Chương 1: Gặp gỡ
Tôi nhớ lại đó là một nơi kỳ lạ khi lần đâu tiên tôi gặp cô ấy. Lúc đó là vào giữa thu, tại vùng Pomaia, một thị trấn nhỏ nằm trên cao giữa những đồi núi vĩ đại của Tuscany, cách Pisa khoảng một giờ đi xe. Khi đó là vào cuối giờ trưa, không khí khô nóng và đầy mùi thơm của lá thông. Tòa lâu đài cổ kính hùng vĩ một thời với những bức tường mầu nâu vàng, những cửa sổ hình vòm, và mái nhà cổ kính tỏa sáng lung linh trong mặt trời tháng Tám, và chỉ có âm thanh của những chú ve mới phá vỡ sự yên tĩnh của giấc ngủ trưa. Chỉ vài tiếng nữa thôi, khu trung tâm thị trấn sẽ thức dậy, sống động trong buổi chiều tối. Những cửa hàng nhỏ bán các món hàng lặt vặt như xúc xích, bánh quy và xăng đan sẽ mở cửa và vài ông già sẽ tập trung trong quảng trường để bàn về những công việc trong thị trấn và những câu chuyện về tình hình chính trị trong vùng. Sự ngọt ngào đậm chất Italy, nơi tất cả mọi thứ dường như cùng hiệp lực để mang đến sự thoải mái cho mọi giác quan, hoàn toàn tương phản với thế giới [ẩn tu] mà cô vừa bước ra.
Khi tôi gặp cô ấy lần đầu tiên, cô đang đứng trong sân của tòa lâu đài, dưới bóng râm của một lùm cây – một người phụ nữ trông có vẻ yếu đuối, mới bước vào độ tuổi trung niên, với nước da trắng và cái lưng còng. Cô mặc những chiếc áo choàng dài màu nâu sẫm và màu vàng của ni sư Phật giáo với mái tóc được cắt ngắn theo truyền thống. Vây quanh cô là một nhóm phụ nữ. Chỉ nhìn thoáng qua, bạn có thể thấy rằng cuộc nói chuyện khá sôi nổi trong bầu không khí thân mật. Đó là điều dường như không được phép, nhưng trong một khóa tu thiền dài một tháng của đạo Phật đó thì điều đó phần nào cũng không khác thường.
Tôi và khoảng 50 người khác, từ khắp nơi trên thế giới, tập trung ở đây để tham gia khóa tu này. Những khóa tu như thế này đã trở nên thường lệ và là một phần thú vị trong cuộc đời tôi kể từ khi tôi tình cờ gặp các lạt ma tại Nepal từ năm 1976 và khám phá ra giá trị phong phú trong thông điệp của họ. Những cuộc trao đổi sống động, như những gì tôi đang chứng kiến, là một đợt giải lao sau những giờ ngồi bó gối nghe những lời dạy của đức Phật hay nỗ lực trong việc ngồi thiền đầy cam go.
Vào tối hôm đó, khi đang ăn tối dưới bầu trời đầy sao, quét dầu olive vào những khoanh bánh mì lớn, người đàn ông ngồi bên cạnh tôi làm cho tôi chú ý đến cô ấy một lần nữa. Cô đang ngồi cạnh bàn, một lần nữa lại được mọi người vây quanh, và đang nói chuyện với họ một cách sôi nổi.
Người đàn ông nói: “Đó là Tenzin Palmo, một người phụ nữ Anh. Cô tu thiền 12 năm trời trong một hang động cao hơn 4.000 mét trên dãy Himalaya. Phần lớn thời gian đó cô ấy sống hoàn toàn một mình. Cô ấy chỉ vừa mới từ đó ra.”
Cái nhìn thoáng qua của tôi giờ đã trở nên tò mò hơn.
