn tôi và tôi nói “Hei”. Tôi hỏi tôi phải đồng ý điều gì, và anh ta nói: “Em chỉ phải kết hôn với anh thôi.” Tôi phá lên cười. Tôi nghĩ anh ấy đang đùa. Chúng tôi hầu như chẳng biết gì về nhau. Tôi không nghĩ anh ấy nghiêm túc, nhưng hóa ra đó lại là sự thật.”
Tenzin Palmo do dự, dao động giữa hai thái cực trong con người cô. Cô nói: “Thực tế là anh ta đẹp trai và là một người rất dễ thương. Anh ấy có một trái tim nhân hậu. Bạn bè tôi nói rằng tôi nên nhanh chóng lấy anh ta bởi vì tôi sẽ không thể dễ dàng tìm được ai đó giống như vậy. Và đó là lần đầu tiên tôi gặp một người mà tôi cảm thấy “đây là người mà tôi muốn chung sống.” Nhưng, tận sâu thẳm trong tôi, tôi thực sự không muốn lập gia đình. Ý tưởng của tôi là chúng tôi sẽ sống chung với nhau một thời gian; rồi anh ta sẽ chán ngấy tôi bởi vì anh ấy không thể tin được và tôi thực sự chả là gì cả; rồi sau đó tôi thực sự hiểu rằng đời sống này là đau khổ, giống như đức Phật đã nói. Sau đó, tôi có thể quay lại và trở thành một ni sư. Đó là những gì tôi nghĩ khi đó.”
“Vấn đề là tôi không bao giờ thực sự nói “Không”. Khi tôi đề nghị chúng tôi chung sống cùng nhau, anh ấy khó chịu và nói rằng anh ấy không bao giờ nghĩ tới điều đó. Gia đình anh ấy, truyền thống của anh ấy sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó. Đó là điều không thể nghĩ tới. Chúng tôi phải làm lễ kết hôn. Và vào thời điểm đó, tất cả các chuông cảnh báo đều đổ và tôi cảm thấy sự khiếp sợ của việc bị sập bẫy [vào cuộc sống gia đình].”
Mắc kẹt giữa sự lôi kéo từ hai phía: giữa nhu cầu sinh lý, tình cảm quen thuộc và tiếng gọi tâm linh, cô quyết định để cho mình còn cơ hội lựa chọn. Họ đưa ra một thỏa thuận. Tenzin Palmo sẽ ở lại Ấn Độ một năm, và sau đó sẽ đi Nhật. Với kết quả này, chàng trai Nhật Bản hầu như đã đạt được mục tiêu của mình sớm hơn mong đợi. Khi rời tàu tại Bombay, Tenzin Palmo gần như mất hết tinh thần khi nhận ra rằng không có ai đứng chờ cô trên bến như đã hứa. Trước tình thế này, bạn trai người Nhật của cô để các cô lại với đống hành lý và đi thăm thú xung quanh.
“Anh ấy quay trở lại và thực sự lấy làm kinh hoàng. Anh ấy nói: “Đây là một nơi thật kinh khủng. Thật là địa ngục trần gian. Anh không thể để em ở lại đây.” Tôi không biết phải làm gì nữa. Cuối cùng tôi đồng ý: “Nếu trong nửa tiếng nữa mà không có ai đến đón em, thì em sẽ đi cùng anh đến Nhật Bản. Chúng tôi đã chờ thêm 20 phút nữa và một người đàn ông bất ngờ chạy về phía chúng tôi, tay vẫy một bức thư. Ông ấy nói: “Cháu viết cho con gái bác – nhưng nó không có ở nhà nên bác đã mở thư. Bác mới nhận được nó sáng nay và ngay lập tức chạy tới đây.” Đó là thời khắc tuyệt vời của số phận. Tôi nhớ mình đã khóc trong đêm, khi nghĩ tới việc rời xa bạn trai của mình. Tuy nhiên, vào sáng hôm sau, tôi thức dậy và cảm thấy rất vui vẻ! Tôi nghĩ, à, không có vấn đề gì.”