Trong nhiều năm qua, tôi đã đọc về những nhân vật như vậy – những hành giả yoga vĩ đại từ Tây Tạng, Ấn Độ, và Trung Quốc, những người từ bỏ tất cả các tiện nghi của thế gian, đi tới những hang động hẻo lánh để thực hiện việc thiền quán thâm sâu liên tục nhiều năm liền. Đó là những bậc thầy tâm linh, con đường của họ là con đường khó nhất và đơn độc nhất trong tất cả [các con đường]. Tôi đọc rằng tất cả đều một mình, mặc một chiếc áo choàng đơn giản hay một chiếc khố mong manh, họ đối diện với những điều dữ dội nhất: gió bão gào thét, bão tuyết trêu đùa, cái rét cóng người. Thân thể họ trở nên gầy mòn một cách đáng sợ, tóc họ xỉn đi và mọc dài tới tận thắt lưng. Họ đối diện với thú hoang và bọn trộm cướp, những kẻ không đếm xỉa gì tới sự thánh thiện của họ, đánh đập họ nhừ tử và bỏ mặc họ lại cho cái chết. Nhưng tất cả những điều đó cũng không thể so sánh được với việc phải đối diện với những sự biến đổi thất thường trong chính tâm trí họ. Nơi đây, tách rời khỏi những điều phiền nhiễu của đời sống thế tục, tất cả những yêu ma quỷ quái ngủ ngầm [trong tâm hồn] nay thức dậy và quấy rối họ. [Chúng là] Sự giận dữ, tính đa nghi, lòng ham muốn, tính dâm dục (đặc biệt là tính dâm dục). Họ phải vượt qua tất cả nếu như muốn giành chiến thắng. Họ vẫn duy trì được. Những gì họ trở thành sau đó là phần thưởng rực rỡ nhất trong tất cả - Sự Giác Ngộ, một tâm hồn rộng mở để chứa đựng sự thực phổ quát. Một trạng thái trong đó những gì không thể biết được lại được nhận biết. Sự thấu hiểu toàn bộ, không thiếu kém chút nào. Và kèm theo đó là hạnh phúc cao thượng và một sự bình an phi thường. Đó là trạng thái cao nhất của tiến hóa mà con người có thể đạt tới.
Tôi đã đọc. Nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ gặp tại đây, Pomaia, Italy một người như vậy bằng xương bằng thịt, người dường như đã bước ra từ những huyền thoại và truyền thuyết, người hiện đang ngồi đây bình thường giữa chúng tôi cứ như là cô ấy không làm điều gì quan trọng hơn là vừa mới bước xuống từ xe buýt sau một chuyến đi mua sắm. Hơn nữa, đây không phải là một hành giả yoga phương Đông, như trong các câu chuyện, mà là một người phương Tây hiện đại. Và điều đáng ngạc nhiên nhất, đó là một phụ nữ.
Tâm trí tôi tràn ngập những câu hỏi. Điều gì đã khiến một người phụ nữ Anh hiện đại sống trong một chiếc hang tối, ẩm ướt trên vùng núi cao giống như một người đàn bà trong hang động thời tiền sử? Làm sao cô ấy sống sót được trong cái giá lạnh cùng cực? Cô ấy đã làm gì với [khi không có] thức ăn, nhà tắm, chiếc giường ngủ và điện thoại? Làm sao cô ấy tồn tại mà không có sự nồng ấm của tình bạn trong suốt những năm tháng đó? Cô đã đạt được điều gì? Và, tò mò hơn, làm sao cô sống được trong sự thinh lặng và cô độc nghiêm ngặt, vốn trái ngược với thói ưa thích tán gẫu của những người phụ nữ tại các bữa tiệc cocktail?
Tuy nhiên, sự tò mò xuất hiện đột ngột đã nhanh chóng kéo theo lòng cảm phục không chút bối rối pha chút kính sợ trong tôi. Người phụ nữ này đã mạo hiểm trong một lĩnh vực mà tôi biết rằng tôi sẽ không bao giờ dám làm. Lòng khao khát học hỏi của cô, không như của tôi, đã đấy cô ra xa khỏi sự an toàn của những khóa tu thiền bốn tuần có những điều kiện đảm bảo cho một sự quay trở lại nhanh chóng với đời sống bình thường. Từ những kinh nghiệm ít ỏi tầm thường của mình, tôi biết rằng sự ẩn tu là công việc vô cùng khó khăn liên quan tới những sự lặp đi lặp lại không bao giờ dứt của những bài cầu nguyện giống nhau, những mantra giống nhau, những đồ hình (quán tưởng) giống nhau, những lần ngồi thiền quán giống nhau – ngày này qua ngày khác. Bạn ngồi trên cùng một chiếc nệm, tại cùng một chỗ, nhìn cùng một người, tại cùng một địa điểm. Đối với một số người đã quen thuộc với tính cách hiện đại của sự kích thích liên tục và thay đổi nhanh chóng, sự chán ngắt đơn điệu như vậy là vô cùng đau khổ. Chỉ có ánh sáng lung linh nhỏ bé nhất của nhận thức, và cảm giác phi thường của sự bình an sâu lắng mới làm cho nó có giá trị. Sự buông bỏ hoàn toàn là một bài kiểm tra tính nhẫn nại, sự cản đảm và niềm tin vào mục tiêu cuối cùng.
Ngày hôm sau, tôi lại nhìn thấy cô ấy ở trong vườn, lần này thì cô đang ngồi một mình, và tôi thấy rằng đây là cơ hội để tôi có thể gặp cô. Liệu cô có phiền nếu như tôi bắt chuyện với cô một lúc? Nụ cười sảng khoái khi đón chào và cặp mắt xanh sắc sảo nhìn chằm chằm kiên định vào trong tôi. Ở đây tỏa ra sự bình an, lòng tốt, tràng cười nữa, và đặc tính nổi bật nhất là sự sáng suốt không có lỗi lầm. Người phụ nữ này như đang tỏa sáng. Trên thực tế, cô là người có bề ngoài hấp dẫn nhất – gương mặt có nét, một cái mũi dài và đôi tai nhỏ nhắn, gọn gàng. Có thể do mái tóc ngắn và việc không trang điểm nên cũng có phảng phất vài nét nam tính kín đáo trên khuôn mặt cô.
Chúng tôi bắt đầu nói chuyện. Cô nói với tôi rằng cô đang sống ở Assisi trong một căn nhà nhỏ trong vườn của một người bạn, và đang tận hưởng cuộc sống ở đó. Cô nói cô được mời đến ở đó, sau khi thời gian ẩn tu của cô chấm dứt. Việc cô đến đó dường như là rất tự nhiên. Tôi biết rằng cô xuất gia năm 1964, khi mới 21 tuổi, từ rất lâu trước khi phần lớn chúng tôi biết đến sự tồn tại của Phật giáo Tây Tạng. Tôi nghĩ điều đó làm cho cô trở thành người ni sư theo Phật giáo Tây Tạng đầu tiên trong thế giới phương Tây. Tuy nhiên, 30 năm sống độc thân là một thời gian dài. Có phải cô chưa bao giờ mong muốn có người yêu, kết hôn hay có con trong suốt thời gian đó hay không?
Cô ngả đầu về phía sau, cười và trả lời: “Điều đó [nếu xảy ra] sẽ là một thảm họa. Đó thực sự không phải là con đường của tôi. Tôi thực sự không mong đợi một điều náo nhiệt như vậy sau 12 năm sống trong hang động.”
Tôi hỏi điều gì đã khiến cô sống ở đó, trong hang động.
“Cuộc đời tôi như một dòng sông, nó chảy từ từ theo một hướng.” Cô trả lời, dừng lại một chút và nói thêm: “Mục đích của cuộc đời là nhận ra bản chất tâm linh của chúng ta. Và để đạt được điều đó mỗi người cần phải ra đi và thực hành, để gặt hái những hoa trái của con đường, nếu không bạn sẽ chẳng có gì để trao truyền cho bất kỳ ai.”