Do đó, Tenzin Palmo và các bạn gái của cô lên đường đi Dalhousie, miền Bắc Ấn Độ, tới ngôi trường của Freda Bedi dành cho các lạt ma trẻ. Họ đến vào tháng Ba, Tenzin Palmo lê bước hai tiếng đồng hồ cuối cùng trên tuyết trong đôi xăng đan. Bàn chân cô dường như ướt đẫm, nhưng tinh thần cô lại rất hưng phấn: “Tôi đi lên trên núi và ngày càng thấy nhiều người Tây Tạng xuất hiện. Cuối cùng, khi tôi tới Dalhousie, nơi có tới hàng nghìn người Tây Tạng. Tất cả các phía xung quanh đều có những ngọn núi tuyết, bầu trời thì trong xanh – thật là đáng yêu.”
Cô nói tiếp: “Chúng tôi tìm thấy bà Bedi ở trong bếp, đang đứng bên lò sưởi tỏa khói nhưng không có chút hơi ấm nào. Bà đang nấu cháo yến mạch với pho mát Tây Tạng. Nó thật kinh khủng. Bà là một phụ nữ cao lớn, to béo, trạc 55 tuổi với đôi mắt xanh, cái mũi khoằm và mái tóc nâu được buộc về phía sau thành búi nhỏ. Tôi nhớ bà đang mặc một cái xari mầu nâu sẫm làm từ len dày, làm cho bà trông càng to béo hơn.”
Thực ra, Freda Bedi lại có tính cách hấp dẫn, và bà là một huyền thoại trong cộng đồng Phật tử Tây Tạng. Bà cũng có một cuộc sống rất sôi động. Sinh ra và lớn lên trong giai cấp quý tộc của xã hội Anh, bà đã gây tai tiếng cho gia đình khi lấy một người Ấn Độ mà bà gặp ở trường Oxford rồi trở về tiểu lục địa (Ấn Độ) để sống với ông ta. Sau đó, bà gia nhập quân đội chống lại đất nước của mình, chống lại nước Anh trong phong trào đòi độc lập cho Ấn Độ, và đã bị tống giam vì điều đó. Khi được thả, là một người hùng đối với đất nước mới được chấp nhận của bà [Ấn Độ] sự nghiệp của bà có một bước ngoặt quan trọng khác khi bà được Hội Phúc lợi Xã hội (Central Social Welfare) cử đi làm việc với những người tị nạn Tây Tạng mới tới - những người tràn vào Ấn Độ theo sau cuộc di cư của Đạt lai Lạt ma năm 1959. Khi đã hòa mình vào trong người Tây Tạng, Freda bị thu hút vào hoàn cảnh khó khăn và sức thuyết phục của thông điệp của họ trong giai đoạn trung niên, và dù đã kết hôn và có năm đứa con (một trong số đó là Kabir Bedi, ngôi sao điện ảnh Ấn Độ nổi tiếng), bà đã trở thành một tu sĩ, ni sư Tây phương đầu tiên, với pháp danh Khechok Palmo.
“Bà thực sự là người có cá tính – một sự kết hợp kỳ lạ giữa hai đất nước: Anh và Ấn Độ. Bà không bao giờ hoàn toàn đánh mất gốc rễ của mình. Mọi người gọi bà là Mẹ. Tôi rất yêu bà ấy.” Tenzin Palmo bình luận. “Bà rất giỏi đưa ra ý tưởng sáng tạo và rất giỏi trong việc quyên tiền. Khi đó, người Tây Tạng không được tổ chức, không biết tiếng Anh hay biết các tổ chức từ thiện và cách xin giúp đỡ. Freda Bedi vừa là người tổ chức tốt lại vừa có khả năng trình bày hoàn cảnh rất tuyệt vời. Bà đã quyên được rất nhiều tiền. Tuy nhiên, sai lầm chính của bà là thay vì mua tài sản, khi đó vẫn đang còn rất rẻ, và hợp pháp hóa chúng với tên của bà, bà đã làm thất thoát tiền bạc vào việc mua những thứ như vải trải giường, khăn tắm và những thứ linh tinh khác. Bà không phải là người thực dụng. Vài năm sau giá đất tăng vọt và các trung tâm từ thiện được chuyển giao cho những người khác và bà mất hết. Tuy nhiên, ni viện mà bà khởi sự vẫn còn hoạt động và nhiều bậc thầy Tây Tạng tới phương Tây, như lạt ma Trungpa, đã có vốn tiếng Anh căn bản ở trường học của bà. Do đó, trên thực tế, bà đã đóng góp rất nhiều.”