“Có điều gì khiến cô nhớ nhung không?”
“Tôi nhớ thầy của tôi, ngoài ra tôi không nhớ gì cả. Ở đó tôi rất hạnh phúc và có tất cả những gì tôi muốn.” Cô nói lặng lẽ.
“Nhưng đi tới sống trong hang động không phải là một lối thoát, một sự lẩn trốn những thử thách của đời sống “thế tục” chứ?” Tôi tiếp tục trao đổi và đặt câu hỏi vào điều mà chúng tôi thấy không đồng ý nhất với các bậc ẩn tu, điều thường choán tâm trí của chúng tôi trong cuộc đời trần tục.
“Hoàn toàn không. Đối với tôi cuộc sống thế gian mới là một sự lẩn trốn.” Cô đáp lại ngay lập tức. “Khi bạn có một vấn đề, bạn có thể bật vô tuyến, gọi điện cho một người bạn, đi ra ngoài uống cafe. Tuy nhiên, trong hang động, bạn không có ai để dựa vào ngoại trừ chính bản thân bạn. Khi vấn đề phát sinh và mọi thứ trở nên khó khăn, bạn không có sự lựa chọn nào ngoài việc chịu đựng nó và vượt qua phía bên kia. Trong hang động, bạn đối diện với bản chất thô thiển của chính bạn, bạn phải tìm ra con đường làm việc với nó, giải quyết nó.” Lý lẽ của cô quả là không thể bác lại được.
Đó là một cuộc gặp gỡ đáng nhớ. Đúng như những gì tôi nhìn từ xa, Tenzin Palmo là một người cởi mở và nhã nhặn.
Cô cũng thích trao đổi và ăn nói lưu loát, và thể hiện một tâm hồn sâu sắc và mạnh mẽ. Cô cũng bộc lộ đức tính đặc biệt thực tiễn làm xua tan ngay lập tức bất kỳ ý niệm sáo rỗng nào về một “thiền giả xa lạ”. Và sau sự sôi nổi, hoạt bát là một sự yên tĩnh sâu thẳm, một sự bình an nội tâm mênh mông như là không gì có thể, hay sẽ đập vỡ [sự bình an của] cô, dù cho nó có khích động mạnh đến đâu. Khi hết khóa tu, tôi nghĩ có lẽ chúng tôi sẽ không bao giờ còn gặp nhau trên con đường của mình nữa. Nhưng rồi một ngày, khoảng vài tháng sau, tôi cầm một tờ tạp chí đạo Phật và nhìn thấy trong đó một bài phỏng vấn về Tenzin Palmo. Ở giữa bài báo, trong một đoạn văn được đóng khung giữa dòng, có một câu nói nhỏ:
“Tôi nguyện sẽ đạt giác ngộ trong hình tướng người nữ - dù cho có phải trải qua bao nhiêu kiếp sống đi chăng nữa.” Tenzin Palmo nói.
Tôi dừng lại. Lời nói ấy của cô làm tôi giật mình, vì cớ gì mà Tenzin Palmo tuyên bố một cách thiếu suy nghĩ như vậy, nó như một hành động bâng quơ vô nghĩa chứ không mang tính cách mạng. Cô hứa sẽ trở thành một vị Phật nữ (cũng như Chúa nữ và ngài Mohammed nữ), một điều đặc biệt hiếm có trên thế gian này. Rõ ràng là có rất nhiều những huyền thoại và các bậc thánh nữ được tôn vinh ở mọi nơi trên thế giới, nhưng sự kết tinh đầy đủ nhất của thánh nhân, trong vòng ít nhất là vài nghìn năm nay, là lĩnh vực dành riêng cho đàn ông. Vì một vài lý do, thân thể người nữ được coi là phương tiện không phù hợp hay không xứng đáng để chứa đựng điều thiêng liêng nhất. Giờ đây Tenzin Palmo tuyên bố công khai rằng cô dự định lật đổ hoàn toàn những định kiến đó. Đó là một tuyên bố dũng cảm và táo bạo. Thậm chí là một tuyên bố liều lĩnh. Một điều có thể dễ dàng đi vào quên lãng như sự ra vẻ ta đây hay một mơ tưởng không thực tế. Liệu đó có phải là Tenzin Palmo với những thành tích về khả năng thiền định và lòng kiên trì phi thường. Chắc là cô ấy sẽ làm điều đó. Nếu nó không diễn ra trong kiếp này, nó có thể xảy ra trong kiếp sau hoặc kiếp sau nữa.
Niềm hy vọng trong tôi tăng lên. Đó là điều mà tôi có thể chờ đợi trong nhiều năm liền. Từ khi tôi mới bắt đầu tìm hiểu đạo Phật, tôi đã nghe rằng tất cả chúng ta, dù là đàn ông hay đàn bà, đều có hạt giống của sự giác ngộ hoàn toàn. Đó là khả năng bẩm sinh của chúng ta, di sản tự nhiên của chúng ta, các lạt ma đã nói như vậy từ trên những chiếc ngai thêu kim tuyến đặt trên cao của các ngài. Phật tính là thứ tỏa sáng từ bên trong, giống như chuỗi ngọc vô giá, và tất cả những gì chúng ta phải làm là khám phá nó. Trách nhiệm đó là của chúng ta và riêng của chúng ta. Làm sao triết lý đó lại có thể lôi cuốn được một người phụ nữ độc lập tạo dựng con đường của riêng mình trên thế giới này! Điều đó sẽ đòi hỏi sự siêng năng và nỗ lực trong suốt cuộc đời, các lạt ma nói tiếp, nhưng nếu chúng ta bắt đầu lên đường thì cuối cùng phần thưởng cao thượng cũng sẽ là của chúng ta.
Ít nhất thì đó cũng là lý thuyết. Tuy nhiên, trên thực tế, tấm gương về những người phụ nữ hoàn thiện về tâm linh là rất ít ỏi. Đúng vậy, có nhiều vị Phật nữ trong tranh và tượng thạch cao – để bày tỏ lòng kính trọng với ý tưởng sự thánh thiện nữ tính trong tất cả các hình thức tuyệt vời và đa dạng của nó. Bạn có thể tìm thấy những điều đó ghi dấu trên tất cả các bức tường tại các ngôi đền và trong các khu vườn của các tu viện, những đối tượng xứng đáng cho sự tôn sùng và cầu nguyện. Một số hình tướng đẹp đẽ, số khác hiền hòa, số khác mạnh mẽ hay khá quyến rũ. Nhưng đâu là các ví dụ thực tiễn? Càng tìm kiếm tôi càng thấy không có dấu hiệu nào chỉ ra rằng người phụ nữ đã đạt tới bất kỳ vị trí nào trong những điểm mốc thành tựu của con đường tâm linh. Những lạt ma đang dạy chúng tôi là đàn ông, các đức Đạt lai Lạt ma (cả 14 vị) đều là đàn ông, những người nắm giữ các dòng truyền thừa có quyền lực, những người gánh vác trọng trách của toàn bộ truyền thống là đàn ông, những vị tulku đáng kính trọng, các lạt ma tái sinh được công nhận đều là đàn ông, đa phần những người của tu viện, những người choán hết chỗ trong các ngôi đền và các trường học là đàn ông; sự thành công của những bậc thầy, những người đã tới phương Tây để truyền cảm hứng cho những người tìm đạo mới, đầy háo hức là đàn ông. Những người đàn bà đã ở đâu trong tất cả những lĩnh vực này? Thành thực mà nói, điều đó không chỉ xảy ra đối với Phật giáo Tây Tạng vốn quá thiên về nam giới, mà cả trong đạo Phật tại Nhật, Thái Lan, Sri Lanka, Mianma – thực tế là từ tất cả các quốc gia phương Đông, có lẽ là trừ Đài Loan. (Thậm chí ngay cả tôn giáo trên quê hương của tôi, đạo Thiên Chúa, với sự khẳng định kiên quyết vào vị Chúa Trời đàn ông và sự e sợ của nó đối với nữ tu sĩ, cũng không khá hơn gì.) Đâu là những bậc thầy nữ giới cho những người phụ nữ chúng tôi noi theo? Trên thực tế, tinh thần tâm linh của người phụ nữ là như thế nào? Chúng tôi chẳng có một ý niệm nào cả. Thực tế là mặc dù đức Phật nói rằng tất cả chúng ta đều có thể phát triển trên chiếc thang tiến hóa tâm linh tới Giác ngộ, nhưng không có bằng chứng nào chứng tỏ người phụ nữ thực sự có thể làm được điều đó. Thật đáng thất vọng khi phải nói rằng các hành giả nữ đang cố gắng theo đuổi con đường Đạo vẫn chỉ mới đang ngồi dưới chân các lạt ma.