Dalhousie là một địa điểm đẹp, trải rộng trên một số ngọn đồi bao phủ bởi những cây thông oai nghiêm và nơi sinh sống của những bầy khỉ có giọng khàn khàn. Nó được ngài Dalhousie xây dựng vào năm 1854, và khi Tenzin Palmo đến đây, nó đầy những câu lạc bộ đã xuống cấp của những công chức, các nhà thờ của Anh giáo và những căn nhà gạch Anh với trần cao, hè rộng và vườn đầy hoa hồng, hoa thược dược – giờ đây là di tích của thời đế quốc Anh còn cai trị Ấn Độ. Ở độ cao hơn 2000 mét, đây không chỉ là nơi nghỉ mát tuyệt vời thoát khỏi ánh mặt trời chói chang mùa hè vốn có tại xứ này, mà còn sở hữu một cảnh đẹp ngoạn mục của đồng bằng Ấn Độ bên này và của vùng núi Himalaya ở bên kia .
Tenzin Palmo đã đến đây vào một thời điểm thú vị trong lịch sử - thời điểm mà khoảng 5.000 người Tây Tạng tập hợp lại ở Dalhousie, biến nó thành trung tâm cho người nhập cư lớn nhất tại Ấn Độ. Sau đó họ bỏ đi, tới Dharamsala, miền Nam Ấn Độ và các khu định cư khác, nhưng vào năm 1963, họ ở đây thành những đám đông, dũng cảm tái xây dựng lại những đại tu viện từng phồn vinh trên quê nhà mình, Sera và Drepung, và cố gắng phục hồi ít nhất là những gì còn sót lại của nền văn hóa độc đáo của mình. Tenzin Palmo nhớ lại: “Đó là một địa điểm đáng yêu. Không có ô tô và có một bầu không khí rất đặc biệt. Vào buổi sáng và buổi chiều, tất cả những người Tây Tạng đi kora [thiền hành] quanh đồi.”
Mặc dù nơi đó thật thú vị, nhưng đời sống ở đó không hề dễ dàng. Người Tây Tạng đã chứng kiến sự tàn bạo không thể tả nổi. Họ thấy những tu viện của họ bị cướp phá, các tu sĩ và lạt ma cao cấp bị tra tấn, bị chấn thương sau những chuyến vượt biên đầy nguy hiểm, bị thiếu thốn, mất quê hương, và ở trong một hoàn cảnh đáng thương. “Họ nghèo đói ghê gớm và những điều kiện sống thì thật kinh khủng. Họ có lều làm bằng bao tải đựng bột mì, những thứ tất nhiên là không thích hợp chút nào và họ đang cố làm chè bơ cho mình từ mỡ lợn. Cái nóng xứ Ấn cũng kinh khủng đối với họ - những người đã quen với thời tiết khô lạnh của Tây Tạng. Nhiều người trong số họ đã ốm và chết.”
Hoàn cảnh của Tenzin Palmo cũng không tốt đẹp gì hơn.
Đầu tiên cô ở hành lang một tu viện nữ mà bà Freda Bedi xây cho các ni dòng Kargyu, và sau đó chuyển vào một phòng nhỏ dành riêng cho cô. “Ở đó lạnh, rất lạnh và khi trời mưa, nó mưa cả ở ngoài và ở trong phòng. Thời tiết ẩm đến mức thực ra tôi phải ngủ dưới gầm giường. Và sau nữa là chuột. Chúng có ở khắp mọi nơi. Chúng rất to và có thể ăn tất cả mọi thứ, kể cả quần áo và chuỗi hạt cầu nguyện của tôi. Chúng thường làm tôi tỉnh giấc giữa đêm khi nhảy vào người tôi. Nhưng thực ra, tôi không ngại chuột bằng nhện. Tôi nhớ có một con nhện lớn với những con mắt nhỏ vô hồn. Nó còn ghê sợ hơn.”
Mỗi ngày cô đi bộ quanh đồi từ tu viện đến “Trường nội trú Lạt ma trẻ” (Young Lama’s Home School), được Feda Bedi dựng trong một trong những ngôi nhà bỏ hoang to lớn của người Anh. Nó có nhiều phòng, được đặt trên đỉnh một ngọn đồi và được bao quanh bởi một khu vườn đẹp. (Phòng đầu tiên của Dharma Bums, nhà thơ người Mỹ Allen Ginsberg, đến đây chỉ trước Tenzin Palmo, người tập trung nguồn cảm hứng tạo ra sự sùng mộ). Tenzin Palmo đươc giao cho hai nhiệm vụ, làm thư ký cho bà Freda Bedi và dạy các lạt ma trẻ tiếng Anh cơ bản. Tuy nhiên, các học sinh của cô không chỉ là các lạt ma thông thường, họ là các tulku - những lạt ma tái sinh đã được công nhận của các bậc thầy tâm linh cao cấp trong kiếp trước, những người nắm giữ tương lai Phật giáo Tây Tạng. Choygam Trungpa, một trong những nhiều bậc thầy xuất sắc trong tương lai ở phương Tây, đã từng học những bài học vỡ lòng tiếng Anh tại đây.
Mặc dù điều kiện sống thanh đạm, nhưng Tenzin Palmo yêu cuộc sống ở đây. Điều đó được thể hiện qua bức thư mà Tenzin Palmo gửi cho cô của mình tại nước Anh:
Cô Auntie Joan thân mến của cháu,
Cảm ơn cô rất nhiều vì hai bức thư của cô, thực sự cháu thích nhận chúng mỗi khi cháu đoán ra chữ viết tay của cô – biết chữ Tây Tạng thật có ích.
Cháu đang dạy một vài lớp vỡ lòng vào tất cả các buổi sáng. Lạt ma trẻ nhất 12 tuổi, một lạt ma 25 tuổi, một người rất ngọt ngào và là một lạt ma rất tốt nhưng việc học tiếng Anh của vị ấy thì thật đáng thất vọng, và còn có một lạt ma 22 tuổi, người thực sự đẹp lộng lẫy và đã phải làm đường hai năm trước khi đến trường nên có thể lực rất tốt. Thêm vào đó lạt ma này rất thông minh và học rất nhanh. Nơi đây giống như một ngôi trường làng với rất nhiều lớp học diễn ra trong cùng một phòng – rất ầm ĩ nhưng vui vẻ.
Ở trường, chúng cháu có 2 con mèo và một con chó Tây Tạng nhỏ và cũng có một con chó tên Shu-shu, cả mẹ và anh của chú đều đã bị báo ăn thịt. Chúng cháu rất yêu nó nhưng nó lại thiếu văn minh khi thích ăn phân bò và chân những người Ấn Độ đi ngang qua. Nó ngủ trên giường cháu và khi ngủ đó là một con chó đáng yêu. Dù sao, nó có cá tính, chúng cháu thường tự bảo nhau như vậy …
Vào lúc các ni sư đang làm lễ puja (lễ cúng dường Chư Phật) buổi chiều. Cơn bão làm mất điện, do đó chỉ có ánh sáng lung linh của ngọn đèn bơ để giúp mọi người nhìn. Bây giờ thật giống như ở Tây Tạng. Từ căn phòng nhỏ của mình, cháu có thể nghe thấy tiếng chuông, trống và tụng kinh thật rõ ràng. Mọi thứ thật là tuyệt. Chúng cháu thường dến dự các buổi puja của các lạt ma vì chúng thường rất đẹp và các chuyển động biểu tượng ở tay [ấn quyết] của họ thật đáng yêu và hấp dẫn.
Cảm ơn cô đã đề nghị gửi một số thứ cho cháu, nhưng cháu thực sự không cần gì cả và thuế nhập khẩu cho mọi thứ ở đây đều là 100%. Cho cháu gửi tình thương tới Arthur, Graham, Martin, Kim và tất nhiên là tới cả cô nữa, cô Diane ạ.