Chúng ta hy vọng rằng rất gần trong tương lai điều không thể sẽ trở thành có thể. Những người đàn bà chúng tôi rất cần những nhà quán quân để dẫn đầu trên con đường này. Đó là vấn đề thời gian. Thế kỷ XX đã chứng kiến sự giải phóng nữ giới diễn ra từ tốn và vững chắc trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, ngoại trừ lĩnh vực tôn giáo. Giờ đây, hai phút trước thiên niên kỷ mới, dường như làn sóng cuối cùng của sự giải phóng phụ nữ đã sẵn sàng bắt đầu. Nếu như xảy ra, nó sẽ là làn sóng to lớn nhất. Sự giải thoát của những người phụ nữ cuối cùng chắc chắn là một vị Phật nữ, một chúng sinh giác ngộ hoàn toàn. Trong ánh sáng của đại nguyện, thành tựu phi thường của Tenzin Palmo trong việc thiền quán suốt 12 năm trời trong hang động trên dãy Himalaya là một đột phá bất ngờ vào trong lãnh địa của nỗ lực chung này.
Tôi quyết định tìm gặp cô một lần nữa. Bây giờ tôi đã có thêm nhiều điều cần biết. Thực sự cô là ai, cô từ đâu tới, cô đã học được gì từ trong hang động đó, điều gì đã khiến cô phát ra lời nguyện trên – và liệu cô có phiền nếu như trở thành nhân vật chính trong một cuốn sách hay không? Miễn cưỡng, rất miễn cưỡng, cô đã đồng ý chỉ sau khi nghĩ rằng cuốn sách sẽ truyền cảm hứng, thôi thúc những người phụ nữ khác, và giúp cho dự án hiện nay của riêng cô bằng cách giúp đỡ cho sự giác ngộ của những người phụ nữ khác. Và trong năm sau, tôi lần theo dấu những nơi cô đã đi qua, ở Singapore, Luân Đôn, Seatle, California và Ấn Độ, những nơi cô đã trải qua một cách sống rất khác lạ, và dần dần chắp nối lại cùng với nhau những yếu tố của sự phi thường của cô và, như một số người có thể nói, một cuộc sống khác với tự nhiên nhất. Tôi đã nói chuyện với những người từng biết đến cô và đã đến thăm các địa điểm từng là trọng tâm trong cuộc đời cô. Thậm chí, với những khó khăn to lớn, tôi đã tìm ra hang động nơi cô từng ẩn tu và đã trèo lên vùng cao thiếu dưỡng khí và tự mình chứng kiến nơi cư ngụ của cô, kinh ngạc với những nhận thức đúng đắn mới về những gì mà cô đã trải qua.
Sau đây là câu chuyện của Tenzin Palmo – hành trình tìm giác ngộ của một phụ nữ.