Như những gì trong thư nói, Tenzin Palmo vẫn còn bị cuốn hút bởi sự hấp dẫn của người khác phái. Cô mới 20 tuổi, hấp dẫn, đầy sức sống, và sự phân chia thành hai phần [tâm linh và thế tục] của bản thân cô vẫn chưa được giải quyết. Như để nhấn mạnh tình thế khó xử của cô, một buổi chiều một vị ni sư mang tới cho cô ba bức thư. Một bức thư từ một bạn trai người Sri lanka than vãn chuyện cô đã bỏ ra đi và nài nỉ cô quay trở về Anh để lấy anh ta. Bức thứ hai là từ một bạn trai khác người Nhật nói rằng anh đã thay đổi quan điểm trước đây rằng không hôn nhân với người khác chủng tộc và muốn cô quay trở lại với anh ta. Và bức thư thứ ba là từ “vị hôn phu” người Nhật của cô, nói rằng các điều kiện sống mà cô viết nghe thật đáng sợ đến mức cô phải ngay lập tức bay đến Nhật – và anh ta gửi cho cô một tấm vé máy bay.
“Tôi cười phá lên. Vị ni sư mang thư đến hỏi tôi có chuyện gì xảy ra vậy. Tôi bảo với vị ấy: “Có ba người đàn ông nghĩ rằng tôi nên kết hôn với họ.” Vị ni sư hỏi tôi liệu tôi sẽ đồng ý với người nào. Tôi dừng lại một lúc và trả lời: “Con sẽ không lấy bất kỳ ai trong số họ cả. Con sẽ trở thành một ni sư.” Không ai trong số những người đàn ông đó nhận ra rằng tôi đang sống một thời kỳ tươi đẹp trong cuộc đời. Họ đều nghĩ rằng bởi vì tôi không có họ nên chắc chắn là tôi đang đau khổ. Họ chẳng hiểu gì cả. Vào lúc đó tôi nhớ lại tôi đã đến đây vì điều gì.”
Sự thực là có một vài người đàn ông mới thực sự thú vị và gây ấn tượng xuất hiện trong cuộc đời của Tenzin Palmo. Tác giả người Anh, John Blofeld, nổi tiếng với sự diễn giải của ông về các thiền sư và bản dịch tác phẩm Kinh Dịch, đã trèo lên đồi thăm cô. Cô đã viết cho ông sau khi đọc cuốn The Wheel of Life, miêu tả sự tìm hiểu đạo Phật của chính ông, được viết với tài hùng biện tinh tế. Cô diễn tả việc cuốn sách có ý nghĩa như thế nào đối với mình, và rất ngạc nhiên khi thấy ông viết thư trả lời. Sau đó, Tenzin Palmo viết một bức thư dài, kể về những kế hoạch của cô và John Blofeld trả lời, đưa ra những hướng dẫn và lời khuyên cho cô. Ông đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của cô cho đến khi ông mất vào năm 1987.
“Ông lớn tuổi hơn tôi nhiều nhưng chúng tôi đã có những kỷ niệm tuyệt vời. Ông ấy là một người bạn đáng mến và là một con người tuyệt vời – thông minh, tốt bụng. Ông là một người rất khiêm tốn, người có một lòng mến mộ chân thành đối với Pháp (con đường của đạo Phật) mà không có bất kỳ một chút kiêu ngạo nào. Đến lúc cuối cùng, ông viết cho tôi nói rằng ông càng ngày càng liên quan nhiều đến đạo Phật Trung Quốc, và bắt đầu nói tiếng Quan thoại như người Trung Quốc, để râu trắng, và khi nhìn vào gương, ông tự nhắc nhở rằng mình là một đạo sĩ. Tôi trả lời rằng tôi hy vọng ông để cả tóc và búi tóc ở trên đỉnh đầu với một cái trâm cài bằng ngọc bích [như một vị đạo sĩ cổ Trung Quốc] bởi vì nếu bạn dự định làm điều gì thì nó xứng đáng để được làm đúng.” Cô nói, trích dẫn thêm quan điểm sống của cá nhân cô. “Với ông ta điều đó là hết sức tự nhiên – giống như tìm ra lại một nhân cách vốn rất sâu lắng.”
Cô nói thêm: “Nhưng ông cũng có một mối liên hệ rất mạnh với Phật giáo Tây Tạng, đặc biệt là với đức Tara. Tuy nhiên, ông ghét những gì mà người Tây Tạng đưa cho chúng tôi ăn: bánh bao ngày hôm trước, và đậu lăng ngày hôm sau. Cá nhân tôi, tôi không thấy điều đó có gì sai lầm.”
Là một trong những người phương Tây đầu tiên ở đây, một lần nữa Tenzin Palmo lại ở trong hoàn cảnh thuận lợi để gặp một trong những lạt ma xuất sắc nhất của Phật giáo Tây Tạng, một nhân vật quan trọng như ngài Karmapa, đứng đầu tông Kargyu, dòng tái sinh của người còn xuất hiện trước cả dòng tái sinh của Đạt lai Lạt ma. Ông được toàn thể người dân Tây Tạng tôn trọng và sùng kính.
“Đó là một thời khắc tuyệt vời. Vào thời gian đó, nếu bạn là một người phương Tây yêu thích Pháp, tất cả mọi người đều vui vẻ và đối xử tốt với bạn, và mọi cánh cửa đều rộng mở.” Cô kể lại. “Tôi nhớ lần đầu tiên tôi gặp ngài Karmapa, tôi rất sợ sệt vì thấy ngài rất nghiêm khắc, giống như Napoleon vậy. Tôi đi vào và bắt đầu quỳ lạy và nghe thấy tiếng cười. Tôi nhìn lên và thấy ngài đang nở nụ cười với lúm đồng tiền lớn, vừa chỉ tay vừa nói: “Ai đây? Ai đây?”. Vào lúc đó, chúng tôi thực sự được trải thảm đỏ tiếp đón, chứ không giống như bây giờ.”
Vào một ngày tháng Sáu, chỉ ba tháng sau khi cô đến Dalhousie, cô được gặp đức Đạt lai Lạt ma. Cô mặc một bộ quần áo Tây Tạng cổ truyền – một chiếc váy quấn quanh người, dài đến sàn gọi là chuba, bên trong là một cái áo cánh mầu xanh đen trước kia là của một công chúa. Nó ấm áp và tao nhã. Đạt lai Lạt ma mở đầu: “Trông con giống như một quý bà đến từ Lhasa”. Sau đó là một câu hỏi khó hiểu hơn nhiều: “Ồ, ni sư, việc tu hành của con có tốt đẹp không?”
Người phiên dịch làm cho Tenzin Palmo bối rối. Anh ta nói: “Tôi không hiểu tại sao ngài lại gọi cô là ni sư, và việc chào đón này vốn chỉ dành riêng cho trường hợp hai ẩn sĩ nói chuyện với nhau.” Có phải Đạt lai Lạt ma với cái nhìn sáng suốt thần kỳ [thiên nhãn minh] của mình đã nhìn thấy điều gì sẽ xảy ra trong tương lai và có thể cả những gì đã xảy ra trong quá khứ hay không?
Tenzin Palmo nhìn Đạt lai Lạt ma và nghe thấy bản thân mình đang nói: “Không, con không đến từ Lhasa, con là người vùng Kham.” Nghĩa là cô sinh ra từ vùng Kham, một vùng ở phía Đông Tây Tạng. Cô không biết tại sao cô lại nói như vậy – cô không có chút kiến thức nào về Kham và người vùng Kham cả.
Đức Đạt lai Lạt ma hỏi tiếp: “Kế hoạch của con là gì?”
“Ngài chắc hẳn biết rằng phần tốt đẹp nhất của mọi kế hoạch đều sẽ tàn lụi.” Tenzin Palmo trả lời với sự dũng cảm rằng thế nào trong những ngày sau cô cũng sẽ còn gặp lại đức Đạt lai Lạt ma một lần nữa với một chủ đề quan trọng hơn.
Một tuần sau cuộc gặp gỡ đầy triển vọng này, Tenzin Palmo đã găp người đàn ông quan trọng nhất trong cuộc đời mình – người mà cô đã đến Ấn Độ để tìm gặp.